Tội Phạm


Thiệu Quân dựa vào La Cường, ngửa mặt nhìn bầu trời đầy sao, chậm rãi nói: “Lần trước anh đoán sai rồi, năm đó không phải ba tôi có người bên ngoài……mà là mẹ tôi có.”
La Cường nâng mi mắt nhìn người này, không nói chuyện, sợ nói sai thì lại làm tổn thương da mặt mỏng của nhóc con.
Thiệu Quân quay mặt qua chỗ khác, không cho La Cường thấy vẻ mặt khó chịu của mình.

Đã là một thằng đàn ông hơn hai mươi tuổi, là đàn ông thì đều có tự tôn, muốn có thể diện, nói loại chuyện như này với người bên ngoài, kể rằng mẹ ruột của mình hồng hạnh vượt tường(1), bất luận là thế nào thì Thiệu Quân cũng cảm thấy rất mất mặt.

Do bởi vì La Cường không ba không mẹ, xuất thân thấp hèn ở ngõ nhỏ, như vậy mới ngược lại làm y an tâm hơn.

Tính ra thì La Cường không thể so được với gia đình hiển hách của y, sự vượt trội hơn hẳn như vậy khiến cho Thiệu Quân sinh ra một loại khoái cảm như bất chấp tất cả mà ném bản thân mình vào một vào đống bùn nhơ nhớp.

Mấy năm nay y lăn lộn ở nhà tù Thanh Hà cũng chính là bởi vì như vậy.
Thiệu Quân là đứa con được cưng chiều nhất nhà.

Khi đó người thương y nhất chính là mẹ của y.
Đó là hồi ức tốt đẹp nhất khi còn thơ ấu của y, hiện giờ y vẫn còn cất giữ cuốn album quý giá ở trong phòng mình.

Trên ảnh chụp trắng đen, y đội mũ len, mặc chiếc áo khoác lớn, trong tay cầm một que chong chóng, vui sướng mà nhảy cẫng lên, y nắm tay mẹ mình, đi lên bậc thang cao cao tích tụ một tầng tuyết thật dày ở Thái Miếu.
Một gia đình như vậy, cũng không rõ được rốt cuộc là ai đã đánh vỡ hạnh phúc hòa thuận vốn có.
Mẹ Thiệu Quân tên là Cố Hiểu Ảnh, khi đó còn rất trẻ, xinh đẹp, từ nhỏ đến lớn đều sống trong nhung lụa, mọi người trong đại viện quân khu đều biết người đẹp này.

Cố Hiểu Ảnh mặc quân trang, đội mũ lính, đeo băng xà cạp bó chân(2), chụp ảnh với tư thế oai hùng xinh đẹp, những bức ảnh năm đó vẫn còn đang được trưng bày trong một tiệm ảnh lâu đời ở Bắc Kinh, là hình tượng nữ thanh niên xinh đẹp thời thượng nhất thời kì đó.
Cố Hiểu Ảnh được rất nhiều người theo đuổi, tính cách cực kì kiêu ngạo hiếu thắng.

Lúc đi học cô móc nối với các học sinh trung học Cảnh Sơn, Nguyệt Đàn, 121 gần đó, không đi học, lúc đó toàn thành phố khí thế hừng hực rung chuyển đổ ra đường theo phong trào, trong những năm tháng đầy biến động đó cô quen biết với Thiệu Quốc Cương.
Thực ra Thiệu Quốc Cương xuất thân từ giai cấp công nhân, trước kia cả nhà đều là công nhân bình thường tại nhà máy dệt số hai ở Bát Lý Trang, không có bất kỳ bối cảnh gì.


Cố Hiểu Ảnh đến với Thiệu Quốc Cương, người trong nhà đương nhiên là không đồng ý, nhưng lại không chịu nổi tính tình bướng bỉnh đại tiểu thư, ý chí kiên quyết, không vừa mắt lũ con nhà giàu mặc quân trang trong quân khu đại viện “Đội Chiến Xa” kia, lại cố tình thích chàng trai nghèo Thiệu Quốc Cương.
Năm tháng ấy, mọi học sinh hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia, nghỉ học bỏ học, lên núi xuống làng, chàng trai 18 tuổi Thiệu Quốc Cương trẻ trung mạnh mẽ tham gia xây dựng binh đoàn Đông Bắc, anh mặc áo khoác dài quân đội đứng giữa một trời băng tuyến bên sông Tùng Hoa, mặc thêm bốn lớp quần bông dài, đội mũ da trùm hai tai, trực ca đêm trong trạm canh gác, đào hố băng để câu cá hồi, lái máy kéo ở cánh đồng hoang vu của nông trường …… Đó là năm tháng dành riêng cho thế hệ người trẻ, những thanh xuân rực rỡ nhiệt huyết.
Ở Đông Bắc tàn khốc chịu gian khổ suốt 5 năm, mỗi năm Thiệu Quốc Cương đều nhận được bưu kiện Cố Hiểu Ảnh gửi từ Bắc Kinh đến, giữa hai người cũng từng có tình có nghĩa.
Đương nhiên, nếu không phải Thiệu Quốc Cương cưới vợ con nhà cán bộ cao cấp như vậy thì về sau cũng sẽ không thể một bước lên mây, con đường làm quan thăng chức không ngừng.
Dùng cách nói thời đó, ba Thiệu Quân giống như con phượng hoàng nam, mẹ Thiệu Quân là chim công nữ tiêu chuẩn.
Chàng trai nghèo Thiệu Quốc Cương này, xuất thân thấp hèn, nhưng dù sao cũng là một người đàn ông, tính cách vô cùng hiếu thắng, vừa thông minh vừa có năng lực, hơn nữa còn trẻ tuổi anh tuấn cao lớn rắn rỏi, rất có cá tính, không thì sao Cố Hiểu Ảnh lại để ý đến anh.
Sau khi anh được điều từ binh đoàn xây dựng về Bắc Kinh thì vẫn làm công nhân ở xưởng dệt số 2.

Lúc ấy người trong quân khu đại viện đều nói, con gái nhà bộ trưởng quả thực điên rồi, để người ta năm lần bảy lượt chê cười, sao lại có thể xem công nhân là đối tượng tương lai chứ? Về sau thằng nhóc này có thể có tiền đồ gì, mỗi tháng chỉ có hơn ba mươi đồng tiền lương còm, cả cái nhà bé như cái lồng chim bồ câu, định chuẩn bị cả đời dựa hơi cha vợ mà ăn cơm mềm(3) sao?
Con rể tương lai Thiệu Quốc Cương tới cửa thăm hỏi cha vợ, lúc ấy không biết hai bên nói chuyện cụ thể thế nào, cụ Cố cũng không nói lời nào quá đáng, nhưng hiển nhiên không chấp nhận anh con rể này.
Hai người kết hôn dưới áp lực, ảnh tân hôn là một bức ảnh đen trắng nhỏ chụp họ đứng cạnh nhau trong một tiệm chụp ảnh ở Bắc Kinh.
Thiệu Quốc Cương biết rõ gia đình cha vợ hoàn toàn coi thường anh, nhưng cố nhịn xuống, quyết tâm phải lăn lộn để trở nên thật nổi bật, phải làm cho những người năm đó trong quân khu đại viện bảo anh hèn mọn trèo cao nhìn anh ta bằng cặp mắt khác.

Năm 1977, có hơn 800 công nhân của Nhà máy dệt quốc gia số 1 và số 3 tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng tổng cộng lại chỉ có mười người bằng bản lĩnh của mình chen chân được vào ngưỡng cửa vàng, Thiệu Quốc Cương là một trong số đó, hơn nữa còn thi đậu vào một trong hai trường đại học có lịch sử lâu đời ở Bắc Kinh.

Đó là sự mở đầu cho chuỗi ngày thăng quan tiến chức nửa đời sau của Thiệu Quốc Cương.
Đều nói yêu nhau thì dễ nhưng sống với nhau thì khó, khi tình cảm mãnh liệt tuổi mười mấy của thanh xuân qua đi, những ngày sau sẽ toàn sống trong cuộc hôn nhân dài đằng đẵng vô vị, những mâu thuẫn lung tung vụn vặt giữa hai con người không bình đẳng và tương xứng dần dần lộ ra.
Thiệu Quốc Cương là người làm việc nghiêm túc cứng nhắc, tâm trí đều dồn hết cho sự nghiệp, bận rộn không về nhà, dần dần trong đầu cũng không để ý đến những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Nhưng mà Cố Hiểu Ảnh là một người phụ nữ, mang thai sinh con ở cữ, cô cũng cần sự chăm sóc dịu dàng của chồng mình.

Đàn ông sau khi cưới sẽ lạnh nhạt, vô tâm mà từ bỏ tình yêu, sẽ không lời ngon tiếng ngọt, cả ngày như thần long thấy đầu không thấy đuôi, mà người phụ nữ trong gia đình thì vẫn chìm đắm trong những viễn cảnh phi thực tế về tình cảm và hôn nhân, vẫn cứ “ra vẻ” tính tình tiểu thư, đã quen với sự cưng chiều của mọi người xung quanh, không cách nào thích ứng kịp với sự thay đổi bất ngờ.
Đặc biệt là Thiệu Quốc Cương vẫn duy trì thói quen sống thời thiếu niên, sinh hoạt cực kỳ cứng nhắc đơn giản, không thích tham dự vào vòng xã giao của tầng lớp trên, không thích nuôi chim chăm hoa thời thượng này kia, không hợp với bạn bè của Cố Hiểu Ảnh.

Còn Cố Hiểu Ảnh vẫn giống như đông đảo các cậu ấm cô chiêu con nhà cán bộ cao cấp ngày đó, tha thiết sự thời thượng, thích trang điểm, cố định mỗi tháng sẽ tổ chức party tại nhà một lần, mở vũ hội, bạn bè nam nữ giao lưu khiêu vũ, uống rượu vang, đây là nhóm người trẻ tuổi trong xã hội thượng lưu giàu có, xa hoa lãng phí nhất Kinh Thành vào thập niên 80.
Thiệu Quốc Cương hết lần này đến lần khác coi thường những thứ này, cũng không cùng lui tới trong vòng xã giao của vợ mình, dần dà, tình cảm hai vợ chồng có sự ngăn cách.
Cố Hiểu Ảnh và bên nhà chồng không có tiếng nói chung, cũng không có khả năng sẽ ở cùng với nhà chồng, đại đa số thời gian vẫn ở trong đại viện thủ trưởng gần đường Ngọc Tuyền, mỗi ngày đều ôm theo con trai ra ra vào vào, hai vợ chồng cứ ở riêng như vậy, ai về nhà nấy.

Việc con trai chết non là một cú sốc nặng đối với cô.

Vốn hôn nhân đã không hợp, vợ chồng còn không hòa thuận, tình cảm trống rỗng, cùng với chuyện của con trai đã khiến cô bùng nổ, tinh thần Cố Hiểu Ảnh vô cùng sa sút, mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng, gần như không có cách nào ra khỏi cửa, không thể gặp ai, trạng thái tinh thần xuống dốc không phanh.

Trong quân khu đại viện cũng có tin đồn nhảm nhí, cười nhạo cô năm đó không nên chọn thằng nhóc nghèo khổ kia, để rồi sinh ra đứa con bệnh tật còn chết non, hiện giờ thằng nhóc nghèo đã sớm trở nên nổi bật, không còn phải chịu sự uất ức hèn mọn như năm đó nữa, muốn xoay người làm chủ, hoàn toàn không đặt gia đình cha vợ vào mắt.
Cho đến khi có nhóc Quân Quân, cuộc sống của Cố Hiểu Ảnh mới đỡ hơn một chút.

Cô đặt toàn bộ tâm huyết vào đứa con trai cưng này, lấy tình cảm cho người chồng trao hết cho con trai mình.
Từ khi còn nhỏ Thiệu Quân ăn, mặc, chơi thứ gì cũng đều là thứ mới mẻ cao cấp được mẹ y nhờ bạn bè mang từ Hong Kong và nước ngoài về.
Nhóc Quân Quân là đứa trẻ ăn mặc đẹp nhất trong đại viện, đội chiếc mũ len Cashmere màu hồng với cục bông nhỏ gắn ở đỉnh mũ(4), mặc chiếc áo khoác lông thú giả màu vàng, giày da nhỏ đủ loại kiểu dáng.

Khuôn mặt nhóc hồng hào, tròng mắt đen bóng, cái miệng nhỏ như san hô đỏ, thông minh lanh lợi, toàn thân lộ ra khí chất cao quý, người gặp người thích, còn đẹp hơn cả bé gái.

Tủ quần áo của nhóc có quần jean, quần vải nỉ lông dê đủ loại kiểu dáng màu sắc dành cho trẻ em, còn có tủ chuyên đựng giày, có cả một trăm đôi giày nhỏ.

So với những đứa trẻ ở thập niên 80, có thể nói là cực kì xa xỉ, hạnh phúc.
Thời thơ ấu, nhóc Quân Quân đã từng ăn ở mọi nhà hàng nổi tiếng nhất Kinh Thành, hải sản ở Hồng Tân Lâu nơi cụ La làm việc, thật ra y cũng đã từng ăn qua.
Đương nhiên, mẹ thường dẫn y đến các tiệm cơm Tây nhất, ví như “Lão Mỗ” gần nhà triển lãm, đó là nhà hàng món Tây nổi tiếng nhất xa hoa nhất thời đó.
Nhà hàng Moscow năm đó có địa vị thế nào ở Kinh Thành? Nhà hàng sang trọng này đã chứng kiến thời kỳ “trăng mật’ Trung-Xô những năm 1950, là nơi lãnh đạo quốc gia mở tiệc chiêu đãi khách nước ngoài, là nơi chuyên dùng để xã giao của con cháu cán bộ.

Nhắc tới “Lão Mỗ”, khi đó người Bắc Kinh không ai không biết, một tháng tiền lương của nhà dân chúng bình thường cũng không thể nào ăn nổi.

Cách ăn uống của nhóc Quân Quân cũng tùy theo khẩu vị thời thượng của mẹ nhóc, thích ăn salad nga, súp bắp cải đỏ, kem trộn và thịt bò hầm đóng hộp, từ nhỏ đã được sống trong sự sang trọng, nuông chiều như thế.
Cũng may gia giáo nhà ông ngoại không tệ lắm, luôn quản lý nghiêm tác phong sinh hoạt, nên không đào tạo nhóc Quân Quân ra thành mấy loại hỗn thế bá vương như Lục Viêm Đông Lục thiếu gia năm đó.
La Cường nghe Thiệu Quân lải nhải nói mấy việc vặt thơ ấu, xoa xoa đầu Thiệu Quân, chọc y: “Rất có thể khi đó em đã ăn đồ của cha tôi làm nhỉ!.”

Thiệu Quân miễn cưỡng cười cười: “Tám mươi phần trăm là đã ăn đồ của cha anh làm rồi.

Cha anh có làm tôm hấp dầu, làm cá chép nhảy nồi đất không? Tôi thích ăn cái đó đó.”
La Cường như suy tư gì đó: “Sao khi đó bố lại chưa từng gặp em, không biết em nhỉ?”
Thiệu Quân trừng hắn một cái: “Khi đó tôi mới mấy tuổi hả? Anh quen tôi thì làm gì được tôi chứ?”
La Cường nhịn không được lộ ra một nụ cười: “Không cần biết em ba hay năm tuổi, bố thấy thì nhất định sẽ làm em ngay…… thích em như vậy mà.”
Thiệu Quân dần dần từng bước đến tuổi đi học, tiểu học thì học tại trường tiểu học Cảnh Sơn nơi tập trung của các con em quý tộc, đến cấp cơ sở và trung học thì đến học ở các trường trọng điểm.
Con trai lớn thì sẽ có bạn bè của mình, nhiều nhóm anh em nhỏ, thời gian vắng nhà càng ngày càng nhiều, cũng không còn thân thiết khăng khít với mẹ như trước nữa, việc này làm cho tinh thần mẹ Thiệu Quân một lần nữa lại rơi vào trống rỗng, bệnh trầm cảm đôi lúc phát tác, quan hệ vợ chồng càng thêm lạnh nhạt.

Thiệu Quân cũng nhớ không rõ từ lúc nào y đã cảm nhận được, bé trai choai choai không thích trao đổi nói ra hết với cha mẹ, nhưng tâm tư y mẫn cảm, có thể nhìn ra được mẹ y không giống với trước kia nữa, mẹ y đã có người khác ở bên ngoài ……
Thật ra khi đó, gia đình nhỏ này đã ở trên bờ vực tan rã, chỉ là duy trì mặt ngoài sống an ổn với nhau như không có việc gì, ba người trong cuộc có lẽ đều biết rõ tình hình bên trong, nhưng ai cũng không muốn là người đầu tiên đâm thủng tờ giấy mỏng manh trên cửa sổ ấy.

Cố Hiểu Ảnh thường xuyên ngẩn ngơ, Thiệu Quốc Cương bận rộn công việc, có lẽ bên ngoài cũng có vợ hai, Thiệu Quân bị kẹp giữa cha mẹ, tính tình càng ngày cũng trở nên càng bất thường, bắt đầu cố ý giấu giếm rất nhiều chuyện, không nói ra lời trong lòng cho bất cứ ai cả.
Ba mẹ giấu diếm lẫn nhau, Thiệu Quân giấu diếm cả hai bên, không nói gì hết.
Thiệu Quân nhìn La Cường nói: “Thật ra khi đó, tôi đã biết người đàn ông đó.”
La Cường hỏi: “Em biết người đó là ai?”
Thiệu Quân nói: “Tôi biết hết.

Nhưng tôi không hỏi mẹ, tôi cũng không nói cho ba biết, ông ngoại tôi nhất định vẫn luôn chẳng hay biết gì, nếu không nhất định ông cụ sẽ tức giận……”
Bạn của mẹ là một người đàn ông trẻ tuổi cao lớn anh tuấn, làm chức bí thư quan trọng trong thành ủy.

Mẹ Thiệu Quân chỉ cần một người để gửi gắm tinh thần, nên đã cùng người nọ lén thư từ qua lại, gặp mặt.
La Cường khôn khéo quan sát biểu cảm lộn xộn phức tạp của Thiệu Quân, có ý ám chỉ hỏi: “Em rất hận tên đàn ông đã phá hoại quan hệ của ba mẹ em đúng không? Cho nên em đã làm thịt tên đó?”
Đôi tay Thiệu Quân hơi hơi run lên một chút, giương mắt mờ mịt nhìn La Cường, môi ngập ngừng sau một lúc lâu mới nói: “Tôi không có…… Là ba tôi làm thịt tên đó.”
La Cường chợt híp mắt lại, hoàn toàn không tin: “Ý gì? Ba em?”
Hai mắt Thiệu Quân đăm đăm, rơi vào đau khổ không cách nào kiềm chế mà nhớ lại: “…… Tên đó bị người ta bắn chết.”
Hôm đó rốt cuộc La Cường cũng hiểu ra mấu chốt dẫn đến mối hận nhiều năm giữa hai cha con ruột này.
Năm đó chính mắt Thiệu Quân nhìn thấy tất cả mọi chuyện.
Người vợ kết tóc nhiều năm có người bên ngoài, Thiệu Quốc Cương là thằng đàn ông khôn khéo lại có lòng tự trọng cực mạnh như thế, thật sự trong lòng có thể nuốt xuống cơn tức này sao? Bị cắm sừng còn bấm bụng chịu đựng, vậy thì không phải là đàn ông.
Có một khoảng thời gian, tên bí thư ở thành ủy cũng sống không quá thoải mái, sau nhiều lần bị cấp trên điều tra, vướng vào một số vụ tranh giành nhân sự phức tạp cùng xung đột lợi ích thì phải chịu oan uổng thay lãnh đạo.


Trước kia người này cũng có chút không muốn người ta biết bối cảnh phức tạp của mình, từ tầng dưới chót lăn lộn đi lên ít nhiều cũng sẽ dính líu đến nhiều con đường, từ một cái tài xế bình thường lắc mình một cái lăn lộn biến thành lãnh đạo bí thư.

Cuối cùng sau lưng là ai ở thao túng, cũng không thể biết được.

Giờ phút quan trọng này, bí thư cùng đường nên nghĩ đến muốn xuất ngoại lẩn trốn.
Nhưng thế mà người này lại là một kẻ si tình, trước khi trốn đi còn muốn hẹn Cố Hiểu Ảnh ra gặp mặt.
Hôm đó cũng là trùng hợp, Thiệu Quân tan học từ trường học về, một bên vai đeo cặp sách, đi con xe đạp leo núi cực ngầu còn cực kì đẹp trai.
Mẹ y tiện đường ghé qua cổng trường chờ y.

Thiệu Quân nhớ rất rõ ràng, mẹ y mang cho y một món đồ chơi cao cấp, đó là một khẩu súng đồ chơi mô phỏng được người ta mang từ nước ngoài về, nó có kích thước nhỏ hơn trong quân đội, nhưng rất giống thật.

Thiệu Quân còn cầm ở trong tay mà khoe khoang với bạn học một lúc.
Thiệu Quân rõ ràng đã đạp xe đi được một đoạn đường, ma xui quỷ khiến thế nào mà lại lộn trở lại.
Y xuyên qua một ngõ nhỏ, vòng qua một trung tâm thương mại lớn phía sau trường rồi rẽ vào một con hẻm nhỏ.

Y cũng không biết mình muốn tìm cái gì, có thể là do trong lòng đang có nút thắt, bị đè nén bao năm.

Y quẹo vào con ngõ nhỏ bí ẩn kia, bạn mẹ y đang chần chừ chờ người dưới bờ tường, còn lo lắng mà nhìn khắp nơi xung quanh.
Giọng Thiệu Quân lúc tự thuật chuyện cũ vô cùng vấp váp: “Ngày đó là tôi tận mắt nhìn thấy, không còn ai khác ở đó, ông ấy bắn chết người.”
“Lúc ấy Tần Thành Giang cũng là bí thư Tần nhất định đang đợi mẹ tôi, ông ta đi tới đi lui trong hẻm nhỏ, chần chờ mãi, cứ như vậy chỉ một phút sau ……”
“Có một người đàn ông đi vào ngõ, trời bỗng nhiên tối xuống.

Người đàn ông kia mặc một bộ đồ màu đen, cái trán lộ ra ánh sáng đều là màu xám đậm, quả thực như là người từ trong địa ngục đi ra, tôi không thấy được mặt người đó…… Người đó đi đến trước mặt rồi nói một câu, tôi đoán đại khái là xác nhận “Mày là Tần Thành Giang sao?”, sau đó thì……”
“Bí thư Tần mờ mịt, giống như cũng muốn đánh lại, muốn tự vệ phản kháng, nhưng mà căn bản là không kịp.

Người đàn ông mặc bộ đồ đen kia, động tác còn nhanh hơn tia chớp, giơ tay cầm súng lên, nòng súng nhắm ngay đầu, nổ súng……”
==============
(1) Hồng hạnh vượt tường ý chỉ người phụ nữ đã có chồng nhưng còn ngoại tình
(2) Là dải vải chéo dài quấn kín ống chân; hoặc ống vải hở 2 đầu may sẵn, bao lấy ống chân hoặc ống quần cho gọn gàng để bảo vệ chân của nông dân làm ruộng nước, một số dân tộc miền rừng núi, lính xưa.(3) Ý chỉ những người đàn ông bám váy vợ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận