CHƯƠNG 3 - ATHENS GIỮA MÙA HÈ – LẦN ĐẦU CHẠY 26,2 DẶM
NGÀY 1 THÁNG CHÍN NĂM 2005 - KAUAI, HAWAII
Hôm qua là ngày cuối cùng của tháng Tám. Trong tháng này (ba mươi mốt ngày), tôi đã chạy được tổng cộng 217 dặm.
Tháng Sáu
156 dặm (36 dặm một tuần)
Tháng Bảy
186 dặm (43 dặm một tuần)
Tháng Tám
217 dặm (50 dặm một tuần)
Mục tiêu của tôi là cuộc đua Marathon New York vào ngày 6 tháng Mười một. Tôi đã phải thực hiện một số điều chỉnh để chuẩn bị cho nó; đến nay mọi chuyện đều ổn cả. Tôi đã bắt đầu lịch trình chạy cố định từ năm tháng trước đó, tăng dần cự ly chạy lên, từng bước một.
Thời tiết ở Kauai vào tháng Tám thật tuyệt vời, tôi không phải nghỉ chạy vì mưa dù chỉ một lần. Có mưa đi nữa thì chỉ là một cơn mưa rào dễ chịu làm mát dịu lại cơ thể đã trở nên nóng hừng hực. Thời tiết ở bờ Nam Kauai nói chung rất tốt vào mùa hè, nhưng hiếm mà có được thời tiết dễ chịu như thế kéo dài. Nhờ vậy, tôi có thể chạy bao nhiêu tùy thích. Tôi cảm thấy mình sung sức, vậy nên dù có tăng dần cự ly chạy, cơ thể tôi vẫn không phàn nàn. Ba tháng này tôi có thể chạy mà không đau đớn, không bị chấn thương và không cảm thấy quá mệt.
Cái nóng mùa hè cũng không làm tôi kiệt sức. Tôi không làm gì đặc biệt để tăng mức sinh lực của mình trong mùa hè cả. Tôi nghĩ điều duy nhất tôi đặc biệt làm là cố không uống quá nhiều nước lạnh. Và ăn nhiều trái cây với rau hơn. Nói đến thực phẩm, Hawaii là một nơi lý tưởng cho tôi sống vào mùa hè vì tôi có thể dễ dàng mua được rất nhiều trái cây tươi – xoài, đu đủ, bơ – ngay bên kia đường theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, tôi không ăn mấy thứ này chỉ để phòng ngừa cái tình trạng uể oải trong mùa hè, mà chẳng qua vì cơ thể tôi tự nhiên thèm. Vận động mỗi ngày giúp ta nghe thấy tiếng nói bên trong ấy dễ dàng hơn.
Một cách nữa để tôi giữ ình khỏe mạnh là tranh thủ chợp mắt. Tôi thực tình rất hay ngủ trưa. Bình thường thì tôi cảm thấy buồn ngủ ngay sau bữa ăn trưa, thả mình xuống ghế sofa, thiu thiu ngủ. Ba mươi phút sau tôi trở nên tỉnh như sáo. Ngay khi tỉnh dậy, cơ thể tôi không còn uể oải nữa và đầu óc hoàn toàn minh mẫn. Đây là cái mà ở Nam Âu người ta gọi là ngủ trưa. Tôi cho là mình đã học được thói quen này hồi sống ở Ý, song cũng có lẽ tôi nhớ nhầm, vì tôi luôn thích chợp mắt. Dù sao, tôi là kiểu người một khi đã cảm thấy buồn ngủ thì có thể ngủ ngon lành ở bất cứ đâu. Dứt khoát là một cái khiếu có ích cần có nếu ta muốn khỏe mạnh, nhưng vấn đề là đôi khi tôi lại ngủ thiếp đi vào những tình huống lẽ ra không nên.
Tôi cũng giảm được vài cân, khuôn mặt tôi trông săn chắc hơn. Thật là một cảm giác dễ chịu khi thấy cơ thể mình trải qua những thay đổi này. Dù chúng dứt khoát là không diễn ra nhanh như khi tôi còn trẻ. Những thay đổi thường chỉ mất một tháng rưỡi thì nay mất đến ba tháng. Khối lượng tập luyện tôi thực hiện đang giảm sút, hiệu suất của cả quá trình cũng giảm sút, nhưng biết làm sao được? Tôi đành phải chấp nhận thôi, bằng lòng với cái mình có thể có được. Một trong những thực tế của cuộc sống. Hơn nữa, tôi không nghĩ là ta phải đánh giá giá trị đời mình ở chỗ nó hiệu quả thế nào. Phòng thể dục nơi tôi tập luyện ở Tokyo có một tấm áp phích ghi, “Cơ bắp khó có và dễ mất.” Một thực tế đau lòng nhưng dù sao vẫn là thực tế.
Tháng Tám đã vẫy chào tạm biệt như thế đó (quả là rất giống như nó vẫy tay chào), tháng Chín đến, và cách tập luyện của tôi đã trải qua một chuyển biến nữa. Trong ba tháng nay, về cơ bản thì tôi đã cố tích lũy cự ly, không lo nghĩ về bất cứ gì, chỉ kiên trì tăng tốc độ và chạy hết sức mình. Điều này giúp tôi tăng cường sức khỏe tổng quát: tôi có sức chịu đựng dẻo dai hơn, hình thành các cơ, thúc đẩy mình cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là để cho cơ thể tôi biết một cách rõ ràng, dứt khoát rằng chạy nhiều đến như thế là chuyện bình thường. Khi nói để cho nó biết một cách rõ ràng và dứt khoát là tôi đang nói theo nghĩa bóng, dĩ nhiên. Dù ta có ra lệnh cho cơ thể ta thực hiện chừng nào chăng nữa thì cũng đừng có trông mong nó nghe lời ngay lập tức. Cơ thể là một hệ thống cực kỳ thực tiễn. Ta phải để nó kinh qua cái đau ngắt quãng theo thời gian, rồi thì cơ thể sẽ hiểu được vấn đề. Kết quả là, nó sẽ vui vẻ chấp nhận (mà cũng có thể không) khối lượng tập luyện tăng lên mà nó buộc phải làm. Sau đó, ta hết sức từ từ nâng khối lượng tập luyện lên mức cao hơn. Làm việc đó từ từ là điều rất quan trọng, để ta không bị vắt kiệt.
Vì giờ đã là tháng Chín và chỉ còn hai tháng nữa thôi là đến cuộc đua, việc luyện tập của tôi bước vào giai đoạn tinh. Qua tập luyện tinh – lúc lâu, lúc mau, khi nhẹ, khi nặng – tôi đang chuyển từ lượng tập luyện sang chất. Mục tiêu là đạt đến tận cùng tình trạng mệt lử khoảng một tháng trước cuộc đua, vậy nên đây là một giai đoạn quyết định. Để tiến bộ, tôi phải lắng nghe rất kỹ những phản hồi từ cơ thể mình.
Tháng Tám tôi đã có thể ở yên một nơi, Kauai, và tập luyện, nhưng tháng Chín tôi sẽ phải thực hiện ít chuyến đi dài, trở về Nhật rồi từ Nhật đi Boston. Ở Nhật tôi sẽ bận rộn đến độ không thể tập trung vào chạy bộ như trước. Dù sao, tôi có thể bù lại việc không chạy nhiều được như thế bằng cách thiết lập một chương trình tập luyện hiệu quả hơn.
Tôi thực tình không thích đề cập đến chuyện này – tôi muốn giấu phứt nó ra sau tủ hơn – nhưng lần gần đây nhất tôi chạy cuộc marathon trọn vẹn thì thật tệ hại. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc đua, nhưng chưa từng có cuộc đua nào kết cục lại tệ hại thế.
Cuộc đua này diễn ra ở quận Chiba. Cho đến chừng dặm thứ mười tám thì tôi vẫn đang tiếp tục khá nhanh, và tôi chắc chắn là mình đã chạy với một thời gian kha khá. Tôi vẫn còn sung sức, vậy nên tôi tin chắc mình có thể kết thúc chặng đua còn lại mà không gặp khó khăn gì. Nhưng đúng lúc tôi đang nghĩ vậy thì hai chân tôi đột nhiên không nghe lời nữa. Chúng bắt đầu bị chuột rút, và tình trạng đó trở nên tồi tệ đến độ tôi không chạy được nữa. Tôi cố duỗi nhưng chỗ sau bắp đùi tôi không ngừng giật, và cuối cùng co quắp thành một cái u kì cục. Tôi thậm chí còn không đứng dậy được, thế là tôi ngồi xổm xuống bên đường lúc nào không hay. Tôi đã từng bị chuột rút trong các cuộc đua khác, nhưng chỉ cần duỗi người một chốc, chỉ cần chừng năm phút là đủ để cơ bắp trở lại bình thường và tôi trở lại đường đua. Nhưng giờ thì dù có bao nhiêu thời gian trôi qua đi nữa, cơn chuột rút cũng không hết. Có lúc tôi cứ tưởng đã khá hơn rồi và lại bắt đầu chạy, nhưng y như rằng chứng chuột rút quay trở lại. Vậy nên chừng ba dặm cuối tôi phải cuốc bộ. Đây là lần đầu tiên tôi cuốc bộ trong cuộc đua marathon thay vì chạy. Cho đến lúc đó tôi vẫn tự hào rằng dù mọi chuyện có trở nên khó khăn thế nào chăng nữa tôi cũng chưa bao giờ cuốc bộ. Suy cho cùng, marathon là chạy, đâu phải là đi bộ. Nhưng trong cuộc đua đó, ngay cả cuốc bộ cũng là cả một vấn đề. Trong đầu tôi đôi lần xuất hiện cái ư nghĩ chắc ḿnh nên bỏ cuộc và đi nhờ một trong mấy chiếc xe buýt chạy tuyến ngắn dành cho sự kiện này. Dù gì thì thời gian chạy của mình cũng sẽ rất tệ, tôi nghĩ, vậy sao không đầu hàng đi cho rồi? Nhưng bỏ cuộc là điều tôi không bao giờ muốn làm. Tôi có thể phải bò, nhưng tôi sẽ cán đích bằng chính hơi sức của mình.
Những người chạy khác cứ vượt qua tôi, mà tôi thì vẫn tiếp tục khập khiễng, nhăn nhó vì đau. Mấy con số nơi cái đồng hồ điện tử của tôi cứ tàn nhẫn đếm thời gian. Gió từ biển thổi vào, mồ hôi trên áo tôi trở nên lạnh, nghe giá buốt. Suy cho cùng thì đây là cuộc đua mùa đông. Bạn nên tin là khi ta tập tễnh dọc đường trong làn gió quất qua mà ta chỉ mặc mỗi cái áo thun tay cánh và quần sóc thì lạnh lắm. Cơ thể ta ấm lên đáng kể khi ta chạy, ta không cảm thấy lạnh; tôi bị sốc khi thấy hễ ngừng chạy là lại lạnh đến thế nào. Nhưng điều tôi cảm thấy nhiều hơn cái lạnh là lòng tự trọng bị tổn thương, trông tôi mới đáng thương làm sao khi khập khiễng trên đường đua marathon. Cách đích chừng một dặm thì cơn chuột rút cuối cùng cũng dịu đi và tôi có thể chạy trở lại. Tôi tập tễnh chạy từ từ một lúc cho đến khi khỏe lại, rồi cố hết sức phóng nhanh ở đoạn cuối. Dẫu thế, thời gian của tôi quả là tệ, tôi đã thấy trước thế rồi.
Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ. Ngắn gọn thế thôi. Không đủ rèn luyện tổng quát, cộng với không chịu giảm cân. Vô tình, tôi đã nuôi một kiểu thái độ ngạo mạn, tin chắc rằng chỉ một lượng tập luyện kha khá là đủ để tôi làm tốt rồi. Bức tường phân cách giữa tự tin đúng đắn và kiêu hãnh vô căn cứ khá là mong manh. Khi tôi còn trẻ, có lẽ là một khối lượng tập luyện tàm tạm là đủ để tôi chạy một cuộc đua marathon. Không ép mình tập luyện thì tôi cũng đã có thể trông cậy vào sức lực mình tích lũy được để vượt qua và chạy với quãng thời gian khá. Đáng buồn là, dù sao, tôi không còn trẻ nữa. Tôi đang đến cái tuổi khi ta thực sự chỉ có được cái mà ta đã trả giá.
Khi ở trên đường đua lúc ấy, tôi cảm thấy mình không bao giờ muốn trải qua chuyện đó lần nữa. Lạnh cóng đít và thấy mình thật thảm thương ư? Không, mình sẽ qua được. Ngay lúc đó và tại đó tôi đã quyết định rằng trước cuộc đua marathon kế tiếp tôi sẽ quay lại với những khái niệm cơ bản, bắt đầu lại từ đầu, cố hết sức mình. Tập luyện kỹ càng và khám phá lại cái mình có khả năng về mặt thể chất. Siết chặt lại những ốc vít lỏng, từng cái một. Làm tất cả rồi xem mọi chuyện sẽ ra sao. Đây là những suy nghĩ của tôi khi tôi lê hai chân chuột rút trong gió lạnh cắt da, từng người chạy đua một vượt lên tôi.
Như tôi đã nói, tôi không phải là kiểu người tranh đua gì mấy. Trong chừng mực nào đó, tôi nghĩ đôi khi khó mà tránh được thất bại. Không ai thắng mãi. Trên đường đời, ta không thể lúc nào cũng chạy trên làn xe chạy nhanh. Dẫu vậy, dứt khoát là tôi không muốn cứ lặp lại sai lầm mãi. Tốt nhất là học hỏi từ sai lầm của mình và áp dụng bài học đó lần tới đây. Khi mà tôi vẫn còn có khả năng để làm điều đó.
Đây có lẽ là lý do tại sao trong khi đang tập luyện cho cuộc đua marathon kế tiếp của mình - Marathon New York - thì tôi cũng đang viết cuốn sách này. Dần dần tôi nhớ lại mọi chuyện đã xảy ra khi tôi mới bắt đầu chạy hơn hai mươi năm về trước. Hồi tưởng những kỷ niệm của mình, đọc lại cuốn nhật ký vắn tắt mình đã ghi chép (tôi chưa bao giờ có thể ghi nhật ký đều đặn trong một thời gian dài, nhưng cuốn nhật ký chạy bộ thì tôi lại chung thủy giữ gìn) và viết nó lại thành dạng tiểu luận, giúp tôi xem xét lại con đường mình đã đi và khám phá lại những cảm nhận mình có hồi đó. Tôi làm điều này để vừa nhắc nhở vừa động viên mình. Nó cũng có ý nghĩa như tiếng gọi báo thức cho cái động cơ thúc đẩy mà, vào một giai đoạn nào đó, đã ngủ yên. Nói cách khác, tôi viết để sắp xếp những ý nghĩ của mình vào một kiểu trật tự nào đó. Và giờ nghĩ lại - suy cho cùng thì luôn là nghĩ lại - đây hóa ra cũng có thể là một kiểu tự truyện tập trung vào hành động chạy bộ.
Điều đó không có nghĩa rằng cái làm tôi bận tâm lúc này là viết một tiểu sử bản thân. Tôi nghĩ nhiều hơn đến vấn đề cụ thể là làm sao để về đích Marathon New York trong hai tháng nữa, với một thời gian khá hơn mong đợi. Nhiệm vụ chính trước mắt tôi giờ đây là tập luyện ra sao để hoàn thành điều đó.
Ngày 25 tháng Tám, tạp chí Runner’s World của Mỹ đến chụp hình tôi. Một nhiếp ảnh gia trẻ tên là Greg bay từ California tới và dành cả một ngày chụp ảnh tôi. Một anh chàng nhiệt tình, anh ta đã mang bằng đường máy bay cơ man nào là thiết bị cả một chặng đường đến tận Kauai. Tờ tạp chí đã phỏng vấn tôi trước rồi, mấy tấm hình này là để đi kèm bài phỏng vấn. Rõ ràng là chẳng có mấy tiểu thuyết gia chạy marathon (cũng có một số, dĩ nhiên, nhưng không nhiều), và tờ tạp chí quan tâm đến cuộc đời của tôi như là một “Tiểu thuyết gia chạy bộ”. Tờ Runner’s Worldlà một tạp chí nổi tiếng trong giới người chạy đua Mỹ, vậy nên tôi hình dung sẽ có rất nhiều người chạy đua chào đón mình khi tôi đến New York. Chuyện đó khiến tôi còn căng thẳng hơn, tôi nghĩ bụng tốt nhất đừng làm gì tệ hại trong cuộc đua marathon đấy.
Ta hãy trở lại năm 1983. Bấy giờ là một thời đại hoài niệm, cái thời mà ban nhạc Duran Duran, Hall và Oates đang cho ra ào ào các tác phẩm được ưa chuộng nhất.
Tháng Bảy năm đó tôi đến Hy Lạp và một mình chạy từ Athens đến thị trấn Marathon. Đây là hướng ngược lại với đường chạy người lính truyền tin trong trận đấu ngày xưa, xuất phát từ Marathon đến Athens. Tôi quyết định chạy ngược hướng vì tôi tình là mình có thể khởi hành từ Athens vào sáng sớm, trước giờ cao điểm (và trước khi không khí trở nên quá ô nhiễm), rời thành phố, thẳng tiến Marathon, điều này sẽ giúp tôi tránh được kẹt xe. Đây không phải là một cuộc đua chính thức và tôi chạy một mình, vậy nên dĩ nhiên là tôi không thể nào trông chờ ai chuyển hướng xe cộ sang đường khác ỗi mình tôi.
Sao tôi lại lặn lội đến Hy Lạp mà chạy hai mươi sáu dặm một mình? Tôi đã được một tờ tạp chí dành cho nam giới đề nghị du lịch đến Hy Lạp và viết một bài có minh họa về chuyến đi. Đây là một chuyến du lịch của giới truyền thông được tổ chức chính thức do Ủy ban Du lịch của chính phủ Hy Lạp tài trợ. Rất nhiều tạp chí khác cũng tài trợ chuyến đi này, bao gồm cả những chuyến tham quan hấp dẫn du khách điển hình như đến xem các tàn tích, một chuyến đi chơi trên biển Aegea, vân vân…, nhưng khi chuyện đó đã xong xuôi rồi thì tôi còn một vé khứ hồi và có thể ở lại bao lâu tùy ý làm gì tùy thích. Loại tour trọn gói này không làm tôi quan tâm, nhưng tôi lại thích cái ý tưởng được một mình sau đó. Hy Lạp là quê hương của đường chạy marathon khởi thủy, và tôi đang khát khao tận mắt nhìn thấy nó. Tôi cho là mình sẽ có thể một mình chạy ít nhất một phần đường đua. Đối với một người mới chạy bộ như tôi, chuyện này dứt khoát sẽ là một trải nghiệm lý thú.
Mà khoan, tôi nghĩ. Sao lại chỉ một phần? Sao không chạy hết cả quãng đường?
Khi tôi gợi ý điều này với các biên tập viên tờ tạp chí, họ thích cái ý tưởng ấy. Vậy là cuối cùng tôi đã chạy vòng marathon trọn vẹn đầu tiên của mình (hay gì đó gần như thế) lặng lẽ, một mình. Không đám đông, không dải băng ở vạch đích, không tiếng cổ vũ nồng nhiệt từ mọi người dọc đường. Chẳng có gì như vậy cả. Nhưng chuyện đó thì được thôi, vì đây là đường chạy marathon khởi thủy. Tôi còn có thể đòi hỏi gì hơn?
Thực ra, nếu ta chạy thẳng từ Athens đến Marathon thì đó không hẳn là chiều dài của một đường chạy marathon chính thức vốn được ấn định là 26,2 dặm. Nó thiếu đi chừng một dặm. Nhiều năm sau tôi mới biết được điều này, khi chạy trong một cuộc đua chính thức phỏng theo đường chạy nguyên thủy, xuất phát từ Marathon và kết thúc ở Athens. Như những ai xem cuộc chạy marathon trong Olympic Athens trên truyền hình đều biết, sau khi các vận động viên chạy đua rời Marathon, có một lúc họ rẽ trái vào một đường phụ, chạy ngang một số tàn tích không mấy nổi bật, rồi trở lại đường cái. Đó là cách họ bù cho đủ quãng đường. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã không biết điều này, nên cứ có cảm tưởng chạy thẳng từ Athens tới Marathon là đủ 26,2 dặm. Thực ra, nó chỉ có hai mươi lăm dặm. Nhưng ngay trong Athens tôi đã chạy vài vòng, và do cái đồng hồ đo cự ly trong xe hộ tống tôi cho thấy nó đã chạy được hai mươi sáu dặm, nên tôi cho là mình đã chạy được xấp xỉ một đường đua marathon trọn vẹn. Dù rằng đến giờ phút này thì chuyện đó cũng chẳng còn quan trọng lắm.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...