Tình sử Angélique

Một bàn tay kín đáo chạm vào cánh tay Angiêlic:
- Thưa bà, - chị hầu phòng Macgô thì thầm - đây là lúc bà nên rời khỏi đây. Ngài Bá tước sai tôi đưa bà đến nhà thủy tạ trên bờ sông Garon. Bà sẽ nghỉ đêm ở đó.
- Nhưng tôi không muốn đi! Angiêlic phản đối - Tôi còn muốn nghe người ca sĩ mà ai cũng hết lời khen ngợi trầm trồ. Tôi cũng còn chưa thấy mặt ca sĩ nữa kia.
- Thưa bà, ông ấy sẽ hát để bà nghe. Ông ấy sẽ hát phục vụ riêng bà thôi, ngài Bá tước đã hứa như vậy. Bây giờ kiệu đang đợi
Vừa nói, người phụ nữ to béo vừa cầm chiếc áo choàng có đính mũ chùm đầu khoác lên vai bà chủ, rồi đưa cho Angiêlic chiếc mặt nạ bằng nhung đen và thì thầm:
- Xin bà hãy đeo dùm cho để không ai nhận ra bà nữa. Nếu không đám “nhạc công” mang theo xoong chảo có thể rượt theo đến tận nhà thủy tạ, và họ sẽ khua xoong đập chảo quấy nhiễu đêm tân hôn của ông bà.
Chị người hầu lấy tay che miệng cười khúc khích, rồi giải thích:
- Tục lệ ở Tuludơ xưa nay vẫn thế. Cặp vợ chồng mới cưới nào không tìm cách lẩn đi như những tên kẻ trộm trong đêm tối, thì sẽ phải nộp một khoản chuộc lớn bằng tiền đồng, nếu không buộc phải xô xát khủng khiếp với bọn quỷ sứ ấy. Đức Tổng giám mục và cả cảnh sát đã tìm cách phá bỏ tục lệ ấy mà không được.
Chị hầu đẩy Angiêlic vào kiệu, hai người đầy tớ lực lưỡng nhấc ngay kiệu lên vai khiêng đi. Vài ba người cưỡi ngựa từ trong bóng tối theo sau hộ vệ. Sau khi đi vòng vèo qua nhiều ngõ hẹp, đám người này đã ra tới vùng nông thôn.
Nhà thủy tạ là một biệt thự nho nhỏ, chung quanh vườn cây thoai thoải trải dài tới con sông. Lúc xuống kiệu, Angiêlic khẽ giật mình trước cảnh vật hết sức tĩnh mịch, chỉ vang lên tiếng dế kêu lạnh lẽo. Chị hầu phòng Macgô từ trên yên ngựa tụt xuống đất và dẫn cô dâu trẻ vào căn nhà vắng ngắt. Đôi mắt long lanh và môi mỉm cười của chị hầu phòng làm tăng thêm vẻ ly kỳ của cuộc tình duyên bí hiểm này.
Angiêlic thấy mình đã ở trong một gian buồng lát gạch hoa nhiều màu. Ngọn đèn nhỏ đã được thắp sẵn bên giường ngủ. Đèn này lẽ ra không cần đến bởi vì đã có ánh sáng trắng như một làn tuyết mỏng phủ lên tấm khăn đính bằng đăng ten trải trên chiếc giường lớn. Chị Macgô đưa con mắt xét nét nhìn người phụ nữ trẻ lần cuối, rồi lục tìm lọ nước hoa trong túi để xoa lên da cho thơm mịn.
- Chị cứ mặc tôi - Angiêlic sốt ruột gạt phắt đ- Thưa bà, phu quân của bà sắp tới, bà cần phải...
- Tôi chẳng phải làm gì cả. Để tôi một mình.
- Thưa bà vâng.

Chị hầu nhún chân chào.
- Để tôi một mình! - Angiêlic giận dữ kêu lên lần thứ ba.
Còn lại một mình, nàng bực dọc với bản thân vì đã không kiềm chế được tình cảm của mình trước chị hầu phòng. Nhưng nàng không ưa Macgô. Vẻ tự tin và nhanh nhẹn của chị làm nàng ngài ngại, và thấy sợ đôi mắt đen giễu cợt của chị.
Nàng không động đậy một lúc lâu, mãi khi sự yên lặng trong phòng trở thành nặng nề đến mức không chịu đựng nổi.
Nàng thấy nỗi sợ hãi lại trỗi dậy trong lòng, nàng nghiến chặt hàm răng.
“Ta không sợ - Nàng lẩm bẩm thành tiếng - Ta biết mình phải làm gì, ta thà chết còn hơn để ông ấy chạm vào người”.
Nàng bước tới ban công mở ra sân thượng.
Thành phố Tuludơ bị khúc ngoặt của con sông che khuất. Nàng chỉ nhìn thấy những khu vườn và làn nước chảy long lanh, và xa hơn nữa là ruộng ngô và cánh đồng nhỏ. Angiêlic ngồi xuống chiếc đi văng bọc nhung xanh, tựa trán vào bao lơn. Những viên ngọc và những cái trâm bằng kim cương cài vào mớ tóc bắt đầu làm nàng thấy hơi đau. Nàng phải khó khăn hồi lâu mà chưa gỡ hết được. Nàng nghĩ thầm:
“Tại sao mụ béo rồ dại ấy không gỡ tóc và thay áo dài cho ta nhỉ? Dễ thường mụ ấy nghĩ rằng ông chồng ta sẽ làm những việc ấy thay mụ chắc?”
Nàng bất giác mỉm cười buồn bã và
- Mẹ Xanhtơ An thường không quên dạy bảo học sinh nữ của mẹ rằng người vợ phải thể hiện sự phục tùng đối với tất cả các đòi hỏi của người chồng. Và khi nói từ tất cả, thường thường mẹ tròn xoe con mắt, còn các nữ sinh thì cố nén những tràng cười khúc khích, vì đã thừa hiểu là mẹ muốn nói điều gì. Nhưng riêng ta thì chẳng thích phục tùng chút nào. Ông Môlin đã nói đúng khi ông bảo rằng mình không bao giờ chịu cúi đầu vâng theo điều mình chưa hiểu rõ. Mình đã vâng theo họ để cứu lấy lâu đài Môngtơlu. Vậy họ có quyền đòi gì ở ta nữa? Mỏ Acgiăngchiê nay thuộc về Bá tước Perắc rồi. Ông ta cùng với ông Môlin tha hồ buôn bán như cũ. Bố mình có thể tiếp tục nuôi la để vận chuyển vàng từ Tây Ban Nha về. Nếu ta có chết đâm đầu từ trên ban công này đi nữa, thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Mỗi người đều đã đạt được những gì họ mong muốn...
Cuối cùng nàng đã gỡ xong mớ tóc phủ xuống đôi vai trần của mình; nàng hất đầu đưa tóc ra phía sau lưng bằng cử chỉ tự nhiên đã quen thuộc từ ngày thơ ấu.
Chính lúc đó, nàng thấy hình như có tiếng động rất nhỏ. Quay đầu lại, nàng cố nén được một tiếng kêu khiếp sợ! Người thọt chân đứng tựa khung cửa sổ đang ngắm nàng.
Ông ta bây giờ không còn vận bộ đồ đỏ thẫm nữa, mà mặc quần dài với áo chẽn rất gọn bằng nhung đen. Ông bước khập khiễng lại gần và cúi đầu thật thấp để chào:

- Phu nhân có cho phép tôi đến ngồi cạnh không?
Nàng im lặng khẽ gật đầu. Ông ta ngồi xuống, đặt khuỷu tay lên hàng lan can bằng đá, và đưa mắt nhìn ra ngoài, từ tốn nói:
- Nhiều thế kỷ trước đây, cũng dưới bầu trời đầy sao này, các phu nhân quý tộc thường cùng với các thi sĩ hát rong leo dốc lên tới các tường thành lâu đài của họ, để nghe các nghệ sĩ đó ca hát. Phu nhân có bao giờ nghe nói đến những nghệ sĩ hát rong xứ Lănggơđốc này chưa?
Angiêlic không đoán được sẽ có cuộc hội thoại như thế này. Nàng trả lời một cách lúng túng:
- Có...có lẽ, đó là những nhà thơ thời Trung cổ chăng?
- Đó là những nhà thơ về tình yêu. Họ làm những bài ca bằng tiếng Ốc của vùng này. Thứ tiếng êm tai nhường nào! Ở xứ Akiten này, trước kia người ta học hỏi về nghệ thuật yêu đương, vì như nhà thơ Latinh Ôviđờ thời cổ đại nói “yêu đương là một nghệ thuật có thể dạy được, trong nghệ thuật đó người ta có thể đạt được tiến bộ nhờ học tập những quy luật của tình yêu”. Phu nhân đã bao giờ quan tâm đến nghệ thuật này chưa?
Angiêlic không biết nên trả lời thế nào. Nàng chỉ còn cách quay đầu đi, và như cái máy đưa mắt nhìn ra cánh đồng đang yên giấc.
Nàng nhận thấy người đàn ông đã nhích lại gần mình hơn, nhưng nàng vẫn ngồi yên.
- Cô có thấy không? - ông ta nói tiếp - trong vườn, có ao cá, nước ao cùng màu với đôi mắt cô đấy, cô gái hiền dịu của tôi ạ. Chưa bao giờ, trên khắp thế giới bao la này, tôi được gặp đôi mắt hiếm có quyến rũ như thế này. Và hãy nhìn xem từng chùm hoa hồng thắm nở ngoài ban công kia. Những đóa hồng đó cùng màu với đôi môi cô. Quả thật tôi chưa được thấy đôi môi nào như thế... Mà sao làn môi đẹp ấy lại mím chặt? Đôi môi này có êm dịu không, tôi chưa được xét đoán.
Đột nhiên bàn tay ông ta nắm lấy người nàng. Angiêlic thấy mình bị đẩy ra phía sau với một sức mạnh không ngờ tới ở con người cao lớn lầm lì này. Cổ nàng lọt vào một vòng tay khép lại ấn mạnh vào người nàng. Khuôn mặt ghê gớm hiện ra lờ mờ bên trên đầu nàng, nàng rú lên khiếp sợ và rùng mình giãy giụa. Gần như ngay lập tức, nàng thấy mình được giải thoát. Ông bá tước đã buông nàng ra, và nhìn nàng cười phá lên:
- Đúng như tôi nghĩ, tôi làm cho cô chết khiếp. Chắc cô thà nhảy từ ban công xuống dưới kia chứ không chịu thuộc về tôi, đúng thế không?
Nàng trân trân nhìn ông ta, tim đập mạnh liên hồi. Ông ta đứng lên và cái bóng cao lớn của ông dài thêm ra dưới ánh trăng.
- Tôi sẽ không cưỡng ép cô đâu, cô gái nhỏ trong trắng ạ. Tôi không thích thú gì làm như vậy. Thì ra cô đã bị trói chân trói tay đem nộp cho Người thọt chân cao kều xứ Lănggơđốc đây ư? Số phận khủng khiếp thật!

Ông ta mỉm cười cúi xuống, nàng căm ghét cái cười chế giễu ấy.
- Xin cô biết cho, trong đời tôi đã từng yêu nhiều phụ nữ thuộc nhiều màu da. Nhưng tôi chưa bao giờ cưỡng ép một ai, mà cũng chưa bao giờ dùng tiền bạc để quyến rũ một ai. Tất cả những phụ nữ ấy đều tự nguyện đến với tôi. Và rồi cô cũng sẽ đến với tôi một ngày nào đây, một tối nào đây...
- Không bao giờ!
Lời cự tuyệt của Angiêlic bật ra thật mạnh mẽ, nhưng nụ cười vẫn không tắt trên khuôn mặt kỳ dị kia.
- Cô là một thiếu nữ hoang dã, nhưng tôi chẳng ghét điều đó. Tình yêu chiếm được dễ dàng thì mối tình đó không đáng giá; phải khó khăn mới giành được tình yêu thì mối tình đó càng giá trị. Đó là lời của tu sĩ Angđrê, bậc thầy về nghệ thuật yêu đương. Chúc cô ngủ ngon, cô gái xinh đẹp! Hãy ngủ say một mình trên giường rộng! Tấm thân kiều diễm như vậy mà thiếu mất bàn tay vuốt ve, kể cũng đáng buồn. Chúc cô ngủ ngon!
Sáng hôm sau, khi Angiêlic tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao.
Nàng khó khăn mới nhớ lại được đêm trước mình đã trút bỏ bộ áo cưới như thế nào, và đã lên giường vùi người trong đám chăn đệm sực nức mùi hoa viôlét. Lúc đó nàng khóc thổn thức, vì quá mệt mỏi, vì thất vọng, và có lẽ vì cô đơn. Sáng nay nàng thấy mình tỉnh táo hơn. Người chồng kỳ lạ đã bảo đảm với nàng rằng ông sẽ không đụng đến nàng trừ phi nàng mong muốn điều đó. Lời khẳng định ấy làm nàng thêm phần yên tâm.
Chị hầu phòng Macgô đến giúp nàng mặc áo dài, vẻ kín đáo và thản nhiên. Giữa trưa, Angiêlic trở về thành phố. Clêmăng đến chào và báo tin là ngài Bá tước sai anh ta thưa để phu nhân rõ: Ngài đang làm việc ở và sẽ không về nhà ăn trưa. Angiêlic thấy nhẹ nhõm hẳn. Clêmăng còn nói thêm Bá tước đã nhận anh ta làm quản gia và anh ta hứa sẽ làm hết sức mình để vừa lòng các vị chủ mới.
Những ngày sau, Angiêlic được biết dinh thự của Bá tước Perắc là nơi đông khách nhất ở thành phố Tuludơ. Chủ nhân tham gia tích cực mọi cuộc chiêu đãi, hội hè, giải trí ở nơi đây. Dáng người cao lớn của ông ta di chuyển từ nhóm khách này sang nhóm kia; và Angiêlic ngạc nhiên thấy ông ta đến nhóm nào thì ở đó sôi nổi, nhộn nhịp hẳn lên.
Dần dần, nàng quen với sự xuất hiện của ông; và nỗi ghê sợ của nàng trước mặt ông giảm đi. Không nghi ngờ gì, ý nghĩ mình có nhiệm vụ phục tùng chồng về mặt thân xác chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự thù ghét dữ dội cùng nỗi khiếp sợ đối với ông. Bây giờ, cảm thấy yên tâm về mặt này, nàng buộc lòng thừa nhận rằng ông thu hút được người khác, nhờ có tài nói chuyện bóng bẩy, và tính tình vui nhộn, ham học hỏi.
Đối với nàng, ông tỏ ra lãnh đạm thờ ơ, trong khi không hề hà tiện những sự chăm sóc mà ở cương vị mình, Angiêlic đáng được hưởng, ông ít khi chú ý đến sự có mặt của nàng. Ông chào hỏi nàng mỗi buổi sáng. Còn nàng thì ngồi đối diện với chồng để chủ tọa các bữa ăn - ở bàn ăn, luôn luôn có ít nhất một nửa tá khách mời như vậy, nàng khỏi phải ngồi ăn một mình với ông.
Tuy nhiên, không ngày nào nàng không trông thấy một món quà mới ở phòng riêng: khăn quàng, đồ nữ trang, tấm áo dài mới, đồ gỗ hoặc bánh kẹo và hoa. Mọi tặng phẩm đều thể hiện khiếu thẩm mỹ hoàn hảo, đồng thời xa xỉ tới mức làm nàng vui thích đến choáng váng, nhưng cũng khiến nàng bối rối. Nàng không biết làm cách nào để Bá tước thấy mình hài lòng với những món quà ấy. Mỗi khi buộc phải nói trực tiếp với ông điều gì, nàng không sao dằn lòng để ngước mắt lên nhìn khuôn mặt đầy sẹo kia; nàng đâm ra ngượng nghịu và bắt đầu nói lắp.
Một hôm, nàng nhìn thấy chiếc hộp da đỏ nẹp sắt ở trong phòng mình, mở ra, nàng trông thấy chuỗi kim cương đeo cổ lộng lẫy mà nàng tưởng chỉ có được trong mơ. Nàng run run ngắm nghía chuỗi hạt.
Không kìm được, mắt sáng long lanh nàng chạy đến chỗ chồng đứng
- Đẹp biết bao! Tôi biết cảm ơn thế nào, thưa ông?
Vì phấn khích nàng đã chạy đến với Bá tước quá nhanh và suýt vấp vào ông. Hai má nàng chạm vào chiếc áo chẽn nhung của ông. Cánh tay rắn rỏi đã giữ nàng lại, khuôn mặt nàng vẫn hằng khiếp sợ nay kề gần nàng đến nỗi nụ cười của nàng tắt ngấm. Nàng lập tức lùi lại, run sợ, không sao tự kiềm chế nổi. Cánh tay ông Perắc tức thì buông ra, và ông nói một cách thản nhiên nhưng pha đôi chút khinh bỉ:

- Cảm ơn tôi ư? Tại sao? ... Đừng quên cô gái thân yêu, cô là phu nhân Bá tước Perắc, thuộc dòng dõi những vị bá tước lừng danh vùng Tuludơ. Ở cương vị đó, cô cần phải là người phụ nữ đẹp nhất, người phụ nữ trang sức lộng lẫy nhất. Từ nay trở đi, cô chớ coi mình có bổn phận cảm ơn tôi nữa.
Ông Perắc không hề nhắc nhở nàng về những đặc quyền của ông, trừ những dịp thật hiếm hoi, như khi đi dự hội khiêu vũ ở dinh ông tỉnh trưởng hay ở nhà một quan chức cao cấp của thành phố. Đấy đúng là những trường hợp đòi hỏi phu nhân Bá tước Perắc phải là người phụ nữ đẹp nhất và trang sức huy hoàng nhất trong buổi dạ hội. Vào những dịp đó, ông thường vào phòng nàng không báo trước, ngồi gần bàn trang điểm, chăm chú xem nàng ăn mặc. Thỉnh thoảng ông chỉ dẫn Macgô đôi câu và mấy cô hầu phòng khéo tay giúp nàng trang điểm. Không một chi tiết nào lọt qua mắt ông. Angiêlic ngạc nhiên trước những nhận xét đến độ chính xác của Bá tước, chứng tỏ một sự thanh lịch có nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì rất muốn trở thành một phu nhân lịch thiệp, nàng không để sót một lời khuyên bảo nhỏ nào. Vào những lúc đó, nàng quên đi nỗi oán hận và lo sợ của mình.
Nhưng một buổi tối, khi nàng đang đứng trước tấm gương to ngắm nghía chiếc áo dài xa tanh trắng ngà, cổ cao bằng đăng ten và chuỗi hạt ngọc trai, nàng bỗng thấy khuôn mặt đáng sợ của Bá tước Perắc hiện ra cạnh mình. Cơn tuyệt vọng đột nhiên ập đến, tựa như chiếc áo khoác nặng trịch đè xuống vai nàng.
“Giàu có, xa hoa thì có ích gì trong cảnh ngộ khủng khiếp thế này - nàng nghĩ thầm - suốt đời ta bị trói buộc vào người chồng tàn tật gớm ghiếc ư?”
Chợt nhận thấy nàng đang nhìn mình trong gương, Bá tước vé người sang bên:
- Có chuyện gì thế? Chẳng lẽ cô không thấy mình xinh đẹp sao?
Cô đưa con mắt thật thê thảm ngắm nhìn mình trong gương, và nói với giọng phục tùng:
- Có, thưa ông.
- Vậy thì, vì sao?... Ít nhất thì cũng nên mỉm cười...
Nàng thoáng thấy ông thở dài rất nhẹ.
Những tháng sau đó, Angiêlic nhận ra rằng ông Perắc thường dành sự quan tâm và những lời khen ngợi cho các phụ nữ khác nhiều hơn cho chính vợ mình. Sự lịch thiệp của ông rất tự nhiên, vui vẻ và thanh nhã. Các phu nhân rõ ràng vui thích và tranh nhau giành lấy sự săn sóc của ông.
Một hôm Bá tước Perắc nói với nàng:
- Nhà này được gọi là “Lâu đài học vui”. Tất cả cái gì đã từng góp phần làm nên nét duyên dáng và thanh lịch của xứ Akiten này và cũng là của nước Pháp nữa, đều cần được thể hiện trong bốn bức tường này. Cho nên, thành phố Tuludơ vừa mới tổ chức những cuộc thi ca hát lừng danh mang tên “Hội hoa đua tài”: từ tất cả mọi miền của đất nước và cả từ nước ngoài, các nhà soạn ca khúc ngắn đã đến thành phố ta dự thi, để tưởng nhớ các thi sĩ hát rong thuở trước. Vì vậy cô đừng ngại nếu thấy có nhiều gương mặt lạ ra vào dinh thự này. Nếu những vị khách ấy phá rối sự yên tĩnh của cô, thì cô hãy lánh về ở nhà thủy tạ trên bờ sông Garon.
Nhưng Angiêlic không thấy hứng thú gì trong việc tách ra sống một mình. Dần dần sức hấp dẫn của cuộc sống đầy ca hát vui tươi ở đây đã lôi cuốn nàng. Lúc đầu, nhiều vị phu nhân coi thường nàng, rồi nhận thấy nàng thông minh, ý nhị nên đã hoan nghênh nàng hòa nhập vào nhóm của mình. Thấy những cuộc chiêu đãi, gặp gỡ được Bá tước tổ chức có kết quả ở dinh thự của ông - dù sao đó cũng đồng thời là nhà nàng - người phụ nữ trẻ bây giờ ao ước được góp sức làm cho các cuộc gặp mặt này thành công
Trong số những người đầy tớ da đen của Bá tước Perắc, chỉ có một người tên gọi Cuaxi-Ba gây ấn tượng mạnh đối với Angiêlic. Khi nàng thấy người khổng lồ da đen với đôi mắt trắng dã hiện ra trước mắt, nàng phải cố gắng để khỏi tránh đi. Tuy nhiên anh ta có vẻ hiền. Anh không lúc nào rời xa Bá tước Perắc, chỉ trừ những lúc anh canh gác ở cửa ra vào căn nhà tít phía cuối dinh thự. Ông Bá tước hay rút về khu vực này vào buổi tối, và đôi khi cả ban ngày. Angiêlic đinh ninh rằng khu vực cấm này là nơi cất giấu những nồi hơi và bình lọ mà cậu nhỏ tùy tùng Angricô đã kể với u già Phăngtin. Nàng rất tò mò muốn vào căn nhà bí ẩn đó, nhưng không dám. Chính một vị khách của Lâu đài học vui rốt cuộc đã tạo cơ hội để nàng phát hiện được khía cạnh còn bị che giấu trong tính cách kỳ lạ của chồng nàng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận