Chuyện lớn không nhất định là chuyện quan trọng.
Có một số chuyện, đối với một số người là “chuyện lớn” trọng đại, nhưng đối với những người khác căn bản chẳng phải chuyện quan trọng gì.
Chẳng hạn như ngươi khẩn trương vì dự thi, cảm thấy đây là “chuyện lớn” ghê gớm, nhưng đối với quan chủ khảo thì đây chẳng qua là “chuyện bình thường” mà thôi.
Cho dù là “chuyện lớn” quốc gia cũng như vậy.
Đích xác, có “chuyện lớn” cũng là “chuyện quan trọng”. Trong lịch sử rất nhiều chiến dịch trọng đại, cải cách trọng đại đều là như vậy.
Nhưng đa phần “chuyện lớn” lại không quan trọng. Trong dòng sông lịch sử, một số nhân vật đương thời làm rung chuyển trời đất, một số biến cục làm kinh hãi thiên hạ, thậm chí một số đấu tranh máu thịt tung tóe, chẳng qua là một chút phong ba trong giếng, không tính là chuyện ghê gớm gì.
Lôi Thuần giao cho Ngô Kỳ Vinh làm “chuyện lớn”.
“Chuyện lớn” khiến Kinh Đào Thư Sinh cảm thấy mình rất quan trọng.
Nhưng những chuyện lớn này thực ra cũng không quan trọng. Giống như hoàng đế bổ nhiệm đám người Đồng Quán, Chu Miễn đi Giang Nam vận chuyển “hoa thạch cương”, bọn họ cảm thấy đó là “chuyện lớn” vinh quang biết bao, nhưng trong lịch sử đánh giá, đó chẳng qua là “tai tiếng” mà thôi.
Thực ra, cho dù không làm được những “chuyện lớn” này, đối với Lục Phân Bán đường và Lôi Thuần cũng chẳng hao tổn gì.
Làm được dĩ nhiên là tốt nhất.
Nếu là chuyện quan trọng có ảnh hưởng lớn, phân định thành bại, Lôi Thuần đương nhiên sai phái tự có chừng mực.
Hơn nữa trước tiên nàng sẽ hỏi ý kiến của Địch Phi Kinh.
Địch Phi Kinh chỉ dùng thời gian rất ngắn đã hiểu rõ sách lược của Lôi Thuần, cũng như phương thức chấp hành kế sách. Y lại dùng rất ít thời gian để thích ứng với phương thức và phong cách của Lôi Thuần. Y cũng chỉ dùng thời gian hữu hạn để hiểu rõ cá tính của Ngô Kỳ Vinh và biện pháp Lôi Thuần bổ nhiệm hắn.
Y đương nhiên cũng không rũ bỏ trách nhiệm, luôn phối hợp với Lôi Thuần, giống như khi y phối hợp với Lôi Tổn vậy.
Vì thế, Ngô Kỳ Vinh ở trong Lục Phân Bán đường tiếp tục đi làm “chuyện lớn” của hắn, đương nhiên có lúc cũng làm “chuyện gấp”.
Trong cuộc đời, làm nhiều nhất chính là “chuyện gấp”, nhưng “chuyện gấp” chưa chắc đã là “chuyện lớn”, càng không nhất định là “chuyện quan trọng”.
Giống như phải đi nhà xí, ăn cơm, uống thuốc, (trẻ con) bú sữa, giặt quần áo, trồng trọt, lao động, mua đồ (vật dụng hàng ngày), xã giao vân vân, chính là “chuyện gấp”, nhưng hoàn toàn không thể xem là “chuyện lớn” gì. Thành tựu của một người, hơn tám phần nằm trong những “chuyện quan trọng”, mà người đặc biệt thành công lại phải làm “chuyện lớn”. Đáng tiếc, phần lớn thời gian của người bình thường đều lãng phí trong những “chuyện gấp” nhỏ mọn. “Chuyện gấp”, “chuyện vặt” càng nhiều, thời gian và tâm lực để hoàn thành “chuyện quan trọng”, chuyên tâm vào “chuyện lớn” lại càng ít đi, đương nhiên thành tựu cũng càng thấp.
Đây là chuyện rất đáng tiếc.
Kinh Đào Thư Sinh từ khi trong động tinh thạch luyện thành “Hoạt Sắc Sinh Hương chưởng công” và “Dục Tiên Dục Tử chưởng pháp”, đã quyết chí phải làm nên một phen sự nghiệp long trời lở đất, sóng to gió lớn. Nhưng vào giang hồ không lâu, hắn đã biết chỉ bằng võ công thì thật sự không thể toại chí như nguyện. Vì vậy hắn ngày càng thu liễm dã tâm “làm chuyện lớn”, ngay cả “chuyện quan trọng” (ví dụ chăm chỉ tập võ như trước, để có ngày đại triển thân thủ, thi triển tài năng) cũng ít làm. Ngày thường, đến lúc hưởng lạc thì hưởng lạc, nghe ca xem múa yêu mỹ nữ, đã làm “chuyện gấp” nhiều, làm “chuyện tốt” ngày càng ít đi.
Thành tựu của một người, chủ yếu là ở hắn làm bao nhiêu “chuyện quan trọng”, chứ không phải là làm “chuyện cần gấp”.
Lâu ngày, Ngô Kỳ Vinh càng lúc càng không tiến bộ, hơn nữa cũng càng lúc càng cam chịu không tiến bộ.
Hoa Khô Phát thì lại khác.
Y đã không có ý định làm chuyện lớn, cũng mặc kệ chính sự, nhưng lại giống như Ôn Mộng Thành, đều là lãnh tụ do dân gian bách tính các ngành các nghề đề cử ra, bọn họ cũng đều thích “quản chuyện bất bình”.
Bọn họ chỉ cần có một chút tâm “bất bình”, sẽ khó tránh khỏi đối lập với người đảng Thái Kinh. Trên thực tế, chỉ cần là người có một chút cảm giác chính nghĩa, nhất định sẽ không đồng ý với hành vi và việc làm của đám người Thái Kinh, Chu Miễn, Đồng Quán, Vương Phủ, Lý Ngạn, Lương Sư Thành.
Bởi vì Thái Kinh đương chính đương quyền cũng đã mười mấy năm, tuy hai lần bị bãi tướng, nhưng vẫn nắm quyền. Hắn đầu cơ luồn cúi, bóc lột nhân dân, đã đến mức cực kỳ vô sỉ. Nhờ được hoàng đế Triệu Cát tin tưởng, hắn lại giỏi giả vờ diễn kịch, cho nên một khi làm xằng làm bậy, trước tiên liền dùng danh nghĩa “đây là pháp tắc của tiên đế”, “đây là pháp tắc ba đời”, thậm chí còn nói đó là “ý chỉ để lại” của thời kỳ Thần Tông Hi Ninh, Nguyên Phong. Hơn nữa còn không cần thông báo với hoàng đế, tự phát chiếu thư, gọi là “ngự bút thủ chiêu”, làm bừa công bố thánh chỉ, nhằm để giết hết trung thần lương tướng, mở rộng phe cánh. Vì vậy, việc lớn việc nhỏ, quốc gia đại sự, vạn dân sinh nhai, hoàn toàn rơi vào trong tay Thái Kinh một người một đảng.
Hễ có đại thần nghi ngờ, hắn lại hạ chiếu giết chết diệt tộc. Hễ có ban bố, sợ người khác nghi ngờ hắn có mưu riêng, liền nói “ý trên cũng như vậy”. Hơn nữa mệnh lệnh ban bố ra, tốt thi xưng mình, xấu thì bảo vua, càng khiến dân ý sôi sục, oán giận của thiên hạ đều đổ hết lên người Triệu Cát.
Nhưng nói đến cũng kỳ quái, Triệu Cát vẫn tin hắn không nghi ngờ, thậm chí Thái Kinh mấy lần giả vờ từ quan, Triệu Cát còn khóc lóc cầu khẩn giữ hắn lại, còn khen hắn: “Khanh dù không thích công danh phú quý, cũng phải suy nghĩ cho xã tắc!”
Thái Kinh đã có được sự tín nhiệm của hoàng đế, càng mặc sức làm bậy. Chẳng hạn như “phương điền quân thuế” của hắn, bắt địa chủ đất đai trong thiên hạ phải “thu hẹp”, vốn nhiều chợt biến thành ít, vốn lớn đột nhiên nhỏ đi, vốn hơn ba trăm mẫu đất hiện tại đã thu hẹp thành ba mươi mẫu. Nhưng thuế của nông dân thì lại “tăng vọt”, vốn ba mươi văn tiền thuế, hiện nay lại phải trả gần hai ngàn văn. Điều này khiến cho nông dân trong thiên hạ kêu khổ ngất trời.
Hắn lại thực hành “miễn dịch pháp”, khiến cho gia đình trung và thượng đẳng được miễn dịch không cần nộp thuế, hoàn toàn bắt gia đình hạ đẳng nộp thay. Thuế vụ nặng nề, so với lúc Thần Tông cải cách còn nhiều hơn tám mươi lần. Quan liêu địa chủ nườm nượp không ngừng hiến tặng Thái Kinh, gánh nặng được giảm nhẹ, nhưng bần dân bách tính lại cực kỳ khổ sở.
Như vậy vẫn chưa đủ, Thái Kinh còn thực hành “diêm sao pháp” . Hắn lũng đoạn chuyên doanh muối, muốn người buôn bán muối giao tiền cho hắn, lợi ích hoàn toàn do hắn khống chế. Phiếu muối thường thay đổi, phiếu cũ chưa dùng hết đã phát phiếu mới, phải dùng số tiền cao gấp ba đến năm lần mới đổi được cùng một số lượng. Không có tiền đổi phiếu muối mới, phiếu cũ hoàn toàn bỏ đi, khiến không ít người khuynh gia bại sản. Lần này, ngay cả phú thương cũng chỉ đành ôm đống tài sản trị giá mấy chục vạn xâu tiền, trở thành ăn mày, cuối cùng nhảy cầu tự sát. Lúc ấy, bách tính ăn không có muối, ăn không có gạo, sắc mặt xanh xao, người chết đói khắp nơi. Khách chết tha hương, cô nhi quả phụ, tiếng kêu khóc vang khắp trời đất, kẻ nhịn nhục cầu sinh không biết có đến bao nhiêu. Người nghe vì nó thương tâm, người thấy vì nó đổ lệ. Thái Kinh lại nhân cơ hội nâng cao giá muối, vốn một vạn quan có thể mua ba trăm cân muối, hắn gật đầu một cái đã tăng thành bốn vạn quan, hơn nữa còn trộn cát trong gạo, trộn bùn trong muối.
Tất cả sưu cao thuế nặng, tùy ý bắt chẹt, tùy ý đục khoét này, chẳng qua là để Thái Kinh hưởng dụng xa hoa, cùng với quan lại thuộc Thái đảng tiêu xài thoải mái, còn cung cấp cho hoàng đế Triệu Cát phung phí vô độ mà thôi.
Đây chỉ là một vài ví dụ bóc lột vơ vét tài sản của bách tính lê dân trong thiên hạ. Còn những biện pháp khác để Thái Kinh bòn rút máu và mồ hôi của nhân dân, giống như “hoa thạch cương” nổi tiếng hại người tàn dân, vẫn chưa được đề cập đến. Về phần hắn kết bè kết đảng, trừ khử quần hiền, vốn không trực tiếp xung đột với hai đảng Phát Mộng, cũng không trực tiếp đối phó với Hoa Khô Phát và Ôn Mộng Thành, nhưng trong đó có rất nhiều trung thần liệt sĩ mà hai người Ôn, Hoa kính ngưỡng hoặc từng quen biết, đối với chuyện này cũng rất căm phẫn.
Huống hồ, Ôn Mộng Thành và Hoa Khô Phát từng tại thọ yến bị Nhậm Lao và Nhậm Oán ám toán, trúng phải “Ngũ Mã Dạng”, đến nỗi bị người khác khống chế, liên lụy đến môn nhân, bạn bè chịu nhục thương vong. Trong lòng biết “Nhị Nhậm Song Hình” đương nhiên là do Thái Kinh phái đến giết hại nhân vật võ lâm chính phái trong kinh, vốn đã hết sức căm hận. Sau đó Bạch Sầu Phi gây sóng gió một phen, hơn nữa trong tay Nhậm Oán còn giữ “Bình Loạn Quyết” (“Bình Loạn Quyết” này vốn là tín vật được ngự ban cho Tứ Đại Danh Bổ, dùng khi dẹp loạn giết giặc, cảnh ác trừ gian, có thể tiền trảm hậu tấu, có đại quyền sinh sát, không cần thỉnh cầu phê chuẩn sau đó mới hành hình), chín phần là do Thái Kinh trước giờ hay “giả mạo thánh chỉ”, “lừa tạo ngự chiếu” làm ra, đối với đám người Thái đảng càng hận đến nghiến răng.
Lại nói, Hoa Khô Phát còn từng chính mắt thấy con ruột bị đao phủ do Thái Kinh phái tới lột da mà chết, từ đó đã gây nên huyết hải thâm cừu.
Cho nên, y càng thù hận người của Thái đảng.
Bọn họ rất được lê dân bách tính tầng lớp thấp tin tưởng, vì vậy thường nghe bần dân khóc lóc kể lể, nhiều lần nghe người trong giang hồ nói tới, hiện nay gian tướng nắm quyền, dân chúng lầm than, sinh linh đồ thán, thây ngã khắp nơi, người của hai đảng Phát Mộng đều rất bi phẫn, hận không thể nuốt tủy Thái Kinh, nhai thịt Thái đảng, hơn nữa còn khiến cho gia tộc họ Thái cầm quyền hóa thành tro bụi mới cam lòng.
Vì vậy, bọn họ nghe nói hảo hán Kim Phong Tế Vũ lâu (đồng thời cũng là thành viên chủ yếu trong Thất Đại Khấu) Đường Bảo Ngưu và Phương Hận Thiếu, trong vườn Tầm Mộng đã đánh kẻ trong suy nghĩ của bọn họ là “thiên hạ đệ nhất heo” hoàng đế Triệu Cát, cùng với “thiên hạ đệ nhất gian ác” thừa tướng Thái Kinh, hơn nữa còn đánh cho xanh mặt sưng mũi, người người lập tức vỗ tay sảng khoái, hoan hô không ngừng, chỉ hận hai người Đường, Phương, không thật sự tàn nhẫn, đánh chết luôn hoàng đế không có phẩm chất và thừa tướng không có lương tâm này.
Sau đó lại nghe Thái Kinh muốn xử trảm hai người Phương, Đường ngoài phố để thị chúng, người của hai đảng Phát Mộng đã quyết định cướp pháp trường.
Vì vậy, Hoa Khô Phát và Ôn Mộng Thành dẫn theo nhân mã trong đảng, đệ tử trong phái, trong ứng ngoài hợp, nghĩ cách cứu viện hai hán tử trong suy nghĩ của bọn họ.
Sự tình trở nên như vậy
Ngô Kỳ Vinh vì muốn giúp Lôi Thuần “làm chuyện lớn”, cho nên trở thành kẻ địch của hai người Ôn Mộng Thành, Hoa Khô Phát vốn đối nghịch với Thái Kinh, quyết một trận tử chiến.
Có lẽ, theo như cách nói của phật gia, hai người vốn hoàn toàn không liên quan, bởi vì một vài nhân tố ngẫu nhiên mà tụ tập với nhau, bất kể là địch là bạn đều là duyên phận.
Chỉ có điều, bọn họ không phải bạn mà là địch.
Cho nên đây là ác duyên.
Đồng thời cũng là ác chiến.
Kinh Đào Thư Sinh Ngô Kỳ Vinh vừa lau mồ hôi, vừa giết vào Hồi Xuân đường.
Bởi vì Hồi Xuân đường là trọng địa chỉ huy “hành động cướp tù” lần này. Hoa Khô Phát chỉ huy hành động, đương nhiên không thể để cho Ngô Kinh Đào chiếm được trọng địa này.
Vì vậy y bước dài đi tới, làm tư thế ngăn cản, quát lên:
- Lui lại!
Ngô Kinh Đào cười.
Miệng rất nhỏ.
Răng rất trắng.
Nói chuyện cũng rất nhẹ nhàng.
- Ngươi là Hoa thủ lĩnh?
Hoa Khô Phát hừ một tiếng nói:
- Ta biết ngươi, ta nhận ra ngươi. Kinh Đào Công Tử, chúng ta vốn không thù không oán, tại sao ngươi vì gian tướng mà giết người đảng ta?
Ngô Kinh Đào lại lau mồ hôi, chỉ hỏi chứ không đáp:
- Ta không muốn giết ngươi, cũng không có ý kết oán. Ngươi tránh ra, ta đi vào, ai đi đường nấy, ta sẽ không giết ngươi, mọi người đều tốt.
Hoa Khô Phát giận dữ:
- Thái Kinh làm xằng làm bậy, mắc mớ gì đến ngươi! Ngươi muốn tiếp tay cho giặc sao! Cút về, nếu không ta sẽ cho ngươi máu tươi năm bước!
Ngô Kinh Đào lắc đầu một cái, vẫn đi về phía trước một bước, nói:
- Chuyện Thái Kinh làm, liên quan gì đến ta? Có điều…
Nói xong lại bước một bước, liếc nhìn Hoa Khô Phát:
- Nếu ta đã đến, hơn nữa còn đồng ý khống chế trung tâm của các ngươi, ta nhất định phải làm được…
Lại đi thêm một bước:
- Dù sao, trên tay ta đã nhuộm máu đảng đồ các ngươi, đã rửa không sạch. Ngươi muốn chết sớm, vậy ta sẽ thành toàn cho ngươi…
Lúc nói lại đi một bước, sau đó dừng lại, đưa mắt nhìn Hoa Khô Phát, nói:
- Ta đã đi bốn bước, ngươi thật sự muốn ta đi bước thứ năm mới bằng lòng nằm trong vũng máu của mình sao?
Hoa Khô Phát hét lên giận dữ.
Ra tay.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...