Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết

ĐÊM THỨ BA MƯƠI HAI: "ĐÂY CHÍNH LÀ ĐỨC HẠNH CỦA NHÀ CÁC NGƯỜI!"

Tính đến thời điểm hiện tại, Tử Cấm Thành đã trải qua biết bao đời đế vương với hai triều đại lớn trong lịch sử Trung Hoa là Minh - Thanh. Kinh qua bao đợt trùng tu và cải thiện, Tử Cấm Thành mỗi lúc mỗi mở rộng và lộng lẫy hơn. Sau khi triều Thanh diệt vong, Tử Cấm Thành đổi tên thành Cố Cung, diện tích là 720 nghìn mét vuông. Tương truyền, Tử Cấm Thành có 9999 gian phòng, song đó chỉ là con số tượng trưng chứ không phải là con số thật. Theo như ghi chép trong "Cố Cung sử thoại" thì Tử Cấm Thành có hơn 10 nghìn phòng, chỉ là trải qua mấy trăm năm bể dâu, một phần trong số đó đã vùi chôn theo cát bụi thời gian. Vào năm 1972, các nhà khảo cổ học đã tiến hành đo đạc tòa thành này, thống kê năm đó cho hay, Tử Cấm Thành còn tồn tại 9687 gian phòng.


Phần trước của Tử Cấm Thành là nơi hoàng đế thảo luận chính sự và tổ chức các điển lễ yến tiệc, phần sau là hậu cung dành cho các phi tần. Người ta gọi tổ hợp ba cung Càn Thanh, Khôn Ninh và Giao Thái là "hậu cung tam đại", trong đó cung Càn Thanh tượng trưng cho "dương", cung Khôn Ninh tượng trưng cho "Âm" còn điện Giao Thái tượng trưng cho "âm dương giao hợp".

Lại kể chuyện về cung Khôn Ninh, Như đợt trước đã nói, sau khi hoàng hậu Hiếu Trang qua đời, chẳng ai dám đến đấy ở nữa. Có thuyết cho rằng người phụ nữ như hoàng hậu Hiếu Trang quá ghê gớm, những nơi bà từng ở đều để lại khí khái ngất trời, ngay cả Từ Hy cũng không "đỡ" nổi. Một nguyên nhân khác là do hoàng đế cũng không ở cung Càn Thanh nữa, tuy cung Càn Thanh là cung chính của hoàng thượng nhưng vị trí khá bất tiện nên các đời hoàng đế sau đều sống ở điện Dưỡng Tâm là chủ yếu. Hoàng đế không ở cung Càn Thanh nên hoàng hậu cũng không tiện ở cung điện đối ứng là cung Khôn Ninh. Tuy nhiên, ngyên nhân quan trọng nhất là triều Thanh đã thay đổi "chức năng" của cung Khôn Ninh, sửa lại thành nơi tế tự Tát Mãn. Đây cũng chính là nền văn hóa đặc sắc của hoàng tộc Mãn Thanh, biến nơi "chí âm" thành nơi tế tự tức là nơi đây không còn dành cho "người sống" ở nữa.

Song cung Khôn Ninh vẫn giữ vững một vai trò bất di bất dịch, đó là nơi động phòng của hoàng đế và hoàng hậu. Hoàng đế sẽ viên phòng ở đây vào đêm tân hôn, sang hôm sau sẽ dọn ra. Thực tế cho hay, hơn non nửa các hoàng đế triều Thanh đều là kết hôn trước rồi mới đăng cơ nên "chức năng" này của cung Khôn Ninh không được sử dụng nhiều. Cả triều Thanh chỉ có hoàng đế Thuận Trị, hoàng đế Đồng Trị, hoàng đế Quang Tự và hoàng đế Phổ Nghi động phòng tại đây, tiếc là cuộc sống hôn nhân của cả ba với vị hoàng hậu của mình không mấy êm thấm.

Chuyện về Phế hậu Tĩnh phi tức Bát Nhĩ Tề Cát Đặc phế hậu của vua Thuận Trị hẳn đã không còn xa lạ với các bạn yêu sử Thanh. Bà là vị hoàng hậu đầu tiên được cử hành đại hôn với hoàng đế đương nhiệm, được đưa kiệu đón rước qua cổng Đại Thanh Môn với đầy đủ mọi lễ tiết cao quý nhất của triều Thanh, đồng thời bà cũng là vị hoàng hậu có xuất thân cao quý nhất (có họ hàng với Thành Cát Tư Hãn)  trong số tất cả các hoàng hậu của triều đại này. Song cuộc sống hôn nhân chẳng suông sẻ được bao lâu, bà bị đích thân Thuận Trị phế truất và giáng xuống làm Tĩnh phi, ba năm sau thì được ân chuẩn cho về quê nhà.

Tiếp theo phải kể đến hôn lễ của hoàng đế Đồng Trị, phải nói hôn lễ của ngài với hoàng hậu A Lỗ Đặc Thị là long trọng nhất, đồng thời tình cảm giữa ngài và hoàng hậu cũng rất hòa hợp, song hoàng hậu lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với thái hậu Từ Hy nên Từ Hy thường hay tìm cớ bắt nạt và khi dễ bà. Đến nay cái chết của bà vẫn là một bí ẩn. Riêng bà, An sẽ có một bài riêng đặc biệt.

Nơi duy nhất không có người sống trong Cố Cung, âm khí nặng nề, lại phải lấy người con gái mà mình không yêu rồi viên phòng tại đây, không cần nói cũng biết lòng của hoàng đế Quang Tự khi cưới cháu gái Long Dụ của thái hậu Từ Hy nặng nề như thế nào. Có một chuyện hẳn phải kể cho mọi người nghe, tháng 2 năm 1888, thái hậu Từ Hy khâm điểm cho Quang Tự kết hôn với Long Dụ, nhưng mười ngày trước khi diễn ra đại điển thành hôn thì bỗng xảy ra một việc - Thái Hòa Môn phát hỏa. Chuyện này rất kỳ lạ bởi khi đó đương mùa rét, thậm chí trời còn có tuyết, theo lý mà nói thì không xảy ra hỏa hoạn dễ dàng thế được. Mà quan trọng là Thái Hòa Môn là một trong những địa điểm trong hoàng cung mà hoàng hậu buộc phải đi qua trong lễ đại hôn, qua Thái Hòa Môn rồi thì mới được tiến vào hậu cung. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không đi qua cửa này thì không thể gọi là "cưới hỏi đàng hoàng".


Trước tình thế cấp bách này, thái hậu Từ Hy bèn lập tức hạ lệnh dùng giấy làm tạm thành một cái cửa giả, nghe nói kỹ năng thực hiện rất cao siêu, người bình thường căn bản không nhìn ra được là giả. Song chính điều này đã vô tình trung tạo ra điềm xấu, bởi chỉ có cõi âm mới sử dụng vật làm bằng giấy. Chuyện vẫn chưa dừng lại, lúc động phòng, Từ Hy bèn an bài bốn vị ma ma đến... nghe! Không biết bốn vị ma ma đó là ai nhưng trong đó có một vị họ Vinh, chính vị Vinh ma ma này đã kể lại rằng, bà đứng trước cửa phòng thành hôn hồi lâu thì bỗng nghe bên trong truyền ra một tiếng thở than, sau đó là một câu nói: "Đây cũng chính là đức hạnh của nhà các người!", tiếp đó vang lên tiếng khóc của vua Quang Tự. Điều đó có nghĩa là gì? Tức là chuyện động phòng không thuận lợi, nhưng tại sao lại không thuận lợi cơ chứ? Nghe nói Quang Tự bị... yếu ở phương diện đó, phần eo của ngài không được khỏe. Trong hồ sơ Thanh cung có ghi lại bệnh lý của ngài: "Bệnh di tinh đã hai mươi năm nay, mấy năm trước mỗi tháng phát bệnh mười mấy lần, nhưng mấy năm này mỗi tháng chỉ tầm hai ba lần... dạo này ít đi, song không phải dần khỏi, thận quá mức suy tổn, không thể phát tiết."

Tất nhiên khi đó Long Dụ rất thất vọng, song thốt ra những lời này quả khá là nghiêm trọng, Quang Tự nhất định sẽ nghĩ rốt cuộc hoàng hậu đã nghe những gì ở nhà mẹ đẻ mà thốt ra những lời đó. Dù sao thì câu nói ấy cũng khiến lòng tự tôn của đàn ông tổn thương, từ đó về sau Quang Tự rát lãnh cảm với hoàng hậu. Sẵn thì thôi lại nhắc tới Trân phi, Trân phi là người khá rộng rãi phóng khoáng, lại rất biết cách dỗ dành nên rất được Quang Tự yêu thích. Phải nói rõ một chút là Quang Tự cũng không hẳn là "yếu toàn tập", ít ra thì Trân phi cũng có hoài thai, chỉ có điều do bởi Trân phi đắc tội với thái hậu Từ Hy nên bị thái hậu làm cho sảy thai. Năm 1908, Quang Tự băng, Từ Hy cũng băng sau đó ít lâu. Cứ thế, Long Dụ thay Từ Hy trở thành người đứng đầu hậu cung, tân đế Phổ Nghi lại chỉ mới ba tuổi nên Long Dụ cũng bắt đầu buông rèm nhiếp chính. Song khí khái và tính cách của bà lại thua Từ Hy quá xa, chèo chống không nổi cục diện rối loạn lúc bấy giờ. Còn chuyện về hoàng hậu Long Dụ cụ thể ra sao, An nhất định sẽ dành một bài riêng viết về bà.

Ảnh bên dưới là thái hậu Long Dụ và tiểu hoàng đế Phổ Nghi.

Từ Hy thái hậu vào năm 1903 - một trong những bức ảnh hiếm chụp toàn thân của thái hậu

Thanh Quang Tự hoàng hậu Long Dụ lúc hơn 40 tuổi


Một bức ảnh bán đấu giá khác của Thuần thân vương Tải Phong chụp cùng các đại sứ Đức tại Thượng Hải vào năm 1901 (ôi đẹp giaiiii)

Một bức ảnh của thái hậu Từ Hy từng được đưa ra bán đấu giá, ảnh được chụp trong khoảng từ năm 1905 đến 1906.

Thần tượng của tớ - nữ quan Dụ Đức Linh hầu cận cạnh thái hậu Từ Hy, ảnh được chụp trong khoảng năm 1910 và 1920, dòng chữ viết tay bằng tiếng Anh của chính bà ❤


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui