Tổng hợp truyện ngắn hay


Cách đây gần hai năm, tôi nhận được một lá thư từ thành phố Canberra nước Úc. Thư của cô bé Tóc Tiên đang học lớp 12, muốn gia nhập vào gia đình Áo Trắng. Tôi buồn cười nghĩ, ở mãi tận nước Úc xa xôi làm sao sinh hoạt chung với nhau được mà gia nhập GÐAT! Nhưng để an ủi em, tôi viết thư trả lời: Em đã tìm đọc được tuyển tập Áo Trắng ở Úc, vậy em đã xứng đáng trong đại GÐAT. Tháng sau, tôi nhận được một bài tùy bút viết về học sinh Việt Nam ở Úc, dưới ký tên: Tóc Tiên (GÐAT Canberra-Australia). Ðọc dòng chữ ấy, tôi bỗng ước mơ mình mọc cánh bay sang Úc gặp gỡ GĐAT Canberra. Có lẽ "ước" nhằm giờ "linh" nên tôi đã "mơ" thật...
oOo
Sáng ngày 2 tháng 2 (nhằm mùng 6 Tết Mậu Thân), vừa bước vào phòng làm việc buổi đầu năm ở cơ quan, tôi nhận được cú điện thoại có giọng nói lơ lớ:
- Chào ông. Em là thành viên GÐAT Canberra. Phi cơ đang quá cảnh ở Singapore và sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ. Ông có thể đến đón em?
- Nhưng tôi đâu biết em là ai mà đón?
- Dễ thôi. Ông nhìn thấy ai mặc áo pull trắng có dòng chữ Tiên trước ngực, đó là em. Người trong "gia đình" mà. Rồi ông cũng nhận ra em thôi.
- Ðược rồi, tôi sẽ đi đón em.
- Cám ơn ông. Chúc ông đầu năm đừng nhăn nhó. Xui lắm!
Tôi nghe có tiếng cười rồi tiếng cúp máy. Quả thật tôi đang rất "nhăn nhó". Chiều nay tôi được mời ăn tân niên ở nhà một người bạn. Vậy là mất toi một chầu nhậu chỉ vì một người trong "gia đình" mà mình chưa bao giờ gặp mặt.
Ðúng 16 giờ, tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nhìn tấm bảng điện báo hiệu, tôi biết chuyến bay từ Singapore đáp xuống TSN. Một đám đông đứng sát hàng rào sắt, cách cửa kính 2 mét, để nhận diện người thân đang làm thủ tục hải quan. Một số người đã đưa tay vẫy mừng rỡ khi nhận ra người thân. Chẳng biết mặt mũi Tóc Tiên như thế nào, tôi đành "đón lõng" em ở cuối con đường mà mọi hành khách đến phải đi qua để ra ngoài.
Nhiều hành khách đẩy những xe chở đầy hành lý đi qua. Rồi một cô gái đeo kính đen, tóc màu nâu, vai đeo ba lô, tay xách túi hành lý đang đi tới. Em mặc áo gió màu xanh không kéo dây khóa, để lộ chiếc áo pull trắng có chữ TIEN ở ngực. Tôi gọi: Tóc Tiên! Cô gái vẫn thản nhiên đi qua. Tôi vội bước theo và vỗ vai em hỏi:
- Xin lỗi, em có phải là Tóc Tiên?
Cô gái dừng lại, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi mỉm cười, nói:

- Chào ông Du.
Tôi xua tay:
- Thôi về đến Việt Nam rồi, em nói tiếng Việt đi. Ðừng nói tiếng Anh "You, I", tôi không hiểu.
- Em đâu có nói tiếng Anh. Trông ông giống du đãng quá nên em gọi tắt ông là ông Du cho... lịch sự!
Biết nói sao cho em hiểu? Ngay khi chào đời, tôi đã được trời ban cho một dấu "x" như cái sẹo ở gò má trái. (Ðấy là lý do tôi luôn luôn chụp hình nghiêng về phía bên phải). Chứ đâu phải tôi là dân "xã hội đen". Ðể khỏi thanh minh rắc rối, tôi hỏi:
- Bộ bên Úc người ta thích gọi tên tắt hả?
- Ðúng vậy. Bên Úc họ quen gọi em là Ti-en, nên khi ông gọi Tóc Tiên em cứ nghĩ ông gọi một người khác.
- Bây giờ em về đâu, tôi chở em đi?
- Biên Hòa.
- Trời!
- Còn Tết mà, ông đừng "nhăn nhó". Xui lắm!
- Tôi đâu có "nhăn nhó". Tôi đang "cười" đây nè.
- Vậy ông bị lão hóa rồi. Nụ cười của ông đầy nếp nhăn.
Trên xa lộ chạy về Biên Hòa, Tóc Tiên đã kể cho tôi nghe lý lịch trích ngang của em. Trước kia gia đình em sống ở Biên Hòa. Năm 10 tuổi, em theo gia đình qua Úc. Em ở Úc đã được 10 năm, hiện là sinh viên năm nhất khoa Marketing. Cách đây 4 năm, em đã về VN với mẹ ở 1 tháng. Thời gian đó em đã được đọc Áo Trắng. Sau em về Úc, bạn bè ở VN hàng tháng gửi AT qua tặng.

Tôi giữ vững tay lái Honda, ngó thẳng về phía trước, hỏi:
- Bên Úc có những tuyển tập thơ văn giống Áo Trắng không?
Em ngồi sau (ngó đi đâu, tôi không biết), đáp:
- Cũng có những tạp chí dành cho Teen-Age, nhưng họ thường đăng những bài về Mode, Music, Sport, Travel, Sex... chứ không có đăng thơ văn.
- Có phải em đã nhuộm tóc màu nâu theo mode?
- Ðâu có. Tại bên Úc bị nạn cháy rừng và tóc em đã bị lửa táp đó.
Tôi bật cười khiến tay lái loạng quạng, suýt tông vào chiếc xe Vespa chạy kế bên. Nhỏ này nói "dóc" cũng có trình độ bằng C.
- Sao em không về quê vào dịp đón giao thừa?
- Lúc đó em còn bận thi lên năm hai. Chuyến này em về một mình vì mọi người trong gia đình đang bận đi làm. Em về thăm ngoại vì nghe tin ngoại bệnh nặng. Ðáng lẽ bà dì đi đón em, nhưng dì vừa theo chồng ra Hà Nội làm ăn. Em có thể đi taxi, nhưng nghĩ thử xem GĐAT có thật sự giúp đỡ lẫn nhau như thường đăng trên báo không, nên em đã gọi điện thoại cho ông.
Nhà ngoại em ở Cù lao phố. Nơi đây chưa xây dựng nhiều nhà mới và cũng chưa mở nhiều đường mới nên em còn nhớ đường cũ, chỉ tôi chạy thẳng về nhà ngoại. Ðấy là một ngôi nhà ngói nằm sát bờ sông. Trong vườn đầy những cây xoài, mít, ổi và hàng rào leo đầy cây lá mơ chắc để "chuyên trị" thịt chó.
Nghe tiếng xe gắn máy nổ trước sân, một người trong nhà chạy ra nhìn rồi chạy vào dìu bà ngoại tóc bạc trắng bước ra. Tóc Tiên mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy ngoại. Một lúc sau bà ngoại nói:
- Con mời ông xe thồ vào nhà uống nước. Ðể ngoại trả tiền cho, con đâu có tiền Việt. Tóc Tiên đến bên tôi, nói:
- Ông đừng buồn nghe. Ngoại em mắt yếu mà. Mời ông vào nhà uống nước.

Tôi cười nói:
- Cám ơn. Tôi có việc phải đi về trước khi trời tối. Khi nào lên Sài Gòn, em điện thoại cho tôi biết đến chở em đi chơi. Ðồng ý?
Em gật đầu cười. Tôi phóng xe chạy về mà lòng buồn rười rượi. Không phải vì tiếc đã chạy xe tốn 4 lít xăng, mà vì "giống ông xe thồ". Không hiểu sao tôi luôn luôn giống một người nào đó mà không "giống mình"? Ðã có người nhận lầm tôi là ca sĩ Quang Lý, danh thủ bóng đá Sinh... rồi bắt tay làm quen! Giống những người nổi tiếng thật sung sướng vì thành quả tốt đẹp của họ, tôi được hưởng mà chẳng tốn giọt mồ hôi nào. Ðồng thời cũng thật chua xót, khi thấy người ta "vỡ mộng" vì biết tôi không phải là những người nổi tiếng đó. Nhưng riêng với Tóc Tiên, tôi vái trời cho em sớm bị vỡ mộng khi nghĩ tôi giống... du đãng!
Năm ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Tóc Tiên nhắn đón em lúc 8 giờ ở bến xe miền Ðông. Em sẽ đi xe đò từ Biên Hòa lên Sài Gòn.
Tôi đã chở em đi khắp nơi để em biết những đổi thay ở Sài Gòn. Buổi trưa tôi mời em đi ăn ở nhà hàng Ðại Dương, tôi muốn đãi em những món ăn hải sản vì ở nước ngoài những món ăn này giá rất đắt.
Em mở tờ thực đơn ra đọc và hỏi:
- Chuột đồng nướng lá cách là món gì vậy ông?
- Em đã ăn chuột túi Kangaroo ở Úc chưa?
- Em ăn rồi. Món đặc sản của Úc mà.
- Chuột đồng này cũng là món đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long.
Khi đĩa chuột nướng lá cách được dọn lên, em gắp một miếng quan sát kỹ rồi bỏ vào miệng nhai, xong uống một ngụm bia. Tôi hỏi:
- Em thấy chuột đồng ở Việt Nam và chuột túi ở Úc con nào ăn ngon hơn?
- Chuột đồng ngon hơn nhiều!
- Em không nịnh "món ăn quê hương" chứ?
- Thật mà. Thịt Kangaroo ở Úc bán giá 1 ký là 20 đô Úc. Còn thịt chuột đồng ở đây, em ăn đâu phải trả tiền.
- Nếu em còn thời gian ở đây, tôi sẽ dẫn em xuống Cần Thơ ăn các món đặc sản như lẩu mắm, thịt trâu nấu hèm, cá lóc nướng trui... Ăn ở ngay địa phương đó mới thấy chúng ngon tuyệt vời.

- Tiếc quá! 17 giờ chiều mai em phải bay về Úc rồi, không thể đi Cần Thơ được. Hy vọng vài năm nữa ra trường đi làm có tiền, em sẽ về VN nghỉ hè và theo ông đi tới các quán ăn ở Hà Nội, Huế.
- Lúc đó chân tay tôi đã run lập cập rồi, đi xa sao nổi!
- Ông đừng lo. Em sẽ giúp ông trẻ hóa mà.
- Bộ bên Úc có bán thuốc trẻ hóa à?
- Không phải. Gần đèn thì sáng. Gần em, ông thấy em ăn gì, ông ăn theo là trẻ ngay mà. Tôi bật cười và nói:
- Cám ơn "bài thuốc gia truyền" của em. Ðáp lại, tôi chỉ cho em một câu châm ngôn tiếng Anh để sống. Về Úc, em nói cho bạn bè nghe họ sẽ bái phục.
- Câu châm ngôn gì vậy?
- No-four-go. No là không, four là bốn, go là đi. Tổng hợp lại có nghĩa là "Vô tư đi!".
16 giờ 30 chiều hôm sau, tôi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình ngoại đã thuê taxi chở Tóc Tiên từ Cù lao phố lên đây. Ðợi em chia tay bà con xong, tôi đến bắt tay em và nói:
- Chúc em đi mạnh khỏe.
Em cười:
- Chúc ông Dễ ở lại mạnh khỏe.
- Em đừng hiểu lầm tôi. Tánh tôi không dễ dãi đâu.
- Em đâu có nói ông dễ dãi, em nói ông dễ ghét. Nhưng ông đừng buồn. No-four-go!
Tóc Tiên vào phòng cách ly để làm thủ tục hải quan. Ðứng phía sau cửa kính, em đưa tay vẫy vẫy. Tôi mà dễ ghét ư? Ðể phản đối, tôi mạnh dạn hôn lên tay mình rồi đưa tay vẫy vẫy, để cho em biết tôi cũng có người thương tôi và vừa hôn tôi. Ti-en cũng hôn lên tay em rồi đưa lên vẫy vẫy chào tôi. Chúa ơi! Em lại hiểu lầm tôi rồi! Tôi đâu muốn gởi tặng em một nụ hôn gió để từ biệt. Tôi chỉ muốn... Một hành khách đẩy mạnh chiếc xe chở đầy hành lý vào người tôi, khiến tôi ngã nhào...
Tôi giật mình tỉnh dậy, mới biết mình vừa có một cuộc gặp gỡ trong mơ. Hèn chi, người ta luôn luôn hiểu lầm nhau trong mơ vì sự việc xảy ra không bao giờ có thật!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui