Trâm 2: Kẻ Yểu Mệnh

Có lúc Hoàng Tử Hà phục Lý Thư Bạch sát đất.

Chuyện khác không bàn, chỉ riêng chuyện một người có thể quản tất cả mọi việc, lo lắng cho khắp các nha môn, giao thiệp với hết thảy sứ giả ngoại bang, chẳng phải là kỳ tích rồi ư.

Cô vừa cảm khái vừa khoanh chân trong bộ Hộ cắn hạt dưa, tay cầm hồ sơ lấy từ Đại Lý Tự, ngẫm nghĩ về vụ án, tiện thể phụ Lý Thư Bạch xử lý các loại án kiện.

“Vương tri sự, trong chú giải về luật lệ hôm trước ông soạn ra, trang ba mươi bảy có một chỗ sai ngày tháng, trang mười sáu và trang năm mươi tư bị sai tên người, ông đối chiếu lại lần nữa đi. Từ tri sự, ông đem ghi chép về quá trình thăng chức của Tưởng Vĩ Húc lại đây cho ta, ở trên giá thứ mười hai gian thứ tư dãy đầu tiên của khu lưu trữ ấy, buổi chầu sớm mai hoàng thượng muốn đề bạt ông ta, đến lúc đó nhớ trình lên hoàng thượng ngự lãm. Trương tri sự, mai ông báo cho Trình thị lang phải bác việc điều Sử Thừa Diệu đến Vân Châu làm thứ sử, vì chú ruột ông ta năm xưa từng phạm tội ở Vân Châu, theo lệ cần phải kiêng kỵ, Lương Đình Phương ba năm trước nhậm chức thứ sử Diễn Châu, giờ sắp mãn tang, có thể thay thế…”

Nghe y căn dặn người dưới, Hoàng Tử Hà không cắn nổi hạt dưa nữa, cứ miết mãi một hạt trong tay thầm nhủ, với trí nhớ thế này, có phải y còn nhớ cả số lá trên tán cây trước song cửa sổ từ một buổi sáng mười năm trước hay không?

Chẳng bao lâu sau, Lý Thư Bạch đã giải quyết xong công việc ở bộ Hộ, bèn dắt cô đến bộ Công. Y sắp đi Thục, mà hiện giờ các nha môn đều chồng chất cả đống công việc đợi y xử lý, không xong chỉ e khó rời khỏi kinh thành.

Người ở bộ Công vừa nhác thấy Lý Thư Bạch đã mừng như bắt được vàng, đừng nói là thượng thư bộ Công Lý Dụng Hòa bình thường chỉ làm việc nửa ngày cũng cố ngồi chờ Quỳ vương đến tối, ngay tên đắt ngựa cũng mừng ra mặt.

Thoạt trông thấy cả đống sổ sách, bên trên toàn chữ đỏ*, Hoàng Tử Hà hiểu ngay nỗi khổ của họ - gặp phải một vị hoàng đế thích xây hành cung như đương kim hoàng thượng, quả là bất hạnh lớn cho bộ Công.

* Ý nói là bội chi

Mỗi lần kê khai một khoản, Lý Dụng Hòa lại khổ sở phân trần: “Năm ngoái Đồng Xương công chúa hạ giá, riêng tiền xây phủ công chúa đã dốc cạn cả quốc khố. Đầu năm nay lại xây cung Kiến Bật, đến giờ đình đài lầu gác vẫn còn chưa xong hết, thực chẳng biết lấy tiền đâu để hoàn thiện. Mà bây giờ bộ ty chức lâm vào tình thế không thể không bỏ tiền ra, hôm trước mưa lớn, mấy phường phía Nam thành nằm ở khu vực trũng thấp đã ngập nặng, cống thoát nước không thoát được, chỗ ngập nặng nhất sâu hơn trượng! Vương gia cũng biết mà, đắp cống nổi còn đỡ, đào cống ngầm chi phí thế nào khó đo đếm, đám thợ đó đào lộn tùng bậy dưới đất một chập, người coi quản chỉ đứng trên quan sát, nhìn bên ngoài ngon nghẻ là kết toán, thực ra bên dưới thế nào ai biết? Cống rãnh mấy tháng trước vừa thông, giờ đã tắc nghẽn, hôm qua Lục tri sự dưới quyền ty chức còn bị ngã xuống nước chết đuối! Giờ trong thành đang bàn tán xôn xao, nói rằng bộ Công tự làm tự chịu, đúng là ép cả bộ này vào đường cùng mà!”

Lý Thư Bạch chau mày đón lấy đống sổ sách, im lặng ngồi xuống lật xem.

Người bộ Công ai nấy tất bật bưng trà rót nước cho y như hầu hạ cứu tinh, khiến tiểu hoạn quan thật sự là Hoàng Tử Hà thành ra rảnh rỗi, bèn rút cây trâm trên đầu xuống vạch vẽ lại tình tiết vụ ở chùa Tiến Phúc, đồng thời suy đoán tình hình lúc ấy.

Khi cây nến bị sét đánh nổ tung, nghi phạm thứ nhất là Lữ Chí Nguyên đang ở nhà, có thầy thuốc và nhiều láng giềng làm chứng, về cơ bản có thể coi là có chứng cứ ngoại phạm. Trừ phi tìm ra thủ đoạn giết hại Ngụy Hỷ Mẫn từ xa của lão ta.

Nghi phạm thứ hai là Trương Hàng Anh. Khi Ngụy Hỷ Mẫn bén lửa cũng là lúc Trương Hàng Anh lại gần cây nến nhặt mũ cho Tích Thúy. Có khi nào vì báo thù cho Tích Thúy mà Trương Hàng Anh đã đẩy đổ cây nến, thiêu chết Ngụy Hỷ Mẫn hay không?

Nghi phạm thứ ba, Lữ Tích Thúy. Ngụy Hỷ Mẫn đứng gần cây nến, tất không xa Tích Thúy. Nhà cô ta có nghề làm nến nhiều năm, có lẽ có cách nào đó làm cho cây nến bên cạnh phát nổ trong nháy mắt?

Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ, rồi vạch ra khả năng thứ tư là Trương Hàng Anh và Lữ Tích Thúy liên kết với nhau giết Ngụy Hỷ Mẫn tại chùa Tiến Phúc.

Chần chừ giây lát, cô bổ sung thêm khả năng thứ năm, Lữ Chí Nguyên và Lữ Tích Thúy phối hợp với nhau diễn kịch lừa người, giết chết Ngụy Hỷ Mẫn.

Nhưng rồi nhìn lại khả năng vừa viết, cô thở dài, chậm rãi xóa đi.

Thành ra các khả năng hiện giờ, mới có bốn.

Cô lại rút tư liệu điều tra của Đại Lý Tự mà Lý Thư Bạch đưa, đối chiếu lần lượt từng người trong danh sách.

Đây là bản liệt kê tất cả những kẻ liên quan có mặt hoặc không có mặt vào hôm phò mã bị thương, bao gồm cả đám nài ngựa ở Tả Kim Ngô Vệ và những người phụ trách coi sóc sân kích cúc, theo yêu cầu của Hoàng Tử Hà, trong hồ sơ còn kê khai rõ việc những người này đã từng tiếp xúc với phò mã hay chưa.

Song đọc những dòng “chưa từng gặp phò mã”, “từng gặp ở nha môn một lần”, “từng cho ngựa của phò mã ăn cỏ”, Hoàng Tử Hà chỉ biết chống trán thở dài, thấy đầu đã phình to bằng cái đấu.

“Sao thế? Xem bộ còn rầu rĩ hơn cả ta?”

Sau lưng vang lên một giọng lạnh lẽo ơ hờ, hẳn là Lý Thư Bạch.

Cô ngán ngẩm đáp: “Nếu nô tài được như gia, nắm rõ tất cả người trong kinh như lòng bàn tay có phải tốt không.”

“Ta đâu nắm rõ được. Kinh thành cả trăm vạn người, dù lang thang suốt ngày trên phố, ta cũng không gặp hết chừng ấy. Huống hồ chẳng ai thật sự hiểu được người khác đâu, dẫu sớm chiều bên nhau, cũng không thể.”

Đoạn y cầm lấy tập giấy từ tay cô, lật xem.

Lý Thư Bạch đọc rất nhanh, một lần đọc lướt cả mười hàng, rồi trả lại, trỏ một cái tên trên giấy: “Người có thể tra kỹ kẻ này.”

Hoàng Tử Hà cúi đầu nhìn, là một nam nhân tên Tiền Quan Sách, bốn mươi hai tuổi, ông chủ tiệm ngựa Tiền Ký, con ngựa đen bị long móng từ đây mà ra.

Khi bị Đại Lý Tự hỏi, hắn đã trả lời thế này:

Con ngựa này đến từ Trương Dịch, tháng Tư năm ngoái mua ở chợ ngựa Hoắc gia về. Tháng Sáu đến kinh thành, chăm sóc hai tháng, đầu tháng Chín đưa tới Tả Kim Ngô Vệ. Vì béo tốt khỏe khoắn, lại được huấn luyện kỹ càng nên từng được Vương đô úy khen ngợi. Còn việc long móng là do móng ngựa có vấn đề, không liên quan gì đến bầy ngựa hắn đưa đến.


Lại hỏi hắn có qua lại gì với phò mã không, hắn quả quyết phủ nhận, nói rằng mình chưa được hân hạnh gặp mặt phò mã.

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên hỏi: “Ý vương gia là, việc phò mã gặp tai nạn có liên quan đến lai lịch con ngựa kia ư?”

“Không, ý ta chỉ là…” Y trỏ vào câu sau, “Ông chủ Tiền thực ra đã gặp phò mã một lần.”

Hoàng Tử Hà vội hỏi: “Sao gia biết?”

“Khi bầy ngựa đó được đưa đến, Vương Uẩn có mời ta cùng người của bộ Binh tới thử. Bấy giờ phò mã Vi Bảo Hoành cũng có mặt. Ta đang thử ngựa thì nghe Vi Bảo Hoành phàn nàn rằng người ở biên tái phát âm không chuẩn, ngựa từ đó đưa đến cũng phải nửa năm một năm mới nghe quen khẩu lệnh kinh thành. Người xung quanh nghe vậy đều cười ồ lên, chỉ duy gã đàn ông béo lùn dẫn theo mấy tay dạy ngựa là có vẻ trầm tư. Không lâu sau ta nghe trong kinh đồn rằng, các thầy dạy ngựa ở tiệm xe ngựa Tiền Ký đang tập nói tiếng quan thoại, khổ không kể xiết, có mấy kẻ còn đứng giữa đường chửi ông chủ Tiền là tên lùn chết tiệt, nên ta nghĩ, Tiền Quan Sách ắt là người hôm đó.”

Hoàng Tử Hà gật đầu: “Theo ghi chép của Đại Lý Tự thì những người khác ngay việc cho ngựa của phò mã ăn cũng phải kê khai, vậy mà ông ta lại giấu giếm chuyện này, hẳn là có nguyên do khác.”

Thấy cô đã chú ý hơn, Lý Thư Bạch cũng chẳng nói thêm, quay lại ra hiệu cho người ở bộ Công dọn đống sổ sách đi: “Ta tạm thời giảm bớt mấy khoản chi, gom được hơn hai vạn năm ngàn lạng bạc, cũng đủ tu sửa lại toàn bộ đường thoát nước trong thành Trường An đấy.”

Thượng thư Lý Dụng Hòa cười gượng: “Đa tạ Vương gia, nhưng… năm nay ắt nhiều mưa, ty chức sợ lần này bỏ tiền khơi thông cống rãnh xong, mấy bữa nữa lại có mưa lớn, rồi chỗ nào đó lại tắc nghẽn, đến lúc đó vương gia xoay giúp chúng ty chức một khoản nữa được không?”

“Sửa một lần là được rồi, bản vương bảo đảm năm nay Trường An sẽ không tắc nữa đâu.” Đoạn y quay lại ra ý bảo Hoàng Tử Hà theo mình về phủ, “Sáng mai ngươi tập trung thợ thuyền và đốc công lại đây, bản vương sẽ ban bố điều lệnh mới, để chúng khỏi chậm trễ dối trá, bòn rút vật liệu nữa.”

Hoàng Tử Hà theo Lý Thư Bạch về phủ.

Xe ngựa chạy đường êm ru. Lý Thư Bạch thuận miệng hỏi: “Vừa nãy không tiện hỏi han, hôm nay Vương hoàng hậu có làm khó gì ngươi không?”

Hoàng Tử Hà nhăn mặt đáp: “Dĩ nhiên là có. Nương nương bắt một tiểu hoạn quan như tôi giúp bà ấy quay lại gác Bồng Lai cung Đại Minh.”

Y tỏ vẽ hờ hững: “Bà ta thông qua ngươi chuyển lời đến ta đấy thôi, ngươi không cần để tâm.”

“Vâng… ngoài ra cũng không có gì nữa cả.”

“Cho truyền gọi ngươi đến, chỉ để chuyển lời thế thôi ư?”

Hoàng Tử Hà gật đầu.

Lý Thư Bạch nhíu mày. Nhưng y không nói ra, cô cũng không thể hỏi, chỉ vô thức nhìn lướt qua song. Các phường trong thành Trường An lần lượt trôi qua cửa, có phường tường bao rất cao, có phường tường lại rất thấp, chỗ thấp nhất chưa đến nửa người.

Bởi thế, khi ngang qua phường Đại Ninh, cô thoáng nhác thấy hai người.

Nử tử nọ đứng phía trong tường bao chỉ cao ngang lưng phường Đại Ninh, gương mặt nhìn nghiêng lờ mờ dưới bóng tối nhập nhoạng, song cô vừa nhác thấy đã đứng bật dậy, chẳng kịp gọi A Viễn dừng xe đã nhảy ngay xuống.

May mà đang đi trên phố nên xe ngựa chạy từ từ. Cô lại rất nhanh nhẹn, nhảy xuống xong chỉ hơi loạng choạng đã đứng vững được ngay.

Lý Thư Bạch nhìn từ cửa sổ ra, thấy cô đứng vững, bèn ra hiệu cho Cảnh Dục nãy giờ vẫn đi theo cạnh xe.

Xe ngựa ngoặt vào góc đường rồi từ từ dừng lại, đợi Hoàng Tử Hà.

Hoàng Tử Hà khom người áp sát vào tường, rón rén lại gần hai người kia, nín lặng nghe ngóng.

Nam nhân nọ quay lưng về phía tường, giọng nói ôn hòa thuần hậu: “Tích Thúy cô nương chẳng buồn che mặt, một mình chạy đến đây, định làm gì vậy?”

Người con gái khiến Hoàng Tử Hà chỉ thoáng nhác thấy trong bóng xế nhập nhoạng đã phải nhảy ngay xuống xe, chính là Tích Thúy.

Còn kẻ đối diện nàng có giọng nói rất quen, nhưng hiện giờ Hoàng Tử Hà không có thời gian suy đoán, chỉ nín thở nghe ngóng.

Tích Thúy luống cuống đứng đó, giọng toát lên vẻ căng thẳng cực độ: “Tìm… tìm tôi làm gì?”

Người nọ im lặng nhìn nàng, hồi lâu mới mở miệng, song chẳng trả lời mà chỉ hỏi: “Cô định giết Tôn ghẻ chứ gì? Cô không đội mũ có mạng che bởi không định về nữa phải không?”

Tích Thúy bất động, đờ ra trước mặt y, không nói một lời.

“Kẻ vừa rời khỏi – Trương Hàng Anh, đến đây cũng vì mục đích giống cô, đúng không?” Nói đến đây, y bật cười khẽ: “Tôn ghẻ dưới đất cũng nên lấy làm vinh hạnh vì trong một ngày có bấy nhiêu người cùng kéo tới đây để giết hắn, hắn tự dưng lại thành món đồ người ta phải tranh giành, đúng là nực cười.”


Trời tối hẳn, gương mặt và bóng dáng Tích Thúy đã tan nhòa vào màn đêm. Trống đóng cổng thành đang điểm từng tiếng như giục giã, sắp đến giờ giới nghiêm.

Tích Thúy giơ tay nắm lấy vạt áo trước ngực, run rẩy đáp: “Tôi… tôi không hiểu ngài nói gì cả… Tôi phải đi đây.”

“Cô sợ gì chứ? Người cô căm hận nhất đã chết trong nhà lao kín bưng như ý cô, chẳng lẽ cô còn không vui?”

Tích Thúy không nói gì thêm, quay ngoắt người đi thẳng ra cổng phường gần đó.

“Đợi đã…” Người kia gọi với theo, giọng nhẹ nhàng, chỉ mấy bước đã đuổi kịp.

Tích Thúy kinh hãi ngoảnh đầu, bất giác lùi lại một bước.

Song người kia lại ngồi thụp xuống trước mặt, giơ tay phủi vết bụi đất trên quần cho nàng: “Cô không để ý gì cả. Đừng để bẩn quần vẫn hơn.”

Tích Thúy vô thức kéo vạt quần lùi lại, hốt hoảng: “Tôi… tôi tự lo được mà.”

Hình như nàng rất sợ người nọ, lùi lại mấy bước rồi quay phắt người chạy thẳng qua cổng phường.

Nam nhân kia đứng lên nhìn theo bóng nàng tan vào màn đêm, lặng thinh hồi lâu mới lên tiếng, như tự nói với mình: “Người chết cũng chết rồi, tìm đâu được kẻ tương tự, chẳng phải thế ư?”

Hoàng Tử Hà ngồi dưới chân tường, nghe thấy tiếng bước chân y chầm chậm đi về hướng khác. Cô đương ngồi thừ ra đấy thì nghe sau lưng có tiếng hỏi: “Chưa đi à?”

Nhận ra giọng Lý Thư Bạch, Hoàng Tử Hà quay lại thì thấy đường đường Quỳ Vương cũng ngồi lê dưới góc tường nghe lén như mình, không khỏi giật nảy mình, lắp bắp: “Vương… vương gia!”

Y không đáp mà lẳng lặng đi thẳng về phía cỗ xe ngựa đậu trong hẻm.

Hoàng Tử Hà theo sau hỏi nhỏ: “Vương gia nhận ra người kia không?”

“Lẽ nào ngươi không nhận ra?” Y vặn lại

Hoàng Tử Hà gật đầu, một lúc lâu sau mới nói: “Công chúa… đẹp hơn Tích Thúy nhiều.”

Lý Thư Bạch mĩm cười, không muốn nói tới chuyện đó, bèn đổi chủ đề: “Theo lời họ nói thì có vẻ Tôn ghẻ đã chết rồi.”

“Vâng, nô tài sẽ đi nghe ngóng ngay.” Dứt lời, Hoàng Tử Hà định chạy về Đại Lý Tự hỏi thăm.

Nào ngờ Lý Thư Bạch gọi giật cô lại: “Dương Sùng Cổ.”

Cô ngạc nhiên ngoái đầu nhìn y.

“Vội gì chứ?” Lý Thư Bạch nhíu mày, “Việc lớn bằng trời cũng ăn cơm đã rồi nói. Huống hồ, có kẻ sắp đến bây giờ đấy.”

Hoàng Tử Hà cũng thấy cả ngày chạy qua chạy lại vừa mệt vừa đói, đành nín lặng theo y lên xe.

Về đến phủ Quỳ Vương, trời đã tối đen.

Lý Thư Bạch vừa bước xuống, Cảnh Hữu đã chạy ra đón.

Lý Thư Bạch vừa đi thẳng vào trong, vừa căn dặn: “Chuẩn bị cho ta hai cái khóa sắt thật to, càng to càng đáng sợ càng tốt.”

Cảnh Hữu vâng dạ rồi lui xuống chuẩn bị, cũng không hỏi dùng để làm gì.

Hoàng Tử Hà thoáng nghĩ đã hiểu ra cách làm của y, không khỏi chặc lưỡi: “Vương gia, thế này có ác quá không…”

“Lúc chúng lười biếng trộm cắp, có nghĩ mình ác quá không?” Lý Thư Bạch liếc cô, “Chừng nào cống rãnh tắc nghẽn làm người ta chết đuối, chúng mới hiểu được đây là việc lớn chết người, không phải cứ cầm tiền rồi làm qua quýt cho xong được.”


Hoàng Tử Hà gật đầu thầm nghĩ, vị vương gia ghê gớm này đã để mắt, e rằng từ mai việc coi quản đường thoát nước trong kinh thành đang từ miếng thịt béo sẽ trở thành khúc xương khó nhằn.

Định cáo lui thì Lý Thư Bạch quay lại liếc một cái sắc lẻm, cô đành ngoan ngoãn theo y đi tiếp – tuy ông chủ này khó hầu hạ, song cùng ăn cơm thì cô rất sẵn lòng, dù sao giờ cô cũng đói meo rồi.

Tiếc rằng bữa cơm này cũng không được yên ổn mà ăn, cô mới và được mấy miếng thì thấy Cảnh Hữu chạy vào. Quả nhiên, tay y đang cầm hai ổ khóa to tướng, đen sì, nặng trịch, nhìn mà phát khiếp.

Y dâng khóa lên cho Lý Thư Bạch xem qua, rồi quay sang bảo Hoàng Tử Hà: “Sùng Cổ, tiểu công tử nhà Chu thị lang đến tìm cậu, đang đợi ở cổng đấy.”

“Chu Tử Tần ư?” Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch nhìn nhau, đều thấy trong mắt người kia một câu: quả nhiên đến rồi.

Y vẫy tay: “Bảo Tử Tần vào đây đi, xem có chuyện gì.”

“Đương nhiên là có chuyện lớn rồi!”

Chu Tử Tần mặc áo dài màu hồng phấn, thắt lưng xanh biếc, đầu đội mũ màu vàng mỡ gà, phối màu thật rực rỡ chói mắt.

Gã vốn hay khoe mẽ, lần này lại càng khoa trương tợn, thái độ trống giong cờ mở thế này, có thể miêu tả bằng một câu: chỉ sợ thiên hạ không loạn.

“Vương gia, Sùng Cổ! Chiều nay tôi đã ở Đại Lý Tự xem xét lời khai của những người có liên quan tới vụ tai nạn của phò mã, công công xem qua chưa?”

Hoàng Tử Hà gật đầu: “Đại Lý Tự cũng sao lại một bản cho tôi.”

“Ừm, còn ta ngồi xem trong Đại Lý Tự. Đến hoàng hôn, công công biết đấy, người của Đại Lý Tự ai nấy đều kỳ quái, phòng ốc u ám, nên ta xem hai lượt chẳng tìm được gì có ích, đang định ra về. Đúng lúc ấy thì, công công thử đoán xem, ta nghe bên ngoài nhốn nháo cả lên, nói là có người chết!”

“Ai chết?” Giữa hàng tràng lời thừa thãi ba hoa của gã, Hoàng Tử Hà vẫn móc ra câu nói có nghĩa duy nhất, liền hỏi.

“Đúng là không sao ngờ được, đúng là trời long đất lở, đúng là khiến ta trợn mắt há miệng, không dám tin vào tai mình mà.”

Lý Thư Bạch nghe mãi cũng hết cả kiên nhẫn, nhíu mày nạt: “Kể vắn tắt!”

“Tôn ghẻ chết rồi!” Chu Tử Tần tức thì thay đổi phong cách.

Quả nhiên Tôn ghẻ, tên súc sinh nhân lúc Tích Thúy hôn mê giở trò không bằng cầm thú, đã chết.

Hoàng Tử Hà nghiền ngẫm lời phò mã từng nói, lại hỏi: “Hung thủ là ai?”

“Nào biết! Manh mối hiện giờ… có thể nói là chưa có gì!” Nói đến đó, Chu Tử Tần mới nhận ra mình chạy một mạch đến đây đã khát khô cổ, vội chụp lấy ấm trà trên bàn tu ừng ực.

Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch bất lực nhìn nhau, đều cố nín nhịn, ngồi yên ở hai bên bàn đợi gã kể tiếp.

Chu Tử Tần tu hết ấm trà mới quẹt miệng nói: “Không ổn, chuyện này tôi không thể vắn tắt được, nhất định phải kể từ đầu.”

“Thì kể mau đi.” Hoàng Tử Hà cũng hết cách.

“Đầu đuôi câu chuyện là thế này, các vị đừng trách tôi huyên thuyên, chuyện này không kể kỹ không được, nếu không các vị làm sao hiểu được ai là ai. Chuyện là trong kinh có tiệm ngựa Tiền Ký, làm ăn lớn lắm, ông chủ tên Tiền Quan Sách, có lẽ các vị không biết đâu…”

Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch im lặng nhìn nhau, cuối cùng Hoàng Tử Hà lên tiếng, giọng điệu lạ lùng mà phức tạp: “Biết rồi, đã từng nghe tên.”

Chu Tử Tần vẫn không phát hiện ra, tiếp tục kể: “Các vị biết rồi thì tốt. Tiền Quan Sách là tay buôn ngựa nổi tiếng nhất Trường An, rất nhiều ngựa của quan phủ đều do hắn tìm giúp. Tôi cũng từng giáp mặt một lần, hắn vóc người béo lùn, lúc nào cũng tươi cười niềm nở, quả là hòa khí sinh tài. Từ năm ngoái, hắn mở rộng kinh doanh, lôi kéo một toán thợ mộc, thợ nề, thậm chí người của bộ Công phụ trách khơi thông cống rãnh cũng có dăm kẻ ăn lộc của hắn, giờ những việc như tu sửa phòng ốc, đào hồ đắp đê trong kinh đều phải tìm đến hắn. Ai dà, hắn còn hùng hồn nói, trong bốn việc ăn mặc đi ở thì nương tử ở nhà quản hai khoản đầu, còn hắn quản hai khoản sau, vậy chẳng phải…”

Hoàng Tử Hà nghe mãi cũng phát ngán, vội cắt lời: “Tử Tần, công tử kể từ vụ án mạng kia được không?”

“Thôi được.” Chu Tử Tần tiu nghỉu, “Chiều nay, lúc sắp hoàng hôn, Tiền Quan Sách cùng một tay thủ hạ làm cai thầu ngồi uống rượu ở chợ Tây, uống say hắn liền chửi bới tay cai thầu kia. Nguyên nhân là gì, người quanh đó đều nghe rõ mồn một, thì ra Tôn ghẻ vốn đã bị người trong phường chửi rủa, sau khi Ngụy Hỷ Mẫn bị sét đánh chết, hắn sợ mình cũng gặp báo ứng nên cả ngày nhốt mình trong nhà, không dám ra ngoài. Có điều nhà lụp xụp rách nát, hắn sợ có kẻ phá cửa xông vào hại mình, nên đi tìm tay cai thầu kia nhờ sửa nhà rồi ghi nợ. Chẳng hiểu sao tay cai thầu cũng gọi mấy người sửa sang lại cửa nẻo cho hắn, mất một buổi chiều. Tiền Quan Sách đang uống rượu, nghe được chuyện đó thì nổi trận lôi đình, mắng rằng tên khốn nạn người người chửi rủa như thế, lại nghèo đến nỗi sửa nhà cũng phải sửa chịu, tay cai thầu đúng là bị bùn lấp óc mới nhận lời. Hắn chửi bới một trận tàn tệ, rồi mượn hơi rượu lôi tay cai thầu đến nhà Tôn ghẻ, luôn miệng nói dù phải dỡ nhà họ Tôn, cũng quyết đòi bằng được khoản tiền kia.”

Hoàng Tử Hà rất vừa ý với đoạn trần thuật này, gật đầu hỏi: “Tiền Quan Sách tìm thấy Tôn ghẻ rồi đôi bên xung đột ư?”

“Không! Bấy giờ người trong quán rượu thấy có chuyện náo nhiệt, bèn rồng rắn theo hắn đến nhà Tôn ghẻ. Nghe nói cửa nẻo nhà đó được sửa lại chắc chắn lắm, cửa chính gia cố, cửa sổ cũng gia cố, dùng ván gỗ dày nửa tấc, đóng im ỉm, chẳng khác nào cái thùng sắt. Tiền Quan Sách vừa đạp cửa vừa réo tên Tôn ghẻ ra chửi, song bên trong vẫn im lìm. Có kẻ dúi cho hắn một cây rìu, Tiền Quan Sách sẵn hơi rượu bèn vung rìu chém vào cánh cửa, mọi người sợ hắn xách rìu xông vào chém cả Tôn ghẻ, bèn giật lấy rìu trả lại cho chủ, công công đoán xem là kẻ nào dúi rìu cho Tiền Quan Sách?”

Hoàng Tử Hà lắc đầu, Chu Tử Tần quay sang thấy Lý Thư Bạch cũng đoán không ra, bèn đắc ý kể: “Người này có mặt ở đó kể cũng lạ, mà cũng không lạ, chính là lão Lữ Chí Nguyên đó!”

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên: “Sao lão ta lại ở đó?”

“Người trong kinh sửa sang nhà cửa, chẳng phải thường gắn giá nến lên tường ư? Lữ Chí Nguyên vẫn hợp tác với tay cai thầu nhận gắn giá nến cho các nhà. Quán rượu mà Tiền Quan Sách ngồi ở chợ Tây ngay cạnh tiệm nhang đèn, nghe họ Tiền nói muốn tìm Tôn ghẻ đòi nợ, Lữ Chí Nguyên cũng gào lên bảo Tôn ghẻ đã hứa đền tiền cho mình mà chưa đưa đủ, giờ sao lại có tiền sửa sang nhà cửa. Lão đùng đùng xách cây rìu nhỏ vẫn dùng chặt sáp nến, đi theo Tiền Quan Sách đòi tiền.”

Hoàng Tử Hà đã chẳng còn lời nào để bình luận về lão già này nữa, chỉ hỏi: “Sau đó cả đám người ấy chặt Tôn ghẻ ra à?”

“Không! Tôn ghẻ chết rồi!” Chu Tử Tần kích động đấm xuống mặt bàn, mạnh đến nỗi làm nảy cả ấm trà lên. “Họ đạp tung cửa ra, thấy Tôn ghẻ nẳm trên cái giường nát giữa nhà, đã chết cứng. Trời thì nóng, phòng lại đóng kín, bên trong bắt đầu thoang thoảng mùi thối.”

Hoàng Tử Hà cau mày: “Tình hình lúc ấy thế nào?”


“Bấy giờ người xung quanh ngửi mùi thối, đã thấy không ổn, chỉ mình Tiền Quan Sách đang say khướt xông tới tóm lấy áo Tôn ghẻ xách lên định tẩn cho một trận. Lữ Chí Nguyên đằng sau vội chạy theo giữ họ Tiền lại, song thi thể Tôn ghẻ đã bị kéo ra đến mép giường, Tiền Quan Sách bị lão Lữ giữ chặt, hơi lỏng tay ra, cái xác liền rơi bịch xuống đất, đã chết cứng đơ. Lữ Chí Nguyên ngồi thụp xuống lật cái xác lại xem, tức thì sợ đến hồn xiêu phách lạc, vội kéo Tiền Quan Sách lùi lại, Tiền Quan Sách thấy khuôn mặt méo mó của thi thể cũng sợ đến nỗi giật lùi mấy bước. Cả hai ngã ngửa ra đất, chới với mãi không bò dậy được. Mấy người bên cạnh kẻ thì chạy lại đỡ dậy, kẻ thì đi báo quan, rồi đi gọi lý chính*. Khi đến tai Đại Lý Tự thì trời đã sắp tối. Ta vừa nghe nói Tôn ghẻ chết, bèn tức tốc chạy đến nghiệm thi rồi đến đây tìm công công.”

* Người đứng đầu một phường hoặc một thôn.

“Tôn ghẻ làm sao mà chết?” Hoàng Tử Hà hỏi.

“Bị đâm chết! Vết thương nông mà nhỏ, hẳn là một thanh chủy thủ vừa nhỏ vừa sắc, rộng chừng tấc rưỡi, hơn nữa sức hung thủ rất yếu, vết thương không sâu, chắc hung thủ cũng biết mình sức yếu nên đã tẩm thuốc độc vào lưỡi dao, chỉ đâm hai nhát đã bỏ chạy. Hiện trường không có hung khí để lại, chắc hung thủ đem theo rồi.”

“Có dấu vết vật lộn không?”

“Không có, chắc hẳn hung thủ thừa lúc Tôn ghẻ ngủ mới xuống tay.”

“Vết thương ở đâu?”

“Bấy giờ Tôn ghẻ nằm nghiêng, quay lưng vào tường, mặt hướng ra cửa, thi thể vẫn giữ nguyên tư thế ngủ tự nhiên. Có điều toàn thân đã bốc mùi, lúc nghiệm thi ta cũng buồn nôn gần chết.” Chu Tử Tần vừa nói vừa huơ tay minh họa trên người mình, “Bị thương hai chỗ, một ở dưới xương quai xanh bên vai trái, một ở eo phía bên phải rốn, vết thương đều chéo xuống dưới, rõ ràng là hung thủ ngồi trên giường đâm Tôn ghẻ trong lúc ngủ.”

“Dấu vết giãy giụa thì sao?”

“Không có.”

“Thật không bình thường.” Lý Thư Bạch lạnh lùng buông một câu.

Hoàng Tử Hà gật đầu: “Đúng là không bình thường. Không đâm vào chỗ hiểm, vết đâm lại không sâu, ít nhất nạn nhân cũng phải giãy giụa phản kháng chứ.”

Chu Tử Tần ấm ức nhìn hai người: “Chu mỗ không biết nữa, lúc nghiệm thi thì thi thể đã nằm dưới đất rồi. Nhưng theo những người phá cửa xông vào thì quả đúng Tôn ghẻ nằm trên giường với tư thế ấy, không hề động đậy, nhìn như ngủ vậy.”

Hoàng Tử Hà nhíu mày, gạt bỏ nghi vấn này sang một bên, rồi hỏi tiếp: “Thời gian tử vong cụ thể là bao giờ?”

“Điểm này ta có thể khẳng định, muộn nhất cũng không quá giờ Ngọ hôm nay. Nhất định hắn đã chết vào giờ Ngọ, hoặc trước giờ Ngọ.”

“Cũng có nghĩa là, Tôn ghẻ đã chết ít nhất hai canh giờ trước khi Tiền Quan Sách và Lữ Chí Nguyên xông vào?”

“Đúng, mà lại chết ngay trong căn nhà vừa sửa sang, giữa gian phòng như cái thùng sắt vừa gia cố. Cửa đóng chặt, cài then trong, Tiền Quan Sách đạp mấy phát còn không bật ra. Khung cửa sổ duy nhất đóng cả tấm gỗ dày cộp, không có hoa văn gì, cũng cài chốt trong. Tường vách đều bằng đất nện, không có hang chuột.” Trông Chu Tử Tần như sắp phát điên, “Bởi thế, chẳng biết hung thủ vào phòng giết người theo đường nào, rồi lại theo đường nào ra ngoài, còn chốt cả cửa chính cửa sổ, không để lại mảy may dấu vết?”

Hoàng Tử Hà nhíu mày: “Hiện giờ không có vật chứng nào ư?”

“Không có. Nhưng… có nhân chứng.” Nói đến đây, Chu Tử Tần lại nhăn nhó như bị đau răng, “Có điều, có điều…”

Hoàng Tử Hà tỏ ý bảo gã nói tiếp.

Chu Tử Tần cau mày hạ giọng: “Theo mấy bà mấy chị trong phường khai thì khoảng giờ Ngọ, họ ngồi dưới bóng cây bên giếng nước khâu đế giày, trông thấy hai người lạ mặt, một nam một nữ lần lượt đến gần nhà Tôn ghẻ, còn lảng vảng nhìn ngó gì đó, nhưng hình như không làm gì cả mà lẳng lặng bỏ đi.”

“Hai người nam nữ à?” Hoàng Tử Hà chau mày.

“Đúng thế, một nam một nữ.” Chu Tử Tần rầu rĩ đỡ trán, lẩm bẩm: “Nghe nói người nam đến trước, dáng dấp cao lớn, tướng mạo đường hoàng, lưng thẳng, nhìn rất khôi ngô, các bà các chị tuy đã lớn tuổi, lại ngồi ở chỗ khuất nẻo, song vẫn nhìn không chán mắt. Nhưng từ chỗ họ ngồi không trông thấy nhà họ Tôn, nên cũng chẳng rõ người nọ tới đó làm gì.”

“Vậy còn người nữ?”

“Người nữ cứ cúi gằm mặt nên không trông rõ dung mạo, song thân hình mảnh mai, chắc tuổi tác không lớn. Cô ta đến sau khi người nam kia đi khỏi, cũng dạo một vòng quanh những chỗ người kia vừa đi, lảng vảng quanh nhà Tôn ghẻ một lúc lâu.”

“Những đặc điểm khác thì sao? Không biết à?”

“Biết...” Chu Tử Tần khó nhọc đáp, “Cô ta đi hài vải xanh đế gỗ, trên hai chiếc hài thêu hai đóa râm bụt nở hướng vào nhau.”

Hoàng Tử Hà nhớ lại hôm nay lúc gặp tại nhà Trương Hàng Anh, Tích Thúy cũng đi đôi hài như thế, bất giác biến sắc: “Công tử nói với Đại Lý Tự chưa?”

“Chưa. Nhưng ta nghĩ, Đại Lý Tự tra xét quanh các phường, chẳng bao lâu sẽ tra ra hai người họ thôi, tới lúc đó họ sẽ bị gọi thẩm vấn.”

Hoàng Tử Hà nín lặng nhìn sang Lý Thư Bạch. Lý Thư Bạch đi đến bên án, lấy giấy viết một tờ công văn rồi dặn: “Tối nay các ngươi mau đi tra xét tình bên đó đi, kẻo chứng cứ lại bị phân tán tan tác.”

Chu Tử Tần nghe vậy liền tóm ngay tay áo Hoàng Tử Hà, giục giã: “Đi thôi đi thôi, ta đã điều tra rồi, phòng Tôn ghẻ không có chỗ nào ra vào được cả, công công mau tới xác nhận hộ ta đi, xem có cách nào giết người trong một gian phòng kín thế không?”

“Dương Sùng Cổ.” Hai người vừa ra đến cửa, chợt nghe thấy Lý Thư Bạch ở phía sau gọi khẽ.

Hoàng Tử Hà quay phắt lại: “Thưa gia.”

Ánh mắt Lý Thư Bạch dừng ở ống tay áo cô đang nằm trong tay Chu Tử Tần, thong thả dặn: “Sáng mai chúng ta còn có việc, ngươi nhớ về phủ cho sớm, không được đi qua đêm.”

Hoàng Tử Hà vội giật tay áo ra, cúi đầu hành lễ: “Thưa vâng.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui