Từ Đây, Hạnh Phúc Của Em Chính Là Anh

EDITOR: HANNAH

Chúng ta sẽ không nản lòng thoái chí

Chúng ta sẽ tự vỗ tay cho bản thân

Em không phải những gì anh tưởng tượng

Em cũng có cánh cửa của riêng mình.

001.

Khi chưa có con, tôi cảm thấy trong thành phố này nếu muốn đi đâu chỉ cần gọi taxi hoặc đi xe buýt đều rất tiện. Nhưng từ sau khi có con, suy nghĩ liền thay đổi, xe buýt rất đông, taxi thì khi cần lại không gọi được.

Vì thế tôi và thầy S tính toán lại, cân nhắc đến chuyện mua xe. Muốn mua xe thì trước tiên phải biết lái xe đã. Tôi là phụ nữ, không có hứng thú với xe cộ cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng không phải đàn ông đều thích xe sao? Những cái khác không nói nhưng bố chồng tôi cũng lái xe kìa, vì sao thầy S vẫn không có bằng lái?

Tôi thắc mắc về vấn đề này, sau khi đăng ký học lái xe thì hỏi anh: “Sao lúc trước anh không học lái xe?”

Thầy S suy nghĩ rồi đáp: “Em không biết lúc trước anh học toán rất giỏi à?”

Anh ấy giỏi toán, điều này tôi biết, anh ấy lại chẳng khoe khoang không biết bao nhiêu lần rồi ý, nói là khi đi thi đều đạt điểm tối đa. Nhưng mà học giỏi và học lái xe thì liên quan gì?

Anh ấy thấy tôi vẫn không hiểu, đành giải thích: “Anh đã tính toán rồi, mua xe xong còn phải mua bảo hiểm, cộng thêm phí bảo dưỡng, cho dù mỗi ngày em ra ngoài đều lái xe cũng dùng không hết chỗ tiền đó.”

Tôi hiểu ra: “Nói như thế nghĩa là anh cảm thấy mua xe không lời bằng gọi xe phải không, thế nên anh định cả đời không mua xe, cũng không học lái xe luôn. Nhưng vì sao bây giờ lại đổi ý?”

Thầy S đáp: “Anh đâu có đổi ý.”

Tôi lại hỏi: “Thế sao anh còn bảo mua xe?”

Thầy S: “Anh nói sẽ mua xe hồi nào?”

Phí học lái xe cũng đóng rồi, nếu không định mua xe thì học lái làm gì?

Tôi đang định lôi anh ấy đi rút học phí, anh ấy lại không chịu, chỉ vào mấy chiếc xe đỗ ven đường, nói: “Học lái xe có lợi cho em. Em vẫn luôn muốn mua xe, anh đồng ý mua xe cũng là mua cho em. Còn anh học lái xe vì anh nghĩ nếu thi thoảng em không muốn lái thì để để anh lái xe chở em và con.”

002.


Thầy S đi làm, con gửi bố mẹ tôi trông giúp, tôi cũng có nhiều thời gian hơn. Học xong khóa lý thuyết, tôi hẹn thầy hướng dẫn bắt đầu tập lái xe, thầy S không sắp xếp được, chỉ có thể để tôi đi học trước.

Thầy hướng dẫn của tôi là một người đàn ông dáng người mảnh khảnh, đeo kính râm, không nhìn được đôi mắt.

Thầy: “Em là Tiểu Y, bạn của XXX?”

Tôi gật đầu.

Trường học lái xe này là do bạn của tôi giới thiệu, ông thầy này cũng vậy, nghe nói tính tình rất tốt, rất kiên nhẫn.

Thầy: “Hôm nay là buổi học đầu tiên, chúng ta sẽ học điều khiển tại chỗ. Tiểu Y, bên kia có chiếc xe, cửa không khóa, em đi qua đó, cầm thử tay lái, lát nữa tôi sẽ cử người sang hướng dẫn em.”

Tôi thầm nghĩ: “Thầy à, thầy không hướng dẫn em à?” Sau này tôi mới biết thầy hướng dẫn rất bận, những bài học căn bản như điều khiển tại chỗ này, thầy ấy đều cử học viên của mình đi dạy thay.

Thầy hướng dẫn bảo tôi đi cầm thử tay lái của chiếc xe kia, bốn lốp xe đều bẹp dí, cửa xe không phải không khóa mà có vẻ như không khóa nổi. Tôi đứng bên cạnh xe nhìn trái ngó phải nhưng không đi lên.

Thầy hướng dẫn đưa một cô gái trẻ xinh đẹp qua, nói với tôi: “Em gọi cô ấy là chị đi, lễ phép với cô ấy một chút, cô ấy sẽ hướng dẫn cho em tận tình, hiểu chưa?”

Tôi gật đầu, nét mặt rất chân thành.

Thầy hướng dẫn lại nói với cô gái trẻ xinh đẹp: “Em giảng cho cô ấy cấu tạo cơ bản của bộ phận điều khiển cùng những kiến thức căn bản là được rồi.”

Cô gái trẻ liếc nhìn tôi rồi gật đầu với thầy hướng dẫn.

Thầy hướng dẫn yên tâm rồi rời đi, để lại hai chúng tôi.

Tôi chờ tới khi thầy đi xa, đang định nói: “Chị à, làm phiền chị rồi.”, không ngờ cô gái trẻ kia đã hốt hoảng lên tiếng trước: “Cô ơi, em nhất dịnh sẽ hướng dẫn cô thật kỹ điều khiển tại chỗ, cô đừng mách với thầy S chuyện em trốn học đi học lái xe được không cô?”

003.

Việc thi bằng lái xe đối với một người mà đôi mắt và tứ chi không phối hợp như tôi mà nói, có lẽ là lựa chọn sai lầm nhất trong đời.

Nhìn thấy chướng ngại vật thì không điều khiển được tay lái, điều khiển được tay lái thì lại không quan sát được tình hình giao thông.

Luyện tập trong sân được một tuần, thầy giáo hỏi tôi: “Tiểu Y, em học được một tuần rồi, em cảm thấy thế nào?”


Tôi lắc đầu: “Thầy ơi, em mới học bài này được một tuần thôi nên chưa nắm được gì.”

Thầy hướng dẫn sờ cằm, đáp “Ừ” rồi lại nói: “Xem ra em vẫn biết mình biết ta đấy.”

Tôi không hiểu được ý thầy, liền hỏi lại: “Dạ?”

Thầy giải thích: “Đã một tuần rồi mà em mới chỉ học được một bài!”

Thực tế chứng minh rằng đối với những người không có năng khiếu với xe cộ mà nói, những bài học nhập môn dù luyện tới hai tuần thì tới lúc đi thi vẫn trượt như thường.

004.

Vòng đầu tôi thi trượt, sau khi về thầy hướng dẫn hỏi: “Em có biết vì sao em trượt không?”

Tôi đáp: “Khi luyện tập em đã quen với xe của thầy rồi, bộ ly hợp của xe trong trường thi bị chỉnh xuống thấp quá, em không cẩn thận bị tắt máy.”

Thầy: “Em trượt vì xe bị tắt máy à?”

Tôi đáp: “Không ạ, trượt vì lúc đỗ xe vào gara.”

Thầy: “Đúng rồi, em xấu như thế mà cứ mải ngắm mình trong gương làm gì.”

Tôi thầm rên lên trong lòng, ông thầy kiên nhẫn mà bạn tôi giới thiệu là cái kiểu gì đây, rõ ràng là người độc mồm độc miệng mà. Cứ nói thẳng kỹ thuật lái xe của tôi tệ, đổ lỗi cho xe của trường thi không tốt là được rồi, chuyện tôi xấu sao cứ phải nói trắng ra như thế chứ, không lẽ tôi xinh đẹp hơn thì thi thố có thể thuận lợi hơn à?

005.

Thầy S thi trượt vòng hai, lúc về cũng bị thầy hướng dẫn hỏi một câu tương tự: “Sao lại trượt?”

Thầy S đáp: “Khi lên sườn dốc, em dẫm phanh bị trượt xuống 30cm. Em mừng thầm, lại thắng ga đi lên, lên được con dốc rồi, em mừng quá, nghĩ thầm lần này lấy được bằng rồi, không ngờ vì vui quá mà không khống chế được bộ ly hợp, xe lên được dốc thì tắt máy.”

Thầy: “À, xe leo được lên dốc thì cậu liền cho rằng sẽ lấy được bằng à? Đắc ý vênh váo! Dù cho có đỗ được vòng hai thì sao đã lấy được bằng hả? Cậu nói xem bài thi vòng ba vòng bốn chịu sao nổi cậu? Cậu dám khinh thường chúng nó như vậy, chúng nó tuyệt đối không dễ dàng buông tha cho cậu.”

Thầy S: “……”

Trên đường về, thầy S giơ tay thề, nếu vòng ba vòng bốn mà thi trượt anh nhất định đòi thầy hướng dẫn hoàn tiền học phí cho bằng được, vì anh cảm thấy nếu anh thực sự trượt thì nhất định là do bị thầy trù!


006.

Nửa năm sau, tôi luyện thi vòng thứ hai.

Đừng hỏi tôi sao cách một khoảng thời gian lâu như thế mới luyện tập, nguyên nhân rất đơn giản, sau khi làm mẹ, có rất nhiều chuyện quấn lấy thân.

Sau khi lên xe, tôi cố nhớ lại các chi tiết, thầy hướng dẫn ngồi bên ghế phụ lái, khoanh tay trước ngực, hỏi: “Còn nhớ được bao nhiêu?”

Tôi vỗ ngực đáp: “Đa phần đều còn nhớ rõ, nếu có quên cái gì thì thầy nhắc em một chút thôi là em sẽ nhớ ra ngay.”

Thầy hướng dẫn khá hài lòng, chỉ tay về phía trước: “Thế chúng ta bắt đầu.”

Tôi hít một hơi thật sâu, thắt dây an toàn, chỉnh lại gương chiếu hậu, khởi động xe, giẫm chân ga chuẩn bị lái.

Thầy hướng dẫn quay đầu nhắc tôi: “Bật đèn đi.”

Trong đầu tôi bỗng nhiên trống rỗng: “Bật đèn, bật đèn gì? Đèn rẽ trái hay đèn rẽ phải? Đèn rẽ trái là nút bên trên hay nút bên dưới? Đèn rẽ phải là cái nào?”

Thầy hướng dẫn thấy tôi ngây ra, lắc đầu: “Nút bên dưới là đèn rẽ trái.”

Tôi như được đại xá, bật đèn xong liền cam đoan với thầy: “Thầy ơi, em nhất định sẽ nhớ kỹ, tuyệt đối không quên nữa.”

Thầy: “Thế nếu lại quên thì sao?”

Tôi nghĩ nghĩ rồi đáp: “Em mà còn quên nữa thì ngày nào em cũng gọi thầy là ‘anh’.”

Thầy hướng dẫn đã gần 50 tuổi rồi nhưng vẫn không chịu thừa nhận mình già, càng không muốn tôi gọi ông ấy là “chú”, vì thế tôi vẫn chỉ có thể gọi ông ấy là “thầy”. Ông ấy thích nhất dụ dỗ tôi gọi ông ấy là “anh”, cứ như thể tôi chỉ cần gọi một tiếng “anh” là ông ấy có thể trẻ lại bằng tuổi tôi ý.

Thầy hướng dẫn quay đầu nhìn tôi chằm chằm mấy giây rồi nói: “Chỉ cần cô không quên nữa, khi đi thi không bị mất điểm thì không cần cô gọi tôi là ‘anh’ mỗi ngày, mà đến lượt tôi ngày nào cũng gọi cô là ‘mẹ’.”

Tôi: “……”

007.

Đến bài đỗ xe vào gara, thầy hướng dẫn có phần tuyệt vọng với tôi.

Tôi càng đảo tay lái càng căng thẳng, vừa không chú ý một chút đã khiến xe lùi vào xe bên cạnh. Bánh xe bị kẹt, tiến không được mà lùi cũng không xong, tôi hết cách đành nhìn thầy cầu cứu.

Thầy chỉ hận không thể rèn sắt thành thép, nói: “Thật muốn đá cô một phát bay về Hồ Bắc luôn cho rồi.”

Tôi vừa nghe xong hai mắt đã sáng lên, chắp tay hành lễ với thầy: “Thầy ơi, xin thầy đá em về Hồ Bắc luôn đi, em muốn về Hồ Bắc lắm, em không muốn học lái xe đâu, em nhớ con em, thầy đá em về Hồ Bắc đi mà, đến vé xe em cũng không cần mua!”


Thầy hướng dẫn nhìn tôi, mở cửa xe ra ngồi vào ghế lái, buồn bực nói: “Thua cô rồi.”

008.

Tâm trạng thầy hướng dẫn không tệ liền buôn chuyện với tôi: “Tiểu Y à, em biết không? Lần trước tôi đưa bảy người đi thi, sáu người đỗ, chỉ một người không đỗ.”

Tôi tò mò hỏi: “Ai không đỗ ạ?”

Thầy đáp: “Là thầy S đó.”

Tôi nói: “Không đúng nha, thầy S kể với em nhóm anh ấy có chín người, sao lại thành bảy người?”

Thầy hướng dẫn điểm đầu ngón tay, giải thích: “Nhóm thi lần đầu của thầy S có bảy người, cậu ta nói có chín người chắc là vì có hai người không phải thi lần đầu mà là thi lần thứ ba?”

Tôi hỏi: “Lần thứ ba?”

Thầy hướng dẫn buông tay: “Đúng rồi, thi lần thứ ba đó, vì tôi không coi bọn họ là người nên không tính bọn họ vào.”

Tôi rớt hàm: “Thầy ơi, thầy không coi mấy người thi lần ba đó là người thế coi họ là gì?”

Thầy hướng dẫn nhìn tôi đầy vẻ cảnh giác, vừa rồi còn mang vẻ mặt nghiến răng nghiến lợi, trong nháy mắt đã cười rộ lên ấm áp như nắng xuân, trong nụ cười còn có vài phần nịnh nọt: “Em đừng nghĩ lung tung nha, thầy S nhà em lần sau còn thi lại với hai người đó nữa đấy. Thầy S thi lại lần hai, còn bọn họ là thi lại lần thứ tư, lần thứ tư đó! Em nghĩ mà xem, thầy đây không coi họ là thần thánh thì còn có thể coi họ là gì?”

Chậc chậc chậc, hóa ra là sợ tôi kể lại với thầy S, thầy S sẽ mách với hai người đồng đội kia nên phút cuối phải “quẹo lái” từ nói xấu thành nói lời hay ý đẹp. Thầy à, thầy cũng khôn ghê ha.

009.

Lần thứ hai thi vòng hai, chân tôi muốn chuột rút luôn rồi, không có gì bất ngờ, lại trượt.

Lần này thầy hướng dẫn không hỏi tôi nguyên do, có lẽ thấy tôi ủ rũ quá, không nỡ lòng nào đả kích tôi nữa.

Thầy nói: “Được rồi, chúng ta lại cố gắng, lần sau cố gắng thi đỗ là được, đừng buồn.”

Tôi nói: “Thầy ơi, em không buồn, em chỉ thấy mất mặt quá. Đa phần mọi người chỉ thi một lần là đỗ, nếu trượt thì thi lại một lần, lần thứ hai thể nào cũng đỗ, em đã thi những hai lần rồi, thực sự thấy thất bại quá, mất mặt quá.”

Thầy hướng dẫn im lặng một lúc rồi vỗ vai tôi: “Biết mất mặt là gần đỗ rồi đấy.”

Tôi không hiểu: “Vì sao ạ?”

Thầy nói: “Vì thể diện đều mất hết rồi, chẳng còn gì để mất nữa, chẳng đỗ thì gì?”

Có ai an ủi người ta như thầy không? Tôi rõ ràng chỉ cảm thấy hơi mất mặt một chút nhưng bị thầy nói như vậy, chẳng khác gì mất sạch thể diện.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui