BỐN GIA ĐÌNH Ở cẩM ĐIỀN CÙNG NHAU TRÚ dưới một cái cây to, tán cây trải rộng, nhưng cuộc thử thách vẫn chưa kết thúc - không phải chỉ sau hai đêm hay thậm chí một tuần. Năm đó chúng tôi khổ sở chưa từng thấy với tuyết. Lúc nào chúng tôi cũng phải chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt. Hơi thở biến thành những đám mây tan ngay vào khí núi. Lúc nào chúng tôi cũng thấy đói. Mọi gia đình đều dành dụm lương thực vì không chắc mình sẽ phải di tản bao lâu nữa. Ho, cảm lạnh, và viêm họng lan tràn khắp đoàn người. Đàn ông, đàn bà và trẻ con cứ chết dần chết mòn vì ốm đau và những đêm băng rét liên tiếp không ngừng.
Chân của tôi, và hầu như của tất cả những người đàn bà đang ở trên núi này - đều bị tổn thương nặng trong cuộc chạy trốn. Chúng tôi không có chốn riêng tư nào, vì thế chúng tôi phải mở lớp vải bó chân, rửa ráy rồi bó chân lại ngay trước mặt đám đàn ông con trai. Chúng tôi cũng vượt qua nỗi xấu hổ về những nhu cầu thiết yếu khác của cơ thể, học cách làm những chuyện đó sau các thân cây hay trong những hố xí chung đào tạm. Nhưng, không giống những người đàn bà ở đây, tôi không đi cùng gia đình mình. Tôi nhớ thằng con lớn và mấy đứa nhỏ của tôi đến tuyệt vọng. Tôi luôn luôn lo lắng cho chồng tôi, các em trai chồng tôi, đám em dâu, con của chúng, thậm chí cả đám người ăn kẻ ở - và lo rằng liệu họ đến được phủ Vĩnh Minh để ẩn náu an toàn hay không.
Phải mất gần một tháng trời thì đôi chân tôi mới lành lại để có thể đi bộ mà không chảy máu. Đầu tháng Chạp, tôi định ngày nào cũng sẽ đi tìm anh trai và em trai tôi cùng gia đình của họ, cả chị gái tôi và gia đình chị nữa. Tôi hy vọng ở trên này họ sẽ được an toàn, nhưng làm sao tôi có thể xác định được họ đang ở đâu trong khi có đến cả vạn người di tản vào khắp dãy núi? Ngày nào tôi cũng khoác một tấm chăn lên vai, lẻn ra ngoài, luôn luôn đánh dấu lại đường đi vì biết rõ rằng nếu tôi không tìm được đường về với gia đình Tuyết Hoa chắc chắn tôi sẽ chết.
Một ngày nọ - khi việc tìm kiếm của tôi đã kéo dài chừng hai tuần - tôi tình cờ gặp một nhóm người thôn Cát Đàm trú dưới một mái đá. Tôi hỏi thăm xem họ có biết chị gái tôi không.
“Vâng, vâng, chúng tôi có biết!” một người đàn bà thỏ thẻ.
“Cô ấy bị tách ra khỏi đoàn chúng tôi ngay đêm đầu tiên,” bạn của người đàn bà kia nói. “Nếu cô gặp cô ấy thì bảo cô ấy đến đây với chúng tôi. Chúng tôi còn đủ chỗ ột gia đình nữa.”
Nhưng một người khác, có vẻ như là trưởng thôn, báo trước rằng họ chỉ còn chỗ cho những người thôn Cát Đàm, đề phòng tôi có ý định gì.
“Tôi hiểu,” tôi đáp. “Nhưng nếu các ông các bà thấy chị ấy, có thể nói với chị ấy là tôi đang tìm chị được không? Tôi là em gái của chị ấy.”
“Em gái của cô ấy sao? Cô là bà Lữ hả?”
“Vâng,” tôi đáp một cách thận trọng. Nếu họ nghĩ tôi có bất cứ thứ gì để nộp cho họ thì họ đã nhầm.
“Người ta đang lên đây tìm cô đấy.”
Nghe vậy, bụng tôi thắt lại. “Họ là ai? Anh, em trai của tôi à?”
Mấy người đàn bà nhìn nhau, rồi nhìn tôi đánh giá. Người dẫn đầu nhóm của họ lại lên tiếng. “Họ tránh không nói mình là ai. Cô cũng biết mọi chuyện ở đây thế nào mà. Một trong số họ là ông chủ. Tôi muốn nói là ông ta có một dáng vóc đẹp đẽ. Y phục và giày của ông ta rất đẹp. Tóc của ông ta rủ xuống trán như thế này này.”
Chồng tôi! Đích thị rồi!
“Ông ta bảo sao? Bây giờ ông ta ở đâu? Làm sao…”
“Chúng tôi không biết, nhưng nếu cô đúng là bà Lữ thì cần biết rằng có một người đàn ông đang tìm cô. Đừng lo.” Người đàn bà tiến lại gần tôi và vỗ nhẹ vào tay tôi. “Ông ấy nói là ông ấy sẽ trở lại.”
Nhưng dù tôi có tìm kiếm thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ nghe thấy ai nói vậy nữa cả. Chẳng mấy chốc tôi tin rằng những người đàn bà đó vì quá khổ sở nên đã lừa tôi, nhưng khi tôi quay lại nơi tôi gặp họ, một đoàn các gia đình khác đã thế chân họ dưới mái đá. Sau khám phá đó, tôi quay lại trại của mình, không cảm thấy gì ngoài nỗi thất vọng cùng cực. Cứ cho tôi là bà Lữ đi, nhưng nhìn tôi cũng sẽ chẳng ai nhận ra được điều đó. Tấm áo lụa màu hoa oải hương của tôi với hình thêu hoa cúc tinh xảo nay đã rách tả tơi và bẩn thỉu, trong khi đôi giày nhuốm đen máu và mòn vẹt vì bao ngày phải lê bước ở ngoài trời. Tôi chỉ có thể hình dung mặt trời, gió và cái lạnh đang làm gì với khuôn mặt tôi. Giờ đây, ở độ tuổi tám mươi, tôi có thể nhìn lại và nói một cách chắc chắn rằng khi ấy tôi quả là một người đàn bà trẻ phù phiếm và khờ khạo, chỉ nghĩ đến những chuyện vô ích trong khi đói và rét triền miên mới là sự thật khắc nghiệt trước mắt.
Chồng của Tuyết Hoa trở thành người hùng của đám người nhỏ bé chúng tôi. Bởi làm một nghề không sạch sẽ nên anh ta làm nhiều việc cần phải làm, không ai kêu ca cũng chẳng ai cảm ơn. Anh ta nhằm tuổi dậu - hào phóng, hay chỉ trích, hung hăng và nếu cần sẽ sẵn sàng liều mạng. Bản tính của anh ta là nhìn xuống đất để tìm cách tồn tại; anh ta có thể săn bắn, cạo lông lột da thú, nấu nướng, hong khô da thú để chúng tôi dùng giữ ấm người. Anh ta có thể vác về hàng đống củi nặng và nước. Anh ta chẳng bao giờ mệt. Ở đây, anh ta không còn là tên đồ tể nữa mà là vệ sĩ và chiến sĩ. Tuyết Hoa tự hào khi thấy anh ta giống như một thủ lĩnh, còn tôi lúc đó - mà bây giờ cũng vậy - mãi mãi nhớ ơn vì chính những việc làm của anh ta đã cứu sống tôi.
Ái chà! Nhưng còn người mẹ tuổi chuột của anh ta nữa! Bà ta luôn trốn việc và lẩn quanh. Trong tình cảnh tuyệt vọng đường cùng ấy, bà ta vẫn tiếp tục thở ra những lời lăng mạ và kêu ca, thậm chí với những việc nhỏ nhặt nhất. Bà ta luôn ngồi gần đống lửa nhất. Bà ta không bao giờ chịu bỏ chiếc chăn được đưa cho từ đêm đầu tiên và xểnh ra là lại thó một chiếc khác cho đến khi chúng tôi yêu cầu bà ta phải trả lại. Bà ta giấu thức ăn vào ống tay áo, chỉ lôi ra khi bà ta nghĩ chúng tôi không nhìn thấy để đút vụng vào miệng mấy miếng thịt nướng. Người ta vẫn thường nói là chuột thì có tính bè phái. Ngày nào chúng tôi cũng chứng kiến chuyện này. Bà ta liên tục phỉnh nịnh và vận động con trai mình, nhưng bà ta chẳng cần phải làm thế. Đồ tể làm mọi việc mà bất cứ đứa con có hiếu nào cũng sẽ làm. Anh ta vâng lời. Vì thế, khi mụ già đó cứ lải nhải mãi về chuyện bà ta cần nhiều thức ăn hơn con dâu như thế nào, anh ta đảm bảo rằng chính bà ta, chứ không phải vợ mình, được ăn. Là một đứa con có hiếu, tôi không thể tranh cãi về chuyện đó, bởi thế tôi và Tuyết Hoa đành phải chia nhau khẩu phần của tôi. Rồi một hôm, sau khi bao gạo của chúng tôi đã sạch nhẵn, mẹ đồ tể bảo anh ta rằng không nên cho thằng con lớn ăn đồ ăn mà đồ tể săn hay nhặt nhạnh được.
“Cho một đứa yếu ớt như nó ăn thì quá lãng phí,” bà ta nói. “Nó chết đi thì chúng ta càng nhẹ nợ.”
Tôi nhìn thằng bé. Nó mới mười một tuổi, cùng tuổi với đứa con trai đầu của tôi. Nó nhìn bà nội nó với đôi mắt trũng sâu, quá thảm hại để đấu tranh cho chính mình. Tất nhiên Tuyết Hoa sẽ nói gì đó để bênh vực thằng bé. Xét cho cùng nó cũng là đứa con đầu lòng. Nhưng lão đồng của tôi không yêu thằng bé này theo cái cách mà lẽ ra cô phải làm vậy. Đôi mắt cô, kể cả trong khoảnh khắc kinh khủng khi nó bị phó mặc cho thần chết ấy, không hướng về nó mà về đứa con trai thứ hai của cô. Dù thằng con thứ hai của Tuyết Hoa có thông minh, kiên cường, và mạnh mẽ đến mấy thì tôi cũng không thể để mặc cho chuyện này xảy ra với đứa con trai thứ nhất. Điều này là vi phạm truyền thống. Tôi sẽ phải trả lời ông bà tổ tiên như thế nào khi họ hỏi tại làm sao tôi lại để mặc đứa bé chết? Tôi biết chào đón thằng bé tội nghiệp này thế nào đây khi gặp nó ở thế giới bên kia? Là con trai cả, nó đáng được ăn nhiều hơn bất kỳ ai trong chúng tôi, kể cả đồ tể. Vì thế tôi bắt đầu chia khẩu phần của mình cho cả Tuyết Hoa và thằng bé. Khi đồ tể nhận thấy chuyện gì đang diễn ra, anh ta tát thằng con và Tuyết Hoa.
“Đây là thức ăn dành cho bà Lữ.”
Trước khi một trong hai mẹ con Tuyết Hoa kịp trả lời, bà mẹ tuổi chuột của anh ta nhảy xổ vào. “Con trai, tại sao con cũng cho cả ả này ăn? Nó chỉ là người lạ đối với chúng ta thôi mà? Chúng ta chỉ phải nghĩ đến máu mủ nhà mình thôi: con, đứa con trai thứ hai của con và mẹ.”
Đương nhiên không hề có đứa con trai đầu hay Xuân Nguyệt, cả hai đứa đều phải sống nhờ vào những mẩu đầu thừa đuôi thẹo cho đến nay và ngày càng trở nên yếu ớt.
Nhưng lần này đồ tể không đầu hàng trước sức ép của mẹ mình.
“Bà Lữ là khách của chúng ta. Nếu con đưa cô ta còn sống trở về, có lẽ chúng ta sẽ được hậu tạ.”
“Tiền à?” mẹ đồ tể hỏi.
Đúng là một câu hỏi của kẻ đê tiện. Mụ đàn bà đó không thể che giấu nổi bản tính tham lam và hám lợi của mình.
“Có những việc ông chủ Lữ có thể làm cho chúng ta còn giá trị hơn cả tiền bạc.”
Đôi mắt mụ già nheo lại gần như chỉ còn là một kẽ hở khi mụ tính toán việc đó. Trước khi mụ nói, tôi lên tiếng trước, “nếu muốn gia đình tôi hậu tạ anh, thì giờ tôi cần khẩu phần nhiều hơn. Nếu không…” đến đây tôi thay đổi nét mặt, bắt chước vẻ nhăn nhó hầm hè của mấy bà thiếp của bố chồng tôi mà tôi nhớ ra - “tôi sẽ nói lại rằng tôi đã không được gia đình này đối xử tử tế, mà chỉ toàn là hám lợi, thiếu chu đáo, và thô lỗ.”
Hôm đó tôi mới mạo hiểm làm sao! Đồ tể có thể đuổi tôi ra khỏi đoàn người ngay lập tức. Thay vì thế, bất chấp bà mẹ lải nhải ta thán không ngừng, tôi được nhận khẩu phần ăn hậu hĩ nhất, tôi có thể chia cho Tuyết Hoa, đứa con trai đầu của cô và con bé Xuân Nguyệt ăn cùng. Ôi, nhưng giờ thì chúng tôi đói cồn cào ruột gan. Chúng tôi gầy trơ xương - nằm im không buồn nhúc nhích cả ngày, mắt nhắm nghiền, thở một cách khó nhọc, cố tận dụng nốt chút sức tàn. Những cơn bệnh bị xem là vặt vãnh khi còn ở nhà làm số người cứ liên tục giảm. Thức ăn ít ỏi, sức lực cạn kiệt, vài tách trà nóng, không có thuốc để củng cố sức đề kháng, không một ai còn khỏe mạnh để chống lại những mối phiền nhiễu đó nữa. Dù chống chọi tốt hơn, nhưng ít ai trong số chúng tôi còn đủ sức để cựa mình.
Thằng con đầu của Tuyết Hoa tìm cách ở cạnh tôi bất cứ khi nào có thể. Nó không được yêu thương, nhưng nó cũng không hoàn toàn đần độn như gia đình nó vẫn tưởng. Tôi nhớ lại cái ngày tôi và Tuyết Hoa đi đến Miếu Cô Bà để cầu xin sinh được con trai và chúng tôi đã mong con chúng tôi sẽ có khiếu tao nhã và tinh tế. Tôi có thể nhận thấy ở thằng bé tiềm ẩn những điều đó, mặc dù nó không được ăn học đàng hoàng. Tôi không thể dạy nó chữ viết của đàn ông được, nhưng tôi có thể nhắc lại cho nó nghe những gì mà chú Lữ đã dạy con trai tôi. “Năm điều mà người Trung Quốc tôn kính nhất là: Trời, Đất, Hoàng đế, bố mẹ, và thầy…” Khi tôi nhắc lại những bài mà tôi nhớ được, tôi kể cho nó nghe một câu chuyện mang tính giáo huấn mà những người đàn bà ở huyện vẫn lưu truyền. Truyện kể rằng có một người con trai thứ hai đã đỗ đạt làm quan và quay trở lại quê nhà, nhưng tôi thay đổi đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh của cậu bé tội nghiệp.
“Cậu con trai cả chạy ven bờ sông,” tôi bắt đầu kể. “Cậu xanh như tàu lá. Cậu không biết gì về cuộc sống. Cậu sống với cha, mẹ, em trai và em gái. Em trai cậu sẽ theo nghề buôn bán của cha. Cô em gái sẽ đi lấy chồng. Cha mẹ cậu chẳng bao giờ để mắt đến cậu. Khi họ để mắt đến, họ cốc đầu cậu cho đến khi sưng lên như quả dưa.”
Thằng bé nhích đến gần tôi, rời mắt khỏi đống lửa, nhìn vào mặt tôi khi tôi kể tiếp.
“Một ngày nọ cậu bé đi đến chỗ mà cha cậu cất tiền. Cậu bé lấy một ít tiền và giấu vào trong túi. Rồi cậu bé lại đi đến chỗ mẹ cậu cất thức ăn. Cậu ta đổ thức ăn vào tay nải hết mức cậu có thể mang đi. Sau đó, không một lời từ biệt, cậu đi ra khỏi nhà, băng qua những cánh đồng. Cậu bé bơi qua sông và đi bộ thêm một quãng nữa.” Tôi nghĩ về một nơi xa xôi. “Cậu đi bộ suốt cả quãng đường tới Quế Lâm. Cháu nghĩ đường lên núi của chúng ta khó nhọc ư? Cháu nghĩ sống ngoài trời vào mùa đông là điều gì khổ sở ư? Nó vẫn chưa thấm vào đâu cả. Trên đường đi, cậu bé không có bạn, không có người giúp đỡ, mà chỉ có đống quần áo đeo trên lưng. Khi đã hết lương ăn và cạn sạch tiền, cậu phải đi ăn xin để sống sót qua ngày.”
Thằng bé đỏ mặt, không phải vì lửa nóng mà là vì xấu hổ. Hẳn nó đã nghe kể chuyện ông bà ngoại nó sa cơ lỡ vận ra sao.
“Một số người bảo thế là nhục nhã,” tôi kể tiếp, “nhưng nếu đó là cách duy nhất để có thể sống sót, thì làm được điều đó đòi hỏi người ta phải can đảm vô cùng.”
Từ bên kia đống lửa, mẹ đồ tể làu bàu. “Cô kể không đúng.”
Tôi không thèm để ý. Tôi biết câu chuyện sẽ diễn biến thế nào, nhưng tôi muốn cho thằng bé này một thứ gì để bấu víu.
“Cậu bé lang thang trên đường phố ở Quế Lâm, tìm những người mặc y phục quan lại. Cậu lắng nghe xem họ ăn nói thế nào và cũng bắt chước nói theo như vậy. Cậu ngồi bên ngoài một quán trà và cố gắng nói chuyện với những người đàn ông bước vào. Chỉ khi lời nói của cậu trở nên trau chuốt tinh tế thì mới có người chú ý đến cậu.”
Ở đây tôi ngắt câu chuyện. “Cậu bé, còn có nhiều người tốt trên đời này. Có thể con không tin, nhưng ta đã từng gặp họ. Phải luôn để mắt xem ai là người có thể giúp đỡ con.”
“Giống như cô?” thằng bé hỏi.
Bà nội của thằng bé khịt mũi. Một lần nữa tôi lại lờ mụ ta đi.
“Người đàn ông này đưa cậu bé về nhà làm người hầu hạ,” tôi lại kể tiếp. “Khi cậu bé phục vụ ông ta, vị hảo tâm nọ dạy cho cậu bé mọi điều ông ta biết. Khi ông ta không còn gì để dạy nữa, ông ta thuê thầy về. Sau nhiều năm, cậu bé, giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, đỗ đạt và trở thành một vị quan - dù chỉ là phẩm hàm thấp nhất,” tôi nói thêm, tin rằng chuyện như vậy cũng có thể xảy ra với con trai của Tuyết Hoa.
“Vị quan trở về thôn mình. Con chó trước cửa nhà cậu sủa ba tiếng vì nó đã nhận ra cậu. Bố mẹ cậu chạy ra. Họ không nhận ra đứa con của mình. Đứa em trai thứ hai cũng chạy ra. Nó cũng không nhận ra người anh ruột của mình. Còn cô em gái? Cô đã đi lấy chồng. Khi cậu nói cho họ biết mình là ai, họ liền quỳ xuống khấu đầu, và ngay sau đó họ bèn yêu cầu cậu ban ơn. ‘Chúng ta cần một cái giếng mới,’ bố cậu nói. ‘Con có thể thuê người đào hộ ta không?’ ‘Mẹ chẳng có một mảnh lụa nào cả,’ mẹ cậu nói. ‘Con có thể mua ẹ vài tấm được không?’ ‘Em đã phụng dưỡng bố mẹ bao năm rồi,’ cậu em trai nói. ‘Anh có thể trả tiền cho khoảng thời gian ấy được không?’ Vị quan nhớ lại họ từng đối xử với mình tồi tệ ra sao. Cậu lại lên kiệu và quay trở lại Quế Lâm, rồi cưới vợ ở đó, có rất nhiều con trai, và sống một cuộc đời rất hạnh phúc.”
“Hừ, cô kể những câu chuyện như thế để làm hỏng một thằng bé vốn đã là của bỏ đi hay sao?” Mụ già nhổ vào đống lửa thêm lần nữa và nhìn chằm chằm vào tôi. “Cô để cho nó hy vọng trong khi nó chẳng còn gì để mà hy vọng hay sao? Sao cô lại làm thế?”
Tôi biết câu trả lời, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói ụ già tuổi chuột này. Chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh không như bình thường, tôi biết, nhưng sống xa gia đình mình tôi cần có một ai đó để chăm sóc. Trong tâm trí tôi, tôi xem chồng tôi như là người bảo trợ của thằng bé này. Tại sao không? Nếu Tuyết Hoa có thể giúp đỡ tôi khi chúng tôi còn nhỏ, thì lẽ nào gia đình tôi lại không thể thay đổi được tương lai của thằng bé này?
CHẲNG MấY CHỐC TRÊN vùng đồi núi xung quanh chúng tôi các con thú bắt đầu khan hiếm, chúng bỏ đi vì sự xuất hiện của quá nhiều người sống hoặc thây chết - vì rất nhiều người trong đoàn dân di tản đã chết - bởi cái mùa đông khắc nghiệt đó. Những người đàn ông - tất cả đều là nông dân - cứ yếu dần đi. Họ chỉ mang theo những gì có thể mang được; khi lương thực mang theo đã cạn sạch, họ và gia đình mình bị đói. Nhiều người chồng ra lệnh cho vợ mình quay xuống núi để lấy đồ tiếp tế. Ở huyện, như bạn đã biết, người ta sẽ không làm hại đàn bà khi có chiến tranh xảy ra, đó là lý do tại sao chúng tôi thường bị sai đi tìm lương thực, nước uống, hay những thứ đồ tiếp tế khác suốt cuộc biến động. Làm hại đàn bà trong khi xảy ra chiến sự luôn khiến chiến sự leo thang, nhưng cả quân Thái Bình lẫn Đại quân Hồ Nam đều không phải xuất thân từ những vùng quanh đây. Họ không biết tập tục của người Dao. Hơn nữa, làm sao đám đàn bà chúng tôi, đang lả đi vì đói với đôi chân bó yếu ớt mỏng manh, lại có thể xuống núi vào tiết trời băng giá ấy mà mang về thực phẩm dự trữ?
Vì thế, một nhóm đàn ông lãnh trách nhiệm ra đi, thận trọng dò dẫm xuống núi, hy vọng tìm được đồ ăn và những nhu yếu phẩm khác trong những thôn mà chúng tôi đã bỏ lại. Chỉ có vài người quay trở lại, và họ kể rằng họ trông thấy những người bạn của họ bị chặt đầu cắm cọc. Những góa phụ mới, không chịu đựng nổi tin dữ đó, đã tự vẫn: nhảy qua cái vách đá mà họ đã nhọc nhằn lắm mới vượt qua được, nuốt những cục than đỏ rực từ đám lửa sưởi đêm, tự cắt cổ mình, hay tuyệt thực. Những ai không tự sát thì thậm chí còn làm ô danh mình hơn nữa bằng việc đi tìm cuộc sống mới với những người đàn ông quanh những đống lửa khác. Dường như khi ở trên núi, một số người đàn bà đã quên mất những phép tắc về cảnh góa bụa rồi. Dù chúng tôi nghèo khổ, dù chúng tôi còn trẻ, dù chúng tôi có cả đàn con, tốt hơn hết vẫn là chết đi, chung thủy với chồng mình, và giữ tiết hạnh còn hơn là làm nhơ danh họ trong ký ức của mọi người.
Phải xa cách các con mình, tôi quan sát các con của Tuyết Hoa kỹ càng hơn, để ý xem chúng chịu ảnh hưởng của cô như thế nào, và - vì tôi nhớ các con mình khủng khiếp - so sánh con tôi với con cô. Ở nhà tôi, đứa con trai lớn của tôi có địa vị phù hợp với nó và tương lai tươi sáng đang trải dài trước mắt nó. Trong gia đình này, thân phận đứa con trai đầu lòng của Tuyết Hoa thậm chí còn thấp hơn cả cô. Không một ai yêu thương thằng bé. Có vẻ như nó bị bỏ mặc vất vưởng. Nhưng với tôi, nó giống lão đồng nhất. Nó dịu dàng và nhạy cảm. Có lẽ đó là lý do tại sao cô quay lưng lại với nó với sự nhẫn tâm sắt đá đến thế.
Thằng con trai thứ hai của tôi là một đứa bé tốt bụng và thông minh, nhưng nó không có tính tò mò thích học hỏi như anh nó. Tôi hình dung rằng mai này nó sẽ sống với chúng tôi đến hết đời, cưới vợ, sinh con đẻ cái, và làm việc cho anh trai nó. Còn đứa con trai thứ hai của Tuyết Hoa thì khác, nó là ánh sáng rực rỡ của gia đình này. Nó có dáng vóc giống bố nó như lột, ngắn và chắc nịch, chân tay đều cứng cáp. Thằng bé chưa bao giờ thể hiện sự sợ hãi, chưa bao giờ run lên vì lạnh, chưa bao giờ rên rỉ vì đói. Nó bám lấy bố nó như hình với bóng, thậm chí còn tham gia vào những chuyến đi săn. Chắc nó cũng phải giúp ích chút nào đó nếu không thì đồ tể sẽ chẳng cho nó đi cùng. Khi họ quay về với những con thú săn được, thằng bé ngồi xổm cạnh bố nó, học cách pha thịt để nấu nướng. Sự giống nhau giữa hai bố con thằng bé làm tôi hiểu được nhiều điều về Tuyết Hoa. Chồng cô có thể thô lỗ, khó ưa và thấp kém hơn lão đồng của tôi ở mọi phương diện, nhưng cách cô dành tình cảm cho thằng bé nói lên với tôi rằng cô thực sự quan tâm rất nhiều đến chồng mình.
Khuôn mặt và cách cư xử của Xuân Nguyệt chẳng giống con gái tôi chút nào. Bích Ngọc kế thừa những nét thô tầm thường từ bên ngoại, chính vì thế mà tôi rất nghiêm khắc đối với nó. Nhờ công việc buôn muối đem lại bộn tiền cho gia đình tôi nên của hồi môn của nó sẽ rất xông xênh, nó sẽ có một cuộc hôn nhân tốt. Tôi tin rằng Bích Ngọc sẽ là một người vợ tốt, còn Xuân Nguyệt sẽ trở thành một người vợ tuyệt vời, nếu con bé có được cơ hội giống như tôi.
Cả mấy đứa con Tuyết Hoa đều khiến tôi nhớ gia đình mình khôn xiết.
Tôi cảm thấy cô độc và sợ hãi, nhưng những đêm có Tuyết Hoa bên cạnh tôi cũng nguôi ngoai phần nào. Nhưng tôi biết phải nói với các bạn điều này thế nào nhỉ? Mặc dù ngay ở đây, ngay trong hoàn cảnh này, trước mặt bao người, đồ tể vẫn muốn ân ái với lão đồng của tôi. Trong cái rét căm căm và trên khoảng trống ngay cạnh đống lửa, họ ân ái với nhau dưới tấm chăn. Mọi người đành phải ngó lơ, nhưng chúng tôi không thể bịt tai mình lại. May mắn là anh ta làm chuyện đó lặng lẽ, thỉnh thoảng mới thốt ra vài tiếng làu bàu, nhưng vài lần tôi cũng nghe thấy những tiếng kêu sung sướng - không phải của đồ tể mà là của chính lão đồng. Tôi không thể hiểu nổi điều đó. Sau cuộc ân ái, Tuyết Hoa đến chỗ tôi và vòng tay ôm lấy tôi như hồi còn bé. Tôi ngửi thấy mùi của chuyện ân ái trên người cô, nhưng vì trời quá lạnh nên tôi cảm thấy biết ơn bởi vòng tay ấm áp của cô. Nếu không có cô nằm bên cạnh, tôi cũng sẽ lại chết trong đêm như nhiều người đàn bà khác.
Đương nhiên, sau ngần ấy lần ân ái, Tuyết Hoa lại tiếp tục mang thai, mặc dù tôi hy vọng rằng vì trời lạnh, cực nhọc, và ăn uống kham khổ khiến kinh nguyệt của cô ngừng lại như của tôi. Cô không muốn nghe một chuyện như vậy.
“Mình đã từng có mang,” cô nói. “Mình biết dấu hiệu mà.”
“Thế thì mình mong bạn sẽ sinh được một đứa con trai khác.”
“Lần này” - đôi mắt cô ánh lên một vẻ vừa hạnh phúc vừa chắc mẩm - “mình sẽ sinh con trai.”
“Thực ra, con trai luôn là niềm may mắn. Bạn nên tự hào về đứa con trai đầu lòng của bạn.”
“Ừ,” cô dịu dàng đáp lại, sau đó nói thêm, “mình đã thấy bạn ở bên thằng con mình. Bạn mến nó. Bạn có yêu quý nó đến mức để nó trở thành con rể của bạn không?”
Quả là tôi mến thằng bé, nhưng đề nghị này thì không thể được.
“Không thể có hôn phối giữa con gái và con trai ở hai gia đình chúng ta được,” tôi nói. Tôi nợ Tuyết Hoa rất nhiều cho những gì tôi có được. Tôi cũng muốn làm thế với Xuân Nguyệt, nhưng tôi sẽ không bao giờ để địa vị của con gái tôi bị hạ thấp đến thế. “Một cuộc kết giao chân tình giữa hai đứa con gái của chúng ta mới là việc quan trọng hơn nhiều, bạn không thấy thế sao?”
“Tất nhiên là bạn nói đúng,” Tuyết Hoa đáp lại, tôi nghĩ cô không hề nhận ra cảm nghĩ thật của tôi. “Khi trở về nhà, chúng ta sẽ gặp lại dì Vương như dự tính. Ngay khi đôi chân của các con gái chúng ta đã có hình dáng mới, chúng sẽ đi đến Miếu Cô Bà để làm thỏa ước với nhau, mua một chiếc quạt để viết về cuộc đời gắn bó với nhau, và cùng ăn ở quán khoai của ông lão Chu.”
“Bạn và mình cũng sẽ gặp nhau ở Xá Hạ. Nếu chúng ta không để hai đứa nó phát hiện ra, chúng ta có thể quan sát chúng.”
“Bạn định theo dõi chúng à?” Tuyết Hoa hỏi, vẻ hoài nghi. Khi tôi mỉm cười, cô cười phá lên. “Mình cứ nghĩ là chỉ có mình mới là kẻ xấu bụng kia, nhưng xem ai đang bày mưu này!”
Mặc dù phải chịu đựng cảnh thiếu thốn hết tuần này qua tháng khác, nhưng kế hoạch với các con gái của chúng tôi mang đến cho chúng tôi hy vọng và chúng tôi cố nhớ về cuộc sống tươi đẹp khi mỗi ngày qua đi. Chúng tôi tổ chức sinh nhật lần thứ năm cho đứa con trai thứ hai của Tuyết Hoa. Thằng bé quả là nhộn và chúng tôi thấy khoái trá khi nhìn nó quấn quít bên bố nó. Hai bố con đóng giả làm lợn - hít hít lung tung, sục sạo, huých thân mình béo tròn vào nhau, cả hai bố con đều bẩn thỉu và cáu ghét, đều thích thú được chung đội với nhau. Thằng lớn bằng lòng ngồi lại với đám đàn bà con gái. Thấy tôi quan tâm đến thằng bé, Tuyết Hoa cũng bắt đầu chú ý tới nó. Nhận ra ánh mắt mẹ đang nhìn mình, thằng bé nhoẻn cười. Nhìn biểu hiện của nó lúc ấy, tôi như thấy lại gương mặt của Tuyết Hoa cũng vào độ tuổi ấy - dịu dàng, ngây thơ, thông minh. Tuyết Hoa nhìn lại nó - không hoàn toàn với tình cảm của một người mẹ, mà như thể cô thích cái điều cô đang nhìn thấy hơn so với trước đây cô vẫn nghĩ.
Một hôm, khi tôi đang dạy nó một bài hát, cô bảo, “không nên cho nó học những bài hát của đàn bà chúng ta. Hồi còn bé chúng ta từng được học vài bài thơ rồi mà…”
“Qua mẹ bạn…”
“Và mình chắc chắn là bạn đã học được thêm nhiều bài nữa ở bên nhà chồng.”
“Đúng thế thật.”
Cả hai chúng tôi đều phấn khích, đọc thẳng một lèo tên những bài thơ mà chúng tôi biết.
Tuyết Hoa cầm tay con trai mình. “Nào, cùng dạy nó những gì chúng mình biết để nó trở thành một người có học nhé.”
Tôi biết thế thì cũng sẽ chẳng được là bao vì cả hai chúng tôi đều mù tịt, nhưng thằng bé này thì y như cây nấm khô được thả vào nước sôi. Nó nhập tâm tất cả mọi thứ mà chúng tôi dạy nó. Chẳng mấy chốc nó đã có thể đọc vanh vách những bài thơ Đường mà chúng tôi rất thích hồi còn bé và toàn bộ những trích đoạn trong cuốn kinh điển Nho gia của bọn con trai mà tôi đã học thuộc để giúp con trai tôi học bài. Lần đầu tiên tôi nhận thấy Tuyết Hoa tỏ ra hãnh diện thật sự. Những người còn lại trong gia đình họ thì không thấy thế, nhưng lần này Tuyết Hoa không co rúm lại hay nhượng bộ theo yêu cầu của họ mà ngừng lại. Cô đang nhớ lại cô bé thường kéo tấm rèm trên chiếc kiệu để ngó nghiêng ra bên ngoài ngày nào.
Những ngày này - lạnh căm, bất tiện và luôn phấp phỏng sợ hãi cũng như đầy rẫy khó khăn - vẫn tuyệt vời khi được thấy Tuyết Hoa hạnh phúc theo một cách mà đã lâu lắm rồi tôi mới thấy. Có mang, dù chẳng có mấy để mà tẩm bổ, cô tỏa sáng từ bên trong như thể được thắp sáng bởi một ngọn đèn dầu. Cô rất thích hội ba chị em kết nghĩa từ Cẩm Điền và được nếm trải cảnh không còn phải đơn độc với mẹ chồng kè kè bên cạnh. Ngồi bên những người đàn bà này, Tuyết Hoa hát những bài hát đã lâu tôi không nghe thấy cô hát. Ở đây, giữa không gian rộng mở, không còn bị giam hãm trong ngôi nhà nhỏ tối tăm ảm đạm, bản tính tuổi ngựa của cô được giải phóng.
Rồi, vào một đêm băng giá, khi chúng tôi đã ở đó tròn mười tuần, đứa con trai thứ hai của Tuyết Hoa cuộn mình nằm ngủ bên đống lửa rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Tôi không biết điều gì đã giết chết thằng bé - bệnh tật, cái đói, hay giá lạnh - nhưng trong ánh sáng buổi sớm chúng tôi thấy sương giá đã bao phủ cả người nó và khuôn mặt nó đã trở nên xanh lét. Tuyết Hoa than khóc ai oán vọng khắp mấy ngọn đồi, nhưng đồ tể mới là người đau đớn nhất. Anh ta ôm thằng bé trong tay, nước mắt chảy dài xuống hai gò má, dòng nước mắt làm trôi đi lớp bụi bẩn tích tụ lại trên mặt anh ta suốt nhiều tuần liền làm thành những vệt dài. Không gì an ủi nổi anh ta. Anh ta sẽ không rời thằng bé. Anh ta không muốn nghe vợ, thậm chí là mẹ mình nói nữa. Anh ta giấu mặt vào trong người thằng bé, cố bịt tai lại trước những lời khẩn cầu của họ. Ngay cả khi những người nông phu trong nhóm chúng tôi ngồi lại bên anh ta, che chắn cho anh ta khỏi sự dòm ngó của mọi người và thì thầm an ủi anh ta, anh ta vẫn không chịu. Thỉnh thoảng anh ta lại ngước mặt lên trời và khóc rống lên, “Trời ơi, sao tôi lại mất đi đứa con trai quý báu này?” Câu hỏi đau đớn của đồ tể có trong nhiều câu chuyện và khúc ca viết bằng nữ thư. Tôi liếc nhìn nét mặt của những người đàn bà quanh đống lửa và nhận thấy câu hỏi không lời của họ: liệu một người đàn ông - như anh chàng đồ tể này chẳng hạn - có thể đau khổ và tuyệt vọng như đàn bà chúng tôi khi mất con không?
Anh ta ngồi như vậy hai ngày liền, còn chúng tôi hát những bài hát tang. Ngày thứ ba, anh ta vùng dậy, ôm ghì đứa bé vào ngực và lao ra khỏi khu lửa trại của chúng tôi, xông qua mấy đám gia đình khác, và chạy vào khu rừng mà anh ta và con trai mình từng nhiều lần mạo hiểm đi vào. Hai ngày sau anh ta quay lại, tay không. Khi Tuyết Hoa hỏi chôn cất đứa bé ở đâu, đồ tể quay lại và đánh cô mạnh tới mức khiến cô văng xa tới hai mét và ngã úp sấp xuống lớp tuyết dày.
Anh ta tiếp tục xông vào đánh đập cô dã man tới mức cô bị sẩy thai và một dòng máu đen phun lên cả những ụ băng chảy khắp chỗ chúng tôi cắm trại. Cô có thai chưa được bao lâu nên chúng tôi không thấy thai nhi, nhưng gã đồ tể đoan chắc rằng gã đã tống khứ khỏi thế giới này một đứa con gái nữa. “Chẳng có gì xấu xa bằng tâm địa đàn bà,” anh ta nhắc đi nhắc lại, cứ làm như không ai trong số chúng tôi từng nghe thấy câu tục ngữ đó bao giờ. Chúng tôi xúm vào chăm sóc Tuyết Hoa - cởi mấy chiếc quần cô ra, đun tuyết để lấy nước nóng giặt, rửa sạch hai đùi dính đầy máu của cô, và lấy bông nhồi trong một chiếc chăn cưới của cô để thấm cái đống thối rữa kinh khủng vẫn tiếp tục chảy ra giữa hai chân cô - và không bao giờ ngước mắt lên nhìn hắn hay nói gì với hắn.
Sau này khi nhớ lại chuyện đó, tôi nghĩ rằng thật kỳ diệu khi Tuyết Hoa vẫn sống sót qua suốt hai tuần tiếp theo trong núi khi cô liên tục bị đánh đập. Cơ thể cô xỉu dần vì mất máu sau khi sẩy thai. Khắp mình mẩy cô tím bầm và rách nát bởi những trận đòn thường nhật của gã chồng trút xuống. Tại sao tôi không cản hắn ta? Tôi là bà Lữ. Tôi đã từng khiến gã làm theo ý mình. Tại sao lần này tôi không làm thế? Vì tôi là bà Lữ, tôi không thể làm gì nhiều hơn. Hắn ta là một gã đàn ông lực lưỡng, không hề ngần ngại dùng tới sức mạnh của mình. Tôi chỉ là một người đàn bà, bất chấp địa vị xã hội của tôi, tôi chỉ có một mình. Tôi bất lực. Hắn hiểu rất rõ điều đó, như tôi vậy.
Vào cái lúc lão đồng sa sút nhất ấy, tôi nhận ra rằng tôi cần chồng mình đến mức nào. Với tôi, phần lớn cuộc sống của anh và tôi chỉ là để làm tròn những bổn phận và vai trò theo yêu cầu. Tôi cảm thấy hối hận khi nhớ đến tất cả những khi không là người vợ như anh mong đợi. Tôi thề rằng nếu xuống núi được tôi sẽ trở thành bà Lữ đích thực chứ không chỉ là một kẻ đóng trò. Tôi khao khát có cơ hội làm vậy và quyết chí biến nó thành sự thật, nhưng không phải là trước khi tôi phát hiện ra chính mình còn tàn nhẫn và ác nghiệt hơn cả chồng Tuyết Hoa.
Những người đàn bà dưới tán cây chỗ chúng tôi tiếp tục chăm sóc cho Tuyết Hoa. Chúng tôi giữ gìn cho những vết thương của cô, đun sôi tuyết lên để dội vào những chỗ có khả năng nhiễm trùng, quấn vết thương lại bằng những miếng vải xé ra từ quần áo của chính mình. Đám đàn bà đó muốn nấu canh bằng tủy của những con thú mà đồ tể mang về để nuôi chúng tôi. Khi tôi nhắc nhở họ rằng Tuyết Hoa là người ăn chay, thì cứ lần lượt mỗi nhóm hai người thay phiên nhau vào cánh rừng tìm vỏ cây, cỏ và rễ cây. Chúng tôi nấu một ít nước xuýt đắng và bón cho cô. Chúng tôi hát những bài hát để an ủi cô.
Nhưng lời lẽ và những hành động của chúng tôi chẳng làm cô nguôi ngoai được. Cô không ngủ. Cô ngồi bó gối bên đống lửa. Cả người cô rung lên bởi nỗi đau đớn quặn lòng. Không một ai trong chúng tôi còn quần áo sạch nhưng họ vẫn cố gắng giữ vẻ ngoài gọn gàng. Tuyết Hoa từ lâu đã chẳng còn để tâm đến chuyện đó nữa. Cô không buồn rửa mặt bằng những cục tuyết hay đánh răng bằng đường viền của chiếc áo ngoài. Mái tóc của cô xõa tung, gợi tôi nhớ lại cái đêm mẹ chồng tôi lún đổ bệnh. Càng lúc cô càng giống cô em dâu thứ ba của tôi trong đêm đó - chẳng còn ở với chúng tôi nữa, tâm trí cô đang trôi nổi, trôi nổi, trôi nổi tới nơi xa xăm.
Đến một lúc, ngày nào Tuyết Hoa cũng đột ngột chạy ra khỏi chỗ đống lửa đi lang thang khắp vùng núi trắng tuyết. Cô đi như người mộng du, lạc lối, bị bật rễ, được tháo dây. Ngày nào tôi cũng đi với cô, không hỏi han, nắm lấy tay cô, cả hai chúng tôi lảo đảo trên đôi chân bó bước qua những tảng đá phủ băng khi cô đi vòng tới gờ rìa của vách núi, cô đứng lại ở đó gào khóc trước không gian hùng vĩ, tiếng khóc bay đi theo những cơn gió bấc lớn.
Tôi kinh hãi, luôn nghĩ về cuộc chạy trốn khủng khiếp của chúng tôi lên những ngọn đồi này và những tiếng thét đáng sợ của những người đàn bà bị rơi xuống vực thẳm chết chóc bên dưới kia. Tuyết Hoa không thể chia sẻ nỗi lo sợ của tôi. Cô nhìn khắp những vách đá, ngắm những con đại bàng trắng liệng bay trong gió núi. Tôi nghĩ tới tất cả những lần Tuyết Hoa nói về ước mơ được bay lên cao. Thực dễ dàng làm sao nếu lúc đó cô chỉ cần bước lên một bước và nhảy qua vách đá. Nhưng tôi không bao giờ rời khỏi cô, không bao giờ buông tay cô ra.
Tôi cố gắng nói chuyện với cô về những điều khả dĩ buộc được cô ở lại với thế gian. Tôi có thể nói những chuyện kiểu như, “Bạn có thích đặt vấn đề với bà Vương về chuyện hai đứa con gái của chúng ta hay là để mình nói?” Khi cô không trả lời, tôi sẽ thử nói sang chuyện khác. “Bạn và mình sống rất gần nhau. Sao chúng ta lại phải đợi hai đứa con gái trở thành lão đồng trước khi chúng gặp nhau nhỉ? Cả bạn và con bé sẽ đến chơi nhà mình lâu lâu. Chúng ta sẽ cùng bó chân hai đứa. Thế thì mai sau cả hai đứa nó sẽ có cùng những ngày bó chân để mà nhớ lại.” Hay “Nhìn những bông hoa tuyết kìa. Mùa xuân đang đến đấy, rồi chúng ta sẽ sớm rời khỏi nơi này.” Suốt mười ngày cô chỉ trả lời bằng một tiếng duy nhất.
Cuối cùng, tới ngày thứ mười một, khi cô lại rẽ vào đường đến chỗ gờ đá, cô nói “Mình đã mất năm đứa con, và lần nào chồng mình cũng đổ tội ình. Anh ta luôn dồn nỗi thất vọng của mình vào quả đấm. Khi những vũ khí này cần được giải thoát thì đối tượng sẽ là mình. Mình vẫn thường nghĩ anh ta giận dữ vì mình có mang con gái. Nhưng lần này, với con trai mình… Phải chăng đó là nỗi đau đớn mà lần nào chồng mình cũng phải chịu đựng?” Cô ngừng lại và nghiêng đầu sang một bên khi cố làm sáng tỏ mọi chuyện trong đầu óc mình. “Dù thế nào thì anh ta cũng phải tung quả đấm của mình vào đâu đó,” cô kết luận một cách chán chường.
Thế có nghĩa là những vụ đánh đập này bắt đầu từ ngày đầu tiên cô rơi hẳn vào gia đình đồ tể. Mặc dù hành động của chồng cô được xem là bình thường và vẫn chấp nhận được ở huyện, nhưng đau đớn ở chỗ cô đã che giấu tôi chuyện đó quá khéo và quá lâu. Tôi nghĩ cô sẽ không bao giờ nói dối tôi nữa và giữa chúng tôi sẽ không bao giờ còn có chuyện gì bí mật, nhưng tôi không thất vọng. Thay vì đó, tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã không chú ý đến những dấu hiệu về cuộc sống bất hạnh của lão đồng quá lâu.
“Tuyết Hoa…”
“Không. Hãy nghe mình nói. Bạn nghĩ chồng mình có một trái tim chứa sự xấu xa, nhưng thực ra anh ta không phải là người xấu.”
“Hắn đối xử với bạn không như một con người…”
“Bách Huệ”, cô cảnh báo, “anh ta là chồng mình.” Rồi suy nghĩ của cô chìm sâu vào một nơi còn tối tăm hơn. “Mình đã muốn chết từ lâu rồi, nhưng luôn có ai đó bên cạnh.”
“Đừng nói vậy.”
Cô lờ đi. “Bạn có thường nghĩ về số mệnh không? Còn mình hầu như ngày nào cũng nghĩ về nó. Điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ mình không về làm vợ bố mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu bố mình không nghiện ngập? Điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ mình không gả mình ột gã đồ tể? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình là con trai? Mình có thể cứu được gia đình mình không? Ôi, Bách Huệ, trước mặt bạn mình cảm thấy hổ thẹn vì hoàn cảnh của mình lúc này…”
“Mình không bao giờ…”
“Từ lúc bạn bước chân vào nhà bố mẹ mình, mình đã thấy sự thương hại của bạn.” Cô lắc đầu để ngăn không cho tôi nói. “Đừng phủ nhận điều đó. Nghe mình nói đã.” Cô ngừng lại một chút trước khi nói tiếp. “Bạn trông thấy mình và bạn nghĩ mình quá sa sút, nhưng những gì xảy ra với mẹ mình còn tệ hơn thế. Khi còn là con gái, mình nhớ mẹ đã khóc ngày đêm vì sầu khổ. Mình tin chắc rằng mẹ muốn chết, nhưng bà không muốn bỏ lại mình. Sau đó, khi mình về ở hẳn nhà chồng, mẹ lại không bỏ mặc bố.”
Tôi nhận ra chuyện này sẽ đi đến đâu vì thế tôi nói, “Mẹ bạn không bao giờ cho phép trái tim mình tuyệt vọng. Bà không bao giờ bỏ cuộc…”
“Bà cùng với bố đi lang thang. Mình sẽ không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra với họ, nhưng mình biết chắc rằng bà sẽ không bao giờ cho phép mình chết trước khi bố mình mất. Đã mười hai năm trôi qua. Nhiều khi mình cứ tự hỏi nếu như mình đã có thể giúp gì được cho bà, bà có thể đến được với mình không? Mình sẽ trả lời theo cách này. Mình nằm mơ mình lấy chồng và có được hạnh phúc khi tránh xa người cha ốm yếu và người mẹ đau khổ. Mình không hề biết mình sẽ trở thành kẻ ăn mày trong gia đình nhà chồng mình. Sau đó mình học cách làm thế nào để chồng mình mang thức ăn về nhà và mình sẽ được ăn. Bạn thấy đấy, Bách Huệ, có những chuyện mà mọi người không nói với chúng ta về đàn ông. Chúng ta có thể làm họ hạnh phúc nếu chúng ta đem đến cho họ khoái lạc. Và, bạn biết đấy, chúng ta cũng thấy thích mà, nếu chúng ta cứ để chuyện đó xảy ra.”
Cô nói về chuyện ấy nghe như một bà già đang cố dọa dẫm đám con gái trước khi chúng đi lấy chồng.
“Bạn không cần phải nói dối. Mình là lão đồng của bạn. Bạn có thể thành thật.”
Cô rời mắt khỏi những đám mây và trong giây lát nhìn vào tôi như không hề biết tôi là ai. “Bách Huệ,” giọng cô thốt ra nghe thật buồn bã và xúc động - “bạn có tất cả, nhưng bạn cũng chẳng có gì cả.”
Lời cô nói đau như dao cắt, nhưng giờ tôi lại không thể nghĩ về chúng như cô thú nhận. “Chồng mình và mình đã không tuân theo những quy tắc về sự ô uế của người vợ sau khi sinh. Vợ chồng mình muốn có thêm nhiều con trai. ”
“Con trai là giá trị của người đàn bà…”
“Nhưng bạn đã thấy điều gì xảy ra rồi đấy. Cơ thể mình đã sinh ra quá nhiều con gái.”
Với vấn đề không thể phủ nhận được này tôi có một câu trả lời thực tế.
“Số của chúng không được sống,” tôi nói. “Phải thấy thế là may mắn, vì chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra với chúng. Đàn bà chúng ta chỉ có thể tiếp tục cố gắng mà thôi…”
“Ôi, Bách Huệ, khi bạn nói như thế đầu óc mình cứ trống rỗng. Mình chỉ còn nghe thấy tiếng gió thổi ào ạt qua rừng cây. Bạn có thấy là mặt đất dưới chân mình đang muốn sụt xuống không? Bạn nên quay về. Hãy để mình đến với mẹ mình...”
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Tuyết Hoa mất đứa con gái thứ nhất. Hồi đó tôi không hiểu được nỗi đau đớn của cô. Nhưng giờ đây tôi đã trải qua bao đau khổ của kiếp người và nhìn mọi chuyện khác trước. Nếu việc một bà góa làm mình biến dạng hay quyên sinh để giữ thể diện cho gia đình chồng được xem là hoàn toàn hợp lý, thì tại sao người mẹ không thể thực hiện cái hành động tột cùng ấy vì bị mất đi một hay nhiều đứa con? Chúng tôi là người trông nom chúng. Chúng tôi yêu thương chúng. Chúng tôi chăm sóc chúng khi chúng ốm đau. Đối với con trai, chúng tôi chuẩn bị những bước đệm đầu tiên để chúng gia nhập vào thế giới của đàn ông. Đối với đám con gái, chúng tôi bó chân, dạy chúng học kiểu chữ bí ẩn của nữ giới, và dạy chúng trở thành người vợ tốt, người con dâu ngoan, người mẹ hiền, nhờ thế chúng sẽ hòa nhập được khi bước vào căn buồng phụ nữ của nhà chồng. Nhưng không người đàn bà nào sống lâu hơn những đứa con của mình. Thế là trái với quy luật tự nhiên. Nếu điều đó xảy ra, tại sao cô ta lại không thể nhảy qua vách đá, treo cổ lên cành cây, hay nuốt thuốc giặt quần áo.
“Ngày nào mình cũng đi đến một kết luận giống nhau,” Tuyết Hoa thú nhận, khi cô nhìn xuống thung lũng sâu hun hút phía dưới. “Nhưng rồi hình ảnh thím bạn xuất hiện trong tâm trí mình. Bách Huệ, thử nghĩ xem thím ấy đã đau khổ đến thế nào và chúng ta đã thờ ơ trước nỗi đau của thím ra sao.”
Tôi trả lời bằng sự thật. “Thím ấy đau đớn lắm, nhưng mình nghĩ chúng ta chính là nguồn an ủi của thím.”
“Hãy nhớ lại xem Mỹ Nguyệt dịu dàng đáng mến thế nào? Hãy nhớ lại xem cô vẫn đoan trang ra sao ngay cả khi cô sắp mất? Hãy nhớ lại khi thím bạn về đến nhà và đứng bên xác Mỹ Nguyệt? Chúng ta đều lo lắng thím sẽ quá thương cảm, vì thế chúng ta đã che đi khuôn mặt của Mỹ Nguyệt. Thím bạn không bao giờ còn được thấy mặt của Mỹ Nguyệt nữa. Tại sao chúng ta lại tàn nhẫn đến vậy?”
Lẽ ra tôi có thể chống chế vì rằng thi hài của Mỹ Nguyệt là một ký ức quá khủng khiếp để khắc ghi vào tâm trí của một người mẹ. Nhưng tôi lại nói, “Chúng ta sẽ về thăm thím ngay khi có thể. Bà sẽ rất vui khi gặp lại chúng ta.”
“Bạn thì có thể,” Tuyết Hoa nói, “nhưng mình thì không. Mình sẽ chỉ làm thím nhớ đến thân phận của thím. Nhưng nên biết điều này. Ngày nào hình ảnh của thím cũng nhắc mình phải chịu đựng.” Cô hất hàm về phía trước, lướt nhìn lần cuối những ngọn đồi mù mịt khói sương, rồi nói, “Mình nghĩ chúng ta nên quay về. Mình có thể thấy bạn đang lạnh. Ngoài ra, mình muốn nhờ bạn viết hộ mình một thứ.” Cô thò tay vào trong chiếc áo khoác ngoài lôi ra chiếc quạt của chúng tôi. “Mình mang nó theo. Mình sợ rằng đám loạn quân đốt nhà mình và chúng ta sẽ mất chiếc quạt.” Mắt cô nhìn vào mắt tôi. Giờ thì cô đã lùi hẳn lại. Cô thở dài và lắc đầu. “Mình đã nói sẽ không bao giờ lừa dối bạn nữa. Thật ra là, mình nghĩ chúng ta sẽ chết cả ở đây. Mình không muốn chúng ta ra đi mà không có chiếc quạt.”
Cô kéo tay tôi.
“Rời khỏi gờ đá thôi, Bách Huệ. Nhìn thấy bạn đứng đó mình thấy hãi.”
Chúng tôi quay về khu trại, ngồi đó tự tạo bút, mực. Chúng tôi kéo hai thanh củi cháy dở khỏi đống lửa và để nguội; rồi lấy đá đập vụn phần than đen, cẩn thận gạt lấy xỉ than văng ra. Rồi chúng tôi trộn vụn than với thứ nước được đun với mấy cái rễ cây. Hỗn hợp đó không được đen hay rõ như mực, nhưng dùng tạm cũng được. Sau đó chúng tôi tháo nẹp rổ, rút ra một đoạn tre, và cố hết sức vót thật nhọn. Cái này chúng tôi dùng làm bút. Chúng tôi thay nhau ghi lại chuyến đi này bằng thứ ngôn ngữ bí mật của chúng tôi, chuyện Tuyết Hoa mất đi đứa con trai nhỏ và đứa bé chưa kịp sinh ra đời, về những đêm giá rét, và về những niềm hạnh phúc trong tình bạn của chúng tôi. Khi viết xong, Tuyết Hoa nhẹ nhàng gấp chiếc quạt lại và đút nó vào trong áo của cô.
Đêm đó, đồ tể không còn đánh lão đồng nữa. Thay vì đó hắn lại muốn cô và ân ái với cô. Sau đó, cô đến bên tôi cạnh đống lửa, chui vào tấm chăn cưới của cô, cuộn tròn cạnh tôi, và đặt bàn tay lên mặt tôi. Cô mệt mỏi sau nhiều đêm mất ngủ và tôi cảm thấy chẳng mấy chốc người cô đã mềm nhũn đi. Trước khi chìm sâu vào giấc ngủ, cô thì thầm, “anh ta yêu mình hết sức. Mọi thứ rồi sẽ sáng sủa hơn. Bạn sẽ thấy. Anh ta đã có chuyển biến rồi.” Còn tôi lại nghĩ, Đúng, cho đến khi hắn lại trút nỗi tức giận hay đau khổ của mình vào con người đáng yêu đang nằm cạnh tôi đây, lần tới.
NGÀY HÔM SAU chúng tôi được báo là an toàn đã có thể trở về thôn. Sau ba tháng ở trong núi, tôi muốn nói rằng chúng tôi đã nhìn thấy người chết lần cuối cùng. Chúng tôi đã không chết. Chúng tôi phải đi qua tất cả những người bị bỏ lại trong suốt cuộc chạy trốn của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy đàn ông, đàn bà, trẻ sơ sinh - tất cả những đứa trẻ sơ sinh đang bị thối rữa vì bị phơi dưới mưa nắng, trở thành bữa tiệc cho các con thú, và vì quá trình phân hủy tự nhiên. Sương trắng lóe lên dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Lớp quần áo giúp nhận dạng ngay lập tức, và chúng tôi nghe thấy những tiếng gào khóc vì nhận ra người thân và quá thương xót.
Nếu tất cả những điều đó vẫn chưa đủ, thì nhiều người trong chúng tôi đã suy nhược đến mức không tránh khỏi cái chết - vào lúc bấy giờ, cái chặng sau cùng, khi chúng tôi đã gần về tới nhà. Phần lớn những người chết dọc đường xuống núi là đàn bà. Giữ thăng bằng trên đôi chân bó, phần trên của cơ thể chúng tôi quá nặng. Chúng tôi bị kéo về phía vực thẳm hun hút ngay bên phải. Lần này, dưới ánh sáng ban ngày, chúng tôi không chỉ nghe thấy những tiếng gào thét mà còn nhìn thấy tay họ khua lên một cách tuyệt vọng trong khoảng không. Ngày hôm trước, hẳn tôi đã rất lo cho Tuyết Hoa, nhưng nét mặt của cô thể hiện sự tập trung cao độ và bước từng bước thận trọng.
Đồ tể cõng mẹ trên lưng. Một lần, khi Tuyết Hoa chùn bước, lùi lại vẻ do dự khi nhìn thấy cảnh một bà mẹ đang gói ghém phần thân thể còn lại đang thối rữa của đứa con để đem về chôn cất cho đúng quy cách, anh ta dừng lại, đặt mẹ xuống, và nắm lấy khuỷu tay của Tuyết Hoa. “Đi tiếp đi mình,” anh ta nhẹ nhàng van xin. “Chúng ta sắp đến chỗ chiếc xe rồi. Mình sẽ được ngồi xe suốt quãng đường còn lại về Cẩm Điền.” Khi cô không chịu dứt nhìn người mẹ và đứa bé, anh ta nói thêm, “ta sẽ trở lại đây vào mùa xuân để mang hài cốt của thằng bé về. Ta hứa là nó sẽ được về bên chúng ta.”
Tuyết Hoa vươn thẳng vai và buộc mình miễn cưỡng đi qua người đàn bà với cái gói nhỏ xíu của cô ta.
Chiếc xe kéo tay không còn ở chỗ chúng tôi bỏ lại nó nữa. Chiếc xe và rất nhiều thứ khác bị bỏ lại từ ba tháng trước, đã bị loạn quân hay Đại quân Hồ Nam lấy mất. Nhưng vì đường đi tương đối bằng phẳng nên chúng tôi đi thẳng một mạch về nhà, quên đi đau đớn, chảy máu, cái đói lả người. Cẩm Điền vẫn vô sự, theo như tôi thấy. Tôi đỡ mẹ của đồ tể vào nhà và đi ra ngoài. Tôi muốn về nhà. Tôi đã đi xa đến mức tôi nghĩ vài dặm cuối về Thông Khẩu cũng chẳng nhằm nhò gì, nhưng đồ tể đã chạy sang thông báo với chồng tôi là tôi đã trở về và hãy đến đón tôi.
Ngay khi anh đi, Tuyết Hoa lôi tôi vào. “Nhanh lên,” cô nói. “Chúng ta không có nhiều thời gian đâu.” Cô kéo tôi vào trong nhà, dù tôi đang ngóng theo đồ tể vắt chân lên chạy trên con đường dẫn đến thôn tôi. Khi chúng tôi lên gác, cô nói, “bạn đã rất tốt bụng khi giúp mình với của hồi môn của mình. Giờ là lúc mình trả cho bạn một phần nhỏ ơn nghĩa đó.” Cô mở chiếc rương và lấy ra một chiếc áo khoác xanh thẫm đính một miếng lụa màu lam dệt thành hình đám mây ở phía trước. Miếng lụa này tôi nhớ là từ chiếc áo khoác Tuyết Hoa mặc ngày đầu tiên gặp tôi. “Mình sẽ rất hãnh diện nếu bạn mặc chiếc áo này khi gặp lại chồng bạn.”
Tôi biết Tuyết Hoa trông khủng khiếp thế nào, nhưng tôi không bận tâm xem trông mình thế nào khi gặp lại chồng. Tôi đã mặc chiếc áo khoác lụa màu hoa oải hương thêu hoa cúc suốt ba tháng ròng. Nó không chỉ bẩn thỉu dơ dáy và rách rưới, mà nhìn mình trong gương khi chờ nước nóng để tắm, tôi thấy ba tháng sống trong bùn, tuyết và dưới ánh nắng mặt trời từ trên cao đã thiêu đốt khuôn mặt tôi.
Tôi chỉ có đủ thời gian để lau rửa những chỗ mà chồng tôi có thể nhìn thấy hay ngửi thấy đầu tiên - bàn tay, cánh tay, mặt, cổ, nách và vùng kín. Tuyết Hoa cố hết sức xoay xở với mái tóc của tôi, búi mớ tóc rối như tổ quạ và đầy bụi đất rồi lấy một chiếc khăn trùm đầu quấn lên. Khi cô vừa giúp tôi xỏ chân vào chiếc quần hồi môn của cô, chúng tôi đã nghe tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe kêu kẽo kẹt đang đến gần. Cô nhanh tay cài cúc chiếc áo mặc ngoài của tôi. Chúng tôi đứng đối diện với nhau. Cô đặt bàn tay mình lên vuông lụa xanh trên ngực tôi.
“Trông bạn đẹp quá,” cô nói.
Tôi nhìn thấy trước mặt tôi chính là con người mà tôi yêu quý hơn tất cả những người khác. Tuy thế, tôi vẫn băn khoăn bởi những điều cô nói về chuyện tôi thương hại cho hoàn cảnh của cô, trước khi chúng tôi xuống núi. Tôi không muốn đi khỏi đây mà không hề giải thích về mình.
“Mình chưa bao giờ nghĩ rằng bạn” - tôi cố tìm một từ lịch sự để thốt ra - “thấp kém hơn mình.”
Cô mỉm cười. Tim tôi đang đập dồn dưới bàn tay cô. “Bạn không nói dối.”
Rồi, trước khi tôi có thể nói thêm một lời nào khác, tôi nghe thấy tiếng chồng tôi gọi. “Bách Huệ! Bách Huệ! Bách Huệ!”
Nghe thấy thế, tôi chạy - đúng vậy, chạy - như bay xuống cầu thang và ào ra ngoài. Khi nhìn thấy chồng mình, tôi quỳ sụp xuống và gục đầu vào bàn chân chàng, quá xấu hổ vì nghĩ chắc trông mình phải bẩn thỉu lôi thôi và bốc mùi kinh lắm. Anh đỡ tôi đứng dậy và ôm lấy tôi.
“Bách Huệ, Bách Huệ, Bách Huệ…” Tiếng gọi tên tôi cứ nghẹt lại bởi những nụ hôn liên tiếp, quên mất mọi người đang chứng kiến cuộc sum họp của chúng tôi.
“Đại Lang…” trước đây tôi chưa bao giờ gọi tên cúng cơm của chồng như thế.
Anh nắm lấy hai bờ vai của tôi rồi đẩy tôi lùi lại một chút để có thể nhìn thấy khuôn mặt tôi. Nước mắt long lanh trong đôi mắt anh, sau đó anh lại ôm lấy tôi, ghì nghiến tôi vào lòng.
“Ta đã phải đưa mọi người ra khỏi Thông Khẩu,” anh giải thích. “Rồi lại phải coi sóc các con an toàn trên đường đi …”
Những việc làm đó, mãi về sau tôi mới hiểu rõ, chính là cái đã thay đổi địa vị của chồng tôi, từ chỗ chỉ là con trai của vị trưởng thôn tốt bụng, hào phóng trở thành người đứng đầu hết sức khả kính.
Toàn thân anh run rẩy khi anh nói thêm, “ta đã đi tìm nàng bao lần.”
Rất nhiều bài hát của đàn bà xứ tôi thường có câu “tôi không có cảm xúc gì với chồng mình” hay “chồng tôi không có cảm xúc gì với tôi.” Đó là những lời hát quen thuộc, dùng trong những đoạn điệp khúc, nhưng vào cái ngày hôm đó tôi đã có những cảm xúc sâu sắc với chồng mình, và ngược lại anh cũng vậy.
Khoảnh khắc cuối cùng của tôi ở Cẩm Điền bồng bềnh mờ ảo. Chồng tôi hậu tạ đồ tể rất hào phóng. Tuyết Hoa và tôi ôm chặt lấy nhau. Cô định tặng tôi chiếc quạt mang về nhà, nhưng tôi muốn cô giữ nó, bởi nỗi buồn khổ của cô vẫn đong đầy còn tất cả những gì tôi đang cảm thấy là hạnh phúc. Tôi chào tạm biệt con trai Tuyết Hoa và hứa sẽ gửi cho thằng bé sách vở để nó học chữ viết của đàn ông. Sau cùng, tôi cúi xuống bên con gái Tuyết Hoa. “Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau,” tôi nói. Rồi tôi lên xe và chồng tôi giật nhẹ dây cương. Tôi ngoái lại nhìn Tuyết Hoa, vẫy tay chào, rồi quay về hướng Thông Khẩu - về nhà tôi, gia đình tôi, cuộc sống của tôi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...