Từng Gửi Tình Yêu Nơi Biển Núi


Ngay sau đó, tiếng xì xào luôn vang vọng trong tai tôi bỗng biến mất.
Lưu Thần Nghệ và bạn bè của cô ta không còn chỉ trỏ mỗi khi tôi đi qua nữa, cũng không cười để tôi nghe thấy, đồng thời những bạn lớp khác mà tôi không quen cũng không còn tới cửa sau của lớp tôi hóng hớt nữa.
Bọn họ phớt lờ tôi, coi như tôi không còn tồn tại trong lớp.

Không bàn tán về tôi nhưng cũng chẳng quan tâm đến tôi, cán sự môn thân thiết với họ nên không thèm thông báo cho tôi bất kỳ thông tin liên quan nào.
Có lần trường có hoạt động, yêu cầu tất cả học sinh phải đi giày da đen vào ngày hôm đó.
Lúc ấy tôi đang truyền nước ở phòng y tế, khi về lớp thì mọi chuyện đã được thông báo, vì không ai thuật lại cho tôi nên tôi không biết chuyện này.

Tuy nhiên, có lẽ là lớp trưởng nhận ra tình hình tế nhị của tôi với lớp, có chuyện gì cũng báo riêng cho tôi, thế nên coi như tôi yên bình vượt qua nửa học kỳ.
Song cũng chỉ dừng ở đó thôi.
Vì sau kỳ nghỉ hè, tôi không về đây nữa.
Sau kỳ nghỉ hè là khai giảng lớp 12, trường tổ chức học chuyên sâu một tháng nhưng tôi không đến trường.
Tôi nghe lời khuyên của thầy y tế, nghỉ học để đi khám bệnh, tốt nhất là có thể khỏi bệnh trước lớp 12, giáo viên cũng đã chấp thuận.
Không ngoài dự đoán, chẩn đoán bệnh của tôi được ghi trên hồ sơ bệnh án.

Từng dòng chữ trên đó khiến tôi thấy lạ lẫm, nhưng tôi vẫn vô cùng bình tĩnh.
Trên đường về, dì giúp việc dịu dàng bảo sẽ nấu món gì đó cho tôi ăn, giọng điệu nhẹ nhàng vô cùng.

Bên ngoài cửa sổ xe, trời xanh ngắt, tiếng ve vang vọng giữa ngày hè, thời gian như dừng lại, còn chiếc xe vẫn lăn bánh về phía trước.
Sau kỳ nghỉ hè, Nhạc Nhạc vẫn đến nhà làm bài tập cùng tôi.
Nửa năm không gặp, em ấy cao hơn nhiều, tóc cũng dài hơn, buộc thành đuôi ngựa.

Cô bé mặc chiếc đầm mà dì giúp việc mới mua cho, mở miệng ra là gọi chị Lâm Ý đầy ngọt ngào.
Tôi uống thuốc, ngủ đúng giờ và cùng làm bài với Nhạc Nhạc trên bàn học.

Thi thoảng tôi học theo mấy video trên mạng, tết mấy kiểu tóc xinh xắn cho cô bé.

Bọn tôi cùng nhau chơi game trên máy tính, cô nhóc cười bảo chị Lâm Ý chơi giỏi ghê, bởi vì tôi đã từng chơi những trò này rất lâu rồi.
Một ngày trôi qua rất nhanh, sau khi mặt trời lặn, Nhạc Nhạc phải về nhà cùng dì giúp việc.
Tôi lặng lẽ viết tiểu thuyết, nhìn những bình luận ngày một nhiều, tâm trạng tôi cũng sẽ vui vẻ hơn.

Đôi lúc tôi có thể ngồi đọc bình luận cả nửa ngày trời.

Chỉ cần có một người quan tâm tôi thì cũng đã có thể chứng minh sự tồn tại của tôi trên thế giới này, chứ không phải chỉ là một đống rác không ai cần.
Mấy tiếng sau, tôi để ý thấy Chu Gia Dã online.

Sau tiết tự học buổi tối, Chu Gia Dã về nhà, nếu thấy tôi đang online thì sẽ trò chuyện với tôi.
Hôm nay là ngày học đầu tiên trong kỳ nghỉ hè, Chu Gia Dã bèn hỏi tôi tại sao không đến trường học.
Tôi tò mò sao cậu ấy biết tôi không đến trường, cậu ấy thẳng thắn bảo: "Thì hỏi lớp trưởng lớp cậu là biết ngay."
Tôi chậm chạp nhận ra, suốt nửa học kỳ yên ổn, lần nào lớp trưởng cũng thông báo riêng cho tôi mọi chuyện.
Tôi hỏi cậu ấy: "Cậu ấy là bạn cậu à?"
Chu Gia Dã hỏi như một lẽ hiển nhiên: "Giờ cậu mới biết hả?"
Qua màn hình máy tính, dường như tôi thấy được cậu ấy đang cười, nghe được giọng điệu phóng khoáng của cậu ấy.

Trước mắt tôi như hiện ra dáng vẻ tự do của Chu Gia Dã khiến tôi mỉm cười theo.
Sau đó tôi hỏi cậu ấy đi học mệt không.

Cậu ấy đáp tất nhiên là mệt rồi, phải học lại tất cả kiến thức từ lớp 10 rồi mới nhận ra hồi đó học như không học.

Mọi thứ đều khó nhằn, như Nữ Oa vá trời vậy.
Cậu ấy kể giáo viên phát cho mỗi người một tờ giấy để viết trường Đại học mình mong muốn, sau đó cả năm sẽ nỗ lực tiến về mục tiêu này.
Tôi hỏi cậu ấy viết trường gì, cậu ấy đáp đợi khai giảng rồi mới nói.
Sau đó cậu ấy hỏi tôi khai giảng về trường được chưa.
Tôi trả lời chắc là được.
Thật ra bệnh tình của tôi không nghiêm trọng như thế, chỉ cần uống thuốc đúng giờ và điều chỉnh kịp thời, trên lý thuyết có thể hồi phục trước khai giảng.

Lúc đó, tuy tâm trạng áp lực nhưng phần lớn thời gian tôi vẫn sinh hoạt bình thường, điều chỉnh dần dần thì cũng không khó để hồi phục.
Chu Gia Dã nói: "OK, đợi cậu quay lại nha.

Lúc đó tôi muốn xem cậu viết tên trường là gì."
Khoảng thời gian đó tôi và Chu Gia Dã trò chuyện với nhau rất nhiều.

Dường như tôi đã hình thành một thói quen, sau tiết tự học buổi tối tôi sẽ vào QQ đợi cậu ấy online.
Bọn tôi nói với nhau về chuyện trên trường, cậu ấy sẽ cho tôi biết tiến độ ôn tập đến đâu rồi, sẽ than vãn rằng năm nay học kỹ hơn lớp 10 nhiều quá, tan học rồi mà vẫn còn nhiều thứ chưa hiểu.

Tiệm trà sữa cạnh trường vừa ra món mới, chắc là sẽ hợp khẩu vị của tôi.

Còn tôi không có nhiều thứ để kể cho cậu ấy nghe, tôi chỉ có thể kể hôm nay Nhạc Nhạc nói gì mà khiến tôi vui, kể rằng Nhạc Nhạc dạy tôi xếp giấy, bây giờ tôi đã biết xếp ngôi sao và cả hạc giấy nữa.
Cậu ấy bảo rằng không tin, vậy nên tôi đã gửi cho cậu ấy xem hạc giấy và ngôi sao mà tôi xếp trong kỳ nghỉ đông.
Cậu ấy vẫn chẳng chịu tin, cứ đòi tôi phải xếp cho cậu ấy xem vào hôm khai giảng.

Tôi biết đây là một cái bẫy, cậu ấy chỉ muốn tôi xếp cho cậu ấy vào ngày đi học lại thôi, thế nên tôi vui vẻ đồng ý.
Bọn tôi nói đủ mọi thứ trên trời dưới đất, ngoài việc tôi đang ở nhà dưỡng bệnh.

Nhưng tôi biết, mỗi ngày sau tiết tự học buổi tối, cậu ấy đều tìm tôi trò chuyện, hy vọng tôi mau chóng vui vẻ hơn.
Cậu ấy nghĩ rằng tôi trở thành như thế này là do bị nhóm Lưu Thần Nghệ nhắm vào nhưng thật ra không phải, bệnh của tôi có từ lâu rồi.
Cuộc đời tôi bị áp bức từ lâu, có thể bắt nguồn từ lần đầu tiên bị mẹ nhốt trong phòng, phải chịu đói và bị mắng là đồ bỏ đi, cũng có thể bắt đầu từ lần tôi bị bạn bè cười nhạo là đồ con hoang của gái điếm.

Mọi nguyên nhân và hệ quả tôi vốn không biết rõ, chỉ là Lưu Thần Nghệ đã khơi lại kí ức ba năm cấp 2 ác mộng của tôi, rõ ràng ba năm đó kinh khủng hơn bây giờ nhiều.
Nhưng tôi không đủ can đảm cho cậu ấy biết, cậu ấy rực rỡ như thế, điều đó sẽ khiến tôi trông khốn khổ hơn trong mắt cậu ấy.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Tôi chỉ có thể khiến mình mau chóng khỏe lại, có đủ khả năng quay lại trước mặt cậu ấy để cậu ấy thấy tôi vẫn khỏe mạnh bình thường.
Mọi thứ đều dần tốt lên.
Cho đến khi mẹ tôi trở về sau kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Bà đã biết bệnh tình của tôi, bởi vì phụ huynh phải gọi điện cho giáo viên xin nghỉ kỳ ôn tập hè.

Tôi không kể cho Chu Gia Dã nghe về hoàn cảnh gia đình tôi, cậu ấy nghĩ rằng bố mẹ ở nhà bầu bạn với tôi, cổ vũ tôi mau bình phục và đi học lại.
Nhưng thật ra thì không phải.
"Mày chỉ giỏi làm màu thôi, có ăn có uống có người hầu kẻ hạ, mấy bạn lớp mày có cố gắng cả đời cũng chẳng đến được Đế Đô.

Tao tốn bao nhiêu công sức mới cho mày sinh ra ở vạch xuất phát, thế mà mày chẳng biết cố gắng, làm mất tất cả.

Tao cố gắng giữ mày ở lại Đế Đô, chính mày không nỗ lực, quay về cái nơi khỉ ho cò gáy này.


Mày diễn cái gì? Hả?!"
"Này, Lâm Ý, mày nói tao nghe coi, mày đang học hành yên ổn ở Đế Đô, tại sao cấp 3 phải về chỗ này học? Tại sao bạn bè cấp 2 lại bắt nạt mày, sao tụi nó không ăn hiếp người khác mà chỉ ăn hiếp mày?! Nhìn cái mặt chết trôi của mày đi, nhìn là thấy xui rồi, bị người ta bắt nạt cũng đáng lắm! Nhìn gương mặt xám xịt của mày thì ai mà vui nổi?!"
"Thật sự không hiểu sao tao lại đẻ ra thứ vô dụng như mày, đã thua kém Lâm Mạn về mọi thứ thì thôi đi, ngay cả phúc cũng không biết hưởng, lại còn bày đặt ra vẻ với tao!"
"Tao chi tiền cho mày, xin nghỉ cho mày, nhưng tao nói cho mày lần cuối, mày nhanh chóng giải quyết cái bệnh này cho tao.

Nếu thi đại học mà làm tao mất mặt thì mày chống mắt lên coi tao còn quan tâm đến thứ vô dụng như mày không!"
"Bệnh tâm lý gì chứ?! Tao thấy là mày sống nhàn rỗi quá thì có! Lâm Ý, tao nói cho mày biết, nếu mày còn sống thì đừng hòng lười biếng!"
Bà vội vàng đến Nam Đài một chuyến rồi đi ngay, cũng không nán lại lâu.

Bà chưa bao giờ muốn về lại Nam Đài, cũng hiếm khi nhắc đến nơi đây.
Nam Đài là quê quán, cũng là xuất thân của bà, một thành phố nhỏ ở phía Nam.

Đối với Đế Đô phồn hoa thì nó chỉ là một thành phố nhỏ xíu, luôn bị bà xem là vết nhơ nên chẳng bao giờ muốn trở lại nơi này.

Vì mỗi khi quay về, bà sẽ bừng tỉnh khỏi giấc mộng vàng son hiện tại.
Tôi cũng thế, cũng là một vết nhơ trong đời bà.
Là minh chứng cho sự thất bại trong việc gia nhập giới nhà giàu ở Đế Đô của bà.
Sự tầm thường của tôi khiến bà khó lòng ngẩng cao đầu ở nhà họ Lâm.
Do đó, khi tôi không muốn học ở Đế Đô, bà lập tức thẳng tay ném tôi về vùng quê Nam Đài, như thể vứt rác trở lại bãi phế thải, để chúng cùng nhau biến mất khỏi tầm mắt bà.
Bà ghét tôi, nhưng lại không thể không quản lí tôi vì nhà họ Lâm sẽ chu cấp định kỳ cho đứa con hoang này, cũng có thể cho bà xuất hiện ở nhà họ Lâm mỗi năm.

Thế nên bà chỉ có thể trút giận lên tôi.
Bà thuê gia sư đến nhà ôn thi Đại học cho tôi.
Tôi học từ sáng sớm đến tận tối, thời gian học kín hơn khi ở trường.

Gia sư rất nghiêm, giờ học và giờ nghỉ đều kiểm soát chặt chẽ, như một người máy hoàn thành nhiệm vụ của chính mình, không có tý cảm xúc nào.
Thầy ấy đến giảng bài rồi lại rời đi, nội dung học mà mẹ tôi quy định thuộc cấp cao nhất ở Thanh Hoa, Bắc Đại.

Thầy ấy nhận học phí cao ngút nên chấp hành nghiêm ngặt đến mức tôi không có cơ hội để thở.
Tinh thần tôi vốn đã sa sút, chứng mất ngủ và chán ăn không hề bớt.

Tôi hiếu ngủ lại ăn ít, dần dà bị mất tập trung, sau đó trí nhớ cũng giảm sút.

Thầy gia sư đọc đề mới chỉ vài phút trước mà tôi đã quên khuấy mất.
Tôi nhấp ngụm nước mới đun, nóng rát cả môi.

Cảm giác đau đột ngột này khiến tôi nhớ ra, lúc tôi rót nước, rõ ràng tôi muốn rót nửa lạnh nửa nóng, thế mà mới mấy giây trôi qua, tôi đã quên ngay, hệt như một con quái vật mắc bệnh Alzheimer vậy.
Bệnh tình vốn sẽ có chuyển biến tốt trong mùa hè, thế mà đến bây giờ tôi đã hoàn toàn bị nó nhấn chìm.
Kể từ khi tôi học từ sáng đến tối, Nhạc Nhạc không thể sang nhà tôi chơi, những mảnh giấy chưa xếp xong vẫn còn trong hộp, lâu rồi chẳng ai động tới.
Tôi không thể tiếp tục viết tiểu thuyết.
Thậm chí tôi chẳng đụng được vào máy tính.
Sau khi thầy gia sư rời đi, dường như linh hồn tôi mới được thoát khỏi cảnh dày vò, ngoài việc hít thở thì tôi không còn sức để làm thêm bất cứ một việc gì khác.
Thời điểm tồi tệ nhất, tôi như một con thú bông vô cảm, bị vứt ở đâu là nằm yên chỗ đó, không còn khả năng suy nghĩ, dù ai nói gì tôi cũng không tiếp nhận được.

Gia sư vẫn đến nhà, thầy ấy nhận lương cao, là người làm công ăn lương.
Chỉ là khi thầy ấy giảng, tôi không trả lời cũng chẳng sao.

Thầy ấy giảng từng bài, từng kiến thức như đang niệm kinh, còn tôi lại giống như một cái máy bị hỏng bộ xử lý, được đặt ngay ngắn trên chỗ ngồi.
Khi việc gia sư kết thúc, thầy ấy rời đi.

Và sau vài tiếng ban đêm, thầy ấy sẽ trở lại vào sáng sớm hôm sau.
Khóa học gia sư kết thúc cũng là lúc sắp khai giảng.
Mẹ sẽ không xin nghỉ cho tôi nên tôi chỉ đành đến trường.
Lúc đưa tôi ra cửa, dì giúp việc nhìn tôi đầy lo lắng, dì ấy bỏ điện thoại vào túi tôi, luôn miệng dặn dò có gì thì phải gọi ngay cho dì ấy.
Vì bệnh tình của tôi ngày càng nặng nên dì ấy đã mua điện thoại cho tôi.

Thật ra tiền tiêu vặt của tôi rất nhiều, chỉ là tôi không có cảm giác ham sống, cũng chẳng ham muốn vật chất nên tôi hiếm khi mua đồ.

Làm phiền dì ấy phải đích thân mua giúp tôi, dì ấy chỉ học mấy năm cấp 2, không biết nhiều về mấy đồ điện tử, lại còn chậm hiểu, thế mà giờ còn phải chọn điện thoại cho tôi.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu, nghe lời dì ấy hết.

Dì ấy đích thân đưa tôi ra bến xe buýt rồi nhìn tôi lên xe.
Ấy vậy mà tôi còn gặp chuyện.
Tôi té lộn cổ xuống cầu thang của cầu vượt, cả người đau nhói như bị nghiền nát.

Muôn vàn con kiến, côn trùng gặm nhấm tôi, đầu tôi ong ong, lờ mờ nghe thấy tiếng hô hào của người xung quanh.

Bọn họ liên tục hô cứu, nhưng tôi chỉ còn lại ý thức nhạt nhòa, đó cũng là mối liên hệ duy nhất của tôi với thế giới bên ngoài.

Nếu tôi có thể lên tiếng, tôi muốn nói họ đừng cứu tôi, như thế thì tôi sẽ được giải thoát.
Sau đó thính giác mơ hồ cũng biến mất, chỉ còn lại màn đêm vô tận, dường như phía trước là cửa địa ngục.

Tôi không muốn quay đầu lại nên liên tục tiến về phía trước, liên tục tiến lên.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Kể từ đó, cuối cùng tôi cũng được yên ổn.
Tôi bắt đầu nằm viện, tục ngữ có câu thương gân động cốt phải dưỡng một trăm ngày, thế nên tôi nằm ở bệnh viện suốt nửa học kỳ.
Có nhiều người không thích nằm viện, không thích mùi bệnh viện, không thích sắc nhợt nhạt của bệnh viện, không thích sự nhàm chán của bệnh viện vì chẳng có cái gì để giải trí, không thích nằm mãi trên giường bệnh mà chẳng làm được làm gì.
Nhưng tôi thì khác.
Tôi cực kỳ thích nằm viện.
Không biết tự khi nào, tôi đã chán ghét chốn náo nhiệt đông người, ghét cảm giác lạc lõng giữa biển người mênh mông.

Tôi không có ham muốn vật chất, cũng chẳng yêu thích thứ gì.

Tôi có thể ngồi trong phòng bệnh, nhìn mấy con chim đậu trên cành cây cho qua ngày.
Tôi thích sự thanh tịnh này vì có thể đặt mình ở một nơi an toàn, không có ai tìm tôi, không ai làm phiền tôi, cho dù có mục rữa cũng không bị ai phát hiện.
Tôi nghe dì giúp việc gọi điện báo tình hình cho mẹ vào hôm tôi nhập viện.
Qua điện thoại, tôi nghe mẹ tôi mất kiên nhẫn bảo nếu tôi chưa chết thì đừng làm phiền bà.

Dì ấy vội vàng nhìn tôi, tôi vẫn nằm yên nhìn ra cửa sổ, dì ấy che điện thoại lại rồi ra khỏi phòng.
Tôi không biết cuộc hội thoại tiếp theo là gì, nhưng tôi chưa chết không biết có phải là chuyện tốt không.
Cuối tuần Nhạc Nhạc sẽ đến thăm tôi, chắc là dì ấy đã dặn dò trước nên cô bé không hỏi bất cứ điều gì liên quan đến việc nằm viện, chỉ dính lấy tôi rồi kể mấy chuyện thú vị trên trường.
Cô bé tìm thấy quyển truyện “Thiếu niên diệt rồng và công chúa” trên đầu giường.

Đó là một vài việc giết thời gian của tôi trong lúc nằm viện, ngoài việc đọc những tập truyện mới nhất thì tôi luôn nhìn ra ngoài cửa sổ.
Nhạc Nhạc ngạc nhiên cầm lên: "Chị Lâm Ý ơi, chị cũng thích đọc cái này ạ? Truyện này nổi lắm, bạn nào trong lớp em cũng thích nó nhưng toàn bị giáo viên tịch thu thôi, nhưng sau đó mọi người vẫn mua tiếp, mua để cho nhau mượn, truyện này hay lắm."
Tôi yên lặng nghe Nhạc Nhạc nói chuyện, đa số thời gian tôi chỉ ậm ừ mấy tiếng, cô bé cũng chẳng thấy lạ.

Cô bé mở ra mới phát hiện đây là kỳ mới nhất: "Quào, tập này em chưa đọc luôn.


Mễ Mễ bảo có năm bạn đặt chỗ trước rồi, khi nào mấy bạn đó đọc xong mới tới lượt em.

Không ngờ là chỗ chị Lâm Ý cũng có, để em xem xem tập này tiến triển đến đâu rồi."
Kỳ này truyện kể về thiếu niên diệt rồng vượt qua muôn vàn trắc trở, cuối cùng cũng đến được hang động, nhưng lại biết tin công chúa đã chết.
Nhiệt huyết bấy lâu bỗng trở thành công cốc thì có thể vui sao?
Tôi biết kết cục của câu chuyện không phải như thế, cái kết viên mãn mới là mong muốn của mọi người.

Thiếu niên diệt rồng sẽ bước vào hành trình mới, tiếp tục đốt cháy sinh mệnh của chính mình trong bụi gai để cứu vớt công chúa.

Cuối cùng họ chắc chắn sẽ hạnh phúc mỹ mãn.
Nhưng mà, quên nó đi.
Nếu phải nghịch thiên cải mệnh mới có được kết cục viên mãn thì chi bằng chấp nhận số mệnh, tiếc nuối và không cam tâm mới là trạng thái bình thường của đời người, hạnh phúc viên mãn cũng chỉ là mong ước của thế gian mà thôi.
Tôi chấp nhận số mệnh
Cũng chỉ đành chấp nhận thôi.
Mà tôi cũng đâu phải công chúa, không có một thiếu niên diệt rồng nghịch thiên cải mệnh để cứu tôi.
Tôi có chấp nhận số phận hay không thì cũng không ai để ý.
Mùa đông năm ấy là năm đầu tiên tôi không ở Đế Đô, tôi dưỡng bệnh ở thành phố nhỏ Nam Đài.
Sức khỏe tôi không tốt, không thể đi đâu cả, cũng chẳng muốn đi đến đâu.

Ngoại trừ dì giúp việc luôn nhắc tôi ăn cơm đúng giờ thì phần lớn thời gian tôi đều nằm trong phòng một mình.
Mùa đông ở thành phố nhỏ phía Nam không có nhiều nắng, trên trời chỉ có một màu xám xịt.

Tôi không thích bật đèn, trốn trong tối mới có cảm giác an toàn.

Tôi lấy hộp giấy chưa gấp xong từ hồi nghỉ hè ra, lặng lẽ gấp từng con hạc giấy như người sắp gần đất xa trời.

Trời tối thì tôi lại cất đi, ngủ được thì ngủ, không ngủ được thì nhắm nghiền hai mắt.

Đồng hồ sinh học của tôi không hoạt động, mất ngủ là chuyện bình thường, ngủ được một phút giây nào cũng vô cùng quý báu.
Trong nhà cực kỳ vắng vẻ, ban đầu dì giúp việc và Nhạc Nhạc sẽ đến chơi với tôi.

Nhưng đến cuối năm, họ cũng phải đi thăm họ hàng thân thích, dì ấy đã nấu sẵn đồ ăn và để trong tủ lạnh.
Dì ấy biết tôi ở một mình sẽ không ăn cơm đúng giờ, đôi lúc tôi quên, đôi lúc tôi ngồi ngẩn người đến hết ngày.

Thế nên dì ấy cố tình dặn tôi phải cài nhạc chuông điện thoại, sau đó đúng giờ sẽ gọi nhắc tôi ăn cơm.
Đến khuya hôm đó, pháo hoa nổ đùng đoàng ngoài cửa sổ.
Tôi ngồi trong căn phòng tối om, bầu trời rực sáng lọt vào mắt tôi, quay lại liền thấy pháo hoa sặc sỡ ngoài cửa.
Trên nền trời tối đen, những chùm pháo hoa nối tiếp nhau nở rộ rực rỡ, hết đợt này tới đợt khác, dường như đã làm sống dậy sự tĩnh lặng của màn đêm.
Cơ thể tôi bất giác di chuyển đến bên cửa sổ, vừa mở cửa kính ra là luồng gió lạnh lập tức ùa vào nhưng tôi chỉ lo ngắm nhìn những chùm pháo hoa bất tận.
Tôi ở Đế Đô đã lâu nhưng chưa xem pháo hoa bao giờ, thế mà năm nay đón màu đông ở thành phố nhỏ phía Nam này, tôi khó lòng rời mắt khỏi vẻ đẹp huy hoàng rồi lại lụi tàn của nó.
Dì giúp việc gõ cửa vào đưa sữa cho tôi, thầy cảnh này thì hoảng hốt chạy tới ôm tôi, kéo tôi ra khỏi cửa sổ.
Tâm trạng suy sụp khiến tôi không thể hiểu được sự hoảng sợ của dì ấy, tôi vẫn cứ ngửa cổ nhìn ngắm pháo hoa ngập trời, cảm xúc tan nát bỗng dưng chảy thành lệ.

Tự nhiên tôi thấy nhớ Chu Gia Dã quá.
Tôi rất muốn trở lại ngày hôm ấy, khi con đường ngập tràn ánh đèn lồng đỏ sẫm.

Cậu ấy dắt tôi dạo khắp phố Văn Hòa, chạy đôn chạy đáo xếp hàng để dụ tôi ăn mấy món ăn vặt trên phố.
Năm đó ánh đèn chói lọi khiến trời sáng như ban ngày.

Cậu ấy dắt tôi đi giữa dòng người đông đúc, chỉ cần quay đầu lại là có thể nhìn thấy cậu ấy ngay.
Nếu tôi rơi xuống như những chùm pháo hoa đó thì có thể quay lại buổi tối sáng ngời của ngày đó không?.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận