Thơ rằng:
Trời già kia thật đấng tri tâm,
Thương tiếc anh hùng lại giận thầm
Ông chỉ sống thêm chừng ít nữa
Giặc sao dài được tám mươi năm 1
Dung nhan rạng rỡ đài mây vẽ
Cát bụi miên man ánh nguyệt đầm
Sớm biết Phong Ba xương trắng gửi
Ngũ Hồ một lái nhẹ tay cầm. 2
Bài thơ trên đây là do Diệp Tĩnh Dật, người đời Nguyên làm, để diễn tả tấm lòng trung sáng chói của Nhạc Phi Trung Vũ Vương đời Tống, vì bị thừa tướng Tần Cối ganh ghét hãm hại. Tuy có Hàn Thế Trung, Hà Chú... hết lòng cứu giúp, nhưng cũng chẳng xong, vẫn phải chết, giặc Kim được thể ngang ngược, không người chống cự. Đời sau bao nhiêu kẻ tiếc thương, nếu lúc ấy có một bậc đại thần có thế lực đứng ra bênh vực kẻ anh hùng, chu toàn cho Nhạc Phi, thì giặc Kim có thể dẹp yên. Nếu có thể giảng hòa hiềm khích của thừa tướng với tướng quân, khiến cho bao công sức của cả hai bên đều dốc vào lo việc nhà vua, đừng có bức bách nhau đến cùng cực như thế. Bọn người này chẳng những không vì quốc gia mà dẹp loạn, mà lại chính là kẻ sinh loạn vậy.
° ° °
Nay hãy nói tiếp chuyện Trương Tu Đà, được thăng thông thủ, cho nên chức Tế Châu quận thừa phần một người họ Chu, tên Chí, quê ở huyện Bình Dương thuộc Sơn Tây. Một hôm Chu Quận thừa đang ngồi trên công đường, thì có sai quan đem văn thư của bộ Binh tới, lệnh bắt cả gia quyến Tần Thúc Bảo, Chu Quận thừa liền phái mấy công sai, đem trát bắt người, đến tận Ủng Dương phủ, gặp La Sĩ Tín, trình giấy tờ. Sĩ Tín giận dữ:
- Đại huynh ta hết trận này đến trận khác mới được một chút công danh, sao lại có chuyện ghép tội phản nghịch bẩn thỉu thế này cho được. Ta không nghe đâu!
Công sai nói:
- Nếu ngài nói như thế, tiểu nhân sao dám kháng lệnh trên. Ngay cả đến Chu Quận thừa cũng không dám nói năng rõ ràng là văn thư của bộ Binh, chữ đề của Vũ Văn đại nhân hiện đây, tiểu nhân chỉ làm theo lệnh thôi, xin ngài nghĩ kỹ cho!
Sĩ Tín trừng mắt quát:
- Khôn hồn thì cút đi au, còn nói lôi thôi thì ta băm nhỏ ra bây giờ!
Công sai thấy Sĩ Tín nổi giận, chỉ còn cách quay ra về trình lại với Chu Quận thừa, quận thừa cũng chẳng còn cách nào khác, đành lên kiệu, tìm đến Sĩ Tín. Sĩ Tín ra cửa vái chào, Quận thừa thấy ngay Sĩ Tín là bậc anh hùng tuổi trẻ, không chịu khuất ai, nên đành phải lên tiếng ra vẻ hối lỗi:
- Vừa rồi tiểu đệ cũng có điều không phải. Tần Đô úy tuy là quan võ, nhưng cũng cùng là quan lại triều đình với nhau, cũng phải nể mặt nhau ít nhiều. Nhưng đây lại là công văn của Binh Bộ, vâng theo thánh chỉ, để lùng bắt gian đảng nghịch tặc, chuyện thật quan thiết, sai quan luôn thúc giục, tiểu đệ lại ngu tối không nghĩ hết mọi điều nên phải tự thân tới để tạ lỗi.
Sĩ Tín nói:
- Hạ quan này với Tần Đô úy vốn là anh em khác họ, lúc ra đi, đô úy đã đem mẹ, vợ con phó thác cho hạ quan, sao hạ quan lại có thể để người ta lăng nhục đô úy cho được. Xin quận thừa hiểu cho điều này.
Chu Quận thừa đáp:
- Tiểu đệ đâu dám không hiểu chuyện đó, nhưng khó là ở chỗ bây giờ trả lời Viện Cơ mật ra sao?
Sĩ Tín nói:
- Chẳng có chuyện gì lớn, cũng chẳng có chuyện gì nhỏ, nếu quận thừa đứng ra đảm đương cho. Còn phải bắt ai, thì theo hạ quan hiểu, trước tiên lại phải bắt Tần Đô úy, chứ đâu có chuyện chưa bắt đương sự đã đi bắt gia quyến cho được?
Chu Quận thừa đáp:
- Tiểu đệ đến đây, cũng chỉ vì tình thân của bạn đồng liêu với nhau, mà nghĩ rằng chẳng gì hơn là hối lộ cho bọn sai quan này ít nhiều, rồi nói khó với chúng nó, làm văn thư cho trở về kinh, nói rằng mẹ cùng vợ con Tần Quỳnh đều đã giải lên quan, nhưng đang mắc bệnh nặng, chưa thể đi được, xin đợi cho bệnh bớt ít nhiều, sẽ cho người giải ngay về kinh. Làm được kế hoãn binh này rồi, thì sai người về ngay kinh đô, lo lót mọi chuyện, là yên ổn ngay thôi mà!
Sĩ Tín dẫu sao cũng còn ít tuổi, chưa hiểu hết những chuyện mờ ám của đời người, nên đáp ngay:
- Anh em hạ quan xưa nay chưa từng lấy tiền bạc của người khác, làm sao có tiền mà làm thế được. Cứ như ý hạ quan, thì đem quách mẹ vợ con đô úy đi chỗ khác, thế là hết bắt bớ.
Quận thừa thấy có nói cũng chẳng được, bèn ra kiệu về phủ. Sai quan cứ ngày đêm thôi thúc. Quận thừa không biết làm thế nào, bèn đem ra bàn bạc với bọn thư lại. Có một tay thư lại già, giảo hoạt thưa:
- Theo lệnh bắt người, nếu không nghe thì làm sao mà trả lời được với quan trên. Nay Sĩ Tín có binh mã trong tay, dùng sức lực mà bắt, e không xong. Giờ phải làm thế nào mà đối phó được với Sĩ Tín, thì gia quyến Tần Quỳnh chẳng khó gì mà không bắt được. Huống chi Sĩ Tín với Tần Quỳnh cùng ở một nhà, lại đã tự nhận là anh em khác họ, thì cũng thuộc gia quyến rồi, dẫu có bắt giải đi chăng nữa, thì càng thêm đỡ họa sau này.
Quận thừa nói:
- Sĩ Tín dữ tợn như hổ, làm sao mà bắt được, lỡ ra có chuyện gì, thì đối phó ra sao?
Tay thư lại già đáp:
- Quan lớn quá lo xa, chỉ cần bắt được Sĩ Tín cùng gia quyến Tần Quỳnh là xong, giao ngay cho sai quan, trên đường có xảy ra chuyện gì, thì kẻ chịu tội là bọn sai quan cùng quan lại sở tại, chẳng can hệ gì đến chúng ta cả.
Quận thừa gật đầu:
- Thế thì làm thế nào mà bắt y được?
Viên thư lại già ghé tại quận thừa, nói nhỏ mấy câu, Quận thừa mặt mày rạng rỡ, sai người đi mời Sĩ Tín, nói là để bàn chuyện viết văn thư trả lời Viện Cơ mật ra sao. Sĩ Tín sốt sắng trả lời:
- Việc này thì ta sẵn sàng ngay, cứ về nói với Chu Quận thừa làm trước đi thì vừa.
Tên sai dịch đáp:
- Thì rõ ràng là Chu Quận thừa sẽ đứng ra viết, nhưng Quận thừa sợ sai gì chăng, nên muốn được ngài xem qua ột lần, để thấy Quận thừa lo lắng công việc cho anh em ngài ra sao.
Sĩ Tín đáp:
- Thật là một tên tay chân bẻm mép, ngươi tên là gì?
Sai dịch đáp:
- Tiểu nhân họ Kế, tên Thành, ở ngay trong hậu đường của Chu Quận thừa.
Sĩ Tín tin là chuyện thực thà, lên ngựa tới công đường. Chu Quận thừa vội ra đón:
- Thật là tình đồng liêu, sao lại không cùng nhau bàn luận, nhưng chỉ sợ việc lớn khó lo xong, nên vẫn trù trừ không dám quyết đoán. Nay tiểu đệ đã sắp đặt đâu vào đó, vì hai vị anh hùng lo tròn mọi sự, đợi cho lũ sai quan này đi xong, ta sẽ nói chuyện với nhau.
Sĩ Tín đáp:
- Thôi thì mọi chuyện, đều nhờ cậy Chu Quận thừa lo lắng cả cho.
Thư lại đem văn thư phúc đáp ra, kể rõ Tần mẫu, Trương Thị bệnh tình ra sao, hiện nay đang bắt giữ ở phủ đường, khi nào đỡ sẽ giải ngay về kinh sư. Sĩ Tín nói:
- Hạ quan vốn là kẻ vũ biền thô lỗ, không hiểu rõ việc văn thư, giấy tờ, chỉ cần sao cho sai quan trở về yên ổn là được!
Chu Quận thừa vẫn cố ý nói thêm:
- Trong này sợ có chỗ chưa thật thỏa đáng.
Rồi sai thư lại đóng ấn cẩn thận, lời qua tiếng lại, dùng dằng mãi thì cũng đã nửa ngày, sai quan vào lĩnh công văn, Chu Quận thừa mời Sĩ Tín ở lại dùng cơm trưa, Sĩ Tín cố hai ba lần chối từ. Chu Quận thừa nói:
- La Tướng quân cười tiểu đệ nghèo, đến nỗi không có cơm rượu để mời khách chăng?
Rồi kéo Sĩ Tín vào hậu đường, chia ghế chủ khách mời ngồi, cùng nhau nâng chén. Sĩ Tín mới uống khoảng vài chén, thì đã choáng váng, thấy như trời đất chuyển, đầu váng mắt hoa, ngã lăn khỏi ghế. Chu Quận thừa đã sắp sẵn lính tráng, đem Sĩ Tín trói lại, ra công đường, nói với tay chân:
- La Sĩ Tín cùng Tần Quỳnh thông đồng với bọn phản nghịch, phụng thánh chỉ bắt giải về kinh, mọi người không được nhốn nháo.
Thủ hạ nghe xong, không dám nói một lời, ai lo việc nấy. Sĩ Tín đã bị bắt, phủ đường Ủng Dương vô chủ. Tần mẫu cùng Trương Thị, Tần Hoài Ngọc, không người che chở đều bị bắt giải đến công đường quận thừa, hai tay đều còng chặt, cho lên xe ngồi. Sĩ Tín cũng bị còng hai tay, nhưng phải nhốt trong xe tù bịt kín, cùng với văn thư, giao cả cho sai quan, lại phái thêm bốn mươi tên lính hộ tống, ngay đêm hôm ấy rời thành Tế Châu về kinh sư.
Canh năm hôm đó, Sĩ Tín dần tỉnh thuốc mê, nghe có tiếng đàn bà khóc lóc bên tai, mình thì lại không cựa quậy được chân tay, mở mắt nhìn ra, thấy đang bị nhốt trong xe tù, bên ngoài thì Trương Thị cùng Hoài Ngọc đều bị còng tay, khóc lóc trong chiếc xe nhỏ ngay cạnh. Thấy thế, Sĩ Tín nổi cơn giận dữ: "Chỉ vì ta vụng tính toán, trúng kế của lũ giặc già, để đến nỗi người già, trẻ con chịu khổ thế đây!" Đầu óc ngày càng tỉnh táo, nhưng vẫn chẳng thế nào cựa quậy, chỉ đành chờ đợi vậy thôi. Sang giờ thìn, tinh thần đã hoàn toàn bình thường, Sĩ Tín bèn hét to một tiếng, hai vai xoay thật mạnh, làm cái nắp trên xe tù bật tung, tay giằng mạnh, còng cũng gãy nốt, chân đạp liên tiếp, còng chân cũng chẳng còn, sàn xe cũng gãy nát rồi vặn hai càng xe đuổi đánh sai quan. Bọn sai quan vốn biết Sĩ Tín lập tức mở còng cho Tần mẫu, Trương Thị cùng Hoài Ngọc, chẳng đếm xỉa gì đến chuyện tụi phu xe đã bỏ chạy cả.
Sĩ Tín tự mình kéo xe, nghĩ ngợi: "Bên mình chẳng ai đỡ đần, nếu bọn này kéo lính tráng đuổi theo bắt, thì biết làm thế nào?" Cứ vừa đẩy xe, vừa tính toán cách này, kế khác, nhưng chẳng thấy được mưu mẹo nào hoàn hảo, lại thấy trong cánh rừng rậm rạp phía trước, khoảng chục người kéo ra, Sĩ Tín vội hạ xe xuống, với một gốc táo bên đường, định xông vào đánh hai người đi đầu, một người hét lớn:
- La tướng quân đừng ra tay nữa, Giả Nhuận Phủ đây.
Sĩ Tín đã từng đến nhà gặp Nhuận Phủ một lần, nên nhìn kỹ, cũng còn nhận ra, bèn hỏi:
- Đại huynh đã đem gia quyến gửi được ở đâu rồi, mà lại nhàn rỗi có thể tới đây gặp tiểu đệ thế này?
Nhuận Phủ đáp:
- Đã cùng đi với gia quyến của Vương đại huynh về Ngõa Cương yên ổn cả. Huyền Thúy đã tính toán chu đáo mọi chuyện, thấy rõ thế nào cũng dính líu đến Tần đại huynh, vì vậy sai hai chúng tôi, ngày đêm xuống núi, về tận thành Tế Châu nghe ngóng mọi chuyện. Thì đúng như dự tính, biết rõ chúng có giải gia quyến Tần đại huynh về kinh, tất phải đi qua đường này, vì vậy mới cùng với Đơn chủ quản dẫn lâu la phục sẵn ở đây, đợi chúng tới, sẽ giải tháo ọi người, không ngờ La tướng quân đã tự mình đảm đương được mọi chuyện rồi!
Sĩ Tín đáp:
- Tuy đã thoát được thân tù, đánh tan được bọn quan binh áp giải, nhưng tiểu đệ đang lo một thân một mình, vừa phải kéo xe, vừa phải ngó trước nhìn sau, chỉ sợ lính tráng đuổi theo sau, thì khó mà trông coi cả hai phía chu toàn. Nay may gặp hai vị ở đây, thì chẳng sợ gì nữa.
Đơn Toàn lên tiếng:
- Chúng ta có ngựa tốt, có vũ khí, dẫu chúng có đuổi theo, cũng chẳng có gì đáng sợ.
Nhuận Phủ tiếp:
- Đúng thế, phía trước lại là hang Đậu Tử, ở đó chúng ta sẽ có bạn bè giúp thêm một tay.
Chưa trò chuyện xong, thì đã thấy quận thừa cùng sai quan, kéo năm sáu trăm quân tới. Đơn Toàn nói với Nhuận Phủ.
- Hiền đệ hộ tống Tần mẫu, Tần phu nhân, chạy nhanh lên phía trước, Đơn Toàn này sẽ cùng Sĩ Tín cho bọn giặc già này biết tay.
Nói rồi chọn một con ngựa, cho Sĩ Tín cưỡi, Sĩ Tín lại kiếm một cây thương, đứng nép bên vách núi, lớn tiếng quát:
- Anh em chúng ta nào có phụ gì triều đình mà chúng bay dám bày mưu tính kế hãm hại. Nay ta sẽ trừ tận gốc lũ giặc tham tàn này, nếu còn một đứa sống sót trở về, thì La Sĩ Tín này không đáng mặt hảo hán!
Bọn quan binh, chỉ riêng Sĩ Tín cũng đã địch chẳng nổi, nay lại thấy thêm một hảo hán dữ tợn, đen như quỷ đói, chẳng một kẻ nào dám đương đầu, đều thi nhau quay ngựa bỏ chạy. Đơn Toàn thấy thế, cười ha hả.
- Thật đáng thương, thế mà cũng là quan là lính triều đình.
Sĩ Tín đang định đuổi theo, Đơn Toàn liền giữ lại, quay ngựa trở về. Nhuận Phủ đem theo mấy lâu la, hộ tống Tần mẫu đi nhanh về hướng Ngõa Cương, thấy ngã ba Tam Soa phía trước, một đội người ngựa kéo ra. Người đi đầu hét lớn:
- Lũ trẻ con kia! Hãy xem ta túm gọn tất cả đây!
Nhuận Phủ vội nhìn, nhận ra là Trình Giảo Kim, liền cố ý đáp:
- Hà, thằng cướp đường kia, không nhận ra ta là Tần Thúc Bảo sao?
Giảo Kim cười đáp:
- Thằng điên kia! Lại dám giả mạo cả tên họ đại huynh ta để hòng nạt ta sao?
Rồi giơ cao búa xông tới, Nhuận Phủ to tiếng:
- Trình Giảo Kim, đây chính là gia quyến Tần Thúc Bảo, cùng với hành lý, hiền đệ có dám cướp không nào?
Xe của Tần mẫu kịp tới. Sĩ Tín cùng Đơn Toàn nghe thủ hạ báo phía trước có cướp đón đường, cũng vội ruổi ngựa đuổi theo. Giảo Kim lúc này đã đến trước xe Tần mẫu, cùng mọi người gặp gỡ, lại thăm hỏi Tần mẫu. Nhuận Phủ vội kể lại mọi chuyện, Giảo Kim nói:
- Xin bá mẫu hãy vào trại của Giảo Kim này để cùng mẫu thân
Giảo Kim gặp gỡ. Nay Giảo Kim này không còn nghèo đói như xưa đâu, đủ sức để phụng dưỡng bá mẫu. Bọn quan lính cũng chẳng dám bén mảng tới đây đâu!
Vì vậy mọi người đều kéo vào trại của Giảo Kim, cũng gặp gỡ Vưu viên ngoại. Giảo Kim không quên mời Tần mẫu vào trại sau gặp mẫu thân. Tần mẫu bảo Sĩ Tín:
- Chúng ta ở đây, chẳng biết Thúc Bảo đang ở ngoài chỗ giặc giã, có biết được những việc này chưa, sống chết ra sao, khiến lòng ta không lúc nào khỏi lo lắng.
Rồi xụt xịt hai hàng lệ. Giảo Kim khuyên giải:
- Bá mẫu yên lòng. Đợi đêm nay cháu dẫn vài trăm lâu la, sẽ đón được đại ca về đây, cùng nhau đoàn tụ, chẳng sợ gì lính trước, lính sau của triều đình.
Nhuận Phủ nói:
- Tần đại huynh cùng Trương Thông Thủ dẫn sáu bảy ngàn binh mã, hiền đệ dẫu có định đến quấy rối, thì cũng vô ích thôi, mà còn làm lụy đến công việc của Tần đại huynh nữa kia.
Sĩ Tín bỗng nói:
- Xin để tiểu đệ đi một phen!
Nhuận Phủ đáp:
- Cũng không được!
Đơn Toàn nói:
- Nếu Đơn Toàn này đi thì sao?
Nhuận Phủ lại đáp:
- Hiền huynh đi thì quá là tốt. Chỉ sợ Tần đại huynh không nhận ra hiền huynh, sẽ không tin.
Đơn Toàn cãi:
- Sao lại có chuyện ấy được. Trước đây Tần tướng quân mắc bệnh, tại Nhị Hiền trang ở hơn năm trời, sao lại không biết Đơn Toàn này?
Giảo Kim hỏi:
- Vị này là ai?
Nhận Phủ đáp:
- Đây chính là vị chủ quản tháo vát của Đơn viên ngoại, nay theo viên ngoại lên Ngõa Cương, nổi tiếng là bậc hào kiệt nghĩa khí.
Giảo Kim nói:
- Xứng đáng là tay chân thân tín của Đơn viên ngoại vậy?
Tần mẫu mừng rỡ:
- Nếu được vị chủ quản bằng lòng đến chỗ Tần Quỳnh của già này thì thật quý hóa quá. Xin đợi già này viết mấy chữ, kiếm chút tiền đi đường. Rồi phiền vị chủ quản đi ngay cho.
Giảo Kim gạt ngay:
- Bá mẫu đừng làm thế mọi người cười cho. Có bá mẫu ở trên, mọi chuyện cháu phải chu tất, việc gì bá mẫu phải lo lắng.
Rồi gọi ngay lâu la, lấy ra một đĩnh bạc lớn, Giảo Kim cầm lấy đưa cho Đơn Toàn:
- Xin cầm mười lạng này làm lộ phí vậy.
Đơn Toàn đáp:
- Tiền đi đường thì trong người Đơn Toàn này lúc nào chẳng sẵn, không đáng để Tần mẫu cùng Trình Tri Tiết phải lo lắng... Xin Tần mẫu viết ngay thư, để Đơn Toàn này lên đường ngay cho kịp.
Tần mẫu viết xong thư, đưa cho Đơn Toàn, rồi ra trại sau gặp Trình mẫu.
° ° °
Không nói chuyện Đơn Toàn đến quân doanh báo tin cho Thúc Bảo, hãy kể chuyện Giảo Kim. Nhuận Phủ, cùng Sĩ Tín, Hoài Ngọc cùng uống rượu với nhau xong thì đi nằm nghỉ sớm. Riêng Sĩ Tín vẫn không sao ngủ được, nghĩ ngợi mông lung: "Sĩ Tín này lâu nay chưa từng bị ai đè nén, coi thường, ai ngờ lại bị thằng giặc già cùng lão thư lại giảo hoạt, bày mưu thiết kế trói ta lại rồi nhốt trong xe tù, mất đúng nửa ngày với một đêm tròn. Lại còn làm lụy đến mẹ già, với vợ con của Tần đại ca. Người đời vẫn thường nói: giận lặt vặt thì không phải hạng quân tử, nhưng không dám làm những chuyện tầy trời thì lại không đáng mặt trượng phu. Sĩ Tín này mà không giết được vợ chồng thằng chó già này, thì thật không đáng đứng trong trời đất nữa". Trằn trọc nghĩ ngợi suốt đêm, vừa canh năm, đã chồm ngay dậy, ăn mặc vội vàng cho xong rồi vào ngay chuồng ngựa, chọn một con tốt nhất, nhảy lên phi ra khỏi trại. Bọn lâu la gác cửa trại hỏi:
- Đầu lĩnh đi đâu bây giờ?
Sĩ Tín đáp:
- Chủ trại của các ngươi sai ta đi công cán một phen.
Nói rồi gia roi phóng thẳng một mạch một trăm dặm đường, đến cửa thành Tế Châu, vào ngay một cửa hàng cơm, chén một bụng no, rồi nói với chủ quán:
- Ta gửi con ngựa này cho tiểu nhị, hãy cho nó ăn cho no. Ta vào thành trình công văn, nếu quay ra mà cửa thành đã đóng, thì ta sẽ ngủ tạm đêm nay ở trong thành.
Chủ quán vội vàng đáp:
- Xin ngài cứ yên tâm, ngựa của ngài sẽ được chăm sóc chu đáo.
Sĩ Tín vào thành, trời cũng bắt đầu tối, Sĩ Tín tìm một ngôi miếu hoang, ngồi chờ một hồi, ãi đến lúc hết canh một, mới lặng lẽ vào cửa sau của phủ đường Ủng Dương, chỉ thấy hai hàng nhà, các phòng đều đã đóng chặt cửa, thì thấy một tên tay chân bưng một bình rượu đi lại, Sĩ Tín đón hỏi:
- Xin cho hỏi, vị thư lại già ở chỗ nào?
Người này đáp:
- Ngay dãy nhà trước mặt kia, phòng trước cửa có giếng nước là đúng.
Sĩ Tín đi ngay theo lời chỉ, nhìn vào thấy phòng trống, không một bóng người. Nghe có tiếng đàn thánh thót từ phòng bên, rồi tiếng người hỏi:
- Ai đó?
Sĩ Tín đáp:
- Tiểu nhân tìm gặp vị thư lại già ở đây!
Người đánh đàn đáp:
- Không có nhà đâu. Vừa ra miếu thổ địa nói chuyện với ngài Lang Thẩm rồi.
Sĩ Tín vội quay ra, rảo bước đến miếu thổ địa, thấy một bóng người đi phía trước, vừa đi vừa lẩm nhẩm một mình, Sĩ Tín nhìn kỹ, đúng là viên thư lại rồi. Sĩ Tín vội lần lên phía trước, chạy nép sau cổng miếu thổ địa, giả giọng Giang Tây hỏi ra:
- A, ngài thư lại đến đây rồi!
Viên thư lại nhìn trong tối chẳng rõ, lại nhận ra viên sai quan của bộ Binh, liền cất tiếng:
- Chào Hùng đại nhân?
Sĩ Tín đáp:
- Không dám!
Thư lại xăm xăm bước vào. Sĩ Tín bước nhanh ra đón, thư lại nhìn kỹ, nhận ra Sĩ Tín, ba hồn bảy vía đâu mất cả, cả người run bắn, khụy ngay xuống mặt đất, Sĩ Tín đặt ngay một chân lên ngực thư lại, rút đoản đao sáng loáng ra. Thư lại van lạy:
- Không dính dáng gì đến tiểu nhân cả, xin tha ạng chó già này.
Sĩ Tín nạt:
- Con chó săn kia, không được mở miệng, mày hãy khai cho thực thằng quan chó của mày hiện đang ở đâu?
Thư lại thưa:
- Vừa xếp đặt xong mọi chuyện, rồi về hậu đường rồi ạ!
Sĩ Tín sợ người qua lại bắt gặp sinh chuyện lôi thôi, vội hạ ngay dao xuống, gọn một nhát, đầu đã lìa khỏi cổ. Sĩ Tín cởi áo trên người thư lại, gói thủ cấp lại, vứt ngay góc thềm miếu. Biết rõ tường sau cửa miếu, chính là phủ đường, Sĩ Tín nhảy ngay lên tường, vừa may phía trong có một cây liễu kề ngay tường, liền bám lấy mà xuống. Thì ra là nhà Chu Quận thừa đãi cơm rượu hôm trước, Sĩ Tín lần vào, cửa trong đã đóng kín cả, may còn thấy cuối tường cầu thang lên gác.
Sĩ Tín nhảy lên cửa sổ, nghiễm nhiên đã đứng ở cầu thang trong nhà, rồi từng bậc một lặng lẽ lên gác. Nhìn vào trong phòng chỉ thấy một mình Chu Quận thừa, vì không mang gia quyến đi theo, chỉ có một vài thằng nhỏ, hầu hạ hàng ngày, thì giờ đều đang ở dưới bếp cả. Sĩ Tín khẽ đẩy cửa sổ thấy Chu Quận thừa đang ngồi trước bàn với một ngọn nến, trên bàn la liệt những thỏi bạc to nhỏ nhiều loại đang dùng bút tính toán rõ ràng để gửi về quê. Sĩ Tín đẩy tiếp hai cánh cửa lớn, Chu quận thừa nhận ra có người vào, vội lấy thân mình che kín đống bạc, đang định mở miệng la cướp, thì Sĩ Tín tay cầm đoản dao, tay nắm chặt tóc quát:
- Thằng chó chết, mày có nhận ra ta chăng?
Lúc này Chu Quận thừa một lời cũng không nói được, chỉ cúi sát đất mà lạy. Sĩ Tín cúi xuống cắt lấy thủ cấp, quay sang giường, lấy chăn gói kín lại, rồi buộc ngang lưng mình, bao nhiêu bạc trên bàn, cứ nhặt từng thỏi bỏ cả vào ngực áo. Thấy trên bàn, sẵn bút mực, cầm ngay viết lên tường:
Mắc oan đêm trước
Trả thù đêm nay
Oan thù tương báo
Mới thỏa dạ này.
Viết xong vứt bút, theo lối cũ vượt tường mà ra, về đến miếu thổ địa, lấy thủ cấp của thư lại, gói vào cùng một gói với thủ cấp của Chu Quận thừa. Ra khỏi miếu, đi về cửa thành. Lúc này mới đầu canh năm, cửa thành vẫn chưa mở, bèn trèo lên mặt thành, chọn chỗ tường thấp nhảy xuống. Đi thẳng tới tửu điếm, tìm một chỗ kín đáo, giấu hai thủ cấp lại, gõ cửa. Chủ quán mở cửa ra nói ngay:
- Ngài về sớm quá! Cửa thành đã mở rồi sao?
Sĩ Tín đáp:
- Ta có việc phải đưa văn thư hỏa tốc, sợ gì chúng nó đóng cửa thành. Có cho ngựa của ta ăn no không?
Chủ quán đáp:
- Ngài đã dặn, tiểu nhân đâu dám quên?
Sĩ Tín lấy trong người ra một thỏi bạc khoảng bốn năm lạng, đưa cho chủ quán:
- Thưởng cho tiểu nhị đây! Mau dắt ngựa ra đây cho ta!
Chủ quán dắt ngựa ra. Sĩ Tín nhảy ngay lên yên, cho đi thong thả. Khi đã nghe tiếng chủ quán đóng cửa, Sĩ Tín mới cho ngựa đi nhanh hơn, tới lấy hai cái thủ cấp, buộc ở sau yên ngựa, phi một mạch đến bốn năm mươi dặm. Đến khi thấy vừa đói vừa khát, tìm vào một thôn cạnh đường, thấy một ông già ngồi ngay trước cửa nhà, bán trứng gà, rượu hâm nóng. Sĩ Tín nhảy xuống ngựa, gọi ông già mang rượu ra, rồi hỏi:
- Sao thôn xóm của lão trông thảm thương đến thế hở!
Ông già đáp:
- Dân chúng khốn khổ vì phu dịch. Ruộng vườn bỏ hoang, làm sao không thê lương, cùng khổ cho được?
Sĩ Tín nghĩ ngợi: "Trong người ta còn ít bạc đây, ở tay thằng giặc chó chết này mà ra, thì đều là máu mỡ của dân đen cả đấy thôi. Nó những hòng gửi về cho vợ con hoang phí, ai ngờ bị ta lấy mất. Ta đem cái này về sơn trại làm gì?". Bèn hỏi tiếp:
- Thôn của lão đây có bao nhiêu nhà?
Ông già đáp:
- Không nhiều, chỉ khoảng mười nhà. Đàn ông đều phải đi phu cả rồi, vứt lại toàn đàn bà, trẻ con. Khó mà sống nổi!
Sĩ Tín tiếp:
- Lão hãy gọi mọi người lại đây, họ La này sẽ cấp cho ai nấy một ít mà qua ngày vậy.
Ông già nghe thấy nói thế, liền gọi ngay mấy người đàn bà tới.
Thật đáng thương, tất cả đều áo chẳng đủ che thân, hình thể gầy gò như con cò, con chim cu vậy, Sĩ Tín hỏi:
- Tất cả có bao nhiêu nhà?
Ông già đáp:
- Cộng cả có mười một nhà.
Sĩ Tín đem tất cả số bạc trong người đổ ra, ước chừng chia ra làm mười một phần, thỏi nào cũng óng ánh như hoa tuyết. Sĩ Tín nói với những người đàn bà đáng thương:
- Mỗi người mỗi nhà, nhận lấy một phần, may ra sống được đến lúc đàn ông trở về.
Mấy người đàn bà này, mừng không thốt được một lời, quỳ sát đất lạy tạ rồi ai lấy phần người ấy. Ông già cất tiếng:
- Cũng muốn làm một mâm cơm, tạ ơn hảo hán, để thấy được lòng biết ơn của thôn nghèo, nhưng khổ một nỗi, hiện chẳng có một thứ gì trong nhà, ngay đến một hạt gạo cũng không. Chỉ có mấy cái bánh bao bột to, nếu hảo hán không chê, già này xin mang ra, mời hảo hán ăn đỡ lòng vậy.
Sĩ Tín nói ngay:
- Thế cũng được!
Ông già vội chạy vào bếp, lấy ra một đĩa trứng gà, một đĩa bánh bao. Chẳng mấy chốc, các nhà xung quanh, đều đem bánh bao, trứng gà, dưa hành, rượu nóng, bày ra đủ mười mâm, người này một chén, người kia một chén, mời Sĩ Tín, Sĩ Tín bất giác khoan khoái, ăn thật no rồi chắp tay lạy chào, lên ngựa, phi như bay về phía trước.
° ° °
Lại nói Giảo Kim sáng hôm ấy dậy sớm, thấy Sĩ Tín đi đâu mất, vội chạy đi thưa với Tần mẫu, lại đoán rằng Sĩ Tín không muốn lên sơn trại, nên bỏ trốn mất rồi. Nhưng Tần mẫu vẫn không tin, vì biết Sĩ Tín vốn thật thà:
- Sĩ Tín vốn là một đứa thẳng thắn, chẳng bao giờ bỏ lại chúng ta đi đâu?
Lúc này Sĩ Tín đang trên ngựa ruổi nhanh, sực nhìn lại, chẳng thấy hai cái thủ cấp đâu nữa, thì ra do buộc ở sau yên không chặt, ngựa lại phi cố sống cố chết, nút buộc ngày một lỏng dần, rồi rơi quách. Sĩ Tín liền quay ngựa lại, đi chậm chậm để tìm. Đến mấy dặm, thì thấy trong khe núi, một đội người ngựa kéo ra, phía trước là hơn mười xe chở lương thảo, theo sau là bốn năm chục người ngựa hùng dũng, với hai ba đầu lĩnh dẫn dầu, người nào cũng chít khăn đầu rìu ống tay áo bó gọn gàng, cầm trường thương hoặc búa rộng bản. Sĩ Tín biết ngay là các vị hảo hán, nên nép sát ngựa bên đường tránh cho ngựa đi qua. Mấy đầu lĩnh từ trên yên ngựa, chăm chú nhìn Sĩ Tín, Sĩ Tín cũng trừng mắt nhìn lại. Đầu lĩnh đi sau cùng, dừng ngựa hỏi:
- Anh là ai?
Sĩ Tín vốn vừa gan vừa bướng, cũng hỏi lại:
- Anh là ai mà hỏi ta?
Người này cười:
- Anh trông giống như La Sĩ Tín, người nhà Tần đại huynh thì phải?
Sĩ Tín đáp:
- Ta chính là La Sĩ Tín?
Người này xuống ngựa, tiến lên trước nói:
- Tiểu đệ là Liên Minh!
Sĩ Tín nói:
- Có phải là người tới phủ, nhờ Tần đại ca báo tin cho Giả Nhuận Phủ, bảo Nhuận Phủ trốn ngay đi phải không?
Cự Chân đáp:
- Đúng như thế.
Sĩ Tín nghe nói thế, cũng xuống ngựa, cùng Cự Chân vái chào.
Cũng bởi Từ Mậu Công phái bọn này đi mượn lương thảo ở Lộ Châu về đến đây, nghe thấy thế, các đầu lĩnh đều xuống ngựa, cùng chào hỏi Sĩ Tín, Cự Chân nói:
- Nhuận Phủ gia quyến, tiểu đệ đã đưa về Ngõa Cương yên ổn, nhưng không biết tình trạng Tần Thúc Bảo cùng gia quyến ra sao?
Sĩ Tín đem chuyện Tần mẫu bị bắt kể đầu đuôi. Đơn viên ngoại nói:
- Nếu Tần mẫu đang ở chỗ Trình mẫu, thì Hùng Tín này phải đến thăm mới được!
Nguyên Chân nói:
- Nếu đã như vậy, thì chẳng bao lâu sẽ cùng gặp gỡ. Hiện nay đang phải trông coi lương thảo trên đường đi thế này, lâu la thì đông. Chi bằng, ta mời Sĩ Tín cùng về Ngõa Cương, cùng gặp Từ, Lý hai vị bàn cách giải cứu cho Tần đại huynh, mới là kế chu toàn lâu dài. Nhưng không biết ý La hiền đệ, hiện nay định đi đâu?
Sĩ Tín đáp:
- Tiểu đệ đang trên đường về hang Đậu Tử, nhân vì rơi mất một thứ này nên phải quay lại tìm.
Hùng Tín hỏi:
- Rơi cái gì?
Sĩ Tín đáp:
- Hai cái thủ cấp!
Địch Nhượng vội hỏi:
- Thủ cấp ai thế?
Sĩ Tín đem chuyện đang đêm tìm kẻ thù, cắt đầu hai mạng, đem tiền chia cho dân thôn kể lại một lượt. Địch Nhượng kêu trời.
- Hiền đệ thật đáng mặt hảo hán, chi bằng cùng lên Ngõa Cương tụ nghĩa vậy?
Sĩ Tín đáp:
- Tiểu đệ vẫn có ý lên Ngõa Cương lạy chào chư vị, nhưng sợ Tần mẫu không thấy tiểu đệ, lại thêm lo nghĩ, chi bằng để tiểu đệ về trình lại Tần mẫu rồi sẽ lên sơn trại cũng chưa muộn.
Hùng Tín nói:
- Nếu vậy, hiền đệ gặp Tần mẫu, xin thay mặt Hùng Tín này, thưa hộ vì phải lo liệu công việc sơn trại, nên chưa thể đến thăm được?
Sĩ Tín đỡ lời:
- Tiểu đệ xin nhớ!
Ai nấy chào từ biệt, lên ngựa.
° ° °
Khoan nói chuyện Sĩ Tín về hang Đậu Tử, mà hãy theo đoàn Địch Nhượng trên đường về Ngõa Cương đã. Đi chưa được mấy dặm, thì thấy lâu la thưa:
- Chúng tiểu nhân nhặt được một cái gói bên đường, trong đó có hai thủ cấp, chẳng biết có phải của La tướng quân đánh rơi không?
Hùng Tín đáp:
- Đem đây xem sao!
Lâu la đem lại, thì vẫn là hai đầu lâu máu đã đông tím đen.
Địch Nhượng ra lệnh:
- Hãy sai người đem trả lại cho Sĩ Tín?
Hùng Tín can:
- Chẳng cần phải trả làm gì. Hai người này cũng vì dính líu đến công việc của anh em ta, một phần cũng vì nghe theo lệnh trên, ai ngờ tiền mất, mạng vong. Nếu cứ đem thủ cấp mà quăng đi ném lại, thì cũng quá nhẫn tâm, các ngươi hãy mau làm tạm lấy hai hộp gỗ, đem bỏ hai thủ cấp này vào, đào hai hố sâu, đắp thành mồ mả cẩn thận.
Sau đó cả bọn lại lên ngựa về trại.
Chính là:
Từ tâm vốn lẽ thường
Tàn nhẫn thật ít thấy!--------------------------------
1Nhà Nguyên tồn tại được tám mươi năm, thì đã bị Chu Nguyên Chương diệt, lập nên nhà Minh./td> 2Nhạc Phi bị Tần Cối giết ở Phong Ba đình thuộc Hàng Châu, có Tây Hồ, Ngũ Hồ là nơi Phạm Lãi bỏ đi chu du, nên không bị Câu Tiễn giết như Văn Chủng thời Chiến Quốc.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...