Trâm Iii: Tình Lang Hờ

Chân tướng đã lộ, song mọi người vẫn im phăng phắc.
Chu Tường là quận thú, đành hắng giọng lên tiếng: “Công Tôn Diên tuy đã giết Tề phán quan, nhưng... Tề phán quan tay vấy máu ba người, thậm chí để đổ vạ cho kẻ khác, dám xuống tay giết cả người đã đổ tú tài* như Ôn Dương, thật không thể tha thứ được.”
(* Thời xưa người thi đỗ tú tài trở lên đã coi như là có công danh địa vị, Nên Vũ Tuyên đỗ cử nhân bèn được quận Thục cấp nhà.)
Ông ta đang mừng thầm vì con gái chưa gả cho hạng lang sói này, nên có phần đồng tình với Công Tôn Diên.
Vương Uẩn biết Công Tôn Diên là chị em với Vương hoàng hậu, cũng cười nói: “Công Tôn đại nương cũng coi như báo thù cho tiểu muội, nhiệt tình hào sảng như thế, quả có mấy phần phong thái của hiệp khách ngày xưa.”
Thấy hai người nói đỡ cho họ Công Tôn, Phạm Ứng Tích giận dữ: “Từ xưa tới nay, đúng là giết người phải đền mạng, nhưng muốn đền mạng cũng phải do quan phủ đứng ra, nếu kẻ nào âm thầm giết người báo thù riêng thì luật pháp để làm gì, quan uy có còn nữa hay không?”
Thấy họ Phạm ăn nói hùng hồn đanh thép, câu nào cũng nhắc đến luật pháp, đến triều đình, mọi người ở đó cứng họng, đành nghe ông ta khảng khái nói tiếp: “Huống hồ Tề Đằng là phán quan trong phủ ta, bị bỏ mạng ngay trước mặt bấy nhiêu người, há chẳng phải là không coi quân Tây Xuyên vào đâu ư?”
Dẫu biết Phạm Ứng Tích giận dữ như vậy, quá nửa là vì Công Tôn Diên đã lau lưỡi kiếm vào áo Phạm Nguyên Long, giá họa cho hắn, nhưng vừa nhắc đến quân Tây Xuyên, mọi người đều nín lặng.
Lý Thư Bạch chỉ làm thinh không nói, cúi xuống ngắm ly trà trong tay.
Thấy tất cả im phăng phắc đợi mình định đoạt, Lý Thư Bạch mới đặt ly trà xuống bàn, hờ hững nói: “Theo lời Phạm tiết độ, vụ này quả là liên can rất rộng, phải đợi nha môn phủ Thành Đô sơ thẩm xong mới định đoạt được. Bản vương tuy kiêm Đại Lý Tự khanh, san sẻ ưu tư cho thánh thượng, song không thông thạo các sự vụ ở địa phương, không tiện nhúng tay vào.”
Thấy y nói kín kẽ như thế, mọi người đành cúi đầu khen phải.
Công Tôn Diên và Ân Lộ Y tạm thời bị dẫn vào nhà lao giam lại. Chu Tử Tần chu đáo dặn người chọn cho họ một phòng giam sạch sẽ, lại sai cất tất cả vật chứng vào kho niêm phong.
“Hôm nay Sùng Cổ suy luận phá án thật chặt chẽ sắc sảo. Nhanh như vậy đã phán được vụ kỳ án này, đủ thấy tài trí thần diệu phi thường.” Đêm đã khuya song Lý Thư Bạch vẫn ngồi yên chưa đứng dậy, lặng lẽ quay sang hỏi Hoàng Tử Hà, “Không biết tiếp theo còn tiết mục gì hay không?”
Chu Tường nhăn mặt. Sắp đến canh ba, đèn lồng đã phải thay nến một lượt, hai vụ án rối rắm phức tạp cũng đã phá xong, sao Quỳ vương vẫn chưa chịu đi nghỉ, còn muốn xem trò nữa?
“Việc này... xin gia đợi cho một lát, ty chức sẽ lập tức cho truyền ca kỹ tới ca hát giúp vui...”
Lý Thư Bạch giơ tay lên ngăn Chu Tường, đứng dậy nói: “Từ khi đến Thành Đô, bản vương đã quấy rầy Phạm tiết độ và Chu quận thú nhiều rồi. Hôm nay Chu quận thú chưa kịp chuẩn bị, chi bằng để bản vương thay các vị sắp xếp một màn, mời các vị rời gót tới thưởng thức.”
Mọi người hết sức ngạc nhiên, không ngờ Quỳ vương lại chuẩn bị một tiết mục, mời Chu quận thú và Phạm tiết độ xem. Nhưng khi đến nơi biểu diễn, mọi người còn kinh ngạc hơn, bởi địa điểm chính là khu nhà phía Tây, nơi ở của Chu Tử Tần.
Lý Thư Bạch dẫn mọi người thả bộ đến nhà Tây, ngoái lại quan sát những kẻ theo sau.
Phạm Ứng Tích nhìn quanh một lượt, đánh giá khu vườn nhỏ; Chu Tường lộ vẻ nghi hoặc; Mộc Thiện đại sư ủ rũ song vẫn gượng cười; Vương Uẩn kéo một nhánh dây leo mới nhú ngắm nghía; Vũ Tuyên trở về chốn cũ, trầm lặng mà bình thản.

Hoàng Tử Hà đi cuối cùng, thong thả bước vào vườn, nhìn những phiến lá sen sáng lên lờ mờ trong bóng tối. Các thị nữ giơ cao nến đỏ, thắp sáng chùm nến ngàn nhánh trong góc, chiếu sáng cả sảnh đường. Lý Thư Bạch ngồi xuống, ngước nhìn Chu Tử Tần, họ Chu vội gật đầu, tuy chưa hiểu rõ đầu đuôi, song vẫn thưa: “Đã chuẩn bị xong cả rồi.”
Chỉ thấy hai ngọn đèn treo lơ lửng ngoài hành lang trên hồ sen bị gỡ xuống, chùm nến ngàn nhánh cũng được dời ra hành lang, đằng trước đặt một bình phong lụa.
Theo lệnh Quỳ vương, mọi người lần lượt ngồi xuống ghế được đám người hầu bày ra, hướng về phía bình phong. Đang lúc ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì một nghệ nhân già ngồi xuống bên cạnh bình phong, tay cầm cái trống nhỏ gõ thùng thùng hai tiếng. Dưới ánh nến sáng choang, lão giở cuốn sách trong tay ra, bắt đầu cao giọng hát:
“Chuyện cũ Trường An luống ngổn ngang
Hôm nay rảnh rỗi kể rõ ràng
Có phường Hưng Đức thành Tây ấy
Án lạ khó lòng tỏ ngay gian.”
Vừa hát, ông ta vừa phô bày hình ảnh các phường ở Trường An lên tấm bình phong lụa trắng, rồi nháy mắt đã lật sang hoa đỏ liễu xanh, cầu nhỏ cửa con, một toán người ngựa lộp cộp phi qua cầu, đến trước một gian nhà.
Bấy giờ mọi người mới nhận ra đây là một nghệ nhân rối bóng, đang diễn vở cho họ xem.
Phạm Ứng Tích và Chu Tường không ngờ Quỳ vương lại thích món này, nửa đêm còn mời họ tới xem, bất giác phì cười, rồi chợt nghĩ bên trong biết đâu còn dụng ý khác, lại định thần chăm chú xem.
Cửa mở ra, đám sai nha xuống ngựa ùa vào. Lại chuyển sang cảnh trong nhà, bóng một người phụ nữ lủng lẳng trên xà ngang.
“Rằng phường Hưng Đức có nàng dâu
Nghỉ quẩn lo quanh tự tủi sầu
Tiếng lại lời qua thành cãi cọ
Ma xui quỷ khiến mạng còn đâu
Một dây treo cổ âu đành phận
Ngàn dặm âm tào dứt buồn đau
Ngỗ tác sai nha cùng nghiệm xác
Rành rành chứng cứ án quyết mau.”

Một viên quan mặc áo đỏ ung dung bước vào phòng ngồi xuống. Theo sau là một bé gái chừng mười một mượi hai tuổi, vận áo thêu hoa, búi tóc hai bên, đáng yêu hết sức.
Giọng ông lão đã già, lại nhại tiếng đứa trẻ, mà vẫn toát lên vẻ ngây thơ: “Cha, cha, chờ con với.”
Viên quan áo đỏ ngoái lại nhìn rồi phẩy tay áo: “Con bé này, đến đây làm gì? Cha là thị lang bộ Hình, phải đến nghe thẩm vấn rồi kết án!”
Xem đến đây, Vũ Tuyên chợt “à” lên khe khẽ.
Vương Uẩn liếc hắn, bấy giờ mới vỡ lẽ, gõ nhẹ vào trán: “Thì ra... là vụ án ấy.”
Nghệ nhân rối bóng lật sang trang, miệng lẩm nhẩm đọc lên. Cô bé trong tay cũng đi một vòng trên bình phong:
“Cha ơi,
Đọc sách thêu thùa con chẳng ham
Chỉ mong phá giải những hàm oan
Nhìn thông sinh tử cùng manh mối
Đen trắng âm dương nhận rõ ràng!”
“Haha con bé này ăn to nói lớn quá nhỉ!” Theo tiếng trống, vị quan phất phất tay áo liền ba lần, “Đi, đi, đi! Đi chơi với bọn trẻ con ngoài đường kia kìa! Đợi cha kết án xong, sẽ đưa con về nhà!”
Ông lão hết sức tài tình, chỉ chớp mắt đã thấy thêm mấy người kéo đến xem náo nhiệt, mỗi người một giọng khác nhau, xôn xao xúm lại.
Một thương nhân tay ôm cuốn lụa bô bô:
“Không ngại nói cho các vị hay,
Lúc xưa áo cưới cô nàng may,
Chẳng mua vải tiệm ta cho đúng,
Màu áo không tươi, rõ chẳng may!”

Chủ tiệm trang sức cầm một chuỗi nữ trang hỏi khổ chủ:
“Này huynh đệ,
Chiều qua vợ cậu ghé đằng ta
Trâm bạc cô nàng chọn một đôi
Chưa kịp lấy thì đà tự vẫn
Cậu còn muốn lấy nữa hay thôi?”
Thầy bói tay cầm lá phướn vuốt chòm râu dê nhận xét:
“Thiên cơ không thể tiết lộ a!
Năm nay nhà ấy lão tính ra,
Đủ cả việc mừng lẫn tang ma,
Không biết mà tìm đến lão sớm,
Quả nhiên họa lớn ập vào nhà...”
Bấy giờ, ngay cả đám người Chu Tử Tần cũng nhận ra, lão nghệ nhân đang diễn vở rối bóng về vụ án đầu tiên Hoàng Tử Hà phá được năm mười hai tuổi.
Quả nhiên, đợi đám người xốn xáo lui xuống, viên quan áo đỏ cầm bút nói: “Xem ra vụ này đã kết thúc, hẳn là tự vẫn không còn nghi ngờ gì nữa!”
Chưa nói dứt câu, cô bé áo hoa lại chạy ra gọi: “Cha, từ từ đã!”
Viên quan khựng lại, quay sang nhìn con: “Con gái ngoan đói rồi ư?”
“Thưa, chưa.”
“Hay là khát nước?”
“Cũng không ạ.”
“Muốn về nhà à?”
“Không ạ.”
“Bực quá đi mất, mau ra ngoài chơi cho khuất, đừng ở đây vướng cha kết án theo luật!”

“Cha à, cô nương ấy không phải tự tử, mà bị người ta giết rồi ngụy trang thành tự tử đó!”
Viên quan run bắn lên: “Con gái! Tuổi mới chừng ấy, sao dám nói bậy? Vụ này điều tra vòng vèo phức tạp, đứa bé như con, há lại biết rõ sự thật?”
“Cha ơi, cha ơi, chẳng lẽ cha chưa nghe người kia khai?” Cô bé trỏ sang bên cạnh, lập tức tay chủ tiệm trang sức ló ra, “Cha ơi, có lần chuyện vãn với đồng liêu ở nhà ta, cha từng nói người khi sắp chết, lòng lạnh như tro tàn. Vậy cha có thấy kẻ nào lòng đã như tro tàn mà trước khi tự vẫn còn đến tiệm trang sức đặt đánh trâm bạc hay không? Huống hồ chỉ mới chọn kiểu, chưa lấy về nữa chứ.”
“Ối chà!” Viên quan áo đỏ giật bắn mình đầy khoa trương, lão nghệ nhân cũng cất cao giọng hát:
“Một lời kịp nhắc nhở cha mình
Sáng suốt giải ngay mối oan tình
Đất Bắc trời Nam cùng nức tiếng
Tử Hà nhà họ Hoàng thông minh.”
Lão nghệ nhân xoay tay, thoắt cái bé gái đã trở thành thiếu nữ, băng qua trăm sông nghìn núi, đến phủ Thành Đô đầy phù dung và thục quỳ nở rộ.
Câu chuyện khép lại trong lớp hoa tươi. Ông lão đặt con rối bóng trong tay xuống, đứng lên chắp tay hành lễ với mọi người: “Các vị, vở rối bóng này mấy năm trước khá phổ biến ở Trường An, nay vì rất nhiều nguyên do, đã thôi không diễn nữa. Được Chu bổ đầu mời tới, lão phải đọc vội vở rồi diễn lại, nếu có chỗ nào chưa toàn vẹn, xin các vị bỏ qua cho!”
“Đâu có, lão diễn hay lắm!” Chu Tường cười khen.
Ngọn nến chùm ngàn nhánh lại được khiêng vào phòng, giữa căn phòng sáng trưng, Lý Thư Bạch ngoái đầu lạnh lùng quan sát nét mặt mọi người. Vở rối được đích thân Quỳ vương chọn, ai dám bảo không hay, duy có Vũ Tuyên ngồi bất động trên ghế, thẫn thờ nhìn ra hành lang, giờ đã chẳng còn bình phong lụa, chỉ có bóng tối sâu hút mênh mang, khiến người ta sởn tóc gáy.
Mặt hắn tái đến dị thường, thậm chí còn lờ mờ tím đen, rất đáng sợ, khiến khuôn mặt tuấn tú trở nên cứng đờ, vô hồn như tượng tạc.
Mọi người đều nhận ra hắn có vẻ khang khác. Mộc Thiện đại sư ngồi gần nhất đứng dậy vỗ vai hắn gọi khẽ: “Vũ thí chủ, kịch hạ màn rồi, sao chưa tỉnh lại?”
Vũ Tuyên ngơ ngác từ từ ngẩng lên, đang định nhìn Mộc Thiện đại sư thì nghe thấy Hoàng Tử Hà ngắt lời: “Đại sư, kịch còn chưa hết, sao đại sư không ngồi yên xem? Lại cản trở tiết mục vương gia đang muốn thưởng thức?”
Mộc Thiện đại sư giật thót, nhận ra dụng ý của mình đã bị cô phát hiện, bèn lẩm bẩm niệm Phật rồi lui ra.
Lý Thư Bạch gật đầu ra hiệu cho Hoàng Tử Hà.
Cô nhìn Vũ Tuyên ngồi dưới ngọn đèn sáng rực, ánh đèn vàng ấm áp như vàng lỏng chảy tràn trên gương mặt tuấn tú tái nhợt, đẹp đẽ đến quái dị.
Cùng lúc ấy, cơn đau không sao tả xiết cũng ập tới, khiến cô gần như nghẹt thở. Nỗi đau đớn pha lẫn kinh sợ, hoang mang, oán hận và thất vọng, thiêu đốt lồng ngực, tưởng chừng cô không còn sức mà lên tiếng nữa.
Nhưng cuối cùng cô vẫn lên tiếng, dùng hết sức lực, mở miệng cất lời.
Thật lạ, sau khi lên tiếng, dường như có một dòng sông ngân cuồn cuộn từ trong tim cô tuôn ra, lạnh lẽo chảy qua cổ họng, cơn đau thiêu đốt lồng ngực cũng tan biết, thay vào đó là cảm giác phấn khởi lạ thường, một nguồn năng lượng như mầm non giấu mình trong đất suốt cả mùa đông đằng đẵng cuối cùng cũng nhú lên, khiến cô bất chấp tất cả, thẳng thắn nhìn vào sự thật đãm máu phơi bày trước mặt, giống như nhìn thẳng vào vầng mặt trời chính ngọ, chẳng quản mù mắt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui