Tiếng Vọng


1
Tưởng Kim Minh là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, anh có đầu óc nhanh nhạy, năm 2000 vào làm việc tại số 76 đường Đàn Viên như ý muốn, chủ yếu phụ trách việc triển lãm.

Từ sau khi nơi này được đưa vào diện bảo tồn di tích văn hóa, nhu cầu đến tham quan tăng vọt, hơn nữa còn nằm ngay vị trí trung tâm nên hầu như ngày nào cũng đông như hội, là nơi sầm uất nhất ven sông hay thậm chí là toàn thành phố.

Tưởng Kim Minh thích sự tĩnh lặng trong huyên náo của nó.

Đẩy cánh cửa nặng trịch ra, mùi gỗ mang hơi thở lịch sử phả vào mặt, tia nắng xuyên qua ô cửa kính trên dãy hành lang dài, những bức ảnh cũ và đồ vật cũ xâu chuỗi lại khung cảnh trăm năm, mọi thứ thật chậm rãi yên bình.

Ngoại trừ văn phòng ở tầng bốn, bao giờ cũng có cảm giác tất bật.

Nhẽ ra kiểu đơn vị thế này này phù hợp với nhịp độ già cả hơn, tham quan, bảo dưỡng và nghiên cứu.

Nhưng Sử Chí Dũng không nghĩ như vậy, ông xuất thân chuyên ngành lịch sử mà lại có suy nghĩ rất cấp tiến, sau khi nhậm chức viện trưởng viện bảo tàng thì còn hăng hái hơn.

Trong buổi lễ kỷ niệm một nghìn năm, ông đã định được nhịp độ cho số 76 đường Đàn Viên, phải vươn lên, phải phát triển, phải sáng tạo đổi mới.

Tưởng Kim Minh còn ghi những câu ấy vào trong sổ, chợt ngòi bút dừng lại, chấm lên trang giấy như có điều suy nghĩ, chấm chấm rồi lại chấm…
“Kim Minh.”
“Vâng?” Anh ngẩng đầu, bắt gặp cái nhìn háo hức của viện trưởng.

“Nhiệm vụ nặng nề này cần thanh niên các cậu thực hiện, cần cái đầu sáng dạ của cậu.

Mọi người, năm nay kỷ niệm một trăm năm số 76 đường Đàn Viên hoàn thành xây dựng, có phải chúng ta nên làm gì không? Có cần hợp tác với bên ngoài không? Tôi nhấn mạnh, lịch sự không chỉ là quá khứ mà còn nhìn tới tương lai, nó là cây cầu nối giữa quá khứ và tương lai.”
Ông dứt lời, ngoài một mình Tưởng Kim Minh gật đầu ra thì những người khác có phản ứng khá bình thường.

Xét cho cùng, phần lớn người làm việc ở số 76 đường Đàn Viên đều chỉ tìm cuộc sống nhàn hạ qua ngày.


Bình thường toàn đặt tâm tư vào đóng gói đồ ăn trong canteen, đón con đi làm sớm và ké phúc lợi cùng đồ cùng văn phòng trong đơn vị, làm gì còn thời gian nghĩ về lịch sử? Lại còn nghĩ cả tương lai?
Sử Chí Dũng cũng hiểu rõ điều đấy, ông cố tình nhắc đến một việc khác: “Vì triển khai công việc, tôi đã phê duyệt mua cho đơn vị một chiếc máy tính, mọi người xem còn cần gì nữa không?”
Miệng hỏi mọi người nhưng ánh mắt chỉ nhìn vào Tưởng Kim Minh.

Các nhân viên căng thẳng.

Tưởng Kim Minh có thể cảm nhận được mọi người đang nhìn mình chằm chằm, anh nhắm mắt nói: “Máy nhắn tin đi, có khi ở ngoài nhận được tin nhắn thì lại khó tìm được điện thoại.

Mọi người xem… Có thể mua một chiếc điện thoại di động được không? Không phải đồ cá nhân, ai đi công tác thì đem theo, cũng dễ bề liên lạc.”
Và cứ như thế, nhiệm vụ mua điện thoại rơi vào tay anh.
2
Tưởng Kim Minh tan tầm, vừa bước ra cửa số 76 đường Đàn Viên đã trông thấy Sử Sùng ngồi lắc chân bên bờ sông, uống nước ngọt.

“Sao mày không vào?”
“Hễ gặp là ông ấy lại lải nhải cho xem, không biết còn muốn nói tới bao giờ… Đi, đi ăn nào, anh em nhà mày được phát tiền thưởng rồi.”
Sử Sùng chống người đứng dậy, đang định vỗ vai Tưởng Kim Minh thì anh đã né người chê bai: “Nè nè nè, đồ mới.”
Anh mặc chiếc áo khoác màu xanh đậm, trông có vẻ hơi rộng, bên túi ngực phải còn dắt một cây bút máy.

Sử Sùng ngẩn người, cười mắng: “Mẹ nó, đám có ăn có học bọn mày chú trọng hình thức gớm, Tưởng Kim Minh, mày nhìn mình đi, mới tốt nghiệp mà đã ăn vận như mấy lão già cổ hủ.”
Vừa nói vừa rút đi cây bút máy trong túi áo anh, áng chừng trong tay: “Là bút Hero.”
“Bố mày cho tao đấy.”
“Ông Sử đúng là coi mày như con ruột, được đấy, hay mày kế thừa sự nghiệp của ông ấy luôn đi.

Còn tao sẽ khởi nghiệp ở lĩnh vực bất động sản!”
Sử Sùng vuốt mái tóc xịt keo xịt tóc, lại chỉnh vạt áo âu phục, vừa đi vừa nói: “Này, tao tặng mày một bộ âu phục nhé, có biết anh em nhà mày được thưởng bao nhiêu?”
“Mày định làm ở công ty đó thật à?”

“Tiền cũng cầm luôn rồi mà giả cái gì?”
“Mày bỏ phí chuyên ngành ghê, viện trưởng Sử còn đang mong mày hỗ trợ ông ấy.”
“Đừng có suốt ngày viện trưởng Sử này nọ nữa, ở đơn vị tránh hiềm nghi còn hiểu được, nhưng đi với tao còn ra vẻ cái gì?”
Sử Sùng chế giễu, nhưng lại không kìm được nói tiếp: “Vốn dĩ từ đầu tao đã không thích lịch sử, không thích mấy thứ lỗi thời cũ rích ấy, mày xem tòa nhà này cứ âm u nặng nề, có gì tốt đẹp đâu?”
Ánh mắt anh ta dừng lại ở số 76 đường Đàn Viên, nắng chiều chiếu lên mặt tường loang lổ, đem lại cảm giác khó gọi tên.

Tưởng Kim Minh cũng nhìn theo.

Dù sáng sớm hay chiều tối, dù nhìn trăm ngàn lần vẫn có thể nhận được sức mạnh bình tĩnh như lần đầu tiên trông thấy.

“Đẹp mà.” Anh nói.

Lần đầu tiên, phải quay lại hồi còn bé tí.

Tưởng Kim Minh và Sử Sùng là hàng xóm với nhau, là bạn nối khố từ nhỏ đến lớn, bố của Sử Sùng – Sử Chí Dũng là người nghiên cứu lịch sử, không ít lần dạy vỡ lòng cho hai cậu nhóc, khi số 76 đường Đàn Viên còn chưa mở cửa tham quan thì ông đã dẫn hai người đến đây.

Còn về sau đó, chuyện cậu con ruột dốc lòng chỉ dạy lại làm trái ý, mà Tưởng Kim Minh chỉ được dạy qua loa lại cắm cúi nghiên cứu là điều không ai ngờ.

Sử Sùng không thích nghĩ nhiều về chuyện ngày xưa, cũng như không thích những thứ cũ kỹ, anh nhanh chóng kết thúc đề tài: “Mày xem, đấy là sự khác biệt giữa hai chúng ta, mày theo lão Sử học lịch sử, còn tao làm bất động sản của mình, đấy là sự sắp đặt tốt nhất của vận mệnh.”
“Vâng vâng vâng.” Tưởng Kim Minh hùa cho có.

“Ăn xong có muốn đi xem phim không? Có xem phim Ma Trận không?”
“Tao phải đến cửa hàng bách hóa mua điện thoại.”
“Ha, thằng oắt nhà mày được tăng lương hả?” Sử Sùng mở to hai mắt, tay nhét trong túi quần sờ vào tờ tiền giấy mới được phát, hùng hồn nói, “Vậy bữa nay mày mời đi.”
“Tao mời tao mời.” Tưởng Kim Minh cười, cũng không vội giải thích, đến khi ăn cơm xong mới nói là mua giúp đơn vị.


Sử Sùng là người sĩ diện hão, vốn không muốn để anh tiêu pha, nhưng lần này vì thể diện nên vẫn dốc lòng hỗ trợ chọn điện thoại.

Hai người đi dạo nửa giờ, so sánh tới lui, cuối cùng đã quyết định được:
“Cái này đi, Motorola GC87C.”
3
Tưởng Kim Minh không tài nào hiểu nổi vì sao lại mất điện thoại.

Rõ ràng để ngay trong văn phòng, chẳng hiểu sao lại không cánh mà bay?
Điện thoại mới mua hai tuần, mới thanh toán tạm ứng với cấp trên, chưa dùng được mấy lần – là chiếc điện thoại duy nhất của đơn vị, cứ thế biến mất trong tay mình.

Anh cực kỳ sốt ruột, nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên như không, tới trưa mỗi ngày lại lặng lẽ ở trong văn phòng dùng máy bàn gọi điện, hy vọng có người nhặt được...!
Mừng là lần nào cũng có đổ chuông.

Sầu là vẫn không có ai bắt máy.

Tình huống như thế làm anh ôm ấp hy vọng, nhưng hoàn toàn không hiểu nổi.

Nếu có người muốn giữ làm của riêng – đồ mắc tiền như thế, có khả năng lắm – vậy tại sao không đổi sim tắt máy?
Nếu nó rơi ở đâu đó mà vẫn chưa được nhặt lại, nhưng sau bao ngày tìm kiếm trong ngoài tòa nhà, anh vẫn không thấy bóng dáng nó đâu.

Đau đầu quá đi thôi.

Ngày mai sẽ có người đi tỉnh làm việc, nộp đơn xin đem theo điện thoại di động, thấy cây kim trong bọc sắp lòi ra, thế là trưa hôm đó anh đến ngân hàng một chuyến, rút hết tiền lương từ khi mới vào làm, chuẩn bị mua một chiếc mới.

Quay về văn phòng, Tưởng Kim Minh mệt mỏi ngả lưng vào ghế dựa, lại như mọi khi kéo máy bàn tới, nhấc ống nghe lên, bấm dãy số điện thoại đã thuộc nằm lòng.

Rồi anh nhắm mắt, im lặng chờ điện thoại đổ chuông.

Tút… Tút… Tút…
Âm thanh chết tiệt ấy cứ như thôi miên, khiến người ta dần rơi vào trạng thái mơ hồ, cứ thế không cúp máy, cho tới khi có âm thanh…
“A lô?”

Anh giật mình chấn động.

Một lúc sau mới luống cuống chụp ống nghe sát tai, hạ giọng: “A lô, chào cô… Cô nhặt được điện thoại của tôi.”
“Đúng thế, anh làm mất mấy hôm rồi đúng không?”
Là giọng nữ, nghe rất lễ độ, Tưởng Kim Minh vô cùng yên tâm.

Anh cũng không muốn truy cứu tại sao đã nhiều ngày như thế mà không có tin tức gì nữa: “Vâng, mấy ngày nay có gọi mà không ai bắt máy, may có cô nhặt được, vô cùng cám ơn… Cô là khách đến tham quan à?”
Đối phương phủ nhận, sau đó bảo anh để lại thông tin liên lạc rồi tới rạp phim nhận lại.

Tưởng Kim Minh tưởng mình nghe nhầm, xác nhận hai lần liền: “Rạp chiếu phim?”
Đã mấy tháng rồi anh không đến rạp phim, lẽ nào điện thoại này là hàng second-hand? Đang nghĩ ngợi thì lại nghe cô gái dằn giọng: “Đúng, số 76 đường Đàn Viên.”
Cái gì?!
Anh nhìn bàn ghế chật chội trong văn phòng, ngoài mình ra không còn người nào khác, buồn cười mà cười không nổi, lông mày chau lại: “Tôi đang ở ngay văn phòng tại tầng bốn, là căn phòng cuối hành lang, rạp chiếu phim ở đâu cơ?”
Một thoáng im lặng, bỗng đối phương bất thình lình nói: “Tóm lại tôi để điện thoại của anh ở trước quầy tầng hai, anh có rảnh thì ghé lấy về đi, kiểu điện thoại này của anh chắc cũng chẳng ai cầm đâu.”
Vẫn rất khách khí, nhưng trong giọng nói có vẻ qua quýt và xem thường khiến anh không vui.

Cái gì mà không ai thèm lấy kiểu điện thoại này? Lúc ở cửa hàng bách hóa bọn họ đã tìm hiểu rất kỹ, dù không phải mẫu mới nhất nhưng cũng rất ổn.

Chợt anh không biết phải phản bác câu nào trước.

Là số 76 đường Đàn Viên không hề có rạp phim, hay là chiếc điện thoại kia không hề rẻ… Hay là đừng có phản bác, có thể lấy lại điện thoại cho xong chuyện?
Suy nghĩ vài giây, trong ống nghe bắt đầu xuất hiện tạp âm.

“A lô?”
“Cô còn đó không? A lô, chiếc điện thoại này rất quan trọng, a lô…?” Anh nói trong vô vọng, trong tiềm thức đứng lên nắm chặt đường dây điện thoại, nhưng đã không còn hoạt động, âm báo bận lại vang lên.

Tưởng Kim Minh ngơ ngác đứng trước bàn làm việc, khó hiểu túm tóc.

Chết tiệt! Có phải là lừa đảo không thế?
Anh không kìm được chửi thề..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui