Tục Tái Sanh Duyên

Triệu Thụy nói:
- Thân phụ giết chết ba mạng sư ở trong chùa ấy, khi nào chúng chịu thôi, tất chúng đã đi báo quan rồi. Đại vương mà phạm pháp thì cũng có tội. Vả ta lại không tiện nói ra. Con thiết nghĩ ngọn núi này tất cũng có lối đi, chỉ vì mây gai quá nhiều, thành ra lấp kín. Bây giờ thân phụ nên khấn trời xin bói, hễ phương nào phá được thì cứ theo phương ấy mà phá, thì có lối ra. Ta ra khỏi ngọn núi này thì chẳng còn lo ngại chi nữa!
Trương Thành nói:
- Công tử nói rất phải! Để tôi xin lấy đao phá một lối đi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng rút thanh bảo kiếm ra để chém các cây rậm. Chém một hồi lâu chỉ thấy lá rụng, còn gốc rắn kia thì không lay chuyển chút nào. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thở dài mà rằng:
- Hay là trời định hại cha con ta ở chỗ này đây. Cha con ta một lòng tận trung báo quốc mà chết như thế này thì tính danh cũng mai một với cây cỏ. Vả Trương Thành đây có tội tình gì, vì ta để lụy đến người, thành ra cùng chết.
Trương Thành nói:
- Trăm lạy vương gia! Sao vương gia lại nói như thế! Vương gia tận trung báo quốc thì tôi đây cũng tình nguyện tận trung để báo vương gia chứ sao!
Bỗng thấy Triệu Thụy gọi mà bảo rằng:
- Thân phụ ơi! Đã tìm thấy lối đi đây rồi!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vàng nghoảnh nhìn thì thấy mấy gai chỗ ấy phá đứt dễ lắm. Phía ngoài có một lối đi, rành rành vết chân người giẫm. Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ, vội gọi Trương Thành rồi mấy thầy trò cùng nhau phá rậm. Phá trong hồi lâu, thành được một lối đi. Trương Thành lại gánh đồ hành lý mà đi như trước. Mấy người đều bụng đói như cào. Triệu Thụy trông thấy núi cao cây lớn, mới nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
- Xin thân phụ hãy ngồi nghỉ đây, để con cùng Trương Thành đi tìm thức ăn lót dạ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa hỏi:
- Tìm đâu bây giờ?
Triệu Thụy trỏ phía trước mặt có hai con chim trĩ, rồi tức khắc giương cung ra bắn, hai con chim trĩ ấy rơi ngay xuống đất. Trương Thành đem mổ thịt, và dùng đá đánh lửa, lấy cành thông nướng hai con chim trĩ ấy để ăn. Quản chi sống chín dường nào, thôi cũng ăn cho đỡ đói. Hoàng Phủ Thiếu Hoa động lòng thương xót, lại thở dài mà than rằng:
- Không biết thượng hoàng ngày nay ở đâu. Ta đây còn có đứa con theo để cùng chia sự gian khổ, chứ như thượng hoàng thì chỉ có một mình nội giám Quyền Xương theo hầu. Vả lại mình già sức yếu, gần bảy mươi tuổi đầu, ăn đâu ngồi đâu, hay cũng gặp bọn gian ác lừa lấy hết tiền của rồi. Giả sử có sự hiểm nguy thì thượng hoàng sức yếu như sên, Quyền Xương còn làm chi nổi. Càng nghĩ càng thêm nóng ruột, bên trời góc bể, bấy giờ ta biết tìm đâu! Thượng hoàng ơi! Chẳng hay thượng hoàng nghĩ thế nào lại bỏ nước mà đi, để gây ra cuộc tang thương này. Mạnh Lệ Quân dẫu tiến kinh, nhưng chẳng bổ ích được việc gì mà nghe đâu lại bị giam cấm. Phi Giao ơi! Mẹ đẻ mày ra mà mày còn nhẫn tâm như thế, đủ biết những cách mày đối đãi với thái hậu ở trong cung. Vợ chồng Hùng vương có lẽ mày đã bức tử rồi. Nếu quả như thế thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa này dẫu xả thây trăm mảnh, cũng không đủ chuộc tội. Tô Ánh Tuyết cùng Lưu Yến Ngọc ở nhà tất cũng bội phần thương xót, vì con trai mỗi người một ngả, mà con Phi Loan kia bây giờ cũng không hiểu tin tức ra làm sao. Trời ơi! Chín khúc sầu trường, thật đau như cắt, ta chỉ mong sau cho tìm thấy thượng hoàng thì muôn việc đều được ổn thỏa, không ngờ mấy năm lặn lội mà phương trời thăm thẳm, tịt mù nào thấy bóng hồng. Trời ơi! Ta còn muốn đâm cổ chết đi cho rồi, nhưng tội ác vẫn còn bề bề thì chết sao cho thoát. Vả chết một cách không minh bạch như thế, người đời không biết, lại nghi cho ta là kẻ sợ họa liều mình.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đang âu sầu ngẫm nghĩ thì ngũ lang Triệu Thụy và Trương Thành tươi cười chạy đến mà bẩm rằng:
- Đi khỏi đây độ hai mươi dặm thì tức là Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, ta tìm đến đấy, rồi nghỉ một vài ngày mới được.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Ngũ Đài Sơn kia có Hợp Tôn đại sư tu ở đấy. Năm xưa ta đã có một lần theo thượng hoàng và thái hậu đến thiêu hương tại chùa ấy. Sư cụ Hợp Tôn biết mặt thượng hoàng, ta chắc thượng hoàng chẳng đến đấy đâu!
Triệu Thụy nói:

- Thân phụ ơi! Dẫu thượng hoàng không đến đấy nữa, ta cũng cứ đến để nghỉ ngơi mấy ngày.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe lời lại đứng dậy đi. Đi độ mười dặm đường, trông thấy trước mặt có mấy chữ vàng đỏ chói, đó tức là “Ngũ Đài Sơn” thẳng giữa có chín bậc xây cao, hai bên có nhiều người canh giữ. Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa tới nơi thì có người giám tự chạy ra hỏi rằng:
- Tiên sinh tự đâu đến đây? Xin bảo cho biết họ tên để tôi ghi vào sổ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp rằng:
- Tôi tự Hồ Bắc tới đây, sư phụ ở đây tức là bạn cũ của tôi.
Người giám tự nghe nói vội vàng mời vào ngồi ở chốn tây hiên mà bảo rằng:
- Mời tiên sinh hãy ngồi đây, để tôi vào bẩm sư phụ.
Nói xong, truyền người pha trà, rồi đi trở vào. Hồi lâu, thấy có một vị tăng nhân trẻ tuổi bước ra, tươi cười mà hỏi rằng:
- Chẳng hay quý tính phương danh người là gì, xin người cho biết, tiểu tăng đây tức là một người giữ về việc tiếp khách vậy. Bây giờ mời người theo tôi vào nội viện.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại theo như lời hôm trước mà nói họ tên quê quán cho vị tăng nhân ấy nghe, và nghoảnh lại bảo ngũ lang Triệu Thụy và Trương Thành rằng:
- Các ngươi hãy ngồi đây đợi ta, để ta vào trước.
Nói xong, liền theo vị tăng nhân ấy vào nội viện, để bái yết sư cụ. Đi qua các nơi phật điện, trông thấy toà rộng dãy dài trên tam bảo đèn thắp sáng choang, câu đối hoành phi thiếp vàng đỏ ối. Trong nội điện có một vị cao tăng ngồi giữa có các đệ tử đứng hầu chung quanh. Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước vào cúi chào mà rằng:
- Sư phụ ơi! Hoàng Phủ Thiếu Hoa này cách biệt tôn nhân đã gần mười năm nay, chẳng hay sư phụ có còn nhớ được không?
Sư cụ Hợp Tôn đáp:
- Sao tôi lại không nhớ! Tôi vẫn đêm ngày mong vương gia đến để đón thượng hoàng về.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói mừng rỡ xiết bao, liền sụp xuống đất lạy. Sư cụ Hợp Tôn cũng đáp lễ lại, rồi mời ngồi nói chuyện. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Dám bẩm sư phụ! Sư phụ bảo tôi đón thượng hoàng về, chẳng hay bây giờ thượng hoàng ở tại đâu? Xin sư phụ chỉ giáo cho biết, để tôi đi tìm đón.
Sư cụ Hợp Tôn cười mà đáp rằng:
- Can chi phải tìm! Thượng hoàng đến đây đã tám năm nay, hiện nay vẫn ở trong một cái phòng, quyết chí tu hành, những muốn thoát vòng trần tục. Khi thượng hoàng mới đến đây, đã nhất định xin thế phát, lão tăng này cố can mãi mới thôi. Nội giám Quyền Xương sức yếu tuổi già, hồi ba năm trước đã tạ thế, an táng tại phía sau núi. Thượng hoàng bội phần thương xót, tuế thời vẫn ra cúng tế Quyền Xương. Lão tăng này đã nói để thượng hoàng biết rằng: “Thượng hoàng còn vướng nợ hồng trần trong hai mươi năm nữa, rồi mới trọn được kiếp tu. Nhưng thượng hoàng nhất định khép cửa phòng thu, từ nay không nghĩ chi đến việc trong nước. Lão tăng này đã biết trước rằng thế nào vương gia tất phải đến đây. Mạnh Gia Linh tướng công chẳng bao lâu nữa rồi cũng tìm đến. Bấy giờ các ngài đón long giá về thì việc nước được yên mà thiên tử có cơ phục vị vậy.
Sư cụ Hợp Tôn nói xong, lại thở dài mà rằng:
- Hoàng Phủ Tương vương ơi! Các bậc trung thần về đời Nguyên này còn ai hơn vương gia nữa!

Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng quá, không còn biết nói thế nào cho được, chi chắp tay mà lạy tạ sư cụ Hợp Tôn. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nói :
- Xin sư phụ cắt người đưa tôi vào, để tôi được triều kiến thượng hoàng.
Sư cụ Hợp Tôn sai một người tiểu đưa Hoàng Phủ Thiếu Hoa vào nơi đông phòng tại phía nhà hậu. Khi vào tới nơi, thấy cửa phòng khép chặt, trên cửa sổ có đề ba chữ: “Ẩn lạc cư”. Người tiểu đến gần, khẽ lấy tay gõ thì có một tên thư đồng ra mở.
Tên thư đồng hỏi:
- Tiên sinh có việc chi?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa rảo bước chân vào, trông thấy giữa phòng kê một cái giường trên giường có một tăng nhân đang ngồi nhắm mắt. Vị tăng nhân ấy dẫu ăn mặc nâu sồng nhưng mắt phượng râu rồng, trông vẫn ra một vị thiên tử. Bây giờ vị tăng nhân ngồi xếp bằng tròn, hai tay chắp vào trước ngực, mắt nhắm như người ngủ, chỉ hơi thoi thóp thở. Hoàng Phủ Thiếu Hoa trông thấy quả thật là thượng hoàng không sai, vội vàng quì ở bên cạnh giường mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Kẻ hạ thần này là Hoàng Phủ Thiếu Hoa ngày nay được triều kiến long nhan ở đây, tưởng tượng khác nào tái thế! Chẳng hay thượng hoàng vì cớ gì mà lại bỏ nước mà đi, không nghĩ chi công lao khai sáng của đức thế tổ thuở trước. Ngày nay thái hậu ngọa bệnh, thiên tử vô quyền. Chu vương còn nhỏ, hai thái phi và hai người công chúa thì ngày đêm nhớ mong thương khóc, mà sao thượng hoàng lại nỡ dứt tình! Thượng hoàng ơi! Tấm lòng tưởng vọng của thiên hạ thần dân trong bấy lâu nay, kẻ hạ thần thiết nghĩ thượng hoàng cũng chớ nên cô phụ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vừa nói vừa khóc, khiến cho thượng hoàng đang nhắm mắt để ngồi nhập định cũng phải giật mình.
Lại nói chuyện thượng hoàng từ khi bỏ đi, cùng nội giám Quyền Xương bàn định không biết đi về phương nào. Nội giám Quyền Xương quì xuống tâu rằng:
- muôn tâu thượng hoàng! Chỗ khác chẳng những thượng hoàng không hiểu, mà kẻ hạ thần cũng không thuộc đường, chỉ có Ngũ Đài Sơn là một nơi kẻ hạ thần đã hai lần được theo giá đến đấy, vậy kẻ hạ thần thiết tưởng thượng hoàng đến đấy là hơn. Sư cụ Hợp Tôn khi trước đã biết thượng hoàng đến tất người phải trọng đãi.
Thượng hoàng phán rằng:
- Đã đành đến đấy là tiện, nhưng ta e đường sá gần gụi, nếu có người biết thì chúng lại kéo đến mà nhiễu ta.
Nội giám Quyền Xương tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Bây giờ thượng hoàng hãy tạm lên Ngũ Đài Sơn, rồi vài ba năm nữa, kẻ hạ thần sẽ lần mò tìm đường nhận lối, bấy giờ lại đi sang tỉnh khác.
Thượng hoàng khen phải, liền thẳng đường đi lên Ngũ Đài Sơn. Khi đi tới nơi, thượng hoàng khai tên là Nguyên Uy, tình nguyện xuất gia và xin sư phụ thế phát. Sư cụ Hợp Tôn trông thấy, mời thượng hoàng ngồi, bảo đồ đệ lui ra cả, rồi cúi đầu sụp lạy, khiến cho thượng hoàng cùng nội giám Quyền Xương đều giật mình kinh sợ, phục sư phụ là một bậc tiên tri. Thượng hoàng vội vàng đỡ dậy mà bảo rằng:
- Sư phụ ơi! Tôi đây vì mến cảnh Phật mà xin đến tu hành, có phải đế vương gì đâu, sao sư phụ lại nhận lầm như thế? Hoặc giả khổ mặt tương tự đó chăng, đức Khổng Tử thuở xưa cũng có người nhận lầm là Dương Hổ.
Sư cụ chắp hai tay vào trước ngực mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Lão tăng này đã sửa soạn sẵn một nơi đông phòng để đợi thượng hoàng đó. Vận mệnh nước nhà ngày nay tất phải biến loạn trong mười năm trời, nhưng nhờ có bậc trung thành thì về sau cũng dẹp yên được. Bây giờ thượng hoàng cứ ở đây tĩnh dưỡng, còn việc thế phát thì lão tăng này xin can. Phi Giao hoàng hậu nguyên xưa là con xích giao ở Đông hải, giáng sinh làm Ô Tất Khải nguyên soái. Khi xuất hiện nguyên hình thì bị Hùng Hiệu chém chết tại trên mặt bể, rồi mổ lấy hạt châu. Vì thế con xích giao sinh oán, lại đầu thai vào nhà Hoàng Phủ định làm cho nhà Hoàng Phủ và nhà họ Hùng phải tuyệt diệt mới nghe. Nhưng chẳng qua cũng là một sự báo phục, vì thuở xưa thượng hoàng đam mê phong nguyệt, may mà Mạnh Lệ Quân giữ được trinh tiết, nếu không thì giang sơn Nguyên triều còn đâu đến ngày nay. Thế mới biết thiện ác báo ứng rành rành, chỉ mang lòng hiếu sắc trong nhất thời mà thành ra cũng có di họa. Tuy vậy tổ tôn công đức muôn đời chưa hết, bần tăng dám xin thượng hoàng cứ ở đây tĩnh dưỡng, còn nhiều hưởng phúc về sau.
Thượng hoàng nghe xong, chưa kịp trả lời thì sư cụ Hợp Tôn gọi đồ đệ đến, bảo đưa thượng hoàng vào nơi đông phòng. Nội giám Quyền Xương cũng theo vào, nằm một cái giường nhỏ bên cạnh. Bao nhiêu khí cụ vật dụng, đã sửa soạn sẵn sàng. Sư cụ Hợp Tôn lại cắt hai tên tiểu đồng hầu hạ thượng hoàng, lại cắt mấy người đầu bếp để nấu cơm ngự thiện. Thượng hoàng vốn là người thông minh, cho nên sư cụ Hợp Tôn giảng thuyết những chân lý trong kinh Phật, thượng hoàng đều hiểu cả. Bấy giờ thượng hoàng trần tâm rũ sạch, tam qui ngũ giới, chỉ theo phép nhập định mà nhắm mắt ngồi suốt ngày. Trong lòng đã giữ được anh nhàn thì tự khắc tấm thân khoan khoái lạ thường, tránh khỏi hết các bệnh tật. Một hôm thượng hoàng đang ngồi nhập định, bỗng có tên tiểu đồng vào báo rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Nội giám Quyền Xương tự nhiên vô bệnh mà hết. Sư phụ tôi đã sửa soạn các đồ khâm liệm quan quách, định đem an táng tại phía sau núi, vậy có sai tiểu tăng này đến tâu thượng hoàng.

Thượng hoàng nghe lời ứa hai hàng nước mắt xuống, khóc mà bảo rằng:
- Quyền Xương ơi! Vì ta mà làm di lụy đến nhà ngươi, khiến nhà ngươi phải bỏ thân chỗ này!
Thượng hoàng ngẫm nghĩ thương tình, lại vật mình lăn khóc. Sư cụ Hợp Tôn tìm lời khuyên giải, dần dần mới được nguôi lòng, nhưng lúc nào nghĩ đến việc nước nhà thì lại không ngăn được giọt lệ. Một hôm sư cụ Hợp Tôn vào tâu với thượng hoàng rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Ách vận mười năm của thượng hoàng đã gần qua. Xin thượng hoàng từ nay bất tất phải than phiền nữa!
Sư cụ Hợp Tôn dẫu tâu như vậy, nhưng thượng hoàng vẫn theo cách tham thiền mà hàng ngày chắp tay ngồi nhắm mắt, bỗng nghe thấy có tiếng người khóc nức nở, vội vàng mở mắt ra nhìn. Khi nhìn thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì thượng hoàng kinh ngạc mà ngẩn người ra, không biết nói thế nào cho được. Trong lòng ngẫm nghĩ lại càng chua xót muôn phần. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì cứ ôm chân thượng hoàng mà nức nở khóc hoài. Thượng hoàng cầm lấy tay Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi bảo rằng:
- Quốc cữu ơi! Chẳng hay ai bảo mà quốc cữu đến đây!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe tiếng nói, lại càng mừng rỡ bội phần, nét mặt tươi cười, liền phủ phục xuống đất lạy. Thượng hoàng dắt tay Hoàng Phủ Thiếu Hoa bảo ngồi một bên giường, rồi thở dài mà rằng:
- Quốc cữu ơi! Quốc cữu thật là một người tận trung báo quốc, thế gian ít có! Sự thế bề ngoài trong mười năm nay những thế nào ta đã hơi hiểu, vì sư cụ Hợp Tôn đây đã thuật rõ cho ta nghe, nhưng còn tình hình bề trong thì quốc cữu nên nói để ta biết.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Khi kẻ hạ thần nghe tin thượng hoàng xuất du thì tức khắc bỏ nhà đem một đứa con nhỏ đi tìm thượng hoàng. Nội nhân kẻ hạ thần cũng tiến kinh để tìm cách khuyên can con Phi Giao. Kẻ hạ thần đi khắp trong chín tỉnh, cả thảy hơn mười vạn dặm, nghe lời truyền thuyết thì câu được câu chăng? Người thì nói nội nhân kẻ hạ thần đang bị giam cấm; người thì nói hiện đã cùng vợ chồng Hùng vương đều bị xử tử rồi; người thì nói thái hậu lâm triều; người thì nói thiên tử thoái vị. Kẻ hạ thần chỉ cốt một lòng đi tìm thượng hoàng, cho nên những lời đồn nhảm đều không hỏi đến. Kẻ hạ thần thấy sư cụ Hợp Tôn ở Ngũ Đài Sơn này vốn là cố nhân thuở trước, vẫn tưởng rằng thượng hoàng vị tất đã có đến dây, cho nên cứ đi tìm những đâu đâu, nếu biết thế này thì rước thượng hoàng về đã lâu, can chi triều chính đến nỗi nhiều điều rắc rối.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại thuật đến chuyện bị nạn tại Ngõa Cương tự vừa rồi để thượng hoàng nghe và tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Trong khi nguy cấp, vào sinh ra tử, kẻ hạ thần ngờ đâu còn có ngày nay!
Thượng hoàng thở dài mà than rằng:
- Quốc cữu đã có lòng tận trung báo quốc như thế, tất quỷ thần cũng phải ủng hộ, khiến cho được tai qua nạn khỏi, há phải là việc ngẫu nhiên! Bây giờ ta về cũng không khó gì, nhưng ta còn mặt mũi nào mà trông thấy thái hậu cùng các quan văn võ triều thần nữa. Đứa con nhỏ của quốc cữu đâu, sao không bảo vào đây!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Đứa con nhỏ của kẻ hạ thần hãy còn bé dại, cho nên không dám tự tiện đem vào.
Thượng hoàng gọi ngũ lang Triệu Thụy vào. Triệu Thụy quì lạy làm lễ triều kiến, thượng hoàng vui cười mà phán rằng:
- Khá khen thay tường lân thụy phượng, sao khéo sum họp vào một nhà.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa khóc mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Kẻ hạ thần vô phúc mà sinh con Phi Giao, để gây vạ cho nước nhà, tội ác tày trời ấy biết biết bao giờ mà chuộc lại được!
Thượng hoàng thở dài mà than rằng:
- Sinh con ai có sinh lòng. Vua Nghiêu thuở xưa bất hạnh sinh ra Đan Chu cũng không thể sao mà cảm hóa được.
Trong khi vua tôi đang cùng nhau đàm luận thì tên tiểu đồng vào dâng cơm chay. Thượng hoàng truyền cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa và ngũ lang cùng ngồi ăn cơm, nhưng cha con Hoàng Phủ Thiếu Hoa không dám ngồi,, chỉ xin đứng hầu cơm ở bên cạnh.
Khi thượng hoàng dùng cơm xong, cha con Hoàng Phủ Thiếu Hoa mới theo tên tiểu đồng sang phòng bên ăn cơm. Cơm xong, lại vào hầu chuyện thượng hoàng, cùng nhau kể lể những nông nỗi sau khi tương biệt. Hôm ấy vua tôi trò chuyện suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại cố sức tâu xin thượng hoàng về triều, nhưng thượng hoàng vẫn nhất định từ chối. Khi thụ trai xong, bỗng thấy sư cụ Hợp Tôn đưa Mạnh Gia Linh tướng công vào. Mạnh Gia Linh trông thấy thượng hoàng, vội vàng chạy đến hai tay ôm lấy rồi reo lên rằng:

- Trời ơi! Ai ngờ bây giờ còn được trông thấy mặt trời!
Thượng hoàng động lòng thương xót, nhưng cố gượng cầm nước mắt, rồi khẽ cất tiếng mà phán rằng:
- Tiên sinh phải lặn lội đường trường, dầm mưa dãi gió, đều là lỗi tại ta đó!
Mạnh Gia Linh tướng công sụp lạy, làm lễ triều kiến. Sự vui sướng ấy kể sao cho cùng! Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng cúi chào Mạnh Gia Linh, rồi dắt ngũ lang đến cùng làm lễ tương kiến. Sư cụ Hợp Tôn chắp tay vào trước ngực mà tâu thượng hoàng rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Ngày nay Mạnh Gia Linh tướng công đúng hẹn tới đây, đó là những việc bần tăng này đã biết trước cả. Ách vận nước nhà đã qua khỏi, thượng hoàng nên mau mau về triều. Mạnh Gia Linh tướng công đến đây cũng có quân sĩ đi theo, vậy sáng mai được giờ tốt lành, xin long giá trở về kinh địa.
Thượng hoàng thở dài mà phán rằng:
- Về làm gì! Bây giờ ta về trong triều rất lấy làm hổ thẹn, vua chẳng ra vua, Phật chẳng ra Phật, luống để một trò cười cho đời sau. Hoàng Phủ quốc cữu ơi! Mạnh tiên sinh ơi! Hai người cứ về tâu với thái hậu, để một mình ta tu hành ở đây, đã tu thì tu cho trọn.
Thượng hoàng nói xong, mặt rồng có vẻ thảm đạm. Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Mạnh Gia Linh đồng thanh mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Các đế vương từ xưa tới nay, có ai lại bỏ nước đi tu hành bao giờ! Ngày nay thượng hoàng giáng dụ như thế thì thiên hạ thần dân tài nào không sinh lời dị nghị, nhưng việc ấy còn là việc nhỏ, đến khi việc “Tam cương bất chính” thì kẻ hạ thần rất lấy làm một việc đáng lo! Thượng hoàng quyết chí tu hành dẫu lập địa thành Phật mặc lòng, chỉ e sử bút sau chép việc Nguyên triều, giữ sau cho khỏi di xú.
Hai vị đại thần tâu xong, cùng nức nở khóc hoài. Thượng hoàng nín lặng không nói câu gì, nhưng hai hàng nước mắt cũng ròng ròng chảy xuống. Sư cụ Hợp Tôn lại đứng dậy chắp tay mà tâu:
- Muôn tâu thượng hoàng! Bần tăng xin hiến một lời. Việc truyèn ngôi dẫu là một chuyện rất quý, nhưng thiếu đế hãy còn nhỏ tuổi thì tài duyệt lịch chưa đủ, khó lòng tránh khỏi được sự sai lầm. Vả việc xuất du cũng là việc bất đắc dĩ. Nếu bây giờ thượng hoàng quyết đoán mà giáng chỉ tuyên dụ thì Phi Giao hoàng hậu khi nào lại dám lộng quyền. Thượng hoàng đã quá ư nhân từ, không muốn nhìn thấy cảnh cốt nhục tương tàn, nên mới đoạn tuyệt tình duyên mà tìm nơi thanh tịnh. Thượng hoàng ơi! Thượng hoàng làm chủ tể trong thiên hạ mà có lòng nhân từ thì muôn dân sẽ được đội đức nhuần ơn, nhưng thượng hoàng nỡ lòng nào để cho trong nước xảy ra bao nhiêu nỗi biến loạn. May mà có nhà Hoàng Phủ tận trung báo quốc, nếu không thì giang sơn Nguyên triều còn ra thế nào. Vả các vua đời xưa, cũng có nhiều ông bỏ nước đi tu, nào đã mấy ai trông thấy sự bổ ích. Lão tăng này chẳng qua cũng chỉ vì thân thế trắc trở mà tìm cách cẩu hoạt, chứ lòng nào đã dám mong đến sự thành Phật thành tiên. Lão tăng tu luyện hơn ba mươi năm nay, những việc tương lai cũng hơi biết đôi chút, khi thượng hoàng mới đến, lãi tăng đã tâu hết mọi lẽ. Sau một lần Mạnh Gia Linh tướng công có tới đây nhờ bói thì lão tăng có hẹn cách ba năm nữa rồi sẽ đến đây. Bởi vậy Mạnh Gia Linh tướng công đúng hẹn tìm đến, lại vừa gặp cả Hoàng Phủ Tương vương. Ngày nay ách vận đã qua, xin thượng hoàng nên mau mau về triều, phúc nước lộc trời, trong hai mươi năm nữa, lão tăng sẽ được hội ngộ.
Nói xong, lại lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Lão tăng đã chọn được ngày mai là ngày đại cát, xin thượng hoàng kíp nên phản giá.
Thượng hoàng thở dài mà than rằng:
- Sư phụ đã dạy như thế thì tôi xin vâng lời, nhưng trong mười năm nay tôi chịu ơn sư phụ khoản đãi, không biết lấy chi mà báo đáp lại. Vậy từ nay bao nhiêu thuế má ở Ngũ Đài Sơn này xin miễn tất cả, khiến các tăng nhân sau này đời đời vẫn nhớ ân trạch của sư phụ để lại cho.
Sư cụ Hợp Tôn chắp tay mà cảm tạ thượng hoàng. Hơn năm trăm tăng nhân ở chùa ấy nghe lời phán chỉ, đều lấy làm hoan hỉ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Gia Linh thấy thượng hoàng nhận lời về triều, mừng rỡ không biết dường nào, mới cùng nhau sửa soạn để ngày hôm sau đi hộ giá. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại sai người đi mua các đồ lễ vật để cùng Mạnh Gia Linh ra tế mộ Quyền Xương. Khi đã tới nơi, hai người sụp lạy khóc lóc thảm thiết. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại sai Trương Thành tức khắc tiến kinh để báo trước cho thái hậu biết. Mạnh Gia Linh cũng sai mấy viên gia tướng phi báo cùng các quan văn võ sở tại, hẹn đúng đầu canh năm hôm sau phải đến nghênh tiếp thánh giá, nếu ai không đến sẽ có trọng tội. Mấy viên gia tướng vâng mệnh lên ngựa đi ngay. Trong chùa bấy giờ cũng sửa soạn các đồ tràng phan bảo cái, huyên náo lạ thường. Các tăng nhân đều thay áo cà sa mới, rung chuông đánh trống để lên lạy mừng thượng hoàng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Gia Linh đều quì xuống đất, hai tay dâng bộ áo long bào. Ngũ lang thì đến cạnh thượng hoàng, cởi bộ tăng nhân ra, để lại mặc đủ ngự phục như trước. Thượng hoàng tay cầm chiếc mũ ni, thở dài mà phán rằng:
- Mũ ni ơi! Mũ ni ơi! Ta chán chốn bụi trần mà muốn đến đây để làm bạn với nhà ngươi, không ngờ phúc thanh phàn nay đã thành ra vô dụng. Vậy thì ta hãy tạm cùng nhà ngươi từ giã, nhưng sau này nhà ngươi tất phải tuẫn táng ( là đem chôn theo trong khi vua băng hà) theo ta.
Sư cụ Hợp Tôn đem bộ áo tăng nhân của thượng hoàng mặc xếp vào một cái rương nhỏ.Khi thượng hoàng thay mặc bộ áo long bào rồi ngồi ở trên giường, trông nghiễm nhiên là một bậc thánh minh thiên tử. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Gia Linh lại sụp lạy, chúc câu “Vạn tuế”. Thượng hoàng truyền bảo Mạnh Gia Linh rằng:
- Mạnh tiên sinh ơi! Tiên sinh nên thảo ngay một tờ chiếu thư đưa về kinh thành trước, để cho thái hậu được yên lòng.
Mạnh Gia Linh tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng! Quốc bảo không có đây thì làm thế nào mà tả chiếu thư cho được, vậy kẻ hạ thần hãy xin viết một bản tâu sai người phi báo về kinh thành.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui