Đúng khi mà tôi tưởng rằng vụ án này sắp kết thúc thì A Dương gọi điện cho tôi, nói rằng Tòa soạn Nhật Báo lại “ăn thịt người”. Trời đất, một tòa nhà đẹp đẽ không có mồm, không có răng làm sao có thể ăn thịt người được? Vì A Dương không nói rõ trong điện thoại, nên tôi và Trăn Trăn lập tức chạy đến.
Lại là Tòa soạn Nhật Báo, lại là tầng thứ mười ba, lại là người nhà họ Lâm. Không lẽ tòa nhà này có oán thù với nhà họ Lâm? Sao lần nào xảy ra chuyện cũng có liên quan đến nhà họ Lâm như vậy? A Dương dẫn tôi tới hành lang, trên tường có một hình người được vẽ bằng nước xi măng, dựa vào chiều cao và hình dạng trên đó thì đúng là rất giống với Kỷ Tuyết Dung. Thế còn chuyện A Dương nói “tòa nhà ăn thịt người” là như thế nào?
“Hãy để những người chứng kiến nói cho anh biết chuyện là như thế nào, tôi nghe mà cũng thấy chẳng hiểu gì cả!” A Dương đẩy vấn đề của tôi sang cho nhân viên bảo vệ Hà Tịch.
“Đúng là rất đáng sợ!” Hà Tịch khẽ run lên, rồi sợ hãi kể cho chúng tôi nghe những điều đáng sợ mà cậu ta chứng kiến.
Lúc đó là giữa đêm, bỗng nhiên bà Lâm chạy vào phòng bảo vệ nói rằng có việc phải vào tòa soạn, rồi bảo chúng tôi đi cùng. Tôi định bảo Hoàng Vũ cùng đi, nhưng anh ấy đang nằm ngủ ở ghế, tôi cũng lay anh ấy mấy cái như mọi khi, nhưng anh ấy chỉ ậm ừ rồi lại tiếp tục ngủ, vì thế tôi đành cầm đèn pin một mình đưa bà Lâm lên.
Bà Lâm vừa lên đến nơi thì cứ gõ nhẹ vào các bức tường. Tôi hỏi bà ấy sao lại làm vậy, bà ấy nói muốn tìm con ma kia để nói cho rõ ràng, bảo nó đừng hại những người trong gia đình bà ấy nữa. Nghe bà ấy nói vậy, tôi cứ tròn cả mắt, tôi nghĩ không lẽ đầu óc bà ấy có vấn đề! Nhưng bà ấy là vợ của Tổng biên tập Lâm, còn tôi chỉ là một bảo vệ, miễn là bà ấy không làm loạn lên, còn tôi chẳng cần phải gây khó dễ cho bà ấy làm gì, nếu không bà ấy bảo ông Lâm sang kể tội tôi với bên quản lý thì tôi sẽ mất chỗ kiếm cơm. Mặc dù ông Lâm đã bị các anh bắt, nhưng biết đâu ông ấy lại được thả ra.
Tôi cứ đi sau lưng bà ấy như vậy, còn bà ấy thì cứ gõ vào các bức tường và gọi to: “Mau ra đây, tôi có điều này muốn nói với cô? Bà ấy gần như đi tới tất các góc của tầng nhà, nhưng vẫn không thấy con ma xuất hiện, cuối cùng bà ấy đi tới vị trí này, gõ lên tường mấy lần cũng vẫn không có phản ứng gì. Khi bà ấy đi tiếp được mấy bước thì bỗng nhiên trên tường xuất hiện một khuôn mặt phụ nữ.
Lúc đó tôi đi sau lưng bà ấy, bà ấy đi trước mấy bước nên không nhìn thấy sự xuất hiện của khuôn mặt phụ nữ, còn tôi thì lại nhìn thấy rất rõ khuôn mặt ấy “nổi lên” trên tường. Việc ấy giống như trên mặt nước bỗng nhiên nổi lên một khuôn mặt, có điều thay vào mặt nước là bức tường. Khuôn mặt của người phụ nữ vừa xuất hiện, tôi lập tức kêu lên vì sợ hãi, không chỉ vì sự việc đó quá bất ngờ mà vì trước đó tôi đã từng nhìn thấy nó, trong ca trực đêm đầu tiên tôi cũng bị khuôn mặt này làm cho sợ đến chết ngất.
May mà lần này tôi không sợ đến mức ấy, hơn nữa con ma ấy cũng không nhằm vào tôi. Bà Lâm nghe tiếng tôi kêu bèn quay đầu lại, khi bà ấy nhìn thấy khuôn mặt trên tường cũng giật nẩy mình lên, nhưng rồi bà ấy nhanh chóng định thần lại, giận dữ nói với khuôn mặt trên tường rằng: “vì sao cô cứ hãm hại người trong gia đình tôi, chúng tôi có lỗi gì với cô, sao cô lại cứ làm như vậy?!”
Khuôn mặt ấy... nói cách khác là con ma cái ấy đã cười rất rùng rợn, một lúc sau mới trả lời: “Chuyện này phải trách chồng bà, kẻ ngụy quân tử đê tiện!”
“Ông Lâm đã làm gì? Chuyện hồi ấy của cô chẳng có liên quan gì đến ông Lâm, chính chồng cô và công ty xây dựng mới là những người hại cô, chứ không phải ông ấy!” bà Lâm chống hai tay vào hông, nói rất gay gắt và đầy lí lẽ, nhưng tôi thấy người bà ấy đang run lên.
Khuôn mặt của con ma bỗng trở nên rất nham hiểm, cười độc ác và nói rằng: “Có thật không liên quan đến ông ta không? Đúng ra lúc đó ông ta có thể cứu tôi, khi ông ta đến phỏng vấn, tôi vẫn còn sống, còn cầu xin ông ta cứu tôi. Nếu ông ta kiên quyết giữ lập trường, cứ đưa chuyện của tôi lên báo chí thì người của công ty xây dựng có dám chôn sống tôi không? Nhưng ông ta đã lựa chọn việc đi ngược lại lương tâm, nhận phong bì của công ty xây dựng, coi như không nhìn thấy, không nghe thấy gì!”
“Cứ cho rằng lúc đó ông Lâm đã làm chuyện ngược với lương tâm của mình không cứu cô, nhưng người hại cô không phải là ông ấy người mà cô phải báo thù là người của công ty xây dựng, chứ sao lại cứ mang rắc rối đến cho chúng tôi?” Bà Lâm vẫn chống nạnh, song khí thế đã giảm đi, thân hình càng run dữ hơn.
“Nếu có cơ hội thì tôi cũng sẽ không bao giờ tha cho bọn khốn công ty xây dựng, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ dễ dàng bỏ qua cho nhà các người, tất cả những kẻ đã hại tôi sẽ không được chết tử tế!” Những tiếng gầm rùng rợn của con ma khiến tôi sợ đến mức suýt nữa thì tè ra quần.
Bà Lâm cũng bị nó làm cho khiếp sợ, bất giác lùi về sau mấy bước, không may bị trượt ngã, bà ấy ngồi dậy và nói bằng giọng run rẩy: “Cô, cô... rút cục là cô định như thế nào thì mới chịu buông tha cho chúng tôi?”
“Ha, ha...” Con ma bỗng đổi nét mặt vui tươi, hớn hở, “Muốn tôi tha cho các người cũng không khó, có điều có một điều kiện...”
“Điều kiện gì, chỉ cần cô chịu buông tha cho chúng tôi thì cái gì tôi cũng có thể cho cô.” Bà Lâm lập tức giãn mặt mày.
“Tôi muốn bà!” Giọng của con ma đột nhiên trở nên vô cùng đáng sợ.
“Cái gì... sao... cơ?” Bà Lâm run bần bật.
“Tôi chỉ có một mình nên rất cô đơn, nếu bà có thể ở bên tôi thì tôi sẽ tha cho các người. Ha, ha... có điều, bà cũng sẽ như tôi, mãi mãi bị giam cầm trong tòa nhà này.” Tiếng cười man rợn của con ma vang vọng khắp hành lang, nghe mà rợn người.
Bà Lâm do dự một hồi lâu, cuối cùng nghiến răng nhận lời: “Được, tôi nhận lời cô. Nhưng cha con ông Lâm đều đã bị bắt rồi, cô phải cứu họ ra giúp tôi thì mới được!”
“Chuyện ấy thì quá dễ, chàng trai...” Con ma bỗng nhìn tôi, tôi sợ đến nhũn cả hai chân, “cậu hãy nghe cho rõ đây, lát nữa cảnh sát đến, cậu hãy nói với bọn họ rằng hai người đàn ông ấy đều do ta giết. Nếu họ không tin, cậu hãy bảo bọn họ vào 0 giờ ngày mai hãy chờ ta ở đây, ta sẽ tự nói với họ.”
Con ma nói xong, không chờ tôi trả lời liền bảo bà Lâm đến bên. Còn bà Lâm thì giống như bị trúng tà, từ từ bước đến bức tường có con ma, đến khi bà ấy đối điện với con ma thì bỗng nhiên trên tường có một đôi bàn tay dính đầy xi măng chìa ra, chụp lấy thắt lưng bà ấy và ôm bà ấy vào trong bức tường. Còn bức tường thì giống như bị tan ra, bà ấy lập tức bị hút ngay vào đó. Một lát sau, trên bức tường chỉ còn lại một hình vẽ bằng xi măng có hình người...
Nghe xong những lời kể của Hà Tịch, tôi nhìn vào hình người trên tường, ngây ra một lúc. Không lẽ tất cả những chuyện này đều do ma quỷ làm? Ông trời ơi, vụ án này phải kết thúc như thế nào đây? Không thể vì để tóm con ma cái ấy mà dỡ bỏ cả tòa nhà phải không?
Dỡ cả tòa nhà là chuyện không thể, nhưng nếu để cho hung thủ vẫn nhởn nhơ bên ngoài pháp luật là điều tôi không thể tha thứ cho mình, và Tổ trưởng chắc cũng không chấp nhận. Xem ra, chỉ có thể đặt hi vọng vào buổi tối hôm nay, nếu con ma xuất hiện vào 0 giờ thật, thì tối nay rất có thể là cơ hội duy nhất để chúng tôi diệt trừ ma quỷ.
Bây giờ đang là buổi sáng, cách 0 giờ đêm còn khá xa, tất nhiên là tôi không thể lãng phí khoảng thời gian đó. Người xưa nói “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, tối hôm nay chúng tôi sẽ xua tà bắt quỷ hay là ma quỷ thanh toán hết chúng tôi, điều đó còn phải xem việc chúng tôi có chuẩn bị đầy đủ hay không, vì thế tôi cần phải tìm hiểu thật kĩ về con ma cái ấy trước khi vào việc. Mà muốn tìm hiểu về nó thì tất nhiên là phải bắt đầu từ Tổng Biên tập Lâm. Trước đây, Tổng Biên tập Lâm không hề nói gì đến việc ông ta đã tới hiện trường trước khi Trần Diễm bị chôn sống, ắt hẳn trong chuyện này có những điều cần phải giấu.
Một lần nữa chúng tôi lại đưa ông Lâm lên phòng thẩm vấn để hỏi. Trước khi hỏi, tôi nói cho ông ta biết chuyện vợ ông ta đã mất tích một cách bí hiểm.
“Gì cơ? Sao lại có thể như thế, sao lại có thể như thế được?” Có lẽ tin này rất sốc đối với ông ta, nên trong một lúc ông ta rất khó có thể chấp nhận được sự thật này, vì vậy mà tinh thần rất không ổn định.
“Tổng Biên tập Lâm, ông hãy bình tĩnh! Bà Lâm làm như vậy cũng là để cởi bỏ tội anh cho cha con ông, đề nghị ông hãy phối hợp với chúng tôi điều tra, đừng phụ lại tấm lòng của bà ấy. Hơn nữa, vụ án này còn liên quan đến cả con gái và con rể của ông nữa.” Để làm cho ông Lâm trấn tĩnh lại, tôi bèn nhắc ông ta, rằng ông ta vẫn còn có hai người thân đang bị tạm giữ.
Là người đã hơn răm mươi tuổi, ít nhiều cũng đã trải qua sóng gió cuộc đời, nên ông ta nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nhưng giọng nói thì vẫn rất ủ rũ: “Các anh muốn tôi phối hợp như thế nào?”
“Theo lời kể của người tận mắt chứng kiến, ông đã tới hiện trường trước khi Trần Diễm bị chôn sống, có chuyện đó không?” Tôi hỏi.
“Có lúc đó tôi là một phóng viên, sau khi nhận được thông tin bèn lập tức tới ngay hiện trường, khi tôi tới nơi Trần Diễm vẫn còn sống.” Bỗng nhiên ông ta cúi đầu xuống, giọng nói nhỏ dần.
“Vậy, tại sao lúc trước ông không nói với chúng tôi rằng hồi ấy ông đã có mặt tại hiện trường?” Lúc trước ông ta từng chủ động nói với chúng tôi về việc có người bị chôn sống, nhưng không hề nhắc gì đến việc mình đã có mặt ở hiện trường, điều này không khỏi khiến người ta thấy nghi ngờ.
“Vì chuyện này là một nỗi nhục đối với tôi...” Ông ta thở dài, rồi chầm chậm kể lại cho chúng tôi nghe tình hình cụ thể:
“Hồi ấy, tôi còn là một phóng viên, ngày nào cũng phải chạy đi lấy tin, sau khi nhận được điện thoại từ ủy ban nhân dân Thành phố cho biết thông tin này, tôi lập tức xuống ngay hiện trường, hi vọng sẽ có được những tư liệu đầu tiên.
Trong điện báo của ủy ban thành phố nói, có người rơi vào trong cột của công trường xây dựng và bị bê tông ở đó dính chặt lấy. Thế là tôi lập tức tới đó để phỏng vấn.
Khi tôi tới, người của công ty xây dựng đang thương lượng với Hoàng Kiệt là chồng của Trần Diễm về cách xử lý chuyện này. Hoàng Kiệt thì cứ một mực đòi hủy cái móng nhà để cứu người, còn phía công ty xây dựng thì không chịu, nên cứ liên tục gọi điện lên xin chỉ thị của cấp trên. Nhân lúc họ tranh luận, tôi vội chạy tới bên cạnh cột bê tông ấy để phỏng vấn Trần Diễm, cô ấy cứ một mực bảo tôi cứu cô ấy. Nhưng tôi chẳng có cách nào để cứu, đành an ủi cô ấy rằng, mọi người đang nghĩ cách, sẽ nhanh chóng cứu cô ấy ra.
Sau khi an ủi cô ấy một hồi, tôi bèn lấy máy ảnh ra đang định chụp mấy tấm ảnh để minh họa cho bài viết thì người của công ty xây dựng chạy tới cướp máy ảnh của tôi và lấy phim ra. Tôi nghe được qua những lời đối thoại của họ rằng, bọn họ định bồi thường hai trăm ngàn đồng cho Hoàng Kiệt để anh ta tự tay đổ thêm bê tông vào cột chôn sống Trần Diễm, còn anh ta thì hình như đã đồng ý.
Hồi ấy tôi còn trẻ, đang độ nhiệt huyết tràn đầy, vì thế đã gào to với những người ấy rằng: “Các người làm như vậy là mưu sát, là tội phải xử bắn!” Nhưng tôi vừa cất lời thì bọn họ lập tức xông vào đánh tôi một trận, cuối cùng tôi không có cách nào ngăn chặn được bi kịch xảy ra, trơ mắt nhìn Trần Diễm bị chính người chồng của mình chôn sống.
Mỗi một vẻ thể hiện của Trần Diễm trong quá trình bị chôn sống cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in, đó là vẻ mặt từ kinh ngạc đến hãi hùng, từ bất lực đến van xin, từ tuyệt vọng đến phẫn nộ... nhất là tiếng gầm trong khoảnh khắc cuối cùng của cô ấy, cô ấy nói, sau khi chết nhất định sẽ biến thành con ma để trả thù tất cả mọi người, trong đôi mắt cô ấy như có ngọn lửa, khuôn mặt càng trở nên đáng sợ vì sự phẫn nộ và oán hận, trông chẳng khác gì con quỷ từ địa ngục. Hình ảnh ấy cứ khắc sâu vào trong tâm trí tôi, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.
Sau khi chuyện xảy ra, công ty xây dựng cho tôi một chiếc phong bì, bảo tôi giữ kín chuyện này. Mặc dù tôi rất muốn đưa chuyện này lên báo chí để trả lại sự công bằng cho Trần Diễm, nhưng ông chủ công ty xây dựng có ô dù lớn trong chính quyền nên báo chí hoàn toàn không dám làm chuyện đó. Lúc ấy tôi mới thấm thía được sự bất lực của người làm nhà báo.
Kể từ sau chuyện đó, nhiệt huyết của tôi đối với công việc của nhà báo dần dần nguội lạnh hẳn, lương tri cũng mất dần theo. “Không gì lớn bằng chuyện chết người”, ấy thế mà đến cả chuyện ấy báo chí cũng không thể đưa tin, vậy thì còn có gì đáng để đưa lên nữa đâu? Ước mơ từ bé của tôi là một nhà báo thật giỏi, nhưng kể từ sau chuyện đó, công việc của một nhà báo với tôi chỉ còn là một công việc kiếm cơm nuôi gia đình mà thôi...”
“Sau khi chuyện xảy ra thì công ty xây dựng mới đưa phong bì cho ông chứ không phải là ngay lúc đó?” Nghe xong những lời thuật lại của ông Lâm, tôi phát hiện ra một vấn đề rất quan trọng.
“Lúc đo họ đánh tôi một trận rồi đuổi tôi về, sau đó thì thông qua tổng biên tập của tôi hồi ấy đưa phong bì cho tôi ở tòa soạn. Nếu họ đưa cho tôi ngay lúc đó thì không đời nào tôi nhận, nhưng tổng biên tập đã ra mặt, nếu tôi không nhận thì đúng là rất không nể mặt ông ấy.” Giọng của ông ta trở nên rất bất lực, có lẽ ông ta cảm thấy rất nhục nhã.
Khi nghe Hà Tịch kể về chuyện con ma xi măng, tôi cứ nghĩ rằng Tổng Biên tập Lâm đã nhận phong bì trước khi Trần Diễm bị chôn sống, nhưng thực ra ông ta đã nhận nó sau khi chuyện đã xảy ra, và địa điểm là ở ngoài phạm vi công trường. Nếu con ma xi măng là Trần Diễm thì sao nó lại có thể thần thông quảng đại đến vậy, chuyện gì cũng biết hết?
Bỗng nhiên tôi thấy hoài nghi với việc có hay không sự tồn tại thật sự của con ma xi măng, hơn nữa, vụ án này đúng là có rất nhiều điểm nghi vấn, có lẽ trong khi phân tích tình hình của vụ án, tôi đã luôn bỏ qua một nhân vật quan trọng, đó là Kỷ Tuyết Dung.
Vì sao Kỷ Tuyết Dung lại chạy tới tòa nhà Nhật Báo tìm con ma xi măng? Trước đó chỉ có hai người đã từng chạm mặt với con ma đó, tại sao bà ta lại khẳng định là mình có thể gọi con ma ấy ra được? Và vì sao bà ta lại muốn bảo vệ đi cùng? Là vì sợ hay là muốn có người chứng kiến?
Tôi biết một vài trò ảo thuật, biết được rằng nguyên lý chính của ảo thuật là lợi dụng cảm giác sai của mọi người. Ví dụ như trò ảo thuật mà tôi thường chơi là tìm một số đồ vật nhỏ như cái kẹo trên người của người khác. Thực ra, cái kẹo ấy luôn ở trong tay tôi, chỉ có điều là mọi người không nhìn thấy, đến khi họ nhìn thấy thì cái kẹo đã được chuyển lên người của người khác rồi. Có lẽ, Kỷ Tuyết Dung đã lợi dụng ảo thuật để lừa Hà Tịch, thêm vào đó, lúc ấy rất tối, rất phù hợp để sử dụng chiêu này. Tất nhiên, để tạo ra hiệu quả mà Hà Tịch nghe thấy và nhìn thấy không hề dễ dàng, song không phải là không tạo ra được.
Giả thiết là tối hôm qua Kỷ Tuyết Dung lợi dụng ảo thuật đã lừa được Hà Tịch, vậy thì động cơ của bà ta rất đáng nghi, hơn nữa hai người chết kia có khá nhiều mối quan hệ với bà ta, vì thế bất giác tôi không khỏi tiếp tục suy đoán theo hướng ấy.
Trước hết nói về động cơ, sự tồn tại của Ninh Vũ Dị khiến cho cuộc hôn nhân của con gái bà ta xuất hiện nguy cơ, bà ta rất có thể đã nói dối, thứ mà Ninh Vũ Dị dùng để đe dọa bà ta có lẽ không lẽ phải là những tấm ảnh về quan hệ đồng tính mà là những bí mật không thể để người khác biết của bà ta; Tổng Biên tập Lâm luôn luôn phải chịu sự khống chế của Hoàng Kính, thỉnh thoảng lại hở ra với vợ về nỗi khổ ấy là điều không có gì là lạ, để chồng thoát khỏi sự khống chế của người khác thì việc ra tay hạ sát cũng là điều hoàn toàn hợp lôgic.
Về thời gian gây án, khi Ninh Vũ Dị bị hại, bà ta đang ngủ ở nhà với Tổng Biên tập Lâm, còn Tổng Biên tập Lâm hiện đang là nghi phạm, hơn nữa lại là quan hệ vợ chồng với Kỷ Tuyết Dung nên những lời khai của ông ta không thể tin cậy hoàn toàn. Cũng có nghĩa là, bà ta không thể đưa ra những bằng chứng hữu hiệu chứng minh việc không có mặt ở hiện trường. Song, khi Hoàng Kính bị hại, bà ta vẫn đang ở sở cảnh sát, có cảnh sát trực ban làm chứng... không lẽ tôi đã đoán sai?
Có lẽ, tôi nên thay đổi tư duy một chút, hung thủ chưa hẳn đã là cùng một người, hoặc hung thủ cùng là một người nhưng không phải là Kỷ Tuyết Dung. Dù sao thì khi Hoàng Kính bị hại, bà ta đang ở sở cảnh sát, không thể nào đi lại giữa hai nơi trong một khoảnh khắc như vậy được cũng có nghĩa là bà có bằng chứng không có mặt ở hiện trường.
Giả thử bà ta không giết người, vậy thì hành động của bà ta tất nhiên là để chịu tội thay cho người thân. Có điều, cái giá mà bà ta phải trả không hề nhỏ, vì kể từ đây về sau bà ta là một người không tồn tại, phải từ bỏ tất cả mọi thứ đang có, đổi tên đổi họ sinh sống nơi khác, thậm chí suốt đời cũng không thể liên lạc với người nhà.
Mặc dù tôi đã đặt ra rất nhiều giả thiết, nhưng phương pháp để kiểm chứng thì giống nhau, đó là chờ khi màn đêm đen buông xuống. Chỉ cần gặp được con ma xi măng như trong lời đồn thì mọi câu hỏi đều có đáp án.
Tính đến thời gian hẹn với con ma còn khá sớm, vì thế tôi bảo Vĩ Ca lên mạng tra một số tư liệu có liên quan đến Tòa soạn Nhật Báo, kết quả anh ta đã phát hiện ra một số điểm đáng nghi: “Trong công ty đầu tư của tòa nhà Nhật Báo có một nhân viên tên là Hoàng Kiệt...”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...