Nửa canh giờ trước khi mưa trút xuống, bên ngoài vẫn là cảnh sắc trời trong nắng to, ngược lại bên trong đại sảnh trong cung thái hậu đã có dấu hiệu của một cơn giông tố, phong vân biến sắc. Không vì gì khác, chỉ vì người phụ nữ đứng đầu thiên hạ đang nổi cơn thịnh nộ.
Nhị vương gia vừa hồi phủ không lâu, thì có cung nữ ở cung thái hậu đến truyền khẩu dụ, nói thái hậu cho mời. Tâm trạng nhị vương gia vẫn còn chưa kịp bình ổn, trong đầu mải nghĩ đến chuyện của Tứ Thụy, sắc mặt ủ ê như tro tàn, thân hình chậm chạp lê bước vào đại sảnh, cúi người hành lễ bái kiến:
"Nhi thần thỉnh an hoàng tổ mẫu".
Đáp lời anh ta lại là một tiếng quát đầy tức giận:
"Quỳ xuống!".
Rõ ràng là nhị vương gia không dự liệu trước điều này, ngạc nhiên ngẩng đầu, mấp máy môi gọi:
"Hoàng tổ mẫu...".
Thái hậu vỗ bàn, ngón tay run run chỉ thẳng vào tôn tử lớn nhất này, khóe môi cũng run lên vì giận:
"Nghịch tử, còn không mau quỳ, chẳng lẽ lời của ai gia ngươi cũng không để vào tai nữa rồi?".
Nhị vương gia vội vàng quỳ, sắc mặt tái nhợt.
"Hoàng tổ mẫu bớt giận, nhi thần không dám".
"Hừ, không dám? Còn có việc gì mà ngươi không dám làm? Ngự kiếm là vật thế nào mà ngươi cũng cả gan dám cướp?".
Mặt nhị vương gia đã tái nghe thấy câu ấy lại trắng thêm ba phần, há miệng mấy lần nhưng không thể đáp, chỉ còn biết trách bản thân hành sự quá lỗ mãng, một khắc nóng nảy gây ra việc động trời. Càng không ngờ thái hậu trước giờ không quản việc tiền triều, nay vì tên tiểu tử kia mà giáo huấn mình. Nhị vương gia còn chưa kịp hoàn hồn, thái hậu lại bồi thêm một câu:
"Ai gia hỏi ngươi, ngươi cướp Ngự kiếm là tính làm gì? Muốn lấy mạng ai? Là ai gia, hay là hoàng thượng!?".
Nhị vương gia ngẩng phắt lên, hai mắt mở lớn, kinh ngạc không dám tin vào tai mình. Sợ đến toàn thân run lên một chặp mới ra sức lắc đầu rồi lại dập đầu kêu lên:
"Hoàng tổ mẫu nói lời này thật khiến nhi thần hoảng sợ. Nhi thần hành động hồ đồ, là nhi thần ngu muội. Nhưng nhi thần tuyệt đối không dám có nửa điểm bất kính với hoàng tổ mẫu và phụ hoàng. Sao hoàng tổ mẫu lại nói ra những lời như thế, há chẳng phải là đang đẩy nhi thần vào chỗ thiên lý khó dung, người đời phỉ nhổ hay sao?".
Thái hậu cũng thấy mình đã nặng lời, hít một hơi đè ép cơn giận, rồi mới hỏi:
"Được, ai gia cũng tin ngươi không phải là kẻ đại nghịch bất đạo. Nhưng việc ngươi giữa đường hung hăng càn quấy, ra tay cướp Ngự kiếm vua ban đã có hơn trăm con mắt nhìn thấy. Ngươi giải thích thế nào?".
Việc này nhiều người chứng kiến, đã không thể che giấu được nữa. Thái hậu không để nô tài ở cạnh hầu hạ hẳn là đang chừa cho mình một con đường lui. Giờ ngoài nói thật cũng không còn cách nào khác tốt hơn. Nhị vương gia âm thầm suy nghĩ rồi quyết định trả lời:
"Nhi thần không hề có dự định làm gì với thanh kiếm kia, chỉ là... chỉ là nhi thần thấy tứ đệ tuổi còn nhỏ, không có khả năng gánh vác trọng trách to lớn. Ngự kiếm quyền uy tột cùng, nếu có kẻ gian nịnh xúi giục, tứ đệ nhỏ tuổi lại chưa từng tham dự triều chính, e là sẽ nghe lời ngon tiếng ngọt mà trúng phải gian kế của kẻ xấu bụng. Nhi thần cũng là lo lắng cho tứ đệ, nhất thời không suy nghĩ kĩ càng, mới hành động xốc nổi, chứ không phải muốn cướp Ngự kiếm cho bản thân...".
Choang!
Âm thanh sắc bén đột ngột làm nhị vương gia giật nảy mình, khó khăn quay đầu nhìn sang bên cạnh, lập tức hai mắt mở càng lớn. Trên nền gạch sáng bóng ngay sát chân anh ta là những mảnh vỡ nhỏ vụn, nước trà văng tung tóe còn đang bốc hơi nóng. Thái hậu là người tín Phật, tính tình hòa nhã, đối với các hoàng tôn lớn nhỏ đều luôn từ ái, chưa từng giận dữ quát mắng to tiếng, càng không nói đến hành động ném đồ nóng nảy! Rõ ràng là đang nộ khí xung thiên!
Nhị vương gia đối với việc này quả thật vô cùng kinh ngạc! Trong hoàng cung, người người đều biết thái hậu thương yêu để tâm nhất là tam hoàng tử, cho nên thái hậu vì tứ đệ mà nổi giận đến mức này khiến anh ta vừa bất ngờ, cũng vừa... bất an. Nhị vương gia lại không biết nguồn cơn bên trong.
Thái hậu ngay trước đó mới lựa lời khuyên nhủ Tứ Thụy, trong lòng bà cũng tự biết bản thân vì thiên vị tam vương gia mà khiến đứa nhỏ kia chịu ấm ức, tất nhiên là tâm không thoải mái, cảm thấy áy náy vô cùng. Ấy vậy mà chỉ liền sau đó, đã nghe tâm phúc bẩm báo, nhị vương gia ngang nhiên cướp Ngự kiếm giữa đường, ra tay tàn độc, suýt chút nữa đã chặt xuống cánh tay tứ vương gia. Tiểu tử nhân từ kia lại không trách không oán, chuyện lớn hóa nhỏ xem như sự việc chưa từng phát sinh. Chẳng phải là vì nghĩ cho ta và phụ hoàng hắn hay sao? Nhường nhịn đến mức ấy, đáng thương đến như vậy, giờ nếu ai gia không đứng ra che chở, không ngăn được đứa lớn ức hiếp đứa nhỏ, cứ để tình thế diễn biến càng ngày càng tệ, nhỡ có một ngày, có một ngày... giọt nước tràn ly, thì hậu quả khôn lường!
Tức giận trong lòng càng tăng, giọng cũng cao lên, lời nói ra không còn nửa phần khách khí, do dự, từng câu từng từ chỉ rõ:
"Ngươi đúng là tên nghịch tử. Ai gia chưa mù, hoàng thượng cũng chưa mù. Lần trước ngươi sai người hành thích hắn, ngươi tưởng ai gia không biết?".
Một lời này như sấm giữa trời quang, nhị vương gia chết trân nghẹn họng. Trong lòng khiếp đảm, phải chăng là tên Tiểu Tam kia sau lưng lén tố cáo mình? Nhị vương gia còn chưa kịp lên tiếng giải thích, đã nghe thái hậu cười nhạt, sau lưng lập tức đổ mồ hôi lạnh.
Thái hậu lạnh lùng nhìn xuống, lắc đầu ngao ngán, lộ rõ vẻ thất vọng:
"Ngươi nói hắn tuổi nhỏ không hiểu chuyện, ai gia lại thấy ngươi mới là kẻ tai điếc mắt mù, không phân thị phi, không biết trắng đen phải trái".
Nhị vương gia đột ngột ngẩng phắt lên, hai mắt vằn tia máu đỏ, quai hàm bạnh ra, nghiến răng mà nói:
"Nhi thần đúng là đui mù mới không sớm nhìn rõ bản chất của hắn. Dám hỏi hoàng tổ mẫu, hắn âm hiểm xảo trá, đóng kịch giả nai, dối trên lừa dưới, ngoài mặt ra vẻ hiền lành yếu đuối thực chất hết thảy đều là vờ vịt. Là hắn tâm ngoan thủ lạt, sao lại thành nhi thần không đúng? Hắn mới là kẻ xấu xa, không coi ai ra gì!".
Câu này đúng là chọc cho thái hậu sôi gan, đứng phắt dậy khỏi ghế, bước tới vung tay tát xuống, ngực phập phồng hít thở dồn dập.
"Ngươi còn dám nói! Hắn như vậy không phải là vì nghĩ cho ngươi, cho Túc nhi, cho ai gia, cho hoàng thượng?".
Nhị vương gia ôm má sững lại, há miệng định cãi thì thái hậu đã lần nữa giơ tay lên cao, nhưng kìm lại, thu tay siết thành nắm đấm, liên tục lắc đầu.
"Ngươi thân là ca ca, nhưng bụng dạ hẹp hòi. Hắn có chỗ nào thua kém các ngươi? Ngươi có gì để tự đắc, kiêu ngạo? Ngươi không phải trưởng tử, thân mẫu ngươi cũng không phải hoàng hậu. Luận thân phận, ngươi với bọn hắn có gì phân biệt? Luận tài năng, ngươi cũng không nghĩ xem, hắn khổ sở che giấu, chấp nhận tiếng xấu vô dụng bất tài là vì cớ gì? Vì sợ các ngươi? Ha, nực cười. Ngươi đánh, không đánh lại hắn. Ngươi đấu trí không đấu nổi với hắn. Ngươi dùng của cải vất vả mua chuộc lòng người cũng không bằng hắn nhẹ nhàng vung tay phá tan thế cờ, xoay chuyển cục diện trong một khắc. Luận tính cách, ngươi nóng nảy háo thắng tự cao tự đại, hắn kiên nhẫn hơn người, khiêm tốn tự lực cánh sinh. Ngươi còn chưa nhìn rõ sao!? Hắn không kém các ngươi, không sợ đấu không lại với các ngươi. Hắn nhường, là bởi vì hắn không muốn cùng các ngươi huynh đệ bất hòa, không muốn ai gia và hoàng thượng bất an. Còn ngươi bất cận nhân tình*, liên tiếp năm lần bảy lượt không từ thủ đoạn, không chút nhân nhượng một lòng muốn dồn hắn vào chỗ chết. Ngươi thật khiến ai gia thất vọng!".
(*) Bất cận nhân tình: không để ý đến quan hệ tình cảm.
Một tràng trách mắng nặng nề của thái hậu khiến nhị vương gia không thể mở miệng phản bác. Đầu cúi thật thấp, cả người cứng lại, hai nắm tay siết chặt đến mức móng tay ngập sâu vào da thịt, qua thật lâu anh ta mới thẳng lưng dậy, vẻ mặt hối lỗi, hai mắt đỏ hoe, môi run run, tự trách:
"Đều là nhi thần ngu dốt, trách oan tứ đệ, đã gây ra tội lỗi tày đình. Thanh nhi cam nguyện nhận phạt, xin hoàng tổ mẫu đừng vì sai lầm của Thanh nhi mà nóng giận hại đến phượng thể. Nếu người vì nhi thần mà sinh bệnh, Thanh nhi dẫu chết cũng không yên lòng".
Thái hậu nghe thế thì cơn giận cũng nguôi ngoai, thở dài bảo tôn tử đứng lên, lại khuyên nhủ:
"Trong lòng ai gia, các ngươi đều là hoàng tôn quan trọng. Ai gia thương bọn hắn, nhưng ai gia cũng thương ngươi. Các ngươi là con thiên tử, trên vai có trách nhiệm to lớn, phải biết vì giang sơn xã tắc mà lo nghĩ. Nếu vì hiềm khích cá nhân mà tổn thương nguyên khí quốc gia, há chẳng phải sẽ tạo điều kiện cho ngoại bang xâu xé Đại Tề chúng ta? Chỉ cần ngươi thành tâm hối cải, ai gia sẽ không truy cứu chuyện cũ".
"Nhi thần tạ ơn hoàng tổ mẫu khoan hồng, tuyệt đối không dám tái phạm. Nếu nuốt lời sẽ bị sét đánh, chết không toàn thây".
Thái hậu giật mình, vội trách:
"Đứa ngốc, sao lại thề độc như vậy? Ai gia biết ngươi là đứa trẻ hiểu chuyện, hiếu thuận. Chỉ cần huynh đệ các ngươi tương thân tương ái, ai gia và hoàng thượng sẽ yên lòng".
Nhị vương gia mỉm cười, cung kính dập đầu rồi mới đứng dậy:
"Nhi thần ghi nhớ lời hoàng tổ mẫu dạy, nhi thần cáo lui".
Thái hậu an tâm gật đầu.
Nhị vương gia vẫn duy trì nụ cười trên môi đến tận khi bước ra khỏi cổng cung của thái hậu mới thu lại vẻ mặt. Một tia chớp đột ngột rạch trên nền trời, chia bầu không thành hai nửa. Ánh sáng chói mắt kia lóe lên chỉ trong một khắc ngắn ngủi lại soi rõ nét mặt lạnh lùng như đao, rét buốt tựa băng bên dưới. Gió lớn thổi qua vòm trời cung đình, mưa bắt đầu tuôn xối xả. Một vài giọt màu đỏ kinh diễm hòa cùng nước mưa nhỏ xuống từ hai bàn tay vẫn nắm chặt. Khuôn mặt nhị vương gia trắng nhợt không chút huyết sắc, hai hàng lông mày nhíu chặt như muốn dính vào nhau, bên dưới là hai mắt đỏ ngầu, tràn ngập hận ý. Khóe môi bị cắn rách rỉ ra vệt máu, thốt ra hai tiếng:
"Tứ, đệ".
Tiếng rít qua kẽ răng như tiếng loài thú dữ bị dồn vào đường cùng đang gầm gừ. Khắp các cung viện, từ chủ tử đến nô tài đều reo hò khi thấy trời mưa, tiếng cười nói vang lên không ngớt, át cả tiếng mưa bên ngoài, lanh lảnh như châu ngọc va chạm nghe thật vui tai. Chỉ có một người bước đi dưới làn mưa lạnh lẽo, hai tay nắm chặt, sắc mặt âm trầm u tối.
Mưa rơi không ngừng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...