TÁM NĂM TRÔI QUA. TRONG THỜI GIAN ấY, _vua Hàm Phong qua đời, vua Đồng Trị lên ngôi, và cuộc nổi loạn Thái Bình bị dập tắt ở một tỉnh xa nào đó. Con trai lớn của tôi lấy vợ và vợ nó đã mang thai rồi về ở hẳn trong gia đình chúng tôi, và sinh được một đứa con trai - đứa đầu tiên trong đám cháu cưng. Con trai tôi cũng đã thi đỗ và trở thành sinh viên của phủ. Nó lập tức tiếp tục dùi mài kinh sử để trở thành tú tài của tỉnh. Nó không có nhiều thời gian cho vợ, nhưng tôi nghĩ con bé cũng tìm thấy được nguồn an ủi trong căn buồng phụ nữ nhà tôi. Nó là một thiếu phụ trẻ có học và biết lo việc nhà cửa. Tôi rất yêu mến nó. Con gái tôi, một con bé mười sáu bước sang tuổi búi tóc, đã đính ước với con trai nhà buôn gạo ở Quế Lâm xa xôi. Có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại Bích Ngọc nữa, nhưng mối giao hảo này sẽ bảo vệ các mối quan hệ làm ăn của nhà tôi trong lĩnh vực buôn muối. Gia đình nhà họ Lữ giàu có, được trọng vọng, và không khi nào gặp vận hạn. Tôi đã bốn mươi hai tuổi, và tôi cố hết sức để quên được Tuyết Hoa.
Vào một buổi chiều thu muộn năm thứ tư triều vua Đồng Trị, Dũng Cảm vào căn buồng trên gác và thì thầm vào tai tôi rằng có một người muốn gặp tôi. Tôi bảo con bé dẫn người đó lên gác nhưng Dũng Cảm liếc nhìn về phía con dâu và con gái tôi, hai đứa đang thêu thùa cùng nhau, và lắc đầu. Hoặc là Dũng Cảm xấc láo hoặc là có chuyện gì đó nghiêm trọng hơn. Không nói với ai một lời, tôi đi xuống nhà. Khi tôi bước vào căn phòng chính, một cô gái trẻ trong bộ áo quần sờn rách bèn quỳ sụp xuống và cúi đầu lạy. Những người ăn mày thường vẫn làm vậy ở trước cửa nhà tôi, vì tôi có tiếng hào phóng.
“Bà Lữ, chỉ có bà mới giúp được con,” cô gái van xin, khi cô ta lê cái thân hình nhàu nát về phía tôi cho đến khi đầu của cô ta chạm vào đôi chân gót sen của tôi.
Tôi đưa tay chạm vào vai cô ta. “Hãy đưa ta cái bát của cô ta sẽ đổ đầy cho.”
“Con không có bát của ăn mày, mà con cũng không xin ăn.”
“Thế cô đến đây làm gì?”
Người con gái bắt đầu khóc. Tôi bảo cô ta đứng dậy và khi cô ta không chịu tôi vỗ vai cô ta lần nữa. Đứng cạnh tôi, Dũng Cảm nhìn xuống sàn nhà.
“Đứng lên nào!” tôi ra lệnh.
Cô gái ngẩng lên nhìn vào mặt tôi. Hẳn là tôi từng gặp cô bé ở đâu đó. Con gái của Tuyết Hoa giống mẹ nó như đúc vào độ tuổi ấy. Mái tóc của cô bé chống lại sự giam hãm của những cái kẹp và xõa xuống thành những sợi lòa xòa quanh khuôn mặt cô bé, màu hơi nhạt và tinh khôi sạch sẽ như ánh trăng mùa xuân - như tên của cô. Tôi bâng khuâng nhớ lại cô gái này trước khi cô được sinh ra. Xuyên qua màn sương ký ức, tôi thấy Xuân Nguyệt khi còn là một đứa bé xinh đẹp, kế đến là những ngày đêm khủng khiếp hồi mùa đông chạy loạn Thái Bình. Sinh vật đẹp đẽ này từng suýt nữa trở thành lão đồng của con gái tôi. Giờ cô bé đang ở đây, dập đầu dưới chân tôi, vật nài tôi giúp đỡ.
“Mẹ con rất yếu. Bà ấy không thể qua nổi mùa đông này. Mọi người không thể làm gì cho bà ấy hơn nữa ngoại trừ xoa dịu nỗi u uất của bà ấy. Bà hãy làm ơn đến với mẹ con. Bà ấy đang gọi bà. Chỉ có bà mới có thể trả lời.”
Nếu là năm năm trước thì nỗi đau của tôi hẳn vẫn còn sâu sắc đến mức tôi sẽ đuổi cô bé về, nhưng tôi đã học được nhiều điều khi thực hiện bổn phận của bà Lữ. Có thể tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Tuyết Hoa vì tất cả nỗi buồn mà cô đã gây ra cho tôi, nhưng với địa vị của tôi ở trong huyện, tôi sẽ phải có mặt như một phu nhân cao quý. Tôi bảo Xuân Nguyệt cứ về nhà trước và hứa sẽ thu xếp để sang đó ngay; sau đó tôi cho gọi kiệu để đưa tôi sang Cẩm Điền. Trên đường đi, tôi củng cố tinh thần của mình để đối mặt với Tuyết Hoa, đồ tể, con trai họ, mà tôi biết chắc là phải lấy vợ rồi, và, đương nhiên, cả những người chị em kết nghĩa của cô nữa.
Chiếc kiệu đặt tôi xuống trước ngưỡng cửa nhà Tuyết Hoa. Nơi này vẫn không hề thay đổi. Một đống củi dựa vào tường bên của căn nhà. Ngoài sân gắn cái chảo chờ đến vụ mổ lợn mới. Tôi lưỡng lự, quan sát tình hình. Bóng đồ tể lờ mờ hiện ra chỗ ô cửa chính tối om, rồi anh ta đứng trước mặt tôi - già hơn, gân guốc hơn, nhưng nhiều nét vẫn y chang nhiều năm trước đây.
“Tôi không thể chịu đựng được khi nhìn cô ấy đau đớn” là câu đầu tiên anh ta nói với tôi sau tám năm. Gã dùng mu bàn tay chùi đôi mắt ươn ướt. “Cô ấy đã sinh cho tôi một đứa con trai, thằng bé đã giúp cho việc làm ăn của tôi ngày càng khấm khá. Cô ấy đã sinh cho tôi một đứa con gái ngoan hiền và hữu ích. Cô ấy đã làm cho ngôi nhà của tôi đẹp đẽ hơn. Cô ấy đã chăm sóc mẹ tôi cho đến khi bà qua đời. Cô ấy làm tất cả mọi việc mà một người vợ cần làm, nhưng tôi đã xử tệ với cô ấy, bà Lữ ạ. Giờ đây tôi mới nhận ra điều đó.” Rồi anh ta lách qua tôi, và nói thêm, “cô ấy đã khá hơn trong vòng tay của bạn bè cô ấy.” Tôi nhìn anh ta hiên ngang đi về phía những cánh đồng, nơi mà người đàn ông có thể ở đó một mình với những tình cảm riêng của anh ta.
Dù ngần ấy năm đã trôi qua, nhưng nghĩ về chuyện đó đối với tôi vẫn thật khó khăn. Tôi cứ ngỡ mình đã xóa bỏ được Tuyết Hoa khỏi ký ức và dứt lìa cô khỏi trái tim mình. Tôi thực sự tin rằng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cô vì đã yêu quý các chị em kết nghĩa hơn tôi, nhưng cái giây phút nhìn thấy Tuyết Hoa trên giường, tất cả những ý nghĩ và tình cảm đó tan biến hết. Thời gian - cuộc đời - đã đối xử tàn bạo với cô. Tôi đứng đó, già hơn trước, quả vậy, nhưng làn da của tôi vẫn mịn màng nhờ kem, phấn, và gần mười năm được bảo vệ khỏi ánh nắng, còn y phục của tôi cũng đủ nói với cả huyện này tôi là ai. Trên chiếc giường phía bên trong căn buồng Tuyết Hoa đang nằm, một bà già nhăn nheo trong bộ quần áo rách rưới. Không giống như con gái cô, khuôn mặt con bé tôi nhìn thấy quen ngay lập tức, nhưng tôi sẽ chẳng thể nhận ra Tuyết Hoa nếu gặp cô trên con phố bên ngoài Miếu Cô Bà.
Và, đúng, những người đàn bà khác cũng ở đó - Liên Hoa, Dương Liễu và Mai Hoa. Đúng như tôi nghi ngờ từ nhiều năm trước, các chị em kết nghĩa của Tuyết Hoa chính là những người đàn bà đã sống cùng với chúng tôi dưới tán cây trên núi năm nào. Chúng tôi không chào hỏi nhau.
Khi tôi tiến đến gần chiếc giường, Xuân Nguyệt đứng dậy và bước sang bên cạnh. Đôi mắt Tuyết Hoa nhắm nghiền và làn da cô xám ngắt một màu chết chóc. Tôi nhìn con gái cô, không chắc lắm về việc mình làm. Con bé gật đầu và tôi nắm lấy bàn tay giá lạnh của Tuyết Hoa. Cô khẽ cựa quậy nhưng vẫn không mở mắt, rồi khẽ liếm đôi môi khô rạn.
“Mình cảm thấy…” Cô lắc đầu như thể đang cố gắng dứt bỏ một ý nghĩ khỏi đầu.
Tôi gọi tên cô khe khẽ, rồi dịu dàng siết tay cô.
Đôi mắt của lão đồng mở ra và cô cố gắng tập trung, thoạt tiên không tin nổi người đang ngồi trước mặt mình. “Mình cảm thấy bạn chạm vào mình,” cô mấp máy môi. “Mình biết đó chính là bạn.” Giọng của cô nghe yếu ớt, nhưng khi cô nói, bao năm tháng đau đớn và khiếp sợ bỗng tan biến đi. Đằng sau sự tàn phá của bệnh tật, tôi vẫn nhìn thấy và nghe thấy cô bé từng đề nghị tôi trở thành lão đồng từ bao năm trước.
“Mình nghe tiếng bạn gọi mình,” tôi nói dối. “Mình đến ngay lập tức.”
“Mình đang đợi.”
Khuôn mặt của cô méo mó vì đau đớn. Tay kia ôm chặt bụng và cô kéo mạnh chân lên theo phản xạ. Con gái Tuyết Hoa lặng lẽ nhúng chiếc khăn vào chậu nước, vắt khô, và đưa nó cho tôi. Tôi cầm lấy rồi lau sạch mồ hôi đọng lại trên trán Tuyết Hoa trong cơn co giật.
Trong cơn đau đớn tột cùng cô nói. “Mình xin lỗi về tất cả mọi chuyện, nhưng bạn cần phải biết rằng tình cảm của mình với bạn không bao giờ dao động.”
Khi tôi nhận lời xin lỗi của cô, một cơn co giật khác lại đến, lần này còn tệ hại hơn lần trước. Đôi mắt cô nhắm nghiền lại để chống chọi với cơn đau, và cô không thể nói thêm lời nào nữa. Tôi giặt sạch chiếc khăn và đặt nó lên trán của cô; rồi tôi lại cầm lấy tay cô và ngồi bên cô cho đến khi mặt trời lặn. Vào lúc đó, những người đàn bà khác đã về và Xuân Nguyệt đã xuống dưới nhà để nấu cơm tối. Một mình với Tuyết Hoa, tôi kéo lại tấm chăn đắp cho cô. Căn bệnh của cô đã ăn sâu vào lớp thịt bao quanh xương và nuôi khối u đã lớn bằng một đứa bé trong bụng cô.
Ngay cả đến bây giờ tôi cũng không thể giải thích nổi những cảm xúc của mình. Tôi đã tổn thương và giận dữ quá lâu. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Tuyết Hoa, nhưng thay vì khư khư giữ lấy ý nghĩ đó tâm trí tôi lại rối tinh lên vì biết rằng dạ con của lão đồng một lần nữa phản lại cô và rằng khối u trong người cô hẳn đã hình thành từ bao năm nay. Tôi có trách nhiệm phải chăm sóc…
Không! Không phải thế. Tôi bị tổn thương suốt quãng thời gian đó là vì tôi vẫn còn yêu Tuyết Hoa. Cô là người duy nhất từng nhìn ra điểm yếu của tôi mà vẫn yêu thương tôi. Còn tôi vẫn yêu thương cô ngay cả khi tôi căm ghét cô nhất.
Tôi lại kéo tấm chăn đắp lên người cô và bắt đầu trù tính. Tôi phải mời đúng thầy lang. Tuyết Hoa cần phải ăn và chúng tôi cần một ông thầy cúng. Tôi muốn cô đấu tranh lại như tôi. Bạn thấy đấy, tôi vẫn không hiểu rằng người ta không thể kiểm soát được sự biểu lộ của tình yêu, cũng như không thể thay đổi được số mệnh của người khác.
Tôi nâng bàn tay giá lạnh của Tuyết Hoa lên môi; rồi tôi bước xuống nhà. Đồ tể ngồi thừ người ra bên cái bàn. Con trai Tuyết Hoa, giờ đã là một chàng trai trưởng thành, đứng cạnh em gái nó. Chúng nhìn tôi với những biểu cảm hệt như mẹ chúng - kiêu hãnh, nhẫn nại, chịu đựng, khẩn nài.
“Bây giờ tôi phải về nhà,” tôi thông báo. Mặt con trai Tuyết Hoa nhăn lại vì thất vọng, nhưng tôi đưa tay ra xoa dịu. “Mai tôi lại sang. Hãy sắp xếp một chỗ ngủ cho tôi. Tôi sẽ không rời khỏi đây cho đến khi…” Tôi không thể nói tiếp.
Tôi cứ nghĩ rằng một khi tôi ở lại đây thì chúng tôi sẽ thắng trong trận đấu này, nhưng hai tuần là tất cả thời gian mà chúng tôi có được. Hai tuần của cả cuộc đời tám mươi năm đằng đẵng để tôi thể hiện với Tuyết Hoa toàn bộ tình yêu thương mà tôi dành cho cô. Không một lần tôi rời khỏi căn phòng. Bất cứ thứ gì tôi ăn vào, con gái Tuyết Hoa mang đến. Bất cứ thứ gì tôi thải ra, con gái Tuyết Hoa mang đi. Ngày ngày tôi lau rửa mình mẩy cho Tuyết Hoa, rồi dùng chính thứ nước đó để rửa ráy cho tôi. Việc dùng chung một chậu nước trước đây đã khiến tôi hiểu rằng Tuyết Hoa yêu thương tôi. Giờ đây tôi hy vọng cô sẽ nhìn thấy những việc làm này của tôi, nhớ lại quá khứ, và biết rằng chẳng điều gì thay đổi.
Đêm đến, sau khi mọi người đi khỏi, tôi rời chiếc giường mà gia đình cô đã chuẩn bị cho tôi sang nằm cạnh Tuyết Hoa, tôi vòng tay qua người cô, cố gắng mang hơi ấm đến cho thân hình sắt seo của cô và xoa dịu khối u đang tàn phá bên trong cơ thể cô khiến cô rên rỉ ngay cả trong giấc mơ. Hằng đêm tôi chìm vào giấc ngủ với mong ước đôi tay tôi là những miếng bọt biển hút hết cái khối đang lớn lên trong bụng cô. Mỗi sáng tôi thức dậy để thấy đôi tay của cô đặt lên má tôi, đôi mắt sâu hoắm của cô nhìn tôi đăm đắm.
Trong nhiều năm, ông thầy lang ở Cẩm Điền đã chữa bệnh cho Tuyết Hoa. Giờ tôi mời đến một ông thầy thuốc khác. Ông ta nhìn một cái rồi lắc đầu nguầy nguậy.
“Bà Lữ à, trường hợp này hết cách rồi,” ông ta nói. “Tất cả những gì bà có thể làm bây giờ là chờ đợi đến khi cái chết đến. Bà có thể thấy hiện tượng ở màu da tím bầm ngay bên trên lớp vải bó của bà ấy. Đầu tiên là mắt cá chân của bà ấy, tiếp theo sẽ đến chân, sưng phồng lên và da sẽ chuyển thành màu tím ngắt khi sức lực của bà ấy suy giảm. Sẽ sớm thôi, tôi nghi là vậy, hơi thở của bà ấy sẽ thay đổi. Bà sẽ nhận thấy điều đó. Một hơi hít vào, một hơi thở ra rồi chẳng còn gì nữa. Chỉ khi bà nghĩ bà ấy đã ra, đi thì bà ấy lại thở thêm một hơi nữa. Đừng khóc, bà Lữ. Vào lúc đó kết cục đã đến rất gần, và bà ấy sẽ không thấy đau đớn gì cả.”
Ông thầy thuốc để lại mấy gói thuốc cho chúng tôi để sắc cho cô uống; tôi trả công cho ông ta và thề rằng sẽ không bao giờ mời ông ta thăm bệnh nữa. Sau khi ông ta đi khỏi, Liên Hoa, người lớn tuổi nhất trong hội chị em kết nghĩa, cố gắng an ủi tôi. “Chồng của Tuyết Hoa đã mời rất nhiều thầy thuốc giỏi về thăm bệnh, nhưng một người, hai người, rồi ba người cũng chẳng thể làm được gì cho cô ấy lúc này.”
Cơn giận lúc trước ngấp nghé bùng lên trong tôi, nhưng tôi nhìn thấy sự đồng cảm và lòng thương trên khuôn mặt của Liên Hoa, không chỉ dành cho Tuyết Hoa mà còn dành cho cả tôi nữa.
Tôi nhớ lại rằng vị đắng là vị có tính âm nhất. Nó gây ra sự co bóp dạ con, giảm sốt, và giúp trấn tĩnh trái tim và tâm hồn. Tin chắc rằng khổ qua sẽ là một vị thuốc trì hoãn được căn bệnh của Tuyết Hoa, tôi bèn gọi mấy người chị em kết nghĩa của cô tới làm giúp món khổ qua xào với nước tương đen và canh khổ qua. Ba người đàn bà làm như tôi bảo. Tôi ngồi ở giường của Tuyết Hoa và đút cho cô từng thìa một. Lúc đầu cô ăn ngay không hỏi han gì. Sau đó cô mím chặt môi lại và quay đi không nhìn tôi như thể tôi không có ở đó.
Người chị em kết nghĩa thứ hai kéo tôi sang một bên. Đứng ở đầu cầu thang, Dương Liễu cầm lấy cái bát từ tay tôi, và thì thầm “đã quá trễ để làm việc này. Cô ấy không muốn ăn. Đành phải dằn lòng mà để cô ấy ra đi thôi.” Dương Liễu ân cần vỗ vỗ má tôi. Lát sau, cô ta chính là người lau dọn chỗ khổ qua Tuyết Hoa nôn ra.
Kế hoạch tiếp theo và cũng là cuối cùng của tôi là mời một ông thầy cúng. Ông ta bước vào phòng và tuyên bố luôn, “có một con ma đã nhập vào bạn bà. Đừng quá lo lắng. Chúng ta sẽ đuổi nó ra khỏi căn phòng này và cô ấy sẽ khỏi bệnh. Cô Tuyết Hoa,” ông ta nói, cúi xuống chiếc giường, “cô hãy tụng mấy lời sau.” Sau đó, với những người còn lại, ông ta ra lệnh, “quỳ xuống khấn vái.”
Xuân Nguyệt, bà Vương - vâng, bà mối già có mặt ở đó trong suốt buổi cúng - ba người chị em kết nghĩa và tôi quỳ cạnh giường, bắt đầu khấn và hát kêu cầu Phật Bà Quán Âm, trong khi Tuyết Hoa phều phào nhắc lại mấy lời của cô. Khi ông thầy cúng thấy chúng tôi bận bịu với nhiệm vụ của mình rồi, ông ta bèn lôi từ trong chiếc túi ra một mảnh giấy, viết một câu bùa chú lên đó, châm lửa, rồi chạy qua chạy lại căn phòng, cố gắng xua đuổi con ma đói khát. Kế đến, ông ta dùng thanh kiếm để chém liên hồi vào cuộn khói: xoẹt, xoẹt, xoẹt. “Ma cút đi, ma cút đi, ma cút đi!”
Nhưng việc này cũng chẳng thể giúp gì. Tôi trả tiền công cho ông thầy cúng rồi qua chấn song cửa sổ nhà Tuyết Hoa tôi nhìn thấy ông ta bước lên chiếc xe ngựa rồi thúc con ngựa chạy lóc cóc xuống đường. Và tôi thề rằng từ giờ trở đi sẽ chỉ mượn thầy cúng để chọn ngày lành tháng tốt.
Mai Hoa, người thứ ba và cũng là người trẻ nhất trong đám chị em kết nghĩa, đến bên tôi. “Tuyết Hoa đang làm tất cả những gì mà bà yêu cầu cô ấy. Nhưng tôi hy vọng bà sẽ hiểu ra, bà Lữ ạ, cô ấy làm những chuyện đó chỉ vì bà mà thôi. Khối u đó đã đeo bám quá lâu rồi. Nếu cô ấy là một con chó, liệu bà có bắt cô ấy phải chịu đựng đau đớn như thế không?”
Đau đớn tồn tại ở nhiều cấp độ: nỗi đau thể xác Tuyết Hoa đang phải chịu đựng, nỗi đau khi phải nhìn cô đau đớn mà biết rằng tôi không thể chịu đựng được thêm một giây phút nào nữa, nỗi ân hận giày vò về những gì tôi đã nói với cô tám năm về trước - vì mục đích gì? Để được những người đàn bà trong thôn tôi kính trọng ư? Để làm tổn thương Tuyết Hoa vì cô đã làm tổn thương tôi ư? Hay lý do duy nhất chính là bởi sự kiêu ngạo của tôi - rằng nếu cô không chơi với tôi, cô sẽ không chơi được với bất kỳ ai khác? Tôi đã sai lầm trong mọi tính toán của mình, kể cả lần cuối cùng đó, vì trong suốt thời gian đó tôi đã thấy những người đàn bà khác vẫn đến an ủi Tuyết Hoa. Họ không chỉ đến với cô vào những giây phút cuối cùng như tôi; họ đã chăm sóc cô suốt bao năm qua. Sự hào phóng của họ - từ túi gạo nhỏ, mớ rau, bó củi - đã giúp cô sống sót. Giờ đây, họ đến hàng ngày, bỏ bê những nhiệm vụ với gia đình của họ. Họ không cản trở mối quan hệ đặc biệt của chúng tôi. Thay vì đó, họ lượn qua lượn lại như những linh hồn nhân từ, cầu khấn, giữ cho lửa luôn được thắp sáng để xua đuổi lũ tà ma đang rình rập Tuyết Hoa, nhưng luôn luôn để yên cho chúng tôi ở bên nhau.
Lẽ ra tôi phải ngủ, nhưng tôi quên bẵng mất điều đó. Khi không chăm sóc Tuyết Hoa, tôi ngồi khâu cho cô đôi giày dành cho khi mai táng. Tôi chọn màu sắc mà tôi biết là cô thích. Tôi xỏ chỉ và thêu trên một chiếc giày hình bông sen hàm ý tiếp tục và hình chiếc thang hàm ý leo lên để nói rằng Tuyết Hoa sẽ tiếp tục lên thiên đàng. Ở chiếc kia, tôi thêu một con hươu bé tí và những con dơi có đôi cánh xoắn, những biểu tượng về một cuộc sống lâu dài - giống như những biểu tượng bạn có thể nhìn thấy trên những vòng hoa cưới và được treo như những tín hiệu thông báo lễ mừng thọ - để Tuyết Hoa biết rằng ngay cả sau khi cô mất, máu của cô vẫn tiếp tục chảy trong huyết quản của con trai và con gái cô.
Tuyết Hoa ngày càng yếu. Khi tôi ghé thăm lần đầu và rửa đôi chân cô trước khi bó lại, tôi thấy những ngón chân cong queo của cô đã bắt đầu tím bầm. Như ông thầy thuốc đã nói, cái màu kinh khủng chết chóc ấy đã lan tới bắp chân cô. Tôi cố gắng ép Tuyết Hoa phải chống chọi lại với bệnh tật. Những ngày đầu, tôi van nài cô hãy viện đến bản tính ngựa trong cô để đá bay những hồn ma đòi bắt cô đi. Bây giờ thì tôi hiểu, tất cả những gì còn lại chỉ là gắng hết sức làm cô được thanh thản đi sang thế giới bên kia.
Dũng Cảm chứng kiến tất cả vì sáng nào nó cũng đến gặp tôi, mang đến cho tôi những quả trứng tươi, quần áo sạch, và những lời nhắn của chồng tôi. Con bé đã vâng lời và trung thành với tôi suốt bao năm nay, nhưng lần này tôi phát hiện ra có một lần nó đã không trung thành với tôi, theo cái cách mà tôi sẽ không bao giờ có thể quên ơn. Ba ngày trước khi Tuyết Hoa mất, một buổi sáng Dũng Cảm đến thăm tôi như thường lệ, rồi quỳ xuống trước mặt tôi, và đặt một cái giỏ dưới chân tôi.
“Con đã thấy bà, thưa bà Lữ, nhiều năm trước,” con bé nói, giọng vỡ òa ra vì sợ hãi. “Con biết bà không hiểu nổi mình đang làm gì.”
Tôi không hiểu con bé đang nói về chuyện gì và tại sao lại chọn lúc này để mà thú tội. Rồi nó nhấc lớp vải phủ ra khỏi chiếc giỏ, thò tay vào cầm lên những lá thư, những chiếc khăn tay, những đồ thêu và chiếc quạt bí mật của Tuyết Hoa và tôi. Đây là những thứ mà tôi đã đi tìm khi tôi đốt những kỷ vật của chúng tôi, nhưng cô hầu này đã dám bất chấp chuyện có thể sẽ bị ném ra đường mà cất giấu chúng, trong suốt những tháng ngày Cắt bệnh trong Tim của tôi, rồi giữ gìn chúng cẩn thận trong ngần ấy năm.
Thấy vậy, Xuân Nguyệt và các chị em kết nghĩa tỏa ra khắp căn phòng, bới giỏ đồ thêu của Tuyết Hoa, lục lọi trong các ngăn kéo, và thò xuống gầm giường để tìm những nơi cất giấu bí mật. Lát sau bày ra trước mặt tôi là những lá thư tôi đã viết cho Tuyết Hoa và tất cả những gì tôi đã làm tặng cô. Cuối cùng, mọi thứ - ngoại trừ những thứ tôi đã phá hủy - đều đang ở đây.
Những ngày cuối đời Tuyết Hoa, tôi đưa cả hai chúng tôi du hành qua chặng đường đời chúng tôi đã đi cùng nhau. Chúng tôi đã hồi tưởng lại nhiều đến mức có thể kể lại toàn bộ những gì đã qua, nhưng cô yếu đi nhanh chóng và phần lớn thời gian đó cô chỉ nắm lấy tay tôi và lắng nghe tôi nói.
Đêm đến, chúng tôi nằm trên giường bên cạnh chiếc cửa sổ mắt cáo, dầm mình trong ánh trăng, chúng tôi trở về cái thời búi tóc. Tôi viết nữ thư lên lòng bàn tay cô. Đầu giường ánh trăng rọi…
“Mình vừa viết gì?” tôi hỏi “Hãy nói những chữ mình viết xem nào.”
“Mình không biết,” cô thì thào. “Mình không nói được…”
Thế là tôi đọc lại bài thơ và nhìn những giọt nước mắt lăn khỏi bờ mi Tuyết Hoa, chảy xuống thái dương, và mất hút trong đôi tai.
Suốt buổi trò chuyện cuối cùng của chúng tôi, cô đề nghị, “Bạn có thể làm ình việc này được không? ”
“Bất cứ việc gì,” tôi nói và thực bụng nghĩ vậy.
“Hãy là dì của các con mình nhé.”
Tôi hứa.
Không có gì giúp ích hay xoa dịu nổi nỗi đau của Tuyết Hoa. Trong những giờ phút cuối cùng, tôi đọc cho cô nghe bản thỏa ước của chúng tôi, nhớ lại chuyện chúng tôi đã cùng nhau đến Miếu Cô Bà như thế nào rồi mua giấy đỏ, ngồi bên nhau và cùng nhau nghĩ những lời lẽ ghi trong đó ra sao. Tôi đọc lại những lá thư mà chúng tôi đã gửi cho nhau. Tôi đọc lại những chuyện vui vẻ ghi trên chiếc quạt. Tôi ngân nga những giai điệu từ hồi chúng tôi còn nhỏ. Tôi nói với cô tôi yêu cô nhiều đến mức nào và bảo tôi mong cô sẽ đợi tôi ở thế giới bên kia. Tôi nói với cô suốt chặng đường đi tới chân trời, không muốn để cô đi nhưng lại nóng lòng giải phóng cho cô bay vào những đám mây.
Da của Tuyết Hoa chuyển từ tái nhợt sang màu vàng. Cả đời buồn đau lo âu tan chảy trên khuôn mặt cô. Những người chị em kết nghĩa, Xuân Nguyệt, bà Vương, và tôi lắng nghe hơi thở của Tuyết Hoa: hít vào, thở ra rồi ngừng bặt. Vài giây trôi qua; rồi lại hít vào thở ra, ngừng bặt. Suốt khoảng thời gian đó tôi đặt tay mình lên má Tuyết Hoa, như cô vẫn làm với tôi suốt thời gian chúng tôi sống bên nhau, để cô biết rằng lão đồng của cô vẫn đang ở đây cho đến khi cô hít vào, thở ra rồi ngừng bặt lần cuối cùng.
QUÁ NHIỀU chuyện vừa xảy ra nhắc tôi nhớ tới câu chuyện giáo huấn ngày trước thím tôi thường hát kể về cô gái có ba người anh trai. Giờ tôi mới hiểu ra rằng chúng tôi học những bài hát và những câu chuyện đó không chỉ để dạy ình phải ăn ở cư xử như thế nào mà còn vì chúng tôi sẽ phải sống qua nhiều biến thể lặp đi lặp lại của chúng trong suốt cuộc đời mình.
Tuyết Hoa được đưa xuống căn phòng chính. Tôi lau rửa cho cô và mặc quần áo liệm cho cô - tất cả đều đã sờn rách và bạc màu nhưng thêu những họa tiết mà tôi nhớ từ hồi còn bé. Người lớn tuổi nhất trong hội chị em kết nghĩa chải đầu cho Tuyết Hoa. Người thứ hai đánh phấn tô son cho khuôn mặt Tuyết Hoa. Người nhỏ tuổi nhất cài hoa lên mái tóc của cô. Thân thể Tuyết Hoa được đặt trong quan tài. Một ban nhạc nhỏ được mời đến để chơi khi chúng tôi ngồi bên linh cữu của cô trong căn phòng chính. Người chị kết nghĩa lớn tuổi nhất có đủ tiền để mua hương đốt. Người chị kết nghĩa thứ hai đủ tiền để mua giấy đốt. Cô em nhỏ tuối nhất không có tiền để mua hương hay giấy nhưng cô ta khóc thương rất thống thiết.
Ba ngày sau, đồ tể, con trai anh ta, cùng chồng và con trai của các chị em kết nghĩa khiêng quan tài đi chôn. Họ đi nhanh như bay. Tôi đem theo tất cả những gì viết bằng nữ thư của Tuyết Hoa, bao gồm cả những thứ tôi đã gửi cho cô, và đốt đi để chúng theo cô sang thế giới bên kia.
Chúng tôi quay trở lại nhà đồ tể. Xuân Nguyệt pha trà, trong khi tôi và ba chị em kết nghĩa lên gác lau dọn sạch những dấu vết của sự chết chóc.
Chính trong khi làm việc đó mà tôi biết được nỗi hổ thẹn lớn lao nhất của mình. Họ nói cho tôi biết Tuyết Hoa không phải là chị em kết nghĩa của họ. Tôi không tin điều đó. Còn họ thì cố thuyết phục tôi.
“Nhưng còn chiếc quạt?” Tôi khóc trong nỗi thất vọng. “Cô ấy chả viết là đã gia nhập vào nhóm của các chị còn gì.”
“Không đúng,” Liên Hoa chỉnh lại. “Cô ấy viết là không muốn bà phải lo lắng về cô ấy nữa, rằng ở đây cô ấy đã có những người bạn để an ủi mình.”
Họ bảo tôi cho họ xem những câu chữ đó. Tôi nhận ra rằng Tuyết Hoa đã dạy những người đàn bà này đọc nữ thư. Giờ họ xúm lại quanh chiếc quạt giống như bầy gà mái, í ới chỉ trỏ vào chỗ này chỗ khác xác nhận những điều Tuyết Hoa đã kể với họ trong suốt những năm qua. Nhưng khi đọc đến mục cuối cùng, họ trở nên nghiêm túc.
“Nhìn này,” Liên Hoa nói, chỉ vào những chữ viết. “Ở đây không hề nói gì đến chuyện cô ấy trở thành chị em kết nghĩa của chúng tôi cả.”
Tôi chộp lấy chiếc quạt và đem ra một góc để tự mình kiểm tra. Mình có quá nhiều vấn đề, Tuyết Hoa viết. Mình không thể trở thành con người mà bạn mong đợi. Bạn không cần phải lắng nghe những lời than vãn nào của mình nữa. Ba người chị em kết nghĩa nguyện sẽ thương yêu mình như mình vốn vậy.
“Bà hiểu ra chưa, bà Lữ?” Liên Hoa nói vọng tới từ đầu kia căn phòng. “Tuyết Hoa muốn chúng tôi lắng nghe cô ấy. Đổi lại cô ấy sẽ dạy chữ bí mật cho chúng tôi. Cô ấy là cô giáo của chúng tôi, và chúng tôi kính trọng cũng như yêu quý cô ấy vì thế. Nhưng cô ấy không yêu chúng tôi, cô ấy chỉ yêu mình bà thôi. Cô ấy mong tình yêu đó sẽ trở lại, không chịu gánh nặng của sự thương hại và thiếu kiên nhẫn của bà.”
Kể cả có tự xỉ và mình là hời hợt, bướng bỉnh và ích kỷ thì điều đó cũng không thể khiến những gì tôi đã làm bớt nghiêm trọng và ngu ngốc đi. Tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng nhất đối với một người đàn bà thông thạo nữ thư: tôi không hề xem xét bố cục, ngữ cảnh và nghĩa bóng của nó. Hơn thế, quá tin tưởng vào tầm quan trọng của mình tôi đã quên mất những gì tôi được biết từ ngày đầu tiên gặp Tuyết Hoa: lời lẽ của cô luôn luôn tế nhị và phức tạp hơn nhiều so với cô con gái thứ hai tầm thường của một nông dân. Trong tám năm qua, Tuyết Hoa đã đau khổ vì sự mù quáng và ngu ngốc của tôi. Trong phần đời còn lại của mình - dài gần bằng cả quãng đời Tuyết Hoa đã sống cho đến khi cô chết - tôi phải sống trong ân hận.
Nhưng họ vẫn chưa nói xong với tôi.
“Cô ấy đã cố làm vui lòng bà bằng mọi cách,” Liên Hoa nói, “kể cả phải ân ái với chồng quá sớm sau khi sinh.”
“Điều đó không đúng!”
“Mỗi lần cô ấy mất một đứa con, bà chẳng hề thông cảm với cô ấy hơn chút nào so với chồng và mẹ chồng cô ấy,” Dương Liễu tiếp tục. “Bà luôn bảo rằng giá trị của cô ấy chỉ có được bằng cách sinh ra những đứa con trai, và cô ấy đã tin bà. Bà bảo cô ấy tiếp tục cố gắng và cô ấy nghe lời.”
“Đó là điều mà đàn bà chúng ta phải nói,” tôi trả lời phẫn nộ. “Đó là cách đàn bà chúng ta nói lời an ủi…”
“Nhưng bà có nghĩ những lời lẽ đó là điều an ủi được cô ấy khi cô ấy mới mất đi đứa con hay sao?”
“Bà không có ở đây. Bà không hề nghe…”
“Cố lên! Cố lên! Cố lên!” Mai Hoa chọc. “Bà có thể chối là bà đã nói những điều đó chứ?”
Tôi không thể.
“Bà yêu cầu cô ấy tuân theo lời khuyên của bà trong nhiều chuyện khác nữa,” Liên Hoa khơi chuyện. “Rồi sau khi cô ấy làm theo lời bà, bà lại chỉ trích cô ấy.”
“Các người đã chiếm chỗ của tôi trong lòng cô ấy.”
“Chúng tôi ư?” Dương Liễu hỏi. “Lúc nào cô ấy cũng kể về bà. Cô ấy không bao giờ nói một lời nào xấu về bà, nhưng chúng tôi nghe được sự thật về những điều đã diễn ra.”
“Cô ấy thương yêu bà như một lão đồng bất kể bà thế nào đi nữa,” Mai Hoa kết luận. “Nhưng bà có quá nhiều suy nghĩ của đàn ông. Bà yêu thương cô ấy theo cách của một người đàn ông, chỉ đánh giá cô ấy dựa trên việc tuân thủ các luật lệ của đàn ông.”
Hết một vòng, Liên Hoa lại bắt đầu một vòng khác.
“Bà có còn nhớ khi chúng ta ở trong núi rồi cô ấy mất đứa bé không?” cô ta hỏi, với một giọng điệu khiến tôi nghe mà khiếp sợ những điều cô ta sắp nói.
“Đương nhiên là tôi nhớ.”
“Lúc đó cô ấy đã bị căn bệnh này rồi.”
“Không thể thế được. Đồ tể…”
“Có lẽ chồng cô ấy đã làm chuyện đó xảy ra vào ngày hôm ấy,” Dương Liễu thừa nhận. “Nhưng máu chảy xối ra từ cơ thể của cô ấy đen, ứ đọng, chết chóc, và không ai trong chúng ta nhìn thấy thai nhi trong cái đống đó cả.”
Lần nữa, Mai Hoa kết thúc. “Chúng tôi sống ở đây với cô ấy nhiều năm nay, và chuyện này xảy ra thêm vài lần nữa. Cô ấy ốm một trận khá nặng khi bà hát Những lời Lăng mạ năm nào.”
Tôi chưa từng cãi thắng nổi họ lúc trước. Làm sao tôi có thể tranh cãi về điều này? Khối u chắc chắn phải lớn dần lên từ rất lâu rồi. Mọi điều khác từ trước đây trở nên sáng rõ: Tuyết Hoa biếng ăn, da cô tái mét, và cô mất hết sức lực đúng vào lúc mà tôi cằn nhằn bắt cô ăn nhiều hơn, véo má cho hồng hào hơn, và làm tất cả những công việc nhà như người ta mong muốn để mang lại sự hòa hợp yên ấm cho gia đình chồng. Và rồi tôi nhớ lại rằng chỉ hai tuần trước khi tôi trở lại thăm ngôi nhà này lần đầu, cô đã xin lỗi tôi. Tôi đã không làm vậy - không xin lỗi ngay cả khi cô đau đớn nhất, ngay cả khi cô sắp mất, ngay cả khi tôi tự mãn mà nói với chính mình rằng tôi vẫn yêu cô. Trái tim của cô luôn luôn tinh khiết, nhưng của tôi thì đã quắt queo lại, khắc nghiệt và khô cằn như một quả óc chó già cỗi.
Thỉnh thoảng tôi nghĩ về những người chị em kết nghĩa đó - đương nhiên, tất cả họ giờ đây đều đã chết. Họ phải cẩn trọng trong cách nói năng với tôi, vì tôi là bà Lữ. Nhưng họ không chịu để tôi rời khỏi ngôi nhà đó mà không biết gì về sự thật.
Tôi trở về nhà và lên căn buồng trên gác đi nghỉ cùng với chiếc quạt và vài bức thư. Tôi mài mực cho đến khi nó đen như bầu trời đêm. Tôi mở chiếc quạt, nhúng cây bút vào mực và viết những gì tôi nghĩ ục cuối cùng.
Bạn người luôn luôn hiểu thấu trái tim mình giờ đây đã bay vào những đám mây trong sự ấm áp của mặt trời. Mình mong một ngày nào đó chúng ta sẽ được sải cánh cùng nhau. Tôi có nhiều năm để cân nhắc những dòng chữ đó và những gì có thể thay đổi được tất cả những tổn hại mà tôi đã gây ra cho người tôi yêu quý nhất trên thế gian này.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...