Cuối tuần đó mẹ bắt anh trai tôi lên chở về thật, vừa về tới nhà thấy mẹ đã soạn sẵn trầu cau, mấy gói bánh và chai rượu để trên bàn, thấy tôi mẹ lật đật :
-Con vào rửa ráy đi rồi sang nhà nó với mẹ.
Tôi ngạc nhiên :
-Đi đâu hả mẹ ?
Mẹ tôi dằn mạnh cái làn xuống bàn :
-Đi trả lễ cho nhà đó đi, chứ cứ giữ cau trầu như thế sau này mày bị mất duyên khó lấy chồng.
Đáng ra chúng tôi làm đám ăn hỏi rồi nhưng vì nhà Sinh nói không muốn rườm rà nhiều lễ nghi nên xin với nhà tôi gộp lại làm một, thành ra hôm đó chỉ có bố mẹ Sinh với mấy bác trong họ mang cơi trầu chai rượu sang đại ý là xin cho chúng tôi được về chung một nhà.
Hôm đó mẹ tôi tức lắm, còn nhất quyết không gả tôi, mẹ nói ai đời con nhà gia giáo được ăn học đàng hoàng, cũng xinh xắn như ai mà đến cái đám cưới cũng không được tươm tất, mà đúng như thế thật, tôi biết thừa nhà Sinh keo kiệt, sợ tốn kém.
Tôi nhìn quanh tìm bố nhưng không thấy đâu nên mới hỏi mẹ :
-Con với mẹ đi hả mẹ?
-Ừ, bố mày không chịu đi, phải thì mẹ với bố mày đi mới đúng.
Tôi biết tính mẹ đã muốn làm là phải làm cho tới nhưng tôi không muốn đi, bố thì không thấy đâu cả nên đành tìm cách chống chế:
-Mẹ đã biết thế rồi sao còn bắt con đi làm gì? Hồi đó là nhà họ sang nhà mình đưa lễ, giờ muốn thì tự sang mà lấy chứ sao mình lại phải đưa sang?
Mẹ quay sang nạt tôi:
-Con này, nó rước cả trâu lẫn nghé về thế kia thì sợ gì nữa, chỉ có mày sau này mới khó lấy chồng thôi.
Tôi thấy mẹ vô lý quá nên nhất quyết không sang nhà bên đó, hai mẹ con nói qua nói lại một lúc thì anh tôi vào, thấy mấy cái lễ trên bàn liền lên tiếng cản mẹ:
-Con thấy con An nó nói đúng còn gì? Nhà nó mang sang được thì bắt nó lấy về được, bố đã nhất quyết không sang rồi mà mẹ còn cố ép con An, với cả thời đại này là thời đại nào rồi mà mẹ còn quan niệm vớ vẩn.
Mẹ nghe anh tôi nói thế mới thôi đòi sang trả lễ, tối đó lúc ăn cơm anh còn trêu mẹ:
-Mai mốt mà có gia đình nào đưa lễ tới hỏi con An thì mẹ nhớ cho vào ngăn đông tủ lạnh bảo quản nhé, sau khi nó cưới xin êm đẹp rồi thì mẹ hãy đưa ra dùng.
Mẹ tôi dừng đũa nhìn anh tỏ ý không hiểu, anh tôi thủng thẳng:
-Chẳng thế còn gì, đống lễ hồi chiều mẹ định đi trả đó có phải của nhà bên đó mang sang đâu, cái đó mẹ mua ngoài chợ mà.
Bố tôi nghe thế cũng chỉ cười tủm tỉm:
-Sau này bà bớt quan niệm nó vừa vừa đi, con mình xinh xắn giỏi giang thế sợ gì nó ế.
Mà với nhà bên đó cũng vậy, tụi nó không có duyên thì thôi, nhưng mình là người làng với nhau cả, cứ bóng gió chửi người ta làm gì?
-Ông cứ nói thế, xinh xắn giỏi giang gì thì cũng có cái thì, con An cũng hai mươi tám rồi còn gì? Cha cái thằng đó, làm lãng phí hết mười năm con gái người ta.
-Nữa, nữa, đã bảo kệ người ta đi, con cái lâu lâu nó mới về một lần để cho nó ăn cơm.
Nào ăn đi con, hai tám hay ba tám không quan trọng, quan trọng là tìm được đúng người.
Đúng là mẹ tôi sốt ruột cũng có cái lý của mẹ, tôi sắp ba mươi rồi còn gì? Anh tôi còn hơn tôi tận bốn tuổi thế mà giờ này vẫn cứ ẩm ương một mình, đợt trước mẹ giục tôi cưới suốt, mẹ nói đã xác định thì lo cưới sớm rồi tranh thủ đẻ khi bố mẹ còn khỏe, còn giúp trông cháu được chứ nhà có mỗi hai đứa con mà cứ để bố mẹ nóng ruột mãi.
Còn bố tôi là người điềm tĩnh, đối với chuyện của tôi ông chỉ im lặng không nói gì, cũng không biết ông suy nghĩ gì trong lòng nữa, chỉ là tối đó khi hai bố con cùng đi dạo trong vườn ông quay sang hỏi tôi:
-Giờ con thấy thế nào?
Tôi cũng không biết rốt cuộc mình đang thế nào nữa, mấy hôm đầu thì có buồn thật còn bây giờ lại thấy bình thường, hình như tình cảm của chúng tôi cũng chỉ nhạt nhẽo tới mức đó mà thôi.
Tôi trả lời bố:
-Dạ con cũng bình thường bố ạ.
Con chỉ sợ bố mẹ mang tiếng thôi, con xin lỗi.
-Con có làm gì sai đâu mà bố mẹ phải mang tiếng.
An này, có những thứ trên đời này cứ không phải muốn là được, con hiểu không?
-Con hiểu ạ.
-Ừ.
Cái gì không phải của mình thì đừng cưỡng cầu, mẹ con nói thế nhưng con đừng để ý, duyên tự nhiên đến mới là duyên.
-Sau này con không lấy chồng được không bố, con về đây ở với bố mẹ.
-Thôi, cho bố xin, bố ở với mẹ con là đủ rồi.
Tôi nũng nịu sà vào lòng bố:
-Bố này.
Bố kéo đầu tôi vào vai cười hiền từ:
-Ừ.
Bố nói thế chứ không vội con ạ, chỉ khi được sống bên cạnh người mình thương thì mình mới thấy vui vẻ, thế nên không phải vội con ạ.
Tôi ngồi bên cạnh bố, thấy mình vẫn bé nhỏ như ngày nào, vẫn thèm được nép mình vào lòng bố để được bố chở che qua từng cơn giông bão.
Bố không phải bố ruột của tôi, anh Toàn cũng không phải anh ruột của tôi nhưng trong cuộc đời này ngoài mẹ ra thì bố và anh là những người tôi trân quí nhất, những người yêu thương tôi còn hơn m.áu thịt.
Mẹ con tôi bị đuổi khỏi nhà nội năm tôi lên năm tuổi, hồi đó nhà nội tôi chưa giàu, bố tôi cũng chưa ghét mẹ con tôi như sau này.
Bố đi buôn gỗ với mấy chú bác trong xóm, sau cùng quen thân với một gia đình chủ xưởng gỗ, chẳng biết bố qua lại với nhà bên kia thế nào mà tiền bạc mang về cho bà nội ngày một nhiều, bà xây hẳn một căn nhà to, sắm thêm nhiều đồ mới trong nhà nhưng tình cảm bố dành cho mẹ con tôi thì ngày càng cũ kỹ.
Cho đến một buổi chiều cuối đông khi từng ngọn gió thổi về lạnh thấu xương, bố dắt người phụ nữ kia về, chẳng rúm ró, chẳng e dè sợ sệt, người phụ nữ kia ăn mặc sang trọng, toàn thân đều toát lên vẻ kiểu cách cao sang, người đó bước mấy bước vào nhà, đưa mắt nhìn ngó xung quanh một lượt rồi mới ngồi vào cái ghế to nhất giữa nhà.
Đợi người phụ nữ kia ngồi xong thì bà nội với bố tôi mới ngồi, lúc đó tôi không hiểu người đó là ai mà quyền quí đến vậy, từ trước tới giớ tôi chưa từng thấy bà nội đon đã với ai như thế bao giờ, còn mãi suy nghĩ thì đã nghe tiếng bà nội quát:
-Con An, xuống bếp nói mẹ mày nấu ấm trà mang lên.
Giọng bà lạnh tanh, nụ cười trên môi cũng tắt ngúm khi quay sang dặn tôi điều đó, tôi tủi thân mím môi đi tìm mẹ, lúc này mẹ tôi còn dở tay thái rau chuối cho lợn nên chưa bắc bếp kịp, chắc mẹ nghĩ ở nhà trên cũng chỉ là khách bạn hàng của bố như những lần trước đây.
“Xoẹt”- Bà nội từ trên nhà đi xuống mặt hằm hằm hất luôn thau nước vào người mẹ, toàn thân mẹ ướt sũng, giọng bà chì chiết:
-Thứ vô dụng, vụng thối vụng nát, nhà có khách mà sai cô đi nấu ấm trà cả nửa tiếng cũng chưa xong, đợi cô nấu trà xong thì khách người ta khát khô cổ rồi.
Mẹ tôi quệt nước mắt rồi đưa tay vân vê tà áo đã sờn, vừa mở miệng định giải thích thì bà tôi quát tiếp:
-Khỏi phải giải thích lôi thôi, không làm được cái gì nên thân, chỉ biết ăn là giỏi, nhà này đúng là vô phúc mới cưới phải cô.
Bà nói rồi quay đít đi lên, vừa đi vừa tiện chân đạp luôn thau rau chuối mẹ mới thái đổ tan tành.
Ngày đó mẹ tôi hiền lắm, bà nội chửi thế nào cũng chỉ rấm rứt nuốt nước mắt vào trong.
Mẹ không dám chậm tay nữa, lật đật nấu trà mang lên, vừa rót chén trà mời khách thì bà nội lại sai mẹ xuống nhóm lò than mang lên cho khách sưởi cho ấm tay, mẹ cứ lầm lũi làm theo còn bố không một lần nhìn mẹ, ánh mắt bố bận dừng mãi dưới lớp áo của người phụ nữ kia, nơi mà sau này bố nói đó là kết tinh tình yêu của bố.
Người phụ nữ đó không đến chơi một buổi mà ở đó rất lâu, đến khi rời đi thì mang theo cả bố của tôi đi, bà nội nói đó là vợ mới của bố, nhà vợ mới giàu, nhà vợ mới mở một xưởng gỗ to nhất tỉnh và vợ mới đang mang trong bụng cháu trai của bà.
Mẹ tôi khóc ngất, nước mắt của tủi hờn cứ thế tuôn ra, mẹ ôm tôi vào lòng khóc mãi, bà nội ngồi trên ghế với tay lấy miếng trầu vừa nhai vừa nói:
-Cũng là tại cô nên con tôi nó mới phải mang tiếng hai vợ như thế, người ta lấy nhau năm sáu năm đáng lẽ phải đẻ sòn sòn vài ba đứa có nếp có tẻ, ai như cô đẻ mỗi con vịt giời rồi tịt luôn tới giờ?
Mẹ đẩy tôi ra góc nhà rồi mới lau nước mắt cãi lý với bà:
-Vịt gà gì thì cũng là cháu của mẹ, con về đây làm dâu nhà mẹ mấy năm trời luôn vâng vâng dạ dạ, có khi nào con làm trái ý mẹ đâu mà sao giờ mẹ đối xử với con như thế?
Bà nội tôi nhổ toẹt bãi nước trầu xuống đất:
-Cãi à, cô lại còn cãi à ? Thế cô không đẻ được nửa là lỗi của tôi à ? Tôi đã nói rồi, mẹ con cô vẫn cứ được ở lại đây, cô vẫn là vợ của con tôi chứ có ai dành mất đâu mà sợ, dù sao thì con Lý nó cũng không về ở bên này thì có gì mà phải ấm ức ?
Mẹ tôi quệt nước mắt ngẩng lên nhìn bà :
-Mẹ còn nói con là con dâu mẹ, vậy mà mẹ sai con bưng trà rót nước cho vợ mới của chồng, trần đời có ai làm được như vậy không hả mẹ ?
-Á à, thế ra cô so bì tị nạnh đấy hả ? Cô không rót không lẽ để bà già này rót ? Cô có biết cái nhà này từ đâu mà có ? tiền của trong nhà từ đâu mà có ? Còn cô mang được cái gì về cho con trai tôi ?
Bà tôi nhổ thêm một bãi nước trầu rồi đưa tay quệt quệt hai bên mép, giọng thủng thẳng :
-Khi không được ăn sung mặc sướng ở nhà cao cửa rộng mà còn không biết điều.
Hồi đó tôi năm tuổi, năm tuổi, hình như tôi còn quá nhỏ để hiểu hết những gì mẹ và bà nói, nhưng dù chỉ một ít thôi thì tôi cũng đủ tủi thân khóc mãi, trước giờ mỗi lần bà nội gọi là con vịt giời tôi đều tủi thân như thế, tôi nép vào một góc tường cắn chặt môi không dám khóc to, ông tôi nằm trên giường cố gắng dơ tay lên vẩy vẩy về phía tôi, ông tôi bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay, cử động hay nói năng đều khó khăn.
Tôi leo lên chui tọt vào chăn ôm ông khóc, cánh tay yếu ớt của ông hình như muốn ôm tôi vào lòng nhưng ông không ôm được, chỉ dơ dơ lên một chút rồi lại bất lực rơi xuống, nơi khóe mắt nhăn nheo của ông có vài giọt nước chảy ra.
Ngày đó ông thương tôi lắm, ông cũng thương mẹ tôi, vài lần ông lên tiếng bênh vực cho mẹ trước sự cay nghiệt của bà thế nhưng sau mỗi lúc như thế bà lại càng chửi mẹ nhiều hơn thế nên lần sau ông không dám nói gì nữa, chỉ thở dài ôm tôi vào lòng.
Mẹ biết ông thương mẹ con tôi nên sau khi ông bị tai biến nằm một chỗ mẹ không nề hà tự tay chăm sóc cho ông, mẹ nói đời mẹ không còn bố, mẹ muốn được chăm sóc cho ông giống như đang chăm sóc cho bố của mình.
Giờ bố tôi không cần mẹ nữa, rời khỏi đây ngoài tôi ra thì người làm mẹ không đành lòng nhất chính là ông, mẹ không nỡ, mẹ không nỡ bắt ông phải xa tôi, mẹ sợ đi rồi sẽ không còn ai lo cho ông nữa nên cứ mắt nhắm mắt mở nuốt hết tủi hờn vào trong ở lại chăm sóc cho ông.
Có một lần bố tôi dẫn vợ mới về ăn cơm, nghe nói dì ấy sắp sinh, trong bữa ăn tôi nghe bà nội nói mai mốt dì sinh thì mẹ tôi phải sang nhà bên đó chăm cho dì vài tháng vì dù sao mẹ tôi cũng từng sinh nở có kinh nghiệm rồi, lại đang trẻ khỏe, bà nói chị em với nhau thì phải biết chăm sóc qua lại cho có tình cảm, mẹ tôi cắm cúi và cơm không nói gì.
Bố tôi gắp cho dì cái đùi gà to, phần đùi còn lại hình như bố đang định gắp cho tôi nhưng cuối cùng bắt gặp ánh mắt của ai đó nên bố lưỡng lự rồi bỏ vào chén của bà.
Gần hết bữa ăn thì dì múc thêm chén canh, chẳng biết trượt tay kiểu gì cuối cùng chén canh nóng đổ ụp hết lên người mẹ, dì lên tiếng vài câu xin lỗi, mẹ lạnh tanh không nói một lời, ông tôi nằm trên giường lẳng lặng quay đầu vào trong, hình như hai vai ông khẽ run lên.
Khuya đó ông gọi mẹ tới rồi dấm dúi đưa cho mẹ cái gói vải cũ kỹ chẳng biết dấu tự bao giờ, ông ứa nước mắt ú ớ vài câu : ‘‘đi đi, đi đi….
’’
Tôi với mẹ rời nhà ông từ đó.
Mẹ dắt tôi về lại ngôi nhà cũ của ông bà ngoại ở làng bên, hàng xóm thương tình lợp lại mái nhà và quây cho mấy vách phên che mưa gió, mẹ con tôi cứ thế côi cút qua ngày.
Ngày trước ông bà ngoại không có ruộng nên bây giờ mẹ cũng chẳng có ruộng vườn gì mà làm, mẹ đi làm thuê cho người ta nhưng việc nhà nông toàn việc không tên mà công cán cũng chẳng bỏ bèn gì, mẹ làm đủ việc, ai thuê gì làm nấy, bữa ăn của mẹ con tôi ngày đó chỉ là nồi cơm ít ỏi ăn với mắm cáy mắm cua, có hôm hết tiền đong gạo thì hai mẹ con nấu mì tôm ăn trừ bữa, tôi đến tuổi đi học mẹ phải nhận thêm nhiều việc, có đêm khuya lắc khuya lơ tôi tỉnh dậy nửa đêm vẫn còn thấy mẹ chong đèn ngồi đan mấy cái nón len.
Mãi sau này mẹ theo mấy cô trong xóm đi buôn, cái gói vải ông dúi vào tay ngày đó mẹ vẫn cất dưới gối, ông tôi có lương hưu nhưng bà nội giữ cả, cái gói đó may bằng vải màu bộ đội, sờn rách cũ kỹ như đã đi theo ông gần nửa cuộc đời, tôi cũng không biết vì sao ông có thể dấu bà tôi được như thế, mẹ nói đó là tài sản cả đời của ông, mẹ không nỡ dùng.
Mẹ mở gói vải ra mân mê mãi từng tờ tiền trong đó, môi mẹ cắn chặt vào nhau cuối cùng không nín được mẹ òa lên nức nở :
-Mẹ đã định không dùng tới tiền của ông, ông con già rồi sống nay chết mai, mẹ định mai mốt khi ông về bên kia thì mẹ gửi lại để ông có tiền đi đường.
Ngày đó tôi hay nghe mấy người già nói người mất sẽ được bỏ ít tiền lẻ vào áo quan để làm lộ phí qua cầu, chắc mẹ sợ bà và bố quên bỏ cho ông.
Giọng mẹ não nề, xa xăm, tiếc nuối, đã định thế nhưng cuối cùng nó cũng trở thành vốn liếng ban đầu để mẹ đi buôn, mùa nào mẹ buôn thức nấy, mẹ chạy ngược chạy xuôi hết chợ này đến chợ khác, mẹ từ một người phụ nữ hiền lành cam chịu trở thành một tay buôn chính hiệu lúc nào không hay.
Sáng mẹ nấu sẵn nồi cơm rồi kêu tôi dậy đi học, buổi trưa tôi tự về lấy cơm chan với mắm, có khi thì ăn với hũ muối mè, mẹ đi mãi miết tới tận tối muộn mới gồng ghánh trở về.
Nhớ có lần đi học về tôi bị lũ trẻ con trong xóm chặn đường cười nhạo vì không có bố tôi đã lao vào đánh nhau với chúng, nhưng tôi nhỏ thó lại chỉ có một mình nên chỉ một nhoáng sau đã bị chúng hất xuống vũng sình gần ruộng, cả người lấm lem bùn đất, khi tôi vừa lồm cồm bò lên thì chúng dơ chân định đạp tôi xuống tiếp, may lúc đó anh Toàn từ đâu chạy tới vừa nạt to vừa trừng mắt nhìn tụi nó, anh Toàn lớn hơn tụi nó, lại là con thầy giáo trong làng nên lũ nhóc kia lần lượt cúp mắt xuống rồi lẳng lặng rủ nhau chạy một mạch không dám quay đầu nhìn lại.
Sau hôm đó anh Toàn thường đưa tôi về tới tận nhà, nhiều hôm mưa to quá mà mẹ tôi chưa về lại cầm đèn pin sang dắt tôi về bên nhà cho bớt sợ, hay có hôm nhà tôi hết gạo bố anh lại bảo anh mang sang cho tôi củ khoai, hai nhà gần nhau nên chạy qua chạy lại suốt, trong vườn nhà anh có rau trái gì anh cũng dành phần cho tôi.
Bố anh thỉnh thoảng sang sửa giúp mẹ con tôi mấy đồ lặt vặt trong nhà hay lợp lại cái mái nhà bị dột, mẹ tôi chẳng biết lấy gì trả lại chỉ thỉnh thoảng tỉ mẩn ngồi vá cho anh từng cái áo hay trái gió trở trời lại sang nhà nấu cho bà nội anh nồi nước xông.
Mẹ anh Toàn mất từ hồi mới sinh anh, thêm vài năm hai đứa tôi chạy qua chạy lại như vậy nữa thì tôi theo mẹ về làm em gái của anh, làm con của bố anh, hôm đó chẳng cưới xin gì, bà nội anh chỉ mang cái nón mới đội lên đầu cho mẹ rồi dắt mẹ về nhà làm mâm cơm thắp hương mẹ lớn, chúng tôi trở thành gia đình từ đó..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...