Thuyết Phục

Chương 12
Sáng hôm sau, Anne và Henrietta thức dậy sớm hơn những người khác. Hai cô rủ nhau đi tản bộ xuống bờ biển trước giờ ăn sáng. Họ đi đến bãi cát ngắm nhìn con triều mà ngọn gió đông-nam hiu hiu đẩy vào bờ với tất cả nguồn lực bao la mà một bãi lài chịu đựng được. Hai người im lặng, thưởng thức vẻ đẹp ban mai và nét huy hoàng của biển cả, cùng đồng cảm trong niềm vui của ngọn gió hây hây mát mẻ. 
Thình lình, Henrietta cất tiếng: 
- À, đúng rồi, em tin rằng khí trời miền biển luôn có lợi cho sức khoẻ - chỉ trừ vài ngoại lệ. Chắc chắn nó sẽ giúp nhiều cho Tiến sĩ Shirley, sau cơn bệnh của ông mười hai tháng trước vào mùa xuân. Chính ông ấy nói rằng đến chơi Lyme một tháng còn làm cho ông khoẻ hơn là mọi thứ thuốc ông đã dùng, và rằng khi sống gần biển ông luôn cảm thấy mình trẻ lại. Bây giờ, em nghĩ thấy tiếc cho ông ấy không ở hẳn gần biển. Em nghĩ ông ấy nên rời hẳn Uppercross mà đến sống ở Lyme. Chị Anne à, chị có nghĩ thế không? Chị có đồng ý với em rằng đấy là việc tốt nhất mà ông ấy nên làm, cho cả hai ông bà Shirley? Chị biết đấy, bà ấy có anh em họ ở đây và nhiều người quen nên bà ấy sẽ được vui, và em tin chắc bà sẽ lấy làm vui khi đến ở nơi có dịch vụ y tế kề cận, trong trường hợp ông ấy lên cơn đau. Kể cũng buồn khi thấy những người tốt bụng như vợ chồng Shirley, vốn suốt đời đã làm nhiều việc tử tế, lại mỏi mòn những ngày cuối đời ở một nơi chốn như Uppercross, không giao thiệp với ai ngoại trừ gia đình ta. Em nghĩ vào giai đoạn này trong cuộc đời ông ấy và với tính cách của ông ấy thì không khó gì mà xin giáo hội ưng chuẩn. Em chỉ có băn khoăn duy nhất, là liệu có điều gì đấy thuyết phục ông không nên rời xa giáo khu của mình hay không. Ông ấy rất nghiêm túc và rất cẩn trọng về nguyên tắc; em dám nói là quá cẩn trọng. Chị Anne à, chị có nghĩ ông ấy quá cẩn trọng không? Chị có nghĩ đấy là một điểm lương tri sai lạc, khi một giáo sĩ hy sinh sức khoẻ cho nhiệm vụ mà người khác có thể làm tốt ngang bằng? Còn ở Lyme, chỉ cách không đến ba mươi ki-lô-mét, nếu ai có yêu cầu gì thì ông ấy vẫn nghe được. 
Anne cười thầm đôi lần qua câu nói của Henrietta. Cô đi vào chủ đề, sẵn lòng muốn làm việc tốt bằng cách đi vào tâm tư một người con gái nghe như tâm tư của một anh trai trẻ, cho dù ở đây việc tốt nay thuộc tiêu chuẩn thấp hơn, bởi vì cô có thể nói gì được ngoài sự đồng thuận? Cô cho rằng Henrietta tỏ ra đúng lý về vụ việc, cảm thấy Tiến sĩ Shirley cần được nghỉ ngơi như cô gái nói. Cô nghĩ ông cần có một người trẻ năng động, được vị nể, để làm cha phó thường trú. Cô còn lịch sự ngụ ý rằng sẽ là lợi điểm nếu vị cha phó thường trú kết hôn. 
Henrietta rất vui với lời lẽ tán đồng. Cô nói: 
- Em ước gì Phu nhân Russell sống ở Uppercross và thân thiết với Tiến sĩ Shirley. Em luôn nghe Phu nhân Russell có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người! Em luôn xem bà là người là người có khả năng thuyết phục người khác làm bất cứ việc gì! Em sợ bà ấy, như em đã nói với chị lúc trước, em sợ bà bởi vì bà rất khôn khéo, nhưng em cũng rất tôn trọng bà và mong có một láng giềng như bà ở Uppercross. 
Anne thấy ngạc nhiên lạ lùng vì ý nghĩ của Henrietta, và cũng lạ lùng vì chuyển biến của các sự kiện và mối quan tâm mới của cô gái hẳn đã làm cho cả gia đình Musgrove yêu mến cô. Tuy nhiên, cô chỉ có thời giờ trả lời chung chung về ước vọng có một phụ nữ như thế ở Uppercross rồi câu chuyện phải ngừng lại, khi cô thấy Louisa và Đại tá Wentworth đi đến. Hai người cũng tản bộ cho đến ăn sáng, nhưng rồi Louisa chợt nhớ cần phải mua một món ở cửa hàng, và rủ mọi người đi cùng cô vào thị trấn. Ai nấy đều chiều theo cô. 
Khi bốn người đi đến các bậc thang từ bãi biển dẫn lên, một thanh niên cùng lúc chuẩn bị đi xuống, rồi lịch sự lùi lại để nhường lối. Bốn người bước ngang qua anh, lúc ấy Anne thoáng nhìn khuôn mặt anh và anh nhìn cô với vẻ cảm mến mà cô không thờ ơ được. Lúc này trông cô rất đẹp; những nét rất đáng yêu, rất xinh xắn; vẻ tươi trẻ của thời xuân sắc được phục hồi bởi cơn gió dịu mơn man trên làn da và bởi đôi mắt linh động cũng nhờ cơn gió. Rõ ràng là anh thanh niên (một quý ông đúng nghĩa) đã say mê cô. Đại tá Wentworth nhìn qua cô với dáng điệu cho thấy anh đang chú ý theo dõi. Anh nhìn thoáng qua cô, một thoáng nhanh trí, xem dường muốn nói: "Người đàn ông này có ấn tượng mạnh với cô; ngay cả mình, lúc này thấy lại một vẻ gì đấy đúng là Anne Elliot". 

Sau khi giúp Louisa mua sắm và đi quanh quẩn một chốc, đoàn quay về quán trọ. Sau đó, khi đi từ phòng ngủ đến nhà ăn Anne lại gặp thanh niên kia, khi anh bước ra từ phòng kế cận. Lúc trước Anne nghĩ anh cũng là khách đường xa giống như nhóm của cô, và đoán một người trông chải chuốt đang tản bộ là gia nhân của anh. Cả chủ và tớ đang để tang, hợp với ý nghĩ của cô. Bây giờ cô biết anh đang ở cùng quán trọ như nhóm cô. Cuộc gặp gỡ lần thứ hai tuy ngắn ngủi nhưng, một lần nữa chứng tỏ rằng qua cử chỉ anh nghĩ cô rất xinh, và rằng anh có tư cách rất tề chỉnh qua những lời xin lỗi đúng mực. Anh khoảng ba mươi tuổi, tuy không đẹp trai nhưng trông dễ mến. Anne muốn biết anh là ai. 
Đoàn ăn sáng gần xong thì có tiếng một cỗ xe chạy đến (hầu như là cỗ xe đầu tiên họ nghe được từ khi đến Lyme), khiến cho họ bước đến khung cửa sổ nhìn ra. Đấy là xe của thanh niên kia, một cỗ xe hai bánh, nhưng chỉ chạy từ chuồng ngựa đến cổng trước; ai đấy hẳn đang chuẩn bị đi. Chính là gia nhân để tang đang đánh xe. 
Khi nghe đến cỗ xe hai bánh, Charles Musgrove giật nẩy người vì muốn so sánh với cỗ xe của mình; riêng gia nhân để tang khiến cho Anne phải hiếu kỳ. Cả sáu người đều đứng xem, cho đến lúc chủ nhân cỗ xe đi ra khỏi cổng, giữa những cái cúi đầu và lời giã biệt của người trong nhà, bước lên chỗ ngồi, rồi cỗ xe chạy đi. 
Lập tức Đại tá Wentworth vừa liếc nhanh qua Anne vừa kêu lên: 
- Này! đấy chính là người chúng ta đi ngang qua lúc trước. 
Hai cô gái nhà Musgrove đồng ý. Sau khi dõi nhìn cho đến khi cỗ xe chạy lên triền đồi, họ trở lại bàn ăn sáng. Rồi người hầu bàn đi vào. Đại ta Wentworth lập tức hỏi: 
- Anh làm ơn cho biết tên của quý ông vừa ra đi được không? 
- Vâng, thưa ngài, một ông Elliot, một quý ông có tài sản khá, mới đến từ Sidmouth tối qua. Chắc hẳn ông đã nghe tiếng cỗ xe trong khi ông đang ăn tối; còn bây giờ ông ấy đi Crewkherne, trên đường đến Bath và London. 
- Elliot! 

Nhiều người nhìn qua người kia, và nhiều người lặp lại cái tên, trước khi anh hầu bàn nói dứt, và đấy là anh nói khá nhanh. 
Mary thốt lên: 
- Trời đất! Đấy hẳn là anh họ chúng ta, là Elliot của chúng ta, đúng thật rồi! Charles, Anne, đúng thế phải không? Đang để tang, thấy không, đúng là anh Elliot như thế. Thật kỳ lạ! Ngụ cùng quán trọ với chúng ta! Chị Anne, có phải anh Elliot của chúng mình đấy không? Người thừa kế của bố chúng ta phải không? 
Rồi cô quay sang anh bồi bàn: 
- Này anh ơi, anh có nghe nói, có phải gia nhân anh ấy nói anh ấy thuộc dòng họ Kellynch không? 
- Không cô ạ, anh ấy không nhắc đến dòng họ nào, nhưng nói chủ anh ấy là một quý ông rất giàu, và ngày nào đó sẽ là tòng nam tước. 
Mary phán khích kêu lên: 
- Đấy! Thấy rồi nhé! Như em đã nói! Người thừa kế của Ngài Walter Elliot! Em tin chắc sẽ là thế, nếu đúng là người ấy. Đấy là chi tiết mà các gia nhân anh ấy muốn lan truyền ở mọi nơi anh có mặt. Nhưng, chị Anne ạ, cứ nghĩ mà thấy kỳ lạ! Ước gì em đã nhìn anh ấy kỹ hơn. Em ước chúng mình biết được kịp lúc anh ấy là ai, để dược giới thiệu với chúng mình. Thật là tiếc nếu chúng ta không được giới thiệu với nhau! Chị có nghĩ anh ấy mang khuôn mặt dòng họ Elliot không? Em không nhìn rõ anh ấy, lúc ấy em đang nhìn hai con ngựa, nhưng em nghĩ anh ấy có vẻ gì đấy trên khuôn mặt dòng họ Elliot; em tự hỏi tại sao mình không nhận thấy huy hiệu! À, áo choàng phủ bên ngoài và che huy hiệu, đúng là thế, đáng lẽ em phải nhìn thấy. Và còn chế phục nữa; nếu gia nhân không để tang thì người ta phải biết anh qua chế phục. 
Đại tá Wentworth nói: 

- Chắp nối các tình huống rất khác thường này với nhau, chúng ta phải xem lý do cô không được giới thiệu với anh họ cô là sự sắp xếp của Ơn Trên. 
Khi có thể lôi kéo sự chú ý của Mary, Anne nhỏ nhẹ cố giải thích cho em gái hiểu rằng trong nhiều năm ông bố và anh Elliot không hòa thuận nên hai bên không muốn giới thiệu với nhau. 
Tuy nhiên, cùng lúc Anne thầm hài lòng vì đã gặp người anh họ, vì biết rằng người chủ tương lai của tài sản Kellynch là một quý ông đích thực, và là con người có ý thức tốt. Dù gì thì nữa cô sẽ không đề cập việc mình đã gặp anh lần thứ hai. May mắn là Mary không để ý nhiều khi đoàn đi ngang qua gần anh trong chuyến tản bộ trước đấy, nhưng em gái sẽ cảm thấy tổn thương khi biết Anne gặp anh lần nữa ở hành lang và anh cất tiếng xin lỗi rất lịch sự trong khi cô em chưa hề được gần anh. Không được, việc tiếp xúc ngắn ngủi này giữa hai anh em họ phải được hoàn toàn giữ bí mật. 
Mary nói: 
- Đương nhiên là lần tới khi biên thư cho Bath chị phải thuật lại việc chúng mình đã trông thấy anh Elliot. Em nghĩ bố cần được nghe về việc này, chị cần kể rõ cho ông. 
Anne tránh trả lời trực tiếp, nhưng đây chính là tình huống mà cô thấy không những không cần thiết phải thông báo, mà còn phải giữ kín. Cô biết nhiều năm ông bố đã cảm thấy xúc phạm và cô nghĩ Elizabeth cũng có phần bị xúc phạm; chắc chắn là ý tưởng của anh Elliot gây tổn thương cho cả hai. Mary không bao giờ biên thư cho Bath; tất cả việc thư từ chậm chạp và đáng chán với Elizabeth đều do Anne đảm trách. 
Bữa ăn sáng vừa xong không lâu thì vợ chồng Đại tá Harville và Đại tá Benwick đã đến để dẫn đoàn đi tản bộ lần cuối quanh Lyme. Đoàn phải lên đường trở về Uppercross lúc một giờ, và trong thời gian này tất cả nên cùng nhau đi ngoạn cảnh ngoài trời càng nhiều càng tốt. 
Ngay khi tất cả bước ra đường, Anne thấy Đại tá Benwick đi kế bên mình. Cuộc chuyện trò vào buổi tối hôm trước đã không làm cho anh ngại tiếp xúc với cô lần nữa. Hai người đi bên nhau một lúc, chuyện trò như lúc trước về tác giả Scott và Ngài Byron, mà vẫn không thể nghĩ ra chính xác tác giả nào hay hơn, cho đến lúc vị trí trong nhóm thay đổi, và thay vì Đại tá Benwick, bây giờ là Đại tá Harville đi bên cạnh cô. 
Anh nói giọng nhỏ nhẹ: 
- Cô Elliot ạ, cô đã làm tốt khi khiến cho cái anh tội nghiệp ấy trò chuyện nhiều đến thế. Tôi ước gì anh ấy có người bầu bạn như cô thường hơn. Cô biết đấy, sống khép kín như anh thì không tốt, nhưng liệu hai vợ chúng tôi có thể làm gì được! Chúng tôi không thể sống rời xa nhau. 

Anne nói: 
- Đúng, tôi tin như thế mãi thì không được, nhưng theo thời gian, có lẽ... chúng ta đều biết thời gian làm được gì trong mỗi tình cảnh đau khổ, và Đại tá Harville ạ, anh cần nhớ rằng bạn anh là một người trẻ chỉ mới để tang từ mùa hè rồi, theo tôi được biết. 
- Đúng thật là thế (anh thở dài), chỉ mới tháng Sáu. 
- Có lẽ lúc đó anh ấy chưa được biết ngay. 
-Chỉ đến đầu Tháng Tám mới được biết, khi anh ấy từ Cape trở về nhà, vừa kịp bước lên chiếc Grappler. Lúc ấy tôi đang ở Plymouth, sốt ruột mong nhận được tin anh ấy. Anh gửi thư cho tôi, nhưng chiếc Grappler được lệnh đi về Portsmouth. Tin tức phải đi theo anh ấy, nhưng ai làm được việc này? Tôi không làm được. Nếu không thì tôi đã vội đến. Không ai làm được việc ấy, ngoại trừ anh bạn tốt bụng này (chỉ qua Đại tá Wentworth). Chiếc Laconia chỉ mới về đến căn cứ Plymouth tuần trước; không có vấn đề sẽ lại ra khơi sớm. Anh ấy đánh liều xin đi Portsmouth, lập tức chèo thuyền đi ngay ra chiếcGrappler, và suốt một tuần luôn ở bên cạnh người bạn khốn khổ. Anh ấy đã làm thế, mà không ai khác giúp được James tội nghiệp. Cô Elliot ạ, cô có thể nghĩ ra anh ấy thân thương thế nào đối với chúng tôi. 
Anne thật sự nghĩ chính xác về việc này, và trả lời theo cách cô nghĩ hoặc theo cách anh chịu đựng được, bởi vì anh bị xúc động mạnh khi nói lại chuyện này. Khi cất tiếng lại thì anh đã hoàn toàn đổi khác. 
Cô Harville nhận xét chồng mình đã đi bộ nhiều rồi, nên quyết định quay trở về nhà; đoàn sẽ giã biệt hai người ở cửa nhà rồi ra về. Theo tính toán thì chỉ có thời gian như thế. Nhưng khi đến gần Cobb, đoàn đều muốn đi dạo thêm ở đây, và Louisa nghĩ chỉ mất thêm mười lăm phút vốn không khác biệt là bao. Thế là sau những lời giã biệt lích sự, những lời mời và hứa hẹn, đoàn chia tay với vợ chồng Harville ở cửa nhà hai người. Chỉ còn Đại tá Benwick, người muốn tháp tùng đến chặng cuối để chia tay ở Cobb. 
Anne lại thấy Đại tá Benwick đi kế bên mình. Cả hai lại bàn luận về "biển xanh thẳm" 1 trong tác phẩm của Ngài Byron, và cô lấy làm vui mà tỏ lộ sự quan tâm đến anh chàng càng nhiều càng tốt. Chẳng bao lâu, sự quan tâm tất yếu chuyển theo chiều hướng khác. 
Trời lộng gió trên khu vực cao ở Cobb khiến cho các cô không thích, và đoàn đồng ý đi xuống các bậc thang đến khu vực thấp hơn. Tất cả đều hài lòng mà im lặng, và cẩn thận bước xuống các bậc thang, ngoại trừ Louisa; cô muốn được Đại táWentworth giang tay đỡ cô nhảy xuống. Trong suốt các buổi đi dạo bên nhau, anh đã đỡ cô nhảy xuống các bậc thang, tạo cảm giác khiến cho cô lấy làm vui. Đến đây, mặt đất quá cứng đối với hai bàn chân cô khiến cho anh ngần ngại, nhưng anh vẫn đỡ cho cô nhảy. Cô nhảy xuống an toàn, rồi để cho thấy mình thích thú, lập tức chạy lên các bậc thang cho anh đỡ cô nhảy xuống lần nữa. Anh khuyên cô không nên làm thế vì nghĩ khoảng cách giữa các bậc thang là quá cao; nhưng không, cô không chịu nghe theo, mà còn mỉm cười nói "Tôi nhất quyết làm nữa". Anh giang hai tay ra. Cô đón bắt quá hấp tấp trong nửa tích tắc, rồi rơi xuống, và nằm lịm! Không thấy vết thương, không có máu, không thấy vết trầy sướt, gương mặt trông như đã chết. Khoảnh khắc kinh hoàng đối với mọi người vây quanh! 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui