Mấy người ở Phó gia lâu năm không ai là không biết cái khóa bạc này, nghe thấy bảo trong bọc có món ấy thì hết sức kinh hãi, người nào người nấy âm thầm bàn ra tán vào với nhau.
Phó Ngọc Thanh thừa biết là không giấu nổi, đành khai thật với cha và anh cả, nhưng không dám nói thêm gì, chỉ bảo xin Mạnh Thanh, tạm nuôi nhờ ở nhà hắn.
Nhưng không ngờ mợ Tạ đã lén nói cho Phó Cảnh Viên từ lâu rồi, chuyện này ông đã biết trước, cho nên lần này lùm xùm như thế, ông cũng chỉ mở mắt nhắm mắt cho qua chứ chẳng nói gì.
Sau khi anh khai ra, Phó Cảnh Viên cũng chỉ mắng anh mấy câu vô thưởng vô phạt, muốn anh phải mau tìm con về.
Nhận được lá thư này, con tim đang treo ngược của mọi người cũng lơi lỏng được một chút.
Một ngàn đồng đối với Phó gia thì không thành vấn đề, nhưng phiền lại chính là bên chỗ đồn cảnh sát.
Trong nội thành Thượng Hải vốn chẳng thiếu gì phường lừa đảo, trẻ con mất cóc tìm về rất khó, đồn cảnh sát dạo này toàn thùng rỗng kêu to, nói thì rõ hay, nhưng đến lúc làm thì chẳng ra ngô ra khoai gì.
Song chuyện này quả thực quá tai tiếng.
Đứa trẻ bị mất tích là của Hòa Khí Quyền đại danh đỉnh đỉnh, hiện tại hắn không ở Thượng Hải, kẻ phạm tội lại là anh em của vợ lẽ, vợ cả thì vừa mới ly hôn chưa được bao lâu, ai mà biết được nội tình thế nào chứ? Hàn Cửu phát tiền cho các anh em ở quanh nhà máy hoa giấy, sau đó nhà Phó lại đăng báo giải thích, nói là bởi vì có tình cảm nồng hậu với nhà Mạnh, cho nên tình nguyện bỏ tiền ra tìm hai đứa trẻ của nhà Mạnh, báo ngày nào cũng đăng như chuyện lạ, quả thật muốn viết kiểu nào có ngay kiểu ấy.
Ở đồn cảnh sát ai cũng biết, nghe bảo có người đến đưa tin, bèn phái người qua vài lần, bảo tuyệt đối đừng có trao đổi với tên bắt cóc.
Khuyên không được thì còn phái cảnh sát chìm ở quanh quẩn nhà Mạnh và nhà Phó để theo dõi.
Nhà Phó lo sốt vó vì chuyện này, cực kỳ sợ chọc giận lũ kia, làm hại đến tính mạng của hai đứa trẻ, cho nên đã dặn dò người hầu trong nhà không được nhiều lời với đội tuần tra.
Tối nọ, chợt có một cuộc điện thoại gọi tới hỏi: “Ngài Phó, tiền đã chuẩn bị xong chưa?”
Người hầu nghe máy bèn cuống cuồng gọi Phó Ngọc Thanh, bên kia lập tức dập máy.
Lại gọi điện thoại đến cục điện thoại để tra, nhưng nối máy từ quán rượu ra ngoài cũng chẳng thấy có ai tìm ngài Phó cả.
Sau cuộc đó, Phó Ngọc Thanh bèn dọn thẳng vào thư phòng ở, sợ nhỡ mình lỡ mất, lại còn dặn dò cẩn thận tất cả người làm, bảo bọn họ cứ nghe máy thẳng, hỏi rõ gọi đến từ đâu là được.
Kết quả sau cuộc điện thoại ấy, ngày hôm sau không có tin gì nữa.
Phó Ngọc Thanh sống rất khổ sở ở Túc Châu, bây giờ thỉnh thoảng hẵng còn lên cơn đau dạ dày, lại bởi vì chuyện này mãi chẳng thấy có đầu mối gì nên tim hết lên rồi lại xuống, bệnh đau dạ dày phát tác càng nghiêm trọng.
Diệp Thúy Văn thấy anh đau trắng nhợt cả mặt, bèn tự mình xuống bếp nấu cháo cho anh, Phó Ngọc Thanh không thấy có điện thoại đến thì quả thực sốt sắng vô cùng, ăn cũng không vào nổi.
Anh đếm thử ngày, Mạnh Thanh sắp về rồi, nếu không tìm được đứa bé này thì anh lấy đâu ra mặt mũi để gặp Mạnh Thanh bây giờ?
Diệp Thúy Văn sợ trận bệnh này của anh kéo quá dài, bèn tự mình mời bác sĩ đến khám cho anh, nào ngờ bác sĩ vừa đến thì lại có điện thoại gọi đến, bảo anh lập tức gói một ngàn đồng vào bọc, một mình mang đến đặt dưới chân vị La Hán thứ mười sáu ở chùa Long Hoa.
Còn bảo anh đừng có mà có ý nghĩ manh động, nếu tiền đưa đủ thì khắc đứa nhỏ sẽ được trả về.
Phó Ngọc Thanh đọc xong thư rồi, sao có thể để tâm gì nữa, bèn tức tốc ra ngoài ngay, Diệp Thúy Văn không ngờ anh lại lớn gan đến vậy, rất sợ anh đi một mình lại gặp phải chuyện gì bất trắc, Phó Ngọc Thanh bảo: “Ở chùa thì có chuyện gì được chứ?” Diệp Thúy Văn vội kêu lên: “Có ai biết mặt cậu đâu? Cậu bảo một người làm đi là được rồi mà!”
Phó Ngọc Thanh nghĩ, họ Từ kia gặp mình rồi đấy, nhưng không kịp giải thích với mợ, thế là cứ tự mình xuống lầu tự mình đánh xe ra ngoài.
Diệp Thúy Văn không cản được anh, cuống đến phát khóc.
Phó Ngọc Thanh cũng hơi sợ thật, ai dè ở chùa Long Hoa lại đang có đại hội thủy bộ, trong chùa cơ man là người, chen vai nhau mà đi, chật vật mãi mới đặt được bọc tiền xuống dưới chân vị La Hán như trong thư nói, sau đó bị một người qua đụng một cái, ngẩng đầu lên thì đã chẳng thấy cái bọc đâu nữa.
Cả người Phó Ngọc Thanh toát mồ hôi lạnh, nhìn xung quanh cảm thấy ai cũng hơi khả nghi, nhưng cũng bó tay.
Kết quả đến lúc về nhà mới biết, ít lâu sau khi anh đi thì có người đặt hai cái giỏ xuống cạnh cửa.
Mới đầu người làm không để ý, sau đó nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở trong giỏ, mở ra xem mới biết là hai đứa bé, lúc bấy giờ mới vội vàng phái người đi mời người nhà Mạnh đến nhận về.
Đứa em trai có vẻ không bị cắt sữa nên trông tinh thần vẫn còn tốt, nhưng Đình Ngọc thì lại bị ốm, chắc là vì sợ nên cứ khóc liên tục.
Người làm bảo Phó Ngọc Thanh, trên người Đình Ngọc có vết cấu véo, Phó Ngọc Thanh giận điên người, nhưng chẳng thể làm gì hơn, chỉ có thể vội mời bác sĩ đến xem.
Bởi vì Phượng Bình đã ốm hỏng cả đầu, hai đứa bé này bèn tạm thời để cho nhà Phó nuôi, Phó Ngọc Thanh còn đặc biệt mời bà vú của nhà Mạnh đến chăm nom cho chúng nó.
Chuyện này cũng sai người đến báo cho Lạc Hồng Hoa, Lạc Hồng Hoa thở phào nhẹ nhõm, bèn vội vàng phái người đến khu vực gần chùa Long Hoa tìm, hy vọng có thể tóm được tên họ Từ kia, song giữa biển người mênh mông, chẳng còn tung tích.
Sáu ngày sau Mạnh Thanh về Thượng Hải, Phó Ngọc Thanh chần chừ mãi, cuối cùng vẫn dẫn Đỗ Hâm theo đến đón hắn.
Việc này đã bảo Lạc Hồng Hoa từ trước rồi, định mời nàng đi đón cùng, trên đường từ từ kể cho Mạnh Thanh, để tránh Mạnh Thanh không chịu nổi.
Lạc Hồng Hoa lại sai người hồi đáp rằng nàng đã ly hôn với Mạnh Thanh rồi, còn bảo chuyện này đều là do tam gia xuất lực, tam gia báo cho hắn vẫn là tốt nhất.
Ý tứ rõ ràng từ trong câu chữ, Phó Ngọc Thanh hết cách, đành gọi Đỗ Hâm đến bàn với cậu.
Anh vốn muốn nhờ Đỗ Hâm đi đón, nhưng Đỗ Hâm lại bảo: “Thiếu gia, chuyện này để cậu nói vẫn tốt hơn, cậu là bố của Đình Ngọc, dù gì cũng không giống những người khác.
Phượng Bình lại thành thế này rồi, không thể trông cậy vào cô ấy được.”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...