Tôi chỉ nguýt cho hắn một cái rồi cũng đi vào nhà tắm nhưng vào rồi mới biết mình không có quần áo gì cả, bộ mặc hôm qua đến đây vốn dĩ đã hơi ướt nên cũng không còn thơm tho gì cho lắm, tôi thò đầu ra gọi:
-Duy, Duy này, tôi không có đồ mặc.
Hắn liếc xéo tôi :
-Tôi không có nhiệm vụ đó.
-Ừ, thì tôi cũng không nói anh có nhiệm vụ đó nhưng dù sao thì anh cũng không nỡ đuổi tôi về liền, tôi vốn dễ tính nên mặc lại bộ kia cũng không có vấn đề gì, chỉ sợ anh hơi khó ngửi thôi.
Duy im lặng, tôi biết hắn ưa sạch sẽ nên cứ thế mà khuya môi múa mép :
-Vườn nhà anh rộng thế, hoa hòe đủ cả, tôi chỉ sợ lỡ tôi đi ngắm hoa trong vườn rồi mùi này hỗn tạp với mùi kia, mai mốt anh lại điều chế ra nước hoa có mùi hương đặc biệt.
-…
-Này, hay anh muốn điều chế nước hoa có mùi của riêng tôi ?.
Hay anh muốn ghi nhớ tôi?
Hắn xéo xắt :
-Mùi của cô có gì cần phải ghi nhớ?
Tôi cười:
-Nếu không phải thế thì anh giúp tôi đi, hay anh cho tôi mượn tạm một bộ cũng được.
Hắn ngẫm nghỉ một chút rồi keo kiệt nói:
-Đồ của tôi toàn đồ đắt tiền, cô mặc rồi tôi lại phải bỏ đi phí.
Đợi đó.
Hắn đi đâu đó một lúc rồi mang về cho tôi một bộ đồ bộ, tôi muốn mếu, tôi biết bộ này, mẹ tôi với cô Hoa hay mặc kiểu này, là loại nhiều hoa văn bán mấy chục nghìn một bộ ở chợ.
-Đừng có đòi hỏi, gần đây chỉ có mỗi loại đó thôi.
Thì tôi cũng không đòi hỏi nhưng tự nhiên một buổi sáng đẹp thế này, ở một nơi đẹp đẽ trong một khu vườn toàn hoa thế này tôi bỗng chốc biến thành mẹ nên thấy không quen lắm.
Tắm rửa xong tôi lò dò đi theo hắn ra vườn, có lẽ Duy thường xuyên tới đây vì trong vườn cơ man nào là hoa, hoa gì cũng có, đủ màu sắc, cánh mũi tôi bắt đầu hoạt động nên cứ phình ra hít hít, hơn nữa có vào cũng không biết phải làm gì nên tôi không đi sâu vào nữa mà chỉ đứng bên ngoài nhìn Duy đang tỉa tót, từng giọt mưa đêm qua còn đọng lại trên phiến lá, nền đất ẩm ướt nhão nhoẹt làm cho đôi ủng đang mang ở chân Duy dính toàn bùn đất, cả quần áo cũng lem luốc không kém.
Trước đây tôi chưa từng nhìn thấy cảnh này, Duy mà tôi biết chỉn chu sạch sẽ, cuối tuần mặc anh Dũng muốn cuốc đất làm vườn kiểu gì hắn cũng không ngó ngàng tới, tôi cứ nghĩ Duy sẽ không bao giờ đụng đến cái cuốc cái xẻng, sẽ không bao giờ ngồi bệt xuống đất nhổ từng cây cỏ hay bón từng chút phân cho cây, thế mà bây giờ Duy đang say sưa làm, Duy khoác lên mình một bộ đồ bảo hộ lao động rộng thùng thình say sưa chăm sóc cho vườn hoa của mình, chẳng để ý đến bất cứ điều gì khác.
Hình như chỉ khi được làm những việc mình đam mê thì mới có thể thỏa sức đắm chìm như thế, cũng hết mình như thế.
Đợi thêm một lúc nữa tôi cất tiếng gọi to :
-Duy.
Nghe tiếng gọi hắn quay lại nhìn tôi, rồi như thấy bộ đồ tôi đang mặc trên người hắn không nhịn được mà bật cười một cái.
Lúc này Duy đang đứng đối diện với hướng mặt trời mọc, từng tia nắng ban mai chiếu thẳng vào hắn, thân hình thẳng tắp, mũi cao, mắt sâu, lúm đồng tiền, vài lọn tóc ướt đẫm mồ hôi rũ xuống khuôn mặt góc cạnh kia, sáng đến lạ kỳ.
Tôi to giọng khen :
-Anh cười đẹp cực, sau này ngày nào cũng cười nhiều lên nhé.
Hắn nhăn mặt :
-Tôi có bị bệnh đâu mà ngày nào cũng cười ?
-Thật đấy, tôi mà được trời sinh cho cái lúm đồng tiền như anh thì tốt biết mấy, anh cười còn đẹp hơn cả khóm hoa đằng kia kìa.
Hăn càng cau mày tợn :
-Hôm nay cô ăn phải cái giống ôn gì vậy ?
Tôi cũng không biết mình ăn phải cái giống gì nữa, nếu là mọi hôm thì chỉ câu thứ hai thôi đã không nhịn nỗi rồi, thế mà hôm nay vừa giở chứng khen hắn đẹp trai, lại còn không thèm để bụng lời của hắn mà tiếp tục hùa:
-Tôi nói thật mà, nếu anh thích thì sau này ngày nào tôi cũng nhắc để cho anh cười nhé.
Duy cầm cuốc đi một lèo :
-Tôi không có nhiều « giống ôn » cho cô ngày nào cũng ăn vậy đâu.
Một lát sau lại ngoái đầu lại hỏi:
-Nói nhiều như vậy mà cô không đói à ?
Đói chứ, từ chiều hôm qua đến giờ tôi đã ăn gì đâu, từ lúc hắn rời khỏi nhà tôi cũng chẳng còn tâm trạng nào mà ăn nữa.
-Trong bếp có mì.
Ngắn gọn và đầy đủ.
Căn bếp của Duy cũng ngăn nắp và gọn gàng như chính chủ nhân của nó.
Tôi mở tủ lạnh lấy ít rau rồi bắc bếp lên nấu nước đợi đến khi Duy vào mới chế vào, trong tô của Duy tôi cho thêm thật nhiều ớt.
Tôi nhìn Duy dò xét :
-Anh có biết điều tôi nuối tiếc nhất khi làm đám cưới với anh là gì không ?
Duy ngẩng lên nhìn tôi, không trả lời, chỉ tỏ thái độ đang đợi tôi nói tiếp.
-Không phải là lấy anh, tôi chỉ tiếc vì ước gì nhà anh đừng liên quan gì đến bố ruột tôi, ước gì bố anh và bố tôi không có mối quan hệ thân thiết thì người dắt tôi vào lễ đường hôm đó sẽ là bố nuôi tôi, người bố đã dùng cả đời mình để vất vả nuôi tôi thành người.
-….
-Thật đấy, chính vì trước đám cưới của chúng ta chỉ có bố ruột tôi qua lại bàn bạc với bên nhà anh nên tôi cũng không muốn trong đám cưới có quá nhiều lời bàn tán.
Anh biết không, bố tôi từng nói người sinh ra mình trên đời này chỉ có một nhưng tôi lại thấy tôi chỉ nợ bố ruột của mình một nửa dòng má.u đang chảy trong người nhưng lại nợ bố của tôi cả cuộc đời còn lại.
Duy từ tốn ăn từng miếng chậm rãi, lát sau mới nhàn nhạt hỏi :
-Nói với tôi làm gì ?
Bữa ăn tiếp tục trôi qua trong im lặng, nhưng ít nhất thì hắn im lặng cũng là tốt rồi.
-Bố là người đã cho tôi những xúc cảm trong cuộc đời này, cùng tôi trải qua những cung bậc tình cảm, cùng vui cùng buồn, con người sống mà không có cảm xúc thì thật vô vị.
Bố dạy tôi phải biết tự yêu thương lấy mình, nếu đến bản thân mình mà mình còn không thương thì sao có thể đòi hỏi người khác thương mình.
Nên với tôi mà nói, lòng biết ơn dành cho bố rõ ràng hơn với cả người đã cho tôi hình hài này.
Lúc đó Duy ngồi đối diện tôi, mặt bắt đầu đỏ lên, hai bàn tay nắm lại run run, từng đường gân xanh trồi lên dưới da, có lẽ tôi đang chạm vào nổi đau ở nơi sâu nhất trong lòng Duy, nhưng hắn vẫn đủ bình tĩnh để giữ nguyên ngữ điệu hỏi tôi :
-Anh Dũng kêu cô tới đây khuyên tôi hả ?
-Không, tôi không khuyên anh, tôi chỉ đang kể cho anh nghe về câu chuyện của mình mà thôi, anh Dũng vốn không biết chỗ này, không ai trong nhà anh biết cả.
Duy hừ lạnh một cái :
-Đương nhiên là không ai biết, cũng không ai thèm quan tâm để cần phải biết, đây là nơi tôi đã dùng chính những đồng tiền mà mình kiếm được, cộng với sự hỗ trợ của mẹ ruột tôi để mua.
Ở tuổi của Duy, dù có mẹ ruột ủng hộ nhưng có thể tự mua cho mình một mảnh vườn như thế này không phải là điều nhiều người có thể làm, Duy nói đúng, Duy có thể trở thành mặt trời, chỉ cần Duy có một bầu trời của riêng mình, chỉ là Duy đơn độc quá.
Tôi chợt nhận ra ngoài đồng cảm tôi có chút gì đó đau lòng cho Duy, hình như cái vẻ bề ngoài gai góc thô lỗ chỉ là lớp áo Duy cố tình khoác lên để che đậy một trái tim đầy rẫy những vết sẹo, một trái tim cần được chữa lành hơn bao giờ hết.
Tôi biết chúng tôi có chung một nỗi đau nhưng hoàn cảnh thì hoàn toàn khác nhau, Duy không trải qua những năm tháng cơ cực như tôi, cũng không tận mắt chứng kiến cảnh bố ruột cạn nghĩa với hai mẹ con mình như tôi, thế nên những lời tôi nói thật lòng không phải để khuyên Duy, tôi chỉ muốn Duy hiểu tôi đang đồng cảm với Duy, việc Duy không cộc cằn lôi tôi ra cửa để đuổi về mà chịu im lặng ngồi nghe xem như cũng có chút tác dụng.
-Anh biết không, những củ khoai, chén cơm nguội hay nắm rau ngày đó bố cho tôi đã trở thành những món ăn ngon nhất trong cuộc đời tôi tới tận bây giờ, thế nên dù nhà bố ruột tôi có giàu có thì tôi cũng chỉ trân quí thứ tình cảm chân thành từ nơi tôi đã lớn lên mà thôi.
Tôi cũng không còn trách bố ruột tôi nữa, bố mẹ tôi hết duyên nên không ở với nhau nữa, nhờ thế bây giờ cả bố và mẹ tôi ai cũng có những gia đình hạnh phúc mà tôi nghĩ nếu như ngày đó mẹ tôi cứ cố chấp níu giữ thì tôi có được như bây giờ không ?
Duy không nhìn tôi, chỉ im lặng thở dài.
Tôi cười :
-Chẳng phải nhân duyên con người vốn lạ kỳ đến thế, như tôi với anh vốn không hề có tình cảm nhưng cuối cùng cũng phải dính vào đời nhau thế thôi, sau này chia tay rồi cũng có ai ngoài hai chúng ta biết được rằng ngay từ đầu ngày đó đã được định sẵn ? Trong chuyện tình cảm không có ai ngoài những người trong cuộc biết được những đúng sai còn lại.
Duy nhếch mép một cái :
-Cô khác, tôi khác, về đi.
-Ừ, khác, chúng ta không giống nhau, nhưng những hi sinh của bố nuôi tôi và mẹ nuôi anh thì đều giống nhau, cả những tổn thương của người bị lãng quên như mẹ tôi và bố anh có lẽ cũng giống nhau.
Duy cộc cằn nhìn tôi :
-Mẹ tôi không phản bội bố tôi.
-Thế sao anh biết người phản bội là bố anh ?
Duy chỉ im lặng không trả lời tôi, tôi bất giác chạm khẽ vào vai Duy :
-Duy này, ngày đó tôi cũng như anh, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu về những chuyện xảy ra của người lớn, còn bây giờ chúng ta lớn rồi, anh phải dùng những cảm giác của hiện tại để cảm nhận chứ không nên dùng những ký ức vụn vặt chắp nối ngày đó để đánh giá về những thứ xung quanh mình nữa, như thế thật không công bằng cho bố và mẹ nuôi anh.
Tôi biết, có thể Duy hiểu những hi sinh của mẹ nuôi, cũng không cần gì nhiều hơn thế, một người phụ nữ tình nguyện vì cảm xúc của con chồng mà quên đi cảm xúc của chính mình, quên đi mình cũng là phụ nữ, cũng có quyền được thực hiện thiên chức thiêng liêng của mình, người phụ nữ như thế trên đời này nào được mấy ai ?
Duy không vô tâm tới mức bao năm qua không nhận ra điều đó, Duy cũng đủ lớn để hiểu nhiều hơn những gì tôi nói, chỉ là vì cứ phải quay cuồng giữa khao khát được sống cuộc sống của chính mình và cuộc sống mà bố chồng áp đặt nên Duy mới trở nên như thế, cô Hoa nói đúng, là do khoảng cách giữa hai bố con đang mỗi ngày một lớn quá.
Chính vì thế khi Duy hít một hơi sâu nặng nề nói :
-Về đi, tôi gọi taxi tới sẵn rồi.
Thì tôi đã tự đi về một mình mà không khuyên Duy về cùng, với Duy lúc này, ở một mình có lẽ là cách tốt nhất.
Lúc tôi về tới nhà thì bố chồng và anh Dũng đã đi tới công ty, mẹ chồng thấy tôi vội lật đật chạy lại hỏi :
-Nó sao rồi con ? Nó có ổn không?
Hình như đêm qua bà không ngủ, đôi mắt thâm quầng hơi ươn ướt.
Tôi nắm lấy tay rồi cùng bà ngồi xuống ghế:
-Anh ấy không sao mẹ ạ, ở đó anh ấy có nhiều việc để mải mê làm lắm, mẹ yên tâm.
-Thế sao con không khuyên nó về?
Tôi làm sao có thể khuyên Duy về khi giữa hai bố con còn có quá nhiều khúc mắc, nếu bố chồng tôi lại nổi nóng lần nữa thì chỉ sợ mọi chuyện khó mà cứu vãn.
Cuối cùng tôi hỏi mẹ:
-Sao bố biết anh Duy đang mày mò về nước hoa ạ?
-Nó mở cửa hàng ở đâu bên thành phố kia, gần chỗ con dạy ngày trước ấy, cũng mới thôi nhưng hôm kia bố con sang công trình bên đó nên thấy được, còn căn nhà với vườn hoa thì bố mẹ không biết.
Thảo nào ngày trước tôi gặp Duy mấy lần toàn gần chỗ tôi ở, lúc đó còn tưởng hắn là kẻ lêu lổng.
Tôi dè dặt nhìn mẹ:
-Nếu anh Duy vẫn tiếp tục điều chế nước hoa thì sao ạ? Ý con là mẹ có cho phép không?
Mẹ chồng tôi thở dài:
-Mẹ có cấm cản nó bao giờ, ngày đó về đây là vì thương bố nó gà trống nuôi con, tự tay chăm sóc mãi rồi xem con người ta thành con mình lúc nào không hay, mẹ lúc nào cũng muốn anh em tụi nó được vui vẻ hạnh phúc, chỉ tại bố con cố chấp quá, mẹ khuyên không được.
Tôi cũng muốn Duy được sống vui vẻ, dù đoạn đường phía trước chỉ ngắn ngủi nữa thôi thì tôi cũng muốn người đàn ông đó được một lần rực rỡ.
Chỉ cần ông cho phép thì tôi cũng sẽ một lần đứng về phía Duy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...