Tượng Đồng Đen Một Chân

Bây giờ tạm thời ra khỏi xóm cái Linh Linh đầy sôi
động ấy để lần theo số phận của một con người mà cái chết của anh ta vốn đã làm cả gia đình ông Ngang kinh hoàng. Và rồi đến cái sống của anh
còn làm cho tất cả khiếp đảm hơn nhiều lần thế nữa.

Ngô không
chết, bởi những kẻ bắt cóc anh ta bằng phép thư thôi miên đã không muốn
anh chết. Họ đưa anh đi ngược chiều gió bấc, ngược cả những vùng đồi
sỏi, băng qua vùng đá vôi, cuối cùng thì đến miệt rừng già hoang lạnh
như thủa trái đất mới khai sinh.

Khi Ngô bừng tỉnh khỏi cơn say
thuốc mê, anh cứ tưởng mình vừa mới ngủ dậy. Đầu nặng như có treo đá.
Hai bàn chân sưng vù lên. Đôi dép nhựa cũ đã không còn nữa. Vết đá cắt
ngang dọc gan bàn chân, vết cây gai cào ở cổ chân đã giúp Ngô đần dần
hiểu ra. Hình như không phải mình ngủ mà là đi, đi đâu xa lắm. Rồi anh
ngẩng đầu lên, bàng hoàng nhìn bốn phía. Anh kinh hãi đến rụng rời tay
chân vì xung quanh chỗ anh đứng là những bờ đá cao vút, đá lồi ra những
hòn to hơn con trâu mộng và có vẻ sẵn sàng đổ lăn xuống. Nhưng kinh hãi
hơn là phía trước mặt có một phiến đá rộng như tấm giường, trên đó có
một người nằm ngủ. Hắn đang ngáy ầm ầm. Nhìn kỹ một chút đó là một trong số ba người lạ đến nhà anh.

Ngô thấy ớn lạnh cả người. Đã ở tuổi bốn lăm, đời cũng đã trải qua nhiều phen mạo hiểm nhưng chưa bao giờ
anh trải qua cơn hãi hùng như lúc này. Không biết mình tỉnh hay mê. Ngô
cho tay lên nắm hai vành tai lắc lắc. Vành tai lạnh buốt hơi đá núi.

Chợt có tiếng bước chân lội nước rào rào. Ngô hốt hoảng quay lại. Một cậu bé có vẻ còn nhỏ hơn cả em trai anh, nhưng đen như cột nhà cháy đang xách
trên tay chiếc đùi thú vật được nướng lửa cháy sém. Cậu ta kêu to lên
như hát:

- Pả ơi! Hăng pả cha thiệt!

Người nằm trên phiến đá ngồi dựng dậy như không hề ngủ. Hắn hỏi to:

- Cha đôi?

- Cha thiệt!

Ngô không sao hiểu nổi những câu hỏi quái đản ấy, nhưng nhìn cung cách thì
cũng đoán được có lẽ đó là hai bố con và những câu ấy chắc là đứa con
mời bố ăn thịt.

Đứa bé trao đùi thịt cho bố rồi lặng lẽ quay đi,
chân lội nước ào ào. Ngô cau mày suy nghĩ. Không biết nhà chúng nó ở
đâu, mà tại sao thằng bố không về nhà ăn uống lại nằm khoèo ở đây bắt
con phải xách ra? Hay vì đang giam giữ mình và không muốn cho mình nhìn
thấy nhà nó?

Đang nghĩ lung tung, bất ngờ thằng ngồi trên đá xé
một miếng thịt to ném cho anh. Hắn nói bằng tiếng miền xuôi, lơ lớ, nặng chịch:

- Ăn đi. Ba ngày nhịn rồi, chắc mi đói lắm.

Ngô
không ngờ mình đã nhịn đến ba ngày. Như thế có nghĩa là từ đây về nhà
mình phải đi mất ba ngày. Giả sử có trốn được thì làm sao chạy thoát về
cho đến nơi?

- Ăn đi! Hắn nhìn Ngô giục.

Quả thật Ngô
không thấy đói. Hơn nữa phải ăn thứ thịt nửa sống nửa chín như thế này
anh thấy lợm quá! Nhưng không ăn thì sợ. Anh cúi xuống cầm miếng thịt
lên. Ngô chọn một chỗ có vết lửa cháy sém nhất, cấu ra một miếng. Chẳng
hiểu là thịt con gì nhưng mà rất thơm và rất béo. Anh ăn thấy ngon. Lại
chọn một miếng khác...Thế rồi tự nhiên cơn đói ở đâu đó ùa đến. Ơ sao mà cồn cào thế này? Ngô lật lật miếng thịt, tìm chỗ cháy sém. Hết chỗ cháy sém thì chọn chỗ vừa vừa. Hết cả cháy vừa anh lại cấu miếng chín tái.
Rồi chín nhở nhở cũng ăn, chín đỏ nhạt cũng chén. Cuối cùng những miếng
còn đỏ lòm nước máu cũng được anh tọng nốt vào mồm.

Ngô đã ăn
nhanh, nhưng người ngồi trên phiến đá trước mặt lại còn ăn nhanh hơn. Cả đùi thịt lớn như vậy loáng một cái đã hết nhẵn. Những chiếc xương được
ném xuống suối. Rồi cả người hắn cũng cúi vục xuống suối. Hắn uống một
ngụm nước no nê. Làm xong tất cả các công việc ấy, hắn lại bò lên xếp
bằng trên phiến đá nhìn Ngô, hỏi:

- Mi có biết vì răng mi bị bắt lên đây không?

Ngô lắc đầu.

- Vì mi có giữ cái tượng mẹ đất.

Ngô lại lắc đầu. Người ngồi trên đá trợn mắt lên.

- Ta là Ke mo, tiếng ở dưới chúng mi kêu bằng thầy mo. Ta có nhiều phép thư độc lắm. Mi coi đây!

Nói rồi hắn đứng phắt dậy bước sát tới chỗ Ngô. Anh hoảng hốt lùi lại. Hắn
kéo tay anh, chỉ cho anh thấy một cây mọc bên bờ suối. Ngô chẳng biết
cây gì, lá to như lá bông nhưng rất dày, cây nhỏ và nõn nà như cây dâm
bụt. Ngô đang sợ hãi chưa biết thằng thầy mo kia định làm gì thì dã thấy hắn trợn mắt lên, phùng má thổi phù phù như rắn hổ mang. Tức thì lá
trên ngọn cây kia xìu lại, rồi cả cành cũng héo. Hắn chỉ phì phì độ vài
phút mà cả bụi cây đã héo queo như bị trốc rễ phơi một ngày giữa nắng.
Ngô thấy sởn hết gai ốc. Anh đã từng nghe đồn về các phép thư của người
dân tộc, nhưng đó là những dân tộc mà anh thường xuyên tiếp xúc như Vân
Kiều, Tà ôi. Chưa bao giờ anh gặp loại người này và cũng không tưởng
tượng được phép thư của nó lại ghê gớm đến thế.

Tên thầy mo trở lại phiến đá, hắn cố nói thật rõ từng lời cho Ngô hiểu:

- Ta không có ý giết mi. Nếu giết thì mi đã chết ngay trong nhà. Nhưng
ta muốn hỏi về pho tượng. Có thể mi giữ nó nhưng không hiểu biết về nó.
Còn dân chúng ta ai cũng biết. Trẻ con sinh ra khi nào đến tuổi nghe
được chuyện kể thì bắt đầu được kể về pho tượng ấy. Mi có được nghe cha
mi kể lại không?

Ngô lại lắc đầu.

- Vậy thì ta kể cho mi
nghe. Cha đã kể với ta rằng, pho tượng Mẹ Đất có hai tay chống nạnh là
thuỷ tổ của người Rạc. Mà người Rạc là thuỷ tổ của chúng mi. Tức là ta
với mi cùng một tổ. Nhưng vào một cái năm nào đó, xa hung, bọn người như mi đã ăn cắp đi một chân. Sau đó, chúng mi lại đánh đuổi bọn ta lên
rừng để ăn cắp cả pho tượng. Người Rạc ta tuy phải lên ở đầu nguồn nước, nhưng không khi nào quên thuỷ tổ của mình. Đời ông kể lại cho đời cha.
Đời cha kể cho con. Con kể cho con chúng nó... Bất kỳ đời nào tìm thấy
thuỷ tổ thì cũng đưa về. Khi nào có pho tượng ấy, người Rạc chúng ta sẽ
làm nhà hai kèo và chuyển về xuôi ở. Ta biết ở dưới đó loại người chúng
mi chừ đã tốt bụng, không ác như chuyện trước đây. Ta có về bán thuốc
nhiều lần ta biết. Có điều, tốt thì có tốt nhưng vẫn tham. Cứ ôm giữ Mẹ
Đất là tham rồi!

Tên thầy mo ngừng lại thở. Có lẽ hắn cũng đã nhiều tuổi. Nhưng cái khuôn mặt và dáng người ấy không thể nào đoán tuổi được.

- Ta không có ý giết mi - Thầy mo nhắc lại - Nhưng mi phải nói cho ta
biết tượng Mẹ Đất hiện ở chỗ nào? Nếu mi nói, ta với mi sẽ kết nghĩa anh em, vì ta ở đầu nguồn mà. Tên ta là Sẩu. Mi tên chi?

Ngô hốt hoảng bật ra tiếng nói không kịp suy nghĩ:

- Ngô!...

- Ngô. Rứa là ta biết mi tên là Ngô. Ta với mi rõ là anh em , tiếng
người Rạc kêu bằng Phu, Tệ. Ta là Phu Sẩu, mi là Tệ Ngô. Có ưng không?

Ngô gật đầu. Cái chết đang đe doạ anh. Không có cách nào khác. Tên thầy mo cười ha hả. Hắn bước xuống đặt tay lên vai Ngô.

- Thề đi Tệ Ngô!

- Thề... răng?

- Đứa nào bạc nghĩa sẽ chết!

Ngô loáng choáng, lạnh buốt chân tay. Câu thề độc địa quá. Nhưng lỡ rồi, tháo lui sao kịp.

- Thề đi!

- Tao thề.

- Đứa nào bạc nghĩa sẽ chết!

- Đứa nào bạc nghĩa ... nghĩa... sẽ... chết!

Nói xong câu thề Ngô như muốn xỉu luôn. Còn Phu Sẩu thì ngửa cổ lên trời cười vang cả núi đá!

Sau khi chịu thề độc kết nghĩa anh em, Phu Sẩu thôi không truy bức về pho
tượng nữa. Hắn tỏ ra vui mừng thực sự. Phu Sẩu dọn cho Ngô một chỗ nằm
phía trong chỗ nằm của hắn. Ngô buột mồm hỏi:

- Không có nhà à, Phu Sẩu?

- Có chứ. Ta có vợ và ba con. Vợ con ta ở cái hang bên kia núi. Ta đang
trong tháng luyện phép nên phải ra đây ở riêng. Mi cũng cần ở
riêng...Hết tháng ni, ta dẫn mi về nhà.

Ngô nhăn nhó:

- Nhưng mà ở đây rét quá...

- ừ, càng rét càng tốt. Cái da mi cần phải quen với đá. Ta cũng phải luyện rứa.

Ngô thấy ngao ngán. Đã cuối tháng chạp. Mùa này ở nhà được ngồi bên bếp
lửa, hay chui vào trong tấm chăn chiên còn cảm thấy rét, huống chi chừ
lại phải ở trên phiến đá, nằm trên đá. Không khéo chết cóng mất.

Đêm đầu tiên Ngô thức trắng, còn Phu Sẩu vẫn ngáy ầm ầm. Cái rét ngấm vào
từng đốt xương nhức buốt. Hai hàm răng cứ đánh vào nhau cầm cập. Nhiều
lần Ngô định liều mạng bỏ trốn, nhưng đêm tối quá, đường đi hoàn toàn
không biết, chỉ cần trượt chân một cái cũng có thể lăn nhào xuống vực.
Sợ chết nên anh đành ngồi chịu rét.

Đêm mới dài làm sao, cứ ngỡ
như qua trọn một kiếp người. Vô vàn những tiếng động kỳ lạ. Tiếng suối
trong đêm nghe ồ ồ như thác cuốn. Gió cứ hú dài từng cơn. Tiếng côn
trùng râm ran bốn phía. Rồi những vết sáng lập loè dày đặc, lập loè trên ngọn cây, lập loè hai bên vách đá, dưới bờ suối, trong thung lũng sâu,
đâu đâu cũng nhấp nháy. Đôi lúc Ngô ngỡ mình đang bị chôn sống xuống âm
ti.

Một đêm trôi qua. Một ngày lại đến. Ngày cũng hoang lạnh
không kém gì đêm. Cũng may dạo này không mưa, gió hanh làm se da mặt và
đến gần trưa thì thấy mặt trời. Một ngày ba lần, cậu con trai mang đồ ăn tối. Lúc thì ngô luộc, lúc thì đùi thịt cháy sém, lúc thì xôi nếp. Ngô
đã cố chịu đựng để cùng ngồi ăn với Phu Sẩu.

Buổi sáng tên thầy
mo luyện phép chừng một giờ. Buổi chiều cũng vậy. Ngô để ý thấy những
lúc như thế, hắn cho vào mồm một nắm vỏ cây, nhai nhai như bọn Mỹ ăn kẹo cao su. Sau đó hắn nằm ngửa lên phiến đá, mắt hơi khép lại, má phùng ra phì phì lên trời. Nước bọt hắn bắn lên cao rơi xuống đầy mặt, đầy cổ.
Ngô sợ hãi lùi ra xa. Anh nhớ tới cái cây hôm trước mà lạnh buốt sống
lưng. Rồi Phu Sẩu ngồi dựng dậy, mắt mở trừng trừng, hắn nhúng cả mười
ngón tay vào một bát nước đặt trước mặt. Sau đó đưa cả hai tay lên phía
trước búng tanh tách cả mười ngón. Không sao hiểu được những trò nó làm, nhưng nói chung là Ngô thấy ghê rợn. Anh chỉ cầu trời làm sao để thoát
khỏi đây.

Ngoài giờ luyện phép , Phu Sẩu trở nên vui tính và thích nói chuyện. Hắn giải thích cho Ngô:

- Ta đã ở riêng hơn nửa tháng rồi. Về xuôi hơn một tuần để tìm cây thuốc. Chỉ còn một tuần nữa là ta về nhà...

Ngô tò mò hỏi:

- Một năm phải luyện mấy lần?

- Tuỳ, khi nào có đám ma thì phải luyện. Có lúc được cả tháng nếu biết
trước con ma sẽ chết sau một tháng. Có khi chỉ luyện được vài ba ngày
nếu chỉ biết trước vài ba ngày. Cũng có khi không kịp luyện.

- Nhưng...làm sao biết trước được sau một tháng sẽ có đám ma?

- ồ, coi bệnh là biết chứ. Cách đây hơn nửa tháng, trong bản ra mời ta
vô làm phép chữa cho con Ki, ta coi, biết nó bị độc thằng Mu Thoòng. Ta
không chữa được. Một tháng sau là nó chết.

Ngô nghe nói lạ quá, anh cố gắng hỏi:

- Một tháng sau mới chết... Nhưng Phu Sẩu luyện phép một tháng để làm chi?

Phu Sẩu cố gắng giải thích:

- Tệ Ngô không hiểu chi cả. Mỗi lần có đám ma, bọn ta đều phải đến. Mình không đến coi như mình đã chết, sau này không ai sợ mình nữa, không ai
kêu mình cúng nữa. Hàng chục thầy mo khắp các bản xung quanh đều kéo
đến. ở trong đám ma thầy mo nào cũng phải trổ hết phép ra. Mình vượt qua được độc của thầy mo bản khác thì mình sống, hắn chết. Nếu không thì
hắn sống mình chết...

Thấy Ngô còn ngơ ngác không hiểu, Phu Sẩu vỗ vào vai:

- Yên chí! Một tuần nữa, ta dắt Tệ Ngô đi đám ma. Đến đó sẽ biết.

Ngô cuống cuồng kêu lên:

- Không không. Tôi chết mất. Tôi có phép gì đâu?...

- Không mà. Các thầy mo chỉ ra phép với nhau, còn dân bản thì cứ việc uống rượu, ăn thịt, không can chi hết.

Hắn ngừng lại, giọng hạ xuống đầy vẻ hằn học:

- Trong đám ma này, ta chỉ ngại có thuốc độc của thằng Mu Thoòng, còn nữa thì thua ta hết.

Ngô lại tò mò:

- Mu Thoòng là ai mà ghê rứa?

- Hắn vốn không phải dân Rạc ta. Trước đây bọn ta tưởng hắn là dân Tà
Ôi, hay Vân Kiều. Nhưng vừa rồi, thầy Linh Linh mới cho ta hay hắn chính là dân xuôi chúng mày.

Hai tiếng thầy "Linh Linh" làm cho Ngô
kinh ngạc. Cái tên sao lại trùng với tên xóm của anh? Anh chưa kịp hỏi
thì Phu Sẩu đã hằn học kể tiếp:

- Thầy Linh Linh nói, hắn là
cháu nội của một tên kẻ cướp đã từng chôn pho tượng đồng đen Mẹ Đất cùng với một đứa con gái nữa ở trong lèn Linh Linh. Sau đó không hiểu vì sao cả hai vật kia đều bị mất. Tên cướp ấy nghi là dân Rạc cất giữ. Hắn đã
vác gươm lên đánh nhau với các bậc thuỷ tổ của ta. Hắn bị độc. Về đến
nhà khoảng nửa tháng thì ốm nặng, nửa năm thì mửa ra máu mà chết. Cái
thằng kẻ cướp ấy đã truyền mối thù lại cho đứa con trai. Thằng con trai
ấy không biết đi học phép ở đâu, có lẽ học ở dân bên Xiêm hoặc Lào , rồi lại mò lên đây nhân dịp có đám ma để trả thù. Nhưng lần đó, hắn bị thầy Linh Linh thư độc. Hắn bị độc và chết. Hắn lại truyền mối thù lại cho
thằng con hắn, cái thằng Mu Thoòng ấy. Lần này thằng Mu Thoòng đã thư
độc được con Ki, con gái út của thầy Linh Linh. Thầy Linh Linh nhận ra
đó là thứ độc của một loại cây dưới vùng biển. Thầy không chữa được. Ta
cũng không chữa được. Các thầy mo khác của người Rạc cũng không chữa
được. Căm quá, bọn ta đã mò về xuôi tìm thuốc, vì chuyến đó mà ta gặp
được mi.

Không thể ngờ chuyện đời lại vòng vo đến như vậy. Ngô lưỡng lự một lúc rồi lại hỏi:

- Nì, tại sao có lèn Linh Linh rồi lại có thầy Linh Linh?...

- à... Linh linh là hang động đầu tiên của người Rạc ta. Cho nên người
già của mỗi bản đều được gọi là Linh Linh... Thầy Linh Linh ta năm nay
đã sống trên trăm tuổi rồi. Thầy là kẻ cao phép nhất, là thầy dạy của
ta. Nhưng khi đã trở thành già bản mang tên Linh Linh thì được ngồi
trên, không tham dự đọ phép ở các đám ma nữa.

Ngô thôi không hỏi
nữa. Anh cố nhớ lại câu chuyện về pho tượng đồng đen một chân mà mẹ La
anh vẫn thường kể lại. Có phải tên kẻ cướp kia chính là kẻ đã từng mua

mệ Li anh rồi đem lên trên này chôn không?

° ° °

Chiếc quan tài bằng cả một khúc gỗ tròn cắt ngang hai đầu, khoét rỗng ở giữa. Người chết được liệm vào trong một cây gỗ. Quan tài đặt giữa đất. Phía trên, chếch qua tay trái, một ông già ngồi bệt
xuống một tảng đá, đầu ông ta trọc lóc không còn sợi tóc, người nhỏ quắt lại, mặt nhăn nheo. Đôi mắt ông già đỏ ngầu. Thỉnh thoảng già lại đưa
tay lên chùi mắt.

Vòng quanh cỗ quan tài có chín người ngồi quay
mặt vào giữa. Mặt mũi ai cũng dữ tợn, đen xám. Có một quãng hở hình như
cố tình để dành chỗ cho ai đó. Cách đó một đoạn là dân chúng. Toàn là
người lớn , cả đàn ông lẫn đàn bà. Đại đa số đều mặc quần áo bằng vải
đen, may cũn cỡn. Nhưng cũng còn một số ở trần, mặc quần áo bằng vỏ cây.

Mười cái chiêng lớn được dựng phía sau lưng người già. Những người đánh
chiêng ở trần, đóng quần áo bằng vỏ cây, tóc xoã gần kín mặt, vừa đánh
vừa nhún qua, nhún lại như những kẻ say rượu. Tiếng chiêng náo động rừng già.

Phu Sẩu dắt tay Ngô đến chỗ đám dân làng đang ngồi uống
rượu. Hắn ấn Ngô ngồi xuống cạnh một phụ nữ mặc áo vải đen. Hắn nói một
tràng rất dài bằng một thứ tiếng riêng quái đản với người đàn bà. Rồi
hắn ngất ngưởng bước lên phía đặt quan tài. Cả chín người đều ngước lên
nhìn hắn. Phu Sẩu ngất ngưỡng bước vào cái chỗ trống đang để dành cho
hắn.

Chắc là các thầy mo đó rồi! Ngô nghĩ vậy và nghếch cổ lên
nhìn đầy vẻ hồi hộp. Nhưng cả mười con người hung dữ kia đang uống rượu. Họ uống bằng bình rượu riêng của từng người. Ngô nghĩ thầm chắc chắn
trong mỗi bình rượu ấy có pha thuốc độc của riêng mỗi đứa.

Người đàn bà ngồi bên cạnh Ngô bất ngờ ngó đăm đăm vào anh và chợt hỏi:

- Mi anh em với Ke mo Sẩu à?

Ngô giật bắn mình. Hoá ra đám người rừng này ai cũng nói được tiếng miền xuôi. Anh lúng túng gật đầu. Người đàn bà lại hỏi:

- Mi người xuôi?

Ngô lại gật đầu

- Người xuôi răng lại phu tệ với mo Sẫu?

Ngô thật thà buột miệng:

- Tôi bị hắn bắt...

Nói xong anh hoảng hốt ngậm miệng lại. Nhưng người đàn bà đó gật đầu ra vẻ hiểu:

- Rứa thì... tốt nhất là trốn đi. Đừng có ở gần kẻ ác.

- Kẻ ác? Ngô tròn mắt hỏi lại.

- Bọn Ke mo đều là những kẻ mi không gần được . Gần hắn rồi mi cũng trở thành người ác thôi.

Ngô không thể ngờ giữa bãi người rừng này lại được nghe một lời chân thực
như vậy. Anh len lén đảo mắt một vòng nhìn khắp bãi đất. ờ , mà cũng
đúng thiệt. Đám thầy mo đang ngồi tách ra, dân bản ngồi riêng thành một
khối xa hơn bọn người hung dữ ấy. Người ta đang uống rượu, nhưng vẻ mặt
không vui. Không ai nói to. Họ ghé sát vai vào nhau lào xào cái thứ
tiếng của riêng họ.

Ngược lại, phía trên kia, quanh chiếc quan
tài người chết, đám thầy mo đang đỏ mặt cãi nhau dữ dội. Ngồi ở dưới xa, không thể nghe được tiếng của họ, hơn nữa tiếng chiêng đang kêu vang
lấn át hết mọi tiếng cãi vã. Nhưng cứ nhìn vào mặt mũi, vào tay chân họ
hua lên, Ngô đoán chắc là bọn chúng đang chửi bới nhau. Thế rồi bất ngờ
tất cả đều đặt rượu xuống, tất cả cùng chồm người lên. Những cặp mắt
trợn ngược, những bầu má căng phồng, môi nhọn hoắt ra. Tất cả đều thổi
phù phù ra trước. Chúng giở phép ra với nhau rồi! Ngô thầm kêu lên như
vậy. Không hiểu sao anh thấy run rẩy cả tay chân. Những tên thầy mo vẫn
phùng má lên thổi. Hết một hơi, chúng tợp một ngụm rượu rồi lại phù phù
phun ra. Chiếc quan tài người chết ướt đẫm nước.

Đột ngột, một
thằng trong bọn mười thằng ấy chụp hai tay lên đầu hét lên một tiếng
khủng khiếp rồi lăn đùng ra giữa đất. Ngô giật thót cả bụng, quay mặt
đi. Nhưng đám dân bản ở dưới này vẫn thản nhiên uống rượu và thì thầm
với nhau như không hề có chuyện gì xẩy ra. Ngô chợt thấy rùng mình. Có
lẽ người ta đã quá quen với những chuyện như thế này rồi!

Lại một tiếng thét ghê rợn khác và một cái xác lăn đùng ra, những tên còn lại
vẫn tiếp tục tợp rượu vào mồm và tiếp tục thổi phì phì như bầy rắn. Ba
tên, bốn tên, năm tên nữa ngã xoài. Có lẽ đã đến giai đoạn ngấm thuốc.
Ngô hoảng hốt nhổm cả người nhìn lên. Sáu đứa, bảy đứa, tám đứa... Còn
lại chỉ hai đứa. Một bên là Phu Sẩu, một bên là thằng có cặp lông mày
rậm như sâu róm. Hai đứa quay hẳn lại đối diện với nhau, tợp rượu liên
tục và thóp bụng lại mà thổi.

Đột ngột, người già ngồi trên tảng đá kêu to lên một tiếng.

- Khỉ mày!

Hai thầy mo dừng thổi và cùng một lúc quay ra. Cả hai cùng đồng thanh hét to:

- Khỉ mày!

Ngô ngoảnh mặt nhìn. Từ phía bìa rừng bên phải một hình người trông cực kỳ
quái dị đang ngất ngưỡng bước vào. Lúc này bãi người mới thực sự lao
xao. Tất cả dân bản đều ngừng uống rượu ngước mắt nhìn. Chị phụ nữ ngồi
sát bên Ngô kêu lên một tiêng thảng thốt "Mu Thoòng!".

Mu Thoòng! Trời ơi, chẳng lẽ cái hình người gớm ghiếc kia mà lại là người xuôi như Ngô sao! Một cái đầu rậm rịt tóc như tổ quạ. Chiếc áo ngắn xẻ làm bốn
vạt bay lất phất phơi trần cả da thịt. Quần lửng lơ ngang đầu gối. Người hắn cao và gầy, mắt trắng dã, cằm không râu nhưng môi trên ria dài phủ
miệng.

Cả hai thầy mo cùng nhất loạt đứng dậy và cùng tiến ra.
Người già trên tảng đá cũng đứng lên. Ông rút từ trong lưng quần ra một
cái lục lạc và lắc lên inh ỏi. Mu Thoòng lững thững bước vào. Hai thầy
mo người Rạc vội vàng tợp rượu và vội vàng thổi. Mu Thoòng xoè một tay
ra phía trước rồi rút nhanh về, lại xoè tay kia. Cứ thế hai tay hắn xoè
ra, thu lại liên tục như múa. Còn Phu Sẩu và con người có cặp lông mày
rậm như sâu róm thì cong cả người mà thổi. Trận đọ sức diễn ra quá lâu,
khiến cho dân chúng cả bãi nín thở đến ngột ngạt.

Bất ngờ thầy mo có lông mày rậm hét lên như bị cắt cổ và bổ vật ra. Phu Sẩu có vẻ hoang mang, hắn lùi lại một bước. Cả đám dân bản nhớn nhác chực chạy. Ngô
cũng thấy rụng rời cả chân tay.

Nhưng bất ngờ Phu Sẩu chụp tay
vào lưng quần mình lôi nhanh ra một túm rễ cây. Hắn nhét vội vào miệng
nhai ngấu nghiến. Trong giây lát ấy. Ngô nhìn thấy thằng Mu Thoòng có vẻ sững ra , hai tay hắn dừng lại một chút nhưng liền đó Mu Thoòng ào ào
lướt tới . Hình như hắn cũng đã nhận ra kẻ thù đã có được thứ thuốc
kháng độc nên cố tình đánh nhanh. Phu Sẩu nhảy lùi hai bước nữa, mồm vẫn nhai ngấu nghiến. Rồi hắn nhổ nhanh một bãi nước ra hai lòng bàn tay,
xoa xoa vào nhau mấy cái. Xong, Phu Sẩu bắt đầu phản công. Hắn cũng xoè
một bàn tay ra trước, thụt lại, lại xoè tay kia. Mồm Sẩu vẫn thổi phù
phù... Hai bên cứ đứng trụ như vậy một lúc khá lâu nữa thì đột ngột Mu
Thoòng hét lên và quay phắt người bỏ chạy. Nhưng Phu Sẩu không đuổi
theo. Hắn lảo đảo bước lên một bước và ngã quỵ xuống. Lão già đứng trên
đá rung lục lạc tít mù. Cả bãi người đứng lên, nháo nhác tìm đường lẩn
tránh.

Lợi dụng lúc lộn xộn, Ngô bước tới nhòm vào mặt Sẩu. Hắn
nằm nghiêng, nước bọt sủi ra như bọt ếch tràn đầy hai mép. Mặt xanh xám
màu xanh lá chuối héo. Dân bản chẳng thèm ngó ngàng gì tới Sẩu cũng như
mấy thầy mo khác. Ngô lưỡng lự một lúc rồi co chân đi như chạy. Anh lẫn
vào trong đám dân bản, nhanh chóng vượt khỏi bãi trống. Vào đến rừng,
lợi dụng lúc không ai nhìn thấy, Ngô bỏ đường mòn lách vào rừng rậm.
Trời không bóng nắng, nhưng gió hanh thổi se se. Ngô biết gió này thổi
từ hướng Bắc vào. Anh đạp rừng cắt ngang hướng gió, chếch về phía đông.

Vừa chạy, Ngô vừa run. Cái cảnh tượng mới xẩy ra khủng khiếp đến mức anh
không còn tin ở mắt mình nữa. Lạy trời lạy đất cho anh thoát ra khỏi cái vùng rừng quái đản này. Nhưng đây là đâu, đất đai nước mình hay nước
khác, địa phận ngang với tỉnh của anh hay tỉnh ngoài, tỉnh trong? Ngô
không tài nào xác định được.

Cây rừng càng ngày càng dày đặc.
Loại cây leo chằng chịt um tùm. Lá mục phủ dày cộm. Nhiều chỗ đất sụp
xuống thành hố sâu hun hút. Và khe suối nữa, sao mà nhiều khe đến vậy.
Có khe dày đặc đá, ở giữa chỉ một lạch nước nhỏ trong veo. Có khe nước
cuộn trắng xoá, bờ hẻm sâu, cỏ và lau mọc kín mít. Càng đi Ngô càng rủa
mình ngu ngốc. Sao lại liều mạng đến mức này. Nếu gặp cọp thì sao? Gặp
voi hay gấu nữa? Cũng may suốt cả buổi chiều hôm ấy anh chưa gặp một con thú dữ nào. Trời trong rừng mau tối. Biết không thể đi tiếp được, lợi
dụng lúc trời đang sáng anh ngước lên tìm một cây nào đó dễ trèo. Chếch
lên về phía tay trái chừng vài chục bước chân, có một cây to bằng cây
mít, lá nhỏ, nhiều cành ngang dọc. Ngô không biết thứ cây ấy là cây gì.
Anh chạy lại và trèo lên. Ngô tìm một chạng ba, bẻ thêm vài cành nhỏ cài qua cài lại để có thể gác chân lên được. Loay hoay một lúc anh cũng đã
có được một chỗ ngồi tựa lưng ra cành chính và nếu ngủ thì không rơi
xuống đất.

Trời tối hẳn. Ngô cố sức mở căng hai mắt nhìn vào
khoảng đen trước mặt. Lại nhấp nháy muôn vàn đốm sáng và ra rả tiếng côn trùng. Cũng may hơn một tuần qua anh đã được đào luyện trong cảnh mịt
mùng và ghê rợn này nên cảm giác sợ hãi có phần giảm đi. Tuy vậy suốt
một đêm, mặc dầu mệt mỏi đến rã rời chân tay và cột sống, anh vẫn mở
căng mắt. Cũng có lúc mệt qúa anh thiếp đi , nhưng ngay tức khắc choàng
tỉnh dậy, nói chung là anh thức trắng.

Ngày hôm sau Ngô có phần
bình tĩnh hơn. Anh vừa đi vừa để mắt nhìn xem có quả rừng gì có thể ăn
được. Cũng đôi lần tìm được quả chín nhưng vì không biết loại cây gì nên Ngô không dám ăn. Mãi cho đến khi cơn đói cào cấu đến mức tưởng như
không thể bước tiếp được nữa thì anh mới bắt gặp được loại quả quen
thuộc. Quả hồng dây leo. Một bụi hồng dây leo um tùm, quả buông dày đặc, mỗi quả to bằng quả trứng vịt, tròn vo, đỏ rực. Ngô mừng quá, với cả
hai tay mà tuốt. Rồi không kịp đập cho hồng vỡ ra, anh dùng cả hai hàm
răng mà cắn. Thứ hồng này có mủ dẻo như mủ mít. Chỉ cần ăn xong một quả
là mủ đã bệt dày hai môi. Nhưng lúc này Ngô đâu có thèm quan tâm đến
chuyện đó. Anh cạp liên tục. Nhoáng một cái đã hết năm quả. Bây giờ cơn
đói đã dịu lại. Ngô thấy cần phải tranh thủ thời gian nên anh hái hồng
nhét đầy hai túi áo, lại nhét căng hai túi quần. Anh cầm thêm năm quả ở
tay. Không còn chỗ cất nữa, Ngô vẫn thấy tiếc. Anh bước đi và cứ ngoảnh
cổ lại nhìn bụi hồng dây leo.

Vừa đi vừa ăn, ít nhất cũng làm cho trí não anh bớt căng thẳng. Thế rồi Ngô tự lý sự rằng, cái lo sợ nhất
là vô ích. Bởi nếu gặp thú dữ hay bất kỳ một rủi ro nào thì dù lo sợ
cũng không thoát khỏi được. Nói chung cuộc sống của một con người cái
phần nắm được trong bàn tay thì ít, cái phần may rủi bên ngoài thì
nhiều. Lo sợ, tính toán cũng chỉ làm cho mình thêm rối trí. Đó cũng là
kinh nghiệm hơn bốn chục năm có mặt với đời, là những thấm thía nhất của hai mươi lăm năm phiêu dạt từ làng Linh Linh vô Huế, từ Huế trốn ra phá Tam Giang, từ phá Tam Giang ngước lên ngã ba Tuần, rồi cứ thế mà đi
ngược, ngược đến vùng A Lưới và chừ lại ngược lên tận những khe nước đầu nguồn này. Ngần ấy năm biết bao nhiêu phen hoảng hốt, bao nhiêu lần cắm cổ chạy muốn đứt hơi vì tiếng còi và tiếng súng... Tất nhiên cũng chưa
lần nào hãi hùng như lần này. Nhưng nói chung sự sợ hãi và nỗi cô đơn là cảm giác thường xuyên có mặt trong từng ngày sống, từng bữa ăn, giấc
ngủ của anh. Bất giác Ngô chợt nảy ra một ý nghĩ, không biết đến lúc nào con người mới hết săn đuổi, thù ghét và hãm hại nhau. Mà vì lẽ chi hè?

Ý nghĩ chợt kéo anh về với đám thầy mo, với Phu Sẩu. Mình với hắn có thù
ghét chi nhau thế mà ông trời lại xui hắn mò đến nhà mình! Lẽ nào anh
với thằng man rợ ấy lại có duyên nợ từ trước? Khó mà tin được cái điều
Phù Sẩu vừa kể, rằng người Rạc và người xuôi là một tổ. Tuy vậy, nếu
nhìn vào đám dân bản ngồi uống rượu ở đám ma thì Ngô lại thấy cũng có
thể. Bởi họ hiền lắm, không dữ tợn như mấy thằng thầy mo. Mà họ cũng thù ghét và sợ hãi chúng nó y như Ngô vậy. Cái chị ngồi bên Ngô nói gì nhỉ? Đừng có gần kẻ ác! Chị ấy tốt bụng quá. Chị ấy có khác gì anh đâu.

Ý nghĩ loay hoay trong đầu Ngô đần đần quy tụ lại ở pho tượng đồng đen
một chân. Nó là nguyên nhân để bọn thầy mo bắt anh. Nếu chuyện ấy mà có
thật thì lỗi ở ai? Có trời mà xử được. Nhưng rõ ràng dòng họ anh đã dính đến chuyện này. Mà nói cho thật công bằng thì nếu không có nó sẽ không
có mối tình duyên lạ lùng của ông với mệ, sẽ không có chuyện bố anh đến
làm rể xóm Linh Linh và đương nhiên sẽ không có lũ các anh... Ô hay, hoá ra cái tượng quái đản ấy là cội nguồn của dòng họ anh, là nguyên nhân
sản sinh ra cái xóm của anh và cả gia đình đông đúc của anh nữa. Rồi
cũng vì nó, cái tượng huyền hoặc ấy mà anh phải thề độc phải kết nghĩa
anh em với một thằng thầy mo gớm ghiếc ở chốn đầu nguồn này. Hoá ra hắn
nói đúng. Pho tượng là thuỷ tổ của tất cả. Nhưng lẽ nào tổ tông lại làm
khổ con cháu đến mức này?...

Mãi nghĩ mông lung mà đôi chân Ngô
đã bước ra giữa một bãi đất trống lúc nào không hay. Anh vội dừng bước,
tay chân run lên. Trước mặt anh lại là một tốp người rừng. Người đi
trước cầm chiếc cọc chọc chọc xuống đất. Một phụ nữ đi sau cúi lom khom
nhặt cái chi đó sau gùi bỏ xuống. Có vài đứa trẻ lăng xăng đùa nghịch ở
phía sau. Ngô định thần nhìn kỹ. Đây là một cái rẫy. Có lẽ kia là một
gia đình.

Đang hoảng hốt chưa biết xử lý thế nào thì bất ngờ đứa
trẻ phía sau lưng người đàn bà quay phắt lại. Nó nhìn Ngô chằm chằm rồi
đột ngột kêu lên một tiếng. Ngô hết hồn vùng chạy. Hai ba tiếng kêu tiếp theo, toàn là những tiếng lạ lùng. Ngô không còn hồn vía gì nữa, anh cứ lao bừa vào giữa rừng rậm mà chạy. "Huỵt". Một dây rừng cán ngang vào
cổ chân khiến Ngô ngã sấp mặt xuống đất. Tiếng kêu xáp đến gần. Ngô
cuống cuồng vùng dây lao qua trái, đâm thẳng theo một lối hở giữa hai
bụi rậm. Được chừng mười bước chân thì tắc lối, Ngô liều mạng nhảy ào
qua một lùm gai. Bỗng anh thấy hững chân. Cả người Ngô lạnh toát vì kinh hãi. Chỉ một giây ngắn ngủi, anh biết rằng mình bị rơi xuống vực. Sau
đó một cơn đau buốt xoáy lên trên màng óc. Anh chỉ còn kịp nghe lào xào
tiếng nước cuốn. Rồi sau đó là im lặng. Một cõi im lặng vô biên.

Ngô tỉnh dậy và thấy mình nằm trong một vòm hang hẹp. Dưới lưng anh lá khô được lùa thành một lớp dày như đệm. Bên phải,
ngang người anh là bếp lửa đang cháy. Chao ôi, gần mười ngày ở chốn
hoang dã nay mới được nhìn thấy bếp lửa.

Cách xa chỗ Ngô nằm một
đoạn, một người đàn bà đang ngồi cho con bú. Thoáng nhìn anh cứ tưởng
người đàn bà hôm nọ ở đám ma. Nhưng nhìn kỹ thì không phải. Chị này có
vẻ trẻ hơn. Ngô khẽ cựa mình muốn co chân ngồi dậy. Nhưng cơn đau đột
ngột xói lên làm mặt anh nhăn nhúm lại. Mình làm sao thế này? Ngô khẽ
nhấc hai cánh tay rồi áp bàn tay vào người sờ dần từng chỗ.
Không...không sao cả. Anh lại định ngồi lên. Cơn đau lại buốt óc. Bình
tâm một chút anh khẽ động đậy hai chân. Ôi!..Cái chân trái làm sao thế
này? Không còn có cảm giác gì cả. Chỉ thấy đau buốt.

Thấy anh tỉnh, người đàn bà ngước lên hỏi:

- Khi lung áp tả, hi?

Ngô lắc đầu. Anh biết trong tình cảnh này không nói thật thì khốn nạn.
Người đàn bà vẫn tròn mắt nhìn anh. Ngô băn khoăn không biết chị ta có
biết tiếng xuôi không? Anh nói lưỡng lự:

- Tôi người xuôi...

- Ô, người xuôi.

Chị ta kêu lên vẻ sửng sốt. Một lúc sau lại hỏi:

- Lên đây làm chi?

Ngô buột miệng:

- Tìm trầm.

- Ô, tìm trầm - Chị kêu lên rồi lại bất ngờ toét miệng cười - Vì răng trông thấy lũ ta lại chạy?

Đã lỡ nói dối, Ngô cứ phải theo đà huyên thuyên:

- Tôi sợ

- Ô, sợ lũ ta. Nhưng đi tìm trầm răng lại đi một mình?

- Tôi bị lạc.

- Ô, lạc, trách chi!

Chị lại bế con lên tay, nhấc người lại gần bếp. Một tay đun lửa, một tay ẵm con. Có vẻ chị thích hỏi chuyện.

- ở xuôi có xa đây không?

- Xa lắm.


- Phía nào?

- Phía đông.

- Phía đông là phía nào?

- Phía mặt trời mọc.

- Ô... mặt trời mọc là biển.

Ngô kinh ngạc mở tròn hai mắt. Tại sao chị ta lại biết biển?

- Chị thấy biển rồi à?

- Chưa.

- Răng biết?

- Nghe cha kể.

- Tức là cha chị đã thấy biển?

- ồ, chưa đâu. Nhưng cha nghe ông kể...

Bất giác Ngô thầm nghĩ, hình như người dân ở đây thích kể chuyện, và hình
như bất kỳ chuyện gì của tổ tông cũng được truyền kể lại cho đời sau,
không bỏ sót chuyện nào!

Thấy người đàn bà vừa hiền hậu lại vừa vui tính, Ngô hỏi thăm dò:

- Ai dạy tiếng xuôi cho chị?

- Cha dạy.

- Rứa các em chị có biết tiếng xuôi không?

- Biết hết chớ. Biết nói là được dạy. Dạy cả tiếng Rạc lẫn tiếng xuôi.

- Vì răng phải dạy tiếng xuôi.

- Không biết. Cha ta bảo là phải dạy cho con. Ta không biết.

Ngần ngại một lúc Ngô lại hỏi:

- Vậy, cha có kể chuyện tượng đồng đen một chân không?

Người đàn bà chợt nhíu lông mày lại nhìn Ngô chằm chằm. Anh hoảng hốt tự trách mình ngu dốt, vạ miệng.

- Có chớ. Đó là thuỷ tổ của bọn ta. Nhưng mi cũng biết à?

- Tôi lên trên này mới nghe kể.

Người đàn bà đẩy thêm mấy que củi nữa vào bếp. Ngọn lửa bốc cao hơn, khói
tuôn ra phía cửa hang. Chị nhìn theo làn khói, ánh mắt vẫn trở nên xa
xăm.

- Cha ta nói trên đời này, có cái sinh ra để mà ăn, có cái
sinh ra để mà thờ. vật ăn mà đem thờ thì không thiêng, vật thờ mà đưa ra ăn thì loạn. Tượng Mẹ Đất là vật thờ tổ, thế mà bọn xấu cứ cố giành
nhau để ăn. Thế nên sinh loạn. Người với người mà cứ đâm chém nhau. Khi
nào tượng Mẹ Đất được đặt lên để thờ thì người ta mới thương nhau
được...

Ngô không hiểu hết những điều người đàn bà vừa nói. Nhưng anh cũng mang máng thấy rằng có lẽ chị nói đúng. Ngày nay người ta tham ăn quá mới sinh ra hư.

- Ồ, ta quên, chồng ta dặn khi mô mi tỉnh thì lấy xôi cho mi ăn. Cứ nhìn cái bụng lép kẹp kia là biết mi đói...

Người đàn bà đặt đứa con đã ngủ lên trên một đống lá khô rồi với tay keó một
chiếc nồi đất lại gần. Chị cho tay vào trong nồi vắt xôi đưa cho Ngô.
Một lần nữa Ngô định chồm dậy.

- ồ, đừng dậy. Cái chân mi gẵy mất rồi.

Ngô sững người, hốt hoảng hỏi:

- Gãy à? Chết cha tôi rồi...

- Chồng ta dặn phải bắt mi nằm im. Chồng ta đi tìm thầy thuốc.

Ngô hốt hoảng hơn:

- Tìm thầy mo à?

- ừ

- Không.

- ồ, phải chữa. Thầy mo nhiều phép tài lắm. Chữa khỏi liền.

Biết làm thế nào. Giá mình đừng ngất đi thì hay biết bao. Bây giờ cái người
chồng tốt bụng ấy đã đi rồi, lát nữa chắc chắn thầy mo sẽ đến. Cứ nhớ
lại những khuôn mặt dữ tợn ấy là Ngô cảm thấy lạnh người. Chao, cũng là
những người ấy, sao cái nhà chị này lại hiền dịu và tốt bụng đến thế, mà những lão mo thì gớm ghiếc làm vậy?

Vừa lúc ấy có tiếng rầm rì
ngoài cửa hang. Ngô đoán chắc là thầy mo đã đến. Người anh hâm hấp như
lên cơn sốt. Lạy trời, mong sao cái thằng này đừng hung dữ như những cái thằng mà anh đã gặp.

Một người đàn ông bước vào. Ngô nhìn thấy
và đoán ngay là chủ nhà tốt bụng. Vì nét mặt anh coi bộ hiền lắm. Nhìn
thấy Ngô tỉnh táo anh toác miệng cười

Một người nữa khom khom bước tới. Hắn ngẩng lên. Ngô bỗng há miệng ra, tắc nghẹn cổ không kêu thành tiếng được: Thằng Phu Sẩu!

Phu Sẩu bước thẳng tới đứng sát vào mặt Ngô. Hắn có vẻ không lấy chi làm ngạc nhiên cho lắm. Phu Sẩu cúi xuống, giọng khàn khàn.

- Nghe Cà Tiềng kể, tau đoán ra là Tệ Ngô. Vì răng mà mi lạc về đây?

Không còn cách nào khác, Ngô phải trổ tài nói dối.

- Tôi tưởng Phu Sẩu đã chết, sợ quá bỏ chạy.

Phu Sẩu đột ngột phá lên cười.

- Định phản phải không?

- Không không! Ngô hoảng hốt kêu lên - Nếu phản răng tôi lại tìm vô bản?

- Hừ, chết được ta khó lắm. Ta bị độc của hắn, nhưng đã có thuốc kháng
trong người. Chỉ cần ta luyện độ năm ngày nữa là thoát hết.

Nghe
hai người nói chuyện với nhau, cặp vợ chồng người chủ nhà cứ tròn mắt mà nhìn. Một lúc Phu Sẩu quay lại phía họ nói một tràng dài bằng thứ tiếng riêng. Thế là đột ngột, ánh mắt người đàn bà bỗng trở lên lạ lẫm, còn
người chồng thì quay ra ngoài hang. Từ đó đến tối không thấy anh ta về
nữa.

Phu Sẩu thụt lùi lại một bước và ngồi xuống bên chiếc chân
gãy của Ngô. Hắn đưa tay nắn nắn. Cơn đau nhói lên nhưng Ngô cắn răng
lại không dám kêu. Phu Sẩu lôi từ trong lưng quần ra một tý vỏ cây bỏ
vào mồm nhai, rồi hắn rút trong túi áo ra một be rượu nhỏ. Hắn tợp một
ngụm rượu sau đó cúi mặt xuống chân gãy của Ngô và bắt đầu thổi phù phù.

Ngô sởn cả gai ốc. Trong phút chốc anh nhớ lại cái cây bị héo chết bên bờ
suối, nhớ lại toàn cảnh sát phạt nhau ở đám ma. Những tiếng phù phù chết người kia như bóng tử thần lởn vởn quanh anh.

Nhưng cả cơ thể
anh bắt đầu biến chuyển. Trước hết là một cảm giác mát lạnh. Sự mát lạnh cứ râm ran chuyển động từ cẳng chân truyền lên da bụng truyền lên ngực, lên cổ, rồi lên mặt, ra tận từng chân tóc. Dẫu sao cũng thấy dễ chịu.
Nhưng chỉ được một lúc, thay cho sự mát lạnh là một cơn nóng hâm hấp,
cũng từ cẳng chân truyền đi. Cả cơ thể anh phút chốc nóng bừng lên như
một cục than hồng. Thế rồi bắt đầu đau. Đau buốt, đau nhức nhối, đau như có ai cầm lấy cái chân mà vặn. Không thể chịu đựng được nữa, Ngô kêu
lên. Thoạt đầu là tiếng kêu khe khẽ, sau đó là kêu to, la oai oái, kêu
như bị cắt cổ.

Phu Sẩu đã ngừng thổi nhưng cơn đau vẫn chưa
ngừng. Mồ hôi vã ra đầy trán Ngô. Phu Sẩu uống nốt chỗ rượu còn lại, nói với người đàn bà một câu gì đó bằng tiếng riêng rồi hắn bước ra. Ngô
vẵn nửa tỉnh, nửa mê trong cơn đau như muốn đứt ruột.

Đến quá
trưa thì cơn đau đã dịu lại. Da thịt anh mát dần. Anh cố với bàn tay
xuống dưới sờ vào bắp đùi. Vẫn sưng to, nhưng cảm giác có vẻ nhẹ nhõm
hơn.

Nhưng lại có một sự nặng nề phía khác. Đấy là đôi mắt bỗng
trở nên xa lạ và sẩm tối của chủ nhà. Ngô đã hiểu ra nguyên nhân. Anh
suy từ những câu nói của người đàn bà ở chỗ đám ma để hiểu. Tất cả những người dân lương thiện đều không có thiện cảm với bọn thầy mo. Chắc
thằng Phu Sẩu ấy đã giới thiệu mình là anh em.

Có nên nói thật ra không? Nhưng cái chân gãy còn cần đến hắn. Dù sao cũng phải lành chân
đã. Còn nằm dài ở đây thì mạng sống vẫn còn trong tay hắn. Suy đi tính
lại, Ngô dành thở dài nằm im.

Phu Sẩu lui tới năm lần. Cái chân
của Ngô đã không còn sưng nữa. Rồi cái đau cũng hết. Anh có thể ngồi dậy sau lần thổi thứ năm, Phu Sẩu dặn.

- Từ mai ta không làm thuốc nữa. Nhưng mi phải tập đứng dậy, tập đi. Nhớ đừng để ngã lại. Khi nào khỏi hẳn ta sẽ đón về.

Hắn đi ra được vài bước thì chợt dừng lại, quay lui nới:

- Đừng có phản ta. Dù mi có về đến tận nhà mi ta chỉ cần cắm một nhành
cây xuống dấu chân mi thì mi lăn đùng ra chết liền, nhớ nghe!

Một viễn cảnh u tối bao trùm lấy trí não Ngô. Nếu quả thật hắn có phép thư
ấy thì coi như cuộc đời từ nay hoàn toàn nằm trong tay hắn rồi!

Sự tuyệt vọng đè bẹp Ngô nằm dài trên đống lá. Đã qua thêm một ngày nữa mà anh không hề trở mình, không hề đứng dậy. Suốt cả thời gian đó, vợ
chồng chủ nhà cũng không hề nói với anh một câu. Đến bữa ăn, có vẻ như
bắt buộc, họ kéo nồi xôi sát lại mặt anh để anh tự bốc lấy. Ngô chán nản không muốn động tay. Thêm một ngày nữa, Ngô vẫn năm im. Có lẽ quá sốt
ruột người chồng buộc miệng hỏi:

- Mi không tập đi à?

- Không.

- Thì mi sẽ không khi nào đi được nữa.

Ngô thở dài:

- Đi được mà làm chi!

- ồ... Hoá ra mi không ưng đi à? Mi cứ ưng nằm vậy à?

Nước mắt Ngô bất ngờ ùa ra.

- Tao muốn đi, muốn chạy trốn khỏi tay hắn. Nhưng chừ tau chịu rồi. Hắn bảo, dù tao có về đến nhà hắn thư vẫn chết.

Người chồng nhíu mày lại;

- Nhà mi ở đâu?

- Xa lắm.

- Vì răng mi lại lên đây? Vì răng lại Phu Tệ với mo Sẩu?

Ngô lật hẳn người lại, nhìn người đàn ông chủ nhà đầy căm tức:

- Tao mà anh em với cái thứ phù thuỷ ấy à? Tao đang ở nhà với vợ con
tao. Tao cũng có vợ, có con trai, còn lớn hơn cả con đầu của mày đó! Tao nào có quen biết chi hắn, nào có thù oán chi hắn. Rứa mà bỗng dưng hắn
tới giở phép ra bắt tao theo, giam tao gần nửa tháng rồi. Cái lũ người
rừng chúng bay sao lại ác thế. Tao căm thù chúng bay!

Cả hai vợ chồng người chủ nhà quay lại nhìn nhau. Rồi bất ngờ người vợ thở dài, chị ngước nhìn Ngô đầy vẻ thương cảm:

- Bọn ta không biết ác đâu. Bọn ta cũng không ưa loại người như Phu Sẩu!

Người chồng ngồi sát lại bên Ngô, cầm tay anh lắc lắc:

- Nếu đúng như vậy thì ta giúp mi tập đi. Cứ tập đi đã. Khi nào đi vững, chạy mau, ta sẽ tính cách.

- Cách chi? Có chạy về được cũng chết mà!

Người chồng đột ngột đứng lên:

- Không, nếu có được thuốc kháng độc thì không chết.

- Nhưng mi có thuốc ấy không?

- Ta không có, nhưng ta sẽ nghĩ cách kiếm cho mi.

Chưa dám tin hẳn vào điều hứa hẹn ấy, nhưng dù sao Ngô cũng thấy chan chứa
hy vọng, Và bỗng dưng anh ứa nước mắt. Run rủỉ làm sao trời lại cho anh
gặp được cặp vợ chồng tốt bụng đến mức này!

° ° °

Ngô ở lại nhà vợ chồng Cà Tiềng thêm nửa tháng nữa.
Cà Tiềng đã giúp anh đứng lên và tập đi. Trong thời gian ấy Phu Sẩu
không hề đến.

Cho đến một đêm Cà Tiềng bàn với Ngô cách trốn .
Sau đó Cà Tiềng tìm lên già bản Linh Linh xin thuốc. Cà Tiềng dẫn Ngô
tranh thủ ngủ một giấc cho thật no để lấy sức mai đi xa. Cà Tiềng vừa ra khỏi nhà một lúc thì bất ngờ Phu Sẩu đến.

- Mi phải theo ta về chừ.

Ngô sợ hãi kêu lên:

- Chân tôi đi chưa mạnh. Mà đi ban đêm thì sợ lắm...

Phu Sẩu cười

- Chân chưa mạnh thì ta cõng. Còn đi ban đêm là để cho mi không nhớ được đường. Nào, đứng lên! Đừng có dại mà cãi ta.

Ngô ngước mắt nhìn vợ Cà Tiềng. Người đàn bà cũng nhìn anh thương cảm. Họ đều là những kẻ bất lực trước thầy mo.

Ngô chậm rãi bước ra khỏi hang. Trăng lờ mờ sáng. Rừng dày sương và lạnh
buốt. Bất giác Ngô rùng mình. Anh có cảm giác mình đang đi vào cõi chết.

Họ đi chậm. Ngô lấy cớ chân còn đau, anh đi thất thểu từng bước. Phu Sẩu
kiên nhẫn chờ đợi. Hắn cố tình ba hoa cho Ngô khuây khoả nỗi buồn.

- Mi thấy thuốc ta có tài không?


- Tài.

- Cả một cái chân gãy như rứa mà ta chỉ thổi có năm lần. Nếu mi không
phải là Phu Tệ với ta thì phải cúng đó. Mỗi lần ta chữa thuốc xong,
người được chữa phải cúng gà một con, rượu một chai, xôi một chõ. Nếu
không cúng ta làm cho đau lại.

Ngô sởn tóc gáy. Anh rủa thầm sao hôm nọ hắn không trúng độc thằng Mu Thoòng mà chết rấp đi luôn. Bất giác anh gợi chuyện:

- Phu Sẩu đã giải hết độc Mu Thoòng chưa?

- Rồi, vì phải đi chữa cho mi nên ta phải luyện tới bảy ngày.

- Thế còn... những mo khác? Họ có chết không?

- Thằng Kình chết. Cái thằng có lông mày rất rậm ấy. Nó là đứa cao phép
hơn bọn kia nhưng không có thuốc kháng được độc Mu Thoòng. Còn bọn mo bị độc của ta với của thằng Kình thì đều được già Linh Linh giải cho hết.

Ngô dừng hẳn lại, hỏi:

- Thầy Linh Linh có phải ông già ngồi trên đá sát chỗ các thầy mo ngồi không?

- Phải!

- Vì răng khi đó ông già lại lắc lắc cái lục lạc và dân bản bỏ chạy?

- à, đó là hiệu lệnh để cho dân bản chạy đi để già làng làm phép giải
độc. Thuốc độc của thầy Linh Linh là một thứ bột rất mịn bay được trong
gió. Người đang bị độc của ta ngửi vào thì giải độc, nhưng kẻ đang bình
thường ngửi vào thì rụng hết tóc; sau đó phát điên. Gia Linh Linh luyện
phép đó nên già cũng rụng hết tóc. Già không dạy cho ta, cũng không dạy
cho ai thuốc đó cả.

Những câu chuyện lạ lùng của Phu Sẩu quả thật đã làm cho Ngô quên mất tình cảnh bi đát của mình. Họ vượt qua hai vùng rẫy, lội một con suối. Sau đó đi ngược dốc một đoạn dài. Ngô mệt quá,
thở hổn hển. Cuối cùng hai người cùng bước xuống một khe sâu dày đặc đá. Họ lội ngược chiều nước chảy. Đi thêm một đoạn dài nữa thì Ngô đã nhìn
thấy lèn đá! Trăng và sương đang nhuộm lên đỉnh lèn một màu sáng quái
dị. Phu Sẩu dắt tay Ngô leo lên mấy bậc đá cao. Chừ thì Ngô đã có thể
nhận ra chỗ cũ, chỗ luyện phép của Phu Sẩu và cũng là nơi đã giam hãm
anh gần mười ngày.

Khác với lần trước, lần này Phu Sẩu tự nhóm
lửa. Những gốc củi to và khô được đưa vào lèn từ lúc nào. Bếp lửa cháy
rần rật hắt sáng lên hai vách núi đá. Hơi ấm phả ra. Ngô cảm thấy bình
tĩnh trở lại. Hai người ngồi xa nhau và cũng xa bếp lửa.

Sau một hồi im lặng khá lâu, Phu Sẩu bắt đầu nói:

- Chừ thì mi phải nói thiệt Tệ Ngô ạ. Mi phải nói cho ta về pho tượng Mẹ Đất. Hiện tại mi cất giữ nó ở đâu? Còn nguyên vẹn không? Mi nói thật
thì mi được sống. Còn không thì chẳng bao giờ mi nhìn thấy lại được mặt
vợ con mi cả.

Thấy Ngô vẫn ngồi im bất động, Phu Sẩu nhổm người
dậy, xích lại gần. - - Nếu mi chết thì pho tượng ấy có ích chi cho mi
nữa? Một pho tượng dù là đồng đen hay vàng mười thì nó cũng chỉ có ích
cho người sống thôi, còn khi mi đã thành ma thì dù có đến mười pho cũng
chẳng để làm chi. Nếu ta là mi, ta chẳng dại chi đem mạng sống của mình
để đổi cái cục đồng đen ấy cả. Nó có thiêng đến mấy cũng không thiêng
bằng cái sống của mình... Đó, ta nói hết bụng rồi, mi cứ nghĩ đi. Dù sao ta với mi cũng đã thề độc nhau. Ta không muốn hại đến người anh em
mình, Tệ Ngô ạ!

Ngô vẫn ngồi im, nhưng thực ra trong lòng đã lay
chuyển. Mà quả thật, pho tượng ấy với anh chỉ là một huyền thoại, nào đã được nhìn thấy tận mắt đâu. Mà cho dù nó có thật thì anh cũng chẳng
được chấm mút tí gì. Anh bây giờ đã trở thành kẻ tha phương. Toàn bộ
cuộc sống của anh, cơ nghiệp của con cái anh chỉ cậy nhờ vào những con
rối. Đã vậy thì việc gì phải dấu, việc gì phải lấy mạng sống của mình để đánh đổi! Tình thế này xem ra không còn hy vọng bỏ trốn được nữa. Thôi
thì hãy kể đi, biết sao kể vậy, may ra có thể thoát khỏi chỗ này!

Thế là Ngô kể. Anh kể tất cả những gì mà anh được nghe qua lời kể của mẹ La thủa còn bé. Rồi anh kể về cái gia đình đặc biệt của anh. Cái gia đình
mà cũng vì pho tượng đồng đen kia nên bảy chị em phải lấy chung một
chồng. Câu chuyện mang lại cho anh một nỗi buồn da diết.

Nhưng Phu Sẩu đã không để cho anh kịp ngấm nỗi buồn, hắn hỏi trong hơi thở gấp gáp:

- Từ đó đến ni mi không về lại nhà?

- Không.

- Mi có dám chắc rằng pho tượng vẫn còn chôn không?

- Chắc.

- Lỡ bố mi đã bán?

- Không thể bán được. Thời trước nếu đem ra thì sẽ bị cướp giật ngay.
Còn thời này, chắc Nhà nước sẽ trưng mua chứ chẳng ai để cho mình tự do
buôn bán thứ ấy. Vì rứa, ta tin bố ta sẽ không dám đưa ra.

Phu
Sẩu lặng im, gật gật đầu. Rồi bất ngờ hắn phá lên cười, tiếng cười đột
ngột trong đêm khiến những con chim đang ngủ trong lá hoảng hốt bay loạn lên. Ngô ngơ ngác và sợ hãi nhìn Phu Sẩu. Hắn cười chán chê rồi đột
ngột bá lấy cổ Ngô, lắc lắc:

- Ta với mi sắp giàu to rồi. Ta là anh sẽ lấy từ háng Đất Mẹ trở lên. Mi là em, ta cho nốt cái chân còn lại của Mẹ. Được không?

Ngô nhăn mặt:

- Nhưng làm răng lấy được?

- Với ta không khó. Nhưng ta không về dưới ấy được. Ta là người Rạc, về
đó họ nghi liền. Hơn nữa, ta không biết mặt bố mi. Nếu bố mi chết rồi,
thì chắc chắn sẽ có một đứa vợ hay đứa con nào đó cất giữ. Muốn biết đứa nào giữ thì phải ở lâu, hỏi dò đã mới biết. Mà ta không ở lâu nơi đó
được. Vì rứa mà ta sẽ cho mi về. Chỉ có mi mới làm được việc đó.

- Nhưng lỡ bố không nói?

- Phải bắt nó nói. Ta sẽ dạy cho mi một phép thư bắt người tỉnh phải nói mê. Phép này chỉ cần học một tuần là được. Ngày mai ta bắt đầu dạy. Bảy ngaỳ nữa là mi được về nhà, ưng không?

° ° °

Hai người cùng ngồi chung trên một phiến đá, chân xếp bằng, tay đặt lên đầu gối, mắt nhìn thẳng về phía trước cửa lèn. Ngô
thì hồi hộp, còn Phu Sẩu lại vẻ như đang mơ màng. Hắn bắt đầu nói, giọng lầm rầm như dân đạo cầu kinh, Ngô cứ lắng tai nghe. Đây là bài học vỡ
lòng đầu tiên của nghề thầy mo.

- Tệ Ngô hãy nhớ, phép thư của
ta hay của bất cứ thầy mo nào là phép đánh người bằng thuốc độc. Thuốc
độc thì có nhiều loại. Nhưng không phải hễ ai có thuốc là dùng được.
Muốn sử dụng được loại thuốc độc nào, trước hết tự mình phải kháng được
chất độc đó. Phải cho chất độc nhiễm vào xác thịt mình rồi sau đó mình
sẽ phun cái độc đó ra để hại kẻ khác! Như vậy, phép thư là phép biến
chính mình thành một thứ thuốc độc!

- Tệ Ngô hãy nhớ, trong xác
thịt mình cái có lợi nhất để cho mình giàu có và đồng loại đến được với
mình, gần gũi với mình chính là hai bàn tay và lỗ miệng. Nhưng cũng
chính hai thứ đó, bàn tay với lỗ miệng cũng chính là nơi phát độc mạnh
nhất, là thứ giết đồng loại mình dễ nhất. Cho nên phép thư của ta chủ
yếu là phép luyện độc ở hai bàn tay và thổi hơi từ trong miệng. Ta chữa
bệnh cũng bằng phép ấy. Lỗ miệng với bàn tay là phương tiện sống của
thầy mo, là vũ khí của thầy mo, là thiện ác của một con người.

Tệ Ngô hãy nhớ, thuỷ tổ mình sinh ra từ trong bọt nước và cây cỏ, đó là
những thứ đẻ ra đất trời và con người. Người ta sống không ai không nhờ
đến nước và cây. Nhưng cái thứ nuôi sống được người thì lúc nào cũng có
đủ sức mạnh giết chết con người. Vì vậy, thuốc độc mạnh nhất cũng là
thuốc độc lấy từ trong nước và cây cỏ mà ra. Từ nay về sau, khi đã có
phép thư trong người, dù đi đâu, ở đâu Tệ Ngô cũng phải nhìn cây cỏ,
sông nước bằng hai con mắt. Một con thấy đó là thức ăn , một con thấy đó là thuốc độc. Có vậy mới đủ sức làm cho mình có ăn và kẻ khác thì không có ăn.

Tệ Ngô hãy nhớ, con người ta có cái đầu và cái bụng
thường hay nghĩ ngợi lung tung lắm thứ. Nghĩ ác, nghĩ thiện, nghĩ lành,
nghĩ dữ, nghĩ mình và nghĩ tới người khác. Cái sự nghĩ ngợi lung tung ấy làm cho con người vừa khôn ngoan lên vừa ngu dốt đi, vừa dũng cảm lên
lại vừa hèn nhát , đôi khi vừa muốn đứng lên lại vừa muốn cúi xuống, vừa đi tới lại vừa thụt lùi. Vì thế phép luyện thư của ta trước hết phải
ngồi im, tập trung, nghĩ về một điểm. Chỉ được nghĩ một điểm mà thôi.
Phải gạt hết trong đầu, trong bụng những sự nghĩ lui nghĩ tới, phải tâm
tâm niệm niệm rằng tất cả là mịt mù, tối đen bịt kín chỉ có một điểm
trước mắt, chỉ có một mục đích phải tới. Ví dụ khi luyện, Tệ Ngô có thể
nghĩ tới pho tượng Đất Mẹ. Chỉ chằm hăm vào cái tượng ấy thôi, trên trời dưới đất không còn thứ chi khác, trên tất thảy cuộc đời này không có
thứ chi nữa hết, chỉ có pho tượng cụt chân ấy, không có nó là trái đất
này tan biến thành cát bụi. Phải nghĩ như vậy mới đủ sinh khí để phát
độc ra.

Những lý lẽ ghê gớm ấy được phun ra từ miệng Phu Sẩu cũng có tác dụng gần như phun thuốc độc khiến Ngô cảm thấy choáng váng. Phu
Sẩu ngừng lại uống liền hai hớp rượu. Còn Ngô thì cố định thần để nhẩm
lại những điều cao cả vừa được nghe.

Sau đó, Phu Sẩu rút trong
lưng quần ra một đoạn rễ cây. Hắn cấu một tý bằng mẩu tăm bảo Ngô cho
vào miệng nhai, còn lại nhét vào cạp quần Ngô. Hắn dặn:

- Mỗi
ngày, sau khi ngồi yên, tập trung nghĩ về một điểm thì nhai một tý rễ.
Nhớ không được nhai nhiều mà độc. Còn lại phải luôn nhớ nhét ở thắt lưng trong cạp quần. Sau năm ngày, chất độc ngấm được vào da thịt, ta sẽ dạy cho cách phun ra mồm.

Ngô vẫn còn hoang mạng lo sợ, anh nhìn Phu Sẩu dè dặt hỏi:

- Nhưng mà... liệu xác thịt ta có chịu được thuốc độc này không? Lỡ ra...

Phu Sẩu phá lên cười

- Đừng lo. Trong hang có hàng trăm thứ thuốc độc của ta, đây là loại nhẹ nhất . Cứ làm đúng lời ta dặn thì không việc chi đáng sợ cả.

Ngô bắt buộc phải bỏ mẩu rễ cây vào mồm. Có vị đắng làm anh lợm cổ. Ngô
định nhổ ra nhưng vì Phu Sẩu vẫn ngồi sát bên cạnh nên anh không dám.
Chợt nhớ đến lời dạy cao siêu của Phu Sẩu, Ngô quyết định tập trung nghĩ về pho tượng đồng đen một chân, may ra có thể làm cho vị đắng trong cổ
không còn gây nên sự buồn nôn nữa.

"Nào, pho tượng đồng đen một
chân! Pho tượng đồng đen một chân! Mi là cái chi? Mi ở đâu? Mi to hay
nhỏ? Mi hãy hiện ra, hiện ra trước mặt ta để ta tập trung nhìn vào mi ..

Nào pho tượng cụt chân kia, mi là cái thứ để ăn hay thứ để thờ mà người ta
lại khao khát mi đến vậy. Cả đời tao khao khát, đời bố tao khao khát. Cả đời mẹ tao, cả các dì tao, cả ông bà tao nữa tất cả đều bu vào mày. Rồi thằng Phu Sẩu, thằng Mu Thoòng, với hết thảy đám người rừng ở đây ai
cũng hau háu chực ôm lấy mi. Mi là nguồn hy vọng không tắt của sự sống,
mi cũng là vực sâu của hận thù và tội lỗi. Mi là thức ăn mà cũng là chất độc. Tội của mi to lắm. Nếu lôi cổ được mi ra thì tao không chỉ chặt
nốt cái chân mi ra thôi đâu, mà tao sẽ vặn cổ mi. Tội mi đáng vặn cổ. Bố tao nếu còn sống sẽ xẻo tai mi. Các em tao chắc chắn sẽ bẻ quặp tay mi. Rồi cái lũ người rừng sẽ băm xác mi ra. Phải trừng trị mi như thế mới
hả dạ. Nhưng tất nhiên sau khi đã tùng xẻo mi ra từng mảnh rồi thì lũ
người ấy, kể cả tao nữa, không ai dại gì mà chôn những mẩu ấy xuống đất. Chúng tao sẽ dành nhau từng cái đốt ngón tay, từng vùng tai, lỗ mũi của mi. Ô hô, lúc ấy chắc sẽ vui lắm. Lũ người tha hồ thả cửa chửi mắng
nhau, xô ập vào nhau mà cắn xé, sẽ phun thuốc độc vào nhau, vác cuốc
xẻng mà phang lên đầu nhau. Thế là sau khi băm được xác mi ra, lũ tao sẽ băm vằm nhau cũng tả tơi không kém gì xác mi, nhưng sau đó nữa thì có
ai giành nhau để nhặt xác chúng tao không? Có thể có lũ chó, lũ quạ!...
Và có thể cái lũ súc sinh ấy cũng sẵn sàng xé xác nhau ra...".

° ° °

Sau năm ngày luyện phép, nhờ ngồi yên trên đá chăm
chăm nghĩ về pho tượng đồng đen một chân và mồm ngậm thuốc độc cho nên
Ngô đã có được một da thịt khác thường, một da thịt đầy chất độc. Nhưng
điều đó chưa thật quan trọng. Chất độc không phải chỉ ngấm vào phần xác
mà ngầm cả vào phần hồn. Hơn nữa với cái cách luyện tâm chỉ nhìn vào một điểm, nghĩ một đường ấy mà ý nghĩ của Ngô trở nên khô khốc và nhọn hoắt như một mũi kim. Anh không còn cảm thấy sợ hãi như những hôm đầu, không còn hoang mang lo lắng, không tính ngược, nghĩ xuôi, hết cả những trăn
trở day dứt. Thế mới biết phép thuật của mo Sẩu cao cường biết nhường
bao!

Bây giờ thì có thể gọi là mo Ngô. Sau khi luyện được phép,
Phu Sẩu bảo Ngô thử xem kết quả thế nào bằng cách ngậm một hớp rượu phun vào những lá cây non và thật mềm. Mi chưa đủ sức làm chết cây cứng, lá
già đâu! Điều cần nhớ là, khi phun vào ngọn lá mi vẫn phải tập trung
nghĩ một điểm y như khi nhai thuốc độc. Nếu nghĩ lung tung sẽ không có
tác dụng đâu.

Ngô ghi nhớ như in điều đó. Anh ngậm vào mồm một
ngụm rượu, bước nhanh tới một cây non bên bờ suối, tìm được máy đọt lá
non, anh vừa phun vừa kêu lên trong đầu "Nào pho tượng đồng đen một
chân!". Thực kỳ lạ như một trò ảo thuật. Những phiến lá nõn nà đột ngột
xìu lại, héo quắt và gục xuống. Ngô sướng quá hét toáng lên. Phía sau
lưng anh, Phu Sẩu kẽ mỉm cười. Ngô hứng chí xách bình rượu trong tay lội ào ào theo dọc con suối. Gặp bất kỳ một cành lá non nào Ngô cũng tợp
rượu phun phì phì và thầm kêu tên pho tượng đồng đen một chân. Những
chồi non thay phiên nhau gục đổ. Ngô càng hăng máu bước nhanh hơn và tên pho tượng Mẹ Đất lại liên tục được réo gọi trong đầu. Lá héo, lá héo và lá héo. Tượng đồng đen, tượng đồng đen, tượng đồng đen! Tất cả đều đồng thời với lòng hân hoan của tên thầy mo vừa thụ học. Lá rừng hôm đó và
dòng họ hắn sau này có ai ngờ tai hoạ lại được bắt đầu như thế!

Chiều hôm đó Phu Sẩu đã khao Tệ Ngô một đùi nai nướng sém. Tất nhiên lần này
ngồi đối diện với Phu Sẩu, Ngô đã ăn uống đầy sung sướng. Đêm đó, Ngô
ngủ lại trên phiếm đá một đêm cuối cùng. Sáng hôm sau, Phu Sẩu dẫn Ngô
đi dọc theo lòng suối, đến một chỗ suối tách đôi, hai người bước lên bờ, lần theo lối mòn đâm xuyên qua một khu rừng rậm. Gần trưa thì họ bước
ra được một quãng đất rộng đầy cỏ tranh, Phu Sẩu dừng lại chỉ tay về
phía đông:

- Chừ mi đi một mình được rồi. Cứ theo lối mòn này mà đi, qua khỏi bãi tranh này thì gặp một quãng rừng khác. Vượt khỏi rừng
đó, có con suối chắn ngang. Về bên kia suối, sẽ có đường to hơn, và có
nhiều người Vân Kiều ở. Nếu đói thì vô họ mà xin ăn cơm. Mi đi bộ ba
ngày là đến nhà.

Ngô nhìn theo tay tên Phu Sẩu chỉ thấy hun hút mờ xa toàn là cây rừng. Hắn có vẻ ái ngại. Phu Sẩu vổ vào vai:

•- Đi đường cứ tập trung nghĩ một điểm là hết sợ. Phép ta thiêng vậy đó.
Còn về dưới xuôi khi nào tìm được cái tượng ấy phải lên báo ta ngay. Nếu mi phản ta chỉ cần cắm một cành cây vào dấu chân mi ở trên này là dưới
đó mi chết liền.

Ngô hoảng hốt kêu to:

- Đừng cắm! Đừng cắm! Ta không bao giờ phản Phu Sẩu đâu.

Phu Sâu cười, xô vào vai Ngô một cái. Thế rồi hai đứa quay đi hai đường.

° ° °

Dù đã được tôi luyện bằng phép định tâm để cho ý nghĩ chỉ còn như một chiếc rìu sắt, nhưng vào cái giây phút này, cái giây
phút tháo cũi sổ lồng của một con chim sau mấy tháng trời bị giam hãm,
tâm trạng Ngô không sao tránh khỏi sự xáo động nôn nao. Anh co giò lên
bước nước sải, đôi lúc gần như chạy, nhưng vẫn cảm thấy chậm. Anh ước
chi có phép phi thân bay vù một cái để được thấy căn nhà ấm cúng có vợ
và đứa con trai duy nhất của mình.

Chợt Ngô dừng bước lại. Sao
mình lại nghĩ lung tung thế? Sao lại để gan ruột nôn nao thế? Thế này
thì phép thư sẽ hỏng mất. Vợ con là cái thá chi? Ngôi nhà tranh vách nứa ấy là cái của khỉ chi? Không. Không. Chỉ có tượng mẹ đất thôi. Nào, hãy hiện ra đi cái hình hài cụt chân! Hiện ra đi để ta tập trung nghĩ vào
mi! Nào...

Ngô lôi be rượu trong túi áo ra tợp một hớp, liếc mắt
tìm một lá cây non, nghiêng mình phun phù một cái. Trong đầu Ngô lại réo lên " Tượng cụt chân!". Cứ mỗi lần cái tượng ấy được réo lên là một đọt cây non mởn mà gục xuống héo. Ngô vui thích với cái trò giải trí kỳ ảo
này. Bước chân hắn chậm dần lại, lang thang như đứa trẻ đang vật vờ theo ong bướm.

Lại qua hết một quãng rừng nữa, đã nghe tiếng nước xối ồ ồ. Đường mòn dưới chân đang xuống dốc. Ngô bước nhanh hơn. Đã trông
thấy bờ suối. Có lẽ đây là con suối lớn nhất mà Ngô gặp kể từ hôm bị bắt lên rừng cho đến nay. Lòng suối có lẽ sâu, nước chảy xiết và nhiều đá.
Nhưng lúc này Ngô không thèm nghĩ ngợi đắn đo chi hết " Tượng đồng đen
một chân!" Trơn quá. Mấy lần xuýt trượt chân. Ngô lại kêu lên:
tượng..tượng.. Đừng sợ chi hết. Cái chi mà đáng sợ. Ngô tự nhủ lòng như
vậy. Nước đã ngang rốn. Ngô cố hình dung ra pho tượng cụt chân đang đứng trước mặt. Nó đó...nó đang đứng đi...ồ , không phải, cụt chân thì không thể đi được. Nó ngồi. Đúng nó ngồi, ngồi bên bờ suối. Kia kìa...Ngô
chợt đứng sững lại, suýt nữa ngã nhào. Cũng may Ngô đã vượt qua được quá nửa con suối.

Đúng là nó đang ngồi bên bờ suối, đầu cúi vục
xuống nước. Bất ngờ nó ngẩng lên. Cái mặt trắng dã, mớ tóc to xù như tổ
quạ, cái áo xẻ bốn thân hở hang cả da thịt, bộ ria lởm chởm phủ kín môi
trên. Một tiếng kêu thầm buốt xé trong ngực Ngô: Mu Thoòng!

Chính hắn! Cái kẻ mà cả bao người Rạc phải khiếp sợ. Cả thầy Linh Linh lẫn
Phu Sẩu đều bất lực. Hắn đang ngồi đó nhìn chằm chằm vào Ngô.

Cơn khiếp đảm trào lên rồi lắng xuống. Ngôi tự nhủ thầm, dù sao hắn cũng
chưa biết mình là ai. Cần phải bình tĩnh. Pho tượng...pho tuợng...pho
tượng...!

- Xi lảo pi?

Mu Thoòng hỏi bằng tiếng Rạc. Ngô nhớ đến lời kể của Phu Sẩu, anh nghĩ ngay đến kế thoát thân:

•- Không hiểu...ta là người xuôi.

•- Người xuôi à? Mu Thoòng kêu to lên và chợt cười.

Ngô gật đầu lia lịa, mồm liến thoắng:

•- Người xuôi, ta ở đồng bằng. Ta không hiểu mi nói chi hết.

Mu Thoòng cũng gật đầu. Rồi hắn lại cúi xuống nước nói gọn lỏn:

•- Đi đi!

Hoá ra hắn cũng hiền. Ngô thầm nghĩ như vậy và cố lội nhanh qua khỏi suối
nước. Hắn hiền thế mà cả bọn người Rạc phải kiếp đảm vì hắn. Ghê gớm
thật. ừ, hắn người xuôi như mình, không biết học ở đâu mà có được những
phép thư cao cường đến thế? Giá như mình cũng học được như hắn, ừ, ước
chi...! Mình mà có được phép như hắn thí sợ chi Phu Sầu nữa...Chao ôi,
Phu Sẩu, Phu Sẩu! Biết đến lúc nào ta mới thoát khỏi tay hắn. Không,
không thể thoát được. Chỉ cần hắn cắm một cái cành cây lên dấu chân ta
là cuộc đời ta chấm dứt. Một cảm giác u tối đột ngột phủ trùm lên trí
não Ngô...Số phận đã định rồi, có cách nào gỡ thoát không?

Bất
chợt Ngô dừng chân lại. Hay là...hay là ta tìm cách học phép thằng Mu
Thoòng. Phép có cao hơn thằng Phu Sẩu? Nhưng đời nào nó tin ta? Đời nào
nó truyền phép cho người khác? Làm cách nào đây, cách nào hè...

ý nghĩ của Ngô bắt đầu lung tung, nháo nhác. Nhớ đến lời dặn của Phu Sẩu. Ngô cố áp mọi suy nghĩ vào pho tượng. Chao ôi, làm cách nào để thằng Mu Thoòng dạy phép cho ta...pho tượng...làm cách nào để cái thằng phù thuỷ kia tin được ta...pho tượng...

ồ, phải rồi, thật là huyền diệu.
Phép nghĩ một điểm của Phu Sẩu mới tài tình làm sao! Đúng rồi, pho tượng sẽ giúp ta. Tất cả chỉ có pho tượng cụt chân đó mà thôi...

Ngô
dừng lại hẳn, quay lui. Lúc này anh đã lên đến nửa dốc. Dưới bờ suối, Mu Thoòng vẫn cúi vục xuống nước. Có lẽ hắn đang luyện phép. Nhưng sao hắn không phun phì phì mà cứ gục xuống nước như vậy? à...trong nước cũng có thuốc độc. Lời Phu Sẩu mới hay làm sao!


- Này ơi !...Ngô cất tiếng gọi và thấy run cả người.

Mu Thoòng ngẩng lên, hắn có vẻ ngạc nhiên khi thấy Ngô cả gan dám gọi hắn.

- Chi ?

- Cho ta hỏi một câu - Ngô bước lại gần - Đi theo đường to này thì về tới đâu?

Mu thoòng không trả lời mà hỏi ngược lại:

- Mi ở xuôi lên sao không biết đường?

- Ta bị bắt.

- Ai bắt?

- Một người Rạc tên là mo Sẩu.

Mu Thoòng đứng bật dậy. Nguời hắn rất cao. Hai tay khẽ động đậy.

- Mi vừa ở chổ ke mo Sầu ra à?

- ừ !

- Vì sao hắn lại thả mi ra?

- Hắn sai ta về xuôi tìm pho tượng đồng đen một chân.

Mu Thoòng vội vã lao chồm tới

- Mi... mi biết cái tượng đó à?

- Ta chỉ nghe kể thôi.

- Ai kể?

- Một người hàng xóm.

- Hiện chừ người ấy ở đâu?

Ngô thoáng nghĩ không thể nói rõ xóm Linh Linh, vì thằng này là dân xuôi có thể về lần tìm được.

- Ta gặp một người quen ở giữa bến xe. Người quen kể cho ta nghe là đang có một pho tượng đồng đen cực to, hai tay chống nạnh nhưng chỉ có một
chân. Ta nghe vui tai quá. Sau đó người quen ấy chào ta đi. Ta mang
chuyện đó đi kể lung tung vì nó lạ tai mà. Không ngờ một lần đang kể thì ta bị một người dân tộc bán thuốc bắt cóc.

Mu Thoòng chăm chú nghe. Thấy Ngô ngừng kể, hắn lại hỏi:

- Nhưng mi phải biết chỗ ở của người quen ấy chứ?

- Trước đây thì biết. Nhưng từ ngày có loạn, cả làng mình phải bỏ chạy
lung tung. Chính cái lúc chạy loạn ấy thì người kia mới nhặt được tượng. Chẳng biết hắn ở chổ nào...?

- Khi gặp mi ở bến xe hắn có nói đi đâu không?

- Đi hỏi ai mua đồng đen thì bán. Hắn hỏi cả ta nữa. Ta ôm bụng cười, tiền mua gạo còn chả có nữa là đồng đen...

Mu Thoòng cắn cắn vành môi một lúc rồi lại hỏi:

- Mo Sẩu bảo mày làm thế nào?

- Hắn bảo ta về lại phố, cứ cố công đi tìm, nếu gặp được cái thằng bán tượng ấy thì hỏi mua ngay. Sau đó dẫn nó lên gặp Sẩu.

Mu Thoòng chợt cười:

- Thế thì, nếu gặp được, mi dẫn hắn lên cho ta!

Ngô giả vờ kêu to lên:

- Chết, chết, mo Sẩu giết ta mất.

- Mi ở dưới đó nó giết sao được?

- Nó bảo...nó có phép cắm cành cây vào dấu chân ta...

- à...

Mu Thoòng chợt ngửa cổ lên trời cười ha hả. Rồi hắn bước lại sát Ngô, vỗ tay lên vai anh đầy quả quyết.

- Đó là phép Khui tỉ của bọn Rạc đấy!

- Khui tỉ là chi?

- Dưới xuôi mình người ta gọi là thôi miên. Mi đừng sợ, ta có phép trị được thứ đó.

- ôi lạy phật, vậy thì giúp ta với!

Mu Thoòng cầm lấy tay Ngô dắt ngược lên dốc:

- Về nhà tao đã.

° ° °

Nhà Mu Thoòng là nhà sàn theo kiểu nhà của người
miền ngược. Kiểu nhà này và cung cách ăn ở của gia đình Mu Thoòng đối
với Ngô không có gì xa lạ. Anh đã quen với hàng chục gia đình vùng A
lưới.

Mu Thoòng có một người vợ khá trẻ và đẹp, một đứa con gái
chừng mười hai tuổi, cũng khá đẹp. Cả hai cùng mặc áo váy Vân Kiều. Khi
Ngô theo chân Mu Thoòng lên sàn, người đàn bà trẻ đã gật đầu chào một
cách khá lịch thiệp. Chị rót nước vào chiếc cốc nhựa, bê hai tay lại
trước mặt Ngô, mời bằng tiếng Vân Kiều:

- Ngoái đơ!

Mu Thoòng phá lên cười. Người vợ ngơ ngác nhìn chồng. Mu Thoòng nói to:

- Hắn người xuôi đó!

Người vợ trẻ nhoẻm miệng cười rất tươi:

- Rứa thì... mời anh uống nước.

Cái giọng nói đầy chất Huế, không hề pha tạp chút nào khiến Ngô ngớ cả người ra nhìn.

Mu Thoòng đưa hai tay lên chụp vào mái tóc rối như tổ quạ, hắn lật nhanh
một cái, cả mái tóc tuột ra. Ngô tròn mắt nhìn. Hoá ra là tóc giả. Rồi
Mu Thoòng bứơc khuất vào phía sau tấm phên bằng nứa. Một lúc sau hắn
bước ra. Ngô ngơ ngác không thể nào tin ở mắt mình nữa. Như có một phép
màu huyền diệu. Trước mắt Ngô là một Mu Thoòng khác hẳn. Cao lớn, đẹp
trai, tóc cắt vừa phải, áo sơ mi màu xám, quần dài bằng vải pho. Chỉ còn có bộ ria dài ở mép trên là nét duy nhất để nhận ra Mu Thoòng. Thấy Ngô còn ngơ ngác, Mu Thoòng đã ngồi xuống một bên, đặt ra chai rượu và hai
cái chén. Hắn vừa rót rượu vừa nói.

- Mày thấy lạ hả? Tao cũng
là người xuôi, dân đầm phá đây. Còn vợ tao dân Huế...Hà, ở dưới mình
người ta vẫn thường có câu. "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo
giấy!" Mày hiểu câu đó không?

Chừ thì Ngô đã hiểu. Không biết có
phải vì đã quá lâu ngày mới có dịp cùng ngồi với một người xuôi, hay vì
thấy rằng mưu kế mình đã thành công mà Ngô cảm thấy vui vui trong lòng.
Anh uống liền một lúc ba chén rượu. Ngô giả đò khề khà như kẻ say, gợi
chuyện:

- Tao lạ quá. Mi ở dưới đó...vợ đẹp con ngoan, vì sao lại lên đây, ăn ở như thế này?

Mu Thoòng nuốt ực một ngụm rượu, thở khà một cái. ánh mắt hắn đỏ ngầu lên:

- Mày tưởng tao vui thú với cảnh này lắm sao? Không, tao chán lắm! Nhiều lúc tao muốn bỏ về. Vợ tao nó còn muốn hơn thế nữa. Nhưng không thể
được. Cái nghiệp nó buộc rồi.

- Cái chi buộc được mày?

- ồ, sao lại không. ở đời, mỗi một con người sinh ra đều có một giây trói buộc. Mỗi một số phận đều có một sợi giây níu kéo. Nếu không thế con
người ta đã đua nhau trổ trời mà lên! Nói ví dụ như mày, khi mày biết
được có cái tượng đồng đen ấy thì mày sắp thành triệu phú rồi đó. Nhưng
mày lại bị thằng Mo Sẩu nó cắm nhành cây vào dấu chân. Mày không thể
thành triệu phú được. Nhưng rồi thằng Mo Sẩu khốn nạn ấy cũng đừng hòng
vơ được kho báu đó vì mày đã gặp tao. Thế đó...Rồi đây câu chuyện sẽ thế này. Mày về xuôi, tìm cách bắt thằng hàng xóm. Sau đó Mo Sẩu tìm cách
bắt mày. Tao sẽ bắt Mo Sẩu...Cứ vậy, cũng chẳng biết có đứa chó chết nào bắt tao không, nhưng nghiệp đời là thế.

Đêm hôm đó, sau mấy chục đêm ngủ trên đá và lá khô , Ngô được nằm trên sàn gỗ có trải chiếu. Nói chung nếu không nhìn thấy tận mặt Mu Thoòng xoã tóc làm phép thì khó mà tưởng tượng được chàng thanh niên đẹp trai, ăn ở lịch sự này lại là một thầy mo gớm ghiếc. Mu Thoòng nói chuyện say sưa, thậm chí còn tỏ ra yêu mến Ngô nữa. Có lẽ bởi vì cái pho tượng cụt chân đã lù lù hiện ra trước mặt, mà cũng có thể là vì đã lâu chưa được dốc bầu tâm sự với một người xuôi. Cái tình đồng hương là thứ dễ hiểu nhất của mọi loài người.

Sáng hôm sau Mu Thoòng dẫn Ngô ra rẫy. Vùng rẫy của hắn khá rộng. Mu Thoòng
bận quần áo Vân Kiều, tay cầm rựa, gặp ai hắn cũng chào, cũng hua cây
rựa lên phía trước và nói: "Tả xa rai!". Giữa một cái rẫy lớn, có chiếc
chòi nhỏ khá chắc chắn. Mu Thoòng leo lên trước. Ngô theo sau. Chòi cũng được lát sạp chắc chắn. Ngô tự hiểu đây là chỗ luyện phép thường xuyên
của Mu Thoòng.

Mu Thoòng ngồi xuống trước, Ngô ngồi theo bên
cạnh. Hai đứa nhìn thẳng ra cửa chòi. Mu Thoòng bắt đầu nói. Đây là bài
học thứ hai của Ngô:

- Ngô ơi mày cần nhớ, con người ta sống
trên đời chỉ duy nhất có một thứ của cải là của riêng. Đó là ý nghĩ. Cơm ăn của người này giống người khác, áo mặc anh nọ y như anh kia, thậm
chí cả đàn bà vợ con nữa, ít người giữ riêng được. Nhưng ý nghĩ thì
chẳng ai giống ai. Thế nhưng, cái áo của mày có thể cất kín trong hòm,
nồi cơm của mày cũng có thể dấu kín được vào bếp. Còn ý nghĩ của con
người, cái riêng duy nhất ấy thì không có cách nào dấu được. Mày đã lỡ
có một ý nghĩ thì sớm muộn người ta cũng sẽ nhìn thấy. Đừng có hy vọng
dấu diếm ý nghĩ của mình.

Ngô ạ, mày cần nhớ, con người ta sống
trên đời này không một ai là không ăn trộm. Người ăn trộm trâu bò, kẻ ăn trộm dao rựa.Có khi ăn trộm mồ hôi, có khi ăn trộm nước mắt. Có đứa ăn
trộm lén lút ban đêm, có kẻ ăn trộm ngang nhiên ban ngày. Trẻ con thường ăn trộm kẹo bánh hoa quả, thanh niên ăn trộm tình ái, yêu đương, người
già ăn trộm kinh nghiệm, đạo lý. Trong ngàn vạn thứ ăn trộm ấy, có kẻ đã học được cách ăn trộm ý nghĩ. Đó là phép khui lỉ.

Hơn nữa mày
cần nhớ, con người ta sống được là nhờ trăm thứ thức ăn, người ta chết
vì trăm thứ bệnh. Trong trăm thứ bệnh đó, cái bệnh làm người mau chết
nhất là bệnh sợ hãi. Mỗi một con người có đến hàng trăm thứ sợ. Mới sinh ra thì sợ mất mẹ, lớn lên một chút thì sợ nạt nộ, đòn roi. Lúc trưởng
thành, sợ chèn ép. Lúc đau ốm sợ oan hồn. Tuổi về già sợ con cháu bội
bạc. Không thể kể hết được đâu, bởi xung quanh ta có biết bao điều đáng
sợ. Ban đêm sợ bóng tối, ban ngày sợ nắng lửa, nằm ngủ sợ mê, thức dậy
sợ phải làm... Con người có thể tránh được thú dữ, tránh được cả đạn
tên, nhưng không tránh mặt được cái sợ. Nó là mụ vợ dữ dằn mà tạo hoá ép gả cho ta, không có cách chi li dị được, là loại tầm gửi gặm mòn da
thịt xương cốt ta mà không sao bóc gỡ ra khỏi cuộc đời. Phép khui lỉ
không đánh người bằng thuốc độc mà đánh bằng nỗi sợ hãi . Cái vật đáng
sợ thì ở ngoài ta, còn nỗi sợ lại ở trong mình. Hai cái đó như hai đầu
của một con đỉa. Phép khui lỉ là thân con đỉa đó. Phép ấy không có chi
khác là mang cái sợ bên ngoài vào bên trong. Tự bản thân phép khui lỉ
không giết mày, mà mày chết là vì nỗi sợ hãi của chính mày thôi !

Còn một điều cuối cùng nữa mà mày cần biết, con người là cái thứ do tạo hoá sinh ra, tạo hoá đắp bồi. Đã là đắp bôì thì có khi vứt bỏ cái này,
thêm thắt cái khác. Con chim phải vứt cái vỏ trứng mới hiện được hình,
vứt cái lông tơ mà chắp lông cánh vào thì mới bay được. Con người thì
vứt răng sữa để mọc răng xương. Vứt lông má để râu được tốt, vứt cái
ngây ngô để có thêm khôn khéo, vứt cái bầy đàn để được cô đơn, vứt thiện lấy ác, vứt bà con họ hàng để làm chồng làm vợ với người dưng. Cho nên, mày ngồi ở đây nhưng nên nhớ rằng mày không phải chỉ ở đây. Đâu đó trên cõi đời này đều có dấu vết của mày đang sống. Nó sống hẳn hoi, mặc dù
mày đã quên nó đi, nhưng như một đứa con đẻ rơi bị vứt bỏ, nó vẫn hướng
về tổ tông của nó. Thế nên chừ mày ngồi đấy, giả sử vợ mày ở nhà bị ốm,
mày sẽ hắt hơi, nhà mày bị cháy mày sẽ nóng ruột. Bởi vì vợ mày ốm thì
phần người của mày đang vứt lại ở vợ cũng ốm, nhà mày cháy thì cũng có
cái chi đó của mày đang cháy. Mày muốn trốn chạy khỏi cuộc đời này không được đâu. Phép khui tỉ là phép đánh vào cái phần của con người mày ở
chỗ khác. Cái phần đó bị đánh thì mày sẽ đau. Rồi cái phần ấy nó sẽ đánh thức nỗi sợ hãi trong con người mày. Mày chết là vì như vậy !

Mặc dù đã được một phần làm quen với cách giảng phép nhưng hai tai Ngô
vẫn ù đặc không sao nghe lọt hết được những điều vô cùng rắc rối và phức tạp ấy. Vừa ngồi Ngô vừa nhẩm gọi tên pho tượng đồng đen để cho trí não khỏi bị náo loạn.

Sau khi rao giảng một mạch lý lẽ của phép khui tỉ, Mu Thoòng mới bắt đầu nói đến cách chống:

- Người xuôi mình thường nói lấy độc trị độc. Muốn chống lại phép thư
bằng thuốc độc thì tự mình phải nhai thuốc độc. Muốn chống lại phép Khui tỉ thì phải biết tự đánh vào mình, nghĩa là đánh vào một đầu của của
đỉa. Chừ mày hãy vòng hai tay qua ngực, khép chặt lại, hai bàn tay vươn
qua hai nách ra đằng sau lưng. Vừa nói Mu Thoòng vừa hướng dẫn cho Ngô - Như thế, như thế ... Mày dùng hai ngón tay trỏ ấn vào khe hở của hai
xương sườn này. Chỗ này này, mày ấn mạnh đầu ngón tay coi có đau không ? Có hả ? Đó chính là hai huyệt quan trọng trong các huyệt bối du. Lúc
nào tự nhiên mày thấy ruột gan cồn cào, đầu óc choáng váng, hai vành tai nóng bừng và tâm thần bất định, có nghĩa là mày đã bị thằng Mo Sẩu đánh phép khui tỉ ?. Lúc ấy, mày hãy ngồi xuống như thế này, vòng hai tay
qua nách và ấn vào hai huyệt ấy. Cứ ấn thật mạnh, và đầu mày lúc đó hãy
tập trung nghĩ về một cái chi đó thật cụ thể, chỉ nghĩ một cái thôi,
không được hoang mang, hốt hoảng. Cứ như vậy mày sẽ thoát khỏi phép tà.

Thì ra mọi phép thư đều bắt người ta nghĩ chằm hăm vào một điểm. Ngô
tiếp thu nhanh nhất là điều đó. Cũng may anh đã tập được cách nghĩ ấy
mấy ngày nay rồi.

Hoá ra lý lẽ thì dài dòng mà thực hành lại chỉ có mấy động tác đơn giản. Ngô ngồi yên và tự tập một buổi đã thấy thành công.

Chừ thì phải kiếm ra một lý do chi nữa để Mu Thoòng có thể dạy cho mình thêm vài phép khác ? Ngô nghĩ nhanh ra một kế.

- Mu Thoòng ơi, ta ơn mày đã dạy cho ta phép chống được khui tỉ. Nhưng nếu bất ngờ thằng Mo Sẩu mò xuống tận nơi xáp mặt ta thì sao ? Lúc đó
hắn thấy ta chưa chết, chắc chắn hắn sẽ nổi cơn điên lên đánh ta trực
tiếp để cướp pho tượng. Biết làm cách chi thoát được ?

Mu Thoòng yên lặng gật gật đầu một lúc rồi nói:

- Thằng Mo Sẩu nhiều phép cao lắm. Ngoài ta ra ít ai chịu nổi độc của
hắn. Tuy vậy, chỉ có gặp các thầy mo hắn mới giở các thuốc độc cao cường ra, còn gặp mày, biết mày chẳng có phép tắc gì, chắc hắn cũng chỉ thư
bằng thứ thuốc nhẹ. Thôi được, để ta dạy cho thêm một phép kháng độc
nữa. Ngày mai bắt đầu hí ?

° ° °

Vốn là một người đàn ông thực thà, đôi lúc còn khờ
khạo nữa, không hiểu từ lúc nào Ngô đã lột xác trở thành con người khôn
ngoan ma mãnh. Hay là từ hôm có thuốc độc ngấm vào người ?

Bằng
cách khêu gợi, van xin, giả bộ lo lắng sợ hãi, Ngô đã moi được ở Mu
Thoòng ba phép thư khá đặc biệt nhằm để chống Phu Sẩu. Ba phép học gần
một tháng. Nhưng thời gian lúc này còn có ý nghĩa chi đối với Ngô. Hắn
không hề nhớ thương, không hề sốt ruột, không lo lắng, băn khoăn. Hắn
say sưa háo hức trở thành một thầy mo cao thủ. Chừ nhớ lại cái cảnh sát
phạt nhau hôm ở đám ma người Rạc, không những Ngô không còn thấy ghê rợn hãi hùng mà ngược lại càng thêm kích thích lòng ham muốn. Phải trở
thành một thầy mo cao thủ ! Phải chiến thắng trong những cuộc đọ phép
kia ! Đó là ý chí duy nhất của đứa con cả ông Ngang, người đã từng chiến thắng bảy đàn bà. Ngô đang định tìm cách học thêm vài phép nữa thì một
hôm bất ngờ Mu Thoòng tuyên bố:

- Thôi, mai mày phải về. Ta
không thể dạy thêm cho mày được nữa. Nếu mày học thêm sẽ thành thù của
ta mất. Hãy làm bạn của ta !

Bất đắc dĩ Ngô phải gật đầu. Sáng
hôm sau, Mu Thoòng dẫn Ngô trở ra đến bờ suối hôm nọ, sau khi chỉ đường
cặn kẽ cho Ngô xong, Mu Thoòng nghiêm sắc mặt lại:

- Mày phải
tìm pho tượng đó cho ta. Hãy nhớ là kông được phản bội. Mày nên biết
rằng phép thư của ta cao hơn của thằng Phu Sẩu nhiều. Chỉ cần ta thổi
vào lòng bàn tay ta mấy cái là mày phát điên ngay tức khắc.

Ngô
kinh hãi trợn tròn mắt lên. Nhưng nhờ có luyện được vài phép trong người nên hắn nhanh chóng vượt qua được cơn hoảng sợ ấy. Ngô thì thào hỏi
lại:

- Tao không phản mày đâu, nhưng ... nếu quả thật mày có
phép ấy, sao không thổi một cái cho thằng Phu Sẩu chết đi, tao khỏi lo.

- ồ, mày không biết. Phép ấy chỉ đánh được kẻ nào đã cho ta bắt tay nó một lần. Ta đã cầm tay mày mấy lần rồi. Còn tay thằng Phu Sẩu thì ta
chưa nắm được.

Ngô thấy choáng váng cả mặt mày. Hắn đâu có ngờ mấy cái bắt tay ra vẻ thân tình hôm trước lại là cạm bẫy sau này.

Hãy khắc cốt xương lấy bài học đau đớn này, đừng dại dột đưa bàn tay ra với ai cả !

Mu Thoòng đã quay lưng đi một mạch về nhà nhưng Ngô vẫn đứng như bị
thôi miên bên bờ suối. Không ngờ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, thoát khỏi nỗi đe doạ của phép khui tỉ thì lại quàng vào đầu cái tai hoạ kinh
khủng khác. Chịu chết ư ? Tại sao lại chịu chết ... Phải làm chi để
chống đỡ được phép của thằng này ? Pho tượng ...pho tượng ..pho tượng !

Linh thiêng như một câu thần chú, pho tượng đồng đen một chân lại hiện
ra trước mặt Ngô và mách bảo : Hãy học thêm phép thầy Linh Linh để chống lại Mu Thoòng. Ngô tự hỏi: "Làm cách nào để cái lão gầy nhom đó có thể
dạy phép cho ta" Pho tượng nói: "Hãy bán ta đi như đã từng đặt giá với
Phu Sẩu và Mu Thoòng !" Ngô reo lên: " Hay, tạ ơn Mẹ Đất !".

Ngô liếc nhìn lên lối mòn nơi vừa khuất bóng Mu Thoòng rồi sau khi lẩm nhẩm vài lần gọi tên pho tượng để tập trung suy nghĩ hắn đã lội ngược trở
lại bên kia suối, nhằm theo con đường ngược dốc mà cắm đầu bước về bản
những người rừng.

° ° °

Vĩ lẽ ấy mà đằng đẵng hơn một năm sau Ngô mới về đến vùng A Lưới. Hơn một năm hắn chui rúc, ẩn náu trong nhà hàng chục thầy
mo khác nhau. Với ai hắn cũng đưa câu chuyện tượng cụt chân ra để ngả
giá. Nhờ vào cái vía pho tượng ấy mà Ngô đã học được gần năm chục loại
thuốc độc khác nhau. Hắn trở thành một thầy mo vô cùng cao thủ.

Khi về đến A Lưới, không một ai còn có thể nhận ra dáng hình của Ngô.
Mái tóc dài trùm gần kín mặt, phủ dài ra quá bờ vai. Da mặt đen màu cỏ
thối, hai gò má nhô cao, mắt trắng dã. Giọng nói cứng hẳn lại vì lưỡi đã ngấm quá nhiều chất độc. Cả con người hắn, từ xác thịt lẫn linh hồn đều bầm tím thuốc độc. Cả tiếng cười cũng vậy. Tiếng cười hoang dại như một con ma.

Hắn mò về vườn cũ. Ngôi nhà tranh của hắn vẫn còn, thậm chí còn có vẻ sạch sẽ ngăn nắp hơn. Nhưng chủ nhân ngôi nhà lúc này là
vợ chồng một gia đình dưới xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Chị chủ nhà kể cho hắn nghe chuyện người đã bán nhà này cho chị, hiện đang lấy một ông chủ thầu thợ xây, đã về xuôi theo ông ta mấy tháng rồi. Ngô im lặng
nghe, không xúc động, không căm tức, không hề có một biểu hiện gì cả.
Rồi hắn cũng không chào hỏi ai, lùi lũi quay ra. Đi ngang cây mai đầu
ngõ, cây mai chính tay hắn trồng hồi mới vưới vợ và lập vườn , Ngô hơi
dừng lại một tý. Rồi bất ngờ hắn đưa vụt bàn tay ra, nghiêng mồm thổi
phù một cái. Sau đó hắn bước thẳng. Sau lưng hắn, chị chủ nhà chưa hết
kinh ngạc vì cái dáng người quái dị của khách lại đã hết hồn nhìn thấy
một cành mai đột ngột héo lá y như vừa có ngọn lửa trùm lên.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui