Chủ đề của "Tiệm đồ cổ Á Xá" tập 3, là nói về mười hai món đồ cổ của hoàng đế.
"Hoàng", thời cổ nghĩa là trời, là ánh sáng, vì ánh sáng ban sự sống cho muôn loài nên gọi là hoàng (sáng chói).
"Đế", là chúa của sinh vật, là nguồn của sự hưng vượng, vì có công sinh dưỡng nên gọi là đế (gốc rễ).
Hoàng ở trên, đế ở dưới, hoàng đế thời cổ nghĩa là trời đất, từ "hoàng đế" này nói với chúng ta rằng, trời đất là chúa của muôn vật, còn hoàng đế là đại diện cho trời đất ở nhân gian.
Hoàng đế, trong lịch sử, là một khái niệm rất đặc biệt.
Có thể nói trên tòa kim tự tháp quyền lực, hoàng đế chính là người đứng trên đỉnh nhọn của nó.
Cúi nhìn chúng sinh, sở hữu quyền lực và tài sản vô hạn, có thể tùy ý quyết định sự sống cái chết và vận mệnh của người khác.
Nhưng đứng càng cao, có nghĩa là nguy hiểm càng lớn.
Không có một hoàng đế nào nghĩ tòa kim tự tháp dưới chân mình rất an toàn, có lẽ chỉ thừa hay thiếu một công đoạn nào đó, tòa kim tự tháp có vẻ kiên cố kia sẽ lập tức sụp đổ.
Vì vậy các hoàng đế đều luôn cảm thấy bất an, đến cả người nhà mình cũng không thể tin tưởng được.
Sự cô đơn khi đứng trên đỉnh cao nhất, cũng chỉ có hoàng đế mới cảm nhận được, không ai có thể cùng san sẻ.
Đúng là cô gia quả nhân.
Bởi vậy, hoàng tộc cũng là một gia tộc đặc biệt, xoay quanh ngôi vua cửu ngũ chí tôn, tranh đấu, nghi ngờ, âm mưu, đố kỵ, toan tính... chẳng bao giờ hết.
Cho dù là người không hề thèm khát chút gì cái ngôi vua ấy, cũng sẽ bởi vì thân phận của mình mà bị rơi vào vòng xoáy đó, muôn kiếp không được siêu sinh.
Tình thân, tình bạn, tình yêu của anh em, cha con, vợ chồng, đều trở nên xa xỉ.
Vì thế năm xưa Lưu Tử Loan mới mười tuổi, trước khi bị giết từng khóc rằng, nguyện kiếp sau không sinh ra trong gia đình đế vương.
Từ xưa tới nay, trong hơn hai nghìn năm lịch sử phong kiến Trung Quốc, tổng cộng có hơn bốn trăm vị đế vương.
Đó là những người đặc biệt trong những năm tháng đó, cũng là những người mà ở thời đại hiện nay chúng ta không thể tiếp xúc cũng như không thể hiểu được.
Vì sao người học võ lại dễ dàng coi thường mạng người, bởi vì họ có võ lực mạnh hơn những người thường, tự cho mình cao hơn người khác một bậc.
Vì thế Tảo Địa Tăng ở chùa Thiếu Lâm có từng nói, học một môn tuyệt kỹ Thiếu Lâm, thì buộc phải học một môn Phật pháp để hóa giải sát khí.
(Hay còn gọi là "nhà sư quét rác", một nhân vật trong tiểu thuyết "Thiên Long Bát Bộ" của nhà văn Kim Dung, một nhà sư có võ công cái thế, nhưng sống ẩn mình trong chùa Thiếu Lâm, làm công việc quét dọn sân của Tàng Kinh các)
Cũng như khi đã có đao kiếm, thì phải có thêm vỏ, để tránh làm chính mình bị thương.
Chỉ là, khi có võ lực và binh khí sắc bén rồi, tính cách con người ta cũng sẽ thay đổi.
Vậy nếu có quyền lực tối thượng thì sao?
Thực ra trong lịch sử, có một số thảm họa đẫm máu không phải do những kẻ xấu gây ra.
Kẻ xấu chỉ có thể làm những việc xấu nhỏ bé, bởi vì cho dù là kẻ xấu, chúng cũng có lương tâm, cũng sẽ phải giật mình.
Còn những tội lỗi tày trời, đa phần đều do những kẻ giương cao ngọn cờ vì nước vì dân gây ra.
Họ tự cho mình là vì chúng sinh trong thiên hạ, dùng quyền hành của mình để làm những việc "tốt" được coi là lợi nước lợi dân.
Nhưng họ chẳng bao giờ nhìn thấy, vì một bức chiếu chỉ, có thể khiến bao nhiêu người dân thường phải rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng.
Có lẽ đó là vì hoàng đế đứng quá cao không thể thấy rõ, vì một quyết định của ông ta, mà dưới chân kim tự tháp xảy ra những chuyện gì.
Vì thế hôn quân thì nhiều, minh quân lại chẳng có bao nhiêu.
Chuyện trong thế gian này đều có một sự cân bằng kỳ lạ, có kẻ vì ngai vàng mà đánh nhau chảy máu vỡ đầu, có người lại chỉ sợ mình tránh không kịp.
Nhưng ở trong xã hội phong kiến mà thiên hạ là của hoàng tộc, có rất nhiều hoàng đế buộc phải kế vị.
Những hoàng đế đó không hề giỏi việc cai trị quốc gia, mà lại có rất nhiều sở thích khác.
Ví dụ như Tống Huy Tông Triệu Cật vẽ tranh cực tài giỏi, ví dụ như Minh Hy Tông Chu Do Hiệu rất thích làm tượng gỗ, ví dụ như Lương Vũ đế Tiêu Diễn không thích làm hoàng đế mà thích làm hòa thượng...
Nếu số phận không bắt phải làm hoàng đế, Triệu Cật có lẽ đã là một nhà thư họa lưu danh thiên cổ, chứ không phải là vị vua bị tù đày của Bắc Tống, chết nơi đất khách quê người, mất hết danh dự.
Chu Do Hiệu có thể đã trở thành một nhà điêu khắc để lại vô số tác phẩm tinh xảo, chứ không bị đám gian thần che mắt, thậm chí chết vì uống "thuốc tiên".
Tiêu Diễn có thể đã trở thành vị cao tăng đắc đạo, chứ không phải bị chết đói ở Đài Thành.
Trong hai mươi tư câu chuyện ở hai tập "Tiệm đồ cổ Á Xá trước", cũng đã từng nói đến đồ cổ của hoàng đế.
Ví dụ như Vô Tự Bi của nữ hoàng Võ Tắc Thiên, Tứ Quý Đồ của hoàng đế nghệ thuật Tống Huy Tông, còn có cả ngọc tỉ truyền quốc ngọc bích Hòa Thị.
Ngay cả công tử Phù Tô nho nhã điềm đạm cũng không thể thoát khỏi dây trói của ngôi vua, và ngôi vua cũng từng là khát vọng của thiếu gia Hồ Hợi.
Là người đứng trên đỉnh cao nhất của kim tự tháp, nên những sự tích xung quanh hoàng đế rất đáng để nghiên cứu.
"Tiệm đồ cổ Á Xá" tập 3 tập trung viết về mười hai món đồ cổ đế vương, mỗi câu chuyện tôi đều dành rất nhiều tâm huyết.
Sự nghi kỵ mà rìu Thiên Việt gây ra, sự tàn khuyết mà Độc Ngọc Phật che đậy, sự khống chế mà đạc Long Văn dự báo, dã tâm mà câu đai ngọc thể hiện, sự giữ - buông mà Định Bàn Châu lựa chọn, dục vọng mà Hổ Cốt thiếp đem lại, tài vận mà xúc xắc ngà xoay vần, tình thân mà vu Chấn Ngưỡng đổ đi, lời nói dối mà quạt Ngũ Minh vạch ra, sự trung thành mà Miễn Tử Bài xóa bỏ, những quy tắc mà Thanh Trấn Khuê dựng nên, quyền uy mà đỉnh Ô Kim nung nấu...
Tôi đã chọn ra mười hai món đồ cổ đế vương mà tôi muốn viết nhất và cả ngụ ý ẩn chứa bên trong đó nữa, tất nhiên không phải chỉ có mười hai món đồ này, trong các câu chuyện sau này sẽ có thể còn tiếp tục xuất hiện những món đồ cổ đế vương khác nữa.
"Tiệm đồ cổ Á Xá" tập 3 rất ít đề cập đến tình yêu, bởi vì đã nhắc đến quyền lực, thì tình yêu sẽ biến chất.
Tình yêu nam nữ đơn thuần, chỉ tồn tại khi đôi bên bình đẳng, hoặc tồn tại ở cái tuổi mà hai người còn chưa ý thức được về sự khác biệt.
Chỉ cần họ nhận ra trong hai người có một người bị yếu thế hoàn toàn, thì tình yêu đó sẽ bị pha tạp thêm nhiều loại tình cảm phức tạp khác.
Tất nhiên thứ tình yêu bị méo mó đó cũng đã được miêu tả trong chương "Độc Ngọc Phật" và "Câu Đai Ngọc", còn tình yêu trong "Định Bàn châu" thì còn chưa kịp nảy nở đã bị bóp nghẹt...
Trong phần kết, "Tiệm đồ cổ Á Xá" tập 3 đã giới thiệu nhân vật mới, và sự biến động trong cốt truyện chính.
"Tiệm đồ cổ Á Xá" tập 4 sẽ bắt đầu đi tìm chủ tiệm mất tích, à... Á Xá trong lúc vắng gã chủ tiệm... chắc là sẽ vô cùng hỗn loạn đây... Lục Tử Cương với bác sĩ xem chừng chẳng đáng tin lắm... (Ông giám đốc lâu ngày chưa được xuất hiện thì đang cười thầm: cuối cùng cũng đợi được đến giờ phút này rồi! Hà hà hà hà...)
Mỗi một món đồ cổ trong Á Xá đều cổ câu chuyện của mình, rất nhiều năm nay không có ai nghe. Bởi vì, chúng đều không biết nói...
Tôi phải chân thành cảm ơn những người giúp đỡ "Tiệm đồ cổ Á Xá" rất nhiều, tổng biên tập Dương Tiểu Tà, tổng giám sát Hoành Đao, các biên tập văn học Lộ Biên, Tiểu Oai, còn có biên tập mỹ thuật Dương Quang, Yvon... Bộ truyện tranh cải biên từ "Tiệm đồ cổ Á Xá" cũng cần cảm ơn sự ủng hộ to lớn của tổng biên tập Lão Trư, chủ biên Xuy Sa, còn có phụ trách Âm Âm đã bỏ công sức để chỉ đạo.
Tất nhiên còn phải cảm ơn Hiểu Bạc, đến nay tiệm đồ cổ A Xá đã mở được ba năm, từ tranh minh họa đến tranh bộ, rồi đến truyện tranh, việc hợp tác với anh ngày một tốt đẹp, chúng ta hãy cùng cố gắng.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả, sự trưởng thành của Á Xá không tách rời sự quan tâm của các bạn. Nếu bạn thích câu chuyện này, thích cửa tiệm này, thích chủ tiệm, thì xin hãy tiếp tục chờ đợi!
Á Xá mỗi cuốn mười hai câu chuyện, mỗi tháng một câu chuyện, mỗi năm một cuốn sách, hẹn gặp lại vào tháng Năm năm sau.
17 tháng 3 năm 2013
Huyền Sắc
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...