Đấy là cuộc gặp mặt thường niên của công ty. Lần này, cả trụ sở Hà Nội và văn phòng Sài Gòn đều tập trung ra Đà Nẵng. Họ đặt phòng ở một resort nằm ngay trên bãi biển.
Ngày thứ nhất và thứ hai của tuần trôi qua buồn tẻ. Họp buổi sáng và buổi chiều. Rất nhiều báo cáo và phát biểu. Đến chiều tối, mọi người ăn chung trong phòng ăn lớn của resort; rồi sau đó, người đi tắm biển lạnh, người đi dạo, người đi vào trong thành phố chơi, người thuê xe chạy ra tận Hội An. Duy thường ngồi ở ngoài bãi cát một lúc rồi về phòng đọc sách và đi ngủ sớm. Anh không thích tiệc tùng. Không thích đám đông. Biển thì trên thế giới này, anh đã đến quá nhiều bãi biển rồi. Canary ở Tây Ban Nha, Bora ở Polynesia thuộc Pháp, Honolulu của Hawaii, Corfu ở Hy Lạp, East Hampton và hầu hết các bãi biển lớn ở cả bờ Đại Tây Dương lẫn bờ Thái Bình Dương của nước Mỹ.
Không có M, chỗ nào cũng vậy.
Từ lúc lấy nhau đến nay, gần bốn năm qua, hầu như anh không đi đâu xa mà không có M đi cùng. Thậm chí, họ đi chợ cũng đi cùng nhau. Bạn bè anh thường t rằng M đang biến anh thành một người đàn ông nhu nhược, quấn vợ.
Anh gật đầu, công nhận.
Anh chỉ công nhận mà không bao giờ giải thích cái cảm giác ngày Hội Hóa Trang ở New York cách đây bốn năm. Lúc đó, anh mới chuyển đến sống với M được hai tháng trong căn hộ một phòng ngủ trên phố La Salle. Lúc ấy, M còn đang học nốt chương trình thạc sỹ của nàng ở Đại học Columbia.
Căn hộ 50 mét vuông trên tầng ba của họ đã có sẵn đồ đạc lúc họ dọn vào. Một phòng khách lớn có một bộ sa lông màu nâu đỏ, sàn nhà lát gỗ nâu, tường quét sơn màu hồng nhạt và treo rải rác những bản sao tranh Renoir. Phòng ngủ có một chiếc giường đôi lớn đã có sẳn chăn và ga trải giường cũng gam hồng và nâu đỏ, tủ quần áo, bàn phấn và tủ đầu giường đều bằng gỗ màu cánh gián. Bức tranh người tàng hình – một người đàn ông không có khuôn mặt – của Jos De Mey treo ngay đầu giường. Bếp và nhà ăn liền với nhau và liền ra phòng khách. Trong nhà tắm, đối diện với bồn toilet và bồn rửa mặt là một bức tranh lớn vẽ những hình bánh xe đặt cạnh nhau để đánh lừa thị giác người nhìn. Nếu người ta nhìn vào một điểm nào đó trên bức tranh, những bánh xe ở bên cạnh điểm nhìn đó dường như sẽ quay. Sau khi họ dọn vào, anh đã thay tất cả những bức tranh Renoir và Jos De Mey trong nhà nhưng giữ lại bức tranh bánh xe. Mỗi lần nhìn nó xuyên qua gương rửa mặt, anh có một trò tiêu khiển là luyện để những bánh xe không thể chuyển động. Và quả là có thể làm cho chúng không thể chuyển động bằng cách cứ nhìn thật thẳng vào chúng – nhìn thẳng mà lại chẳng hề nhìn.
Hàng xóm cùng tầng với họ là một gia đình người Ấn Độ, hai cô gái đồng tính luyến ái người Đức đang học trình diễn jazz ở Nhạc viện Manhattan, một người da đen học tài chính và một người Nhật Bản học một ngành gì đó thuộc khoa học cơ bản, có lẽ là vật lý. Giữa những người hàng xóm này, hai cô gái đồng tính là người anh và M gặp thường xuyên nhất; họ hay mở tiệc đãi bạn và mời cả anh với M. Hai vợ chồng Ấn Độ luôn cố thủ trong nhà mặc dù mùi cà-ri và những tiếng đàn sarod trong những băng nhạc họ mở luôn tràn ra hành lang. Người da đen thường ra khỏi nhà từ sáng sớm và về muộn; nếu anh ta đi vắng, tờ Thời báo phố Wall của anh ta sẽ chất thành đống trước hòm thư.
Nhưng bí hiểm nhất là người hàng xóm Nhật Bản. Anh chưa từng gặp người này trong cả hai năm sống ở đó; chỉ có M đã gặp anh ta khi người đưa thư bỏ nhầm tạp chí Nature và Physical Review Letters của anh ta vào hòm thư của anh với M và M đã sang gõ cửa để trả lại. Hộp thư dưới sảnh đề tên anh ta là T. Fumikawa; M và anh đã gọi anh ta là Fumi cho dễ. Một vài lần, khi anh và M về nhà khuya, anh nhìn lên tầng ba và ở căn hộ của Fumi, anh thấy bóng một người đàn ông đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Từ chỗ đó, anh ta sẽ nhìn thẳng vào phòng khách nhô ra của anh và M. Người quản lý tòa nhà từng nói với anh rằng thỉnh thoảng Fumi lại hỏi thăm xem M học gì, sắp tốt nghiệp và chuyển đi chưa. Theo lời giải thích của người quản lý thì Fumi muốn chuyển vào căn hộ của anh và M để hưởng cái ban công duy nhất của cả tầng.
Bên ngoài khu nhà của họ, đi xuôi xuống khu Tây Harlem là những đường phố ken dầy, mỗi phố chỉ cách nhau chừng 200 mét. Những hiệu sách cũ và nhỏ rất nhiều; đôi khi để vào được hiệu sách phải đi xuống cẩu thang tầng hầm một cửa hàng bán tạp hóa bên ngoài. Những cửa hàng thực phẩm nhỏ bán thịt, sữa, trứng, rau quả, đồ nhà tắm và đồ vệ sinh; quán ăn bình dân (nhất là các quán pizza, đồ ăn kiểu Caribê và Mỹ Latin, một vài quán Tàu và Nhật lẻ tẻ) rồi những tiệm cà phê chỉ đủ chỗ cho 10 người đứng, hàng kem, tiệm giặt là, hiệu cầm đồ, tiệm may, chi nhánh ngân hàng Chase, Citibank, hàng hóa, các cửa hàng băng đĩa, thậm chí cả nhà hát và bảo tàng mini. Đi ba dãy nhà sang phía Đông là ra đến công viên Morningside; đi sang phía giáp sông Hudson là công viên Riverside; và xuôi xuống phía Nam một đoạn là đã tới công viên Central Park cùng với khi thượng lưu nhiều tòa nhà cổ của Manhattan.
Cứ từ 7 rưỡi sáng, nếu anh kéo cửa sổ lên, tiếng chân dọc cầu thang, tiếng đóng mở cửa ra vào, tiếng còi xe bên ngoài đại lộ Martin Luther King và những tiếng ầm ỳ xa xa của thành phố đã vọng vào. Nhưng chỉ sau 9 giờ tối, tất cả các đường phố xung quanh nhà anh trở nên vắng vẻ. Các cửa hiệu cũng đóng sớm hơn trong các khu trung tâm của New York; và từ nhà anh nhìn ra, chỉ có những cửa sổ sáng đèn cho đến rất khuya. Sau mười hai giờ đêm, những ánh đèn tắt dần, tắt dần ở các khu nhà xung quanh, cho đến 7 rưỡi sáng ngày hôm sau, khi dòng âm thanh lại trỗi dậy. M cũng thường dậy từ trước 8 giờ sáng để đến trường, còn anh phải 8 rưỡi sáng mới ra khỏi nhà, nếu anh phải đi làm.
Suốt cả tháng đầu tiên sống chung với M, anh luôn có một cảm giác thấp thỏm. M ăn rất chậm. Anh ăn xong đã lâu rồi, M vẫn còn đang ăn. Anh đứng lên, rửa sạch bát của anh, lau, rồi cất đi, M vẫn còn đang ăn. Khi cuối cùng nàng cũng ăn xong, nàng không bao giờ rửa bát hay cốc ngay. Nàng để chúng đó. Những cái cốc còn đọng một ít nước ở đáy và những cái bát còn vương mấy hạt cơm cứ nằm chình ình trên bàn ăn.
- Sao em không rửa bát luôn đi? – anh chỉ những cái bát cho nàng.
- Em chưa “in the mood” – M cười.
Trừ làm việc, cái gì cũng phải “in the mood” thì nàng mới làm. Rửa bát. Đọc sách. Nướng bánh. Đi ra ngoài. Cắt tóc. Không “in the mood” thì không làm.
Anh cầm bát của M lén đi rửa lúc M không để ý.
Cứ như vậy một tháng. Dường như cái “mood” của M chẳng có quy luật nào. Bất thần, nàng đến tựa đầu vào vai anh lúc anh đang đọc sách. Bất thần, gần nửa đêm, nàng rủ anh đi ăn pizza ngoài phố. Hay bất thần, họ đi sàn nhảy.
Nhưng gần bảy giờ tối ngày Hội Hóa Trang đó, anh đang lấy quần áo từ trong máy sấy ra, còn M ngồi ở bàn học. Quần áo đang ấm, thơm mùi cỏ khô từ những tấm giấy sấy Bounce. Anh nhìn thấy những cái áo sơ mi Ralph Lauren. Bao giờ khi M lấy đồ từ trong máy ra, nàng cũng cuống quýt lấy những cái áo này của anh ra và treo chúng lên trước nhất. Anh kéo những cái áo ra; nhưng anh nhìn thấy một vạt màu đỏ ở phía trong. Cái áo khoác mỏng bằng vải sợi bông của M. Cái áo rất cũ – mặt vải đã sờn từng đám thưa thớt, M rất thích cái áo này vì nó rộng thùng thình. Nàng thường mặc nó ở nhà trong lúc ngồi làm việc. Hôm đó, anh nhìn những cái áo sơ mi Ralph Lauren. Rồi anh lấy cái áo đỏ của M ra. Anh treo cái áo ấy lên trước.
Bất thần, anh nói:
- Em ơi, anh đang “in the mood” vào Greenwich xem thiên hạ hóa trang.
- Đi! – M hí hửng đứng dậy khỏi bàn học.
Họ không đô tô mà đi tàu xuống phố Spring; rồi từ đó đi bộ đến chỗ tập trung của đoàn diễu hành ở trên Đại lộ Sáu. Có lẽ chỉ có mỗi anh và M là không hóa trang trong cả biển hàng trăm ngàn người tan chảy vì màu sắc và tiếng ồn. Dân đồng tính luyến ái là những người vẽ mặt và hóa trang cầu kỳ nhất; và họ cũng là những người vui nhất. Họ gọi cả anh và M là “darling”; họ bá vai bá cổ hai người để chụp ảnh. Cả đoàn người kỳ dị xuất phát từ góc phố Spring lúc khoảng 8 rưỡi tối, và rất lau mới đi đến cuối đoạn đường diễu hành là phố 23. Sau nửa đêm, anh và M mới lên tàu về nhà.
Trong hơn một tháng tiếp theo, cho đến tận lúc mùa đông ăn vào tim thành phố, ngày của anh xoay quanh hai lần đi bộ. Buổi sáng, anh dậy sớm đi bộ dọc đại lộ Amsterdam đưa M đến trường rồi anh lại đi bộ một mình về nhà. Đến chiều, anh lại đi bộ dọc đại lộ Amsterdam để đón nàng. Họ hay sưởi nắng ở các bậc thềm của Low Plaza – những bậc thềm dài rộng mang kiến trúc amphitheater kiểu Hy Lạp cổ dẫn lên tiền sảnh với hàng cột cao và mái vòm khổng lồ của thư viện Low. M nằm gối đầu lên đùi anh và họ nhìn những người qua lại. Lúc đó là những ngày mùa thu cuối cùng, trời se lạnh và nhiều gió đổi mùa; những cây thích ở gần cổng ra vào đã ngả vàng rực, nhìn xa như những bụi cây cháy. Mỗi khi một cơn gió lớn thổi qua, lá cây lả tả như một rừng ánh sáng rớt xuống trong khi phía trên, đống lửa tàn dần.
- Anh bảo có Chúa không? – M bất thần hỏi.
- Không!
Anh nói rồi chờ. Nhưng M chỉ tiếp tục nhìn những cái lá thích rơi xuống thành thảm vàng trên mặt đất, như thể câu chuyện đến đó là kết thúc.
- Mặt ai cũng giống một con vật – M lại đột nhiên nói – anh nhìn người này mà xem (M kéo gấu áo anh để chỉ cho anh thấy một sinh viên da đen cao to đang đi ngang qua chỗ họ). Con báo.
Đúng là giống con báo thật – loại báo đen thường nằm trên cây. Đường sống mũi anh ta to và vuông, gồ lên, hai cánh mũi gằn. Cặp mắt đen, xếch và sắc; hai mắt gần nhau đến mức hai đồng tử đen dường như nhập vào thành một thứ bóng tối phủ lên khuôn mặt và mang vẻ rình rập của loài thú ăn thịt luôn bất thần từ đâu đảy bổ vào con người. Màu da của anh ta cũng đen bóng và phảng phất màu của bóng đêm, chứ không phải thứ màu đen ngả vàng như những người da đen khác.
- Còn đây là một bầy chim sẻ – M nói khi một nhóm 5, 6 cô gái mặc quần len bó và áo len bó đang tản mát đi thoăn thoắt xuống các bậc thềm.
- Anh là con gì? – anh hỏi.
- Anh á? – M ngẩng lên nhìn chăm chú vào mặt anh – Hmm… anh là con trâu rừng đứng nhai cỏ một mình – M cười.
Trên đường về, họ thường dừng lại ở các sạp sách cũ bày trên vỉa hè. M chạm vào cuốn sách nào, anh cũng lập tức cầm nó lên. “Để anh mua cho em”. Nhưng M nhất định không bao giờ để anh trả tiền.
- Không – M nói – sách của em, em mua.
Rồi họ cưới nhau.
Mùa đông đó tuyết xuống muộn nhưng dày. Cuối tháng 11, trận tuyết nhẹ đầu mùa mới rơi. Nhưng tháng 11 chỉ vừa đi qua, cơn bão tuyết đầu tiên của khắp vùng đông bắc nước Mỹ đã vùi New York dưới một tấm thảm trắng dày đến nửa mét. Sau khi bão tuyết qua đi, trong ba tuần liền, không khí khô kiệt; tuyết biến thành băng; sắt lại từng tảng lớn dọc các đại lộ và bị bụi đường vấy thành một màu đen đúa. Ngay cả những ngày có mặt trời, không khí cũng không đủ ấm lên; không khí đón Giáng Sinh và năm mới ở New York chùng xuống. Khi lớp băng đen bẩn chưa kịp tan để rửa sạch thành phố, cơn bão tuyết thứ hai đã ập xuống, phủ đè lên. Vào đêm Giáng Sinh, anh và M đã lái xe một vòng quanh quảng trường Thời Đại vắng tanh, lất phất tuyết và đầy hơi ẩm. Trên những đường phố lạnh lẽo, chỉ có những bảng điện tử nhấp nháy trên cao và một vài khách du lịch đang ở thăm New York, còn mấy triệu dân thành phố đều quây quần đâu đó trong những căn nhà, quanh lò sưởi hay bàn ăn.
Sáng sớm ngày 26, anh và M rời nhà đi Chittendon, Vermont trượt tuyết ở Lost Horizon Loop. Họ đã ở trên đỉnh núi, hơn 600 mét trên mặt nước biển, cho đến ngày cuối năm. Anh đã chuẩn bị để trượt tuyết và dạy M trượt tuyết nhưng lên tới nơi, rốt cuộc họ nằm dài trong nhà xem tuyết bên ngoài. Đêm nào trên núi cũng có tuyết rơi nhẹ, xóa tanấu chân dày xéo của ngày hôm trước. Chuyện lên đây mà không trượt tuyết dường như là hiển nhiên. Buổi sáng ngày 27, họ dậy muộn; rồi chẳng hề thỏa thuận nhưng họ cứ thế nằm trong chăn cho đến chiều. Anh và M nói chuyện vơ vẩn, đùa nhau, làm tình, ăn trưa trên giường, rồi ngủ trưa, rồi lại tiếp tục nằm chơi trên giường cho đến tận chiều tối mới xuống nhà ăn. Sau bữa tối, họ lại về phòng, chui vào trong chăn nằm dài như thế cho thời gian trôi cùng với tuyết xuống bên ngoài.
Anh kể với M rằng năm nay là năm thứ 7 anh đón năm mới ở một nhà nghỉ hoặc trên đường đi. Anh kể khi anh nhỏ, cha anh luôn bắt anh ngồi khai bút lúc giao thừa vì ông nội cũng bắt cha anh làm như vậy. Theo như lời ông nội thì lúc giao thừa là lúc tinh khí trời đất giao hòa, các vị phúc thần sẽ bay trong không gian và sẽ ban phước cho đứa bé nào ngồi học bài. Anh vừa kể vừa cười vì hồi đó, anh đã tin thế thật.
- Em vẫn tin – M nói – Lúc sang năm mới, nếu nhà nào khóa cửa và tối đèn thì các phúc thần sẽ bỏ qua.
Lúc M nói thế là 5 giờ chiều; họ trả phòng khách sạn, lên xe và chạy 6 tiếng để trở về nhà vào ngay trước nửa đêm.
Họ vào nhà. Anh bật tất cả các bóng điện trong phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà tắm cho căn nhà sáng choang. M vứt mũ, tháo vội khăn, bật vô tuyến rồi nàng đi cắm bình nước nóng để pha trà. Khi trà xong cũng là lúc chương trình đón năm mới với Dick Clark trên vô tuyến chiếu đám đông ở quảng trường Thời Đại đếm ngược những giây cuối cùng của năm cũ.
Rồi quả cầu bạc phía trên vỡ ra. Những người đón năm mới ở quảng trường hôn nhau.
- Chúc mừng năm mới – M quàng tay qua cổ anh.
- Chúc mừng năm mới!
Họ đã uống trà bạc hà vào ngày đầu năm.
Từ đó cho đến hết mùa đông, những ngày anh đi làm, và M đi học, thì sáng sớm và buổi tối là thời gian duy nhất họ ở cùng nhau. Anh ngồi làm việc ở một góc, M ngồi ở góc đối diện trong phòng khách. Trong lúc anh kẻ vẽ tính toán, khóe mắt anh lúc nào cũng lờ mờ cái bóng áo đỏ của nàng. M thường làm vkhuya. Nàng không đứng dậy cũng không nói chuyện một khi đã bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Anh luôn chờ đến khi M đứng lên – tức là nàng đã xong công việc ngày hôm đó – thì anh cũng đứng dậy khỏi bàn. Cảm giác im lìm thả lỏng trong lúc hai người lặng lẽ làm việc là một kinh nghiệm lạ lùng với anh. Im lặng như một làn nước trong, lặng lẽ xoa dịu mọi thứ. Nó thật khác với cái im lặng rành mạch và tỉnh táo đã bao bọc anh suốt những tháng năm trước đó…
Suốt bốn năm qua, New York rồi Hà Nội, anh và M. Họ hầu như không có bạn bè ghé thăm và cũng hiếm khi đi thăm bạn bè. Nhưng như thế là đủ. Anh thích cái đời sống tối giản này. Mỗi một ngày của nó, buổi sáng mở mắt ra, anh đã có một niềm khấp khởi là chờ M tỉnh dậy. Nàng thường tỉnh dậy sau anh một chút. Bao giờ, việc đầu tiên nàng làm khi mở mắt cũng là nói “Hôm qua em mơ rất buồn cười”.
- Hôm qua em mơ rất buồn cười – M nói.
- Em mơ thế nào? – anh hỏi.
Và họ nằm trên giường, nghe M kể lại giấc mơ của nàng. Những giấc mơ thường liên quan đến tuổi thơ của nàng. Nàng mơ gặp lại những người bạn cũ từ cấp 1, cấp 2. Họ đi trên những con đường cũ ở ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, có một người bạn trai từ ngày đó luôn xuất hiện trong những giấc mơ: N.
Lúc nhỏ, M và N ở cùng khu tập thể phía Mai Dịch. Hai người chơi thân với nhau. Họ hay đèo nhau lên cầu Thăng Long rồi xuống nghịch ở bãi cát dưới sông Hồng. Hai người “thích” nhau.
- Dĩ nhiên là chẳng đưa nào nhận thế cả. Lúc đấy, em nói là em sẽ không bao giờ lấy chồng (nàng cười). Còn N thì tuyên bố là N không bao giờ lấy người bằng tuổi như em vì hai vợ chồng sẽ cá mè một lứa…
- Thế à?
- Nhưng mà… ha ha… bọn em giao hẹn là nếu đến năm 25 tuổi mà chưa đứa nào có người yêu, thì bọn em sẽ thành một cặp. Hồi đấy nghĩ 25 tuổi là già lắm rồi.
Năm nay M 26. Còn anh 32.
M và N. Họ sẽ thành một cặp – không phải là người yêu nhưng sẽ là một cặp. Không ai được yêu người nào khác nữa. Họ sẽ mua nhà chung và sống với nhau như cái gì cũng được, miễn không phải là người yêu.
- Tự do! – M cười.
Nhưng sau đó thì nhà N chuyển đi Lâm Đồng trồng cà phê và M cũng chuyển đi khỏi Mai Dịch. Họ không gặp lại nhau từ hồi đó.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...