Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm
Vào Tết Âm lịch xưa tại Trung Quốc, nếu như các gia đình dân thường ăn mừng theo kiểu truyền thống giản dị thì trong cung đình, hoàng thân lại có những phong tục riêng biệt để thể hiện địa vị cao sang của mình.
1. Về trang phục và ngự thiện
Cũng giống như phong tục truyền thống trong dân gian, các vị hoàng đế thời nhà Thanh cũng diện những bộ trang phục mới lộng lẫy và tổ chức bữa tiệc tất niên cùng với các vị hoàng thân trong cung đình.
Vào đêm Giao thừa, tức là đêm 30 tháng Chạp, hoàng đế sẽ mặc chiếc long bào khảm vàng rực rỡ, bên trên thêu hoa văn rồng tượng trưng cho sự uy quyền của hoàng gia. Ngài cũng sẽ khoác một bộ áo choàng dài làm từ lông thú quý giá, trên đầu đội mũ miện đính ngọc và đeo vòng trân châu xa hoa.
Bữa tiệc tất niên vào thời nhà Thanh (1644-1911) gồm vô số món sơn hào hải vị, nhưng vẫn giữ lại món bánh bao truyền thống giống như các gia đình thường dân.
Trong những năm đầu triều đại, hoàng đế sẽ dùng bữa tại Cảnh Nhân cung sau khi làm lễ cúng tổ tiên. Đến cuối nhà Thanh, hoàng đế Quang Tự đã thay đổi địa điểm dùng ngự thiện sang Dưỡng Tâm điện. Các món há cảo, bánh bao cũng dần trở nên đa dạng với nhiều loại nhân thịt khác nhau.
Ngoài ra, các yến tiệc trong hoàng thất cũng là một phần không thể thiếu trong ngày Tết ở hoàng cung. Hoàng đế và hoàng hậu là người chủ trì bữa tiệc, các phi tần và hoàng tử, công chúa ngồi hai bên tham dự.
Các bữa tiệc đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về số lượng món ăn, màu sắc và hương vị; cũng như thứ tự ghế ngồi trong yến tiệc. Mặc dù đây gọi là một bữa ăn gia đình, nhưng những quy tắc và chuẩn mực vẫn được coi trọng hơn.
2.Các nghi lễ trong Tết Âm lịch ở Hoàng cung
Vào thời khắc Giao thừa, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới, các hoàng đế nhà Thanh sẽ đi dọc sảnh đường trong Dưỡng Tâm điện, thắp nến ngọc và đổ rượu vào chén vàng, sau đó sẽ chắp bút viết những lời chúc tốt lành cho năm mới như ‘Thái bình thịnh trị’ hay ‘Mưa thuận gió hòa’.
Hoàng thượng sẽ uống cạn rượu Tusu, một thức uống đặc biệt chỉ có trong ngày Tết Âm lịch ở Trung Quốc thời xưa, với mong muốn sẽ xóa tan đi hết bệnh tật, an khang thịnh vượng trong năm mới.
Ngày mùng 2 Tết sẽ là khởi đầu cho lễ hội Tết Âm lịch kéo dài 10 ngày trên khắp kinh thành. Những lễ hội vịnh thơ, thưởng hoa, vọng nguyệt... cũng sẽ được tổ chức trong nửa đầu tháng Giêng.
Cũng trong dịp lễ Tết, các đoàn hí kịch nổi tiếng kinh thành sẽ được mời đến hoàng cung để biểu diễn cho hoàng thất và triều thần thưởng thức.
3.Treo câu đối, tranh Tết
Treo câu đối đỏ và cặp tranh Tết trước cửa vốn là truyền thống dân gian lâu đời trong ngày Tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này trong Tử Cấm Thành đòi hỏi số lượng lớn nhân lực bởi quy mô đồ sộ của các cung điện.
Thời nhà Thanh, những câu đối hay tranh Tết thường được viết bởi các thành viên trong học viện Hoàng gia. Đó đều là những học giả uyên thâm, có tài nghệ trong thư pháp, được hoàng đế trọng dụng.
Tuy nhiên, không giống như những gia đình dân thường treo câu đối đỏ, cặp câu đối hay tranh Tết trong cung điện thời nhà Thanh sẽ được viết hoặc vẽ bằng mực tàu trên dải lụa trắng, sau đó được đóng khung và treo lên cột đình màu đỏ tươi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...