Trước Khi Chết Phải Biết Tình Yêu Là Gì



_ Dạ! Con bị mất xe máy rồi.

_ Vậy sao? Thôi được rồi, để vài tháng nữa mẹ cố gắng mua cho con chiếc khác.

Một điều mà tôi đã lo lắng hơn một năm trời, phải cực khổ nhiều vì nó, sợ nó sẽ làm mẹ tôi đau buồn, nổi cơn thịnh nộ. Sợ bị la mắng, sợ gia đình thêm xáo trộn. Vì nó mà tôi phải đi xe buýt đi học, vì nó mà tôi phải cố gắng đi làm thêm, phát tờ rơi, dạy kèm, phụ quán cà phê. Nên không có nhiều thời gian cho việc học và không còn nhớ Lam da diết, vì thế Lam đã yêu người khác. Vậy mà, nó chẳng là gì? Tuy kinh tế nhà tôi chẳng phải thuộc diện khá giả, nhưng thái độ của mẹ tôi vẫn bình thản, như thể đó là một chuyện cỏn con.

_ Con đã cố gắng đi làm thêm, và có dành dụm được vài triệu.

_ Vậy sao? Nhưng con vẫn học tập tốt chứ?

_ Dạ! Con vẫn học bình thường, không giỏi nhưng không đến nỗi tệ.

_ Được rồi. Không sao đâu con. Con đi ngủ đi.

Một chuyện đã tạo không biết bao nhiêu nỗi khốn khổ cho tôi, không ngờ lại trôi qua nhẹ nhàng như vậy. Đêm đó tôi đã ngủ được, ngủ sau khi khóc rất nhiều. Khóc vì uất ức. Khóc  vì hối tiếc, vì nó mà tôi mất Lam.

Nhưng sự lo lắng của mẹ tôi không dừng ở đêm đó. Mẹ vẫn thấy tôi ủ rũ, dáng đi thất tha thất thểu. Vẫn thấy tôi chẳng  thiết chuyện ăn uống. Và vẫn thấy tôi ngồi một mình trên sân thượng trong đêm khuya.

_ Con bị đuổi học thật rồi đúng không?

_ Không! Con không bị đuổi học.

_ Con bị mất xe máy, con giấu mẹ, con cố đi làm thêm kiếm tiền, nên đã chểnh mảng việc học, không theo kịp nên bị nhà trường cho thôi học, đúng không?

Nỗi lo lắng của mẹ tôi hoàn toàn có cơ sở. Tôi thật sự bất ngờ trước cái chuỗi logic mà mẹ tôi đưa ra. Tôi không biết trả lời sao.

_ Dạ không! Mẹ hãy tin con, con không bị trường cho thôi học đâu.

_ Vậy con còn chuyện đau buồn gì nữa, mà mẹ vẫn thấy con ủ rũ, buồn rầu, như người mất hồn vây?


Tôi im lặng. Tôi chỉ biết lắc đầu.

_ Vậy là mẹ đoán đúng phải không? Sao con ngốc vậy?_ Đúng! Con ngốc nên Lam mới chia tay con. - Tôi không thể kìm được cảm giác uất nghẹn đang chắn ngang họng. Tôi đã nói ra.

Mẹ xoa lưng tôi. Qua giọng nói của tôi, mẹ tin tôi và không chất vấn tôi nữa.

_ Hèn gì, đã lâu rồi mẹ không thấy con Lam đến chơi với mẹ nữa. Thôi con đừng buồn. À không! Con cứ buồn nếu như con thấy nhẹ nhõm hơn. Đừng tuyệt vọng nha con. Sài Gòn thiếu gì người đẹp, phải không?

Kể từ khi biết tôi đang thất tình, mẹ tôi để tôi tự do, việc buôn bán, mẹ chuyển sang nhờ em gái tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ và em gái nhìn tôi với ánh mắt mà tôi không bao giờ quên.

Chỉ có ba tô là hoàntoàn không biết chuyện gì xảy ra với tôi. Và tôi hiểu lý do tại sao.

Đến một ngày, mẹ nói với tôi:

_ Nếu con muốn đi đâu đó xa xẹm a cho khuây khỏa thì cứ đi, hay con muốn vào Sài Gòn sớm cũng được. Có điều mẹ chưa thể mua xe cho con bây giờ, nhưng mẹ hứa sẽ mua cho con chiếc xe mới. Con cứ giữ tiền dành dụm của mình, mẹ không lấy đâu.

Tuy trước nay tôi không bao giờ nghĩ đến việc vào Sài Gòn sớm, vì tôi không thích Sài Gòn một chút nào, nhưng lời nói của mẹ làm tôi suy nghĩ. Có thể tôi phải bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống không có hình bóng của Lam nữa.

Và trong một phút ý chí dâng cao, tôi nói với mẹ:

_ Chắc con sẽ vào Sài Gòn sớm, kiếm một lớp Anh Văn để học. Tiếng Anh của con rất tệ so với bạn bè.

Khi nghĩ mình sắp vào lại Sài Gòn, sắp bước qua một bước ngoặt mới, lý trí tôi chùng xuống. Tự cho phép bản thân nghĩ đến Lam như lần cuối cùng.

Và không còn điều gì trong tâm trí ngăn cản tôi gặp Lam nữa.

Một buổi sáng tôi dậy sớm, đến mua hai ổ bánh mì ở tiệm bánh ven đường mà ngày trước tôi và Lam là khách hàng quen thuộc. Rồi tôi đến trước nhà Lam, đứng dưới gốc cây bàng như thời cấp ba thường chờ Lam đi học.

Rồi tôi thấy Lam, thấy dáng người quen thuộc dắt chiếc xe Chaly ra khỏi nhà. Lòng tôi chợt bồn chồn xốn xang.

Sao Lam dậy trễ thế? Lam đang buồn ư? Hay Lam không được khỏe? Có chuyện gì vậy?


Tôi cảm thấy lo lắng nhưng không dám đến gần, chỉ âm thầm chạy theo. 

Đến một đoạn đường lớn, tôi rồ ga chạy lên bỏ ổ bánh mì vào rổ xe của Lam. Rồi giảm ga, lặng lẽ giữ khoảng cách.

Chợt nhìn thấy tôi, Lam rất ngỡ ngàng nhưng không nói gì. Có lẽ giữa tôi và Lam là một khoảng cách lớn, lớn vì tình cảm đã rạn nứt, lớn vì hai xe không còn đi song song nữa.

Đối với tôi, được đi sau Lam như thế này là đủ rồi. Đủ thỏa cơn mong nhớ, đủ để Lam biết rằng tôi yêu Lam như thế nào.

Từ phía sau, tôi thấy Lam lấy tay quẹt nước mắt. Có lẽ Lam khóc.

Tôi muốn chạy lên vỗ về Lam. Tôi muốn nói với Lam đừng khóc nữa, đừng buồn nữa. Khải sẽ làm bạn với Lam, nhưng tôi không làm được. Tôi rẽ hướng. Cổ họng nghẹn đắng.Sáng hôm sau, tôi bỏ hộp xôi vò vào rổ xe Lam, rồi tiếp tục chạy theo lặng lẽ. Trong hộp xôi vò tôi có để một tờ giấy.

Ngày mai Khải vào lại Sài Gòn. Lam đừng buồn nữa.

Sài Gòn tháng Tám, nắng mưa thất thường. Tâm trạng của tôi cũng chẳng khác bao nhiêu. Học Anh văn cũng chẳng vô, do không tập trung và do học yếu từ trước đến nay. Suốt ngày tôi cứ ôm cái hộp chứa những kỷ vật của Lam tặng tôi, và đọc đi đọc lại những lá thư và Lam đã gởi cho tôi từ lúc tôi vào Sài Gòn học đến giờ.

Kỷ vật giống như thuốc giảm đau. Nó sẽ mang lại cảm giác tê tê, lâng lâng, ta quên đi nỗi đau. Ta ảo tưởng, chìm đắm với ngày xưa lành lặn. Ta quên hiện tại. Và khi ta phụ thuộc vào nó, nó mất tác dụng. Vết thương sẽ càng thêm nhức buốt.

Khi thuốc mất tác dụng, tôi lại vật vờ ăn uống. Vật vờ học Anh văn. Vật vờ ngủ.

Đến một ngày, tôi nhận được một bưu phẩm. Tôi bồi hồi khi thấy tên người gửi là Lam. Người tôi như run lên. Trong đó có một chiếc áo thun mới rất đẹp. Và một bức thư.

Trời ơi! Có phải ông đưa Lam... trở lại.

Tôi vội vàng mở lá thư ra, ngấu nghiến nuốt từng chữ một.

Lam xin lỗi!

Lam đã làm Khải buồn. Khi nhận ra cảm giác của mình với anh Huy, thật sự Lam đã chiến đấu với bản thân rất nhiều. Lam luôn nghĩ về Khải, về những điều chúng ta đã có với nhau. Lam biết tình cảm của Lam dành cho Khải chưa bao giờ thay đổi.


Từ ngày Khải về Nha Trang, trong Lam đã có rất nhiều câu hỏi. Lam tự hỏi bản thân mình. Lam không thể giấu Khải, đúng là Lam thích anh Huy. Lam đã làm Khải tổn thương. Lam không ngủ được, Lam chán bản thân mình. Lam sợ gặp Khải, Lam cũng không muốn gặp anh Huy. Dù anh Huy luôn quan tâm đến Lam, thầm lặng giúp Lam rất nhiều. Lam muốn chất vấn bản thân mình. Mình yêu ai? Lam muốn có câu trả lời nghiêm túc, với bản thân, với Khải và với anh Huy.

Và câu trả lời là Lam yêu Khải. Lam đã say nắng anh Huy.

Khải tha thứ cho lam chứ? Chúng ta sẽ trở lại với nhau, như ngày xưa được chứ?

Lam tặng Khải chiếc áo mà Khải thích. Và cuxgn mua cho mình một chiếc giống vậy.

Khải hãy cho Lam biết câu trả lời nha. Lam mong lắm.

Nếu Khải tha thứ, Khải đừng về Nha Trang. Khải cứ ở đó, Lam sẽ chạy đến bên Khải, ôm Khải thật chặt, sẽ không bao giờ buông tay nữa đâu.

Lam đã xin nghỉ việc vài ngày để vào Sài Gòn. Tối thứ Sáu tuần này Lam lên xe, sáng thứ bảy đến Sài Gòn, tại nhà xe Hạnh Cafe.

Yêu Khải rất nhiều.

Tôi như bấn loạn. Nước mắt tôi rơi.

Trời ơi! Có phải mình đã chiến thắng bản thân? Có phải mình đã vượt qua nỗi đau? Có phải chiếc đồng hồ cát đã nghiêng? Mình đã về với trái tim Lam?

Sóng sẽ cuồn cuộn khi cơn gió nổi lên. Nhắm mắt ta quên và tình yêu trở lại. Cô ơi! Em đã làm được... đã vượt qua được rồi. Lam đã trở về rồi cô ơi!Tôi như muốn hét lên.

Suốt một thời gian dài sau này, tôi nghĩ lại khoảnh khắc đó, cảm xúc lúc đó là hạnh phúc. Tột cùng của hạnh phúc.

Tôi mặc chồng thêm chiếc áo vừa tặng tôi, chạy như bay ra bưu điện. Tôi lao vào buồng điện thoại, bấm số điện thoại di động của Lam. Bỗng nhiên tôi nghĩ: mình sẽ nói gì với Lam đây?

Bình tĩnh, phải bình tĩnh. Tôi dặn lòng như vậy.

Tôi bước ra khỏi buồng điện thoại. Hỏi mượn điện thoại di động của cô chủ bưu điện. Tôi gửi cô chủ hai ngàn đồng để nhắn tin cho Lam, nhưng tôi vẫn không biết nhắn gì. Cứ bấm được một hai dòng chữ, thấy không vừa lòng, rồi xóa. Cứ thế...

Cô chủ bực mình:

_ Em nhắn tin chưa? Hai ngàn đồng chỉ nhắn được một tin thôi đó.

_ Em có nhắn không? Nhắn gì lâu vậy? Nhắn nhanh lên, tôi còn phải gọi điện thoại cho người khác nữa.

Hơn hai mươi phút sau, tôi gửi vào điện thoại di động của Lam một tin nhắn.


Lam ơi, Khải đây. Khải nhớ Lam lắm. Khải chưa bao giờ hận Lam, nên chẳng có gì để tha thứ. Khải sẽ chờ Lam ở Sài Gòn. Lam đừng nhắn tin lại, điện thoại này Khải mượn.

Tôi dường như miễn nhiễm với sự khó chịu của cô chủ bưu điện. Tôi vui vẻ về phòng trọ, trong đầu nghĩ về ngày thứ Bảy sắp tới. Chỉ ngủ hai giấc, trải qua hai đêm nữa là tôi sẽ được ôm Lam vào lòng.

Tối đó, mới bảy giờ tôi quyết định đi ngủ sớm. Vì tôi thấy hơi mệt, cơ thể rã rời. Nhưng đầu óc tôi lại không chịu yên giấc, nó cứ nghĩ ngợi lan man.

Tôi nghĩ đến ngày thứ Bảy, tôi sẽ đưa Lam đi chơi ở đâu? Đi ăn uống chỗ nào?

Tôi đã vào Sài Gòn, ở đây hơn hai năm mà tôi chẳng biết nhiều về địa điểm ăn chơi. Tôi có nghe bạn bè nói về món chè Thái, món bánh khọt Vũng Tàu, món bún mắm, mà tôi chưa từng ăn. Tôi chỉ từng ăn món bột chiên, với tôi món này vừa ngon lại vừa rẻ. Tôi cũng chưa từng đi xem phim, nghe nói rạp chiếu phim ở đây rất rộng, màn hình rất to, âm thanh rầm rầm rung chuyển cả ghế ngồi. Và ở đây, ngoài phim ra còn có kịch nữa, kịch ma rất hay. Nghĩ đến cảnh hai đứa cùng xem, ôm nhau rú lên vì sợ, tự nhiên tôi nôn nao mong thời gian trôi thật nhanh.

Đặc biệt, tôi được bạn bè kể về một khu phố rất đẹp, đẹp nhất Sài Gòn nằm ở phía nam, có tên là Phú Mỹ Hưng. Ở đó, nhìn lên trời không có dây điện chằng chịt. Ở đó, các con phố đẹp như bên nước ngoài. Dân cư thưa vắng nên đạp xe dọc các con đường sẽ rất lãng mạn. Hai đứa sẽ vừa đi vừa ngắm các ngôi nhà xinh xắn sang trọng và mơ về 1 ngày xa xôi.

Sau một hồi tưởng tượng say sưa, tôi quyết định ngày mai sẽ hỏi thăm và đi khảo sát trước những địa điểm đó. Để khi Lam vào, chúng tôi sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời bên nhau. Và để khoảnh khắc càng thêm tuyệt vời, ngày mai tôi sẽ không gọi điện cho Lam, mà chờ đến thứ bảy đón Lam tại điểm hẹn.

Rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Đêm ấy tôi ngủ rất ngon, rất say.

Sáng hôm sau, thứ sáu, tôi đạp xe đi đến những nơi có món ăn ngon và lạ, nhìn nhìn ngó ngó rồi đi, chứ không vô ăn. Và đạp xe qua các rạp chiếu phim, qua các sân khấu kịch nổi tiếng, hỏi giá vé rồi đi, chứ không mua.Chiều thì tôi đạp xe đến khu Phú Mỹ Hưng. Tôi không ngờ nó xa hơn tôi nghĩ, nhưng lại đẹp hơn tôi tưởng tượng. Nó hoàn toàn khác với nội thành Sài Gòn đầy khói bụi và đông nghẹt người.

Ở đây cây xanh rợp bóng từng con đường, và trên hè phố người ta còn đặt những chiếc ghế rất đẹp để ngồi nghỉ chân. Những ngôi nhà không thể chê vào đâu được. Và tôi vô cùng thích những công viên nhỏ giữa các dãy nhà sang trọng đó.

Ở đây, có 1 vẻ đẹp trái ngược hoàn toàn với Nha Trang, vẻ đẹp của trí tuệ, của bàn tay con người. Ở đây, tôi không thể ngăn nổi trong tâm trí hình thành những giấc mơ thành đạt, giấc mơ vươn lên trong xã hội, để có thể chăm sóc gia đình tương lai của mình một cách tốt nhất.

Tôi lang thang, ngắm nghía ngẩn ngơ toàn bộ khu Phú Mỹ Hưng. Tôi thấy mình mê mẩn nơi này. Và trong tôi bắt đầu nảy sinh cảm giác trân quý Sài Gòn.

Trước khi quay về, tôi được ngắm hoàng hôn trên một chiếc cầu bắc ngang con sông nhỏ.

Buổi chiều tà là quãng thời gian tôi thích nhất trong ngày. Tôi đã có rất nhiều buổi chiều tuyệt vời bên Lam. Lần này dù chỉ có một mình, nhưng tôi đây là buổi chiều tuyệt vời đầu tiên, ở tại Sài Gòn này.

Và tôi cũng không quên sửa chữa lau chùi chiếc xe đạp của mình. Vì ngày mai nó sẽ vất vả với hai đứa tôi.

Tối đó, tôi không dễ chìm vào giấc ngủ, vì cảm giác lâng lâng bồi hồi hồi ở mãi trong ngực trái.

Tối đó tôi không dễ chìm vào giấc ngủ vì cảm giác lâng lâng bồi hồi hồi ở mãi trong ngực trái



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui