Chiếc máy bay rẽ mây trên bầu trời bao la mà cô độc. Hà Anh lặng lẽ ngước nhìn những áng mây vô ưu vô lo, vô cả ái thương.
Tỉnh dậy sau chỉ mới một đêm ở Iceland, cô lập tức muốn lao về Việt Nam, muốn về lại quê hương mà cô nhớ mong đến cồn cào.
-Theo tin đã xác nhận từ hiệp hội di sản quốc gia Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chứng tích kì lạ được khắc bên trong lớp tường bí mật ở chùa Thiên Mụ.
Hà Anh vội choàng người dậy, cô đăm đăm nhìn về phía màn hình trước mặt.
-Theo khảo cổ, vết tích này đã có tuổi đời trên bốn trăm năm, từ lúc mới xây dựng, tức thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, năm 1601.
Năm 1601, tức là năm cô mất. Đây là ngôi chùa y muốn dành tặng cho cô, là chứng nhân cho tình yêu, cho tình thân mà cả hai đã có suốt cả cuộc đời.
Hà Anh thấy mắt mình ngân ngấn nước.
-Vết tích này được cho là rất kì lạ. Vì nó được khắc đằng sau một lớp tường giả.
-Dường như, đây là bức thư mà người xây nên ngôi chùa này muốn gửi đến duy nhất một người mà thôi.
-Dòng cổ tự này rất kì lạ, trông như chữ Nôm, nhưng lại không phải, số nét và thứ tự chữ cũng vô cùng phức tạp.
-Có nhiều giả thiết cho rằng người phương Tây đã đến và khắc lên đây chữ cái của họ, trong đây có vài nét chữ giống như bảng chữ cái latin. Nhưng thời gian này người Tây Phương đến xứ Đàng Trong vẫn chưa nhiều, cũng không thể có quyền khắc chữ lên một ngôi chùa linh thiêng lúc bấy giờ được.
Hà Anh rơi nước mắt nhìn những dòng chữ ngả nghiêng lướt qua trên màn hình. Là chữ của Nguyễn Hoàng, là chữ latin cô đã dạy cho y, nhưng y vẫn viết lệch sang chữ Nôm, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thể đọc được.
Cô nhìn những dòng chữ kia, cái tên ngốc nghếch ấy đã tự khắc lấy sao? Chừng này chữ sao? Bàn tay y, hẳn là đau rát lắm...
Hà Anh đi dọc bờ sông Hương đang dần chuyển sang màu hồng của hoàng hôn, đâu đó bên sông có làn khói nhả vào không gian tĩnh mịch. Đi trên con đường này khiến cô cảm thấy đau lòng, con đường này mang tên Nguyễn Phúc Nguyên.
Đây rồi, ngôi chùa Thiên Mụ đã trở thành biểu tượng, nghiêng mình soi bóng trên dòng sông của thi ca ngàn đời.
Cô nghiêng đầu nhìn dòng sông uốn quanh ngay trước chùa. Nguyễn Hoàng đã từng đứng ngay gò đất trông ra sông đó, y nói rằng con sông này đến đây thì phải rẽ ngang, nơi đây hẳn là trọng địa.
Giờ đây chùa vẫn còn, người ở nơi đâu.
Ngọn tháp Phước Duyên này vừa quen vừa lạ, quen vì bao lần cô đã thấy nó trên tem, trên ảnh, trên sách báo. Lạ là vì trong tưởng tượng của cô và y chưa từng đề cập đến ngọn tháp này. Nó được xây dựng bởi đời vua sau.
Một đoàn khách du lịch lướt qua chỗ cô. Anh chàng hướng dẫn viên vác cờ dẫn đoàn trên vai, thao thao bất tuyệt.
-Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ, được xây dựng năm 1844 bởi vua Thiệu Trị, theo di nguyện của vua Minh Mạng rằng phải xây dựng một ngôi tháp tại chùa Thiên Mụ để trấn yểm cho kinh thành nhằm "Tụ long khí cho bền long mạch", song chưa thực hiện được thì ông đã băng hà.
Hà Anh mỉm cười. Nơi này cô đã chứng kiến vào thời kì còn hoang sơ, còn khắp nơi là đồng hoa chim chuột.
-Người dân địa phương cho biết, ngày xưa nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".
Nào có, đây là ngôi chùa chứng nhân cho mối tình của hai người kia mà...
Kia rồi, nơi đang giăng những dải phân cách ngăn thế giới chạm đến bức tường kia. Hà Anh đi đến bên, ngước ánh mắt đau thương nhìn nó.
Dải tường bên ngoài đã sụp xuống do thời gian, lộ một lớp đá đã cũ nát bên trong, kèm theo dòng cổ tự kì lạ mà các nhà khảo cổ học đau đầu giải đáp.
Cô mỉm cười nghiêng đầu đọc dòng chữ. Càng đọc, nước mắt càng trào ra.
"Nàng thích nó chứ? Ngôi chùa của chúng ta? Ta đã cất công mời thợ phu từ tận phương Bắc đến đây để có thể xây nên bức tường năm trăm năm này. Nàng biết vì sao nó gọi là năm trăm năm không?"
Hà Anh bật khóc, cô ôm lấy ngực mình, cố ngăn tiếng nấc nghẹn ngào.
"Vì đúng năm trăm năm sau, nó sẽ sụp xuống. Như vậy, khi nàng trở về thời đại của mình đã có thể đọc được nó đúng không?"
Cô khóc mà nước mắt mặn chát, lòng cô như hàng ngàn ngọn lửa thiêu đốt. Tên ngốc ạ, chàng bị hắn lừa rồi, chỉ mới có bốn trăm năm thôi. Nhưng cảm ơn hắn vì đã lừa chàng, vì thế mà em mới có thể đứng đây, đọc những dòng chữ để khỏa lấp đi nỗi nhớ chàng đến tuyệt vọng.
"Hà Anh à, bức thư này, chỉ được để đọc một mình thôi. Nhất định không được để người khác đọc, vì ta sắp sửa nói ra một điều hết sức quan trọng, và cả đời này, cả thế gian này, chỉ có một mình nàng được đọc mà thôi."
"Hà Anh, nàng là trái tim miền Ái Tử của ta."
Hà Anh ôm miệng cố nén cơn nức nở. Cả đời này, cô chưa từng cảm nhận nỗi đau nào lớn hơn thế. Cả đời này, cô chưa từng cảm nhận thấy nỗi mất mát nào lớn hơn thế.
Chồng cô, bạn cô, con cô...đều đã chết. Họ bây giờ chỉ còn là những nhân vật được chép trong lịch sử mà thôi.
Và cô bây giờ, lại biến thành kẻ cô độc nhất thế gian này...
-Giáo sư!
Hà Anh giật mình khỏi những tiếng vọng về của quá khứ. Bà mỉm cười nhìn toán phóng viên đang sốt sắng vô cùng. Bà nghiêng đầu nhìn những con người trẻ tuổi nhiệt huyết. Bốn mươi năm trước, chẳng phải bà cũng từng là họ hay sao?
-Xin Giáo sư cho biết, trong suốt quá trình nghiên cứu ai là người đã hướng giáo sư đến đề tài này?
Hà Anh biết, là Quang Minh. Chính Quang Minh...
Nhưng bốn mươi năm trước, sau cái chết ở quá khứ bà trở về hiện tại. Chưa từng có một sinh viên tên Trần Quang Minh khoa sử nào từng tồn tại trên đời....
Tất cả đối với bà cứ ngỡ như một giấc mơ, một giấc mơ quá bi hùng.
-Giáo sư, tại sao trong các ví dụ, giáo sư luôn lấy vua chúa nhà Nguyễn?
Vì sao ư? Vì đó là chồng, là con, là cháu của bà.
-Mỗi người sinh ra đều có một số phận, và một mối duyên. Nguyễn Hoàng có số phận đưa dòng họ Nguyễn thành hoàng tộc, đưa cái tên Đại Việt tiến xa về phía Nam, và ông có một mối duyên với mảnh đất Quảng Trị, miền đất Ái Tử.
Cả hội trường lặng đi lắng nghe. Chất giọng giáo sư Nguyễn Hà Anh ấm áp mà du dương đến nao lòng.
-Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi sinh ra với sứ mệnh nghiên cứu vật lý, đóng góp cho nền khoa học của nhân loại. Và...tôi cũng có một mối duyên với dòng họ Nguyễn oai hùng đó. Dòng họ với nhiều con người kì lạ, nhiều con người oai hùng, nhiều khúc ca bi tráng. Tôi tin nếu là ai, cũng đều sẽ đau lòng thay cho một triều đại cuối cùng của lịch sử nước nhà...
Phải. Ánh mắt Hà Anh mờ đục đưa ra phía cửa hội trường, mở ra không gia bao la và nắng chói lòa. Những bộ phim xuyên không đều là lừa người. Bốn mươi năm qua, bà chưa từng gặp lại Nguyễn Hoàng.
Như vậy cũng tốt, hãy để hình bóng của y khắc sâu mãi mãi trong lòng bà, như một vị tướng quân anh dũng, một Đoan quận công tài ba, một vị chúa Tiên phúc hậu. Và hơn hết, một Nguyễn Hoàng ấm áp, si tình. Mối tình của họ, cũng chẳng còn gì để mà nuối tiếc.
Tại sao Hà Anh không tìm đường về lại bên Nguyễn Hoàng ư?
Lần đó cô tìm về quá khứ đã mười năm trôi qua. Lần này sẽ là bao nhiêu năm? Nguyễn Hoàng...vẫn còn đó chứ? Nếu cô về rồi mà y đã không còn, vậy cô còn về để làm gì nữa...
Thôi thì, hãy để phần đời còn lại của Nguyễn Hoàng được sống như lịch sử miêu tả, bình bình an an. Và cuối cùng Nguyễn Hoàng ra đi ở tuổi 88. Có thể chứng kiến mảnh đất Thuận Hóa trở mình, có thể thấy được thành quả cả đời của mình. Sau tất cả tranh đấu, tất cả chia ly, tất cả đau thương, y có thể bình yên mà ra đi với sự thương tiếc của nghìn vạn con dân miền Ái Tử.
Cuộc đời của vị chúa Tiên Nguyễn Hoàng sử không tiếc lời miêu tả, ngợi ca. Nhưng tình yêu của ông và phu nhân chẳng hề có một trang sử nào nhắc đến. Hà Anh chỉ được nhắc đến vỏn vẹn qua dòng chữ: "Nguyễn thị phu nhân" mà thôi...
"Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước rồng tiên, nặng nhớ thương"
(Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ)
-Hết-
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...