[truyện dự thi]_các ngươi đều lừa trẫm!!!

Edit: Rine
 
Vọng Hương đài ở phía trên nhà thủy tạ trong Thiên Thu viên, trong nước trồng thủy phù dung thượng đẳng, là nơi thích hợp du thuyền ngắm sen vào mùa hè. Lúc này vừa vào xuân, chưa đến lúc hoa sen nở nhưng nhờ có thợ chăm sóc tốt nên đã thấy vài chiếc lá sen xanh mượt tròn tròn, non nớt nảy nở, dưới mấy chiếc lá có cả đàn cá chép đủ màu đang bơi lội, hồng xanh đan xen, miễn cưỡng cũng có thể nhìn hợp mắt.
Lúc Triệu Vũ Thần đến, Thái phó và chính thê là Nhất phẩm Quốc phu nhân cùng với Thục phi đứng ở trước lan can cho cá chép ăn. Nhìn thấy ngự giá từ xa, bọn họ thu tay lại, theo thứ tự cúi người, cung cung kính kính thỉnh an.  Triệu Vũ Thần mặt mày ôn hòa, tự mình tiến tới đỡ Thái phó và phu nhân, rồi lại áp hết cảm xúc thăm dò trong lòng xuống, quay sang đỡ Đổng Thục phi bên cạnh, hòa nhã nói: “Ái phi miễn lễ.”
Tuy rằng hôm qua mới bị tước quyền quản lý lục cung nhưng từ trước đến nay Đổng Thục phi luôn hiểu chuyện, lúc này nàng không đề cập tới, biết quân thần bọn họ có việc cần bàn bạc nên chủ động đứng dậy cười nói với tổ mẫu: “Tôn nữ thấy con cá chép vàng kia thật đẹp, tổ mẫu cùng ta xuống dưới lầu ngắm kỹ một chút đi.”
Quốc phu nhân Hà thị đầu đầy tóc bạc, cũng vô cùng lão luyện gật đầu: “Mời nương nương.” [Trước mặt bệ hạ, thật là khó nói chuyện.]
Triệu Vũ Thần gật đầu nhìn tổ tôn hai người chậm rãi đi xuống lầu, cũng chỉ đưa mắt nhìn về phía Thái phó.
Đổng Thái phó đã qua tuổi hoa giáp, tóc mai hoa râm, có lẽ là vì vừa mới khỏi bệnh một trận nên nhìn mặt có chút gầy, thân thể cũng có vẻ suy yếu. Triệu Vũ Thần nhìn mà không nhịn được thở dài một tiếng: “Trẫm sai người tìm chút tuyết liên, hồng sâm trong kho cho ngài, đều là mấy thứ dưỡng thân thể cả, Thái phó đã lớn tuổi rồi, sau này mỗi ngày dùng một ít, kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ mới tốt cho sức khỏe.”
Hốc mắt Đổng Thái phó ướt át: “Bệ hạ nhân hậu như thế, thật là phúc của dân chúng, cho dù lão thần đến suối vàng cũng có mặt mũi khấu kiến Tiên đế.”

Nghe xong lời này, Triệu Vũ Thần vội vàng cúi người nói: “Sao Thái phó lại nói lời này!”
Đổng Thái phó lắc đầu cười khẽ, dù ông chưa há mồm nhưng bên tai Triệu Vũ Thần chợt nghe được một câu thở dài tang thương.
[Chung quy cũng già rồi… sợ là không có tác dụng gì nữa.]
Đột nhiên nghe được tiếng lòng như vậy của Thái phó, trong lòng Triệu Vũ Thần cũng không kiềm được mềm nhũn. Từ khi hắn có ý thức, Đổng Thái phó đã được phụ hoàng phong làm Thái phó của Thái tử. Bắt đầu từ lúc hắn học những chữ vỡ lòng trong 《Tam Tự Kinh》, 《Bách Gia Tính》, cho đến sau này học tứ thư ngũ kinh, kinh, sử, tử, tập, thậm chí học về tâm cơ Đế vương, đạo dùng người cũng đều là Đổng Thái phó dạy dỗ hắn từng chút từng chút, đốc thúc truyền thụ. Trải qua mười mấy năm như vậy, trong lòng hắn, Đổng Thái phó không đơn thuần là thần tử nữa mà càng giống ân sư hơn.
Vốn dĩ mỹ nhân tuổi xế chiều, tướng quân đầu bạc đã khiến người ta thở dài, hơn nữa từ nhỏ quân thần đã có tình thầy trò, giờ nghe những lời lẽ tang thương như thế, Triệu Vũ Thần càng thêm cảm nhớ Thái phó ngày xưa chăm chỉ cần cù, trung thành với đất nước, sắc mặt hắn nghiêm túc lại, tự mình rót một ly trà dâng tới tay Thái phó, chân thành nói: “Đệ tử còn chưa trải nghiệm nhiều, sao có thể rời khỏi sự nâng đỡ của Thái phó được?”
Đổng Thái phó thấy thế, trên mặt cũng lộ ra vài phần xúc động, đứng dậy đưa tay tiếp nhận chung trà, dừng lại một lát, xoa xoa khóe mắt nói: “Lão thần vô dụng rồi, mấy ngày nay không ra khỏi cửa, không biết gần đây trong triều có xảy ra chuyện quan trọng gì không?”
Chuyện bị thiên lôi đánh ra thuật đọc tâm không có cách nào nói ra miệng, Triệu Vũ Thần chỉ đành nhắc đến vài chuyện chính trong triều sau khi Thái phó cáo bệnh.
Đổng Thái phó làm trọng thần nhiều năm, thủ đoạn lão luyện, nghe chuyện xong cân nhắc một lát, khi ông trả lời phần lớn đều không mưu mà hợp (không bàn trước mà có cùng ý kiến) với Triệu Vũ Thần, nếu thỉnh thoảng có chỗ bất đồng thì cũng là ý tìm lối tắt, có đạo lý, khiến người ta phải ngẫm nghĩ.
Cứ như vậy, hai người nói chuyện trong khoảng thời gian chừng một chén trà nhỏ, lúc này Triệu Vũ Thần mới đột nhiên phát giác, tuy rằng hắn cách Thái phó rất gần nhưng ngoại trừ một câu thở dài tuổi già ban nãy, hắn không nghe được câu tiếng nào của ông nữa.

Triệu Vũ Thần kinh ngạc xong, trong lòng cũng mơ hồ suy đoán: Vốn là người nào tâm tư càng tùy tiện linh hoạt, trong lòng càng suy nghĩ nhiều thì hắn càng dễ dàng nghe thấy. Còn Thái phó chìm nổi một đời, trải qua biết bao thế sự, nói rằng tâm ông như nước lặng cũng không quá lời, đương nhiên ông sẽ không dễ suy nghĩ miên man như Ngụy An khiến người ta nghe mà phiền lòng.
Nghĩ như vậy, Triệu Vũ Thần cũng không để ý nữa, ngược lại càng cảm thấy Thái phó không những trung quân ái quốc mà nội tâm còn bình tĩnh vững vàng, quả nhiên không hổ là trọng thần phụ tá hắn tin tưởng.
Cứ thế, hai người nói tới nói lui lại nhắc đến vấn đề quân tình Tây Bắc đang được thảo luận kịch liệt trong triều: “Lúc này đúng vào thời kì giáp hạt[1], lương thảo thiếu thốn, cũng may địch Nhung càng khó khăn hơn chúng ta, tiếp tục kéo dài như vậy có lẽ chiến sự sẽ nhanh chóng kết thúc thôi.”
[1] Giáp hạt: khoảng thời gian lương thực thu hoạch của vụ cũ đã cạn nhưng chưa đến vụ thu hoạch mới, thường chỉ lúc đói kém do chưa đến vụ.
Nhắc tới việc này, sắc mặt Đổng Thái phó trịnh trọng hơn rất nhiều, ông trầm ngâm một lát, chậm rãi nói: “Nếu lão thần không nhớ lầm, trận Tây Bắc này cũng đã đánh hơn một năm rồi…”
“Không sai.”
“Bệ hạ còn nhớ rõ chuyện xưa của Thiệu Tông và Hầu Cảnh trong 《Nam sử》[2] không?”
Đương nhiên Triệu Vũ Thần nhớ rõ, chuyện xưa này Thái phó đã cố ý giảng cho hắn lúc mười tuổi, xét đến cùng, cũng không ngoài bốn chữ - dưỡng khấu tự trọng[3].

[3] Dưỡng khấu tự trọng: giữ lại quân địch để mình trở nên quan trọng.
Triệu Vũ Thần nghe vậy nghiêm mặt, đột nhiên ngồi thẳng thân mình, sắc mặt nặng nề: “Ý Thái phó muốn nói là Tô gia cố ý kéo dài chiến sự, dưỡng khấu tự trọng ư?”
Sắc mặt Đổng Thái phó cũng nghiêm trọng, trả lời kín kẽ không chút sai sót: “Tô Tướng quân kiêu dũng thiện chiến, bệ hạ không thể nghi ngờ công thần vô cớ, chỉ là có vết xe đổ của người xưa ở đó, không thể không phòng.”
Cùng lúc đó ――
[Tô Chiến có thật sự nuôi địch hay không cũng không quan trọng, bệ hạ tin rằng hắn có làm là đủ rồi.]
Tô Chiến, Uy Vũ Đại Tướng quân giờ phút này đang ngăn địch ở Tây Bắc chính là thân phụ của Quý phi Tô Minh Châu.
Nghe thấy lời này, ánh mắt Triệu Vũ Thần đột nhiên run lên, bởi vì di ngôn trước khi đi của phụ hoàng cho nên trong lòng hắn đích thật có lo lắng về Tô gia tay cầm trọng binh, lỡ như bị Lương Vương mượn sức, hoặc là Tô gia tự mình sinh tâm làm phản đều khiến giang sơn xã tắc nguy nan.
Nhưng từ nhỏ hắn đã hiểu biết lịch sử, xưa nay luôn cho rằng kẻ làm ra hành vi vắt chanh bỏ vỏ, tru sát công thần đều là Đế vương vô đức vô năng. Tô Chiến chiến công hiển hách, là rường cột nước nhà, tuy hắn có kiêng kỵ Tô gia nhưng cũng chỉ nghĩ chờ chiến sự ổn định rồi triệu Tô Chiến hồi kinh, thu hồi quân quyền, ban cho quan to lộc hậu, hưởng danh tiếng vinh quang, vậy cũng coi như đáp trả công lao cầm quân nhiều năm của ông ấy.
Thái phó trải qua ba triều đại, trung thành và tận tâm, làm sao có thể nói lời vô căn cứ để bôi nhọ thần tử được. Từ trước đến nay giữa quân thần không thể nghi, nghi ắt sẽ loạn. Nếu giờ phút này không phải Tô Chiến đang có ý nuôi địch mà là một lòng vì nước giết giặc ở Tây Bắc, hắn lại bởi vì lời của Thái phó mà ép bức Tô gia đến bước sinh tâm làm phản, chẳng phải hắn sẽ trở thành một tên hôn quân hẹp hòi sao?
Bàn tay đặt trên đầu gối của Triệu Vũ Thần đột nhiên siết chặt, hắn hơi hơi hé miệng, dường như có chút không dám tin tưởng, xác nhận lại: “Theo Thái phó thấy, Tô Tướng quân là nghịch thần nuôi địch ư?”

“Lão thần đã rời triều lâu rồi, không dám đoán bừa.” Thái phó một tay vuốt râu, chậm rãi lắc đầu.
Nhưng trên thực tế, Triệu Vũ Thần lại không hề để ý ngoài miệng Thái phó nói cái gì, trong khi lão đang thốt ra lời thì hắn chỉ hết sức chuyên chú, toàn lực lắng nghe tiếng lòng lão, đáng tiếc lại khiến hắn thất vọng. Thái phó tâm tư kín đáo, tình huống đã trở lại như trước đó, không có một câu tiếng lòng nào.
Lòng bàn tay Triệu Vũ Thần siết càng chặt, nếu là chuyện vặt thì cũng thôi nhưng đây lại là mấu chốt liên quan đến đất nước của hắn. Trong lúc nhất thời, hắn chỉ hận thuật đọc tâm của mình còn quá mức nông cạn, vì sao khi người khác không suy nghĩ đến thì hắn lại không thể nghe trộm được ý định chân chính trong lòng họ chứ?
Có lẽ trời xanh cảm nhận được chấp niệm này của hắn, không hề có báo trước, ầm một tiếng, giống như là đả thông, không chỉ có Thái phó trước mặt, còn cả nội giám cung nữ xung quanh, thậm chí là Thục phi và Quốc phu nhân ở hành lang gấp khúc phía xa xa, tất cả lời nói trên miệng và cả ý nghĩ trong lòng bọn họ đều như gần hắn trong gang tấc, lũ lượt tràn đầy tiến vào não hắn.
Ánh mắt Triệu Vũ Thần nghiêm trọng, đang trong lúc kinh ngạc, đầu hắn tựa như bị dao găm đâm vào, đau đến muốn nứt ra, cổ họng cảm nhận được vị tanh ngọt!
---
[2] Nam sử: là một quyển sách trong “Nhị thập tứ sử” của Trung Quốc do Lý Đại Sư viết từ khi nhà Lưu Tống kiến quốc năm 420 tới khi nhà Trần diệt vong năm 589. Sau khi ông mất, con trai ông là Lý Diên Thọ - một nhà văn kiêm sử gia thời Đường tiếp tục viết sách này từ 643 - 659.
Thiệu Tông và Hầu Cảnh: Mộ Dung Thiệu Tông là tướng lĩnh nhà Bắc Ngụy, Đông Ngụy (Đông Ngụy xuất hiện sau khi có sự tan rã của nhà nước Bắc Ngụy). Hầu Cảnh là tướng lĩnh nhà Bắc Ngụy, phản tướng của Đông Ngụy. Hầu Cảnh từng đi theo học hỏi binh pháp của Thiệu Tông nhưng chẳng bao lâu Thiệu Tông lại phải hỏi ý kiến của Hầu Cảnh. Sau này Hầu Cảnh đã có một cuộc nổi dậy để chống lại quyền thần Cao Trừng (gọi là loạn Hầu Cảnh). Cao Trừng đã nhiều lần điều quân để thảo phạt nhưng đều thất bại nên phái Thiệu Tông tới tấn công Hầu Cảnh. Khi Hầu Cảnh bị Thiệu Tông đánh bại, ngày đêm chạy trốn, quân Đông Ngụy cũng không dám bức bách. Cảnh sai sứ nói với Thiệu Tông rằng: “Nếu Cảnh bị bắt, ngài còn được dùng vào việc gì?” Thiệu Tông bèn tha cho Hầu Cảnh. (Tóm tắt theo nguồn Wikipedia) 
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận