Sau khi Helen Rossi ném phịch cuốn Dracula - rõ ràng cô ta nghĩ đó là nguyên nhân tranh chấp giữa hai người - lên trên bàn ăn giữa cô ta và cha, cha nghĩ mọi người đang có mặt tại chỗ hoặc đứng dậy bỏ chạy, hoặc có ai đó sẽ thét lên, “A đây rồi!” rồi xông đến làm thịt cả hai người bọn cha. Lẽ tất nhiên, không có chuyện gì xảy ra cả, cô ta vẫn ngồi đó nhìn cha với nét mặt khoái trá pha lẫn cay đắng. Cha buồn rầu tự hỏi, có thể nào, chính người phụ nữ này, vì thừa hưởng một di sản đầy oán hận và ôm ấp một mối thù trong lĩnh vực học thuật đối với thầy Rossi, đã đả thương và gây ra sự mất tích của ông ấy?
“Cô Rossi,” cha cố giữ giọng bình thản, nhấc cuốn sách lên đặt úp xuống bên cạnh cặp xách của mình, “câu chuyện của cô hết sức kỳ lạ và phải nói rằng cần phải có thời gian tôi mới hiểu được tất cả. Nhưng tôi cũng phải nói với cô một chuyện rất quan trọng.” Cha hít vào một hơi thật dài, rồi thêm một hơi nữa. “Tôi biết giáo sư Rossi rất rõ. Đến nay, ông ấy là giáo sư hướng dẫn của tôi đã được hai năm, chúng tôi đã có nhiều thời gian cùng làm việc và chuyện trò. Tôi chắc chắn nếu cô… khi cô… gặp ông ấy, cô sẽ thấy ông ấy là một người tốt và tử tế hơn nhiều so với những gì cô đang nghĩ…” Cô ta mở miệng như muốn nói, nhưng cha đã nói tiếp. “Vấn đề là… vấn đề là… qua cái cách cô nói về ông ấy, tôi nghĩ là cô chưa biết giáo sư Rossi - cha cô - đã mất tích.”
Cô ta nhìn cha trừng trừng, và cha không thể nhận ra trên gương mặt đó chút dối trá nào, chỉ có sự bối rối. Chứng tỏ, thông tin này làm cho cô ta ngạc nhiên. Nỗi đau khổ trong lòng cha vơi đi ít nhiều. “Anh muốn nói gì?” cô ta gặng hỏi.
“Tôi muốn nói: ba đêm trước đây, tôi vẫn còn nói chuyện với ông ấy bình thường như mọi lần, nhưng ngày hôm sau ông ấy đã biến mất. Hiện tại, cảnh sát đang tìm kiếm ông ấy. Dường như ông ấy biến mất ngay trong văn phòng của mình, và thậm chí còn bị thương tích nữa, bởi người ta phát hiện thấy máu trên bàn làm việc của ông.” Cha vắn tắt thuật lại những sự kiện đêm hôm đó, bắt đầu bằng việc cha mang đến cho thầy Rossi cuốn sách nhỏ kỳ lạ của mình, nhưng không đả động gì đến câu chuyện thầy Rossi kể với cha.
Cô ta nhìn cha, mặt cau lại vì bối rối. “Anh không lừa tôi đấy chứ?”
“Không, hoàn toàn không. Thực sự không phải vậy. Tôi hầu như mất ăn mất ngủ từ khi sự việc xảy ra.”
“Cảnh sát không có ý kiến gì về việc ông ấy đang ở đâu hay sao?”
“Không, theo những gì tôi biết.”
Nét mặt cô ta đột nhiên trở nên sắc sảo. “Còn ý kiến của anh?”
Cha ngần ngại. “Có thể tôi biết. Đó là một câu chuyện dài, và có vẻ như càng lúc càng dài hơn.”
“Khoan đã.” Cô ta nhìn cha, ánh mắt gay gắt. “Hôm qua, trong thư viện, lúc đọc những lá thư này, anh đã nói chúng có liên quan đến vấn đề của một giáo sư nào đó. Có phải anh muốn nói đến ông Rossi?”
“Đúng.”
“Ông ta gặp phải vấn đề gì? Ông ta có vấn đề à?”
“Tôi không muốn làm cô liên lụy vào chuyện khó chịu hoặc nguy hiểm này bằng cách kể cho cô nghe thậm chí chỉ một ít những gì tôi biết.”
“Anh đã hứa trả lời câu hỏi của tôi sau khi tôi trả lời câu hỏi của anh.” Nếu trong khoảnh khắc đó, mắt cô ta xanh thay vì đen, thì mặt cô ta hẳn sẽ giống hệt khuôn mặt thầy Rossi. Lúc ấy, cha cho rằng mình đã có thể thấy một sự giống nhau, một sự rập khuôn kỳ bí những nét góc cạnh Anh quốc của thầy Rossi nơi vóc dáng Rumani ngăm đen mạnh mẽ trước mặt cha. Mặc dù ấn tượng này có thể chịu ảnh hưởng từ sự quả quyết mình là con gái thầy Rossi của cô ta. Nhưng làm sao cô ta có thể là con gái của thầy Rossi khi ông ấy đã kiên quyết phủ nhận việc mình từng ở Rumani? Ít ra, ông ấy đã nói là chưa bao giờ đến hồ Snagov. Ấy thế nhưng, ông ấy lại để sót tập quảng cáo mỏng về Rumani giữa mớ giấy tờ mà cha đang giữ. Bấy giờ, cô ta đang nhìn cha trừng trừng, một thái độ mà thầy Rossi chẳng bao giờ có. “Quá muộn để khuyên tôi không nên hỏi thêm. Những lá thư kia có liên quan gì đến việc ông ta mất tích hay không?”
“Tôi vẫn chưa dám chắc. Có lẽ tôi sẽ phải nhờ một chuyên gia trợ giúp. Tôi không rõ cô đã khám phá được gì trong cuộc nghiên cứu của mình…” Một lần nữa, cha đón nhận ánh mắt cảnh giác, mệt mỏi của cô ta. “Tôi tin là trước khi mất tích, thầy Rossi cũng biết cá nhân mình đang gặp nguy hiểm.”
Có vẻ cô ta đang cố tiếp nhận hết những điều cha vừa kể, tin tức về một người cha mà từ lâu cô chỉ biết như là một biểu tượng thách thức. “Mối nguy hiểm cá nhân? Từ cái gì?”
Cha quyết định mạo hiểm. Thầy Rossi yêu cầu cha không tiết lộ câu chuyện dở hơi của thầy với đồng sự. Cha đã làm theo lời yêu cầu đó, nhưng lúc này đây, bất ngờ, khả năng có được sự trợ giúp của một chuyên gia đang có sẵn trước mặt cha. Người phụ nữ này có khả năng đã biết rõ những gì mà cha có thể phải mất nhiều tháng trời mới lần ra được; có thể cô ta có lý, thậm chí là thế, khi nghĩ rằng cô còn biết nhiều hơn bản thân thầy Rossi. Chẳng phải thầy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn hay sao - vậy thì, cha sẽ tìm kiếm ngay bây giờ thôi. Xin tha lỗi cho tôi, cha cầu xin quyền năng của các đấng thánh thần, nếu việc này đưa cô ta vào vòng nguy hiểm. Ngoài ra, còn có một lý lẽ đặc biệt khác. Nếu cô ta thực sự là con gái của giáo sư, hơn ai hết cô ta có quyền được biết chuyện của cha mình. “Đối với cô, chuyện Dracula có ý nghĩa gì không?”
“Ý nghĩa đối với tôi?” cô ta cau mày. “Như một khái niệm? Sự báo thù của tôi, tôi cho là vậy. Nỗi cay đắng không bao giờ dứt.”
“Vâng, tôi hiểu điều đó. Nhưng chuyện Dracula không có ý nghĩa nào khác đối với cô hay sao?”
“Ý anh muốn nói gì?” Cha không thể nói cô ta đang tìm cách lẩn tránh hay chỉ là thắc mắc một cách thành thực.
“Cô Rossi,” cha tiếp tục, vẫn còn chút ngần ngại, “cha cô, đã - đang - tin là Dracula vẫn còn sống.” Cô ta lại nhìn cha trừng trừng. “Cô nghĩ sao về chuyện đó?” cha hỏi. “Cô có thấy nó có vẻ điên khùng không?” Cha chờ cô ta cười phá lên, hoặc đứng dậy bỏ đi như đã phản ứng trong thư viện.
“Thật buồn cười,” Helen Rossi chậm rãi trả lời. “Bình thường ra, hẳn tôi sẽ nói đó chỉ là truyền thuyết của đám nông dân - chuyện mê tín dị đoan dựa trên ký ức về một kẻ độc tài khát máu. Nhưng kỳ lạ là mẹ tôi cũng tuyệt đối tin vào chuyện này.”
“Mẹ cô?”
“Vâng. Tôi đã nói với anh, mẹ tôi xuất thân là nông dân. Bà có thiên hướng tin vào những chuyện dị đoan này, dù có lẽ ít hơn ông bà ngoại tôi một chút. Nhưng một học giả lỗi lạc của phương Tây… sao lại có thể tin vậy được?” Thật đúng là một nhà nhân học, dứt khoát như vậy, bất chấp cuộc kiếm tìm cay đắng của cô ta. Sự tách biệt rạch ròi giữa đầu óc thông minh nhạy bén và những vấn đề cá nhân của cô ta khiến cha ngạc nhiên.
“Cô Rossi,” cha nói, đột ngột quyết định. “Không hiểu sao, tôi không mảy may nghi ngờ chuyện cô thích nghiên cứu mọi chuyện chỉ vì cá nhân cô. Vậy tại sao cô không thử đọc những lá thư của thầy Rossi? Tôi cảnh báo cô, một cách thẳng thắn nhất, là tất cả những ai sử dụng tài liệu của ông ấy về chủ đề này đều là đối tượng của một mối đe dọa nào đó, theo như tôi được biết. Nhưng nếu cô không sợ, thì hãy đọc chúng vì chính lợi ích của cô. Việc đó sẽ tiết kiệm thời gian cho chúng ta, tôi đỡ phải thuyết phục cô tin câu chuyện đó là có thật, tôi tin chắc nó có thật.”
“Tiết kiệm thời gian cho chúng ta?” cô ta lặp lại, giọng khinh khỉnh. “Anh đang lập kế hoạch gì cho thời gian của tôi vậy?”
Cha đã tuyệt vọng đến mức chẳng cảm thấy bị chạm nọc gì nữa. “Trong trường hợp này, cô sẽ đọc những lá thư đó bằng một nhãn quan chuyên môn tốt hơn tôi.”
Có vẻ như cô ta đang suy nghĩ về đề nghị này, tay chống cằm. “Thôi được,” rốt cuộc cô ta nói. “Anh đã đưa tôi vào thế yếu. Tất nhiên, tôi không thể cưỡng lại cái cám dỗ muốn biết nhiều hơn về ông bố Rossi này, nhất là khi, nếu việc này khiến tôi chiếm được bước thượng phong so với nghiên cứu của ông ta. Nhưng nếu tôi nhận thấy ông ta chỉ đơn thuần mất trí, báo cho anh biết trước tôi sẽ không mấy thương cảm đâu. Đó có thể là vận may của tôi: nhốt ông ta vào một viện tâm thần nào đó trước khi tôi có cơ hội tốt để hành hạ ông ta.” Nụ cười của cô ta không còn là một nụ cười nữa.
“Tốt,” cha phớt lờ câu cảnh báo sau cùng và nụ cười nhăn nhở xấu xí, ép mình không liếc nhìn hai chiếc răng nanh của cô ta, dù rõ ràng trước đó cha thấy nó không dài hơn bình thường. Tuy nhiên, trước khi kết thúc cuộc trao đổi, cha phải nói dối về một chi tiết. “Tôi rất tiếc phải nói là không mang theo những lá thư đó. Hôm nay tôi cảm thấy sợ phải mang chúng đi cùng.” Thực ra, cha hết sức e sợ phải để chúng lại trong căn hộ, và hiện chúng đang ở trong cặp. Nhưng có lẽ cha sẽ bị nguyền rủa - theo đúng nghĩa đen - nếu lôi chúng ra giữa quán ăn này. Cha không biết liệu có thể có kẻ nào đang ở đó, đang quan sát cô ta và cha - những anh bạn nhỏ của tay thủ thư đáng sợ kia chẳng hạn? Cha còn một lý do khác nữa: cha cần phải thử thách cô ta, dù lòng trĩu nặng vì cảm thấy bất nhẫn. Cha phải chắc chắn rằng cô nàng Helen Rossi này, dù cô ta là ai, không ở cùng phe với - ừm, chẳng phải chỉ cần là kẻ thù của kẻ thù của cô ta thì là bạn của cô ta rồi sao? “Tôi phải về nhà mới lấy được. Và tôi sẽ yêu cầu cô đọc chúng trước mặt tôi, vì đối với tôi, chúng rất mỏng manh và quý giá.”
“Được thôi,” cô ta nói, giọng lạnh tanh. “Chiều mai chúng ta gặp nhau được chứ?”
“Trễ quá. Tôi muốn cô xem chúng ngay. Xin lỗi. Tôi biết yêu cầu này hình như khá kỳ quặc, nhưng một khi đọc chúng, cô sẽ hiểu cảm giác nôn nóng của tôi.”
Cô ta nhún vai. “Nếu việc đó không mất quá nhiều thời giờ.”
“Không đâu. Liệu cô có thể gặp tôi ở… ở Nhà thờ Đức Mẹ?” Sự thử thách này, ít ra, cha có thể thực hiện với tính chu đáo của thầy Rossi. Helen Rossi vẫn nhìn cha không nao núng, gương mặt khắc nghiệt, mỉa mai vẫn không đổi. “Nó ở trên phố Elm, cách hai khu phố tính từ… ”
“Tôi biết rồi,” cô ta cắt ngang, cầm găng tay lên xỏ vào rất gọn gàng. Chiếc khăn quàng xanh cũng được quấn lại, lấp lánh quanh cổ như loại đá xanh lazuli(1). “Mấy giờ?”
“Cho tôi ba mươi phút để về nhà lấy mớ giấy tờ kia rồi sẽ gặp cô ở đó.”
“Ở nhà thờ. Tốt thôi. Tôi sẽ ghé qua thư viện để tìm một bài viết mà tôi cần ngay hôm nay. Xin đúng giờ cho - tôi còn nhiều việc phải làm.” Mảnh lưng khoác áo đen của cô gầy guộc nhưng mạnh mẽ khuất sau cánh cửa quán ăn. Cha chợt nhận ra, khi đã quá trễ, rằng không biết bằng cách nào, cô ta đã trả tiền cà phê cho cả hai.
Chú thích:
1. Lazuli (còn viết là lazulite): một loại đá có màu xanh dương đậm lốm đốm những vệt vàng gọi là “lửa” của đá (tuổi đá càng cao, “lửa” càng nhiều.), sáng bóng lộng lẫy như thủy tinh và được sử dụng như một loại đá quý.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...