Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Nhà nguyện và nhà ở của mục sư tại Núi Nhỏ Của Chúa nằm trong cùng một khối kiến trúc – một tòa nhà thấp, dài được xây bằng đá xám bao quanh bởi một nghĩa địa, nơi những tấm bia đá phẳng, dựng đứng hoặc xiêu vẹo chiếm chỗ của một vườn hoa. Xa xa về phía bên trái, ngay bên trên một gò đất cao, là một dải đồi bị cắt thành từng đoạn bởi sườn dốc của các mỏ đá. Phía trước là một quãng đường vòng chìm trong rừng rậm. Bên phải là một vùng địa hình thoai thoải, nơi có một con đường – vào mùa đông trở thành dòng suối – dẫn xuống thung lũng. Sau nhà, Núi Nhỏ Của Chúa cao dần, cao dần lên ở phía xa xa.

Nơi này đầy những điều bí ẩn, nhưng giáo đoàn Chủ nhật, một giáo đoàn dường như đổ xô ra một cách đầy thần diệu từ những dãy núi, những khu rừng và những ngôi mộ, thì hoàn toàn chẳng phải là bí ẩn của nơi này.

Khi Edward Marston, vị mục sư đương nhiệm, tới đây cùng bà mẹ, chàng cảm thấy ghét cay ghét đắng nơi này; nhưng một thời gian sau nó đã len lỏi vào tim chàng và mang đến cho tín ngưỡng của chàng một cá tính mạnh mẽ hơn. Chàng luôn là một người sùng tín tự nhiên, luôn tin vào những gì mình được dạy; và chàng có một niềm thích thú thuộc về bản năng đối với những gì lành mạnh và trong sạch. Nhưng vào những đêm mùa đông ở trên núi, khi những vì sao lấp lánh ẩn hiện từ ổ phục kích tối om và sương giá táp vào những tấm bia mộ; vào mùa hè, khi sét đánh lẹt xẹt trong những khu rừng và xẻ dọc sườn đồi tựa như hàng nghìn con quỷ, nhu cầu cần có Chúa trở nên cấp bách hơn. Chàng đã từng tâm sự điều đó với mẹ.

“Không, con trai ạ, mẹ không thể nói rằng ở đây mẹ cần Chúa hơn ở Crigton,” bà nói. “Ở Crigton có xe buýt và xe đạp để sợ. Ở đây mẹ chỉ cần che kín tai lại để tránh gió, mặc thêm áo để tránh sương giá, và ngồi trong nhà chứa than để tránh sấm sét. Không phải là mẹ quên Chúa đâu. Chúa ở bên chúng ta, dĩ nhiên rồi, ở trong nhà chứa than hoặc ở nơi nào đó.”

“Nhưng mẹ không cảm thấy điềm gở về nơi này sao, mẹ? Con cảm thấy điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra ở đây, mẹ không thấy thế sao?”

“Không, con trai. Con sẽ không cảm thấy thế khi người con ấm hơn. Martha!” (Martha là tên chung dùng để chỉ những người từ trên đồi xuống làm giúp việc ban ngày) – “Martha, cho thêm củi vào cho cậu chủ đi. Không phải con đang yêu đấy chứ, con trai?”

“Ôi, không đâu! Con yêu ai mới được chứ, mẹ?”

“Đúng đấy, con trai. Ở đây chẳng có ai trông khá hơn một cây cải bruxen cả. Mẹ nói thế không có nghĩa là mẹ ghét giống cải đó. Martha, hãy đi xem xem liệu trong nhà còn chút cải bruxen nào không. Chúng ta sẽ dùng món rau đó cho bữa tối.”

Edward nhìn ra khu rừng ở phía trên đồi, tự hỏi tại sao màu xanh non tươi của những cây thông và quả cánh của những cây du trông lại buồn đến thế, tại sao tiếng kêu của một con cừu từ con dốc phía trên đồi nghe lại thê lương đến thế.

“Edward ạ, mẹ hy vọng,” bà Marston nói, “rằng đó sẽ không phải là thứ âm nhạc trang nghiêm. Mẹ nghĩ âm nhạc trang nghiêm ảnh hưởng đến tiêu hóa. Ông bố tội nghiệp của con và mẹ đã đi nghe bản ‘Sự sáng tạo’ trong tuần trăng mật, và đánh giá nó không cao lắm; rồi bố mẹ đi nghe bản ‘Cái chết của Chúa Jesus trên cây thánh giá’ và mặc dù nó rất thú vị nhưng sau đó mẹ cũng không thể tiêu hóa được món hàu. Còn nữa, những người nhạc công ấy còn cho phép mình chơi say sưa đến mức hầu hết mọi người đều nghĩ họ bị say. Không như những người chơi sáo và kèn coóc-nê phải nghĩ đến hơi thở của mình, những người chơi vĩ cầm có thể trút tất cả cảm xúc của họ lên nhạc cụ mà không biết mệt.”

Edward bật cười.

“Mẹ hi vọng quý ông đến chơi nhạc ngày hôm nay là một người trầm lặng dễ chịu,” bà nói tiếp, như thể Abel là một con ngựa non. “Và mẹ hi vọng người ca sĩ không hát giọng nữ trầm. Đối với mẹ, giọng nữ trầm,” bà tiếp tục nói bằng giọng điềm tĩnh trong lúc khuấy bia đen chuẩn bị uống, “chỉ là một cái tên khác dùng để chỉ sự ầm ĩ khó ưa mà thôi,” Bà uống bia với vẻ thư thái, giữ yên cái thìa bằng một ngón tay.

Nếu bà có thể nhìn thấy hai cha con Hazel khi họ lên đường, đầy phấn khởi, để góp thêm ồn ào vào sự bình yên của Núi Nhỏ, thì chắc hẳn bà đã chẳng nhàn tản được như thế.

Thật dễ chịu khi ngồi ngắm khuôn mặt phúc hậu đã in dấu thời gian của bà, khuôn mặt tròn trịa và nhẹ nhõm bên dưới chiếc mũ len đang chìm sâu vào sự yên bình còn sâu hơn cả trạng thái hôn mê. Bà như một liều thuốc an thần của tự nhiên, và bà kiểm soát bản thân mình một cách vô thức trước bất cứ ai gặp gỡ bà nhiều. Bố của Edward, do uống quá liều, đã không qua khỏi. Bà Marston luôn nói “ông chồng tội nghiệp của tôi ngủ rồi”, như thể ông ngủ gật trong một buổi giảng đạo. Ngủ là điều bà sùng bái, là phương pháp chữa bách bệnh và là nghệ thuật đối với bà. Sự lên án mạnh mẽ nhất của bà là gọi ai đó là “một kẻ kích động”. Như hôm nay, trong bữa tối đang được chuẩn bị khẩn trương trong bếp, bà ngồi đan một cách bình thản. Lúc nào bà cũng đan – tất cho Edward và khăn trùm đầu cho chính bà. Bà đã đan rất nhiều khăn và bà cảm thấy lạnh đến nỗi phải đội mấy lớp khăn trên đầu – khăn hồng, khăn xám, khăn trắng, khăn thạch lam và khăn tím, tầng tầng lớp lớp khăn chồng chéo lên nhau.

Khi Martha và một người bạn đến giúp việc cãi nhau chí chóe, bà chỉ lẩm bẩm, “Khổ thật! Nhặng xị cả lên!” Thế rồi, khi bà nghe thấy một tiếng rơi đánh xoảng và tiếng Martha nói, “Giờ là lọ kem! Hừm, vỡ một lọ, vỡ ba lọ rồi!” bà cũng chỉ lắc đầu và khẽ than vãn rằng những người giúp việc bây giờ chẳng còn được như những người giúp việc ngày trước nữa. Thậm chí, khi cậu con trai nhỏ của người đến phụ giúp Martha đánh rơi bình pha trà – chiếc bình mà một giáo đoàn đã tặng ông Marston quá cố, và là chiếc bình to như chiếc can đựng nước – và người bạn của Martha gào lên, “Tao sẽ đánh mày sưng mông lên!” và sắp nói là làm, bà Marston vẫn ngồi điềm tĩnh như vầng mặt trời.

Cuối cùng bữa tối cũng được dọn ra, khăn trải bàn được trải thành tầng bậc tùy theo độ cao của bàn; những bộ tách trà – có họa tiết hình cây liễu và gốm Coalport, họa tiết hình lông chim, hình tảo biển – trông như trong cửa hàng đồ gốm; bình đựng trà, lúc này đã có thêm một vết mẻ ngang tàng, được đặt ở vị trí chủ tọa. Người ta đã trả tiền cho bữa tối của mình vào những dịp thế này, và mong được thưởng thức thật nhiều món ngon. Bà Marston đã hấp tấp nói với Martha rằng cô ta sẽ có toàn bộ số đồ ăn thừa như một món bổng lộc, hành động này sau đó đã dẫn đến những biến cố chẳng hay ho gì.

Trong lúc Abel hối hả chạy xuống góc sườn đồi nơi nhà nguyện tọa lạc – chiếc đàn hạc lúc lắc trên vai như một con quỷ có hình thù kỳ dị đang bám lấy cổ lão hòng khống chế lão – một âm thanh ầm ĩ vang lên. Dàn kèn đồng đến từ Núi Đen đang chiếm lĩnh sân khấu. Những ô cửa sổ màu vàng ánh lên lấp lánh trong buổi chiều xuân lạnh lẽo, và Hazel chạy về phía chúng như chạy về phía những cánh cửa mở rộng của cõi thiên thai.

Cha con họ chạy tới, thở hổn hển trong nghĩa địa, nơi những bia đá dường như đang chen vai huých cánh nhau ở bên ngoài những ô cửa sổ lấp lánh, cố nhìn vào cái hang đầy ánh sáng màu nghệ và bầu không khí tưng bừng bằng con mắt đầy chế nhạo như thể chúng biết rằng những kẻ đang ở trong cái nơi trú ngụ này sẽ sớm trở thành những kẻ không nơi nương náu trong cơn dông tố của Thần Chết; rằng những kẻ kéo đến theo nhóm hai, ba người kia sẽ từng người một lặng lẽ ra đi mà không nói một lời. Hazel ghé mắt nhìn vào bên trong.

“Họ có những cây kèn tuyệt đẹp!” nàng thì thầm. “Cả một dàn nhạc đang ở đó, mặt đỏ tưng bừng vì phấn khích, và ướt nhẹp mồ hôi vì chơi nhạc như mấy gã đang phơi cỏ khô.”

Abel nhìn vào trong.


“Ôi chao,” lão nói, “họ đến trước rồi. Chúng ta sẽ chẳng thể chen vào được đâu. Không gì có thể khiến dàn kèn đồng Núi Đen ngừng chơi nhạc một khi họ đã chen nhau đứng ở đây; họ chơi rất hăng, thật đấy! Dù tai mày có bị ù điếc vĩnh viễn, và mày chẳng thể nuôi ong được nữa (bởi vì với lũ ong mày phải nghe mới biết đường mà nuôi chúng) thì dàn kèn đồng này cũng chẳng buồn quan tâm! Kìa! Họ được yêu cầu biểu diễn lại kìa – chơi lại; càng được yêu cầu chơi lại thì họ càng thổi hăng hơn.”

“Đúng, nhưng cha chơi hay hơn họ,” Hazel an ủi; bởi giọng Abel đang run rẩy, mà Hazel hễ thấy ai buồn thì đều cố xoa dịu, bởi nỗi buồn ám chỉ sự yếu ớt.

“Tao biết chứ,” lão nói; “nhưng tao có thể làm gì để chọi lại mười gã đàn ông sung sức kia hả?”

Ở trên núi, cũng như trong thế giới của nghệ thuật và chữ nghĩa, người nghệ sĩ dường như luôn phải chen huých xô đẩy,và nếu thỉnh thoảng anh ta không dừng những lời phát biểu ngọt ngào của mình lại để hét ầm lên thì sẽ chẳng ai nghe thấy anh ta hết.

“Trông khách khứa kìa! Buồn cười quá!” Hazel vừa nói vừa cười khúc khích. “Tất cả đều im lặng và lờ đờ, như ong phải khói vậy. Kia là vị mục sư ư? Ông ta ngồi cạnh một bà già lờ đờ - bà ta hẳn là hít phải nhiều khói nhất!”

“Đâu?”

“Kia kìa. Ông ta mặc áo đen, người có khuôn mặt hiền hậu và buồn bã kia kìa.”

“Có lẽ nếu mày tấn công tay mục sư ấy, anh ta sẽ cưới mày đấy – khi nào trăng rơi xuống ống khói của nhà nguyện và lũ thỏ rừng săn đuổi loài chó săn cừu cộc đuôi!”

“Con sẽ không lấy ai hết. Vào thôi,” Hazel nói.

Nàng cởi mũ và áo khoác để vào phòng, và khi ấy trông nàng thậm chí còn lộng lẫy hơn. Trên đầu nàng, ngủ yên giữa những cuộn tóc màu hung đỏ, là một vòng hoa kết từ những bông hoa violet, loài hoa mọc khắp Callow; một chùm hoa lớn được treo nơi cổ nàng như một chiếc ghim cài cổ áo nạm đá quý.

Khi nàng bước vào phòng, dàn kèn đồng bỗng chơi loạng choạng, và người thổi kèn coóc-nê, một chàng trai trẻ nồng nhiệt, người không ai có thể làm cho mệt mỏi, bỗng nhiên ngừng chơi. Edward quay ra xem chuyện gì đã khiến cho cái điều đang được mong chờ nhất ấy xảy ra thì thấy nàng đang bước vào với vẻ đẹp lộng lẫy của một nàng tiên trong mộng. Trái tim chàng bị hạ gục, không chỉ vì làn gió mới mà nàng mang tới, vì đôi mắt đầy sức sống của nàng, vì vòng miện tết hoa violet tươi tắn của nàng, mà còn bởi nét bâng khuâng không chỉ trên khuôn mặt nàng mà trong cả dáng điệu và mọi chuyển động của nàng. Chàng cảm thấy như thể một con chim nhỏ đẹp đẽ đáng yêu vừa táo bạo bay đến đậu trên cửa sổ của chàng trong một đêm dông bão. Nàng đã bước vào khoảng trống nơi trái tim chàng, và từ đêm đó trở đi chàng chỉ băn khoan nghĩ cách làm thế nào để giữ được nàng ở lại.

Khi nàng lên hát, mắt chàng nhìn nàng đăm đăm. Nàng là người tràn đầy sức sống nhất mà chàng từng thấy. Những lọn tóc loăn xoăn màu vàng đỏ xòa quanh trán và tai nàng ánh lên thật sinh động; đôi mắt nàng long lanh; cơ thể nàng căng lên như một mũi tên thon sắp bật khỏi cung.

Abel ngồi xuống chính giữa sân khấu và bắt đầu chơi đàn, hoàn toàn không để ý gì đến Hazel, người phải bắt đầu hát khi có thể cất lời.

“Những cây đàn hạc trên thiên đường được chơi cho Người;

Chơi cho Chúa Trời với đôi mắt xanh thẳm;

Chơi cho thánh Peter và cho Thánh Paul,

Nhưng chưa bao giờ chơi cho tôi!

Những cây đàn hạc trên thiên đường được làm bằng thủy tinh,

Xanh hơn màu cỏ xanh sau mưa.

Không bao giờ được diễn tả lòng mình,


Cây đàn của tôi vỡ thành từng mảnh – cây đàn của tôi vỡ thành từng mảnh!

Những cây đàn hạc trên thiên đường chơi điệu bổng điệu trầm;

Trong mưa gió lạnh lùng tôi đi

Tìm cây đàn của tôi, cây đàn xanh như mùa xuân…

Cây đàn hạc vỡ nát không dây!”

Nàng hát đầy say mê. Giọng nàng tràn ngập nỗi ai oán mất mát. Nàng không biết ca từ của bài hát có nghĩa gì (có thể chúng chẳng có nghĩa gì), nhưng giai điệu buồn hợp với sắc thái cảm xúc của nàng, và những ý niệm về mất mát hay cảnh tha hương biểu lộ mối ngờ vực mơ hồ của nàng đối với thế giới. Edward hình dung nàng trong chiếc váy màu ngọc lam và chiếc vòng miện tết hoa violet trên đầu đang gảy chiếc đàn hạc lớn bẳng thủy tinh giữa một bầy tiên nữ.

“Cô bé tội nghiệp!” chàng nghĩ. “Niềm khát khao bí ẩn hay cảm giác tội lỗi đang thét gào trong giọng hát của nàng vậy?”

Chẳng phải niềm khao khát cũng chẳng phải cảm giác tội lỗi; vào thời điểm đó Edward chẳng hiểu được gì, dẫu vậy sau này chàng cũng đã hiểu ra. Đó chính là nỗi buồn sầu của những khu rừng và lời rên rỉ của nước trong cơn giông bão; lời phàn nàn bị bóp nghẹt của những chiếc lá bị xô dạt; tiếng than vãn ai oán – hoang dại và phổ quát – của sự sống trước cái chết mà nó chứa đựng trong mình.

Hazel diễn đạt những điều mà nàng không thể hiểu như một con chim két chỉ biết mải mê hót. Bởi dẫu trẻ trung và trinh nguyên thì nàng vẫn có cội rễ từ trái tim già nua và tối tăm của quả đất, nơi tràn ngập những niềm đau không đếm xuể, và nàng trú ngụ trong trái tim đó, hát lên từ nỗi u sầu của nó như một con chim cất tiếng hót trên cây thủy tùng. Con người nàng tràn ngập nhiều tiếng vọng hơn cả trái tim của những sinh vật sống ở những vùng đất xa xôi; và tất cả chúng ta đều chứa đựng nhiều tiếng vọng như một khu rừng đá – tiếng vọng của quá khứ, tiếng vọng dội lại của tương lại, và tiếng vọng của đất (những tiếng vọng này kéo dài, dội lại qua những giấc mơ mơ hồ nhất của chúng ta, tựa như tiếng sấm trong một vườn cây trái đang trổ hoa). Vì vậy, tiếng vọng bên trong chúng ta thuộc về những giọng nói vĩ đại đã tắt từ lâu, tiếng kêu lạ lùng của những con mãnh thú khổng lồ trên núi; mục tiêu buồn thảm của những sinh vật trong sình lầy; tiếng gọi tình yêu của lũ vạc. Chúng ta cũng biết tiếng vọng của những thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta – ý nghĩ hình thành trong bộ não của một con ong và biến thành thứ sáp ngọt ngào; sự chuyên chế của tuổi trẻ khuấy động trong lòng; nỗi sợ hãi điên cuồng của những con vật non bị giết; sự xô dạt của cỏ, và cái cách chiếc lá cảm nhận những giọt nước mưa lạnh qua những đường gân lá; những nghi thức tồn tại hàng trăm năm trong các đền thờ màu xanh ngọc của chồi lộc và đài hoa – chúng ta đã bước vào những đền thờ đó; chúng ta là vật cúng tế trên bàn thờ. Và tương lai trôi trong dòng máu của chúng ta tựa như một con tàu buôn bí ẩn. Chúng ta nghe thấy tư tưởng của hậu duệ vang lên như bài hát trong đêm, từ rất lâu trước khi đứa con đầu lòng của chúng ta chào đời. Trong phấn hoa và trong bụi đất, trong những hạt đang nảy mầm và trong những quả mọng đang rụng xuống, trong quá khứ tăm tối và tương lai mù mịt, chúng ta khóc và réo gọi – chúng ta hỏi, Người ca sĩ đang truyền giọng qua khu rừng tối, đang sống trong chúng ta bằng âm nhạc bất diệt, đang tạo nên những tiếng vọng âm vang ngân lên muôn đời này là ai?

Tuy nhiên, khán giả không nhận thấy rằng có những tiếng vọng trong con người Hazel và họ chắc hẳn sẽ há hốc miệng nếu bạn tuyên bố rằng Thượng đế ngụ trong giọng hát của nàng. Họ nhìn nàng bằng ánh mắt phán xét mà hoàn toàn không biết đến bản chất thực của nàng. Bà Marston nghĩ, thật đáng tiếc vì nàng trông hoang dã quá; Martha nghĩ thật tiếc vì nàng không đội một chiếc mũ lưới lên đầu để giữ cho mái tóc gọn gàng; còn Abel, liếc nhìn nàng qua những sợi dây đàn và – với khuôn mặt được đóng khung trong mái tóc đỏ bù xù – trông như một con thú đặc biệt thông minh trong một cái lồng, thì hoàn toàn không nghĩ gì về nàng.

Nhưng Edward đã nghĩ bù cho tất cả bọn họ, bởi lúc nào chàng cũng nghĩ về nàng. Trước khi buổi biểu diễn kết thúc, chàng đã tiến xa đến mức chàng chắc chắn nàng là cô gái duy nhất chàng muốn cưới làm vợ. người mục sư trong chàng đặt ra một điều kiện mờ nhạt, “Nếu nàng là một cô gái tốt”; nhưng tiếng nói đó bị quát cho im bặt ngay tức thì bởi một cái tôi khác của chàng, cái tôi quả quyết rằng bởi nàng đẹp đến nhường kia nên nàng chắc chắn phải là một cô gái tốt.

Trong khoảng thời gian những tiết mục cuối cùng của chương trình được biểu diễn – hai bài hát ba bè được trình diễn om sòm bởi một nhóm người chen chúc nhau đứng chật sân khấu đến nỗi thật kỳ diệu là làm sao họ có thể dãn cơ hoành ra mà hát được – Edward chìm trong nỗi khổ não vì chàng sợ gã thồi kèn coóc-nê sẽ độc chiếm Hazel trong bữa tiệc tối. Gã thổi kèn coóc-nê đó cứ đỏ ửng mặt mỗi lần Hazel hát, vậy nên Edward đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Chàng quyết định đấu tranh, và cảm thấy rằng mặc dù vị trí của chàng có từ chối chàng mọi đặc quyền trong ẩu đả, chàng ít nhất cũng có thể dùng mưu – điều chưa bao giờ bị khước từ trước bất cứ giáo hội nào.

“Con yêu,” bà Marston thì thầm, “con có vị khách không mời nào ở đây chăng?”

Đó là cách khiển trách lịch sự của bà.

“Không, mẹ ạ.”

“Ồ, con yêu, vậy thì chắc hẳn có điều gì đó dang giày vò tâm trí con rồi; trông con cứ bồn chồn không yên khiến mẹ khó mà chợp mắt được tẹo nào.”

“Mẹ, mẹ nghĩ gì về nàng?”

“Ai cơ?”


“Cô gái xinh đẹp kia kìa.”

“Một giọng hát đẹp, bài đầu tiên cô ấy hát ấy,” bà Marston nói, bởi bà không nghe các bài hát khác. “Nhưng phong cách và mái tóc của cô ta hoang dã quá! Chẳng khác nào lông mèo vuốt ngược. Và có gì đó hơi kỳ quặc ở cô ta, bởi vì cô ta hát về thiên đường theo cái cách không được đúng cho lắm, thật đấy,” bà nói thêm với vẻ ngái ngủ, “thiên đường không phải như vậy đâu.”

Edward hiểu mẹ mình muốn nói gì. Bản thân chàng cũng đã nhận ra sự phấn khích hoang dại trong con người Hazel Woodus – một điều gì đó thấm vào sâu thẳm, sâu như một cái giếng bên trong chàng, và như một tia sáng khiến cho tất cả đủ loại sự sống không ngờ tới chuyển động và phát triển ở đó.

Khi bữa tiệc tối diễn ra, Edward càng lúc càng thu hút dược nhiều sự chú ý của Hazel, và ánh nhìn từ đôi mắt xám trầm lặng của chàng đã gặp được cái nhìn từ đôi mắt bồn chồn màu hổ phách của nàng thường xuyên hơn.

“Nếu một ngày nào đó – sớm thôi – tôi tới nhà cô, cô sẽ hát cho tôi nghe chứ?” chàng hỏi.

“Tôi không thể. Tôi đã hứa đi tước vỏ rồi.”

“Đó là việc gì vậy?”

Hazel nhìn chàng thương hại.

“Ông không biết đó là việc gì sao?”

“Tôi e là không.”

“Tôi tước vỏ khỏi những thân cây đổ để lấy gỗ.”

“Ở đâu?”

“Ở Rừng Của Thợ Săn.”

“Khu rừng đó ở gần đây.”

“Đúng thế.”

Edward chìm sâu trong suy nghĩ. Gã thổi kèn coóc-nê thì thầm với Hazel:

“Ông ta đang nghĩ về bài thuyết giáo chi Chủ nhật tới đấy!”

Nhưng Edward lúng túng quay đầu lại.

“Tiện đường cô đến uống trà với mẹ tôi nhé? Có thể tôi sẽ vắng nhà, nhưng cô không phiền vì điều đó chứ?”

“Có đấy! Tôi không muốn nói chuyện với một bà già!”

“Tôi sẽ ghé về nhà,” chàng đáp, có vẻ rất thích thú, và nhìn gã thổi kèn coóc-nê với cái nhìn đắc thắng đầy kín đáo. “Hôm nào cô đi tước vỏ cây?”

“Thứ Tư.”

“Vậy thì thứ Tư cô ghé qua nhé.”


“Bà già buồn ngủ đó sẽ nói gì?”

“Mẹ tôi,” chàng nói với vẻ cung kính, “sẽ ủng hộ bất cứ việc gì tôi cho là phải.”

Nhưng trái tim chàng không khỏi lo âu. Từ trước tới nay chàng chỉ cho những gì mẹ chàng ủng hộ là phải. Hiếm khi chàng hành động theo chủ kiến của riêng mình. Bởi thế mẹ chàng luôn nói, “Edward yêu quý luôn đúng.” Có lẽ khi nào chàng rũ bỏ sự tán đồng vô điều kiện với mẹ chàng, bà sẽ thôi không nói “Edward yêu quý luôn đúng” nữa. Trước giờ chàng không đặc biệt muốn bất cứ điều gì, và bởi vì tranh cãi với bà Marston là việc khó khăn chẳng khác nào đánh diêm từ một hộp diêm ẩm ướt, thế nên chẳng bao giờ giữa hai mẹ con họ xảy ra va chạm. Bà thích những gì mà theo bà là “đẹp và dễ chịu”. Với bà bất cứ điều gì thuộc về công lý của Chúa Trời thì đều đẹp và thú vị cả. Thậm chí khi chồng bà chết, trong tấm áo choàng bằng nhiễu đen, cái chết đó cũng đẹp đẽ và dễ chịu, bởi vì ông chết sau khi đã đọc lời chứng và hưởng bữa trà, chứ không phải là chết trước khi làm những việc ấy, như một người đàn ông ít chu đáo hơn. Ông chết vào Chủ nhật, một ngày “thích hợp”, và vào lúc bình minh, thời điểm “thật đẹp”; và (theo ngôn ngữ dành cho những kẻ tội phạm và người chết) “ông ra đi lặng lẽ”. Không phải là bà Marston không cảm nhận được sự mất mát. Bà cảm nhận được một cách sâu sắc nhất mà bản chất của bà cho phép. Nhưng như một thằng bé cảm nhận một trận đòn qua lớp đệm dày bình bịch trên mông, bà cảm nhận sự mất mát qua tầng tầng lớp lớp các thủ tục. Giờ đây, ở tuổi của bà, việc nhận ra rằng cuộc sống không thật dễ chịu như bà nghĩ rõ ràng là một bi kịch.

“Vâng, tôi sẽ đến, tôi rất cảm ơn,” Hazel nói.

“Tôi sẽ gặp cô tại Rừng Của Thợ Săn và đưa cô về nhà tôi.” Edward quyết định.

Hazel vui vẻ đồng ý khiến gã thổi kèn coóc-nê bật ra một tiếng cười mỉa mai và xô ghế đứng phắt dậy đi sang bàn khác. Nhưng tiếng cười mỉa mai của anh ta bị nhận chìm bởi một giọng nói vang lên:

“Năm nào tôi cũng ăn tiệc tối bằng bánh nhân mứt! Tối nay không thấy có bánh nhân mứt ở đây. Tôi đã trả tiền để được ăn bánh nhân mứt như những người khác. Tôi sẽ ăn bánh nhân mứt!”

“Nhưng đĩa trên bàn hết nhẵn bánh rồi,” Martha nói, giọng khích động và quyết liệt.

“Tôi không nhúng tay vào việc làm cho đĩa trên bàn hết nhẵn đồ ăn. Nhất định phải đưa thêm bánh nhân mứt ra đây.” Những giọng nói khác hùa theo, và người ta nghe thấy tiếng bà Marston lẩm bẩm, “Thật khó chịu.”

Edward chẳng mảy may bận tâm đến chuyện đó.

“Cô có muốn tôi tới Rừng Của Thợ Săn không?” chàng hỏi bẳng giọng tha thiết.

“Có, tôi muốn!” Hazel, cảm nhận được hương vị của sự che chở từ phía chàng, liền nói. “Nơi đó rất an toàn – hồi còn nhỏ tôi thường đi hái hoa cúc ở quanh chỗ ông tôi.”

Giờ thì Edward đã biết rõ hơn trước mỗi quan hệ mà chàng ao ước có được với Hazel. Đó không phải là mối quan hệ liên quan đến ngôi “ông”.

Dù chàng có định phản ứng lại thế nào thì phản ứng ấy cũng bị nhấn chìm bởi tiếng ồn ào nổ ra khi ai đó kêu lên: “Cô ta đã giấu bánh đi! Vào bếp mà xem!”

Người anh họ của Martha – một tay cảnh sát ở một ngôi làng khá xa – cảm thấy nếu Martha bị phát hiện có hành động gian lận thì chẳng hay ho gì, vì vậy anh ta hiên ngang đứng chắn ở cửa bếp. Nhân lúc mọi người còn đang ồ à kinh ngạc, Edward liền nói lời tạ ơn Chúa đã ban cho con người thức ăn, và trong khi chàng làm thế một giọng nói không gì dập tắt nổi vang lên:

“Tôi đã được cái bánh nhân mứt nào đâu. Tôi không cảm thấy biết ơn Người.”

“Mẹ,” Edward nói, khi vị khách ngang ngạnh cuối cùng cũng rời khỏi đó trong cái đêm tháng Tư dông tố ấy, và hình ảnh sống động của Hazel cùng hương thơm quyến rũ của những bông hoa violet và tiếng cười trẻ trung của nàng đã bị bóng đêm chiếm đoạt, “con đã mời Hazel Woodus tới dùng trà vào thứ Tư tới.”

“Con bé đó không thuộc tầng lớp của con, Edward ạ.”

“Tầng lớp thì quan trọng gì hả mẹ?”

“Anh trai của Martha gọi con là ‘ngài’, còn con bé vắt mũi chưa sạch đó thậm chí còn bị Martha coi thường.”

“Đừng gọi cô ấy là ‘con bé vắt mũi chưa sạch’ thưa mẹ.”

“Con yêu ạ, cho dù là lòng tử tế lầm lạc hay yêu thương xuẩn ngốc, nó cũng sẽ gây hại cho con.”

“Thanh niên bây giờ,” bà Marston độc thoại trong lúc bước lên thang gác với giá nến nghiêng nghiêng trong bàn tay mệt mỏi, “không giống trước đây nữa.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui