Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới

Phần 03
Để làm bài tập phát biểu cảm tưởng về sách đọc trong kỳ nghỉ hè, tôi đọc cuốn Giờ khởi hành không bao giờ đến của Toshio Shimao. Chiến tranh Thái Bình Dương gần kết thúc, nhân vật chính, đội trưởng đơn vị cảm tử Kamikaze, nhận được lệnh tấn công từ Bộ tư lệnh. Anh biết giờ chết của mình đã điểm, cùng với đồng đội chờ lệnh xuất kích. Nhưng đợi mãi mà mệnh lệnh không được ban ra. Trong trạng thái trôi nổi giữa sự sống và cái chết, nhân vật chính nhận ra rằng nước Nhật đã đầu hàng vô điều kiện.
Sau kỳ nghỉ hè, mối quan hệ hai đứa không tiến triển được mấy. Đương nhiên ngày nào hai đứa cũng gặp nhau, nhưng thỉnh thoảng lắm mới có cơ hội hôn nhau một cái, càng không cần nói tới “quan hệ thể xác” làm gì. Rốt cuộc phải làm sao thì mới đến mức chỉ tiến không lùi đó được nhỉ? Tôi chán nản lẩm bẩm, “Không bao giờ đến hả?” Trong tiểu thuyết có một câu của nhân vật chính như thế này: “Sau khi mất cơ hội xuất kích, gánh nặng của cuộc sống thường nhật lại càng trở nên khó có thể chịu đựng.” Đó chính là tâm trạng tôi lúc này. Tôi không ngừng nghĩ về chuyến đi sở thú trong tháng Năm đó. Chân đã bước vào khách sạn rồi lại dễ dàng bước ra, giờ nghĩ lại thấy đúng là đã để mất cơ hội ngàn vàng. Cảm tưởng dường như đó chính là căn nguyên mình bị hủy diệt. Trong thời đại con người vẫn chưa phải là động vật lý tính, những con đực thiếu bản lĩnh như tôi hiển nhiên sẽ chết mà chẳng có con cháu gì.
Cứ chán nản không vui như thế rồi kỳ nghỉ hè cũng qua đi một nửa lúc nào không hay. Cứ hai ngày tôi lại tới bể bơi của trường một lần vào buổi chiều. Cũng có mấy đứa tôi quen hay tới đó. Bọn tôi bơi thi trên đường bơi dài năm mươi mét, kẻ thua cuộc phải đãi cả hội ăn hamburger ở cửa hàng McDonald trên đường về. Một hôm, tôi gặp Oki ở bể bơi. Ở trường cậu ta học chương trình khác, bình thường không có cơ hội nói chuyện với nhau mấy. Hình như Oki vẫn tập nhu đạo từ hồi cấp hai, giờ thể hình trông đã vạm vỡ như Arnold Schwarzenegger rồi.
Bơi với nhau một lúc, tôi và Oki ngồi phơi nắng trên thành bể. Gần đó có một cây nhãn lớn. Tôi ngả lưng xuống rễ cây quan sát đội kiến thợ chăm chỉ mang thức ăn về tổ.
“Không bơi nữa hả?” Oki hỏi tôi.
“Sao lũ kiến lại có thể sống vui vẻ thế nhỉ?”
“Không bơi chứ gì, tớ bơi một mình vậy.”
“Niềm vui của kiến là gì nhỉ?”
“Ừ thì, chắc là ăn sâu bọ và mấy con bọ nhỏ.”
Thấy cậu ta trả lời thành thật như vậy, tôi không sao nén nổi cười phá lên.
“Cười cái gì?” Oki có vẻ không được vui lắm.
“Nhu đạo có hay không?”
“Ờ, cũng tạm.” Tôi nghĩ Oki sẽ đứng lên và bỏ đi, không ngờ cậu ta thoáng ngập ngừng giây lát, rồi nói, “Này, cậu đang cặp với Hirose đúng không?”
“Ờ.”
“Trong đội nhu đạo có một tay lớp trên cũng đang theo đuổi bạn ấy đấy, cẩn thận đó.”
“Tên là gì?”

“Tachinaba.”
“Thằng chết tiệt.”
Giọng Oki nửa hư nửa thực, “Cậu sẽ bị hắn giết thì có! Trong đại hội thể thao mùa hè năm ngoái, ba bốn thằng trường trung học Thủy Sản gây sự với hắn ở rạp chiếu phim, bị đánh cho bán sống bán chết đấy.”
“Sợ thật,” tôi thốt lên.
Ánh mặt trời từ không trung chảy xuống làm mặt nước bể bơi sáng lấp lóa. Dưới đáy bể sơn màu xanh dương, những vòng ánh sáng trong suốt khi khép lại, lúc mở toang. Hàng gạch men màu đen đánh dấu khoảng cách uốn éo trong làn nước. Trong lúc ngẩn người, tôi không nghe thấy bất cứ âm thanh nào xung quanh nữa, chỉ thấy nước trong bể dập dềnh gợn sóng.
“Này, cậu với bạn ấy tiến triển tới đâu rồi?” Oki hỏi.
“Tới đâu hả?”
“Nghĩ là… đã làm chưa?”
“Câu lạc bộ nhu đạo thật chẳng ra làm sao,” tôi nhắm mắt lại nói.
“Tớ nghĩ cho cậu cơ mà.” Giọng Oki có vẻ thất vọng.
“Cậu muốn gì?”
“Chưa thì mau làm đi.” Trong đầu cậu ta hình như chỉ có mỗi ý nghĩ đó. Nói thật, tôi cũng chỉ nghĩ mỗi chuyện đó thôi.
“Làm thế, tớ nghĩ là Tachinaba sẽ không đụng đến bạn ấy nữa.”
Thật ngớ ngẩn! Cái gì mà đụng tới với chẳng không đụng đến, cái loại chẳng ra gì cứ suốt ngày khoe khoang “bạn gái của tao” hay “cô ấy của tao” thật khiến người ta phát ớn. Nếu thằng khờ Tachinaba đó cũng thích Aki thì cứ đến nói thẳng với Aki là xong. Tôi với Aki “làm rồi” thì rụt tay lại, logic kiểu quái quỷ gì vậy? Aki chẳng thuộc về ai cả, em chỉ thuộc về chính bản thân em mà thôi.
“Đầu óc bọn tập nhu đạo cũng đơn giản thật,” tôi nói.
“Cậu làm tớ cáu rồi đấy.” Oki nói, có vẻ như cậu ta sắp bực điên lên.

“Đừng cáu chứ.”
Cậu ta thở dài một tiếng, “Này, nếu cậu muốn, tớ sẽ sắp xếp cho.”
“Sắp xếp?”
“Thì chỗ hẹn hò này, điều kiện này. Đảm bảo trăm phần trăm có thể tăng cường tình cảm.”
Tôi ngạc nhiên nheo mắt lại nói, “Câu lạc bộ nhu đạo cũng dẫn khách à?”
“Ý là sao hử?”
“Cậu cũng nhiệt tình quá nhỉ?”
“Hồi tớ bị gãy chân, cậu và Hirose đến tận bệnh viện thăm tớ còn gì.” Oki nói với giọng thành khẩn, “Hôm đó vui lắm.”
“Chuyện lâu lắm rồi.”
Lời nói của Oki cũng ít nhiều làm tôi rung động. Tôi nhớ lại chuyến leo núi Shiroyama với Aki hôm đó. Tôi bỗng thấy thân thiết với cậu ta.
“Có muốn nghe không nào?” cậu ta lại hỏi.
“Thì có đấy.”
“Ở đây không được,” cậu ta ngó quanh ngó quất. “Quán McDonald được không?”
“McDonald?”
“Tớ hơi đói mà.”
“Tớ thì không.”

“Nhưng tớ đói.” Oki đặc biệt nhấn giọng vào chữ “tớ”.
Ngay lập tức tôi ra khỏi tâm trạng bồi hồi thành khẩn đó. “Thời đại đáng buồn, tình bạn bị đổi chác bằng tiền bạc - ai nói ấy nhỉ?”
“Chưa nghe bao giờ.” Nói đoạn, cậu ta đứng lên, “Một suất hamburger cỡ đại và gà chiên cỡ lớn, thế là xong.”
Phần 04
Nhà Oki sống trong một làng ven biển, cha mẹ cậu ta làm nghề nuôi cấy ngọc trai. Hồi học cấp hai, ngày nào Oki cũng đạp xe năm cây số đi học, đến giờ thì phàn nàn tập nhu đạo cực quá nên đổi sang đi xe buýt. Tôi từng đến nhà Oki vài lần với mấy người bạn. Biển ở ngay trước nhà, trên mặt nước nổi dập dềnh một cái bè nuôi ngọc trai to khoảng bằng một cái sân tennis. Chúng tôi được phép bơi ở đó. Đầu kia của chiếc bè cách bờ biển đến hơn năm mươi mét, hoàn toàn không thể thấy đáy biển. Chúng tôi chạy lấy đà trên mặt bè, rồi nhảy ùm xuống nước, hết lượt này tới lượt khác. Bất kể có nhảy bao nhiêu lần, bất kể là lặn sâu thế nào, cũng đều cảm thấy biển rộng vô cùng, sâu đến đáng sợ. Đói bụng, cả lũ kéo nhau tới cửa hàng hợp tác xã ngư nghiệp mua bánh mì và sữa, đem về bè ngồi ăn. Ăn xong lại bơi. Dưới bè có rất nhiều cá nhỏ bơi lội. Chúng tôi thường gỡ những con trai dính trên thành bè, dùng đá đập vỡ vỏ và lấy thịt trai ra làm mồi câu. Kết quả là lũ cá nóc và cá vược không sợ chết cắn câu liên tiếp và trở thành bữa tối của chúng tôi.
Những gia đình làm nghề nuôi cấy ngọc trai này, nhà nào cũng đều có vài cái thuyền lớn nhỏ. Thường là bốn năm cái gì đó, trong số ấy luôn có một cái dùng để đi chơi. Oki bảo, người nuôi cấy ngọc trai bận nhất là lúc phải cấy nhân vào bên trong con trai, khoảng từ tháng Tư đến tháng Sáu, xogn rồi thì tương đối nhàn. Vì thế, con thuyền ngoài kia có thể thoải mái sử dụng vài giờ mà chẳng ngại ngần gì, thậm chí người trong nhà còn không buồn để ý xem có thiếu mất một chiếc thuyền hay không.
Trong cái vịnh cách nhà Oki khoảng một cây số có một hòn đảo nhỏ tên là Yumejima. Mười năm trước, một công ty tàu thùy địa phương tới đảo đầu tư, lên kế hoạch xây dựng một khu nghỉ mát tổng hợp bao gồm bãi tắm, khu vui chơi và khách sạn. Không ngờ, ngân hàng cho công ty kia vay tiền gặp phải khó khăn, giữa chừng rút vốn. Không được ngân hàng hỗ trợ, công ty tàu thủy kia đành đóng băng dự án đó lại một thời gian. Không lâu sau, chính công ty cũng phá sản và dự án cứ mắc kẹt mãi.
“Họ xây gần như xong hết mọi thứ rồi,” Oki nói, miệng nhồm nhoàm đầy khoai tây chiên. “Từ nhà tớ trông thấy được vòng đu quay và tàu lượn siêu tốc đấy.”
“Sao công ty khác không tiếp quản dự án đó nhỉ!” Tôi vừa uống cà phê vừa đoán xem khi nào thì Oki mới đi vào vấn đề chính. “Dễ gì mà làm được đến mức ấy đâu.”
“Nếu mở cửa kinh doanh, mỗi năm chắc phải lỗ hàng triệu Yên ấy.” Oki nói cứ như thật.
Tôi bắt đầu nghĩ về các công trình để mặc cho gió táp mưa vùi trên đảo. Hồi học tiểu học, năm nào cũng có cuộc thi vẽ tranh về Yumejima. Tập trung một lũ trẻ con lại vẽ ra hình ảnh tưởng tượng của chúng về hòn đảo, một hội đồng gồm thị trưởng và ban giám đốc công ty tàu thủy sẽ quyết định chọn ra giải vàng và giải bạc, phát cho người được giải các phần thưởng kiểu như xe đạp hay máy tính. Bọn chúng tôi đã vẽ các bức tranh về một hòn đảo đô thị trong tương lai gửi tới dự thi.
“Có điều là, vẫn có cách để sử dụng chúng đấy,” Oki vừa cắn miếng Big Mac to đùng vừa nói. “Đặc biệt là mấy cái khách sạn.”
Tôi không kìm được vểnh tai lên lắng nghe. Oki gật đầu đầy ẩn ý.
“Dạo gần đây, khách sạn trên đảo thành tổ yêu đương của đám thanh niên có thuyền trong vùng. Tức là, tối thứ Sáu, thứ Bảy lén lút lên đảo, làm chuyện ấy trên giường khách sạn với các cô gái.”
“Chắc không đấy?” tôi bắt đầu hứng thú.
“Có lần tớ đi câu cá với bọn trong đội nhu đạo, vào khách sạn xem thử, kết quả phòng nào cũng đầy bao cao su dùng rồi.”
“Ừm,” tôi ậm ừ, nhấp chút cà phê đã nguội.
“Vậy nên cậu có thể đưa Hirose tới đảo và làm một phát.”
“Trong cái phòng đầy bao cao su dùng rồi?”

“Hưng phấn chưa?”
Vấn đề là, cả khách sạn trông vừa sạch sẽ vừa sang trọng mà Aki còn không chấp nhận, liệu em có thấy một hòn đảo hẻo lánh hấp dẫn không? Đưa em tới đó, từ chối là một chuyện, có khi còn ngất xỉu không chừng. Chẳng lẽ nhân lúc Aki ngất mà “làm một phát”?
“Tùy tiện lên đảo cũng được à? Lại còn vào trong khách sạn nữa?”
“Đại thể là tài sản tư đấy, nhưng không ai quản lý cả.”
“Gặp phải đám thanh niên trong làng ở khách sạn thì phiền lắm.”
“Yên tâm. Đa phần họ chỉ tới đó vào cuối tuần thôi. Cậu đi thứ Ba thứ Tư ấy.”
“Cậu đưa bọn tớ tới đó chứ?”
“Được thôi. Chỉ cần trả tiền xăng là xong.”
“Từ giờ gọi cậu là Ryunosuke lái đò cho rồi.”
“Thỏa thuận xong, cậu háo sắc ạ.”
“Này này, tớ có háo sắc đâu.” Vừa nói, trong đầu tôi bắt đầu nghĩ ra cớ để dẫn Aki lên đảo.
Ông nội đi vào bếp lấy ra một ít cá ngâm dầu. Đương nhiên cũng lại là đồ hộp. Chúng tôi dang ăn cá và uống bia thì người đưa hàng đem đồ ăn tới. Chúng tôi ăn sạch lươn nướng, uống hết cả canh gan lươn rồi mà ông vẫn chưa kể xong chuyện. Sau đó hai ông cháu chuyển sang uống rượu. Cứ đà này, không chừng tới năm hai mươi tuổi tôi sẽ thành một con sâu rượu không thể cứu chữa. Trong người tôi chắc hẳn có khá nhiều enzyme phân giải rượu, uống một chút thì không bao giờ say cả. Thực khó mà tin tôi lại là con của người chỉ nếm một chút dưa chua Narazuke thôi là đã thấy nôn nao khắp người.
Câu chuyện dông dài của ông nội kết thúc vừa lúc chai vang Bordeaux gần cạn sạch.
“Càng ngày Saku càng uống rượu giỏi nhỉ,” ông tôi hài lòng nói.
“Chuyện, cháu nội của ông mà.”
“Nhưng cha cháu cũng là con ông mà chả uống được giọt rượu nào.”
“Chắc là di truyền cách đời đấy.”
“Ừ, chắc thế,” ông gật gù nói. “Thế chuyện ông vừa nói thì sao, nhận lời giúp ông chứ?”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui