7.
Sáng sớm.
Ta cầm thánh chỉ trong tay xem đi xem lại, mẫu thân ngồi bên cạnh vừa uống trà vừa nói: “Không cần xem nữa, thánh chỉ nói rồi, cả ba đứa con đều được phong quận chúa.”
Ta nghi hoặc hỏi: “Tại sao?”
Ta có làm nên công trạng gì đâu?
“Con và Nghi Hoa đứng đầu trong hội săn mùa xuân, đây là phần thưởng.”
“Bọn con cũng không lấy được nhiều cờ lắm, toàn là của Ninh vương với Nghi Thanh cho Nghi Hoa đấy.”
“Không phải con còn hạ gục được cả một con hổ trắng đấy à? Mấy hôm nay người trong kinh thành đồn đại nhiều lắm, bọn họ đều nói con là Bạch Hổ Tinh Quân hạ phàm đấy.”
“Nói linh tinh, hơn nữa con hổ đó cũng có phải một mình con bắt được đâu.”
Ta hơi khó xử: “Mẫu thân, người không thấy là chúng ta làm thế này…”
“Có hơi phô trương phải không?” Mẫu thân xua tay: “Ta và phụ thân con cũng gọi là khổ tận cam lai, ba đứa con đều là nhờ phúc của chúng ta cả đấy.
Hơn nữa, cậu con cũng muốn phong mấy đứa làm quận chúa từ lâu rồi, trước đây là vì sợ người ngoài dị nghị, sau là vì chưa tìm được cơ hội thích hợp.
Bây giờ khó khăn lắm mới đợi được thời cơ, sao có thể bỏ qua được? Người trong thiên hạ nghĩ thế nào không quan trọng, trong lòng cậu của con hiểu rõ nhất: cho dù người trong thiên hạ đều phản thì Cố gia cũng sẽ không, Cố gia chúng ta chỉ một lòng trung thành với bệ hạ, với quốc gia.”
Cũng phải.
Ta cất gọn thánh chỉ lại, chỉnh trang lại quần áo chuẩn bị ra ngoài.
Mẫu thân hỏi: “Đi đâu đấy?”
“Nội Học Đường.”
Ăn bổng lộc của vua thì phải làm tròn chức trách, đạo lý này không thể không hiểu.
Gần đây vì có nhiều chuyện xảy ra nên cũng khá lâu rồi ta chưa đến Nội Học Đường.
Hôm nay đến mới phát hiện, Hoàng thượng vì muốn khiến Nội Học Đường náo nhiệt hơn mà đã học theo tiên hoàng, cho gọi các tiểu thư con nhà quý tộc vào cung học tập cùng các công chúa.
Đúng là náo nhiệt thật, chỉ thiếu chút nữa là sập nhà thôi.
Ta mỉm cười, khoanh tay bước vào trong, không nói lời nào.
Các công chúa đang đùa nghịch, nhìn thấy ta thì lập tức ngoãn ngoãn ngồi thật ngay ngắn.
Xem ra những lời đồn trong kinh thành cũng không phải không có tác dụng, ít nhất thì đám trẻ này cũng không dám ương bướng với một người vừa bắt được hổ như ta.
Lý thái phó có vẻ như có chuyện vui nên tinh thần rất phấn chấn, giảng bài cũng thú vị hơn trước kia khiến người ngồi bên dưới đều lắng nghe rất nghiêm túc.
Đến khi tan học, Lý Thái phó giữ ta lại, nói có chuyện cần thương lượng.
Nàng ta rót cho ta một ly trà, ngại ngùng lên tiếng: “Có thể phiền Nghi An dạy thay ta mấy buổi được không?”
“Nếu thái phó không chê chút tài mọn của Nghi An thì tất nhiên là được.”
Lý Thái phó nở nụ cười dịu dàng, giọng nói mang theo vài phần xấu hổ: “Mấy hôm nữa ta sẽ thành thân.”
Ta nghe xong thì hơi kinh ngạc.
Thần tiên không vướng bụi trần như Lý Thái phó giờ đây lại ngồi nói với ta những chuyện phàm nhân, ít nhiều gì cũng khiến ta không quen cho lắm.
Lý Thái phó đưa mắt nhìn hoa viên trăm hoa đua nở, trong mắt tràn đầy nét dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng vang lên: “Cô đừng thấy dáng vẻ ốm yếu bây giờ của huynh ấy mà hiểu lầm, huynh ấy trước đây cũng từng cưỡi ngựa qua cầu mà khiến bao nữ tử phải say đắm đấy.
Ta đã đợi huynh ấy mười năm, nhớ nhung suốt mười năm.
May mắn là, ta cuối cùng cũng đợi được.
Có thể cùng huynh ấy trải qua quãng đời còn lại là mong ước lớn nhất đời này của ta.”
Trong lòng ta cảm khái không thôi.
Thế gian này có những người bên nhau đến bạc đầu vẫn chỉ là người dưng, có người chỉ vô tình gặp gỡ một lần đã coi nhau như tri kỷ.
Thiên hạ rộng lớn, có thể gặp được người mà mình muốn gặp, đã là chuyện rất may mắn rồi.
…
Ngày đại hôn của Lý Thái phó và Văn Diệu tiên sinh, văn võ bá quan đều đến để chúc mừng, những người không đến được cũng đều gửi quà để bày tỏ thành ý.
Người đời đều cảm động trước mối lương duyên cuối cùng cũng khổ tận cam lai của hai người họ.
Ngày rước dâu, người dân chen chúc nhau đứng chật cả hai bên đường, những lời chúc phúc vang lên không ngớt.
Mười dặm hồng trang, vạn người chúc phúc.
Một khung cảnh náo nhiệt trước giờ chưa từng thấy.
Mối lương duyên này của hai người họ sẽ lưu lại một nét bút giữa những trang sử vàng son, để người đời sau vẫn còn nhắc mãi.
Hoàng thượng vì muốn chúc mừng cho ngày vui này còn đặc biệt cho miễn triều mấy ngày.
Quốc Tử Giám và Nội Học Đường cũng vì vậy mà được nghỉ ngơi..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...