#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
ĐÊM THỨ MƯỜI BẢY: VĂN TÚ
Chắc hẳn quý vị đều biết, Phổ Nghi là hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh nói riêng và chế độ phong kiến Trung Quốc nói chung, ngoài hoàng hậu Uyển Dung, ông còn có một người vợ khác tên là Văn Tú.
Ngạc Nhĩ Đức Đặc Văn Tú có biểu tự* là Huệ Tâm, tự hiệu là Ái Liên, là người dân tộc Mông Cổ, xuất thân từ gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị của Mãn Châu Tương Hoàng kỳ thuộc Thượng Tam kỳ. Ông nội của Văn Tú là Ngạc Nhĩ Đức Đặc Tích Trân - một vị quan giàu có và danh vọng, song đến đời của cha Văn Tú là Ngạc Nhĩ Đức Đặc Đoan Cung, gia đình dần dần sa sút, Đoan Cung cũng qua sớm qua đời, một mình mẹ Văn Tú là Tưởng Thị (vợ kế) phải nuôi ba đứa con (Văn Tú và hai con gái của vợ cả). Năm 1916, Tưởng Thị gửi Văn Tú lúc bấy giờ 8 tuổi đến học tại trường tiểu học Hoa Thị, đồng thời đổi tên thành Phó Ngọc Phương. Văn Tú thiên tư thông minh, bà học rất giỏi, lại rất chăm chỉ và hiếu thảo.
Năm 1921, Phổ Nghi tròn 16 tuổi và đã đến tuổi lập hậu. Nhân cơ hội này, Ngạc Nhĩ Đức Đặc Hoa Kham (chú của Văn Tú) đã lấy ảnh của bà đem gửi vào phủ nội vụ với tham vọng muốn khôi phục lại phong quang cho dòng họ mình. May mắn (hay chẳng biết là không may), Văn Tú bấy giờ mới chỉ 14 tuổi đã được Phổ Nghi chọn lựa bên cạnh một cô gái 16 tuổi khác - Uyển Dung. Năm 1922, Phổ Nghi cử hành đại hôn cưới một hậu một phi theo lễ nghi hoàng gia. Văn Tú được nghênh đón vào cung và trở thành phi tử của Phổ Nghi, còn chính thất là hoàng hậu Uyển Dung.
Uyển Dung rất ghét Văn Tú và thường xuyên khinh khi Văn Tú ra mặt. Lúc mới tiến cung, Phổ Nghi đối xử với Văn Tú cũng khá tốt, ông còn đặc biệt mời giáo viên tiếng Anh và tiếng Hán đến dạy cho Văn Tú. Văn Tú dành phần lớn thời gian đắm chìm trong thú vui đọc sách, đồng thời sống tích cực bất kể Uyển Dung có ghét bà đến mức nào.
Song chỉ mới thành thân được hai năm, Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi cung, ông dẫn theo Uyển Dung và Văn Tú chạy đến Trương Viên ở Thiên Tân. Tuy đã không còn là hoàng đế nhưng khi ở Trương Viên, ông vẫn xem bản thân vẫn còn là hoàng đế, tiếp tục chế độ phong kiến của riêng mình ngay tại "tiểu hoàng cung". Nuôi vọng tưởng muốn khôi phục lại Thanh triều, không ít lần Phổ Nghi dựa hơi người Nhật, Văn Tú là một người có tầm nhìn, bà luôn nhắc nhở Phổ Nghi rằng không thể phụ thuộc vào người Nhật bởi chưa chắc gì người Nhật đã có ý tốt. Kể từ đó thái độ của Phổ Nghi với Văn Tú thay đổi, ngài ghét bỏ ra mặt thậm chí là ngược đãi người vợ này và yêu chiều Uyển Dung nhiều hơn.
Năm 1929, Phổ Nghi lại dời từ Trương Viên đến Tịnh Viên, cuộc sống của Văn Tú càng ngày càng khó khăn vì sự lấn lướt ngày một thái quá của Uyển Dung. Văn Tú một mình vò võ còn Phổ Nghi lại bạc tình bạc nghĩa không thèm đoái hoài đến bà mặc cho Uyển Dung ngày càng ngang ngược. May mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của một luật sư, Văn Tú đưa ra yêu cầu ly hôn với Phổ Nghi theo pháp luật của thời đại mới. Khi đó đã là thời dân quốc, theo pháp luật hiện hành, dù là hoàng hậu hay hoàng phi, chỉ cần lý do ly hôn hợp pháp thì đều có thể ly hôn. Văn Tú bỏ trốn khỏi nhà, rất nhanh, việc này đã trở thành tiêu đề trên các mặt báo lớn, Phổ Nghi tức giận ra lệnh tìm kiếm, đồng thời gặp mặt luật sư đại diện của Văn Tú. Trước câu nói "không ly hôn với Văn Tú" của "hoàng thượng", vị luật sư của Văn Tú đã đáp trả gay gắt: "Chuyện đã đến nước này, chắc chắn Văn Tú sẽ không quay về nữa. Phổ Nghi tiên sinh tốt nhất là nên đồng ý với yêu cầu của Văn Tú, bằng không ngoại trừ khởi tố trước tòa thì không còn cách nào khác". Đương lúc Phổ Nghi và luật sư đại diện của Văn Tú xảy ra tranh cãi thì các tờ báo lớn thời bấy giờ đều đăng thông tin về chuyện đòi khởi tố ly hôn của nàng "phi tử" này. Chỉ trong phút chốc, việc này đã khiến cả nước rúng động.
Tất nhiên rất nhiều người mang tư tưởng phong kiến vẫn ủng hộ Phổ Nghi và công kích Văn Tú. Đối diện với sự công kích đó, Văn Tú thừa nhận bà cảm thấy rất nặng nề nhưng sẽ tuyệt không khuất phục. Văn Tú đã đích thân đến tận nơi và tham dự cuộc đàm phán tiếp theo. Luật sư của Phổ Nghi cực lực khuyên can Văn Tú không nên ly hôn với Phổ Nghi nhưng Văn Tú lại rơi nước mắt nói rằng: "Tới tận nay tôi vẫn chưa từng được hưởng sự ấm áp nên có của sống vợ chồng, bình thường lại còn phải chịu biết bao ngược đãi, hiện tại chỉ có thể trông cậy vào luật sư Trương bảo vệ nhân quyền mà tôi đáng được hưởng theo pháp luật mà thôi."
Những lời Văn Tú vừa thốt ra chứng tỏ đến tận giờ nàng vẫn còn là "xử nữ". Thể diện của Phổ Nghi ngay lập tức bay biến sạch sẽ, không ngờ vị hoàng đế từng đứng trên vạn người lại có "vấn đề" lớn đến vậy.
Cuối cùng, Văn Tú thành công ly hôn với Phổ Nghi. Sau khi ly hôn, Văn Tú quay trở về Bắc Bình (hiện nay là Bắc Kinh) và đổi lại tên Phó Ngọc Phương rồi xin vào giảng dạy ở một trường tiểu học tư nhân, mang kiến thức và tinh thần của mình truyền lại cho những đứa trẻ đáng yêu và thuần khiết. Không chỉ vậy, sau khi chuyển sang làm nhân viên soát lỗi tại Nhật Báo Hoa Bắc năm 1945, nhờ vào sự chăm chỉ và học thức, bà được tổng biên tập báo Trương Minh Vỹ quý mến và giới thiệu với một vị thiếu tá trong quân đội Quốc dân đảng tên là Lưu Chấn Đông. Bà kết hôn với Lưu Chấn Đông và cùng ông sống một cuộc đời hạnh phúc hơn trước kia rất rất nhiều.
Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú qua đời năm 1953 - hưởng dương 45 tuổi. Các phi tử của Phổ Nghi sau khi qua đời đều được phong hiệu nhưng riêng Văn Tú thì không vì bà đã ly hôn với Phổ Nghi nên đã bị ông "biếm thành thứ nhân".
Ngoại trừ Văn Tú, Lý Ngọc Cầm (Phúc Qúy Nhân) - vợ thứ tư của Phổ Nghi cũng đã ly dị với Phổ Nghi vào năm 1958 và mất vào năm 2001 vì bệnh xơ gan.
*Biểu tự: ngoài danh xưng, đến khi tròn 20 tuổi thì mỗi người được đặt thêm một tên mới gọi là biểu tự, lúc này, danh xưng chỉ có bản thân hoặc người thân lớn tuổi gọi; giữa bạn bè đồng lứa, xã giao, cần sự tôn trọng thì phải xử dụng biểu tự, việc gọi thẳng danh xưng bị coi là bất nhã. Biểu tự thường có hai chữ và liên hệ về mặt ý nghĩa với danh xưng, có thể là đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.
-----------------------------
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...