Trời vừa tắt nắng, Giàu bưng mâm cơm một chén một đũa chỉ vỏn vẹn hai món cá cơm kho khô với rau đồng ra hiên nhà. Gió thổi ù ù từng chập làm mấy cây tràm chung quanh lắc lư va cành lá vào nhau xàng xạc. Thanh âm của buổi chiều muộn làm người ta rầu thúi ruột lần lượt cất lên. Tối còn phải đi đặt cá nên Giàu lùa vội mấy đũa cơm, ăn còn chưa xong chén đầu thì tiếng con nít trong xóm hát cắc tùng cắc tùng dinh dinh đã rộn ràng từ xa xa vọng lại.
Bất giác, Giàu ngẩng đầu nhìn trăng. Trăng rằm như tấm gương vàng tròn vành vạnh hời hợt treo trên cây, kiêu căng liệng xuống đất thứ ánh sáng tinh khôi dìu dịu, và ném trên mặt nước cái bóng loang loáng vỡ tan tành.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Chú! Xin Ký Đơn!
2. Khát Khao Khôn Cùng
3. Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi
4. Tâm Ma - Gia Cửu
=====================================
Phải rồi, là Trung Thu. Vậy mà.. Giàu quên mất. Nếu nhớ, ắt hẳn đã mua cho ngoại ít bánh trái với trà. Không biết là từ hồi nào nó không còn chú ý tới ngày tháng gì nữa, cứ làm, làm cả đêm cả ngày, để kiếm tiền, mà cũng để quên đi cái cảm giác cô đơn lạc lõng chèo queo có một mình.
Tính ra, Trung Thu trong đời nó có biết bao nhiêu là chuyện đáng nhớ.
Lúc nó còn nhỏ xíu, ba má không có đất cát gì chỉ đi làm thuê cuốc mướn cho nhà người ta kiếm bữa rau bữa cháo. Rồi chủ thuê người ta thấy thương, người ta cho mượn miếng đất dựng chòi ở tạm, cả nhà ba người cũng có cái gọi là che nắng che mưa. Ông bà thường nói, đẻ con mà lúc có bầu thèm cái gì nhất thì đặt tên nó là cái đó cho dễ nuôi, vậy nên má đặt nó tên Giàu, chớ còn nhà nó thì nghèo xơ nghèo xác, nghèo nát nghèo tan.
Cái hồi mới ba bốn tuổi, trong khi mấy đứa con nít khác còn chưa biết tự đánh răng chải đầu thì thằng Giàu đã theo ba má ra ruộng, lụm khoai mót lúa, khi thì dí bắt chuột đồng. Tới chừng năm sáu tuổi, ông bà già bấm bụng cho nó đi học đặng có cái chữ "lận lưng" với người ta.
Vậy là, nó không theo hai người ra ruộng nữa mà cứ ngày hai buổi, sáng tới trường, trưa về bắt nồi cơm, gom mớ cá con tôm mà ba nó bắt được hồi hôm rọng trong cái rong tre cắm dưới mương nước sau nhà rồi lựa ra ít con ngon ngon nấu cơm để xế xế ổng bả làm về có cái mà ăn. Mớ còn lại thì bán cho mấy người trong xóm, người ta thấy nó tội nghiệp người ta mua dùm, chớ xứ này có hiếm lạ gì ba cái của đó.
Trúng hôm không có cá, nó cũng đi xuống nhà bà tám dưới mé suối lãnh bánh bông lan đi bán vòng vòng, bữa nào tới trễ hết bánh thì đi cắt cỏ mướn cho người ta, đổi lấy vài đồng lẻ mua viết thước sách vở. Cực khổ vậy, mà nó vui. Vui nhất là mỗi năm, nó với mấy đứa nhóc trong xóm cứ sau lễ tựu trường vài bữa là đã bắt đầu nôn nao trông chờ tới cái ngày mà người lớn gọi là rằm tháng tám, ngày Tết Trung Thu.
Bữa đó người ta mua đồ chơi bánh kẹo cho con cháu nhiều, Giàu cũng được ăn theo, bánh trái bán cũng hết sớm hơn mọi khi, có người còn cho thêm vài đồng lẻ. Nó bán bánh xong, lật đật chạy về để tối còn kịp tụ tập rước đèn với đám con nít trong xóm. Tụi nó không đứa nào nói với đứa nào, sau giờ cơm tự giác chạy ra bãi cỏ ven suối gặp nhau ở đó. Đứa nào có đèn thì đốt đèn, không đèn thì đốt đuốc, mỗi đứa đem theo ít bánh kẹo từ nhà ra, trải lá chuối ngồi thành vòng tròn rồi đem đồ ăn bỏ vô chính giữa. Giàu cũng vậy, cả năm trời nó mới dám thó lại mấy cái bánh bông lan đặng bỏ vô góp phần.
Trên trời trăng rọi sáng trưng, dịu dàng trùm lên đỉnh đầu mấy đứa nhỏ thứ ánh sáng huyền hoặc của mình, phũ lên cả những đốm lửa đỏ cam vàng xanh sặc sỡ phát ra từ mấy cái lồng đèn đủ màu đủ kiểu. Dưới ánh mắt trìu mến của nó, đám con nít cười vang rồi vỗ tay cùng nhau gào lên.
Tùng tùng dinh cắc tùng dinh dinh
Từng dinh dinh cắc tùng dinh dinh..
Cứ có câu vậy thôi mà hát hoài, hát cho tới khi mỏi miệng thì nín, bắt đầu chia bánh kẹo ra ăn. Cái nơi thằng Giàu sinh ra Trung Thu nhạt tênh đến lạ, nó đâu có biết múa lân múa rồng, cũng chẳng nghe đến cái gọi là phá cỗ. Tại quê nó nghèo quá, đám nhỏ chỉ biết người lớn trong nhà sẽ làm lồng đèn, bánh trái cho tụi nó, trên bàn thờ ông bà tổ tiên cũng nhiều thêm mấy dĩa trái cây, đôi ba quả bưởi và ít cái bánh đủ vị đủ nhân mà tụi nó chỉ thấy mỗi năm một lần vào đúng dịp này. Còn thằng Giàu, nó đâu có mong muốn gì nhiều, miễn là hôm đó ông bà già nó về sớm hơn một chút, bữa cơm tối có thêm miếng thịt heo quay bằng cỡ bàn tay, là nó thấy quý lắm rồi.
Lần đó, ba má Giàu đi làm xa về không kịp buổi cơm chiều, nó nấu xong thì để cơm nước ở đó rồi ôm bụng đói đi đón trăng lên với đám bạn. Đang hát hò vui vẻ, không biết đứa nào rảnh hơi rủ tụi nó chơi cái trò ma lon mà nó nghe người ta đồn là "vui dữ lắm".
Ở cái tuổi không sợ trời không sợ đất chỉ sợ ông bà già, cả đám không nghĩ chi nhiều, háo hức lôi nhau ra khu nghĩa địa cách đó không xa. Thằng Sành lớn tuổi nhất bọn nên được tin tưởng giao nhiệm vụ "gọi lon", nó lấy mấy cục kẹo mạch nha bọc trong giấy bóng đỏ để dưới đất, ụp cái lon thiếc mài nắp mà tụi nó mới kiếm được lên trên rồi lôi ra ba cây nhang không biết lấy ở đâu ra đốt bằng lửa đèn cầy. Nhang cháy đỏ, thằng Sành vừa đi vòng quanh cái lon vừa lầm rầm khấn vái, vái xong nó xá, xá xong nó lạy tám hướng mười phương, cuối cùng nó cắm ba cây nhang lên cái lon mời người "ở dưới" lên chơi.
Chờ mòn chờ mỏi cho tới cái lúc nhang tàn cũng không thấy gì lạ ngoài tiếng tụi nó thi nhau đập muỗi bép bép với mấy tiếng chửi thề. Đứa nào tiếc rẻ than thở thì tiếc, chỉ riêng thằng Giàu là thầm chắp tay cảm tạ tám đời tổ tiên. Trăng đã tới đỉnh đầu, thằng Sành chờ hết nổi, nó hả họng ngáp một cái thiệt dài chảy cả nước mắt.
- Thôi, bây coi kiu tụi nó, tao đếm coi đủ số chưa đi còn về. Có khỉ gió gì đâu.
Đám trẻ con lục tục tụ lại, thằng Sành nhắm mắt nhắm mũi đếm.
- Một hai ba bốn.. rồi, đủ tám đứa, về ngủ để không ông bà già cho ăn cây.
Giàu theo đám bạn đi ra, đi một khúc xa rồi tự dưng nó thấy một bó nhang lở dở để bên cạnh cái mả vừa mới đắp. Gió không thổi mà nó nghe chân mình lạnh ngắt, răng đánh bò cạp lạch cạch còn hơn cả tiếng máy xay lúa nhà ông ba. Nó run cầm cập, hỏi thằng Sành:
- Hồi nãy.. mày lấy nhang ở đâu?
Đúng y như Giàu nghĩ, thằng Sành quay đầu chỉ ngay chỗ cái mả mà nó mới nhìn, dường như vẫn chưa phát giác ra chuyện bất thường. Giàu nuốt nước bọt, nó thấy mình sắp xỉu tới nơi.
- Nãy.. mày đếm đủ tám đứa. Mà.. mày có tính luôn mày chưa?
Nguyên đám đang đi nghe Giàu hỏi lập tức đứng khựng lại, tất cả đổ dồn ánh mắt về phía thằng Sành. Lần này thì tới lượt thằng Sành run giò, nó lắp bắp cả buổi trời mới nói được đúng một chữ: Chưa!
Thôi! Khỏi giải thích nữa, tại đâu đứa nào còn dám đứng lại nghe, ba hồn bảy vía chắc bay lên đọt tre hết sạch. Mạnh đứa nào nấy chạy trối chết.
Thằng Giàu chạy thẳng về tới nhà, lúc mở cửa đi vô, thấy ba má ngồi ăn cơm mà nó tưởng đâu mình vừa đầu thai lại một kiếp. Chưa kịp lao vô ôm má thổn thức thì ba nó đã nạt ngang:
- Mày đi chơi đâu giờ mới về? Quần áo gì như chúa ôn? Còn dép guốc gì đâu?
Giàu cúi xuống mới phát hiện đâu mất tiêu hết một bên dép, đôi dép này má mới mua cho nó chưa được bao lâu, nó chờ tới Trung Thu mới dám mang đi khoe tụi bạn. Mà giờ.. còn có chiếc. Cái lồng đèn ông sao bà bảy hàng xóm bả cho còn thảm hơn, rớt mất tăm ở bờ ở bụi nào nó hổng có biết, trên tay chỉ còn đúng cái cây trúc bả cột để cho nó dễ cầm.
Trung Thu năm đó, nửa đêm trời đổ mưa như trút, thằng Giàu ở trong nhà cũng hứng đủ bão táp mưa sa. Mà ba đánh thì đánh, má la thì la, chớ nó sợ ma, nó không dám đi kiếm. Tới sáng hôm sau, ba nó đi thu bẫy cá lụm được cái đế dép của nó, chớ quai trôi tới đâu, chắc chỉ có cá dưới mương mới biết.
Còn cái đèn ông sao sáu màu bà bảy cho thì văng tuốt luốt trên đọt ổi, giấy kiếng giấy màu gì cũng rách tan rách nát còn sót mỗi cái khung. Bận đó, nó ôm vết bầm tím hai bên mông buồn hết mấy bữa. Ba nó đánh nó, không phải vì tiếc của mà vì cái tội chơi ngu.
Có một dạo nó thấy má nó khó chịu trong người, cứ nghe mùi cá mắm là ói tới xanh mang. Nó sợ má nó đói nên đem hết cá cua đi bộ ra chợ đổi thịt heo cho má ăn đỡ ngán. Thấy nó còn nhỏ, người ốm như ma cây mà ngoan ngoãn hiểu chuyện, ai cũng mủi lòng. Bà thịt heo cắt thêm cho nó tí mỡ, bà bán gạo cũng đổ vô túi nó hai lon. Rồi bà bán mắm, bán cà, bán rau, bán bún, cho được cái gì người ta cho, giúp được bao nhiêu thì người ta giúp hết.
Má nó không đi làm nổi, mình ba nó cáng đáng xoay sở khắp nơi, không biết nó có ảo giác hay không mà nó thấy má hay xoa bụng rồi cười, nụ cười hiền queo mà ánh mắt còn dịu dàng hơn cả hồi xưa nhìn nó. Cái ánh mắt mà đã lâu thiệt lâu, nó không có thấy.
Mùa nước nổi năm nó bảy tuổi, trong cái cảnh mưa dầm dề dai dẳng mấy ngày mấy đêm, mấy nhà ở chỗ thấp nước đã dâng lên tới tận mái. Gia đình thằng Giàu ở chỗ đất cao, nhưng cái chòi tranh không chịu nổi phong ba, bị cuốn trôi theo giông gió. Cái mương nước mọi khi cạn queo giờ chảy nhanh như thác, nước theo mưa dâng lên ào ào. Nhà nó bắt đầu ngập.
Trong cảnh màn trời chiếu đất không có nổi một chỗ chắn gió che mưa, má nó nằm trên xuồng trở dạ.
- Giàu! Ráng che cho má mày! Tao chèo tới nhà bà năm Đỡ.
Mà có kịp tới nhà bà năm Đỡ đâu, má đẻ thằng Lắm trên xuồng, khi ba bồng má với thằng nhỏ vô nhà bà năm, hai người đã vì ướt lạnh mà tím tái hết cả người. May phước có tổ tiên phù hộ, tới sáng hôm sau hai má con tỉnh lại, coi như xém chút nữa là về với ông bà, nhưng má nó bị sản hậu rồi bịnh đau triền miên luôn từ đó, không còn làm lụng được gì.
Thằng em nó vừa ra đời đã thiếu sữa mẹ, èo uột, tèm nhèm y chang mấy con mèo con bị người ta bỏ ngoài đống rác không biết chết bữa nào. Thằng Giàu mỗi ngày đi làng trên xóm dưới xin sữa, mà dân ở đây đâu có được mấy người, đâu phải lúc nào cũng có đàn bà đẻ. Mà có, cũng chưa chắc người ta cho sữa hoài.
Gánh nặng gia đình đè lên vai ba nó, cực khổ trăm bề, nên ổng từ một con người hiền lành cục mịch trở nên cau có, gắt gỏng với vợ, với cả hai đứa con. Mẹ nó buồn, khóc hoài. Còn thằng Lắm đói sữa nên cũng oặt oẹo la hét tối ngày sáng đêm. Nó khóc quấy hết mấy tháng trời, cù nhây cù nhợ y chang cái cơn mưa thúi đất hồi má đẻ nó ra.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...