Trước nhà sàn, bên giếng trời.
Trà dầu ấm áp, cơm hoa được nấu bằng nồi đất và lò đất, ứa ra váng mỡ, còn có một đĩa quả chua và quả sung dùng để khai vị, đang tỏa hương nóng hổi.
Người dân tộc Động vốn thích ăn chua, bây giờ gần kề năm mới, đúng vào dịp lễ truyền thống của Trung Quốc, cho nên các món ăn mùa đông phong phú trong nhà đều được mang ra để đãi khách phương xa.
Mặt Tấn Tỏa Dương xanh xao nhợt nhạt, chân còn đang quấn băng gạc và nẹp gỗ, mà trước mắt hắn thì lại là một chiếc bàn lớn bày cơ man các món ăn Động gia.
So với cơn đói cồn cào ruột gan, áp lực tâm lý đến từ bà cụ tóc bạc đầu kiến này hiển nhiên càng khiến hắn bối rối hơn.
Ánh mắt hắn ngơ ngác, thậm chí có phần xoắn xuýt và căng thẳng.
Kiến càng ngựa, xuất phát sớm nhất từ phương ngôn bản địa Miêu Động thời kỳ Minh Thanh, ý chỉ loài kiến khổng lồ, mặt người, nhiều chân.
Tương truyền bọn họ thích sống quần cư, lòng dạ lương thiện, hết sức nhút nhát.
Vì tập quán cư trú cách xa con người nên đa phần tộc nhân của bộ tộc tà túy này sẽ lựa chọn sống tụ tập với nhau, chủ yếu tại các làng mạc nhỏ bé hẻo lánh trong rừng núi, cứ thế truyền thừa đời đời kiếp kiếp.
Căn cứ vào những ghi chép liên quan mà Tấn Tỏa Dương từng thấy trong sách cổ ở nhà mình, lý do vì sao bọn họ trở thành nghĩ (kiến) túy, vì sao đa phần mang họ Phạm, kỳ thật còn dính dáng đến một điển cố thần kỳ từ nhiều năm về trước.
*Kể rằng ngày xửa ngày xưa, trong núi có một ông già họ Phạm, sinh được duy nhất một mụn con gái sở hữu giọng hát trời phú.
Một ngày nọ ngoài căn nhà bỗng nổi trận gió to thổi mất cô con gái đi, ông lão hoảng hốt, vội vàng xách liềm và rìu vào rừng tìm kiếm.
Trong lúc đó, một con ngựa mà ông lão chưa từng gặp bao giờ bỗng xuất hiện, lên tiếng nói rằng có thể giúp ông tìm con gái, nhưng điều kiện là sau này ông nhất định phải gả con gái cho nó.
Vì tình huống quá cấp bách nên sau phút chốc suy xét, ông lão họ Phạm đã đồng ý với yêu cầu của con ngựa.
Con ngựa tìm kiếm rất lâu, cuối cùng cũng cõng được con gái của ông lão trở về.
Ấy thế nhưng sau đó, nhân lúc tối trời, vì không muốn đứa con gái duy nhất bị ngựa đem về núi làm vợ, ông lão đã chọn cách lật lọng, dùng liềm chém chết con ngựa đang ngủ dưới tàng cây rồi lột bộ da của nó.
Ngựa chết rồi, cuộc hôn nhân hoang đường giữa con gái ông lão và con ngựa đáng lẽ cũng hoàn toàn kết thúc mới phải.
Kỳ lạ ở chỗ, sau khi giết ngựa, dù ông lão thử mọi cách để giấu da nó đi nhưng bộ da ngựa ấy vẫn xuất hiện trên tường nhà ông, thậm chí còn bao bọc lấy cơ thể con gái ông, biến người con gái xinh đẹp tuyệt trần thành một con ve cái, chỉ có thể ngủ ngoài rừng cây, bất phân ngày đêm, ngay cả giọng hát du dương thánh thót ban đầu cũng biến thành tiếng ve kêu inh tai nhức óc.
Điều này khiến ông lão họ Phạm hối hận khôn nguôi, chỉ mấy tháng sau đã lâm bệnh nặng.
Con gái ông từ đó cũng hoàn toàn trở thành một con ve cái, mọi người xung quanh bắt đầu gọi cô là Mã nương tử hoặc Mã kiều nga, Mã tức phụ.
Mà thần kỳ hơn là, mười tháng sau, Mã nương tử thưở còn làm người vẫn chưa từng lấy chồng, thế mà giờ lại có mang.
Về sau, ở trong cái tổ trên cây, cô sinh hạ một đàn kiến con có mặt người, mọc nhiều chân.
Chúng mang mặt người, dáng đầu lại giống ngựa, vừa có nhiều chân và biết bay như loài ve.
Từ ấy, vùng Tương Tây liền gọi kiến là kiến càng ngựa, ý chỉ đứa trẻ mang hình dài kỳ quái, do ngựa đực và ve cái giao phối với nhau mà sinh ra.
Kiến càng ngựa ở thôn Phạm, bất kể già trẻ gái trai, đến nay vẫn luôn xem ngựa và ve là cha mẹ tổ tiên của mình, lưu truyền đến tận ngày nay.
Chuyện ve và ngựa sinh ra kiến được ghi chép rõ ràng trong dã sử, đến nay tuy chỉ còn ít người biết nhưng vẫn tính là có xuất xứ.
Câu chuyện thôn kiến cũng từng được ghi trong thư tịch chí quái ở các triều đại, quái đàm kỳ văn về một loạt diễn biến tiếp theo sau khi người ngoài lạc vào thôn kiến cũng thường được kể qua ngòi bút của tiền nhân, chẳng hạn như trong《Quý Hằng Tử》.
Trong xã hội hiện đại ngày nay khi mà đại đa số tư tưởng phong kiến đã bị vứt bỏ từ lâu, hiếm ai mới xem câu chuyện dọa trẻ con này là thật, càng khó có ai tin tưởng rằng trong cánh rừng ngay sát khu du lịch và huyện thành dưới chân núi, lại thực sự tồn tại một nhóm kiến càng ngựa với ngoại hình khác hẳn con người.
Trước đó, ngay chính bản thân Tấn Tỏa Dương – người vốn say mê nghiên cứu và sưu tầm những đồ vật thuộc lĩnh vực này…… cũng không hề coi những điều ấy là thật.
Ai mà ngờ, sau cuộc mạo hiểm thần kỳ trên núi tối hôm qua, Tấn đại thiếu đã gặp chuyện tưởng như mơ mà lại là thật này.
Hơn nữa không chỉ gặp một người, mà có vẻ hôm nay hắn đã gặp phải một nhóm, hay nói cách khác…… hắn đã hoàn toàn rơi vào trong ổ kiến.
Nếu việc này mà xảy đến với bất kỳ người bình thường nào thì chắc ai nấy đều sợ chết ngất vì cái chuyện quái gở này rồi.
Nhưng đối với Tấn Tỏa Dương, kẻ có tính cách trì độn đó giờ, làm gì cũng chậm nửa nhịp hơn người bình thường, hoặc phải nói là một kiểu trấn định biến tướng, thì ngoại trừ cảm giác ngạc nhiên phút ban đầu, sau khi bình tĩnh, hắn lại bắt đầu thắc mắc và hiếu kỳ với hết thảy những gì mình đang gặp phải lúc này.
Lẽ nào lời mà con búp bê bùn tự dưng xuất hiện rồi tự dưng biến mất kia nói đều là thật…… Hắn quả thực là tính sư gì đó mà trước nay chưa từng nghe bao giờ đấy ư?
Nhưng bây giờ hắn nên làm sao để rời khỏi cái nơi khác hoàn toàn với Đông Sơn trong ấn tượng ban đầu của hắn, và tím lối ra để trở về thế giới bình thường đây?
Công Kê Lang kia…… kẻ ôm mối thù truyền kiếp với mẹ hắn, rốt cuộc đến lúc nào sẽ tìm tới hắn, chấm dứt triệt để cơn thịnh nộ và sự thù hận trong lòng lão ta?
Kiến càng ngựa trong thôn làng này có đáng để bản thân tin tưởng hay không?
Những vấn đề phức tạp nan giải ấy quấy nhiễu đầu óc chàng thanh niên tóc trắng, song tiếc là, dù tiếp đó hắn nghiêm túc thăm dò cỡ nào, hắn cũng chẳng hề phát hiện bà Phạm Tế có địch ý với mình.
Đây là lần đầu tiên Tấn Tỏa Dương nhìn thấy kiến càng ngựa, điều khiến hắn vô cùng thắc mắc là, các đặc điểm chân lớn, mặt người, thích sống quần cư thì y hệt như mô tả trong chuyện chí quái, chỉ có sợ người, lánh đời là lại không giống những gì hắn thấy lắm.
Càng khó tin hơn là, bà cụ kiến này đột ngột xuất hiện trước mắt hắn, là một nghĩ túy có ngoại hình hoàn toàn khác biệt với hắn, vậy mà lại tỏ thái độ thân thiện ngoài dự đoán với một kẻ xa lạ là hắn.
Bà không vì bản tính không thích con người mà đuổi hắn ra khỏi thôn làng nhỏ này, còn chủ động đưa một kẻ nhiễm gà mặt người về tổ của mình để dưỡng thương, thậm chí niềm nở mời hắn rất nhiều đồ ăn phong phú ngon lành.
Giờ phút này Tấn Tỏa Dương đang ngồi trong căn nhà gỗ của bà Phạm Tế, nhìn bàn thức ăn mà bà cụ kiến nhiệt tình thết đãi mình, nghĩ đến những điều lạ lùng hay phải nói là ngược đời ấy, hắn cũng im lặng khó hiểu.
Một lúc sau, hắn chuẩn bị tạm gác lại mấy vấn đề đó, tập trung hỏi bà cụ về chuyện tối qua.
Bỗng, chàng trai tóc trắng què chân ngồi trên ghế nhỏ, đang có vô vàn lời muốn nói này liền nghe bà Phạm Tế chủ động cất lời với mình trước.
Bà dùng thứ giọng phổ thông lơ lớ để dịu dàng hỏi hắn rằng:
“Bây giờ chắc hẳn cậu đang nghĩ vì sao mình lại ở nhà tôi, hoặc vì sao tôi lại chịu giữ một người sống như cậu trong nhà, đúng không?”
“……”
“Cậu tự nhìn mà xem, trên tường treo cái gì?”
Lời này khiến Tấn Tỏa Dương đang cúi đầu hơi ngạc nhiên, sau một thoáng chốc, hắn vẫn giữ lễ phép căn bản, đặt bát đũa trong tay xuống rồi gật gật đầu, ngước đôi mắt nhạt màu nhìn lên trên tường.
Khi tầm mắt hướng vào bức tường cũ kỹ kia, rõ ràng Tấn Tỏa Dương chưa chuẩn bị tâm lý kỹ càng, hắn đờ người ra, bởi vì căn nhà gỗ này được lắp đặt thiết bị dẫn điện và chiếu sáng giống với những hộ dân cư phổ thông dưới chân núi, nhưng dù hắn cố xác nhận lại mấy lần, thì trong này vẫn bày một vài thứ khá…… khiến người ta để ý.
Chẳng hạn như, trên bức tường trong căn phòng nhỏ có treo một tấm ảnh cưới đen trắng của một người đàn ông Động tộc trẻ trung khôi ngô và một cô gái kiến càng ngựa.
“Chồng của bà…… là người thường?”
Từ khi sau khi tỉnh lại, đây là lần đầu tiên chàng thanh niên tóc trắng – một nhân loại bình thường – chủ động nói chuyện với bà Phạm Tế.
Có lẽ vì kinh ngạc quá nên dáng vẻ trố mắt của hắn nhìn lại có gì đó ngơ ngác, hoặc phải nói là nghiêm túc ngờ ngệch đến là đáng yêu.
Thấy vậy, bà Phạm Tế bật cười, gật đầu đáp:
“Đúng thế, đây là ảnh tôi và ông nội của A Bảo chụp dưới chân núi hồi còn trẻ…… Chắc là vào cuối những năm tám mươi của Trung Quốc…… Ông ấy là con cả trong nhà, vì nhà sinh đẻ vượt quá chính sách kế hoạch hóa gia đình, đông em quá không đủ cơm ăn nên mới sang thôn kiến này ở rể.
Tấm ảnh duy nhất chúng tôi chụp cùng nhau chính là tấm ảnh cưới này, tôi cứu được ông ấy ở trên núi, sau rồi ông ấy cũng bằng lòng cưới tôi, đương nhiên, về sau ông ấy không nỡ rời xa tôi nữa…… Tôi biết tiếng người cũng là nhờ ông ấy dạy cho đấy…… Cho nên tôi có thể xem là một trong số ít kiến càng ngựa ở thôn Phạm này mà không ghét con người, cậu thật sự không cần quá để ý đâu……”
Nói rồi, bà cụ kiến mặt mũi hiền lành liền đăm chiêu ngắm nhìn bức ảnh xưa cũ nọ, dường như cũng không ngại chia sẻ về câu chuyện ngày trẻ của mình cho chàng thanh niên tóc trắng tuy tính cách hơi cứng nhắc nhưng gương mặt lại tỏa ra chính khí này.
Thấy Tấn Tỏa Dương vẫn tỏ ra hoang mang khó hiểu, bà cụ đầu mọc râu vòi bèn vỗ vỗ cái chân càng già càng yếu của mình, mệt mỏi nói:
“……Thôi không nói chuyện đó nữa, cậu trai, rốt cuộc cậu từ đâu đến, sao tối qua lại rơi xuống sông Long Vương ngay giữa mùa đông thế? Tôi xem vết thương trên người với trên mặt cậu, chắc là gặp chuyện gì chẳng lành hả? Nếu đám A Bảo mà không trùng hợp nhặt được đồ của cậu từ trên núi mang về nhà thì hôm qua cậu toi đời vì đụng độ lũ trẻ con già ăn thịt người rồi đó……”
“Tôi…..
Tôi vốn đến từ một thành phố khác ở dưới núi, không gần Đông Sơn lắm, vì mẹ tôi muốn tôi đến Đông Sơn để giúp bà ấy hoàn thành một tâm nguyện, nên khoảng một tuần trước…… tôi mới đến nơi này…… Tuy nhiên tới đây rồi tôi mới phát hiện dường như giữa bà ấy và một kẻ tên Công Kê Lang trên núi này có tồn tại một mối liên hệ đặc biệt, tối qua sau khi tỉnh lại trên núi, tôi liền gặp phải một sự cố bất ngờ.”
“Bất ngờ? Cậu đang nói đến lũ trẻ con già dưới trướng Công Kê Lang, cái bọn vừa đáng ghét vừa suốt ngày giả thần giả quỷ đấy ư?”
“Vâng, ban đầu đúng là có mấy người lùn tóc tai trắng xóa, biết nói tiếng người cứ truy đuổi tôi…… Sau đó đã xảy ra một số chuyện khác, miếng hổ uy màu vàng mà mẹ tôi để lại đã cứu mạng tôi…… Rồi tôi bị một đứa trẻ con già đẩy từ nơi tên mỏm đá Lồng Gà xuống dòng sông băng bên dưới……”
“Hả? Mỏm đá Lồng Gà? Từ…… Từ chỗ cao như thế ư? Cậu…… ngã thẳng từ đó xuống? Vậy mà chỉ gãy có một chân?”
Vì quá đỗi ngạc nhiên nên râu vòi trên đỉnh đầu bà Phạm Tế rung rung, giọng cũng cất cao lên.
Bản thân Tấn Tỏa Dương cũng cảm thấy việc nay bất thường, hắn cau mày hồi tưởng lại cảnh tượng lúc đó, cuối cùng vẫn lắc đầu, chậm rãi nói:
“Không…… Lúc rơi xuống, hình như tôi thấy có một con rồng màu xanh xuất hiện…… Nhưng tôi không nhớ rõ mặt mũi ra sao…… Chỉ nhớ nửa thân trên hẳn là hình dạng con người, vảy màu xanh, đuôi rồng phát sáng trong nước, hơn nữa trên tay còn đeo một thứ gì đó…… màu bạc, hình như là vòng tay khắc hoa văn……”
“……Cậu có thấy đó là nam hay nữ không?”
“Hẳn là…… một người đàn ông.”
“Thế thì đúng rồi, thích đeo trang sức bạc, còn sống dưới sông Long Vương, xem ra chính là vị ấy…… Trên ngọn núi của chúng tôi quả thực có một vị Long Vương, nhưng bình thường rất hiếm ai gặp được ngài ấy, ngài cũng không thích lộ diện trước con người, ngay cả kiến càng ngựa chúng tôi cũng chưa từng thấy mặt thật của ngài bao giờ.”
“Long Vương?”
Bà Phạm Tế vừa nói thế, Tấn Tỏa Dương lập tức nhớ tới lúc mới đến trị trấn Đông Sơn, chủ tịch Thạch có kể về bức tranh sơn dầu mà mình mãi chưa dám hoàn thành.
Bà cụ Phạm Tế cảm nhận được nỗi nghi vấn của hắn, cũng gật đầu trả lời:
“Đúng, Long Vương từ rắn hóa giao, lại từ giao hóa rồng, loài rồng yêu thích những thứ phát sáng lấp lánh, ưa sạch sẽ, tuy hơi nóng tính song luôn cảm khái và bao dung với con người…… Nhưng nghe nói hiện tại rất khó có thể bắt gặp rồng trong những con sông bình thường…… Chuyện xưa kể rằng, nếu người thường nhìn thấy rồng trong sông thì nhà sắp gặp vận đại phú quý, cho nên mỗi con rồng cũng tương đương với thần sông của một khu vực.
Là bán thần cai quản trật tự của một phần nhân gian, họ không thể dễ dàng để người ta biết được mặt thật của mình, bằng không sẽ rước tới tai họa cho bản thân……”
“Vì sao lại rước tới tai họa cho bản thân?”
“Bởi vì bất kể là người, thần hay túy thì đều có thói tham lam, hết thảy bộ phận trên người Long Vương đều là bảo vật vô giá, dễ khiến kẻ khác thèm muốn.
Mặt khác, trường thọ cũng là một trong những đặc điểm của rồng, nhưng nếu vì ai đó mà ở lại đất liền suốt thời gian dài, mãi không quay trở về sông nước, thì rồng sẽ chết già.
Do nhiều nguyên nhân như thế nên long thần không thích nán lại nhân gian, cũng không thể tùy tiện lộ diện trước con người, đây đều là bí mật mà người địa phương đều hiểu rõ trong lòng……”
“……”
“Dù cậu nhìn thấy ngài ấy thì cũng chớ nói với ai khác ngoài tôi, bằng không…… chọc giận thần linh là không hay đâu.
Có điều, lần này Long Vương đã chọn cứu cậu thì chứng tỏ ngài dự định nhúng tay vào kiếp nạn giữa cậu và Công Kê Lang, do đó thời gian này cậu cứ an tâm ở lại đây, cho dù Long Vương không bảo vệ cậu thì bộ tộc kiến càng ngựa tại thôn Phạm cũng không phải nơi mà vài đứa trẻ con già khùng điên có thể tùy tiện xông vào.”
“……Vâng, cảm ơn bà.”
Những chuyện chưa từng nghe kể ấy làm Tấn Tỏa Dương cau mày bất ngờ, thầm ghi nhớ lời khuyên của bà Phạm Tế, cuối cùng nghiêm túc gật đầu với bà.
Bà Phạm Tế ngồi trước mặt hắn, có vẻ cũng nhận ra thanh niên tóc trắng thật sự không có ý đồ xấu gì mà hơn nữa tính cách còn khá thẳng thắn, bà suy nghĩ một chốc, bèn cười nói thêm:
“Mà thật ra, ngoại trừ vị Long Vương tốt bụng của chúng tôi, cậu còn phải cảm ơn một người khác nữa đấy……”
“Dạ?”
“Nếu không phải tối qua cha Dương Hoa tình cờ từ bên ngoài trở về nhà, thì ngày thường chưa chắc chúng tôi sẽ chủ động giữ một người sống có lai lịch mập mờ đâu……”
“……”
“Lúc ấy cậu đang hôn mê nên hẳn không biết cậu ấy đã cứu cậu, tối qua tiền cho thầy lang là cha Dương Hoa trả giúp cậu đấy, cũng chính cậu ấy đã mang cậu từ bờ sông về…… À, nhắc mới nhớ, thằng nhóc A Bảo nhà tôi nghịch ngợm quá, tự tiện nhặt mấy món đồ quý giá của cậu về, chúng tôi cũng nên xin lỗi cậu mới phải……”
Bà Phạm Tế nhắc đến “Cha Dương Hoa” rất nhiều lần, Tấn Tỏa Dương không quen thuộc vùng này lắm đâm ra thoạt đầu nghe cũng chưa hiểu, sau đó thì mới bắt đầu chú ý đến một vị “ân nhân cứu mạng” khác của mình.
Từ lời nói của bà cụ, hắn đoán được có lẽ cha Dương Hoa cũng sống trong hộ gia đình nào đó tại thôn Phạm, cũng chính nhờ cái người trước giờ chưa chủ động lộ diện này mà tối qua mình mới được cứu khỏi sông.
Tấn Tỏa Dương cảm giác rằng mình có thể tìm được một người mấu chốt đã trực tiếp chứng kiến sự kiện Công Kê Lang tối hôm qua, liền ngập ngừng dò hỏi:
“Vậy là cha Dương Hoa, người đã cứu tôi ở bờ sông, còn trả tiền thuốc cho tôi…… hiện cũng đang sinh sống ở phụ cận sao?”
“Phải, nhà cậu ấy ở ngay sau cái giếng khô nhà tôi, chính là căn nhà gỗ mà trước cửa có tổ chim én cũ ấy…… Về sau kiểu gì cậu cũng có cơ hội gặp cậu ấy thôi, cậu ấy sinh sống cùng con gái trong thôn chúng tôi, nhưng cậu ấy cũng giống cậu, là một người sống, thường mò châu ngọc ven bờ sông để mưu sinh.
Thật ra đa phần người trong thôn này vốn không thích người sống đến đây lắm đâu, nhưng từ hơn hai mươi năm trước, sau khi cha Dương Hoa đến, cậu ấy không chỉ hỗ trợ kéo điện tới các hộ mà còn hướng dẫn mọi người chỉnh lý đường sông để trồng trọt cấy cày, mọi người mới nhận ra con người cũng có người tốt, dần dà cũng quen chung sống cùng con người……”
“……Ông ấy là người sống? Hơn nữa đã tới đây hai mươi mấy năm rồi?”
Có lẽ vì không ngờ lại gặp được một người sống giống như mình ở trong thôn Phạm, cái nơi mà nhìn quanh chẳng thấy một người bình thường nào, xét về tuổi tác thì đây rõ ràng còn là một vị tiền bối đã có tuổi nữa chứ, cho nên Tấn Tỏa Dương cũng tỏ ra hơi sửng sốt.
Sau khi cân nhắc, hắn lại tiếp tục gặng hỏi bà Phạm Tế.
Nghe câu hỏi của hắn, râu vòi trên đỉnh đầu và đôi mắt nâu của bà Phạm Tế cùng lấp lóe ánh sáng, bà nheo mắt, cẩn thận hồi tưởng lại, đoạn bảo rằng:
“Đúng vậy, lúc đến đây trông ngoại hình cậu ấy vẫn còn rất trẻ, tôi nhớ hình như trong chứng minh thư cậu ấy để lại nhà Phạm Bằng để đăng ký hộ khẩu có ghi là…… Cậu ấy sinh năm 1986…… Không biết tôi có nhớ nhầm hay không, họ tên thì là hai chữ Hán mà tôi chưa thấy bao giờ, cơ mà nhiều năm qua mọi người toàn quen gọi cậu ấy là cha Dương Hoa…… Bà già này không thông thạo chữ Hán lắm nên đến giờ vẫn không biết hai chữ trong tên cậu ấy đọc kiểu gì, có nghĩa là gì……”
“……”
Dứt lời, bà Phạm Tế dùng chiếc chân kiến của mình nắm lấy một thanh củi mềm từ trong đống củi đốt, ngước đầu ngẫm nghĩ một lát, rồi trước ánh nhìn thắc mắc của Tấn Tỏa Dương, bà cụ kiến càng ngựa này bèn cúi người xuống, chậm rãi viết lên nền đất hai chữ Hán tuy xiêu xiêu vẹo vẹo, song lại cho người ta một cảm giác gì đó rất đỗi đặc biệt.
【Tần, Giao.】.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...