Mấy thớt bạch mã lộp cộp đi tới.
… Bạch mã khoác cương vàng, trên cổ đạo xêng xang. (20)
Kẻ ngồi trên lưng ngựa tuổi hẵng còn trẻ. Mấy gã trẻ tuổi đột nhiên dừng ngựa, dừng ngay trước cửa căn nhà.
Lúc ấy đã là hơn chục năm sau đó.
Hơn chục năm rồi, Thương Ngưng chưa hề xuất đao trên giang hồ. Hắn rút lui về sống ở tiểu trấn heo hút miệt Giang Tây này.
“Tuyển Vĩnh Đao” của hắn đã lừng danh giang hồ. Nhưng giờ đây, hắn dùng thanh đao ấy để bổ củi. Bổ củi là kế sinh nhai hiện tại của hắn. Củi hắn bổ ra đều đặn khô ráo, đặc biệt dễ đốt.
Ban đầu chỉ là để mưu sinh, sau này, không ngờ lại “bổ” ra được chút hứng thú nhân sinh.
Lũ ngựa dừng lại bên cửa, người tới đây đều là con cháu thế gia có danh tiếng trong giang hồ. Ai nấy trẻ trung, người người đều ăn mặc cực kỳ khoa trương.
Một trong số đó xuống ngựa, nhìn chằm chằm vào Thương Ngưng tầm thường bên trong, bất chợt ngạo mạn hỏi: “Ngươi chính là Thương Ngưng à?”
Thấy hắn không trả lời, thiếu niên đó càng thêm kiêu căng mắng mỏ: “Con mẹ nó, ngươi là cái thá gì chứ! Đại hội trên Quần Ngọc sơn, thúc thúc ta chẳng ngờ không được đề tên Danh Khí Phổ, lão già Cơ Hốt Tẩu đó đúng là có mắt không tròng. Vậy mà múa đao ở ‘Cổ Thạch Đài’ một cái, bất ngờ lão cho ngươi tiếm danh vào Danh Khí Phổ, rõ ràng là ngươi lừa trời dối đất. Thúc thúc ta đang tiếng tăm lừng lấy, không hứng thú so đo với ngươi, nhưng con cháu Tỉnh gia không phải dễ trêu vào!”
… Thì ra là lớp con cháu họ Tỉnh.
Đến rồi… cuối cùng cũng đến rồi.
Thương Ngưng hé mắt nhìn đám thiếu nhiên phóng ngựa cả một ngày dưới ánh mặt trời.
Hắn đã ở tuổi trung niên – sinh tử trung niên lưỡng bất kham (21) – cái thêm là hiểu biết, cái bớt là hào hứng.
Nhìn đám người trẻ tuổi này, hắn không khỏi nhớ lại những tháng ngày xưa kia của mình.
Hắn không giận, thực sự không giận. Hắn nhớ lại mình khi còn trẻ, cũng là “trong mắt không lẫn một hạt cát” (22). Hắn nhớ tới câu “cần đến thì không đến” và “không nên đi thì lại đi”, trong lòng chợt dấy lên cái cười thê lương.
Nhưng nó không hiện ra trên nét mặt. Hắn chỉ ngơ ngác nhìn đám thiếu niên, như thể một người dân quê chất phác, kinh hãi bởi y phục trắng tinh, giày da sáng loáng của bọn chúng. Trong miệng hiền lành lùng túng trả lời: “Nhưng mà, người ngươi nói không phải là ta…”
Mấy tên trẻ tuổi ngạc nhiên nhìn nhau. Bất kể thế nào, tên bửa củi này chẳng giống một đao khách lừng danh giang hồ chút nào.
Cả bọn phân vân một lát, ôm một bụng hồ nghi ruổi ngựa đi mất.
… “Người ngươi nói không phải là ta!”
Thương Ngưng nhìn thoáng qua bóng lưng của bọn chúng, rồi lại tiếp tục vung đao chém xuống một thanh củi.
… Cuộc đời thực sự là một sự hoang đường khiến cho người ta khó hiểu lầm lẫn, là vở bi kịch hoang vu lạnh lẽo.
Hắn đột nhiên cảm thấy vui, bổ củi mà cũng thấy vui. Cuối cùng hắn đã hiểu câu chuyện phụ thân kể, hiểu cái gì mới là “Tuyển Vĩnh”. Tuyển Vĩnh là một trạng thái tâm lý thâm sâu, là sự đề kháng trào phúng trước tạo hóa vô danh và tao ngộ vô danh.
Dẫu sao đi nữa, vào lúc kết thúc bữa tiệc của hắn, hắn cuối cùng có thể không vướng mắc gì mà trào phúng một câu:
“Người ngươi nói không phải là ta…”
Hắn nhìn đống củi trước mắt, nhìn một đời tu luyện của bản thân, rồi tới thanh đao không ngờ cuối cùng dùng để bổ củi, trong lòng lại đượm buồn, nghĩ ngợi chẳng yên:
… Dẫu sao đi nữa, bất kể đao luyện tới mức nào, cả một đời mình, chắc gì đã sống được tới “Tuyển Vĩnh”…
Hết.
Chú thích:
(20) “Bạch mã sức kim ky, liên phiên Tây Bắc trì” là 2 câu đầu trong bài Bạch mã thiên của Tào Thực thời Tam Quốc, bài thơ kể về những trang du hiệp hào hùng ruổi rong khắp Hà Bắc Giang Tây, trừ gian diệt bạo. Ở đây Tiểu Đoạn sửa 2 chữ “Tây Bắc” thành “cổ đạo” với ý châm biếm, trào phúng.
(21) Ý nói sự lỡ dở ở cái tuổi trung niên, không già, chẳng trẻ.
(22) Ý nói nóng nảy, không biết nhịn cái bực dọc nhất thời.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...