Đào Lâm chau mày:
- Đương nhiên còn nhiều chuyện nực cười nữa, đó là những chuyện nói về bảy quái nhân bị giới võ lâm bỡn cợt, đâu có gì đáng nói.
Dị Cư Hồ nghiêm giọng:
- Phu nhân, năm xưa lúc ta mới học võ công cũng có nghe sự tích ấy, đương nhiên ta cũng nghĩ đó là do người hiếu sự đã bịa đặt. Nhưng lần nọ, ta đã tin đó chính là sự thật, quả đúng là từng có bảy quái nhân Ba Tư định trở thành tôn chủ võ lâm Trung Nguyên.
Đào Lâm cười:
- Sao lại có thể vậy được? Bản thân họ không biết chút võ công, sao lại có thể trở thành lãnh tụ võ lâm Trung Nguyên? Trừ phi họ là một lũ điên thôi.
- Phu nhân hãy nghe ta nói, khi xưa ta ở trong Ma Giáo, rất được Quách lão ma chủ tín nhiệm, lão ma chủ bởi tuổi già nên rất biếng xử lý giáo sự, trên thực tế chính ta mới là giáo chủ. Hôm nọ, khi sắp xếp lại thư điển trong giáo, ta đã phát hiện một quyền sách bìa da nhỏ.
Đào Lâm cảm thấy hứng thú hỏi:
- Trong sách nói gì vậy?
- Quyển sách ấy chính là nhật ký của Ma Giáo bắc phái cách nay đã hơn ba trăm năm, may nhờ chữ viết bằng máu dê, tuy lâu năm cũng chỉ trở thành màu vàng chứ chưa phai nhòa. Ta tiện tay lật ra xem, vào ngày ba tháng ba có ghi là "Hôm nay có bảy người Ba Tư đem biếu một mâm mã não và một mâm phỉ thúy".
Đào Lâm nhướng mày:
- Người Ba Tư vốn đa số buôn bán châu báu, đem biếu châu báu cho Ma Giáo thì cũng đâu có gì là lạ.
Dị Cư Hồ gật đầu:
- Đúng vậy, nhưng ta lại lật xem tiếp, từ ngày ba đến ngày chín đều ghi là "Bảy người Ba Tư đến bàn luận với giáo chủ" và sau cùng là "Giáo chủ đã đi cùng với bảy người Ba Tư".
Đào Lâm bực mình:
- Vậy cũng đâu có gì là lạ?
Dị Cư Hồ cười:
- Có một việc kỳ lạ phu nhân không biết đâu.
- Việc gì?
- Vị giáo chủ Ma Giáo bắc phái đời ấy kể từ hôm ra đi đã biệt vô âm tín, và vì lẽ ấy Ma Giáo cũng rối loạn hết bảy tám năm.
- Vì sao vậy?
- Lúc bấy giờ ta cũng không biết là vì sao. Về sau, ta đã nhớ đến truyền thuyết về bảy người Ba Tư kia, nhất định là họ có thật trên đời, và quả là họ cũng muốn trở thành tôn chủ võ lâm Trung Nguyên. Đương nhiên, bản thân họ không phải vì võ công, nhưng nhất định là họ có điều kiện gì khác, nhưng có lẽ vì điều kiện của họ không thỏa đáng nên mọi người mới cho họ là điên khùng thôi.
Đào Lâm vốn thông minh, vội nói:
- Vậy thì giáo chủ đời ấy đã tin lời họ phải không?
Dị Cư Hồ gật đầu:
- Đúng vậy, trong quyển nhật ký đã ghi, vị giáo chủ ấy đã bàn luận với họ suốt năm hôm liền, nhất định đã bị họ thuyết phục.
Đào Lâm lắc đầu, bởi sự việc thật quá khó tin, nàng vẫn chưa tin lời Dị Cư Hồ, nên nói:
- Thiếp vẫn không tin, nếu như có vật gì có thể khiến kẻ được nó sẽ trở thành võ lâm chí tôn, vì sao bảy quái nhân Ba Tư kia không tự tìm lấy chứ?
- Vì sự việc đã cách quá lâu, chúng ta chẳng thể nào biết rõ tận tường được.
- Vậy thì liên quan gì đến Thông Thiên Bửu Long kia chứ?
Dị Cư Hồ cười cười:
- Mối liên quan giữa hai truyền thuyết này, khắp thiên hạ có lẽ không quá mười người được biết.
Đào Lâm nóng ruột:
- Phu quân nói mau đi!
- Phu nhân đừng nóng ruột, ta đã nhận thấy hành động của bảy người Ba Tư không phải chỉ là sự đồn đại mà quả đúng là sự thật, tất nhiên đã gợi cho ta niềm hứng thú to lớn. Sau nửa năm tìm kiếm, ta lại phát hiện vị giáo chủ ấy trước khi ra đi đã có để lại một bức thư cho giáo chúng.
- Ồ, vậy là sự thật đã rõ trắng đen rồi còn gì?
Dị Cư Hồ thở dài:
- Nếu ta mà được xem bức thư ấy tất nhiên đã rõ trắng đen rồi, nhưng đáng tiếc là bức thư ấy đã biến mất, đó chỉ là được ghi chép lại thôi. Và người ghi chép hiển nhiên cũng hết sức lưu ý đến bức thư ấy, nên đã chú thêm một giòng chữ nhỏ bên dưới là "Bức thư này liên quan đến vận mệnh của bổn giáo".
Đào Lâm chau mày lắc đầu:
- Thiếp chẳng thấy có chút liên quan nào cả, phu quân hãy nói nghe xem!
Dị Cư Hồ mỉm cười:
- Thoạt xem dĩ nhiên là chẳng dễ nhận thấy, nhưng nghĩ kỹ lại thì chứng tỏ sự ra đi của vị giáo chủ ấy là có chuẩn bị, và còn biết chuyến đi nhất định sẽ rất lâu, cho nên đã sắp xếp sẵn mọi sự trong giáo, nhưng rốt cuộc bức thư ấy có lẽ đã bị kẻ có dã tâm trong giáo lấy mất, chưa được công khai tuyên bố nên mới khiến cho nội bộ Ma Giáo đại loạn.
Đào Lâm thoáng ngẫm nghĩ:
- Cũng có lý, phu quân nói tiếp đi!
Dị Cư Hồ nhíu mày:
- Sau đó ta đã tra xem danh tánh của các cao thủ từ giáo chủ trở xuống, phát hiện một người có chức vị rất cao và hành động hết sức phóng túng, bèn lưu ý kiểm tra mọi sự của người này. Ta phát hiện ra sau khi giáo chủ ra đi, y đã nghiễm nhiên trở thành giáo chủ, nhưng về sau lại bị giáo chúng hạ sát, giai đoạn lúc sắp chết của y được ghi chép rất tỉ mỉ, đáng chú ý nhất là những lời nói của y trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Đào Lâm vội hỏi:
- Những lời nói ấy có liên quan đến bảy quái nhân Ba Tư phải không?
Dị Cư Hồ gật đầu:
- Phu nhân quả thông minh hơn người. Trước lúc chết, người ấy hẳn là thọ thương rất trầm trọng, nên dù được ghi lại một cách thiết thực mà cũng đứt quảng, tổng cộng có mấy mươi chữ, ta đã thuộc lòng hết.
Đoạn lão nhắm mắt ngẫm nghĩ một lúc, ghìm cương cho ngựa giảm tốc độ, nói:
- Y nói "Giáo chủ... tây Côn Lôn... người Ba Tư mang đến... bảy con Thông Thiên Bửu Long... ông ấy không về được nữa... Các ngươi chớ mơ... chớ mơ tưởng... ta đã biết hết... mọi sự", chỉ bấy nhiêu thôi.
Đào Lâm ngẫm nghĩ một lúc, đoạn hỏi:
- Phu quân, giờ chúng ta đến tây Côn Lôn phải không?
Dị Cư Hồ gật đầu:
- Đúng vậy! Người chuyên trách ghi chép lúc ấy có lẽ còn thiếu sót, bởi từ dạo đó trong võ lâm lại có thêm một tin đồn về Thông Thiên Bửu Long, bảo là bảy con Thông Thiên Bửu Long có thể hướng dẫn đến miền tây phương cực lạc, nếu đến được nơi đó mà còn có thể trở về Trung Nguyên thì người đó sẽ trở thành nhân vật đệ nhất thiên hạ.
Đào Lâm cười khẩy:
- Võ công của phu quân đã có thể gọi được là đệ nhất thiên hạ rồi, chả lẽ còn muốn đến miền tây phương cực lạc hư vô kia nữa sao?
Dị Cư Hồ cười:
- Phu nhân đã nói sai hoàn toàn, võ công ta tuy cao, nhưng chẳng phải không có kẻ có võ công tương đương với ta, chưa phải là đệ nhất thiên hạ đâu. Vả lại, miền cực lạc tây phương kia, nay xem ra cũng chẳng phải một tin đồn thất thiệt.
- Căn cứ vào đâu?
- Nay ta đã biết rõ bảy con Thông Thiên Bửu Long không phải là rồng thật, mà chỉ là bảy con rồng nhỏ bằng vàng, chính phu nhân đã trông thấy rồi đó.
Đào Lâm lặng thinh, Dị Cư Hồ lại nói tiếp:
- Bảy con rồng vàng nhỏ này đã xuất hiện đầy đủ, chứng tỏ miền đất có thể khiến người trở thành đệ nhất thiên hạ cũng chính là có thật trên đời này.
Đào Lâm thầm nghĩ, mình đã trăm phương ngàn kế muốn thoát khỏi tầm tay của Dị Cư Hồ, thậm chí chấp nhận cùng chết với y để cứu mạng cho Lý Thuần Như. Giờ đây Dị Cư Hồ đã tin lời đồn kia là sự thật, định đi đến Côn Lôn. Nơi đây tuy đã là Tây Vực, song muốn đến Côn Lôn, lộ trình không dưới mười vạn dặm, Dị Cư Hồ đi xa như vậy thì cũng tốt thôi.
Do đó, Đào Lâm bèn gật đầu nói:
- Vậy thì chúng ta hãy cùng đi, nếu phát hiện được điều bí mật mà người trước chưa phát hiện thì cũng tốt thôi.
Dị Cư Hồ tuy thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lúc này một lòng chỉ nghĩ đến miền đất có thể khiến người trở thành đệ nhất thiên hạ, nên cũng chẳng chú ý đến lòng dạ thật sự của Đào Lâm. Y chỉ tưởng Đào Lâm đã động lòng bởi những lời lẽ của mình nên đồng ý cùng đi. Y không khỏi vui mừng cất tiếng huýt dài liên hồi, rồi giục ngựa phóng vút đi, liên tiếp ba hôm đều thẳng tiến về hướng tây.
Qua ngày thứ tư, chỉ thấy một con sông to cản đường. Dị Cư Hồ bèn cho ngựa chạy dọc ven sông, trên đường vẫn luôn xem tới xem lui mảnh vải gai kia.
Khoảng giữa trưa, Đào Lâm bỗng trông thấy hai bóng người sóng vai nhau chậm bước đi trên bờ sông hoang vắng, qua bóng dáng sau lưng, đó là một nam một nữ, nữ nhân tóc dài phủ vai, dáng người mảnh mai yểu điệu, toàn thân y phục trắng, chưa trông thấy mặt cũng đủ biết đó là một mỹ nhân tuyệt sắc.
Bóng dáng hai người vừa đập vào mắt, Đào Lâm đã cảm thấy hết sức quen thuộc.
Định thần nhìn kỹ, Đào Lâm liền nghe tim đập dữ dội, khi đến gần hơn, hai người kia bỗng ngoảnh mặt lại.
Đào Lâm không cầm được, nước mắt tuôn trào, thốt chẳng nên lời, định thần một hồi lâu mới cất tiếng gọi:
- Ca ca!
Lúc này, nam nhân kia cũng đã nhào tới, lớn tiếng gọi:
- Muội muội!
Đào Lâm lăn xuống ngựa, nhào tới nắm tay đối phương, người ấy chẳng phải ai khác, chính là Đào Hành Khản.
Và thiếu nữ áo trắng cũng đã quay người lại, chính là Dị Ngọc Phụng.
Trong khi hai anh em Đào Hành Khản thân thiết nắm chặt lấy nhau, thì hai cha con Dị Cư Hồ lại lạnh lùng nhìn nhau. Dị Ngọc Phụng mặt lộ vẻ cực kỳ cao ngạo và có phần khinh miệt.
Hồi lâu, Dị Cư Hồ mới nói:
- Phu nhân, có cần mời lệnh huynh đi cùng không?
Đào Hành Khản nhẹ xô Đào Lâm ra, đưa mắt nhìn Dị Cư Hồ hỏi:
- Tôn giá là ai?
Dị Cư Hồ lạnh lùng đáp:
- Bổn nhân họ Dị!
Đào Hành Khản sớm đã nhận thấy đối phương khá giống Dị Ngọc Phụng, nên vừa nghe lão trả lời là họ Dị, liền hiểu ra ngay, sau một thoáng ngẩn người, cúi đầu nói:
- Muội muội... tại sao y lại gọi muội muội là phu nhân?
Đào Lâm đưa tay lau nước mắt:
- Ca ca, đừng thắc mắc nguyên do, hiện tiểu muội đã là vợ của y rồi.
Đào Hành Khản chau chặt đôi mày, lặng thinh hồi lâu, đoạn mới chậm rãi nói:
- Phụ thân và mẫu thân đã biết chưa?
Đào Lâm thờ thẩn:
- Hai vị lão nhân gia đều đã tạ thế rồi!
Đào Hành Khản biến sắc mặt, trỏ Dị Cư Hồ nói:
- Đã chết dưới tay y phải không?
Đào Lâm não nề lắc đầu:
- Không liên can đến y! Ca ca... sao lại đi cùng với Dị cô nương thế này?
Đào Hành Khản buông tiếng thở dài, vừa định nói thì Dị Ngọc Phụng đã nhướng mày nói:
- Hành Khản, chúng ta đi mau!
Đào Hành Khản thoáng chau mày:
- Ngọc Phụng, hai huynh muội ta lâu ngày trùng phùng...
Dị Ngọc Phụng cười khẩy ngắt lời:
- Chả lẽ huynh đã quên mất lời dặn của lệnh sư rồi ư?
Đào Hành Khản ra chiều bất đắc dĩ nói:
- Muội muội, chúng ta lại phải xa cách nhau... muội muội... đừng buồn...
Dị Cư Hồ ngồi trên lưng ngựa thoáng nhíu mày, trầm giọng nói:
- Ngọc Phụng, người ta huynh muội tương phùng, ngươi thúc hối họ ly biệt chi vậy?
Dị Ngọc Phụng bản tính vốn đã bạc bẽo, từ khi phụ thân cưới Đào Lâm làm vợ và còn đoạn gãy hai chân nàng, tình phụ tử đã hoàn toàn đoạn tuyệt, nghe vậy bèn cười khẩy nói:
- Dị tiên sinh lo giữ được vợ trẻ đã là khá lắm rồi, còn cố kéo theo Đào công tử chi vậy?
Dị Cư Hồ nghe con gái gọi mình là Dị tiên sinh, giọng điệu lại xấc xược như vậy, không khỏi tức giận tột cùng, sầm mặt nói:
- Ngươi có chịu rời khỏi đây hay không?
Dị Ngọc Phụng cười ha hả:
- Đương nhiên là rời khỏi rồi. Hành Khản, đừng lôi thôi nữa, đi mau!
Đào Hành Khản không tự chủ được, đi đến bên Dị Ngọc Phụng, mới ngoảnh lại nói:
- Muội muội, mai này chúng ta hẳn sẽ có ngày gặp lại nhau, mối thâm thù của song thân hãy để ca ca lo liệu cho.
Đào Hành Khản chưa dứt lời đã bị Dị Ngọc Phụng nắm tay phóng nhanh đi.
Đào Lâm thất thiểu ngẩng lên, thấy Dị Cư Hồ mặt mày tái ngắt, nàng cũng chẳng nói gì, tung mình trở lên ngựa, cùng tiếp tục lên đường.
Việc Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đã gặp Dị Cư Hồ và Đào Lâm bên bờ sông, để rồi đã xảy ra tình trạng bẽ bàng thế kia, đó không phải là một sự tình cờ.
Bởi sau khi Lý Thuần Như đột nhiên mất tích, Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đã đi dọc theo con sông này để tìm kiếm Lý Thuần Như.
Trong khi Lý Thuần Như đã bị bọn tăng nhân Hoàng Giáo mang về đến Già Đương Tự tận Tây Tạng, đương nhiên là hai người chẳng thể nào tìm gặp.
Nhưng trong mấy ngày đồng hành, Dị Ngọc Phụng đã được Đào Hành Khản kể lại cảnh ngộ quái dị khôn lường của mình.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc hai chiếc thuyền buồm từ phía đông Tam Hạp ngược giòng chầm chậm trôi đi, đoạn sông Trường Giang này nước chảy không xiết lắm. Trên một trong hai chiếc thuyền là hai vợ chồng Bát Tiên Kiếm Đào Tử Vân cùng hai người con Đào Hành Khản và Đào Lâm. Còn trên thuyền kia là hai vợ chồng Bát Quái Kim Ngân Kiếm Lý Viễn và hai người con là Lý Bảo và Lý Thuần Như.
Hai gia đình này vốn đã tình cờ gặp nhau trên sông, khi báo ra danh tánh, thảy đều là danh gia kiếm thuật, nên mới quen biết nhau từ đó.
Ngay trong đêm đầu tiên hai gia đình quen nhau thì quái sự đã xảy đến. Đêm ấy ánh trăng rất mông lung, mặt sông như phủ giăng một lớp sương dày. Bởi tiếp tục đi tới là vùng eo sông Tam Hạp, nước sông chảy rất xiết, nên nhà thuyền không dám đi đêm, bèn để thuyền nghỉ lại.
Phụ thân và phụ mẫu Đào Hành Khản đang chuyện trò với vợ chồng Lý Viễn ở thuyền bên, Đào Lâm thì đã ngủ sớm. Đào Hành Khản không ngủ được, định sang thuyền bên nghe lén phụ mẫu chuyện trò, song lại thấy vợ chồng Lý Viễn quá kiêu ngạo, không hợp ý lắm. Nên chàng chấp tay sau lưng đi tới đi lui nơi đuôi thuyền, ngắm nhìn ánh trăng mông lung cũng khá là thú vị.
Đứng nơi đuôi thuyền một hồi, chàng lại chậm rãi đi dọc theo mạn thuyền. Lúc này người trên thuyền đa số đã lên bờ đi mua say, trên thuyền chỉ còn vài lão nhân cũng đã ngủ sớm, cả chiếc thuyền im lìm không một tiếng động.
Khi sắp đi đến mũi thuyền, Đào Hành Khản bỗng thấy trong bóng tối có một người đang lướt như bay trên mặt nước tiến về phía thuyền.
Đào Hành Khản giật mình, thoạt tiên chàng tưởng là mình hoa mắt, nhưng thật sự thì đã trông thấy hết sức rõ ràng. Bởi lẽ khinh công dù cao siêu đến mức "đăng bình độ thủy", thì cũng có thể thi triển khi mặt nước thật bình lặng, trong khi đoạn sông này tuy nước không chảy xiết bằng Tam Hạp, nhưng sóng nước nhấp nhô, thân thuyền cũng dao động, muốn lướt đi trên mặt nước thật chẳng phải dễ dàng. Nếu mà ai cũng có thể thực hiện được thì sự tích Đạt Ma Tôn Giả đã qua sông chỉ bằng một ngọn cỏ lau đâu có lưu truyền thiên cổ.
Song Đào Hành Khản đưa tay dụi mắt, lại nhìn thật kỹ, trong khi ấy bóng người kia đã đến khá gần, và trông thấy rõ dáng người cao đến lạ thường.
Đào Hành Khản khi biết mình đã không trông lầm, bèn định cất tiếng tri hô, song chợt nghĩ lại, chàng liền im lặng. Bởi nghĩ song thân mình đang chuyện trò với vợ chồng Lý Viễn, nếu mình hô hoán lên mà lại không có việc gì, há chẳng khiến người cười cho ư?
Trong khi ấy người kia đã đến sát bên thuyền, đột nhiên vọt lên không, trông rõ ràng là phi phân lên thuyền, song Đào Hành Khản chỉ cảm thấy mắt hoa lên một cái, đối phương đã biến mất.
Đào Hành Khản bàng hoàng sửng sốt, bởi mới vừa rồi chàng đã khẳng định mình không phải hoa mắt, nhưng bóng người kia sao bỗng chốc đã biến mất thế này?
Chàng vội quay người, đưa tay ra là có thể chạm vào khoang thuyền, cho dù người kia phi thân ra sau lưng chàng thì cũng không có chỗ ẩn thân, song chàng vẫn chẳng thấy bóng người nào cả.
Đào Hành Khản biết chắc đó không phải là ảo giác mà là một cao thủ võ lâm siêu phàm, trước khi chưa rõ thân phận đối phương, tốt hơn không nên kinh động đến người khác, nên định thần trầm giọng nói:
- Bằng hữu phương nào đã giá lâm tệ thuyền, xin hãy hiện thân gặp gỡ.
Vừa dứt lời, bỗng nghe "hắc" một tiếng cười khẩy vang lên trên không. Đào Hành Khản liền tức thì ngước lên nhìn, bất giác giật mình kinh hãi.
Thì ra có một người đang với thế Kim Kê Độc Lập đứng trên cột buồm, nhưng không phải việc ấy đã khiến Đào Hành Khản kinh hãi, mà là khi chàng vừa ngước lên nhìn, người kia đã đột nhiên rơi thẳng xuống.
Đào Hành Khản bất giác kêu "ồ" lên một tiếng, nhưng tiếng kêu của chàng chỉ được giữa chừng thì người kia đã xuống đến boong thuyền, đưa tay chộp vào vai chàng.
Cột buồm ấy cao hơn hai trượng, người kia hạ xuống và ra tay chộp người nhanh khôn tả. Đào Hành Khản ngay cả ý nghĩ tránh né chưa kịp lóe lên thì đã bị chộp trúng rồi.
Đào Hành Khản càng thêm kinh hãi nói:
- Tôn giá là ai?
Người ấy cười nói:
- Ngươi quay đầu lại nhìn là biết ngay chứ gì.
Đào Hành Khản bị nắm giữ từ phía sau, toàn thân không cử động được, nghe đối phương bảo mình quay lại, không khỏi cười dở khóc dở.
Nhưng người ấy vừa dứt lời, Đào Hành Khản đã bị đối phương xoay người mình lại. Đào Hành Khản định thần nhìn, chỉ thấy người ấy vóc dáng rất cao, phải ngước lên mới có thể nhìn thấy mặt.
Gương mặt người ấy rất gầy gò, không sao xác định được tuổi tác, chỉ thấy đôi mắt của y tinh quang sáng chóa, nhìn một hồi là có cảm giác rất kỳ lạ, không chịu được muốn tránh đi nơi khác, nhưng lại không sao tránh đi được. Đồng thời còn cảm thấy tâm thần ngơ ngẩn, trong một thoáng chẳng biết mình đang ở đâu.
Đào Hành Khản biết là nguy tai, vội trấn định tâm thần, chỉ nghe đối phương lại buông tiếng cười, thần quang trong mắt dời đi.
Đào Hành Khản liền thừa cơ lùi ra sau một bước nói:
- Tôn giá... thật ra là ai?
Người ấy mỉm cười:
- Ngươi hãy khoan hỏi ta, ta hỏi ngươi trước, võ công mà ngươi từng chứng kiến trong đời, cao nhất là đến mức độ nào?
Đào Hành Khản ngớ người, hỏi gì mà kỳ dị thế?
Chàng ngẫm nghĩ chốc lát, mới đáp:
- Phi hoa thương địch, trích diệp sát nhân, có lẽ đó là nội công ở mức độ cao nhất.
Người ấy gật đầu:
- Không sai, nhưng từ xưa đến nay có được bao nhiêu người đã đạt đến trình độ ấy?
Dứt lời đã xé lấy một mảng vải nhỏ trên vai áo Đào Hành Khản, tiện tay ném xuống xông.
Đào Hành Khản chẳng rõ đối phương định giở trò gì. Chỉ thấy mảnh vải áo chầm chậm bay đi, chưa chạm mặt sông đã thấy mặt nước bên dưới lõm xuống, xuất hiện một vũng nước xoáy rất to, rồi thì "ầm" một tiếng, mảnh vải áo to cỡ bàn tay rơi xuống sông, mặt sông liền bắn lên một cột nước to cỡ miệng chén và cao hơn trượng, nước văng tung tóe, có vài giọt bắn vào người Đào Hành Khản, chàng cảm thấy đau nhói.
Phen này Đào Hành Khản càng thêm kinh hãi, công lực người này quả là kinh thế hãi tục, không thể tưởng tượng được. Y ném xuống sông chỉ là một mảnh vải nhỏ, vậy mà kình lực lại khủng khiếp đến mức độ ấy.
Đào Hành Khản bất giác thừ ra tại chỗ, chẳng thốt nên lời.
Công phu đã thi thố vừa rồi của người này quả thật là hoàn toàn dựa vào kình lực của mảnh vải mà tạo ra được cột nước cao như vậy, đó đương nhiên là cái thế vô song.
Nhưng thật ra cột nước ấy là do lúc y ném mảnh vải đi, đã thừa cơ phát ra một chưởng, bởi chưởng lực của y hết sức âm nhu nên im lìm không gây ra một tiếng động nào, Đào Hành Khản mới không hay biết mà thôi.
Người ấy nhếch môi cười nói:
- Ngươi thấy thế nào?
Đào Hành Khản vốn là người thật thà, bèn nói:
- Thật không ngờ tiền bối võ công tinh thâm đến mức độ ấy, tại hạ hết sức bội phục.
Người ấy cười ha hả:
- Vậy ngươi hãy bái ta làm sư phụ nhé?
Đào Hành Khản ngẩn người, đối phương võ công cao thâm thế này, nếu mình được bái làm sư phụ thì còn gì bằng, nhưng đối phương lai lịch thế nào mình còn chưa biết, sao lại có thể mạo muội bái làm sư phụ được? Nên chàng bèn nói:
- Được tiền bối đoái hoài, thật còn mong muốn gì hơn. Nhưng đây là việc hệ trọng, vãn bối phải hỏi ý kiến song thân trước rồi mới dám quyết định.
Người ấy buông tiếng cười sắc lạnh:
- Song thân ngươi có bí mật không cho ngươi biết, vậy ngươi còn hỏi làm gì chứ?
Đào Hành Khản nghe vậy chợt động tâm, vì lẽ gì cha mẹ rời nhà đi xa, mình từng hỏi nhiều lầm mà hai người vẫn không chịu cho biết. Và trên đường đi, cha mẹ luôn mật đàm riêng, không cho hai anh em mình nghe biết, hành động ấy trước kia chưa từng có bao giờ, quả đúng là có điều bí mật gì đó.
Tuy vậy, chỉ vì lẽ ấy mà bảo Đào Hành Khản không hỏi cha mẹ, tự ý bái sư, chàng cũng chẳng thể làm được, bèn nói:
- Tiền bối tuy nói vậy, nhưng vãn bối cũng không thể tự ý quyết định.
Người ấy cười hăng hắc:
- Hay cho một đứa con hiếu thảo, ngươi hãy suy nghĩ thêm hai hôm nữa, nếu không chấp nhận bái ta làm sư phụ, e rằng toàn gia ngươi sẽ gặp đại họa. Và nữa, nếu ngươi mà tiết lộ hành tung của ta với bất kỳ ai khác, ta sẽ lấy mạng cha mẹ ngươi ngay.
Dứt lời, người ấy đã như một làn khói nhẹ lướt đi, mũi chân khẽ điểm trên mặt nước, người đã nhanh như sao xẹt, thoáng chốc đã mất dạng.
Đào Hành Khản tưởng chường vừa trải qua một cơn ác mộng, đứng thừ ra một hồi rồi mới trở vào trong khoang. Lát sau, cha mẹ chàng đã về đến. Đào Hành Khản không dám hé môi, hai hôm sau, hai chiếc thuyền đã cặp bờ, mọi người được Diêm Phùng Hiểu đón tiếp đưa về nhà.
Đào Hành Khản bởi nghĩ đến người kia nhất định sẽ lại đến, lòng hết sức lo âu.
Thần thái bồn chồn của chàng, mọi người đều không ai chú ý đến, nhưng Đào Lâm thì đã nhận ra.
Tuy nhiên, Đào Lâm cũng chẳng biết vì nguyên nhân gì đã khiến ca ca mình buồn rầu, chỉ lấy làm lạ chứ đâu ngờ sự thể lại diễn ra nghiêm trọng đến thế.
Khi tỉ thí kiếm pháp với Lý Bảo, Đào Hành Khản tâm thần phân tán, chỉ nghĩ đến người kia có thể sẽ lại tìm đến, thật chẳng còn lòng dạ nào để so kiếm pháp cao thấp với Lý Bảo. Song vì mọi người đã thúc giục, chàng đành phải ra sân tỉ thí.
Lúc khởi đầu, chàng cũng chẳng thấy gì, nhưng sau năm chiêu, chàng bỗng cảm thấy thanh Hắc Bạch Kiếm trong tay không còn điều khiển như ý muốn nữa, chiêu nào cũng đâm vào nơi yếu hại của Lý Bảo, và chiêu thức cũng cực kỳ hung hiểm.
Đào Hành Khản nhiều lần muốn xoay chuyển cục diện ấy, nhưng lại lực bất tòng tâm, chỉ cảm thấy khi mỗi chiêu kiếm vung ra đều có một luồng lực đạo trúng vào một huyệt đạo của mình.
Luồng lực đạo ấy hết sức âm nhu, nhưng khi chạm vào huyệt đạo liền lập tức khiến chàng giật bắn người, khiến chàng không tự chủ được, bắt buộc phải hung hãn tấn công Lý Bảo, sau bảy tám chiêu thì đã một kiếm đâm Lý Bảo thọ thương.
Đào Hành Khản kinh hoàng đến tột độ, biết cứ tiếp tục nhất định sẽ xảy ra tai họa liền, chàng đã định ném kiếm xuống đất, nhưng ngay khi ấy, chàng bỗng cảm thấy huyệt Đới Mạch nơi lưng và huyệt Úy Trung nơi bắp chân tê dại, khiến chàng không tự chủ được, một kiếm đâm trúng vào ngực Lý Bảo.
Đào Hành Khản lúc bấy giờ chẳng khác nào kẻ câm ngậm bồ hòn, chỉ mình chàng mới biết bị kẻ khác ở trong bóng tối thao túng, còn mọi người thì chỉ nghĩ là chàng hiếu thắng, bất chấp đạo nghĩa giang hồ, hạ độc thủ giết chết Lý Bảo.
Và ngay khi tình thế hổn loạn, Đào Hành Khản bỗng nghe tiếng cười ha hả vang lên bên tai, rồi một người nói:
- Giờ thì đã biết sự lợi hại của ta rồi chứ? Ta chờ ngươi ở trên thuyền, hãy đến ngay.
Đào Hành Khản nhận ra đó chính là tiếng nói của người kia, bất giác toàn thân toát mồ hôi lạnh.
Chàng biết lúc này dù có phân biện thế nào cũng vô ích, chỉ còn cách duy nhất là trở về thuyền gặp người kia rồi hẵng liệu toan.
Thế là chàng lập tức rời khỏi nhà Diêm Phùng Hiểu, phóng đi về phía bờ sông, lúc này chàng vận hết công lực, tốc độ nhanh khôn tả, không đầy một khắc sau đã lên đến thuyền với hơi thở hổn hển và mồ hôi đầm đìa.
Vừa bước vào trong khoang, Đào Hành Khản đã thấy người kia ngang nhiên ngồi trong ấy, chàng định thần nhìn lại, tức giận nói:
- Tôn giá...
Chàng mới thốt ra được hai tiếng thì người kia đã nhẹ khoát tay, chỉ cảm thấy một luồng sức mạnh xô nhanh đến, vây toàn thân chàng, khiến chàng cơ hồ ngạt thở chứ đừng nói là mở miệng nói.
Người ấy lập tức nói:
- Ngươi đã biết sự lợi hại của ta rồi phải không?
Đào Hành Khản lòng vô cùng tức giận, nhưng miệng lại chẳng thể thốt nên lời.
Người ấy lại nói tiếp:
- Nếu ngươi mà không chịu vâng lời, e rằng toàn gia ngươi sẽ gặp tai họa trong một ngày gần đây.
Đào Hành Khản gắng hết sức mới nói được:
- Tôn giá muốn gì?
Người ấy cười sắc lạnh:
- Ngươi hãy bái ta làm sư phụ trước, sau đó ta sẽ cho ngươi biết.
Đào Hành Khản giờ đã biết đối phương vì muốn đạt được mục đích, lại có thể vô duyên vô cớ hy sinh tính mạng Lý Bảo, đương nhiên không phải là người chính phái, làm sao có thể chấp nhận bái đối phương làm sư phụ được?
Nên bèn ngẩng cao đầu nói:
- Tôn giá tuy có võ công tuyệt đỉnh, nhưng tại hạ không thèm, đừng đề cập đến việc bái sư nữa.
Người ấy sầm mặt:
- Ngươi không chịu ư? Hừ, để cho ngươi xem tiếp thủ đoạn của ta nữa!
Hai người vừa nói đến đó thì hai vợ chồng Đào Tử Vân cùng Đào Lâm cũng đã về đến, ba người còn trên bờ sông đã trông thấy có một bóng người rất cao và gầy ở trong khoang thuyền, nhưng họ không biết đó là ai.
Đến khi ba người lên thuyền thì người ấy đã bỏ đi, chỉ còn lại một mình Đào Hành Khản. Lúc ấy Đào Hành Khản đã định bày tỏ cảnh ngộ của mình với song thân, nhưng chàng chưa hạ quyết tâm thì nhóm vợ chồng Lý Viễn đã đến, sau đó đã liên tiếp xảy ra biến chuyển không ngừng, rồi cuối cùng chiếc thuyền đã bị nứt đôi.
Sau khi thuyền nứt đôi, mọi người thảy đều rơi xuống, Lý Thuần Như và Đào Lâm cùng trôi dạt đến hòn đảo kia, bị giam hãm trong thạch trận rồi kết thành hoạn nạn tri giao.
Nhưng cảnh ngộ của Đào Hành Khản thì khác hẳn, chàng vừa rơi xuống sông, dĩ nhiên việc đầu tiên là muốn trồi lên mặt nước, song chàng vừa ngoi lên thì bị một người dùng tay đè lên đỉnh đầu, không cho chàng trồi lên.
Đào Hành Khản kinh hãi, bởi chẳng những thời gian đã lâu chàng sẽ bị ngạt thở, mà trên đỉnh đầu lại là nơi yếu hại của con người, bị đè giữ thì tính mạng mình kể như hoàn toàn nằm trong tay đối phương.
Đào Hành Khản cố gắng trấn định tâm thần, mở mắt ra nhìn, chỉ thấy trước mặt là một đôi mắt rừng rực hung quang và ngập đầy vẻ giảo quyệt, đang chằm chặp nhìn mình.
Đào Hành Khản vừa trông thấy đôi mắt ấy, lập tức nhận ra đó chính là người cao gầy kia. Chàng thật chẳng sao hiểu nổi, vì lẽ gì đối phương lại đeo đẳng theo mình như oan hồn thế này, nhất thời lửa giận bốc lên, ra sức một chưởng bổ ra.
Nhưng chưởng chàng chưa trúng đối phương thì huyệt Yêu Nhãn đã bị điểm trúng, toàn thân liền nhũn ra, bất giác há hốc miệng, nước sông òng ọc chảy vào bụng, lát sau đã bất tỉnh nhân sự.
Khi chàng hồi tỉnh, chỉ thấy ánh sáng chóa lòe và đang nằm trên boong một chiếc thuyền, thuyền ấy chầm chậm trôi đi trên sông.
Lúc này là buổi sáng, Đào Hành Khản cảm thấy bụng đầy ách, hết sức khó chịu, gắng sức ngồi dậy, lập tức nôn tháo ra một bãi nước chua. Sau đó đưa tay vịn vào mạn thuyền, khó khăn lắm mới đứng lên được, bỗng lại nghe sau lưng vang lên tiếng người ấy âm trầm nói:
- Ngươi tỉnh rồi ư?
Đào Hành Khản quay phắt lại, thấy người ấy đang đứng trước mặt, lửa giận sục sôi, muốn đánh nhưng biết không phải là địch thủ, muốn đào tẩu thì sông nước mênh mông, chẳng sao đào thoát được.
Chàng đành bất đắc dĩ nói:
- Tôn giá... thật ra muốn gì chứ?
Người ấy buông tiếng cười khẩy:
- Hai vợ chồng Lý Viễn đã bị ta điểm vào Kỳ Môn quái huyệt, ngươi có muốn lệnh tôn và lệnh đường nối gót theo họ không?
Đào Hành Khản bởi gia học uyên thâm, song thân chàng giao du toàn là những người hiệp nghĩa, hào khí ngút trời, nên chàng chưa từng gặp người sử dụng thủ đoạn uy hiếp một cách đê hèn như vậy, nhất thời không biết trả lời sao cho phải.
Người ấy lại nói tiếp:
- Phàm ai đã bị ta điểm vào Kỳ Môn quái huyệt, trừ phi là Quỷ lão khi xưa phục sinh, bằng không cho dù là Thương gia ở Tứ Xuyên hay Lý gia ở Đông Xuyên, ta cam đoan ngay cả huyệt đạo nào bị điểm cũng chẳng một ai nhận ra được.
Đào Hành Khản vốn chẳng biết chút gì về lai lịch đối phương, nhưng khi nghe nhắc đến "Quỷ lão", và trong giọng điệu như có ý là võ công của y cùng một nguồn gốc với Quỷ lão, bất giác kinh hoàng đến toàn thân toát mồ hôi lạnh.
Bởi Quỷ lão là một nhân vật khét tiếng tàn độc trong tà phái hồi hơn trăm năm trước. Bà ta mười bảy tuổi bước chân vào chốn giang hồ, không đầy ba năm đã danh chấn võ lâm, võ công hết sức đặc thù và quái dị. Giới võ lâm Trung Nguyên chưa từng trông thấy và cũng chẳng ai biết bà ta học được từ đâu một thân bản lĩnh như thế.
Và bà ta đã cậy vào một thân võ công siêu phàm nhập thánh ấy tung hoành võ lâm hơn ba mươi năm, hành sự hoàn toàn không màng đến đạo nghĩa võ lâm mà chỉ bằng vào ý thích của mình, chẳng một ai làm gì được bà ta.
Nhưng đến khi tuổi xế chiều, bà ta bỗng nhiên tuyệt tích giang hồ, giới võ lâm bởi không ai biết rõ bà ta đã chết hay còn sống, nên vẫn canh cánh lo âu.
Mãi đến rất nhiều năm sau, tuổi thọ của loài người đã không cho phép Quỷ lão còn sống trên cõi đời nữa, giới võ lâm mới dần quên lãng bà ta.
Tuy nhiên, trong lòng các cao thủ võ lâm vẫn hiểu rất rõ, trong trăm năm qua võ công cao nhất không phải người trong giới chính phái, mà là Quỷ lão, một nhân vật cơ hồ đứng giữa hai phái chính tà.
Các cao thủ thuộc giới chính phái cũng từng họp nhau lại nghiên cứu, định tìm hiểu xem võ công của Quỷ lão từ đâu mà có. Lúc bấy giờ, trên kim đỉnh Nga Mi có đến mấy mươi người, nhưng không một ai nói ra được nguyên do.
Đào Hành Khản là võ học thế gia, dĩ nhiên cũng có biết Quỷ lão, nên đã kinh hoàng thừ ra hồi lâu mới hỏi:
- Tôn giá... là gì của Quỷ lão?
Người ấy nhướng cao mày, môi mấp máy như định nói gì đó, nhưng lại chưa nói ra.
Đào Hành Khản nhìn hồi lâu, y mới nói:
- Điều ấy ngươi đừng thắc mắc.
Đào Hành Khản thấy thuyền đi khá nhanh, bỗng hỏi:
- Vậy chứ tôn giá định đưa tại hạ đi đâu?
Người ấy cười u ám:
- Ngươi vừa mới nhắc đến Quỷ lão, ta bèn muốn đưa ngươi đến gặp lão nhân gia ấy.
Đào Hành Khản giật nảy mình:
- Quỷ lão... hãy còn sống ư?
Người ấy chỉ cười không đáp, Đào Hành Khản cũng chẳng hiểu gì cả.
Im lặng hồi lâu, người ấy mới lại nói:
- Hiện ta đang cần đến ngươi rất nhiều, không hãm hại ngươi đâu, ngươi hãy an tâm. Nhưng tính mạng của song thân ngươi lại nằm trong tay ngươi, ngươi cần phải hiểu rõ như vậy.
Đào Hành Khản thật trong lòng hết sức ghê tởm người này, song đối phương võ công quá cao, đã buông lời hăm dọa hẳn chẳng phải không có lý do.
Chàng chầm chập nhìn đối phương, người ấy mặt âm trầm nói:
- Nếu ngươi mà không chịu bái ta làm sư phụ, song thân ngươi chắc chắn sẽ chết.
Nói thật với ngươi, trong võ lâm chẳng mấy ai có thể đối địch với ta, ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ.
Đào Hành Khản ngẫm nghĩ hồi lâu, trong lòng rất căm giận nhưng lại không nghĩ ra được cách ứng phó, đành nói:
- Tôn giá vì lẽ gì lại cứ nhất quyết bảo tại hạ phải bái tôn giá làm sư phụ thế này?
- Lẽ dĩ nhiên là phải có lý do.
Đào Hành Khản kiên quyết:
- Nếu tôn giá không chịu nói rõ nguyên nhân, tại hạ không bao giờ chịu bái tôn giá làm sư phụ.
Người ấy chăm mắt nhìn Đào Hành Khản hồi lâu, mới nói:
- Thôi cũng được, khi các ngươi rời khỏi Thái Hồ là ta đã bám sát theo sau rồi.
Trên đường thấy con người của ngươi lòng nghĩ sao nói vậy, rất đáng tin cậy, nếu ngươi mà chịu hành lễ bái sư, nhất định sẽ tuân tòng sư mệnh, hết lòng hành sự.
Đào Hành Khản cười khẩy:
- Chả lẽ tôn giá bảo tại hạ đi gian dâm hiếu sát, tại hạ cũng nghe theo hay sao?
Người ấy cười phá lên:
- Đương nhiên là ta không bao giờ bảo ngươi đi làm những việc ấy, ngươi chỉ cần theo ta đến một nơi, cùng lấy ra một vật, vậy là xong. Hẳn là ngươi không muốn song thân ngươi phải táng mạng bởi sự ngoan cố của ngươi chứ?
Đào Hành Khản vốn là người hiếu nghĩa, nghe đối phương nhắc đi nhắc lại tính mạng của song thân, lòng dạ sớm đã rối bời, bèn nói:
- Thôi được, tại hạ bằng lòng.
Người ấy liền lộ vẻ mừng rỡ:
- Vậy mới phải chứ. Bái sư xong rồi ngươi sẽ biết được vô vàn điều lợi ích.
Đào Hành Khản cũng vì muốn giữ gìn mạng sống của song thân nên mới ưng thuận, lời đã nói ra đương nhiên không còn phản hồi được nữa.
Lúc này, Đào Hành Khản vẫn chưa biết những sự việc sắp xảy đến sẽ khiến chàng hoàn toàn bất ngờ, bèn nói:
- Vãn bối đã bái tiền bối làm sư phụ thì cũng phải biết sư phụ mình là ai chứ?
Người ấy cười chậm rãi nói:
- Ta là Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô, bang chủ Hắc Tầm Bang khi xưa.
Đào Hành Khản cơ hồ nhảy dựng lên, buộc miệng nói:
- Lão là bang chủ Hắc Tầm Bang ư?
Trịnh Tâm Cô gật đầu:
- Đúng rồi, vậy có gì là lạ chứ?
Đào Hành Khản bỗng lùi ra sau một bước, vung tay phóng ra một chưởng, đồng thời tung mình vọt ngược ra sau.
Chàng vốn đang đứng trên boong thuyền, khi tung mình ra sau thì người liền lơ lửng trên không, mắt thấy đã sắp rơi xuống sông nước cuồn cuộn, nhưng chàng thà chấp nhận chết đuối, còn hơn đối mặt với Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô.
Nhưng ngay khi ấy, Hắc Thiên Ma bỗng cất tiếng huýt dài, người như một làn khói đen theo sau vọt bay lên.
Đào Hành Khản người ở trên không, bỗng cảm thấy một luồng sức mạnh mẽ ập tới, đồng thời chàng đã bị Trịnh Tâm Cô chộp lấy, lập tức có một luồng sức mạnh xô Đào Hành Khản bay trở vào, "phịch" một tiếng, rơi mạnh xuống boong thuyền, hồi lâu vẫn chưa bò dậy được.
Trịnh Tâm Cô sau khi xô Đào Hành Khản xuống boong thuyền, người lại vọt lên cao hơn trượng, xoay người trên không, chênh chếch hạ xuống boong thuyền, lạnh lùng đứng nhìn Đào Hành Khản.
Đào Hành Khản gắng sức đứng lên, khắp người hãy còn ê ẩm, nhưng vừa đứng lên lại loạng choạng lao đến mạn thuyền, toan phóng xuống sông. Nhưng mặc cho chàng lao về hướng nào, cũng bị Trịnh Tâm Cô đứng cản trước mặt, vung tay phất nhẹ, đã đẩy Đào Hành Khản bật lùi ra xa.
Cứ thế liên tiếp gần hai mươi lần, Đào Hành Khản té ngửa đến đầu choáng mắt hoa, không còn phân biệt được đông tây nam bắc nữa.
Đào Hành Khản cơ hồ ngất xỉu, nhưng trong lòng vẫn hiểu rất rõ, bất luận thế nào cũng phải rời khỏi chiếc thuyền này, rời xa Hắc Tầm Bang chủ.
Bởi ba tiếng Hắc Tầm Bang chẳng khác nào một thứ bệnh dịch trong võ lâm, một tổ chức thấp hèn nhất trong giới hắc đạo. Và bang chủ Hắc Tầm Bang Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô càng là người hiểm độc tàn ác, giới võ lâm ai ai cũng biết, mình sao có thể kết giao với lão ta được?
Đồng thời, Đào Hành Khản cũng hết sức thắc mắc, bởi Hắc Tầm Bang đành rằng thanh danh trong võ lâm vô cùng xấu xa, song cũng chẳng đáng lo ngại, bởi những kẻ từ bang chủ trở xuống, võ công đều không cao lắm, đại đa số chỉ là hạng dâm tặc chuyên sử dụng mê hương mê dược, hoặc là phường trộm cắp thấp hèn, nhưng trong mấy năm qua không hề nghe nói đến tin tức hoạt động của Hắc Tầm Bang, vì sao bang chủ Trịnh Tâm Cô võ công lại trở nên cao thâm thế này?
Nhưng lúc này Đào Hành Khản đâu còn lòng dạ nào để còn suy ngẫm vấn đề ấy, chàng ngã nằm trên boong thuyền thở một hồi, lại định đứng lên, bỗng cảm thấy một sức nặng đèn lên ngực, mở mắt ra nhìn, chân trái Trịnh Tâm Cô đã dẫm lên ngực mình.
Đào Hành Khản lúc này chỉ còn biết nhắm mắt chờ chết, chàng đã không thể nào bái làm môn hạ của Hắc Tầm Bang chủ, lại chẳng thể đào thoát, vậy thì còn gì để nói nữa?
Chỉ nghe Trịnh Tâm Cô cười hăng hắc, nói:
- Ngươi còn định đào tẩu nữa không?
Đào Hành Khản lặng thinh.
Trịnh Tâm Cô lại buông một chuỗi cười lạnh lùng, nói tiếp:
- Tiểu tử, để xem ngươi ương ngạnh đến bao giờ, ta phải cho ngươi tận mắt chứng kiến cha mẹ ngươi vì ngươi mà chết.
Đào Hành Khản nghe vậy, bất giác giật nảy mình. Nếu Trịnh Tâm Cô hành hạ chàng đau khổ đến mấy chàng cũng có thể cắn răng chịu đựng, nhưng Trịnh Tâm Cô không làm vậy mà lại đi sát hại song thân chàng.
Đào Hành Khản cảm thấy như vậy còn khó chịu hơn bất kỳ nỗi đau khổ nào, chàng uể oải nói:
- Trịnh bang chủ, giữa người và tại hạ vốn mỗi người một hướng đi, vì lẽ gì tôn giá lại quyết buộc tại hạ phải bái làm sư phụ thế này?
Trịnh Tâm Cô cười khẩy:
- Ngươi tưởng ta vẫn còn là Hắc Tầm Bang chủ khi xưa, chuyên làm những việc trộm gà bắt chó hay sao? Nay ta đã thân hoài tuyệt kỹ, đâu còn làm những việc hèn hạ như vậy nữa.
Đào Hành Khản cười mai mỉa:
- Tại hạ biết, đương nhiên là tôn giá làm những việc xấu xa lớn lao hơn nhiều.
Trịnh Tâm Cô cười không đáp. Đào Hành Khản lại nói tiếp:
- Cho dù có bái tôn giá làm sư phụ thì tại hạ cũng không bao giờ làm những việc xấu xa đâu.
Trịnh Tâm Cô mắt rực lên vẻ kỳ dị:
- Vậy thì với kỳ hạn hai năm, ngươi có gọi ta là sư phụ thì ta cũng không bao giờ bảo ngươi làm những điều trái ý. Sau hai năm, chúng ta đường ai nấy đi, ngươi thấy sao?
Đào Hành Khản ngẫm nghĩ chốt lát rồi nói:
- Được, tại hạ chấp nhận.
Trịnh Tâm Cô cười, lùi sang một bước.
Đào Hành Khản gắng sức đứng lên.
Trịnh Tâm Cô nói:
- Giờ ngươi hãy đi nghỉ ngơi, ngày mai ta sẽ cho ngươi biết rõ nguyên nhân vì sao ta lại muốn thu ngươi làm đồ đệ.
Đào Hành Khản đành vâng lời vào trong khoang nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Trịnh Tâm Cô đi vào, Đào Hành Khản chẳng còn cách nào hơn đành quì bái lão làm sư phụ.
Sau đó, Trịnh Tâm Cô nghiêm túc nói:
- Ta thu ngươi làm đồ đệ là vì có một đại sự phải cần một người thật sự có thể đảm đương và thành thật giúp ta thực hiện, ngươi rất hợp ý ta, đó cũng là một điều may mắn lớn cho ngươi đấy.
Đào Hành Khản cười dở khóc dở, lại còn bảo là may mắn lớn cho ta ư? Rõ là chuyện ngược đời hết mức.
Trịnh Tâm Cô nói tiếp:
- Bây giờ nói ra có lẽ ngươi sẽ không tin, nhưng hai năm sau, e là ngươi sẽ không muốn rời xa ta nữa. Ngươi theo ta hành sự, có lẽ võ công chưa đủ, ta sẽ truyền cho một pho khẩu quyết nội công cho ngươi, hãy dựa vào đó tập luyện, sau một tháng hẳn sẽ đại thành.
Đào Hành Khản ngẫm nghĩ hạng đê tiện trong giới hắc đạo như lão mà cũng có khẩu quyết nội công thượng thừa gì hay sao?
Nào ngờ Trịnh Tâm Cô mới đọc được nửa phần, Đào Hành Khản đã tột cùng kinh ngạc, bởi đó lại là khẩu quyết công phu nội gia chính tông, hết sức cao siêu thần kỳ.
Đào Hành Khản chú tâm nhớ kỹ, thầm đọc đi đọc lại mấy lượt, thật chẳng sao hiểu nổi Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô này là người thế nào.
Trịnh Tâm Cô truyền khẩu quyết xong, đứng lên bảo nhà thuyền cho thuyền vào bờ. Chỉ thấy núi non chập chùng, hết sức hoang vu, Trịnh Tâm Cô qui định Đào Hành Khản trong một tháng không được gặp bất kỳ ai, phải chuyên cần luyện tập, một tháng sau sẽ quay trở lại với chàng.
Đào Hành Khản nghiền ngẫm thật kỹ khẩu quyết nội công ấy, niềm say mê tăng dần. Chàng liền tìm một nơi yên tĩnh và kín đao chuyên tâm luyện tập. Một tháng sau, Trịnh Tâm Cô quả nhiên lại đến, và công lực của chàng cũng đã tiến bộ vượt bậc.
Trịnh Tâm Cô lại đưa chàng rời khỏi Tứ Xuyên, thẳng đến Tây Vực. Trên đường đi, hai người đều gọi nhau là sư đồ, Trịnh Tâm Cô cũng chẳng có hành vi gì tàn ác, nên ác cảm Đào Hành Khản dành cho lão đã giảm đi rất nhiều.
Hôm nọ, hai người đã đến vùng phụ cận Ngân Hoa Cốc, Trịnh Tâm Cô dẫn Đào Hành Khản vào trong một khu rừng, lão ngồi xuống và từ trong lòng lấy ra bốn con rồng vàng nhỏ sáng lấp lánh, nói:
- Đồ nhi có từng trông thấy lệnh tôn và lệnh đường chơi nghịch rồng vàng giống vậy không?
Đào Hành Khản nhìn một hồi, ngạc nhiên nói:
- Không, đó là cái gì vậy?
Trịnh Tâm Cô cười bí ẩn:
- Chỉ là một thứ ám khí thôi, ngươi hãy cất lấy đi.
Đào Hành Khản đâu biết bốn con rồng vàng này chính là Thông Thiên Bửu Long, một báu vật đã khiến giới võ lâm chìm trong giông tố, và cũng chẳng biết là Trịnh Tâm Cô có ý định thử thách lòng trung thành của mình, nên tiện tay bỏ bốn con rồng vàng nhỏ vào lòng.
Trịnh Tâm Cô nói tiếp:
- Ngân Hoa Cốc cách đây không xa, ngươi hãy đến đó và vào trong một gian thạch thất bí mật, mang thứ tử của Lý Viễn đến đây gặp ta.
Đào Hành Khản đành nhận lệnh ra đi. Về mọi việc đã xảy ra tại Ngân Hoa Cốc và Trịnh Tâm Cô buộc Đào Hành Khản dùng kiếm đâm Dị Ngọc Phụng thì phần trên đã nói rõ, đây không nhắc lại nữa.
Bốn con Thông Thiên Bửu Long đã bị Đào Hành Khản tưởng thật là ám khí ném ra tại Ngân Hoa Cốc, Tát Thị Tam Ma và Linh Xà tiên sinh toan tranh đoạt, nhưng Trịnh Tâm Cô đã đến kịp thu hồi, bốn con rồng vàng vẫn nằm trong tay Trịnh Tâm Cô.
Giờ nói về Dị Cư Hồ và Đào Lâm sau khi rời khỏi, Dị Ngọc Phụng thoáng chau mày nói:
- Hành Khản, xem ra họ hai người cũng là đến tây Côn Lôn đây.
Đào Hành Khản cười ảo não:
- Tại hạ chẳng tin là ai cũng đều đến đó cả. Sáng nay gia sư đuổi kịp chúng ta, không hỏi đến việc Lý Thuần Như mất tích đã là may mắn lắm rồi. Gia sư đã bảo chúng ta đến tây Côn Lôn gặp ông, thì chúng ta cứ đến đó, bận tâm đến kẻ khác làm gì?
Dị Ngọc Phụng im lặng hồi lâu, bỗng hỏi:
- Hành Khản, lệnh sư trước nay chưa hề nói là cần chàng làm việc gì sao?
Đào Hành Khản gật đầu:
- Vâng, và tại hạ cũng không dám hỏi.
Khi trời tối, hai người đã tiến vào một sơn cốc nhỏ, vừa vào đến đã trông thấy một đống lửa và có hai người đang ngồi cạnh.
Dị Ngọc Phụng vừa thoáng thấy hai người đó, vội định lui ra, nhưng một trong hai người đã cất tiếng gọi:
- Ca ca!
Thì ra hai người đó chính là Dị Cư Hồ và Đào Lâm.
Đào Hành Khản vừa đáp lại một tiếng, Dị Ngọc Phụng đã thấp giọng nói:
- Chúng ta tránh xa họ ngay.
Tiếng nói của nàng tuy rất khẽ, nhưng đâu thoát khỏi tai Dị Cư Hồ, chỉ nghe Dị Cư Hồ lạnh lùng nói:
- Nơi đây về đêm có rất nhiều sói xám xuất hiện, chớ ương ngạnh mà làm mồi cho lũ sói.
Hai cha con Dị Ngọc Phụng tuy đã trở mặt, nhưng con cái có thể bỏ cha mẹ, còn cha mẹ dù có tuyệt tình đến mấy cũng không khỏi quan tâm cho con cái, lời nói của Dị Cư Hồ quả là đúng sự thật.
Dị Ngọc Phụng buông tiếng cười khẩy, chẳng thèm đếm xỉa đến Dị Cư Hồ, nắm tay Đào Hành Khản kéo đi.
Đào Hành Khản thấp giọng nói:
- Ngọc Phụng, nàng hà tất phải quyết liệt với lệnh tôn như vậy?
Dị Ngọc Phụng liền lộ mặt giận. Trong mấy ngày qua, tình cảm của Đào Hành Khản vô hình trung đã bị Dị Ngọc Phụng chi phối hoàn toàn. Một là bởi vì Dị Ngọc Phụng định tâm trút lên mình Đào Hành Khản niềm căm hận do Đào Lâm đã gây ra cho nàng, nên luôn tỏ vẻ đặc biệt thân mật với Đào Hành Khản, hầu cám dỗ chàng sa vào lưới tình.
Hai là Đào Hành Khản sau khi trải qua biến cố lớn lao, bỗng được Dị Ngọc Phụng hết sứ chăm lo chiều chuộng, khiến chàng cảm thấy vô vàn ấm áp.
Do đó, đối với Dị Ngọc Phụng thì có mưu đồ riêng, nhưng đối với Đào Hành Khản thì đã thật sự một lòng một dạ thương yêu Dị Ngọc Phụng, nên vừa thấy Dị Ngọc Phụng lộ vẻ giận, Đào Hành Khản vội cười nói:
- Thôi được, tùy ý nàng vậy.
Dị Ngọc Phụng mừng thầm, tiểu tử này giờ đã triệt để vâng lời mình, mai đây khi kế hoạch của mình từng bước triển khai, nhất định sẽ khiến y đau khổ đến tột bậc.
Hai người ra khỏi sơn cốc, đi xa chừng nửa dặm, cũng đốt lên một đống lửa, bắt lấy vài con thú rừng nướng ăn tạm.
Lát sau trời đã tối mịt, Đào Hành Khản giục Dị Ngọc Phụng nghỉ ngơi trước, chàng một mình ngồi chống cằm bên đống lửa.
Chừng nửa giờ sau, Đào Hành Khản đang cảm thấy xung quanh tĩnh lặng đến mức lạ thường, bỗng nghe "hu" một tiếng rất thấp trầm từ xa vọng đến, tiếng vang ấy chẳng như khóc mà cũng chẳng như cười, nghe hết sức ghê rợn, vang lên mấy tiếng rồi lại im lặng.
Đào Hành Khản nhớ lại lời nói của Dị Cư Hồ khi nãy, loài sói xám trong rừng hết sức hung dữ, bất giác rùng mình đứng phắt dậy.
Chàng vừa đứng lên, chợt thấy trong bóng tối, nơi ánh lửa không soi tới, đầy những con mắt lấp lánh màu xanh biếc, cách mặt đất chừng hai thước, đang chầm chập nhìn vào mình và Dị Ngọc Phụng.
Đào Hành Khản kinh hãi, vội lay Dị Ngọc Phụng dậy, khẽ nói:
- Ngọc Phụng, hãy xem gì thế kia?
Dị Ngọc Phụng đưa mắt nhìn, cũng liền giật mình kinh hãi, thì ra chẳng rõ từ bao giờ, xung quanh hai người đã bị hằng trăm con sói to bao vây vào giữa.
Đêm nay không sao trời lại tối mịt, căng mắt ra nhìn cũng không thấy rõ được thân sói, nhưng mắt sói lại sáng ngời trong bóng tối, trông thật ghê rợn.
Dị Ngọc Phụng từ bên lưng rút ngọn ngân tiên cầm tay, Đào Hành Khản cũng tuốt kiếm khỏi vỏ, tiện tay hất một cục than vào đàn sói, chúng lập tức nhốn nháo, nhưng lát sau lại yên lặng trở lại.
Hai người biết sở dĩ đàn sói chưa lao tới tấn công là bởi lửa hãy còn cháy, nhưng đống lửa này đâu thể nào kéo dài đến khi trời sáng.
Nếu lửa mà tắt, giữa người và sói sẽ lập tức diễn ra một cuộc ác chiến, nhưng đàn sói đông thế kia, mình chỉ có hai người, liệu chống chỏi được chăng?
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản đều im lặng, lòng hết sức hồi hộp. Hồi lâu, Đào Hành Khản mới hối hận nói:
- Nếu biết trước chắc chắn lũ sói kéo đến, lẽ ra chúng ta nên nhặt nhiều cành cây hơn, cho lửa cháy kéo dài đến sáng thì chúng ta bình yên vô sự rồi.
Dị Ngọc Phụng cười khẩy:
- Bây giờ hối hận thì có ích gì, hãy chuẩn bị liều mạng đi thôi.
Đào Hành Khản lặng thinh, chỉ thấy trong bóng tối mắt sói ánh lên xanh rờn, trông thật ghê rợn, và khi yên lặng còn nghe rõ tiếng gầm gừ của chúng, còn đống lửa thì mỗi lúc một nhỏ dần.
Ánh lửa càng yếu đi, đàn sói bao quanh càng tiến tới gần hơn, sau cùng vòng vây đã thu hẹp chỉ còn chừng một trượng nữa thôi.
Dị Ngọc Phụng vung ngọn ngân tiên trong tay lớn tiếng nói:
- Thay vì chờ đàn sói lao đến tấn công, chi bằng chúng ta ra tay trước thì hơn.
- Phải rồi! Chúng ta hãy tìm một ngọn cây to trèo lên chẳng hơn sao?
Thế là hai người sóng vai nhau lao vào đàn sói.
Lúc này đàn sói vây quanh đông đến hơn ba trăm con, hai người vừa hạ xuống đã vang lên hai tiếng rú thảm khốc, hai con sói xác đã bị gãy xương lưng chết ngay.
Nhưng ngay trong khoảng khắc ấy, "soạt soạt" hai tiếng, tay áo Dị Ngọc Phụng đã bị vuốt sói cào rách.
Dị Ngọc Phụng kinh hãi, ngọn ngân tiên trong tay vung động, tạo ra một màn sáng bạc bao vây khắp người, đồng thời nàng quát to:
- Xông tới.
Đào Hành Khản liên tiếp quét ra ba kiếm, ba con sói xám ngã gục, song nơi bắp tay trái cũng thọ thương bởi vuốt sói.
Hai người biết rõ cuộc chiến này quả thật rủi nhiều may ít, bởi vì đàn sói quá đông, giết sạch chúng chẳng phải dễ dàng.
Hai người một bước cũng chẳng dám rời xa nhau, ráng hết sức xông tới, đến đâu xác sói ngã nhào, máu sói văng bay đến đó.
Thế nhưng, sau nửa giờ, hai người tính ra cũng vượt qua hơn nữa dặm, song vẫn chưa thoát ra khỏi vòng vây của sói, bởi họ di động thì đàn sói cũng di động theo.
Trong khi ấy hai người mình đã đầy thương tích, tuy chưa đến đổi táng mạng, nhưng vuốt sói có chứa chất độc, nơi bị cào trúng vừa đau vừa ngứa, hết sức khó chịu.
Hai người biết là xông ra vô ích, bèn đứng dựa lưng vào nhau, một kiếm, một roi chống lại đàn sói, con nào lao tới đều ngã gục ngay.
Thế nhưng, tiếng sói tru liên hồi đã khiến lũ sói từ nơi khác kéo đến, mỗi lúc càng nhiều hơn lên.
Chừng một giờ sau, hai người thật không còn thời gian để mà nghỉ thở nữa, đã bắt đầu cảm thấy đuối sức.
Đào Hành Khản nói:
- Ngọc Phụng, lệnh tôn đang ở gần đây, sao không lên tiếng nhờ ông cứu giúp?
Dị Ngọc Phụng tóc tai rối bời, nghiến răng nói:
- Thôi đi, Ngọc Phụng này thà chết dưới vuốt sói chứ không bao giờ lên tiếng cầu cứu với ông ta.
Trong khi hai người nói chuyện thì thoáng phân tâm, đã có hai con sói to im lìm lao tới. Vừa đến trước mặt hai người, bỗng đứng thẳng lên, chiếc lưỡi đỏ lòm thò ra và hai vuốt trước chộp mạnh vào ngực họ.
Đào Hành Khản vột quét ngang đường kiếm, tiện phăng cả đầu lẫn hai vuốt trước của con sói, song thế lao tới của con sói quá mạnh, tuy đã chết ngay bởi nhát kiếm, nhưng thân dưới vẫn tiếp tục ập tới trúng vào lòng Đào Hành Khản, chẳng những khiến chàng máu me đầy mình, mà còn xô chàng bật lùi ra sau nửa bước.
Và ngay khi ấy, Đào Hành Khản bỗng cảm thấy sau lưng đau nhói, vội trở tay vung kiếm quét ra, lại một luồng máu nóng bắn vào người. Đến lúc này Đào Hành Khản muốn lo cho Dị Ngọc Phụng thì cũng chẳng thể được nữa.
Chỉ nghe Dị Ngọc Phụng quát tháo liên hồi, Đào Hành Khản biết là nàng chưa đến đỗi táng mạng, bèn cũng lớn tiếng la hét hầu thông thanh lẫn nhau. Thế rồi nửa giờ lại trôi qua, hai người đều cảm thấy khó mà chịu đựng tiếp được nữa.
Đào Hành Khản bỗng nghĩ mình đằng nào cũng chết, sao không thố lộ ra những lời đã dấu kín trong lòng bấy lâu nay?
Thế là chàng liên tiếp quét ra ba kiếm đẩy lui lũ sói gần bên, lớn tiếng nói:
- Ngọc Phụng... nàng có hiểu... nỗi lòng ngu huynh không?
Dị Ngọc Phụng chẳng bao giờ ngờ mình lại chết như thế này. Trước đó tuy nàng ương ngạnh bảo là không cần Dị Cư Hồ cứu giúp, nhưng giờ đây nàng lại mong Dị Cư Hồ và Đào Lâm đến đây.
Song nàng lại hiểu rất rõ cá tính của phụ thân, đàn sói đông thế này, chưa chắc ông ta đã thắng nổi, mà đã không nắm chắc phần thắng, thì ông ta không bao giờ đến.
Do đó, Dị Ngọc Phụng cơ hồ tuyệt vọng, nay nghe Đào Hành Khản nói vậy, nàng nghe lòng vô cùng chua sót, bất giác ha hả cười vang, tiếng cười ngập đầy đau khổ.
Đào Hành Khản cũng cảm nhận được nổi lòng nàng qua tiếng cười đau sót ấy, chàng cũng cười ha hả.
Nam nữ thanh niên nói chuyện yêu đương vốn là việc rất bình thường, nhưng bày tỏ tình yêu trong hoàn cảnh thế này như hai người thì thật chưa từng có bao giờ.
Đào Hành Khản chưa dứt tiếng cười, nơi vai trái lại bị một con sói cào trúng, nhưng chàng không cách nào di chuyển đến gần Dị Ngọc Phụng được.
Mây đen tan dần, ánh trăng đã hiện ra lờ mờ. Hai người cùng đưa mắt nhìn nhau cười ảo não, mắt thấy chẳng bao lâu nữa hai người ắt sẽ táng mạng dưới vuốt sói, bỗng trông thấy ba ngọn lửa sáng rực từ hướng đông nam tiến nhanh đến, thoáng chốc đã đến gần.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng lúc này đã trông thấy rõ đó là ba người tay cầm đuốc to, bèn mừng rỡ lớn tiếng nói:
- Các vị bằng hữu, hãy mau dùng đuốc xua đuổi đàn sói giúp chúng tôi với.
Hai người vừa dứt tiếng, chỉ thấy họ đã dừng lại cách đàn sói chừng hai mươi trượng, rồi bỗng quay người chạy đi, hiển nhiên là không muốn đa sự.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng thấy vậy thì cố hết sức quát:
- Thấy chết mà không cứu là nghĩa lý gì chứ?
Chỉ nghe ba người kia đáp:
- Bọn ta...
Ba người đó chính là Tát Thị Tam Ma, họ chỉ nói được hai tiếng, bỗng một bóng đen lao tới nhanh như chớp, chỉ nghe Tát Thị Tam Ma thét vang như gặp quỷ mị, rồi chia làm ba hướng bỏ chạy bán mạng.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng vừa chống chỏi với đàn sói vừa liếc mắt nhìn, thấy bóng đen kia thân pháp nhanh nhẹn, tưởng đâu là Dị Cư Hồ. Đến khi bóng đen đã cướp lấy ba ngọn đuốc cầm trong tay, ánh sáng soi rõ phạm vi hơn trượng, họ bèn nhận ra đó không phải là Dị Cư Hồ mà là Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô.
Đào Hành Khản từ khi bị Trịnh Tâm Cô ép buộc bái làm sư phụ đến nay, bởi không hề thấy Trịnh Tâm Cô có hành vi tàn ác gì, nên Đào Hành Khản không còn thù ghét Trịnh Tâm Cô như trước nữa. Thế nhưng, giữa hai người vẫn không sao thuận hòa được với nhau, đó là lẽ tất nhiên.
Nhưng giờ đây trong cơn nguy cấp, Đào Hành Khản vừa trông thấy sư phụ, dĩ nhiên hết sức mừng rỡ, "vút" một kiếm, một con sói to đã bị tiện đôi, chàng lớn tiếng nói:
- Sư phụ, đến đây mau.
Chàng vừa dứt tiếng, Trịnh Tâm Cô đã với thân pháp nhanh tới tột độ lao tới.
Lũ sói tuy hung tàn nhưng rất sợ lửa, Trịnh Tâm Cô hai tay cầm ba ngọn đuốc to vung liên hồi, đàn sói lập tức bị hỗn loạn.
Đồng thời Trịnh Tâm Cô hai chân liên hoàn vung ra, lũ sói lần lượt ngã gục.
Lát sau, Trịnh Tâm Cô đã đến bên hai người, cắm quanh ba ngọn đuốc xuống đất, lập tức đàn sói còn hơn trăm con không dám đến gần nữa.
Và lúc ấy trời đã mờ sáng, chỉ cần trời sáng tỏ là đàn sói sẽ bất chiến tự lui.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng sau hai giờ kịch chiến, giờ đây vừa ngơi tay, liền không đứng vững được nữa, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển.
Hồi lâu, nắng ban mai ló dạng, đàn sói dần lui đi.
Đào Hành Khản thở phào hỏi:
- Sư phụ đã bảo đồ nhi với Ngọc Phụng tới tây Côn Lôn gặp sư phụ, sao sư phụ lại quay về đây?
Trịnh Tâm Cô mặt lộ vẻ rất thâm trầm, thò tay vào lòng lấy ra hai hoàn thuốc nói:
- Hai người hãy nửa thoa nửa uống, lo chữa thương trước rồi hãy tính.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng vội đón lấy thuốc.
Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô chắp tay sau lưng đi tới đi lui, bỗng nghe một tiếng ngựa hí từ chỗ không xa vọng đến.
Trịnh Tâm Cô vụt ngẩng lên quát to:
- Ai trộm ngựa hả?
Tiếng quát như sấm rền, vọng đi chẳng rõ bao xa. Tiếng quát vừa dứt lại nghe tiếng vó ngựa vang lên và xa dần.
Trịnh Tâm Cô biến sắc mặt, giận dữ gầm vang, loáng cái đã lướt đi hơn ba mươi trượng, đoạn mới nghe tiếng lão vọng lại:
- Hai người hãy theo sau ta mau.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đã biết nếu có kẻ dám trêu vào Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô ngoài Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ, không còn người thứ hai nào khác.
Hai người tuy đã gắng sức theo Trịnh Tâm Cô, song chưa đầy một khắc đã bị bỏ rơi một quãng rất xa, khinh công của Trịnh Tâm Cô quả là cao siêu khôn lường.
Hai người đành cố gắng đuổi theo, lát sau đã đến bên một gốc cây to, một con ngựa toàn đen đang được buộc vào thân cây, và thân cây bị bóc đi một mảng vỏ to, khắc chữ "Trả lại hắc mã, lấy về bạch mã, hẹn gặp lại tại tây Côn Lôn", bên dưới in dấu một bàn tay.
Dị Ngọc Phụng vừa nhìn thấy, biết ngay là do phụ thân đã vẽ lại, buông tiếng cười khẩy nói:
- Mọi người đều đến tây Côn Lôn, hẳn là sẽ có náo nhiệt lớn để xem rồi.
Đoạn nàng nắm lấy tay Đào Hành Khản, cùng tung mình lên ngựa. Dị Ngọc Phụng vung tay, dây cương đứt lìa, hắc mã liền xoãi vó lao vút đi.
Đến trưa mới gặp Trịnh Tâm Cô trên một ngọn đồi bừa bộn đá núi, chỉ thấy lão ta phóng tới rồi lại phóng lui, đá vụn tung bay và tiếng ầm ầm vang lên không ngớt.
Hai người chẳng hiểu lão đang làm gì, vội ghìm cương dừng ngựa, chỉ nghe "ầm" một tiếng, Trịnh Tâm Cô một quyền đấm vào một trụ đá, trụ đá gãy làm đôi ngay.
Trịnh Tâm Cô vẻ mặt đầy tức giận, ngẩng đầu lên, hai mắt rực vẻ kỳ dị, mũi chân hất nhẹ, một tảng đá to liền bay thẳng về phía Dị Ngọc Phụng và nói:
- Ngươi hãy xem đây.
Dị Ngọc Phụng kinh hãi, vội lộn người xuống ngựa, tảng đá to mang theo một luồng kình phong bay vút qua, nếu Dị Ngọc Phụng mà không nhận thấy sớm, hẳn đã bị luồng sức mạnh ấy xô ngã xuống ngựa rồi.
Nàng vừa đứng yên thì "bình" một tiếng, tảng đá to ấy đã lún xuống đất.
Dị Ngọc Phụng ngoảnh lại nhìn, thấy trên tảng đá có khắc chữ "Sấm chớp (ý nói con bạch mã) ngàn dặm, đâu thể đuổi kịp, nhất định sẽ chờ tại tây Côn Lôn".
Dị Ngọc Phụng biết là Trịnh Tâm Cô đã tức giận vì bị đối phương diễu cợt, bèn ngẩng lên lạnh lùng nói:
- Trịnh bang chủ, Ngọc Phụng đã đoạn tuyệt tình phụ tử với ông ta từ lâu, Trịnh bang chủ hà tất giận lây Ngọc Phụng làm gì?
Trịnh Tâm Cô tung mình, hạ xuống trước mặt Dị Ngọc Phụng, gằn giọng nói:
- Nay ta với y đã thành thế bất lưỡng lập, còn cô nương thì sao?
Dị Ngọc Phụng chẳng chút sợ hãi, đáp:
- Tiểu nữ dĩ nhiên cũng vậy thôi.
Trịnh Tâm Cô gật đầu:
- Tốt lắm!
Đoạn lão quay sang Đào Hành Khản nói:
- Hành Khản, hai người vẫn tiếp tục đi đến tây Côn Lôn, ta vẫn phải đi trước một bước.
Đào Hành Khản không hiểu sao lão lại giữ hành tung thần bí, chẳng biết lão ta thật ra là muốn chàng làm vì việc gì, nên đành lẳng lặng gật đầu.
Trịnh Tâm Cô liền giở khinh công phóng vụt đi, thoáng chốc đã mất dạng.
Dị Ngọc Phụng trèo lên ngựa, thẳng tiến hướng tây.
Hai hôm sau, hai người thấy phía trước toàn đường núi, ngựa chẳng thể tiến bước được nữa. Hai người bèn xuống ngựa bộ hành.
Lại trải qua ba hôm vượt núi trèo non, hết sức gian khổ, đến sáng ngày thứ tư, chỉ thấy trước mặt ánh tuyết sáng lóa, đã bước chân vào vùng núi Côn Lôn, trên đường đi không thấy một bóng người nào cả.
Hai người vừa định vượt qua ngọn núi, bỗng nghe sau lưng có người đang phóng nhanh đến. Cả hai liền ngoảnh mặt lại nhìn, chỉ thấy hai con quái xà màu vàng kim, dài chừng năm thước và nhỏ cỡ ngón tay, vun vút bò nhanh tới.
Sau đó mới thấy một người tay cầm chiếc gậy thép chín khúc, một con rắn xanh quấn quanh gậy, theo sau hai con rắn vàng phóng nhanh đến.
Dị Ngọc Phụng thoáng nhìn đã nhận ra đó chính là Linh Xà tiên sinh.
Linh Xà tiên sinh gặp Dị Ngọc Phụng tại đây, không khỏi kinh ngạc, lạnh lùng nói:
- Thì ra cô nương cũng có ở tại đây?
Dị Ngọc Phụng biết Linh Xà tiên sinh rất xảo quyệt, cũng chẳng muốn nói chuyện với lão, song vì muốn biết phải chăng lão cũng muốn đến tây Côn Lôn, bèn nói:
- Linh Xà tiên sinh cũng định đến tây Côn Lôn góp vui phải không?
Linh Xà tiên sinh cười nham hiểm:
- Không dám, không dám. Lão phu chỉ muốn đến xem thôi.
- Tiên sinh bất tất hoài công, Ngân Lệnh Huyết Chưởng và Hắc Thiên Ma đều đã có mặt tại đó, chả lẽ tiên sinh đã chán sống rồi hay sao?
Linh Xà tiên sinh thoáng biến sắc mặt, nhưng lão lập tức lấy lại bình tĩnh nói:
- Cũng chưa hẳn, người ta thường nói hữu duyên ắt được, biết đâu lão phu hữu duyên cũng nên.
Đào Hành Khản xen lời:
- Tôn giá muốn được gì?
Linh Xà tiên sinh cười ha hả:
- Hai vị muốn được gì thì lão phu cũng muốn được nấy.
Dứt lời Linh Xà tiên sinh chúm môi huýt dài, hai con rắn vàng mở đường lập tức phóng vút tới, lão nhẹ gật đầu chào hai người rồi phi thân theo sau ngay.
Đào Hành Khản trông theo bóng sau lưng lão, buông tiếng thở dài, nói:
- Chẳng biết là ở tây Côn Lôn có gì mà lại khiến mọi người đều muốn tới đó tranh giành.
Dị Ngọc Phụng trầm ngâm hồi lâu, mới nói:
- Chúng ta cũng nên tới đó xem là biết ngay chứ gì.
Hai người bèn lại tiếp tục lên đường. Trong ngày hôm đó họ đã gặp tất cả ba nhóm người vượt qua họ.
Nhóm thứ nhất là Tát Thị Tam Ma, nhóm thứ nhì gồm bảy tám người, cầm đầu là một lão nhân y phục kết đầy khuy vàng, từ xa đã thấy ánh vàng sáng chóa, nhưng chẳng rõ họ là ai.
Nhóm thứ ba là một nam một nữ, nam thần thái thanh cao, trong lòng ôm một cây đàn nhỏ, vừa đi vừa thỉnh thoảng lại khảy đàn "tang, tang", xem ra như là Mộc Tranh tiên sinh ở trên núi Võ Di Phúc Kiến theo lời đồn đại. Còn nữ thì vô cùng xấu xí, y phục cũng rất dị hợm, tay cầm một thanh trường kiếm dị dạng dài chừng năm thước, nhưng lại chỉ nhỏ cỡ ngón tay.
Ba nhóm người ấy đều hối hả vượt qua hai người, phóng nhanh đến trước, nên không hề xảy ra xung đột.
Đêm hôm ấy, lại có rất nhiều người vượt qua họ, một số đi luôn trong đêm, một số dừng lại phía trước đốt lửa nghỉ ngơi qua đêm.
Bao nhiêu người như có hẹn từ trước, đều cùng tiến về một hướng, và trong số đó cũng có rất nhiều người thuộc giới chính phái.
Vào lúc nửa đêm, có ba tăng nhân đi qua, người đi giữa là một lão hòa thượng râu bạc phơ, tướng mạo uy nghi, chẳng rõ là trưởng lão của môn phái nào, nhưng hiển nhiên không phải là nhân vật tầm thường.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản chỉ bàng quan tọa thị. Sáng hôm sau, hai người lại tiếp tục lên đường. Vào khoảng trưa, phía trước đã hiện ra một ngọn núi cao chót vót, rất cheo leo và từ lưng núi trở lên đều phủ đầy tuyết trắng.
Dưới chân núi đang tụ tập rất nhiều người, và tất cả đều ngước mặt nhìn lên, hẳn là đang tính cách vượt qua ngọn núi ấy.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản đứng nhìn từ xa, thấy họ toàn là những người đã gặp ngày hôm qua, nhưng không có mặt Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô và hai vợ chồng Dị Cư Hồ.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng cũng đang lưỡng lự, bởi ngọn núi quá cao, xem ra khó thể vượt qua được.
Bỗng, trong đám đông có một tiếng nói sang sảng vang lên:
- Nếu mà không đi vòng, làm sao đến được tây Côn Lôn?
Ngay lập tức có mấy người vượt đám đông tiến ra, đi vòng sang hướng đông. Rồi thì mọi người lần lượt nối gót theo sau, không đầy một giờ sau dưới chân núi không còn một bóng người nào cả.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng bấy giờ mới đi đến dưới chân núi, ngước lên xem xét hồi lâu, thấy ngoại trừ đi vòng, thật chẳng còn cách nào khác hơn.
Đang vô kế khả thi, Dị Ngọc Phụng bỗng kinh ngạc reo lên:
- Ồ, hãy xem kìa.
Đào Hành Khản chẳng rõ nàng đã phát hiện gì, bèn nhìn theo hướng tay chỉ của nàng, chỉ thấy một tảng đá to, bên trên mọc đầy rêu xanh, nhưng nơi góc trái bên dưới thì lại tróc đi khá nhiều, trông như dấu vết để lại do có người di chuyển.
Đào Hành Khản chợt động tâm nói:
- Chả lẽ sau tảng đá có gì lạ hay sao?
Dị Ngọc Phụng thoáng ngẫm nghĩ:
- Chưa chắc, tảng đá này nặng ít ra cũng năm vạn cân, ai di chuyển được kia chứ?
Đào Hành Khản nói:
- Không sai, vừa rồi đông người thế kia, chưa chắc là đã không có người phát hiện ra dấu vết trên tảng đá này.
Nói đến đó, chàng chợt nảy ý, lại nói tiếp:
- Ngọc Phụng, người nào trông thấy dấu vết này cũng đều nghĩ như nàng cả.
Nhưng nếu tảng đá này mà không di chuyển thì sao lại có dấu vết như vậy? Chúng ta hãy thử xem.
Dị Ngọc Phụng thoáng nhíu mày:
- Cũng được.
Thế là hai người hợp liền sức xô đẩy, chẳng ngờ tảng đá ấy không nặng lắm, chỉ chừng một ngàn cân thôi. Với công lực của hai người, di chuyển một vật nặng ngàn cân dĩ nhiên chẳng có gì là khó.
Trong chốc lát, tảng đá đã bị xô ra chừng hai thước. Hai người bỗng cảm thấy một cơn gió lạnh ập vào mặt, thì ra phía sau tảng đá là một hang động to sâu tối om.
Hai người bất giác vừa kinh vừa mừng, mừng là đã dễ dàng di chuyển được tảng đá, kinh là không biết hang động này thông đến đâu.
Dị Ngọc Phụng nghiêng người bước vào động trước, bật cháy hỏa tập, nhưng từng cơn gió lạnh thổi tạt, ngọn lửa chỉ cháy leo lét.
Tuy vậy, Dị Ngọc Phụng vừa đưa lên soi, lập tức trông thấy con bạch mã đã chết cứng ở trong động. Nàng liền nháy mắt ra hiệu, Đào Hành Khản hiểu ý, lập tức nhặt một bó to cành cây khô, vác trên vai đi vào động.
Hai người dời tảng đá bít cửa động lại, dùng hỏa tập đốt cháy cành cây khô, ở trong động chỉ cảm thấy gió rét căm căm, lạnh thấu xương tủy.
Dị Ngọc Phụng trỏ xác ngựa nói:
- Ngựa đã chết tại đây, nhất định là họ đã vào trong hang động này rồi.
Đào Hành Khản đến bên xác ngựa, kỹ lưỡng xem xét một hồi, phát hiện một mũi cương chân đen cắm nơi cổ ngựa, chàng lùi sau một bước nói:
- Không sai, con ngựa này chính là đã chết bởi Hắc Tằm Châm.
Dị Ngọc Phụng ngẩn người:
- Vậy là hai người đã động thủ rồi ư?
Đào Hành Khản nhẹ lắc đầu:
- Cũng chưa hẳn, có lẽ là Dị... lão tiên sinh đã bỏ ngựa đi bộ thôi.
Khi xưng hô Dị Cư Hồ, Đào Hành Khản thấy hết sức lưỡng lự. Dị Cư Hồ là phụ thân của Dị Ngọc Phụng, lẽ ra chàng phải gọi là "lệnh tôn" nhưng hai cha con giờ đã như kẻ lạ người xa. Mà Dị Cư Hồ hiện tại là em rể chàng, nhưng Đào Hành Khản thật khó mở miệng gọi là "muội phu", nên suy nghĩ một hồi mới gọi quách là "lão tiên sinh" cho xong.
Dị Ngọc Phụng gật đầu:
- Vậy là sơn động này tuy ở đây rộng rãi, nhưng vào trong hẳn là rất chật hẹp, ngay cả ngựa cũng khó qua lọt.
Hai người vừa nói vừa tiến vào, ánh lửa do cành cây phát ra chỉ chiếu xa chừng năm sáu thước, bởi dường như trong động có một làn hắc khí bao phủ, nên đã khiến ánh lửa không chiếu xa được hơn một trượng.
Hai người sợ trong động có quái vật gì, nên bước đi hết sức thận trọng, hồi lâu sau mới vượt qua được chừng ba dặm, trước mắt bỗng hiện ra một chút ánh sáng xanh mờ.
Hai người đến gần xem, thấy sơn động tại đây đã hẹp vào, chỉ đủ cho một người lọt ngang qua, ánh sáng xanh mờ là do một loài nấm ở trên vách đá phát ra.
Dị Ngọc Phụng thấy mình đoán đúng, nàng đứng lại trước chỗ hẹp, đưa đuốc lửa vào soi, thấy con đường hầm này sâu thăm thẳm.
Hai người bàn bạc hồi lâu, sau đó nghiêng người chui vào, càng vào trong càng chật hẹp hơn, sau cùng phải ra sức chen mới tiến vào được, nhưng qua khỏi chừng năm dặm, sơn động lại rộng rãi như trước.
Hai người thở phào một hơi dài, biết mình đã không đi lầm đường. Nghỉ ngơi một hồi, vừa định tiếp tục tiến vào, bỗng nghe một chuỗi cười lạnh lùng vang lên ở phía trước.
Tiếng cười ở trong sơn động vang vọng không dứt, gây cảm giác hết sức ghê rợn.
Hai người đưa mắt nhìn nhau, nhận ra tiếng cười ấy là của Dị Cư Hồ.
Rồi sau đó, lại nghe tiếng Dị Cư Hồ nói:
- Hắc Thiên Ma, với thanh danh của tôn giá trong võ lâm mà đã luyện võ công được thế này, chả lẽ còn chưa thỏa mãn hay sao? Dị mỗ khuyên tôn giá nên từ bỏ ý định này đi là hơn.
Hai người liền tung mình phóng tới, đồng thời lại nghe Trịnh Tâm Cô nói:
- Dị bằng hữu đã biết được bao nhiêu về sự việc tây Côn Lôn?
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng phóng đi được hơn trượng, đã trông thấy hai đuốc lửa to. Bên dưới một bó đuốc là Dị Cư Hồ và Đào Lâm còn dưới bó kia là Trịnh Tâm Cô, hai người đang đứng đối diện nhau.
Điều kỳ lạ nhất là dưới ánh đuốc sáng, chỉ thấy sơn động đã đến đường cùng, không còn lối đi nữa. Nơi tận cùng là một bức vách đá trắng như ngọc và rất bóng loáng, rộng chừng ba trượng.
Trên bức vách đá trắng ấy lại có một bức họa đồ to được vẽ bằng sơn đen.
Trịnh Tâm Cô vừa thấy hai người đến, bèn nói:
- Hai người hãy đến đây.
Hai người chưa kịp xem kỹ bức họa trên vách đá vẽ gì, liền đi đến bên Trịnh Tâm Cô.
Trịnh Tâm Cô nhẹ gật đầu với hai người, đoạn lại quay sang Dị Cư Hồ nói:
- Hiện nay bảy con Thông Thiên Bửu Long đã có sáu con nằm trong tay Trịnh mỗ, và mảnh vải gai Trịnh mỗ cũng có nửa phần. Tôn giá hãy nhìn kỹ bức họa trên vách xem, toan tranh đoạt với Trịnh mỗ thì quá ngu xuẩn còn gì?
Vừa nói vừa chỉ tay lên bức họa đồ trên vách đá.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng bây giờ mới có dịp xem kỹ bức họa trên vách đá. Thấy đó là bảy người Ba Tư, trên đỉnh đầu người nào cũng có một con rồng nhỏ nhe nanh múa vuốt, và bên cạnh họ còn có một người Trung Quốc, thân hình ngũ đoản, tướng mạo thanh tú, tay cầm một mảnh vải gai.
Bức họa ấy thật ra có ý nghĩa gì, Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đều hoàn toàn mù tịt.
Chỉ nghe Dị Cư Hồ lạnh lùng nói:
- Không sai, bảy con Thông Thiên Bửu Long, có sáu con ở trong người tôn giá, nhưng Dị mỗ cũng có một con. Một con tuy ít nhưng so với sáu con của tôn giá lại có tác dụng như nhau. Chả lẽ tôn giá không biết là phải có đủ bảy con Thông Thiên Bửu Long thì mới mở được cánh cửa kia hay sao?
Trịnh Tâm Cô buông tiếng cười vang:
- Dị Cư Hồ, các hạ mơ tưởng đó ư?
- Tôn giá không tin Dị mỗ có một con Thông Thiên Bửu Long chứ gì?
- Dĩ nhiên! Thông Thiên Bửu Long gồm có bảy con, khi xưa do bảy người Ba Tư đã mang đến Trung Nguyên, bảo là bảy con Thông Thiên Bửu Long và một mảnh vải gai liên quan đến một đại sự có thể thay đổi hiện trạng của cả võ lâm, nhưng bấy giờ không một ai tin. Mãi sau cùng, họ mới thuyết phục được giáo chủ của Ma Giáo đương thời, cùng đến tây Côn Lôn.
Việc ấy thì Dị Cư Hồ đã biết, nhưng đó là qua thư điển tàng trữ trong Ma Giáo, không ngờ Trịnh Tâm Cô cũng biết, không khỏi lấy làm lạ, bèn cười khẩy nói:
- Việc này trong võ lâm ai ai cũng biết, có chi là lạ?
Trịnh Tâm Cô cười:
- Nếu trong giới võ lâm ai ai cũng biết, vậy các hạ nói tiếp nghe xem.
Dị Cư Hồ ngẩn người, bởi y chỉ biết vị giáo chủ Ma Giáo lúc bấy giờ cùng bảy người Ba Tư đến Tây Vực, rồi từ đó biệt vô âm tín, không còn tin tức gì nữa.
Còn về việc bảy con Thông Thiên Bửu Long và mảnh vải gai do đâu lại trở lại Trung Nguyên thì y không hề biết, nên Trịnh Tâm Cô bảo y nói tiếp, đương nhiên là y không thể nói được.
Dị Cư Hồ từ khi thành danh đến giờ, cả hai giới chính tà gặp y thảy đều hết sức khách sáo, chưa từng gặp cảnh bẻ bàng như thế này bao giờ, lúc này bị Trịnh Tâm Cô hỏi cho cứng họng, không khỏi thẹn quá hóa giận, sầm mặt nói:
- Các hạ định động thủ ư?
Dứt lời lão đã tiến tới một bước.
Trịnh Tâm Cô gật đầu, nhếch môi cười nói:
- Không sai! Trịnh mỗ cũng muốn thử xem môn Huyết Chưởng của Ngân Lệnh Huyết Chưởng ra sao.
Dị Cư Hồ ha hả cười to:
- Trong hai mươi năm qua, chưa ai dám nói lời như vậy với Dị Cư Hồ này.
Đoạn lão chầm chậm đưa tay lên, chỉ thấy bàn tay y trắng như ngọc, chẳng rõ hai từ Huyết Chưởng từ đâu mà có.
Nhưng trong chớp mắt, đã thấy lòng bàn tay y loáng thoáng như có màu đỏ chuyển động, lát sau đã trở nên đỏ như máu và thoảng mùi tanh tưởi.
Mùi tanh tuy không nồng lắm, nhưng cũng gây cảm giác tởm lợm.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản thấy môn Huyết Chưởng công chưa thi triển mà đã khủng khiếp như vậy, không khỏi kinh hãi vô cùng.
Nhất là Dị Ngọc Phụng, tuy sớm biết phụ thân mình hiệu xưng Ngân Lệnh Huyết Chưởng, nhưng nàng chưa từng trông thấy phụ thân sử dụng môn Huyết Chưởng bao giờ.
Lúc này chẳng qua Dị Cư Hồ mới giơ tay lên, chưởng lực chưa phát mà đã kinh khủng như vậy, đủ biết thanh danh trong võ lâm cao thế kia, hoàn toàn không phải do sự may mắn.
Trịnh Tâm Cô hai mắt sáng quắc nhìn vào lòng bàn tay Dị Cư Hồ hồi lâu mới lạnh lùng nói:
- Các hạ quả danh bất hư truyền.
Dứt lời, đột nhiên lật tay lên, chỉ thấy nơi lòng bàn tay lão có một vệt đen chuyển động như có rất nhiều tằm đen bò lúc nhúc, lão nói:
- Huyết Chưởng công đành rằng lừng danh thiên hạ, nhưng Hắc Tằm Chưởng cũng chưa hẳn thua kém. Dị Cư Hồ, hai ta hãy thẳng thừng đối nhau vài chưởng, thế nào?
Dị Cư Hồ đanh giọng:
- Được!
Hai người lập tức xáp vào nhau, chỉ thấy bóng người nhấp nhoáng, không sao rõ họ đã sử dụng chiêu thức gì, tai chỉ nghe bốn tiếng "bốp bốp bốp bốp", rồi lại tách nhau ra. Hai người đều mặt mày trắng bệch, lập tức ngồi xuống đất, không nói một lời.
Đào Hành Khản, Dị Ngọc Phụng và Đào Lâm đều không rõ việc gì đã xảy ra, chỉ ngơ ngác nhìn nhau. Chừng nửa giờ sau, mới thấy hai người không hẹn đồng đứng lên cùng một lúc.
Đồng thời, Trịnh Tâm Cô cười ha hả nói:
- Dị Cư Hồ, nếu hai ta mà là bạn ắt thiên hạ vô địch, còn như là địch, ắt khiến kẻ địch của chúng ta cười cho.
Vừa qua, Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đã chớp nhoáng trao đổi với nhau liên tiếp bốn chưởng, nhưng kết quả đã bất phân thắng bại, và cơ hồ lưỡng bại câu thương.
Đối với Dị Cư Hồ, đó là điều chưa từng có, nhưng mặc dù y không phải là người chính phái, song rất tự phụ, cũng không bao giờ chịu đứng chung hàng ngũ với Trịnh Tâm Cô, bèn cười khẩy nói:
- Đừng nói lôi thôi, hai ta quả cũng có thể hợp tác, nhưng lợi ích do Thông Thiên Bửu Long có được phải chia hai, các hạ đồng ý không?
Trịnh Tâm Cô cười quái dị:
- Các hạ dựa vào đâu mà đòi nửa phần chứ?
Dị Cư Hồ lạnh lùng:
- Dị mỗ có một con Thông Thiên Bửu Long.
Trịnh Tâm Cô cười tợn hơn:
- Thông Thiên Bửu Long vốn quả là có bảy con, nhưng hiện tại chỉ có sáu, và sáu con ấy thảy đều ở trong tay Trịnh mỗ. Các hạ bảo chỉ có một con, sao không lấy ra xem thử?
Dị Cư Hồ hết sức lấy làm lạ, trong người mình rõ ràng là có một con Thông Thiên Bửu Long, vì sao Trịnh Tâm Cô cứ khăng khăng bảo mình là không có thế này? Xem chừng đó nhất định là quỷ kế, mình đâu thể mắc mưu y được. Lão bèn cười khẩy nói:
- Vật của Dị mỗ hà tất phải cho các hạ xem!
Trịnh Tâm Cô nhếch môi cười:
- Đó đủ biết là các hạ không có rồi. Bởi các hạ không rõ phần sau sự việc khi xưa nên mới định đánh lừa Trịnh mỗ, các hạ có biết khi giáo chủ Ma Giáo cùng bảy người Ba Tư rời Trung Nguyên đến Tây Vực, sau đó lại xảy ra việc gì không?
Dị Cư Hồ chỉ cười khẩy không đáp.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Khi tám người đến đây, giáo chủ Ma Giáo bỗng sinh dị tâm, lẽ ra họ đã thỏa thuận với nhau là tám người sẽ chia đều lợi ích có được do Thông Thiên Bửu Long đem lại, và giáo chủ Ma Giáo cũng phải thu nhập họ vào trong giáo, cùng nhau tạo dựng sự nghiệp lừng lẫy trong chốn võ lâm.
Dị Cư Hồ càng nghe càng kinh ngạc, mình đã ở trong Ma Giáo lâu thế kia mà cũng không hề hay biết việc này, vậy thì Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô sao lại biết được nhỉ?
Nên lão chỉ cười khẩy nói:
- Dị mỗ xin rửa tai lắng nghe.
Trịnh Tâm Cô cười ha hả:
- Các hạ không tin lời nói của Trịnh mỗ ư?
Dị Cư Hồ lặng thinh.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Nhưng giáo chủ Ma Giáo đã sinh dị tâm, đã ra tay sát hại họ. Nhưng vị giáo chủ ấy lại không ngờ đến là trong số họ có một người từng luyện qua mấy mươi năm nội công, ông ra tay quá nhẹ nên người đó chưa chết, và đã nuốt chửng một con Thông Thiên Bửu Long vào bụng.
Dị Cư Hồ cười khẩy:
- Có lẽ các hạ lúc bấy giờ đã có mặt tại chỗ phải không?
- Tuy Trịnh mỗ không có mặt, nhưng người đó sau khi trốn thoát, đã vào Trung Nguyên ghi lại hết mọi sự và Trịnh mỗ đã được xem qua quyển ký sự ấy.
Dị Cư Hồ nghe vậy, lòng đã tin đối phương nửa phần.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Chính ngay tại nơi đây, giáo chủ Ma Giáo đã tiếp tục tiến vào, nhưng vì Thông Thiên Bửu Long thiếu mất một con nên chưa thể thành sự, sau cùng ông đã chết trong vách động này. Trước khi chết, ông ta xé đôi mảnh vải gai, ném ra ngoài cùng với sáu con Thông Thiên Bửu Long. Mấy trăm năm qua, lại có người tới lui vùng Tây Vực nhặt được và mang vào Trung Nguyên.
- Vậy thì con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy cũng có khả năng xuất hiện chứ?
- Con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy bị người Ba Tư kia nuốt vào bụng, sau đó y lại mất tích, các hạ biết đâu tìm?
Dị Cư Hồ cười khẩy:
- Rất có thể y đã chết trong núi, mấy trăm năm qua, dĩ nhiên thi thể cũng đã sớm hóa thành tro bụi, việc con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy tái xuất hiện cũng đâu có gì lạ.
Trịnh Tâm Cô cười:
- Tất nhiên chẳng phải là không có khả năng, nhưng cơ hội thật quá mong manh.
Dị Cư Hồ thò tay vào lòng, lấy ra một con rồng vàng nói:
- Hãy xem đây là gì?
Trịnh Tâm Cô lập tức biến sắc mặt.
Dị Cư Hồ dương dương đắc ý, nói tiếp:
- Hắc Thiên Ma, giáo chủ Ma Giáo khi xưa cũng có sáu con Thông Thiên Bửu Long mà bất thành sự, hẳn là các hạ không muốn theo gương ông ta chứ?
Trịnh Tâm Cô nhếch môi cười gượng:
- Các hạ quả thật là lợi hại.
Dị Cư Hồ trầm giọng:
- Những gì có được do Thông Thiên Bửu Long, hai tay sẽ chia đều nhau, thế nào?
- Không ai biết được đó là những gì, nếu là thứ xấu xa, các hạ cũng đòi chia phần nữa ư?
Dị Cư Hồ cười ha hả:
- Đó là lẽ tất nhiên.
Rồi thì hai người không hẹn cùng quay người, đặt tay lên vách đá đẩy tới, chỉ nghe tiếng kèn kẹt vang lên, cả bức vách đá trắng đã bị chuyển dịch, lát sau đã đẩy được năm sáu thước.
Hai người cùng thoái lui, đồng thanh nói:
- Xin mời!
Đào Hành Khản, Đào Lâm và Dị Ngọc Phụng thấy vậy đều hết sức kinh ngạc, định thần nhìn, hang động sau vách đá tối mịt, không trông thấy gì cả.
Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô sau khi lên tiếng mời, nhưng chẳng người nào chịu tiến vào động trước.
Hồi lâu sau, Trịnh Tâm Cô cười ha hả nói:
- Lão Dị, hai tay nắm tay nhau cùng vào nhé?
Dị Cư Hồ đáp:
- Được!
Đoạn hai lão đưa tay ra, "bốp" một tiếng, hai người nắm chặt tay nhau, cất bước đi vào hang động.
Lúc này ngoài Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô, chỉ có Đào Lâm là biết đại khái vì sao họ đã vào trong hang động, bởi nàng từng được nghe Dị Cư Hồ nói về sự tích của bảy người Ba Tư và giáo chủ Ma Giáo.
Còn Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng biết được càng ít hơn, hai người chỉ mới vừa nghe Trịnh Tâm Cô đề cập đến, nên hết sức do dự, không biết có nên theo vào hay không.
Ba người đứng chờ ngoài cửa động, Dị Ngọc Phụng trừng mắt giận dữ nhìn Đào Lâm. Đào Lâm và Đào Hành Khản thì xót xa đưa mắt nhìn nhau.
Lát sau, từ trong động vang lên tiếng Dị Cư Hồ nói:
- Phu nhân, hãy vào đây.
Rồi tiếng Trịnh Tâm Cô cũng nói vọng ra:
- Hai ngươi cũng vào đây đi.
Ba người liền cầm đuốc đi vào hang động. Lát sau, tiếng kèn kẹt lại vang lên, vách đá lại từ từ khép lại, và rồi bên ngoài động lại tối mịt. Lúc này nếu có ai đến đây mà không biết vách đá có thể chuyển dịch, nhất định cũng tưởng nơi đây là đã cùng đường.
Nhóm Dị Cư Hồ năm người sau khi vào trong động, thật ra đã đi đâu và đã làm gì, đã trở thành một điều bí mật, bởi sau đó không ai phát hiện tông tích của họ nữa.
Việc Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ và Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô cùng đến tây Côn Lôn bởi có liên quan đến Thông Thiên Bửu Long, tuy hai người hành sự hết sức kín đáo, nhưng trong giới võ lâm chẳng có bí mật nào là giữ kín được mãi cả.
Do đó có rất nhiều cao thủ võ lâm hay tin kéo đến, hy vọng sẽ có được chút ích lợi gì đó. Nhưng dĩ nhiên là họ chẳng có được gì cả.
Và lẽ đương nhiên, giới võ lâm chẳng ai lại không rõ về võ công của Trịnh Tâm Cô và Dị Cư Hồ, nên người đến đó thảy đều là cao thủ bậc nhất của các môn các phái.
Nhưng khi họ đến tây Côn Lôn, lại không hề phát hiện tông tích Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô. Song đã vượt vạn dặm đến đây, đương nhiên họ đâu chịu dễ dàng quay trở về Trung Nguyên, nên đã tìm kiến suốt hơn ba tháng dài, lùng sục khắp khu vực phía tây núi Côn Lôn hàng ngàn dặm. Thế nhưng, sau hơn ba tháng ròng rã, họ vẫn không hề phát hiện ra tông tích của Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô.
Lúc này, họ còn tưởng là tin đồn thất thiệt, nhưng có vài người lại chính mắt trông thấy Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đi về hướng tây. Sau khi tìm kiếm không có kết quả, họ liền nghĩ là rất có thể hai người đã lấy được báu vật và trở về Trung Nguyên rồi.
Họ vừa nghĩ vậy, thảy đều không khỏi kinh hoàng, bởi sự vật liên quan đến Thông Thiên Bửu Long tuy chưa rõ là gì, nhưng đó hẳn là một pho võ học tuyệt đỉnh, nếu Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đã lấy được, nhất định giới võ lâm sẽ khó có thể bình yên được nữa.
Do đó, họ lại cùng quay về Ngân Hoa Cốc, họ đã vào trong xem thử, Ngân Hoa Cốc điêu tàn đổ nát, chứng tỏ đã vắng bóng người từ lâu.
Trong một năm sau đó, mọi người đều nơm nớp lo âu, sợ Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đột nhiên liên thủ xuất hiện, gây giông gió trong chốn giang hồ.
Nhưng một năm sau, Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô vẫn biệt vô âm tín, nên giới giang hồ cũng cảm thấy yên tâm dần. Có kẻ đoán là hai người có lẽ đã sinh tâm độc chiếm, nên đã xảy ra xung đột và cả hai đã chết tại tây Côn Lôn rồi.
Sự suy đoán ấy vốn cũng chẳng mấy ai tin, nhưng thấm thoát ba năm trôi qua, tông tích hai người vẫn như đá chìm đáy biển, nên đã có rất nhiều người bắt đầu tin vào lập luận ấy. Thế rồi, câu chuyện này đã trở thành đề tài đàm luận trong lúc trà dư tửu hậu.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...