Tùy Đường Diễn Nghĩa


Thơ rằng:
Gió xuân sao khéo giục tương tư
Lá biếc đa tình ý lẳng lơ
Đừng giận con oanh nhòm trướng gấm
Những thương gối quế vướng dây tơ
Tràn trề Bích Ngọc xe duyên cũ
Tha thiết Văn Cơ nối nghĩa xưa 1
Liếc mắt quay đầu cười nửa miệng
Mặc ai phách ngẩn với hồn ngơ.
Tục ngữ nói "No cơm ấm cật dậm dật mọi nơi" 2 là nói những người tầm thường, nhưng khi đã là bậc hoàng hậu, mẫu nghi của thiên hạ, thì lý đương nhiên là phải đoan trang, trầm tĩnh, không thể nào lại dâm đãng, tà khuất. Từ xưa đến nay, được mấy người như thế? Hoàng hậu nhà Tần, Trang Tương Vương, càng về già lửa dâm càng bốc mạnh, với Lã Bất Vi vào cung Cam Tuyền vui thú. Bất Vi lại tìm được Giao Ái, rồi bày kế cùng hoàng hậu và lũ tay chân vờ bắt Ái tội thiến, cho làm hoạn quan để vui thú cùng hoàng hậu. Về sau việc phát giác, Giao Ái bị giết. Lã Bất Vi bị xé thây bằng xe 3. Đến Lữ Hoàng hậu đời nhà Hán, tư thông với Thẩm Tự Cơ ngay trong cung, rồi Hạ Hầu Thị đời Tấn, dan díu với ngay cả tên tiểu lại Ngưu Kiện mà sinh ra Nguyên Đế, làm dơ bẩn cả cung khuyết, để tiếng xấu muôn đời trong sử sách.
° ° °
Nay nói tiếp chuyện Thiên Hậu ở trong cung dâm loạn, thấy Đường Cao Tôn bị bệnh đã nhập cao hoàng, hả hê vô cùng. Một hôm Cao Tôn đau đầu, không thể cử động được, gọi thái y Tần Minh Hạc vào xem bệnh, Minh Hạc xin chích huyết thì may ra mới khỏi được.
Thiên Hậu vốn không muốn Cao Tôn lành bệnh, liền nổi giận:
- Thật đáng chém đầu, sao dám nghĩ chuyện chích đầu thiên tử lấy huyết.
Cao Tôn phán:
- Chích huyết chưa hẳn đã không tốt.
Bèn chích hai huyệt, lấy ra một ít máu.
Cao Tôn lên tiếng:
- Mắt trẫm lại sáng ra rồi!
Thiên Hậu tự vả vào má mình mà rằng:
- Thật là trời ban ơn!
Rồi tự vác một trăm tấm đoạn, thưởng cho Minh Hạc. Minh Hạc tạ ơn, khuyên Cao Tôn nên tĩnh dưỡng. Thiên Hậu làm ra vẻ hết lòng thương yêu, lúc nào cũng ở ngay sát Cao Tôn không rời. Bệnh Cao Tôn đã đến như thế, lại chẳng nghe theo lời dặn của thầy thuốc, vẫn hoan lạc ngày đêm với Thiên Hậu, cơn hỏa bốc lên, chẳng bao lâu thì mất, ở ngôi được ba mươi tư năm.
Thiên Hậu vội triệu bọn đại thần Bùi Diễm vào triều, lập Thái tử Anh Vương Hiển làm hoàng đế, cải tên là Triết, lấy hiệu là Trung Tôn, lập Vi Thị làm hoàng hậu, đặt năm tới là Tự Thánh nguyên niên, tôn Thiên Hậu làm hoàng thái hậu, phong cho thân phụ của Vi Hoàng hậu là Vi Nguyên Trinh làm thứ sử Dự Châu, chính sự trong triều ngoài nội đều quyết định bởi thái hậu.
Một hôm, Vi Hoàng hậu vô sự, đang ở trong cung đánh đàn, thấy một cung nữ vốn là hầu gái thân cận của thái hậu, họ Thượng Quan, tên Uyển Nhi, tuổi mới khoảng mười ba, mặt hoa da phấn, tính nết nhu mì. Mẹ nằm mộng thấy có người ột cái cân lớn mà sinh ra Uyển Nhi, ý nói người con gái này chẳng kém gì thiên hạ. Về sau lại thông hiểu chữ nghĩa, hễ đọc qua là nhớ, đang đi loanh quanh trong cung. Vi Hoàng hậu thấy bèn hỏi:
- Thái hậu đâu mà khanh lại tới đây?
Uyển Nhi thưa:
- Đang yến ẩm trong cung, tiện nữ không được vào, nên đi dạo một vòng chơi.
Vi Hoàng hậu hỏi:
- Có phải là cùng với hai vị họ Phùng, họ Vũ chăng?
Uyển Nhi gật đầu không nói. Vi Hoàng hậu tiếp:
- Khanh chừng ấy tuổi, có vào cũng hề gì?
Uyển Nhi thưa:
- Thái hậu nói tiện nữ có hai con mắt rất độc, không bao giờ muốn cho tiện nữ nhìn thấy.

Vi Hậu nói:
- Tam Tư thì còn được, chứ con lừa trọc thì không tài nào chịu nổi.
Bỗng thấy Trung Tôn có vẻ trầm ngâm bước vào, Uyển Nhi vội ra khỏi, Vi Hoàng hậu hỏi:
- Triều đình có việc gì chăng mà bệ hạ có vẻ không vui?
Trung Tôn đáp:
- Vừa rồi trên ngự điện, có nói tới việc khuyết một chân thị trung, trẫm muốn giành cho thân phụ hoàng hậu, Bùi Diễm vẫn cố tranh, nên lại không xong. Trẫm bực mình nói thẳng vào mặt: "Trẫm muốn đem cả thiên hạ cho Vi Nguyên Trinh cũng còn được, huống chi chức thị lang sao?". Trăm quan đều yên lặng không nói gì.
Vi Hoàng hậu thưa:
- Việc này cũng chẳng gấp gì lắm, mà phải cần giận dữ với họ. Chỉ có điều bây giờ thái hậu dâm loạn như vậy, thì làm thế nào. Nghe nói họ Phùng họ Vũ đang ăn uống, cười nói trong cung kia.
Trung Tôn đáp:
- Mẫu hoàng như thế, trẫm biết làm thế nào?
Vi Hoàng hậu nói:
- Bệ hạ cũng nên kiếm lời nhẹ nhàng, chừng mực để khuyên can ít nhiều, liệu có xong chăng?
Trung Tôn đáp:
- Cũng không khó, để ngày mai trẫm thử nói xem sao!
Ngày hôm sau, sau khi tan chầu, đã có nội giám đem chuyện Trung Tôn muốn cho Vi Nguyên Trinh làm thị trung thưa với thái hậu, thái hậu liền bảo:
- Việc này không tốt đẹp gì đâu!
Trung Tôn vào gặp thái hậu, lệnh cho đám cung nữ lui ra, rồi từ tốn thưa:
- Chuyện tư tình của mẫu hoàng, chẳng qua cũng chỉ có thể mua vui trong một lúc, nhưng rồi chỉ sợ sử sách nghìn năm không thể vì mẫu hoàng mà bịt kín cho được, xin mẫu hoàng nghĩ lại cho.
Thái hậu đang lúc giận dữ, nghe nói thế, vừa tức vừa xấu hổ, liễn đáp:
- Nhà vua hãy cứ lo liệu cho tốt công việc của mình, đừng nên phỉ báng mẫu hậu làm gì. Liệu việc định đem cả thiên hạ để giao cho quốc trượng Vi Nguyên Trinh cũng còn chưa đủ sao?
Liền gọi ngay Bùi Diễm vào, phế Trung Tôn làm Lư Lăng Vương, đổi ra Phòng Châu, phong Dự Vương Lý Đán làm hoàng đế, hiệu là Duệ Tôn, cho ở một cung khác, còn quyền bính, chính sự lớn nhỏ đều trong tay thái hậu, Duệ Tôn không được nghe gì cả. Lại đã chuyển Trung Tôn ra Phòng Châu, nên càng chẳng có điều gì kiêng kỵ, tha hồ bừa bãi, có bao nhiêu tôn thất, đại thần tỏ ý oán vọng, hoặc không phục đều giết hết. Mở rộng cửa để nghe đủ mọi lời vu cáo, cứ có điều ra tiếng vào là trừ khử ngay, chẳng kể phẩm trật, quan tước là gì. Sai Sách Nguyên Lễ, Chu Hưng, Lai Tuấn Thần cùng soạn sách "La chức kinh", để dạy những người không nơi nương tựa dệt lụa, dệt vải. Trung Tôn ở Phòng Châu nghe tin, trong lòng lo lắng không yên, ngửa mặt lên trời mà khấn, rồi tung một hòn đá lên không mà rằng:
- Ta không có ý gì khác để đến nỗi bị lầm lỡ, nếu vẫn được trở về ngôi, thì hòn đá này không rơi xuống đất.
Hòn đá vướng chạc cây không rơi xuống thật, Trung Tôn mừng lắm. Vi Hoàng hậu cũng thường xuyên khích lệ, Trung Tôn hứa:
- May nay mà được trở về ngôi thì hoàng hậu muốn gì cũng được, chỉ không để hoàng hậu cai quản mọi sự thôi!
Nhưng đó là chuyện sau này, chưa nói vội.
° ° °
Lại nói chuyện ở Lạc Dương có anh em Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, thân phụ vốn là người thư lễ, lên kinh đi thi, trọ ngay gần dinh Vũ Tam Tư, gặp lúc Tam Tư bất hòa với Hoài Nghĩa, muốn chiếm chỗ của Hoài Nghĩa, liền tiến cử anh em Xương Tông cho thái hậu.
Hoài Nghĩa từ ngày rời khỏi chùa Cảm Nghiệp, Hoài Thanh cũng nghĩ rằng chẳng bao giờ còn gặp lại, nhân có Trần Tiên Khách ở Mục Châu, diện mạo khôi ngô, tinh thông nhiều tà thuật, Hoài Thanh liền để tóc cùng về Mục Châu, gá duyên chồng vợ. Năm ấy Mục Châu hạn nặng, mất mùa. Một cái hồ lớn cạn sạch nước, giữa lòng hồ hiện ra một cầu đá, trên cầu có khắc hai chữ: "Hoài Tiên". Người người trèo lên cầu soi bóng, xấu tốt thế nào trông rất rõ. Vợ chồng Hoài Thanh cũng đến xem, nào ngờ thấy hiện hình hai người như hoàng đế cùng hoàng hậu sánh vai đứng vậy. Hoài Thanh lấy làm lạ lùng, nói với Tiên Khách:
- Hai chữ "Hoài Tiên" trên cầu, vừa hợp với tên tuổi vợ chồng ta, soi bóng nhìn ra thì lại thay thế này. Vũ Mị Nương còn làm được hoàng đế, vợ chồng ta lại không làm được sao?
Liền cùng Tiên Khách dựng một tòa "Sùng Nghĩa đường", không kiêng chay gì cả, chỉ không ăn thịt bò, thịt chó, dân chúng kéo đến cầu lễ ngày một đông, ngày một tin. Đàn ông thì Hoài Thanh nhận làm đồ đệ, đàn bà thì Tiên Khách thu phục. Chưa đầy một hai năm, mà đã có hơn một nghìn người. Hoài Thanh tự đặt hiệu là Thạc Trinh, kén những thiếu niên khỏe mạnh, tuấn tú, dạy cho pháp thuật, đều có thể gọi khiến mưa. Quan huyện nghe tin, sai người tới bắt, bọn đồ đệ sợ hãi báo ngay cho Tiên Khách, Thạc Trinh. Thạc Trinh liền tuyển lấy ba bốn trăm đồ đệ, kéo đến của huyện, giết chết huyện quan, chiếm lấy thành trì, cắm cờ vàng, tự xưng là Văn Giai Hoàng đế, Tiên Khách xưng là Sùng Nghĩa Vương, các vùng xa gần đều phải nạp tiền của, lương thực. Thứ sử Dương Châu là Am Nhuận, vội làm văn thư trình lên triều đình.
Gặp hôm thái hậu vô sự, sai người mời Hoài Nghĩa vào Nhị Nhã hiên yến ẩm. Thấy tấu chương của Dương Châu, thái hậu khẽ cười:
- Thiên hạ lâu nay thường nói chỉ mình ta là dám làm, dám vượt lên trên thói thường, không ngờ người đàn bà này cũng làm nổi danh bậc cân quắc anh hùng, dám tự tiện xưng hoàng đế sao?
Hoài Nghĩa nói:

- Có phải chuyện Văn Giai Hoàng đế Thạc Trinh ở Mục Châu chăng? Hôm trước có hai ni cô, nói với thần rằng Thạc Trinh dũng mãnh vô cùng, chính là Hoài Thanh ở chùa Cảm Nghiệp ngày xưa, chẳng biết có đáng tin không?
Lại thêm cả biểu của thứ sử Tượng Châu Tiết Nhân Quý, xin phát binh để tiễu trừ Thạc Trinh, kèm theo là lễ vật của phu nhân Tiểu Hỷ. Biểu tâu rõ Thạc Trinh chính là Hoài Thanh, gặp được dị nhân, truyền cho thiên thư phù chú, cường nghịch khôn đương. Nay nên đánh hay chiêu an, xin chờ lượng thánh. Thái hậu cười:
- Ta đáng khen dũng khí của người đàn bà này, không ngờ lại chính là Hoài Thanh.
Hoài Nghĩa cũng cười:
- Thật đáng đời, đàn ông toàn một lũ vô dụng, nên để đến hạng phụ nữ nhu mì, yếu đuối đến thế lại làm nên được những chuyện lớn lao.
Thái hậu cười:
- Chuyện này chẳng qua là trò trẻ con. Thuấn là ai? Ta là ai? Nếu ta có làm cũng chẳng kém gì Thuấn. Chẳng nhẽ đàn bà chỉ là thứ để đàn ông giẫm đạp như đồ vứt đi hay sao. Ta ngày trước, khi cắt đặt quan lại, đã có ý dùng phụ nữ, đàn ông chỉ dùng đủ vào các việc sai khiến, còn tất cả triều đình đều là phụ nữ, há dễ không thể nên công việc hay sao? Nay ta phiền Hoài Nghĩa hãy đi chiêu an Hoài Thanh, chẳng có gì mà ngại, Hoài Thanh lại không nghe theo cả.
Hoài Nghĩa đáp:
- Thần hiện không có quan chức gì cả, làm sao mà có thể đi làm việc này được?
Thái hậu đáp:
- Ta sẽ phong khanh chức Đại tướng quân, khanh có đi không?
Truyền chỉ phong Hoài Nghĩa làm Tả vệ đại tướng quân, đi ngay Mục Châu, chiêu dụ Trần Thạc Trinh. Văn thư làm xong, thái hậu đinh ninh dặn dò. Hoài Nghĩa từ giã kinh thành dẫn theo ba nghìn ngự lâm quân, lại lệnh cho thứ sử Tượng Châu Tiết Nhân Quý, hội binh tiếp ứng.
Gần đây vợ chồng Thạc Trinh lại không mấy hòa thuận, Tiên Khách ngờ Thạc Trinh để riêng đám đồ đệ tinh nhuệ, không cho Tiên Khách cai quản, Thạc Trinh ngờ Tiên Khách giấu đám đồ đệ mỹ miều, mặc sức dâm dật. Người này ghen người kia nhiều tay chân hơn, vì vậy mỗi kẻ mỗi nơi, ai lo phận nấy. Nhân Quý mới tới Hoàn Thượng, đã có thám mã thưa lại đầy đủ:
- Sùng Nghĩa Vương Tần Tiên Khách, đem theo hai nghìn người ngựa, cách đây khoảng ba mươi dặm, định kéo tới Từ Châu để kiếm lương thực, xin thưa rõ để thứ sử định đoạt.
Nhân Quý hạ trại, cho ba trăm quân tinh nhuệ giả làm trăm họ chạy loạn, ngày đêm rải khắp nơi, lại sai hơn một trăm tên lính nhanh nhẹn khác, giả làm người bán rượu, hai trăm lính nữa giả buôn bán hương hoa mai phục ở các trọng điểm. Nhân Quý lãnh đại quân, ngày đêm đuổi theo Tiên Khách, cách khoảng hai mươi dặm lại đóng quân chờ cho tới nửa đêm. Nghe một tiếng pháo lớn, Nhân Quý ruổi ngựa lên trước, thấy phía sau đèn đuốc sáng rực, pháo nổ liên tiếp. Nhân Quý giơ thương, xông thẳng vào trại. Đáng thương thay cho lũ giặc cỏ, chưa bao giờ được đối địch với một đội quân tinh nhuệ, nên chỉ còn cách cởi giáp trụ mà chạy trốn. Tiên Khách đang nằm ngủ trên giường ấm, trong mộng nghe tiếng hò hét, đang định bỏ chạy, mũi thương của Nhân Quý đã kề ngay. Phía sau bốn năm tên lính chạy ập tới, chạy đâu cho thoát, bị Nhân Quý đâm ngay một mũi, cắt lấy thủ cấp, còn khoảng bảy tám trăm tay chân, thấy chủ tướng đã bị giết, chỉ đành vứt vũ khí đầu hàng.
° ° °
Lại nói Hoài Nghĩa cùng với ba nghìn ngự lâm quân lên đường, trước tiên sai bốn năm tên lính tháo vát, giả trang làm nhà sư, đi nghe ngóng xem có đúng Thạc Trinh chính là Hoài Thanh thuở xưa chăng? Còn mình thì từ từ dẫn quân theo sau. Mấy ngày sau lính quay về, dẫn theo một người đàn ông đứng tuổi. Hoài Nghĩa hỏi:
- Sự thể thực hư ra sao?
Một tên lính thưa:
- Đây là tên lính hầu hạ Văn Giai Hoàng đế, bị chúng tiểu nhân lừa về đây, xin tướng quân cứ hỏi y thì rõ.
Hoài Nghĩa lên tiếng hỏi;
- Người là người ở đâu? Họ tên gì?
Người này thưa:
- Tướng quân không nhận ra tiểu nhân sao? Tiểu nhân họ Mao, tên Nhị, người Trường An, dạo trước ở ngay bên chùa Cảm Nghiệp, làm thợ da để sống. Tiểu nhân chỉ có một thân, vẫn thường được sư phụ Hoài Thanh chu cấp ít nhiều, để lo chuyện ăn uống, trà nước. Không ngờ sau này Tần Tiên Khách ở Mục Châu tới tu ở chùa rồi lại hoàn tục, trở về Mục Châu, nên vợ nên chồng. Tiểu nhân vì vậy cũng đi theo luôn.
Hoài Nghĩa lại hỏi:
- Họ làm sao mà lại lôi kéo được nhiều người theo thế?
Mao Nhị thưa:
- Tần Tiên Khách vốn có một ít thư phù tà thuật, nay lại gặp sư phụ Hoài Thanh thông minh, học rất mau những ngón này một cách thành thạo, cho nên thiện nam tín nữ khắp nơi cứ thế mà tìm theo.
Hoài Nghĩa hỏi thêm:
- Ngươi có biết sức lực Tiên Khách mạnh yếu ra sao không?
Mao Nhị khóc mà thưa:

- Tướng quân, Tiên Khách chết rồi, còn hỏi gì đến chuyện mạnh yếu nữa!
Hoài Nghĩa cả mừng:
- Chết lâu chưa?
Mao Nhị thưa :
- Mấy hôm trước Tiết Nhân Quý kéo binh mã tới, gặp ngay trên đường, đang đêm dẫn quân vào trại. Tiên Khách ngủ say, chẳng kịp mặc áo giáp, bị Nhân Quý giết ngay.
Hoài Nghĩa hỏi:
- Ngươi không nói láo chứ?
Mao Thị thưa:
- Tiểu nhân mà nói sai, xin tướng quân cứ giết ngay.
Hoài Nghĩa hỏi:
- Nay ngươi đi đâu?
Mao Nhị thưa:
- Tiểu nhân về báo cho sư phụ Hoài Thanh tin Sùng Nghĩa Vương bị giết.
Hoài Nghĩa nói:
- Thế ngươi không biết ta với Văn Giai Hoàng đế rất thân thiết sao?
Mao Nhị đáp:
- Tiểu nhân sao lại không biết chuyện này!
Hoài Nghĩa nói:
- Triều đình biết chuyện Hoài Thanh làm phản, nên sai đi chiêu an. Nay người về báo tin Tiên Khách đã chết, hãy đi cùng với người của ta, để nói cho Hoài Thanh rõ mọi chuyện.
Nói xong, Hoài Nghĩa liền viết thư, sắp sẵn một số lễ vật, giao cho bốn năm tên tay chân, dặn dò một hồi. Bọn này liền đi cùng Mao Nhị lên đường.
Đi mấy ngày, đã tới Bái Huyện, Hoài Thanh cho dựng rất nhiều trại, ngay ở ngoài thành. Lính canh cửa thấy liền hỏi:
- Mao lão bá quay về đây có việc gì? Các bác ở bên ấy ra sao rồi?
Mao Nhị xua tay đáp:
- Chốc nữa sẽ biết. Hoàng đế đâu rồi?
Tên lính đáp:
- Hoàng đế đang trong quân doanh.
Mao Nhị vội vào trung quân, đến trước trướng Mao Nhị quỳ xuống đất, khóc lớn. Thạc Trinh sửng sốt hỏi:
- Bên chỗ Sùng Nghĩa Vương có chuyện không hay phải không, hãy nói xem nào, sao người cứ khóc mãi thế?
Mao Nhị đem chuyện Tiên Khách hành quân ra sao, Tiết Nhân Quý đánh vào trại thế nào, Tiên Khách bị giết ra sao, kể lại một lượt Thạc Trinh còn nức nở không nguôi, Mao Nhị đã tiếp ngay:
- Xin chúa thượng hãy khoan khóc lóc, hãy còn một việc nữa. Đấy là việc của tướng quân Phùng Hoài Nghĩa.
Liền lấy thư ra, Thạc Trinh cầm xem, thấy đề "Trụ trì Bạch Mã tự" liền hỏi:
- Tại sao người lại gặp Hoài Nghĩa?
Mao Nhị kể lại. Thạc Trinh mở thư ra, thấy viết:
Kính gửi Hoài Thanh hiền tỷ trước lầu trang điểm 4
Nhớ xưa tình nồng nghĩa đượm, sớm tối vui vầy
Không ngờ cờ Thúy Hoa 5 Vụt đến, bỗng chốc chia tay
Trong lúc ruột đứt hồn bay, nào dám tưởng còn có ngày nay nữa đâu
Từ khi hiền tỉ đi xa, thăm tìm lâu nay, mới biết từ một ni cô bỗng trở thành một vũ vương, vũ sư mà nên địch quốc. Dù rằng nước cành dương vẫy khắp nghìn cành, vẫn không sao bằng góc giường cỏ thơm cùng chung tắm nước cánh sen vậy. Hội ngộ sắp đến, gửi trước thư này. Rất mong rủ lòng đoái tới.

Thư không nói hết.
Nhục ái đệ 6 phùng Hoài Nghĩa rập đầu bái.
Mao Nhị thưa tiếp:
- Hiện còn bốn vị sứ giả được Hoài Nghĩa tướng quân phái đến đang đứng chờ bên ngoài.
Thạc Trinh lệnh cho dẫn vào. Mao Nhị ra dẫn cả bốn vào trước, chỉ thấy hai bên thương chĩa như rừng, kiếm giương loang loáng, ngồi trên là một phụ nữ đầu đội mũ ngọc quý, mình khoác chiến bào có thêu hình long ám, vẫn không kém vẻ duyên dáng đoan trang. Cả bốn tên thấy thế, vội quỳ, cúi đầu sát đất thưa:
- Tướng quân của chúng tiểu nhân có lời thăm nương nương.
Thạc Trinh cất tiếng:
- Tướng quân Hoài Nghĩa các ngươi, triều đình đối đãi ra sao?
Một tên thưa:
- Tốt không thể kể hết. Tướng quân còn gửi riêng cho nương nương một vật này, nay xin dâng lại, nhưng xin nương nương hãy tạm cho tả hữu lui ra cho.
Thạc Trinh đáp:
- Đây toàn là tâm phúc của ta cả.
Tên này liền lấy trong ống tay áo ra một vật dâng lên. Thạc Trinh cầm lấy, thì ra chính là chuỗi bạch ngọc như ý mà lúc chia tay mình tặng Hoài Nghĩa, Thạc Trinh nước mắt thánh thót mà rằng:
- Ta nghĩ rằng chị em sẽ chẳng còn bao giờ gặp nhau, ai ngờ còn có ngày nay!
Liền nói với bốn tên sứ giả:
- Thế thì ngày nay đã là một nhà, các người hãy ở lại đây, đợi Phùng tướng quân tới là xong xuôi mọi chuyện ngay.
Qua một đêm, canh năm hôm sau, nghe ba tiếng pháo lớn, thám mã như bay vào thưa:
- Quân giặc đến rồi!
Thạc Trinh đáp:
- Đó chính là Phùng tướng quân, chứ đâu còn giặc nào nữa.
Các trại mặc áo giáp đội mũ, dàn thành trận thế, lại tiếp ba phát pháo lớn, cửa trại mở rộng. Thạc Trinh sai người hỏi:
- Binh mã đâu đến?
Lính của Hoài Nghĩa đáp:
- Chúng ta là lính của Tả vệ đại tướng quân Phùng Hoài Nghĩa.
- Các ngươi là ai?
Bọn này đáp:
- Hiện Văn Giai Hoàng đế đang ở đây?
Nói rồi quay vào thưa với Thạc Trinh. Thạc Trinh lấy bốn năm chục tên lên ngựa, ra đón thánh chỉ. Hoài Nghĩa cho ba nghìn ngự lâm quân xếp hàng, lại thêm bốn năm chục lính đi theo bưng thánh chỉ, hiên ngang tiến ra, gặp bọn Thạc Trinh ở giữa trại, hương án bày biện, Thạc Trinh bái lạy nhận thánh chỉ. Hai bên gặp gỡ, ôm nhau mà khóc lớn; rồi cùng vào trại sau hàn huyên to nhỏ. Giữa lúc tiệc rượu bày ra, các quan lại sở tại cũng đến ra mắt. Hoài Nghĩa sai người từ tạ, rồi nói với Thạc Trinh:
- Hiền tỷ đã chịu mệnh chiêu an, nay binh mã nên như thế nào?
Ta đã quy hàng, thì cứ hãy cùng tướng quân về kinh ra mắt thái hậu, còn binh mã thì hãy cứ đóng tại Mục Châu vậy!
Hoài Nghĩa nói:
- Như thế cũng tốt!
Thạc Trinh liền truyền cho bọn đầu mục, hãy cứ tạm đóng ở Mục Châu chờ thánh ý, còn mình dẫn ba bốn chục thân tín theo, cùng Hoài Nghĩa như keo sơn kéo về Trường An.
Đi khoảng hai ngày, gặp Tiết Nhân Quý, Hoài Nghĩa kể lại chuyện chiêu an. Nhân Quý nói:
- Nếu thế thì mọi chuyện yên ổn rồi. Phùng tướng quân cùng hiền tỷ về ra mắt thánh đế, Nhân Quý này xin dâng biểu về trình, còn thì ở lại để trông coi bản địa vậy.
Nhân Quý liền quay lại Tượng Châu, Hoài Nghĩa cùng Thạc Trinh về Trường An. Hoài Nghĩa vào cung trình với thái hậu. Thái Hậu cho lệnh Thạc Trinh tiến cung. Thấy mặt Thạc Trinh, thái hậu vừa vui vừa buồn, kể lể mọi chuyện từ ngày chia tay, rồi giữ Thạc Trinh lại hai ba ngày trong cung, tặng cho đủ loại vàng ngọc, lụa gấm, lại mua hẳn ột tòa gác, sắc phong cho Thạc Trinh là Quy Nghĩa vương, làm Tân Khách của thái hậu, Hoài Nghĩa cũng được phong Ngạc Quốc Công.
Không biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.--------------------------------
1Văn cơ, tức Thái Diễm, con gái nhà sử học Thái Ung, bị bắt sang Hồ. Sau Tào Tháo cho chuộc về, gả cho người tình cũ, nổi tiếng về tài văn chương. 2Nguyên văn: "Bảo noãn tư dâm dục". 3Về chi tiết có khác với "Sử Ký": Giao Ái sợ vạ, làm phản bị chém chết tru di ba họ. Còn Lã Bất Vi cũng sợ bị tội nên uống thuốc độc mà chết. 4Hiền tỷ: chị, chỉ Hoài Thanh. 5Cờ Thúy Hoa: cờ của vua khi ra khỏi cung, nhắc chuyện Cao Tôn đến Cảm Nghiệp để đưa Vũ Tài nhân về cung, bắt Hoài Nghĩa về chùa Bạch Mã... 6Nhục ái đệ: vừa là em trai, vừa là người tình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui