Quan Lương thừa tướng ở trong thành cưỡi ngựa ra đến bờ sông trông thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa, vội vàng xuống ngựa rồi nói:
-Tôi dở bận chút việc trong nội các, thành ra không kịp bái biệt lão vương. Khi hai cung giá hồi, bà thái hậu bỗng hôn mê hồi lâu, quan thái y tâu rằng “Lục mạch hư nhược, khó chữa lắm”. Bởi vậy thánh thượng sai tôi ra đây mời Mạnh vương phi vào ngay để bắt mạch, xin vương phi tức khắc khởi hành.
Mạnh Lệ Quân vương phi lên ngựa ra roi phóng thẳng một mạch vào thành. Vua Anh Tôn và Hùng hậu ở trong cung mong đợi Mạnh Lệ Quân không biết dường nào, sai nội giám ra cửa trông ngóng. Các quan thái y cũng đều túc trực tại đấy, không ai dám về. Đợi đến giờ thân, mới có tin báo là Mạnh Lệ Quân đã về tới nơi. Vua Anh Tôn mừng rỡ bội phần, tức khắc truyền chỉ miễn lễ triều kiến cho Mạnh Lệ Quân, và ban cho một chiếc ngọc câu mã, để Mạnh Lệ Quân cưỡi mà đi thẳng vào nam nội thăm bệnh thái hậu.
Khi nào tới nơi, trông thấy vua Anh Tôn và Hùng hậu đều đứng cạnh giường thái hậu, nước mắt ròng ròng. Vua Anh Tôn cứ ôm lấy thái hậu mà gọi, gọi hồi lâu cũng không thấy trả lời. Mạnh Lệ Quân giật mình kinh sợ, chẳng còn hồn vía nào, nhưng cố trấn tỉnh tinh thần, để quì xuống bắt mạch. May sao chứng bệnh không nguy lắm, chẳng qua chỉ vì khí uất, thành ra cấm khẩu.
Mạnh Lệ Quân vương phi mới tâu vua Anh Tông và Hùng hậu rằng:
- Xin thánh thượng và hoàng hậu cứ yên lòng, bệnh chứng không nguy lắm.
Nói xong, liền phụng kê một đơn thuốc. Vua Anh Tôn truyền một mặt sắc thuốc để thái hậu uống, và một mặt tâu trình để thượng hoàng biết. Thượng hoàng nghe lời tâu liền truyền cho Mạnh Lệ Quân phải ở luôn tại trong cung để nghe bệnh, còn thánh thượng và hoàng hậu cũng phải đến để trông nom.
Mạnh Lệ Quân ở đấy trông nom thuốc thang, thấm thoát thành ra đã đầy hơn một tháng trời chưa về tới nhà. Bấy giờ thái hậu bệnh thể hơi bớt, đã ngồi dậy được, trong Tam cung lục viện đều lấy làm vui mừng. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy Mạnh Lệ Quân không về thì ngày nào cũng chực ngày cửa cung, để hỏi thăm tin tức của Thái hậu ra sao, nhưng vẫn không dò la được đích thực, kẻ thì nói bệnh thế đã hơi bớt, kẻ thì nói bây giờ lại nguy kịch hơn.
Từ khi Mạnh Lệ Quân vắng nhà, các con trong nhà sinh ra hiềm khích lẫn nhau, Triệu Câu vốn là người chính trực xưa nay, chỉ hay giảng đạo đức luôn mồm, không hợp tính với Phi Giao quận chúa. Còn Phi Giao quận chúa thì không chịu ngồi yên ở trong phòng mấy khi. Khi thì đánh đu ở ngoài vườn, khi thì bơi thuyền dưới ao, khi thì trèo lên kim tiền để bắn chơi, khi thì đem ngọc tiêu ra tập thổi, lại có khi lập ra khúc hát để dạy các tỳ nữ múa hát, v.v...Các tỳ nữ hễ đứa nào hơi trái ý một chút thì Phi Giao quận chúa dùng ngay cái thế lực “bà chúa mây” để ra oai, mà đã đánh ai thật đánh cho kỳ chết. Nói tóm lại Phi Giao quận chúa là một người võ tướng chứ không có chút gì là liễu bồ yếu đuối vậy. Phi Giao quận chúa xưa nay vẫn bị cha mẹ nghiêm cấm, không dám ra ngoài qui củ, bấy giờ gặp dịp cha mẹ đều vắng nhà cả, mới tha hồ mà tung hoành. Trong một tháng trời ấy, không hề bước sang đến cung Hoàng Phủ Thiếu Hoa ở, chỉ suốt ngày hành hạ các nữ tỳ. Triệu Câu đã nhiều lần can ngăn mà Phi Giao quận chúa không nghe lại lấy làm giận. Một hôm Phi Giao quận chúa vào chỗ giá sách, thấy có cái hộp, ngoài bọc lần gấm, liền mở ra xem thì cái hộp ấy khóa chặt. Phi Giao quận chúa nghĩ thầm:
“Quái lạ! không biết cái gì ở trong này. Làm thế nào được chìa khóa mà mở ra xem thì hay nhỉ.”
Bấy giờ có một nữ tỳ tên gọi là Hoa Nô đứng cạnh. Hoa nô rất lanh lợi, Phi Giao quận chúa vẫn có lòng yêu nói, mà nó lại hay tâng công. Khi nó trông thấy Phi Giao quận chúa ngắm nghía cái hộp, ra ý muốn mở xem thì nó liền nghĩ ra kế mà thưa rằng:
- Quận chúa muốn xem thì con đi lấy chùm chìa khóa, thử mở xem có cái nào vừa chăng.
Nói xong, chạy đi lấy chùm chìa khóa, ướm hết cái nọ đến cái kia, bỗng gặp một cái mở vừa cái hộp. Khi mở hộp ra xem thì trong có hai quyển binh thư. Phi Giao quận chúa mừng rỡ mà rằng:
- À! Cái này là binh thư của thân phụ ta từng đọc thuở xưa đây! Thân phụ ta thường nói những khoa học bí diệu này không nên để cho con cháu xem, vì sợ con cháu hiểu được pháp thuật, không theo chính đạo, lại sinh sự hung cường chăng. Từ bấy đến nay, ta vẫn không biết thân phụ ta giấu ở chỗ nào, ngày nay tình cờ lại bắt gặp thật là may mắn lắm. Trong hai quyển này có đủ các phép hô phong hoán vũ, chỉ đọc hết hai quyển, đủ làm một danh tướng “Bách chiến bách thắng” vậy.
Nói xong, liền cất lấy hai quyển binh thư ấy, lại khóa hộp để nguyên như cũ, rồi đem hai quyển binh thư về phòng mình châm đèn ngồi xem. Phi Giao quận chúa vốn là người thông minh lạ thường, xem luôn trong ba đêm, bao nhiêu pháp thuật nhớ thuộc lòng cả. Phi Giao quận chúa có tám tên nữ tỳ theo hầu, đều bắt học múa gươm đấu giáo. Hễ đứa nào nghe lời dạy mà không hiểu thì Phi Giao quận chúa lại nổi giận đánh đập một cách rất khổ sở.
Phi Loan quận chúa thấy vậy, liền khuyên bảo rằng:
- Em không nên nóng nảy như thế. Chúng ta là phận nữ lưu, nên học các việc nữ công thêu thùa nấu nướng là phải. Còn việc văn chương thi phú và kiếm kích cung đao, há phải là việc nữ lưu, sao em lại cứ hàng ngày học tập những nghề ấy. Nếu cha mẹ biết, chắc cha mẹ không được vui lòng. Vả ngày nào em cũng đánh đập các nữ tỳ, như thế thì sao hợp với tư cách một người khuê các vậy.
Phi Loan quận chúa nói xong thì Phi Giao quận chúa tức thì hầm hầm nổi giận, mặt đỏ bừng bừng, rồi quắc mắt lên mà rằng:
- Chị nói thật buồn cười! Từ khi tổ phụ và tổ mẫu trở về quê nhà, trong lòng em luống những buồn rầu tưởng nhớ, vậy phải nghĩ cách để tiêu khiển, nhưng cũng chưa hề có phạm đến “khuê trung nữ huấn” (1) bao giờ. Chị bảo rằng binh pháp không phải việc nữ lưu, thế thì cô nương nhà ta (2) khi trước sao lại đem thân ra chiến trận? Nếu không có nhờ cô nương thì thân phụ ta khi nào đã chóng thành đại công. Tẩy thị phu nhân và Bình Dương công chúa thuở xưa đều là những tay vũ dũng có tiếng, sao không thấy ai dị nghị điều chi vậy. Chị cũng khéo học đòi như lối anh em, chỉ “chi hồ dã giả” luôn mồm, rồi đồng lòng mà khinh rẻ em, em không thể nhịn được. Chị và anh đã coi em không ra gì thì nay em không có chị em anh em nào với ai nữa.
Phi Loan quận chúa cười mà bảo rằng:
- Sao em lại nói như thế! Tình chị em như tay chân, không bao giờ chị lại không quý em vậy. Em nghe hoặc chẳng nghe tùy ý, khi nào chị dám đồn lòng với anh mà khinh rẻ em.
Hai người nhũ mẫu cũng đồng thanh mà khuyên giải, bấy giờ Phi Giao quận chúa mới nín lặng, không nói câu gì. Bỗng thấy tỳ nữ vào báo rằng:
- Dạ dám bẩm hai quận chúa! Vương gia đã về, sai tôi vào gọi.
Phi Loan quận chúa và Phi Giao quận chúa mới cùng nhau tới Linh Phượng cung để bái yết Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Khi vào tới nơi, hai chị em đồng thanh mà rằng:
- Thân phụ ơi! Chẳng hay thái hậu đã thuyên bệnh chưa?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Nghe như bệnh thế cũng có phần thuyên giảm, nhưng vì cung cấm nghiêm mật, vẫn chưa được tin đích thực. Mẹ con đã một tháng nay không về, công việc trong nhà không có ai chủ trương biết làm thế nào?
Phi Giao quận chúa nghĩ thầm: “Ta ở nhà chỉ bị anh chị nay nói điều này mai nói điều khác rất là khó chịu, chi bằng ta xin vào thăm thái hậu để nói lót với thân mẫu, kẻo khi thân mẫu ta về, anh chị ta lại thi nhau mà mách”. Phi Giao quận chúa nghĩ vậy, mới tươi cười mà nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
- Không hiểu duyên cớ làm sao mà thân mẫu con lại ở trong cung bấy lâu ngày như thế! Hay là sáng mai thân phụ cho con vào cung thăm thái hậu, để con nói với thân mẫu con hãy tạm về nhà mấy hôm, hoặc có được chăng?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa gật đầu mà rằng:
- Ừ! Con nghĩ cũng phải! Từ khi thái hậu bị bệnh, thánh thượng chưa ra ngự triều lần nào, chẳng hỏi chi đến quốc chính cả. Lương thừa tướng và Mạnh thừa tướng phải thay quyền xử đoán, chỉ e người ngoài dị nghị, vẫn lấy làm lo sợ. Còn ta và Bình Giang vương đang bận về việc biên phòng. Con muốn tiến cung thăm thái hậu thì ngày mai nên dậy sớm mà đi.
Phi Giao quận chúa thấy cha thuận cho đi, mừng rỡ không biết dường nào. Sáng hôm sau, Phi Giao quận chúa dậy sớm, trang điểm rất lịch sự. Hoa cài lượt giắt, trong như một mỹ nữ trong bức họa đồ, thật là có vẻ nghiêng nước nghiêng thành vậy. Khi trang điểm xong, Phi Giao quận chúa vào nói với anh chị rồi bước ra lên xe, có các nữ tỳ theo hầu đi thẳng vào cung. Nội giám trông thấy, chạy vào tâu trước với thái hậu. Bấy giờ vua Anh Tôn và Hùng hậu đang vào vấn an, còn Mạnh Lệ Quân vương phi cùng Ôn phi và Mai phi thì đi ra cung khác. Thái hậu nghe báo có điệt nữ vào thăm mừng rỡ mà phán rằng:
- Hay lắm! Ta đang mong có thân thích vào để nói chuyện cho vui, lại được điệt nữ vào thì còn gì bằng.
Phi Giao quận chúa rón rén bước vào, trước làm lễ triều kiến thái hậu, sau làm lễ triều kiến vua Anh Tôn và Hùng hậu. Mặt tươi như hoa, da trắng như ngọc, dịu dàng mình liễu, thỏ thẻ tiếng oanh, thái hậu trông thấy rất lấy làm vui vẻ. Vua Anh Tôn liếc nhìn quận chúa rồi kinh ngạc mà nghĩ thầm rằng:
- Trẫm không ngờ Phi Giao quận chúa lại xinh đẹp đến như thế! Chẳng những trong tam cung lục viện không ai sánh kịp, mà so với nhan sắc của cữu mẫu khi xưa, cũng lại có phần hơn. Thiên hạ chẳng thiếu gì mỹ nữ, nhưng người này thật là tuyệt sắc trê đời! Trẫm vẫn tưởng nhan sắc Hùng hậu đã là xinh đẹp thay, nào biết đâu rằng hãy còn kém Phi Giao quận chúa.
Bấy giờ Hùng hậu dắt tay Phi Giao quận chúa ngồi ở bên cạnh thái hậu. Vua Anh Tôn bất đắc dĩ phải cáo từ thái hậu rồi lui ra. Chẳng qua tiền duyên túc đế chi đây, cho nên vua Anh Tôn trông thấy Phi Giao quâậ chúa lần đầu, mà đã hồn xiêu phách lạc vậy.
Thái hậu bảo Phi Giao quận chúa rằng:
- Điệt nữ ơi! Ta cách biệt con trong sáu năm trời nay, ngày nay ta bỗng được gặp mặt lấy làm vui mừng lắm. Nhan sắc con so với thuở nhỏ thật đã xinh đẹp hơn bội phần.
Nói chưa dứt lời thì Mạnh Lệ Quân vương phi đến, trông thấy Phi Giao quận chúa liền hỏi rằng:
- Con vào bao giờ thế!
Phi Giao quận chúa chưa kịp trả lời thì thái hậu cười mà bảo Mạnh Lệ Quân:
- Ngày thánh thoi đưa, chẳng bao lâu mà điệt nữ đã trưởng thành, trông chẳng khác gì vẻ mỹ lệ của em năm xưa vậy.
Hùng hậu cũng cười mà nói rằng:
- Cứ như ý con thiển nghĩ thì nhan sắc biểu muội ngày nay lại có phần sắc sảo hơn cữu mẫu thuở trước.
Các cung nữ pha trà uống, thái hậu hỏi thăm việc nhà, Mạnh Lệ Quân cũng hỏi. Phi Giao quận chúa ứng đối đều được trôi chảy mà rất có lễ phép. Thái hậu truyền bày tiệc cho Mạnh Lệ Quân và Phi Giao quận chúa cùng ngồi. Tiệc xong, Mạnh Lệ Quân cáo từ thái hậu xin trở về nhà.
Hùng hậu vội vàng tâu với thái hậu rằng:
- Muông tâu thái hậu! Biểu muội đã vào tới đây, con muốn lưu lại ở trong cung chơi bời mấy hôm, trước là để thái hậu vui lòng, sau là để con được tỏ tình thân ái xin thái hậu chuẩn cho.
Thái hậu đang yêu mến Phi Giao quận chúa, không muốn cho về, nghe lời tâu Hùng hậu, liền vui lòng mà chuẩn tấu ngay. Mạnh Lệ Quân không dám chối từ, mới bảo Phi Giao quận chúa ở lại trong cung, rồi cáo từ lui về. Khi về tới vương phủ, Phi Loan quận chúa cùng Triệu Câu, Triệu Lân mừng rỡ ra đón, lại vừa gặp Hoàng Phủ Thiếu Hoa ở trong triều ra, Mạnh Lệ Quân mới thuật chuyện thuốc thang trong một tháng trời cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe.
Mạnh Lệ Quân vương phi lại nói:
- Ngày nay thái hậu mới đi lại trong cung được, trông thấy Phi Giao vào, mừng rỡ không biết dường nào. Vậy hoàng hậu xin tạm giữ Phi Giao ở lại trong cung để được vui lòng thái hậu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói chưa kịp trả lời thì Triệu Câu liền nói:
- Thân mẫu ơi! Con thiết tưởng thân mẫu không nên đễ Phi Giao ở lại trong cung, vì ngày nay thánh thượng đang độ thanh niên, hành ngày vào vấn an thái hậu, há chẳng bất tiện lắm ru! Ta cũng nên lo về sự hiềm nghi ấy. Vả con gái cần phải nghiêm cấm tại chốn thâm khuê, chớ nên cho tự do như thế.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói gật đầu, Mạnh Lệ Quân vương phi cười mà bảo rằng:
- Con nói như thế cũng phải lắ. Nhưng ngặt vì thái hậu và hoàng hậu cứ ân cần bảo mãi, chẳng lẽ ta lại chối từ. Vả thái hậu đang trong khi có bệnh, chỉ muốn được người thân thích để chuyện trò, vậy để vài hôm nữa rồi ta sẽ cho người đón nó về.
Phi Loan quận chúa vẫn định mách cho Mạnh Lệ Quân biết tình hình Phi Giao quận chúa hành hung ở nhà, nhưng thấy Triệu Câu đã nói như thế, cho nên lại không nói nữa, đợi khi cha mẹ vắng cả mới đem việc Phi Giao quận chúa tập trận ở trong vường hoa và đánh đập các nữ tỳ nói cho Triệu Câu và Triệu Lân cùng nghe. Triệu Câu nghe nói thở dài mà than rằng:
- Con bé ấy nhiều khi nó nói năng không có khuê phạm nào nữa, thế mà cha mẹ cứ nuông chiều, không lâý làm nghĩ. Đáng lẽ phải nghiêm cấm ở trong gia đình mới phải, ngày nay cho nó vào trong cung, ta chỉ e đó là khởi đầu mối họa vậy. Ngày trước nó bàn việc Võ Tắc Thiên, ta đủ hiểu tâm tính nó.
Triệu Lân cười mà bảo rằng:
- Người ta ở đời, muôn việc chẳng qua cũng bởi trời cả, hà tất ta phải lo xa quá. Vua Thái Tôn há chẳng phải là bậc minh chủ mà không xét đoán được Võ tài nhân ( tức là Võ Tắc Thiên ), Lý Thuần Phong xem hiện tượng đã biết trước là đã có cái tai vạ ấy. Phi Giao không phải là đứa tầm thường, tôi thiết tưởng còn các quan triều thần, cũng hiếm có mặt nào đáng sánh đôi với nó.
Triệu Câu nói:
- Em biết xem tướng à?
Triệu Lân cười mà đáp rằng:
- Em chẳng nói dấu gì anh, nguyên trước Lưu mẫu dạy em cách xem tướng thì em cũng hơi hiểu được một vài.
Mấy anh em trò chuyện hồi lâu rồi ai về phòng nấy. Cách mấy hôm sau, Mạnh Lệ Quân vương phi vào cung, định đem Phi Giao quận chúa về, không ngờ xảy ra có một việc lạ thường. Vua Anh Tôn từ khi trông thấy Phi Giao quận chúa thì bỗng thành ra tương tư, đêm mơ ngày tưởng, chẳng thiết gì ăn uống chi cả. Suốt ngày chỉ âu sầu ngẫm ngĩ, không nói không rằng. Các cung tần mỹ nữ không hề hỏi han đến ai nữa. Mỗi sáng sớm vào vấn an mà gặp mặt Phi Giao quận chúa thì ruột tầm chín khúc, lại bối rối vò tơ.
Một hôm, vua Anh Tôn định vào cung thăm thượng hoàng, bỗng gặp Phi Giao quận chúa. Phi Giao quận chúa liền quì xuống đất, rồi thỏ thẻ tiếng oanh mà tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần thiếp là Hoàng Phủ Phi Giao xin kính chúc thánh thượng vạn tuế!
Vua Anh Tôn tười cười mà cầm lấy tay, Phi Giao quận chúa chối từ không dám rồi vừa nói vừa lùi. Khi vua Anh Tôn vào triều kiến thượng hoàng và thái hậu thì thượng hoàng và thái hậu cho ngồi, truyền cung nữ pha trà uống. Thượng hoàng cười mà bảo vua Anh Tôn rằng:
- Phi Giao đánh cờ cũng cao lắm, chẳng khác gì Mạnh Lệ Quân thuở xưa. Sắc ấy tài này, thật là một tay tuyệt phẩm.
Thượng hoàng lại bảo thái hậu rằng:
- Khen cho nhà Hoàng Phủ, trai anh hùng gái thuyền quyên, bao nhiêu tinh túy ở núi sông, tưởng chừng như chung đúc cả vào một nhà ấy.
Thái hậu nghe nói cũng tủm tỉm cười. Vua Anh Tôn tâu với thái hậu rằng:
- Muôn tâu mẫu hậu! Có phải cữu mẫu con mộng thấy xích giao mà sinh biểu muội con đó không?
Thái hậu nói:
- Phải! Cữu mẫu con khi trước mộng thấy con xích giao hóa làm con rồng rồi bay lên trời, bởi vậy mới đặt tên là Phi Giao.
Nói xong, liền ngoảnh nhìn Phi Giao quận chúa thì thấy quận chúa mặt tươi như hoa. Thái hậu ngẫm nghĩ khen thầm. Vua Anh Tôn chú ý nhìn Phi Giao quận chúa không hề chớp mắt.
Bỗng thấy nội giám quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng và thái hậu! Có hoàng hậu vào vấn an.
Thượng hoàng truyền cho vào, Hùng hậu rón rén bước vào, làm lễ vấn an rồi đứng ở bên cạnh giường. Phi Giao quận chúa cũng làm lễ triều kiến Hùng hậu. Hùng hậu đỡ dậy, rồi cười mà bảo rằng:
- Chị miễn lễ cho em.
Thượng hoàng cũng cười mà bảo vua Anh Tôn rằng:
- Chúng ta lui ra, để nhường cho bọn nữ lưu nói chuyện.
Nói xong, liền đứng dậy lui ra. Vua anh Tôn cũng lui theo ra, đưa thượng hoàng về cung, rồi vào ngồi tại Bảo Hòa điện. Nội giám dâng ngự thiện, vua Anh Tôn lấy tay gạt đi không ăn. Một mình ngẫm nghĩ, luống những âu sầu, chỉ thỏ dài mà không nói câu gì cả. Trong nội giám có một người tên gọi Mã Thuận, nguyên là đứa gian hiểm. Mã Thuận trông thấy vua Anh Tôn có vẻ âu sầu, liền quì xuống mà tâu rằng:
- Muông tâu bệ hạ! Ngày nay thái hậu đã bình phục như thường, đánh lẽ bệ hạ nên lấy làm mừng rỡ mới phải, cớ sao lại có sắc không vui mà bỏ cả ngự thiện. Hay là có điều gì chưa vừa ý thì bệ hạ chỉ thị cho kẻ hạ thần được biết.
Vua Anh Tôn ngoảnh nhìn bốn mặt vắng vẻ không ai, mới thở dài mà bảo Mã Thuận rằng:
- Nhà ngươi ở trong cung, hẳn đã biết tính trẫm. Trong mấy hôm nay trẫm có một việc đau lòng, nhà ngươi có biết không?
Mã Thuận tâu rằng:
- Muông tâu bệ hạ! Hay là hoàng hậu chậm chưa có hoàng tử?
Vua Anh Tôn nói:
- Không phải!
Mã Thuận lại tâu rằng:
- Hay là tại quốc chính bề bộn,bệ hạ phải khó nhọc về việc xử đoán.
Vua Anh Tôn nói:
- Quốc chính bề bộn đã có Lương thừa tướng, Mạnh thừa tướng và Hoàng Phủ quốc cữu xử đoán, trẫm có khó nhọc gì.
Mã Thuận lại tâu rằng:
- Thế thì kẻ hạ thần đoán ra rồi, chắc là tại trong sáu cung biết bao nhiêu là mỹ nữ, mà xe dê ít khi được dạo chơi.
Vua Anh Tôn lại thở dài mà phán rằng:
- Cũng không phải! Chánh cung hoàng hậu vốn là người hiền thục, vẫn thuờng khuyên trẫm đi dạo chơi các cung.
Mã Thuận lạy rập đầu mà tâu rằng:
- Muông tâu bệ hạ! Vậy thì xin bệ hạ chỉ thị cho kẻ hạ thần được biết.
Bấy giờ vua Anh Tôn lại thở dài một tiếng mà rằng:
- Trẫm kết duyên cùng hoàng hậu từ năm mười lăm tuổi, bấy lâu vẫn một lòng thân ái. Trẫm tưởng nhan sắc của hoàng hậu đã vào bậc tuyệt vời, cho nên không hề nghĩ ngợi đến ai nữa. Ngờ đâu mới rồi trẫm trông thấy Phi Giao quận chúa, thật là một bậc đắm nguyệt ngây hoa, chim sa cá lặn. Chẳng những trong sáu cung không ai sánh kịp, mà trẫm thiết tưởng thần tiên trên trời cũng đến mỹ lệ như thế là cùng. Bởi vậy trẫm sinh tình luyến ái mà thành ra tơ lòng bối rối khó gỡ đó.
Mã Thuận quì xuống mà tâu rằng:
- Muông tâu bệ hạ! Nếu vậy thì quận chúa vào cung, phong làm quí phi, thiết tưởng cũng là một bậc tông quý chứ sao!
Vua Anh Tôn lắc đầu mà rằng:
- Không được! Quý phi cũng chẳng khác gì cung tần, nay phong Phi Giao quận chúa làm quý phi tất thái hậu không bằng lòng. Vả trẫm biết nói vì lẽ gì mà nạp vào cung cho được, bởi vậy trẫm còn ngần ngại chưa dám ngỏ ý. Mã Thuận ơi! Nhà ngươi nghĩ kế gì để thành toàn được việc này thì trẫm sẽ trọng thưởng và thăng quan tiến chức cho, trẫm quyết không sai lời vậy.
Mã Thuận nghe lời chỉ phán, liền cúi đầu mà ngẫm nghĩ hồi lâu, hớn hở tâu rằng:
- Muông tâu bệ hạ! Bây giờ bệ hạ muốn nạp Phi Giao quận chúa vào cung thì chỉ có một cách để cho hoàng hậu tâu trình thượng hoàng và thái hậu, nói là vì cớ chậm đường sinh nở, muốn tuyển thêm hiền phi vào cung. Danh phận dẫu chia ra đích thứ khác nhau, nhưng nghi tiết cũng xin theo như một, thế thì tất thái hậu bằng lòng, mà Tương vương cùng Mạnh vương phi cũng không thể nói sao được nữa.
Vua Anh Tôn nói:
- Kế ấy dẫu diệu, nhưng bây giờ ai nói với hoàng hậu cho được. Hoàng hậu vốn là người hiền thục, trẫm chắc rằng nếu có ai nói thì thế nào hoàng hậu cũng ưng thuận ngay.
Mã Thuận tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Kẻ hạ thần xin nói mà chắc rằng mười phần cũng êm được đến chín phần.
Nói xong lạy tạ vua Anh Tôn rồi đi sang Chiêu Dương cung để bái yết Hùng hậu. Bấy giờ Hùng hậu đang ngồi xem quyển kinh Thi, thấy trong sách chép chuyện đời Chu Văn vương có bà hậu phi hiền thục, không hề ghen tuông, cho nên được lắm con nhiều cháu, Hùng hậu rát lâấ làm kính phục và lại có ý ước ao. Bỗng thấy cung nữ quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Có nội giám Mã Thuận xin vào bái yết.
Hùng hậu truyền cho vào. Khi Mã Thuận vào tới nơi, Hùng hậu hỏi rằng:
- Mã Thuận! Nhà ngươi đến có việc chi đó? Bây giờ thánh thượng ngự ở cung nào, đã dùng ngự thiện chưa?
Mã Thuận sụp lại mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Trong mấy ngày nay thánh thượng có ý không vui. Ngự thiện dâng lên, ngài không hề động đến. Kẻ hạ thần thấy vậy có lời khuyên giải thì ngài than thở phàn nàn về nỗi trong sáu cung hiếm muộn, chưa được hoàng nam. Ngài muốn giáng chỉ trong thiên hạ, tuyển thêm mỹ nữ vào cung, nhưng lại sợ trái ý hoàng hậu. Vì thế kẻ hạ thần xin tâu riêng để hoàng hậu biết. Kẻ hạ thần thiết nghĩ ngày nay tuyển mỹ nữ vào cung thì sóng tình lai láng, bể ái đầy vơi, hoàng hậu cũng thêm bề khó xử.
Hùng hậu nói:
- Nhà ngươi nói dẫu phải, nhưng bây giờ biết dùng kế gì?
Mã Thuận lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu, kẻ hạ thần này không dám nói.
Hùng hậu hỏi:
- Cớ sao nhà ngươi lại không dám nói.
Mã Thuận tâu rằng:
Muôn tâu hoàng hậu! Kẻ hạ thần một lòng trung thành vì hoàng hậu nghĩ kế, nhưng tâu kế này chỉ sợ hoàng hậu lại bắt tội kẻ hạ thần mà thôi.
Hùng hậu nói:
- Mã Thuận! Nhà ngươi cứ nói, ta quyết không bắt tội.
Mã Thuận lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Trừ khi Phi Giao quận chúa vào cung, lệnh bà thái hậu trông thấy, cũng vui lòng mà chóng được khang kiện. Thái hậu yêu Phi Giao quận chúa chẳng khác gì các vị công chúa, lại thường khen tài mạo của quận chúa có phần sắc sảo hơn hoàng hậu. Vậy chi bằng hoàng hậu xin tuyển Phi Giao quận chúa vào cung một là được lòng thượng hoàng và thái hậu, hai là việc ấy thành ra tự ý hoàng hậu khởi xướng ra, ba là tình liên lạc của họ Hùng và họ Hoàng Phủ sau này lại càng thêm bền chắt. Chắc rằng Phi Giao quận chúa phải suy nghĩ mà không dám quên ơn của hoàng hậu. Kẻ hạ thần liều chết tâu bày việc ấy, xin hoàng hậu nên quyết đoán mà thi hành.
Hoàng hậu mừng rỡ mà phán rằng:
- Nhà ngươi nói rất phải! Nhưng chẳng lẽ ta lại dám tâu thái hậu xin lập Phi Giao quận chúa là quý phi hay sao?
Mã Thuận tâu rằng:
- Khó chi điều ấy! Đời trước cũng có khi lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu, lại viện lệ ấy mà tâu xin thái hậu thì chẳng những thái hậu được vui lòng mà khắp các thần dân trong bốn bể, ai cũng phải ca tụng hiền đức của hoàng hậu vậy.
Hùng hậu nghe nói gật đầu mà rằng:
- Ừ ! Để sáng mai ta sẽ tâu với thượng hoàng và thái hậu.
Sáng hôm sau, Hùng hậu vào Võ Thái cung triều kiến thái hậu, gặp bấy giờ Phi Giao quận chúa đi sang cung khác, Hùng hậu liền tâu với thái hậu rằng:
- Muôn tâu thái hậu con được đẹp duyên cùng thánh thượng đã bốn năm nay mà chưa thấy sinh hạ hoàng nam, trong lòng con thật lấy làm áy náy. Nay con muốn tuyển thêm mỹ nữ vào cung thì thánh thượng lại không ưng thuận, vậy ý con trộm nghĩ có một việc này muốn xin thái hậu rủ lòng thương mà thành toàn cho.
Thái hậu khen rằng:
- Con thật là một người hiền đức! Con định xin việc gì? Nếu con muốn bắt chước như là hậu phi nhà Chu thuở xưa thì ta há lại chẳng mong có cảnh ngậm kẹo bỡn cháu hay sao! Con cứ nói cho ta nghe.
Hùng hậu tâu rằng:
- Con không muốn điều gì, chỉ muốn xin đem biểu muội vào cung để theo lệ như Nga Hoàng và Nữ Anh (3) thuở xưa mà cùng thờ một vị minh chủ vậy.
Thái hậu nói:
- Như thế sao được! Từ xưa đến nay chưa thấy có lập hai hoàng hậu bao giờ. Vả năm nay con còn trẻ tuổi, trong sáu cung cũng chẳng thiếu chi người, có lẻ nào lại không sinh nở hay sao, hà tất con phải vội vàng như thế.
Hùng hậu nói:
- Con cũng biết rằng đang độ xuân xanh, đã lo chi hiếm đường sinh nở. Nhưng sang năm đến kỳ “Vạn thọ” của thượng hoàng, nếu có sinh được hoàng nam thì cũng là một sự may cho thiên hạ thần dân vậy. Vả đời trước cũng có khi lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu, xin thái hậu thành toàn cho.
Thái hậu nghe nói ngẫm nghĩ hồi lậu, rồi phán rằng:
- Con biết nghĩ như thế, thật là một người hiền đức ít có! Nhưng chỉ sợ các quan đại thần lại cố can ngăn thì việc này khó thi hành được. Phi Giao quận chúa dẫu nhan sắc vẫn xinh đẹp, nhưng ta trông nó có vẻ uy nghiêm khác với mọi người. Nó lại là chỗ tình cốt nhục với ta, nếu sau này có điều gì, ta càng thêm khó xử. Con nên nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ, chớ vội vàng mà sinh hối hận về sau.
Hùng hậu nói:
- Muôn tâu thái hậu! Xin thái hậu cứ yên lòng, con quyết không hối hận.
Hùng hậu cáo từ về cung để định làm biểu tâu thượng hoàng. Thái hậu nghĩ thầm: “Từ khi Phi Giao vào tới đây, thiên tử liếc trông, vẫn có ý thầm yêu trộm nhớ, hoàng hậu biết tình, cho nên thừa cơ mà tâu xin như vậy. Việc này ta khó nghĩ quá, không biết nên làm thế nào. Đã đành rằng điệt nữ ta đẹp duyên với thiên tử là tôn quý thật, nhưng bao giờ cũng phận thứ phòng. Nếu theo như lời hoàng hậu xin mà lập hai hoàng hậu, lại e rối loạn cương thường. Vả nghĩa tỷ (4) ta có ơn to với ta, nay đã lập con gái lên làm hoàng hậu thì nỡ nào lại khiến cho có sự ngang trái. Thôi, âu là ta phải đem việc này bàn với thượng hoàng.” Thái hậu đang ngẫm nghĩ thì bỗng thấy thượng hoàng đến, lại có cả Ôn phi và Mai phi đi theo. Thượng hoàng tươi cười mà bảo với thái hậu rằng:
- Thái hậu ngày nay đã được bình phục như thường, ta lấy làm mừng lắm.
Nói xong liền cầm lấy tay thái hậu rồi ngồi xuống sập rồng. Ôn phi và Mai phi cũng ngồi ở bên cạnh. Cung nũ dâng trà uống. Thái hậu hỏi:
- Phi Giao quận chúa đâu?
Mai phi nói:
- Đang đánh đầu hồ với Gia Tường công chúa.
Thái hậu mới thuật hết những lời hùng hậu tâu xin cho thượng hoàng nghe. Thượng hoàng nghe nói, mừng rỡ mà phán rằng:
- Nếu vậy thì hoàng hậu thật là một người hiền thục đáng khen! Cổ lai mới có một! Chẳng qua cũng bởi phúc đức của liệt thánh tiền triều để lại, mà ngày nay trong cung có được một bà hoàng hậu chẳng kém gì phong hóa của hậu phi đời Chu Văn vương. Thái hậu ơi! Ta nói câu này, thái hậu hãy tha lỗi cho ta, chứ thái hậu cũng còn kém một vài phần vậy. Xem như việc Mạnh Lệ Quân thuở trước, thái hậu đã vội ghép cho ta tội tư tà. Máu ghen đâu có lạ đời, khiến cho ta khi nào nghĩ đến, trong lòng vẫn còn áy náy.
Thái hậu nghe lời cả cười mà không nói câu gì. Ôn phi cũng cười rồi tâu với thượng hoàng rằng:
- Mạnh Lệ Quân nguyên là quốc cữu phu nhân, nếu ngày ấy thượng hoàng có lòng tư tà thì quân đạo sao giữ được chính, bởi vậy mà thái hậu phải can gián, không muốn để cho thượng hoàng mang tiếng về sau. Giả sử có lòng ghen thì bọn chúng tôi hầu hạ trong hai mươi năm trời, sao được đội ơn đằm thắm vậy.
Mai phi cũng cười mà tâu rằng:
- Thượng hoàng thật là hay nhớ chuyện cũ, nhưng bọn chúng tôi nếu không được thái hậu rộng ơn che trùm thì trong chốn cung vi, sao được cảnh tượng êm đềm như thế này?
Thượng hoàng cả cười mà phán rằng:
- Khéo thay! Thái hậu lại được hai người rả phù hữu bật thì tài nào mà không khiến cho ta phải bó tay nghe lệnh vậy.
Thái hậu cũng cười mà rằng:
- Câu chuyện mua vui ấy thư phàn sẽ nói, bây giờ hãy sin thượng hoàng đem việc Phi Giao quận chúa mà hỏi ý quốc cựu và Bình Giang Vương xem sao.
Thượng hoàng phán rằng:
- Việc ấy rất dễ! Điệt nữ hiện đang chưa hứa gả, có lẽ nào lại chối từ. ngày nay hãy cho người đưa Phi Giao quận chúa về, rồi sau sẽ giáng chỉ hỏi ý quốc cữu.
Một hôm vua Anh Tôn ra ngự triều, có chiếu chỉ của thượng hoàng tuyên cáo việc lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu. Các quan văn võ trong triều đều ngẩn mặt nhìn nhau, không ai dám nói câu gì. Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Con gái kẻ hạ thần tuổi còn ngây dại dung công ngôn hạnh còn nhiều điều khuyết liệt, có đâu đã xứng đáng với địa vị chí tôn. Vả lập hai hoàng hậu thì thiết tưởng xưa nay không có lệ ấy. Huống chi một nhà kẻ hạ thần, mông ơn vũ lộ, tưởng đã đầm thắm quá thịnh, kẻ hạ thần tự nghĩ vẫn lấy làm làm sợ. Thế thì chẳng những lập làm hoàng hậu, giả sử phong làm quý phi, kẻ hạ thần cũng không dám vâng mệnh. Cúi xin bệ hạ rộng ơn mà tâu lại với thượng hoàng cho, để bảo toàn phúc trạch cho một nhà kẻ hạ thần vậy.
Tâu xong phủ phục ở trước sân rồng. Bấy giờ bọn Mạnh Gia Linh, Lương Trấn Lân và Doãn Thượng Khanh đồng thanh mà tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần đẳng thiết tưởng việc ấy rất không nên, vì cổ lai chưa thấy có lệ lập hai hoàng hậu bao giờ.
Vua Anh Tôn phán rằng:
- Việc này là tự ý hoàng hậu tâu xin, rồi thượng hoàng và thái hậu ưng chuẩn, quyết định thi hành, trẫm cũng đã cố can mà không được.
Mạnh Gia Linh tâu rằng:
- Thượng hoàng và thái hậu giáng chỉ phong cho Hoàng Phủ Phi Giao làm quý phi thì còn khả dĩ, chứ quyết không nên lập hai hoàng hậu.
Doãn Thượng Khanh tâu rằng:
- Bệ hạ nghĩ tình thân của thái hậu và công to của Tương vương thì không nên lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu, nghĩa là để bảo toàn phúc trạch cho nhả Hoàng phủ vậy.
Vua Anh Tôn không bằng lòng mà phán rằng:
- Việc này không phải tự ý trẫm. Nếu các ngươi không cho là phả thì nên cùng nhau làm một bản tấu để dâng thượng hoàng.
Vua Anh Tôn nói chưa dứt lời thì bỗng thấy có một viên triều thần chạy ra quì tâu. Viên triều thần ấy cũng về dòng tôn thất, họ Đồ Man tên Hưng Phục, hiện đang làm chức ngự sử, vốn tính quỷ quyệt, vẫn muốn cầu làm chức đại thần, nhưng bọn Lương thừa tướng ghét là người mưu tiến hiếu lợi, vậy nên không chịu thăng thiên cho. Đồ Man Hưng Phục lĩnh chức ngự sử trong mười mấy năm trời nhưng không hề dám khai khẩu tâu một việc gì cả. Bởi hắn thấy vua Thành Tôn khi trước tin dùng bọn Lương thừa tướng, dẫu có sàm báng cũng không có ích gì. Nay thấy vua Anh Tôn có ý không bằng lòng. Vả hắn lại thông giao với bọn nội giám là Mã Thuận hơi biết câu chuyện trong cung, vậy mới quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! kẻ hạ thần là Đồ Man Hưng Phục lĩnh chức giám sát ngự sử, xin cúi đầu để thánh thượng xét. Thượng hoàng đã giáng chỉ như vậy mà triều thần lại không vâng mệnh nghĩa là thế nào. Lập hai hoàng hậu dẫu có trái lẽ thật, nhưng chánh cung hoàng hậu ngày nay vốn là một bậc hiền đức đáng kính phục. Đạo thần tử nên phải để tiếng tốt cho vua, nay lập hai hoàng hậu thì nghìn năm về sau chánh cung hoàng hậu vẫn được tiếng thơm như bà hậu phi đời Chu. Các quan triều thần không thể tất ý tốt ấy mà lại câu nệ, cố giữ lệ thường, cũng đáng nực cười vậy. Xin bệ hạ cứ truyền cho lễ bộ quan phụng chỉ thi hành.
Lương Trấn Lân nghe lời tâu, nổi giận mà rằng:
- Đồ Man Hưng Phục! Nhà ngươi định làm cho thánh thượng để tiếng bát chính về sau hay sao! Có lẽ nào lại lập hai hoàng hậu?
Đồ Man Hưng Phục cười mà đáp rằng:
- Lương thừa tướng! Ngài câu nệ quá! Việc này chẳng những chánh cung hoàng hậu nổi tiếng là người hiền thục mà thôi, cả đến thánh thượng cũng được danh thơm muôn thuở, vì phong hóa ở chốn cung vi, đáng làm khuôn phép cho đời sau. Sao ngài lại bảo rằng bất chính?
Doãn Thượng Khanh nghe nói cũng nổi giận mà rằng:
- Đồ Man Hưng Phục! Nhà ngươi chớ đem những cách xảo ngôn mà làm mê hoặc thánh thượng. Việc này không phải tự ý thượng hoàng, chẳng qua vì chánh cung hoàng hậu yêu mến Phi Giao quận chúa mà tâu xin như thế. Thượng hoàng không nỡ trái ý, cho nên giáng chỉ để hỏi các quan triều thần, còn việc nên thi hành hay không thì tuỳ ý các quan đại thần xét đoán. Chúng ta là phận thần tử, nên phải một lòng trung trực, lấy lễ pháp mà khuyên ngăn, cớ sao nhà ngươi lại dùng cách ô mị gian hiểm như thế.
Doãn Thượng Khanh lại quì xuống tâu vua Anh Tôn rằng:
- Xin thánh thượng truất bỏ kẻ tiểu nhân ấy đi, khiến cho triều đình được trong sạch.
Đồ Man Hưng Phục nói:
- Doãn thừa tướng ơi! Tôi dẫu ngu hèn cũng là chi phái trong hoàng tộc, mà trước mặt thánh thượng đây, sao ngài dám chỉ trích nói càn.
Đồ Man Hưng Phục cũng quì xuống tâu với vua Anh Tôn:
- Doan thừa tướng muốn mua danh trung trực mà để tiếng xấu cho hai cung, tức là tội đại nghịch bất đạo. Kẻ hạ thần thiết tưởng nhà họ Doãn mấy đời chịu ơn triều đình mà nay dám khi mạn thánh thượng như thế. Trên trái lệnh thượng hoàng và thái hậu, dưới ẩn đức hiền thục của chánh cung, ngày nay thánh thượng không truất bỏ Doãn thừa tướng thì quốc pháp chẳng còn ra thế nào.
Vua Anh Tôn dẫu ngoài miệng không nói, nhưng mặt rồng cũng hơi có ý không vui. Bỗng thấy ngự sử là Nguyễn Long Quang quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Lời tâu của Lương thừa tướng thật là trung trực, xin bệ hạ nên để tai nghe. Nhưng kẻ hạ thần thiết tưởng việc này cũng tốt cho nhà Hoàng Phủ, từng chịu ơn triều đình rất to, dẫu dâng con gái vào làm cung phi, cũng là đáng lễ. Có vì cớ thân tình với thái hậu thì nghi tiết long trọng, chứ không nên để ngang hàng với chánh cung. Kẻ hạ thần tâu như thế thì không đến nỗi trái lệnh thượng hoàng xin bệ hạ lượng xét phê chuẩn.
Vua Anh Tôn nghe lời tau, cúi đầu ngẫm nghĩ. Đồ Man Hưng Phục lại thừa cơ mà tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Việc này đã khó quyết định thì xin bệ hạ phán hỏi Hùng quốc trượng, rồi theo ý quốc trượng mà thi hành.
Vua Anh Tôn gật đầu, truyền chỉ gọi Hùng quốc trượng. Hùng quốc trượng vâng mệnh bước ra, vua Anh Tôn có có hổ thẹn mà phán rằng:
- Việc này thực là thượng hoàng theo lời tâu xin của hoàng hậu, nay các quan triều đình cứ cố tình can ngăn, khiến cho trẫm không biết quyết đoán thế nào, vậy xin hỏi ý quốc trượng.
Hùng Hiệu nghe lời chỉ phán liền quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thượng hoàng và thái hậu đã giánh chỉ thì kẻ hạ thần dám chẳng tuân theo. Vả đời xưa Nga Hòang Nữ Anh hai người cùng thờ một vị minh chủ, phỏng có hề chi. Huống chi kẻ hạ thần cùng nhà Hoàng Phủ, tình thân như thể tay chân thì dẫu lập hai hoàng hậu, tất cũng không tranh cạnh chút nào. Còn các quan đại thần can ngăn việc này, cũng vì một lòng trung thành vì vua vì nước, Đồ Man Hưng Phục há nên đem lời sàm báng mà chỉ trích các bậc nguyên huân. Kẻ hạ thần xin chúc thánh thượng vạn tuế!
Vua Anh Tôn mừng rỡ mà phán rằng:
- Quốc trượng thật là bậc hiền phụ, cho nên sinh được hoàng hậu cũng có đức hiền thục ấy. Thôi việc này các quan đại thần bất tất phải tâu bày nữa, mà Đồ Man Hưng Phục trẫm cũng tha lỗi cho.
Vua Anh Tôn lại truyền chỉ cho Khâm Thiên giám chọn ngày để lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu. Khi bãi triều lui ra, các quan đại thần đều có ý không bằng lòng, nhất là Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại càng âu sầu buồn bã, cầm lấy tay Hùng Hiệu, rồi oán trách rằng:
- Sao hiền huynh lại tâu như thế, khiến cho ngu đệ không còn biết nói thế nào.
Hùng Hiệu khuyên giải mà rằng:
- Hiền đệ ơi! Bọn nhi nữ trẻ tuổi còn có lòng yêu mến lẫn nhau, huống chi giao tình của hai ta, bấy lâu thân mật, không nên vì việc này mà tranh biện ở chốn triều đường. Chi bằng ta thừa ý thánh thượng mà thành toàn việc này, để khiến cho trong ngoài khỏi thêm dị nghị.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nín lặng. Khi về tới vương phủ, thuật chuyện cho Mạnh Lệ Quân nghe và bảo rằng:
- Nhà ta phúc trạch quá thịnh, ta thường lấy làm lo. Không ngờ ngày nay lại thêm một sự hiển quý. Thánh ân to như trời bể, tình khuyển mã thật khó nỗi báo đền.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại bảo Phi Giao quận chúa rằng:
- Đó chẳng qua cũng là duyên số của con, nhưng chắc chắn hoàng hậu đã có lòng tử tế như thế thì con cũng phải nên học đức hiền thục của cô nương (5) con, để giữ cho trọn danh thơm muôn thuở vậy.
Phi Giao quận chúa nghe nói, nét mặt đỏ bừng, cúi đầu ngẫm nghĩ, luống những mừng thầm:
“Ngày nay quả nhiên thân này được gần gũi quân vương. Bấy lâu nay ta vẫn hâm mộ danh tiếng Võ Tắc Thiên, ngờ đâu bây giờ cờ đã đến tay vậy”. Mạnh Lệ Quân cũng ngẩn người ra mà nghĩ thầm:
“ Nếu như vậy thì tướng pháp của Lưu phu nhân thật là thần diệu. Con gái ta vốn tính cương cường vị tất theo được đức hiền thục như thái hậu”.
Mạnh Lệ Quân vương phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
- Phu quân ơi! Sau khi tôi vào cung đem Phi Giao ra, không thấy thái hậu tỏ ý chi cả, thế thì việc này không biết có phải tự ý thượng hoàng và thái hậu hay không?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Việc này nguyên tự ý hoàng hậu, thái hậu không muốn để cho Phi Giao phải làm thứ cung, vậy nên mới tâu xin lập hai hoàng hậu.
Triệu Câu nói:
- Nếu thân phụ nhất định từ chối thì tất thánh thượng cũng phải bãi nghị.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Các quan đại thần cố tình can ngăn, mà thánh thượng còn không nghe, thế thì bảo ta từ chối làm sao cho được.
Triệu Câu nói:
- Kính trình hai thân! Không phải con đây dám cả gan nói bậy đâu. Thân phụ tài kiêm văn võ, thân mẫu học quán thiện nhân, há lại không biết rằng tự cổ đến nay, những họ ngoại thích mà phúc trạch quá thịnh, có mấy nhà được an toàn đâu. Nhà ta đây, cô làm thái hậu, cháu làm phò mã, ba đơì phong vương, thật là cổ lai ít có. Thân phụ chịu ơn triều đình to lắm, chưa có thể thoát vị được, cớ sao lại còn tiến con gái vào làm cung phi. Tiến lam cung phà còn không nên, huống chi lại lập hai hoàng hậu thì thật là một sự dị kỳ quá. Con thiết tưởng thân phụ nghĩ lầm, chứ quyết không nên tiến em con vào cung vậy.
Mạnh Lệ Quân nghe nói bảo Triệu Câu rằng:
- Triệu Câu con ơi! Người ta ở đời, dẫu từ miếng ăn hớp uống, cũng có tiền định, huống chi là việc nhân duyên. Thôi, việc đã xảy ra dường này, thân phụ con cũng không thể nói sao cho được.
Khi Phi Giao quận chúa lui ra, Mạnh Lệ Quân lại bảo Triệu Câu rằng:
- Con bất tất phải lo phiền và oán trách cha mẹ. Muôn sự chẳng qua cũng bởi tại trời. Hôm trước Lưu mẫu lâm hành, đã từng bảo ta là Phi Giao sau này sẽ làm hoàng hậu, xem thế thì số mệnh quả nhiên đã có tiền định, con chớ nên lấy làm lạ.
Triệu Câu đem việc Phi Giao quận chúa tinh nghịch trong một tháng trời những thế nào thuật hết cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe.
Mạnh Lệ Quân vương phi bảo rằng:
- Bây giờ nói cũng vô ích, chi bằng ta nên tùy cơ ứng biến.
Bấy giờ tới bữa ăn cơm. Khi ăn xong Triẹu Câu và Triệu Lân cùng nhau sanh Thụy Chi hiên nói chuyện. Triệu Lân nói:
- Anh chớ lo phiền! Lòng trời đã định, sức người không thể trái lại được. Giả sử nước nhà xó sự gì bất hạnh thì hai anh em ta đành phải tận trung báo quốc chứ sao. Ngày nay anh cũng chớ nên nóng nảy mà vội nói làm chi, khiến cho người ngoài thêm nghị luận.
Hai anh em Triệu Câu đang chuyện trò cùng nhau thì bỗng thấy có chiếu chỉ của thượng hoàng ban đến, lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu.
Vua Anh Tôn phụng mệnh thượng hoàng và thái hậu sách lập Hùng hậu làm tả hoàng hậu, còn Phi Giao quận chúa làm hữu hoàng hậu.
Phi Giao hoàng hậu vào đến trong cung, một lòng nhu thuận, đối với kẻ dưới, lại có lượng khoan dung, và thưởng tứ rất phong hậu. Mọi người trong cung ai cũng ca tụng đức tính Phi Giao hoàng hậu rất vui vẻ dễ dàng, không như Hùng hậu ít nói ít cười. Phi Giao hoàng hậu đối với Hùng hậu lại càng một lòng tôn kính, biết giữ lễ phép , không dám đi cùng xe và ngồi cùng chiếu bao giờ. Thượng hoàng và thái hậu thấy vậy cũng được vui lòng.
Vua Anh Tôn từ khi được Phi Giao hoàng hậu vào cung, tình đằm thắm ấy kể sao cho xiết. Cách ba hôm sau, Vệ Dũng Nga vương phi và Mạnh Lệ Quân vương phi cùng vào cung để chúc mừng hai hoàng hậu. Hai người trông thấy Phi Giao hoàng hậu biết giữ lễ phép, cũng đều mừng lòng tự nghĩ hai hoàng hậu sau này cư xử với nhau, chắc được thủy chung như nhất. Hai người lại vào nam nội triều kiến thái hậu.
Vệ Dũng Nga tâu rằng:
- Muôn tâu thái hậu!Thần thiếp đã lâu không vào triều kiến, vẫn có lòng khát vọng, ngặt vì cung vi là nơi cấm địa, nên không dám sổ sàng. Mới đây trộm nghe ngọc thể khang cường, mừng rỡ xiết bao, thật là hạnh phúc cho nước. Còn như việc lập hai hoàng hậu thì trên nhờ ơn che trùm của thái hậu, dưới nhờ tình thân mật của Tương vương, con gái thần thiếp cũng được bội phần vinh dự vậy.
Thái hậu nói:
- Sao chị lại nói như thế! Năm xưa tôi tôi là thân mẫu tôi khi ở tù xa, nếu không có chịu cứu cho thì còn đâu đến ngày nay. Vả lại chị chiêu tập binh mã, đi cứu được thân phụ tôi về triều, ơn ấy kể sao cho xiết. Về sau chị kết duyên với một vị vương tước, tôi vào chốn hoàng cung dẫu rằng xa cách hai nơi, nhưng vẫn coi nhau như một. Vì nghĩa nặng ơn sâu ấy mà tôi xin lập lệnh ái làm hoàng hậu để cho được thêm thân. May sao lệnh ái lại có đức hiền thục, không hề ghen tuông, thượng hoàng và tôi lấy làm mừng rỡ. Khi Phi Giao vào đây, lệnh ái trông thấy, đem lòng quyến luyến, mới tâu thượng hoàng xin lập hai hoàng hậu, để muốn theo đòi như Nga Hoàng và Nữ Anh thuở xưa. Tôi cũng đã khuyên lệnh ái nên nghĩ cho kỹ, nhưng lệnh ái một lòng cố xin. Vậy hai hoàng hậu đã có tình yêu mến thì chị cũng chớ nghĩ ngợi chi điều ấy.
Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
- Tiện nữ Phi Giao bỗn phận liễu bồ, dung công ngôn hạnh còn nhiều điều khuyết điểm, dẫu cho vào hàng cung phi cũng chưa xứng đáng, huống chi nay lại ngự ngôi Chiêu dương. Tôi thiết tưởng Hùng quốc trượng không nên ưng thuận chỉ lập hai hoàng hậu mà khiến cho vợ chồng nhà tôi phải mang tiếng với đời.
Vệ Dũng Nga vương phi cười mà đáp rằng:
- Có bề chi điều đó! Con gái tôi cũng tức là con gái vương phi, hà tất lại phảii phân biệt. Vả thái hậu là bậc “Mẫu nghi thiên hạ” mà Tương vương là hàng quốc cữu, chẳng lẽ lại phong Phi Giao làm quý phi, thế thì tiện nữ xin tâu như vậy thật đã trọn cả đôi đường vậy.
Thái hậu truyền cung nữ bày tiệc, mời hai vị vương phi cùng ngồi lại cho hai hoàng hậu ngồi hầu. Phi Giao hoàng hậu chối từ, nhất định không dám ngồi ngang Hùng hậu. Vệ Dũng Nga cười mà bảo rằng:
- Cứ ngồi là phải! Có thế mới tỏ tình yêu mến lẫn nhau. Hai chị em cùng ngôi hoàng hậu thật là ít có!
Phi Giao hoàng hậu bảo cung nữ để dịch ghế ra một bên, mới dám vào ngồi. Cung nữ rót rượu. Vừa uống được ba tuần rượu thì có nội giám vào tâu với Phi Giao hoàng hậu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Thánh giá ngự đến Khôn Phúc cung, xin mời hoàng hậu về nghênh tiếp.
Hùng hậu liền bảo rằng:
- Thôi, em nên cáo từ đứng dậy rồi về nghênh tiếp thánh thượng.
Phi Giao hoàng hậu cáo từ đứng dậy, mặc hoa hớn hở, mày liễu nỡ nang, vội vàng lui về Khôn Phúc cung để nghênh tiếp thánh giá. Khi Phi Giao hoàng hậu lui ra, Vệ Dũng Nga đưa mắt nhìn theo, thấy vẻ khuynh thành ấy, trong lòng cũng lấy làm ngẫm nghĩ. Tiệc xong, Hùng hậu lại mời Vệ Dũng Nga về cung để hai mẹ con nói chuyện riêng. Hùng hậu liền đem những lời Mã Thuận nói hết đầu đuôi cho thân mẫu nghe. Vệ Dũng Nga nghe nói, biết là thánh thượng đã mật mưu với Mã Thuận, nhưng không nói gì, cùng Mạnh Lệ Quân đều ra về.
Khi về tới nhà, Vệ Dũng Nga thuật chuyện trong cung cho Hùng Hiệu nghe và bảo rằng:
- Hai hoàng hậu ngày nay cư xử với nhau rất tử tế, nhưng tôi liếc nhìn Phi Giao hoàng hậu thì nhan sắc xinh đẹp, đã nên một bậc nghiêng nước nghiênh thành. Phu quân ơi! Tôi dám chắc rằng ơn vũ lộ của cửu trùng đối với tân hoàng hậu sẽ bội phần âu yếm. Chi bằng ta bảo con gái ta nhường ngôi Chiêu dương đi, hà tất phải lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu. Có như vậy thì may ra nhà ta mới bảo toàn được phúc trạch, mà con gái ta cũng lưu đước tiếng thơm hiền thục về mai sau.
Hùng Hiệu chưa kịp trả lời thì Hùng Khởi Phượng đứng dậy mà thưa rằng:
- Thân mẫu ơi! Chỉ có thượng hoàng nhường truyền ngôi cho thánh thượng được, chứ hoàng hậu mà nhưởng ngop6i Chiêu Dương thì thật con chưa hề nghe nói bao giờ. Con thiết tưởng cái gì còn có thể nhường được, đến như danh vị thì quyết không nên nhường. Nếu em con nhường ngôi Chiêu Dương thì tự xử vào ngôi vị nào, há chẳng để làm trò cười cho thiên hạ.
Hùng Hiệu nghe nói, liền gật đầu mà bảo rằng:
- Con nói rất phải! Nhưng ta cùng nhà Hoàng Phủ là chỗ bạn chí thân, Phi Giao há lại không nghĩ đến tình cũ. Huống chi chính sự trong nước đã có các quan triều thần xử đoán, ta không dự chi đến tất cũng chẳng lo cái họa ngoại thích về sau. Con gái ta đã được làm hoàng hậu thì số mệnh chẳng qua bởi trời, can chi ta phải bàn đi tính lại vậy.
Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu ở trong cung đối với Hùng hậu thân mật nhau như chị em ruột. Bởi vậy công việc trong cung, Hùng hậu đều uỷ thác cho Phi Giao hoàng hậu cả. Tên nội giám Mã Thuận lại hết sức xu nịnh, hắn vẫn giao thông với Đồ Man Hưng Phục, hễ trong cung có chuyện gì lạ, đều mật báo cho nhau biết. Đồ Man Hưng Phục đệ bản tâu dâng vua Anh Tôn nói nhà Hoàng Phủ có hai hoàng hậu thì thật là thiên hạ ít có! Kẻ hạ thần thiết tưởng triều đình nên đặc cách gia phong “Cửu Tích” cho Tương Vương để khiến được long trọng như một bậc thiên tử mới phải. Phi Giao hoàng hậu thấy vậy, liền viết một bản tâu thượng hoàng torng bản tâu đại khái nói:
-“ Đồ Man Hưng Phục làm chức ngự sử, thiết tưởng không nên tâu việc này. Vả thân phụ thần thiếp có tài đức gì mà gia phong “Cửu Tích”, Đồ Man Hưng Phục tâu xin như thế há không phải có lòng phản nghịch hay sao. Việc này chẳng qua là bởi thần thiếp mông ân quá hậu, vậy nên khiến người ngoài nghi cho thân phụ thần thiếp đó thôi. Nay xin thượng hoàng và thái hậu biếm truất thần thiếp, đem giam vào lãnh cung thì trên mới khỏi phụ ơn to của triều đình, dưới mới bảo toàn được vinh dự cho nhà thần thiếp vậy.
Thượng hoàng thấy bản tâu, mừng rỡ khen ngợi mà rằng:
- Thật đáng mừng cho nhà Đại Nguyên ta! Đời nào cũng có một bà hoàng hậu hiền thục, mà người sau lại có phần hiền thục hơn người trước vậy.
Bấy giờ thái hậu và vua Anh Tôn đều ở trong nam nội, thượng hoàng mới đem bản tấu ấy trao cho thái hậu xem rồi cười mà bảo rằng:
- Thái hậu ơi! Thái hậu hãy thử đọc bản tâu này mà xem. Lệnh điệt nữ hãy còn trẻ tuổi mà sao có được đại kiến thức như thế!
Thái hậu xem xong liền hỏi vua Anh Tôn rằng:
- Việc này con nghĩ thế nào?
Vua Anh Tôn tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng và thái hậu! Cứ như ý con thiển nghĩ thì cữu phụ con công to đức trọng, dẫu gia phong “Cửu Tích” cũng là xứng đáng. Con muốn phê chuẩn lời tâu của Đồ Man Hưng Phục. Xin thượng hoàng và thái hậu giáng chỉ cho Phi Giao hoàng hậu biết là việc này không can ngại chi cả.
Thượng hoàng nghe nói gật đầu, đã toan giáng chỉ cho Phi Giao hoàng hậu thì thái hậu gạt đi mà rằng:
- Thượng hoàng không nên giáng chỉ chi vội, để thiếp xin giải tỏ đôi lời. Nhà thiếp mông ơn vũ lộ, ba đời phong vương tước, một nhà hai hoàng hậu, sự vinh hiển đã quá thịnh. Thiếp thấy các họ ngoại thích như họ Mã và họ Đặng thuở xưa, không mấy nhà được an toàn. Em thiếp làm quan với triều đình, dẫu rằng một lòng trung thành, nhưng con cái trong nhà thì giữ sao cho được mọi người đều hiền hòa tất cả. Gián hoặc kẻ nào trái phép thì thật là điếm nhục gia thanh. Khi ấy nếu triều đình vị tư tình mà khoan túng, há chẳng để một trò cười cho thiên hạ thần dân hay sao. Thượng hoàng ơi! Em thiếp có công gì hãy nên gia phong, chứ vì cớ ngoại thích mà gia phong thì sao cho phải. Thân phụ thiếp thuở xưa tận trung báo quốc, nay đã già yếu, nỡ nào mà để phải lo phiền. Vả nhà thiếp nếu bị tai họa thì thiếp đây cũng không thể yên lòng cho được. Thiếp nghe Đồ Man Hưng Phục là đứa gian hiẻm, em thiếp vẫn khinh bỉ hắn, vậy nên hắn đem lòng ghen ghét, chỉ vì thấy triều đình tin dùng, không dám buông lời sàm báng, mà cố ý dâng bản tâu này để muốn khiến cho nhà thiếp đeo tiếng bất quỹ (6) vậy. Thượng hoàng ơi! Từ xưa đến nay, các bậc phong thần gia phong “Cửu tích” mấy người còn đứng ở trong triều. Ngày nay trước hết nên cho em thiếp cáo quan về nghỉ, sau chém Đồ Man Hưng Phục về tội gian nịnh, để khiến thần dân khỏi có lòng nghi gnờ. Lại xin thượng hoàng đem những lời tâu của thiếp ban bố cho thiên hạ biết thì thiếp được đội ơn vô cùng vậy.
Thượng hoàng nghe nói lắc đầu mà rằng:
- Sao thái hậu lại quá lo như thế! Quốc trượng là một bậc trung thành, danh tiếng khắp trong bốn biển, còn quốc cữu thì trải thờ hai triều, hết lòng chăm chỉ, tưởng nên cùng hưởng lộc trời. Nay dẫu “Cửu Tích” gia phong, cũng không lấy chi làm quá đáng. Đồ Man Hưng Phục tâu xin, há phải là lòng gian nịnh, hà tất ta lại chém hắn. Còn như việc cho Tương Vương về nghỉ thì khó lắm, vì quốc chính bề bộn, nếu hiền thần bỏ chức thì con ta biết trông cậy vào ai.
Vua Anh Tôn nghe lời thượng hoàng chỉ phán liền nói:
- Thượng hoàng dạy chí phải con xin vâng mệnh.
Thái hậu không bằng lòng mà mắng vua Anh Tôn:
- Con đã biết phụ mệnh phải tuân phụng thì cũng nên biết mẫu mệnh chớ coi thường. Câu nói của ta là có quan hệ đến nước nhà, sao con lại cứ vô tình mà trái ý ta, nghĩ thật đáng cười. Ta chỉ lo cho con sau này khó lòng tránh khỏi được hai chữ “hôn quân” vậy.
Thái hậu nói xong, nét mặt lại hầm hầm nổi giận. Vua Anh Tôn giật mình kinh sợ, vội vàng quì xuống mà tâu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Xin mẫu hậu thứ cho con, con cam chịu tội bất hiếu, từ nay không dám trái ý mẫu hậu nữa.
Thượng hoàng cũng khuyên giải rằng:
- Làm con phải theo ý cha mẹ. Tuy vậy, Đồ Man Hưng Phục quyết không nên chém, vì hắn là một người chi phái trong hoàng tộc, phường tiểu nhân vẫn hay xu nịnh, thái hậu bất tất phải nghi ngờ.
Thái hậu không biết nói thế nào, mới đứng dậy về cung. Vua Anh Tôn đưa thái hậu về cung rồi lại sang nói chuyện với Phi Giao hoàng hậu. Phi Giao hoàng hậu mừng thầm:
“Thượng hoàng đã trúng kế của ta, nhưng thái hậu muốn chém Đồ Man Hưng Phục thì hình như hơi hiểu sự tình. Ngày nay dẫu thân phụ ta cáo quan về nghỉ, không ở trong triều, nhưng ta còn phải e sợ thái hậu ở trong cung vậy.”
Phi Giao hoàng hậu nghĩ vậy, liền thỏ thẻ tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thái hậu thật là bậc thánh minh. Người dạy câu nào, cũng hợp lý với thần thiếp lắm. Nhưng thần thiếp thiết nghĩ thân phụ thần thiếp dẫu cáo quan về nghỉ thiên hạ vị tất đã nghi ngờ, chỉ có một cách là đem thần thiếp giam vào lãnh cung, may ra mới tạ tội với thiên hạ được vậy.
Nói xong, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, rồi lại quì xuống mà tâu rằng:
- Bệ hạ ơi! Các bậc thánh quân phần nhiều vẫn phải dứt tình nhi nữ. Thần thiếp chịu ơn bệ hạ, dẫu một ngày cũng nên nghĩa, vậy xin nguyện cầu cho bệ hạ được hưởng phúc muôn năm.
Phi Giao hoàng hậu nói chưa dứt lời thì vua Anh Tôn vội vàng nâng đỡ mà bảo rằng:
- Ái khanh ơi! Ái khanh đừng nói những câu như thế. Ân tình của trẫm đối với ái khanh torng hai tháng trời nay thật là sông khô đá mòn, cũng không phai được. Vả ái khanh là một người hiền thục, thượng hoàng và thái hậu đều phải ngợi khen. Bây giờ tự nhiên vô cố đem biếm truất ái khanh thì khiến cho trẫm đeo tiếng hôn quân mãi mãi. huống chi trẫm từ khi trông thấy ái khanh, trộm nhớ thầm yêu, đem mơ ngày tưởng, nếu không có Mã Thuận bày mưu lập kế thì làm sao đem được ái khanh vào cung. Từ khi vào cung, cầm sắc hòa hợp, hết thảy mọi người ai cũng mến phục. Ngày nay tự nhiên vô cố Đồ Man Hưng Phục dám càn rỡ mà dâng bản tâu này, khiến cho thái hậu phải lo nghĩ. Ái khanh ơi! từ nay ái khanh chớ nói những câu như thế. Trẫm cùng ái khanh ngày đêm sum họp, mà tình đằm thắm vẫn hình như chưa đủ, còn phải cùng nhau thề nguyện câu: “Như chim liền cánh, như cây liền cành”, muôn đời nghìn kiếp, không bao giờ xa nhau vậy.
Phi Giao hoàng hậu nghe nói lại thỏ thẻ mà tâu rằng:
- Ngày nay thần thiếp nghe lời chỉ phán, ơn vũ lộ tưởng đã dồi dào, nhưng sợ lâu ngày thì lòng kia biến đổi, bây giờ hoặc vì điều này tiếng nọ mà bể ái lại có khi đầy khi vơi. Thần thiếp nghĩ vậy, có nên đêm ngày lo phiền, chỉ muốn bệ hạ dứt tình, còn hơn đeo đẳng.
Phi Giao hoàng hậu tâu xong, lại nắm lấy vạt áo vua Anh Tôn mà nức nở khóc. Tiếng kiều ti tỉ, dẫu gan sắc đá, cũng phải chuyển dời. Vua Anh Tôn lấy áo long bào chùi nước mắt cho Phi Giao hoàng hậu rồi khuyên giải mà rằng:
- Ái khanh nói thế thì trẫm biết làm thế nào cho giãi tỏ được tấm lòng. Âu là truyền nội giám bày hương án ra đây để trẫm cùng ái khanh ăn thề vậy.
Nói xong truyền chỉ cho nội giám sửa soạn hương án. Vua Anh Tôn cầm tay Phi Giao hoàng hậu rồi cùng sụp lại thiên địa để làm lễ phát thệ, xin đời đời kiếp kiếp cùng sum họp với nhau dẫu rằng đất lỡ trời long cũng không bao giờ biến đổi. Khi khấn xong các cung nữ đỡ vua Anh Tôn và Phi Giao hoàng hậu đứng dậy, Phi Giao hoàng hậu lại lạy tạ vua Anh Tôn mà rằng:
- Thần thiếp xin bái tạ ơn trời bể của thánh thượng, từ nay thần thiếp nằm ở trong cung , sẽ được ngủ yên giấc vậy. Nhưng muốn cho công tư vẹn cả đôi đường thì sáng ngày mai xin thánh thượng tức khắc giáng chỉ cho thân phụ thần thiếp được các quan về quê nhà, để bảo toàn lấy vinh dự một vị vương tước.
Vua Anh Tôn lấy tay đỡ dậy mà phán rằng:
- Việc ấy trẫm xin theo ý hoàng hậu.
Bấy giờ nội giám đã bày tiệc ngọc. Phi Giao hoàng hậu có tự chế ra một khúc “Dao lâu”, luyện tập mười hai tên cung nữ, múa hát rất khéo. Phi Giao hoàng hậu lúc đầu còn ngồi gõ nhịp cho các cung nữ múa hát. Sau lại tự mình đứng dậy múa theo cách “Phi tiến”. trông càng dịu dàng uyển chuyển lạ thường. Vua Anh Tôn vui vẻ tươi cười, tấm tăc ngợi khen mà rằng:
- Như thế mới thật là diệu võ! Cách múa này, dẫu nàng Triệu Phi Yến thuở xưa cũng không thể nào mà theo cho kịp.
Bấy giờ tình luyến ái của vua Anh Tôn đối với Phi Giao hoàng hậu thật rất thân mật. Vua Anh Tôn đứng dậy rót một chén rượu thưởng cho Phi Giao hoàng hậu mà bảo rằng:
- Ái khanh ơi! Trẫm thưởng cho ái khanh một chén rượu. Ái khanh thật là người vừa có nhan sắc, vừa có đức hạnh, lại đủ mọi tài, không biết trẫm đây tu từ kiếp nào mà được cùng với ái khanh sum họp một nhà vậy.
Sáng hôm sau, vua Anh Tôn ban một tờ chiếu chỉ ra chốn triều đường, các quan đại thần đều xúm lại xem. Trong tờ chiếu chỉ nói thái hậu tỏ ý muốn cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa về hưu dưỡng. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy vậy mừng rỡ xiết bao, vì xưa nay vẫn có lòng muốn cáo về nhà mà chưa dám nói.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa về đến vương phủ, nói với Mạnh Lệ Quân rằng:
- May quá! Nếu con gái ta không dâng một bản tâu thì có lẽ ta bị đứa tiểu nhân kia dùng kế ly gián mà hại ta đó.Nay thái hậu lại giáng chỉ như thế thì thật là một nhà ta được hai hoàng hậu hiền thục khác người. Người ta ở đời, vinh hoa phú quý chẳng qua cũng là sự thường, chỉ có trung thần hiền hậu là cổ kim hiếm có vậy. Ngày nay ta cáo quan về nghỉ, trên phụng dưỡng hai thân, dưới dạy bảo con cái, một nhà sum họp, cùng nhau hưởng thụ cái phúc thanh nhàn.
Mạnh Lệ Quân vương phi nghe nói, mừng lòng mà đáp:
- Con Phi Giao biết lo trước tính sau như vậy, tôi cũng được yên lòng, tất nó không có thói ghen tuông mà để đến nỗi điếm nhục gia thanh. Đã lâu nay tôi vẫn có ý định về thăm nhà, nay phu quân được cáo quan về hưu thì tôi muốn tiện dịp trở về Vân Nam để thăm hai thân tôi vậy.
Hai người đang chuyện trò cùng nhau thì anh em Triệu Câu vào. Triệu Câu nói:
- Thân phụ ơi! Ngày nay thân phụ cáo quan về nghỉ đã đành, nhưng không chém Đồ Man Hưng Phục thì sau này khó lòng tránh khỏi tai vạ. Sáng mai thân phụ nên tiến cử Bình Giang vương (7) thay chức thân phụ để chưởng quản binh quyền, còn quốc chính thì đã có Lương thừa tướng cùng Doãn thừa tướng, cũng chẳng lo ngại chi.
Bỗng thấy Bình Giang vương Hùng Hiệu và Mạnh Gia Linh thượng thư vào. Hoàng Phủ Thiếu Hoa hỏi rằng:
- Chẳng hay hai hiền huynh tới đây hôm nay có chỉ giáo việc chi không?
Mạnh Gia Linh nói:
- Nào có việc chi lạ đâu, chỉ vì Đồ Man Hưng Phục dám càn rỡ dâng bản tâu ấy mà khiến cho Bình Giang vương đây tức giận vô cùng. Bình Giang vương rủ tôi cùng tới đây nói với hiền đệ, định đến sáng mai thì dâng biểu tâu thánh thượng xin chém Đồ Man Hưng Phục, mà hiền đệ thì cứ ở lại, để cùng nhau một lòng giúp nước, chớ nên cáo về quê nhà.
Mạnh Gia Linh nói chưa dứt lời thì Hùng Hiệu nói:
- Hiền đệ ơi! Hiền đệ là bật anh hùng, taìkiêm văn võ, cớ sao ngày nay vì một bản tâu của đứa tiểu nhân, đã vội muốn cáo quan về nơi rừng núi. Hiền đệ cáo về, một là trúng kế gian hiểm c3ua đứa tiểu nhân, hai là khiến cho thánh thượng thiệt mất một tay phò tá. Thôi thôi, hiền đệ chớ nên cáo về, để sáng mai ta sẽ tâu với thánh thượng xin chém đứa nịnh thần ấy.
Mạnh Gia Linh cũng nói:
- Chúng ta tài sơ học thiển, các việc quốc chính này nay phần nhiều nhờ tay hiền đệ, hiền đệ chớ nên cáo về.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Hai hiền huynh dạy quá lời, ngu đệ có tài đức gì. Trong hai mươi năm trời nay, cơm nặng áo dầy của triều đình, thật là quá lạm. Quân ân khác nào trời biển, phận khuyển mã vẫn chưa chút báo đền. Dẫu lời dị nghị không quản thị phi, nhưng ta cũng chẳng nên tham quyền cố vị. Huống chi từ khi hai thân tôi về quê nhà, giấc mộng năm canh, lòng tưởng vọng bồi hồi khôn xiết, đã đành rằng có đàn cháu sum vầy dưới gối, nhưng đạo làm con cũng nên nhớ đức sinh thành. Vả nhà Hoàng Phủ tôi, đội ơn triều đình, mấy đời đều phong vương tước, vinh quý tưởng đã quá thịnh. Nay một nhà tôi lại có hai hoàng hậu, thế thì tôi e con tạo cũng phải ghét ghen. Hai hiền huynh nên để cho tôi cáo về thì vinh quý ấy mới bảo toàn được.Hai hiền huynh nên biết rằng từ xưa đến nay, các nhà ngoại thích quá thịnh, phỏng có mấy nhà được an toàn.
Hùng Hiệu nghe nói gật đầu mà rằng:
- Nếu vậy thì sáng mai tôi cũng sẽ dâng một bản tâu xin từ quan, rồi cùng hiền đệ về chốn điền lý là hơn cả.
Mạnh Lệ Quân vương phi cười mà bảo rằng:
- Bình Giang vương! Sao lại ví như vợ chồng nhà tôi. Phu quân tôi là thân đệ thái hậu, là thân phụ hữu hoàng hậu, nay nhân có lời dị nghị, từ chức xin về là phải. Còn như Bình Giang vương trên không cao đường, dưới lại có lịnh ái làm tả hoàng hậu. Vả đang giữ chức cấm vệ, cớ sao lại nghĩ như thế. Huống chi nước nhà thái bình đã lâu, võ tướng thật hiếm tay giỏi, nếu ngày nay Bình Giang vương cáo về thì thánh thượng biết trông cậy vào ai.
Mạnh Gia Linh cũng nói:
- Em tôi nói phải đó! Lão quốc trượng chớ nên từ chức. Còn tôi đây vẫn muốn từ chức đã lâu, nhưng thân phụ tôi nhiều lần gửi thư đến, chỉ khuyên tôi nên hết lòng báo đáp triều đình, bất tất phải vì cớ cha già mà từ chức. Tuy vậy mà dưới gối hai thân tôi chỉ có một đứa cháu gái thì lòng tôi sao yên. Hôm trước nội nhân tôi đã bàn định muốn trở về quê nhà, chi bằng ngày nay tôi cũng xin về nghỉ tạm một năm vậy.
Hùng Hiệu cười mà nói rằng:
- Ừ các người ai cũng nên cáo về cả, chỉ có một mình tôi không nên cáo về.
Mạnh Lệ Quân vương phi cũng cười mà nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
- Cảnh ngộ mỗi người một khác, không thể giống nhau được. Nay thân huynh tôi đã muốn cáo về thì tôi cung xin cùng về Vân Nam một thể, hoặc một năm hay nửa năm rồi tôi sẽ quay sang Hồ Quảng, phu quân nghĩ thế nào?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Hễ Mạnh thượng thư được cáo về thì phu nhân theo về để thăm hai thân cũng hay. Nhưng còn Phi Loan thì làm thế nào?
Hùng Hiệu nói:
- Mạnh vương phi về Vân Nam thì còn điệt nữ cứ giao cho nhà tôi cũng được.
Hùng Hiệu nói chưa dứt lời thì Mạnh Gia Linh cả cười mà nói đùa rằng:
- Bình Giang vương thật khéo thu xếp! Định đem con dâu về nuôi, để sau này cho được giản tiện.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân cũng đều cả cười, Hùng Hiệu lại cười mà bảo rằng:
- Tôi nói thực thà, lấy lòng thành lo tính giúp anh em, không ngờ Mạnh thượng thư lại đem dạ nhỏ nhen mà nghi cho tôi vậy. Nhưng bây giờ tôi mới nghĩ ra, hoặc giả ông môi nhân chỉ sợ về sau này thiệt mát món tiền hoa hồng tạ lễ chăng!
Nói xong, mấy người lại cùng nhau cả cười.
Khi Hùng Hiệu và Mạnh Gia Linh về rồi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa viết một bản tâu nói cha mẹ già yếu, vẫn muốn từ chức đã lâu, nay nhân có lời thái hậu, vậy xin triều đình rộng ơn mà cho cáo về, để giữ trọn ơn vũ lộ. Mạnh Lệ Quân cũng phụ thêm vào một bản tâu xin về Vân Nam để thăm hai thân. Lại xin thiên tử định ngôi Chiêu dương, phong Phi Giao làm quý phi, chứ không nên để có hai hoàng hậu.
Sáng hôm sau, Hoàng Phủ Thiếu Hoa vừa đem bản tâu vào dâng triều đình thì có Vệ Dũng Nga vương phi đến, Mạnh Lệ Quân vương phi vội vàng đón vào, pha trà mời uống, rồi hỏi:
- Chẳng hay có việc chi mà hôm nay chị quá bộ đến chơi sớm như thế này?
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Tôi nghe nói Tương Vương dâng biểu từ chức rồi toàn gia cùng về quê nhà, lòng tôi lấy làm áy náy, vậy phải sang đây để bàn xem thế nào. Vợ chồng tôi cũng muốn cáo quan vể nghỉ đây.
Mạnh Lệ Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp rằng:
- Bình Giang vương là tay hùng tài võ lược, triều đình ngày nay chính đang trông cậy, không thể từ chức được. Vả hai hoàng hậu còn đang độ trẻ dại, chắc đâu không có lúc bất hòa, nhờ có chị ở đây để điều đình cho thì mới yên việc được. Em dẫu xin về điền lý, chỉ sợ tả hoàng hậu tính khí nhu nhược, mà hữu hoàng hậu lại giở thói cương cường chăng. Đã đành rằng Nga Hoàng, Nữ Anh hai người ngày nay coi nhau như một, nhưng chị cũng nên đề phòng trước mới được. Em đây vì lời dị nghị, lại nhân có thái hậu quá lo mà muốn cho cáo về thì em quyết không nên ở lại.
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Nỗi khỗ tâm của em, chị đã hiểu thấu, mà chị đây cũng không phải có tham gì cái ngôi vương hầu. Từ khi con gái được lập làm hoàng hậu, lại càng thêm lo nghĩ. Dẫu trên nhờ có ơn che trùm của thái hậu nhưng việc đời họa phúc bất thường, nào biết thế nào. Chị vẫn muốn bảo Bình Giang vương cáo về đã lâu, nhưng lại không muốn phải xa cách con gái. Vả thái hậu dẫu tôn quý mà đối với chị vẫn coi như tình chị em. Gần gụi cùng nhau, lại có Tương Vương và em, ngày nay bỗng bỏ về tất cả, lòng chị đây kể sao xiết nỗi bồi hồi. Huống chi việc hôn sự của Hùng Khởi Thần chưa xong, mà nay tiểu thư lại theo về thì biết thu xếp làm sao cho ổn.
Chuyện trò hồi lâu thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa ở trong triều ra, Vệ Dũng Nga và Mạnh Lệ Quân đón mà hỏi rằng:
- Thế nào, việc dâng biểu xin cáo có được không?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Thánh thượng xem xong bản tâu thì tức khắc truyền chém Đồ Man Hưng Phục, tôi nghĩ lại thương tình mà xin tha cho. Tôi tâu xin cáo về để phụng dưỡng hai thân, nhưng cố tâu hai ba lần thánh thượng mới ưng chuẩn cho được nghỉ tạm một năm. Lại truyền phải làm lễ thành hôn cho Triệu Câu kết duyên với Gia Tường công chúa, để khiến thái hậu được vui lòng. Quốc chính giao cho Lương thừa tướng , còn binh quyền thì giao cho Bình Giang vương.
o0o
(1) khuê trung nữ huấn: Những lời răn dạy các cô gái phòng khuê (NXB)
(2) trỏ Vệ Dũng Nga nữ tướng, con nuôi của Thái vương phi Doãn thị (NXB)
(3) Nga Hoàng Nữ Anh: là hai con gái của vua Nghiêu, củng gả cho vua Thuấn (NXB)
(4) tức Vệ Dũng Nga
(5) tức Trưởng Hoa
(6) tức Vệ Dũng Nga và Mạnh Lệ Quân
(7 ) bất quỹ nghĩa là trái phép, không giữ đạo làm tôi.
NGUYỄN ĐỖ MỤC dịch thuậ
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...