Thấy Thúc Bảo, Tư Đồ múa ngay đề la thương đánh, Thúc Bảo múa thương đánh lại. Thương pháp Tư Đồ quả lợi hại vô cùng.
Thúc Bảo đánh dư trăm hiệp, thấy không địch nổi phi ngựa chạy. Chạy mãi
tới một dải nước trắng mênh mông, dưới lờ mờ một đoạn cầu đã gãy không
thể nào qua được.
Tư Đồ đã đuổi tới nơi, Thúc Bảo cầm ghịt dây cương, vỗ đầu ngựa mà nói :
- Giặc đến sau lưng, tuấn mã khá vì ta mà cố vượt qua sông, kẻo nguy cấp đó!
Chiến mã hí lên vươn mình nhảy xuống. Chẳng may luồng lạch rộng quá lại
nhiều bùn, ngựa sa xuống nước, đụng phải những cột đá nhọn hoắt lòi cả
ruột ra. Thúc Bảo vội đứng trên yên, chống ngọn thương vào cọc đá phi
mình nhảy sang bờ, cây thương gãy làm hai khúc.
Tư Đồ đã tìm được cái cầu tre phía dưới mà sang, Thúc Bảo rút kim giản
đánh. Tư Đồ ngồi trên ngựa phóng thương đâm. Bảo đã quen đánh bộ, nhảy
tả hữu đón đánh khiến Tư Đồ quay không kịp. Bảo cười nói :
- Nếu là hảo hán thì lại xuống đất thi tài với ta!
Tư Đồ nghĩ bụng :
- “Ta cưỡi ngựa mà đánh tất thế nào ngựa cũng bị thương. Phải xuống bộ mới mong thắng nó”.
Bèn xuống ngựa múa thương mà đánh. Bảo múa giản đánh rất hăng. Sau nghĩ
bụng: lừa về sát con lôi báo, rồi phập đôi giản gõ vào nhau miệng la to :
- Anh em ra bắt thằng giặc già giết đi.
Tư Đồ tưởng có phục binh trong các bụi, ngoảnh nhìn quanh, đến khi quay
lại thì Thúc Bảo đã nhảy lên lôi báo dông một mạch qua cầu gỗ. Thúc Bảo
cười khanh khách :
- Mai sẽ gặp túc hạ, cảm ơn cho mượn ngựa.
Tư Đồ giận uất máu lên không biết nói sao cứ đứng trừng mắt nhìn theo.
Rồi lại như lần trước, lủi thủi trở về, viết thư mời tổng binh ải Đồng
Nê là Tần Văn Lễ đến báo thù.
Thúc Bảo về đến ải cơm nước xong tự nhiên lên cơn sốt vì dùng quá sức và trải cơn mưa gió. Thế rồi bị liệt giường.
Mậu Công lo lắng sai người tìm lương y đến chữa.
Đây nói Tần Văn Lễ ra trận thách đánh. Từ quân sư cứ bảo đóng chặt cổng
thành. Lê đến ba hôm liền, cho quân sĩ mắng. Trong thành không ai đáp.
Bùi Nguyên Khánh đi tải lương về, thấy quân sĩ lại đang chửi bới.
Khánh nóng mắt, cầm chùy tiến lên :
- Giặc nào dám vô lễ thế?
Văn Lễ quay lại thấy cậu bé con, khinh bỉ mà rằng :
- Đứa nhỏ tên chi, nói cho ông nội mi biết nào!
Nguyên Khánh trừng mắt nói :
- Ta là Thiếu bảo Đại tướng Bùi Nguyên Khánh đây, ngươi là ai đó?
Văn Lễ ngạo nghễ xưng danh rồi tiếp :
- Mày bé thế sao không về học hành, ra đây làm gì cho ngựa ta giẫm chết.
Khánh nổi giận giơ chùy đánh. Tần Văn Lễ giơ kích đỡ tưởng một đứa bé
con thì làm gì được, ngờ đâu hai cánh tay như sắp gãy rời, cây kích hai
trăm cân bắn đi đâu mất. Khánh toan đánh thêm chùy nữa.
Văn Lễ nhắm nghiền mắt lại ôm cổ ngựa mà liều thân chạy đến điếu kiều
quan ải Lâm Dương. Khánh với một chùy, con ngựa gãy xương sống bẹp rúm
xuống như ngựa giấy, hất Văn Lễ rơi xuống hào sâu.
Trên ải bắn tên lăn đá xuống như mưa, Nguyên Khánh quay về.
Quân trong ải cõng Văn Lễ về trong ải. Trận ấy, Văn Lễ vừa sợ vừa tức
đến hộc máu tươi nằm chết ngất ốm đi đến mười ngày mới khỏi.
Nguyên Khánh đem lương vào thành, nộp kho đủ số lương, lại kể chuyện
đánh Tần Văn Lễ ngã xuống hào. Mậu Công và các tướng vui mừng khen ngợi. Sau đó Khánh vào phòng thăm Tần nguyên soái.
Tần Văn Lễ trong mười ngày mang bệnh, vẫn nghĩ mưu. Đến khi khỏi hẳn, ghé tai Tư Đồ hỏi kế, Tư Đồ gật gù khen :
- Mưu ấy tất thằng ranh con phải chết.
Rồi dặn ba quân thi hành quỷ kế. Văn Lễ lên yên xuất trận, gọi Nguyên Khánh ra trả thù trận trước. Nguyên Khánh nổi giận nói :
- Thằng khốn nạn ấy vừa thoát chết đã dám vô lễ vậy, tiểu tướng xin ra cắt đầu nó về dâng.
Từ Mậu Công biết rằng Nguyên Khánh hôm nay gặp vạ, cố hết sức can ngăn.
Nguyên Khánh không nghe, cứ xin đi. Mậu Công thấy Khánh đi rồi, ngồi thừ ra ứa nước mắt mà than :
- Cơ trời ác nghiệt! Uy dũng thế mà sao non yểu thế. Thương thay!
Thương thay!
Mọi người đều cả sợ. Nguyên Khánh ra ngoài dinh thấy Văn Lễ thì khác nào như cọp thấy dê non vác chùy đánh choang một tiếng. Cây kích của Văn Lễ cong đi. Lễ ôm ngựa chạy. Nguyên Khánh nhất định hôm nay xé xác Văn Lễ
mới nghe nên cứ ra sức đuổi mãi vào hang núi.
Bỗng Văn Lễ biến đâu mất. Ngoảnh lại thấy mấy ngàn quân sĩ đã lấp kín
cửa hang. Rồi trống đánh vang trời, lửa ở đâu bốc lên dữ dội.
Khánh tung hoành phá hang lấy lối ra. Nhưng lửa khói ngùn ngụt cháy, không còn biết đâu mà ra nữa.
Thế là thảm thay ngôi sao Tuần Thiên Đô Thái Bảo đã về trời. Hỡi ơi, Bùi Nguyên Khánh mới có mười lăm tuổi.
Thám tử về báo tin hung dữ, Mậu Công nghe nói rụng rời khóc to lên. Các
tướng ai cũng chau mấy nghiến răng, thề xé xác Tần Văn Lễ, Thượng Tư Đồ
để trả thù cho Nguyên Khánh.
Chợt có tin Văn Lễ đến khiêu chiến cho quân chửi mắng ngoài thành Mậu
Công sai các các tướng ra đối địch. Pháo nổ vang trời, cổng ải quan rộng mở, trống chiêng khua dậy đất, chúng hổ tướng vây tròn Tần Văn Lễ vào
trong.
Dưới thành trống đánh. Trên thành chiêng khua. Chưa có trận nào đại
chiến kinh thiên động địa như thế bao giờ. Khi đó Tần nguyên soái đang
ốm li bì, chợt giật mình mở mắt lắng tai nghe. Rồi chống tay gượng ngồi
lên hỏi :
- Quân ta giao chiến với tướng nào mà chiêng trống vang trời thế?
Tên quân hầu đáp :
- Thái Bảo đại tướng quân Bùi Nguyên Khánh đã bị Tần Văn Lễ lừa vào hang núi mà phóng hỏa chết rồi. Từ quân sư đang cho các tướng vây Văn Lễ
đánh trả thù.
Nghe nói, Thúc Bảo thét to một tiếng rồi chết ngất đi. Tần An sợ hãi gọi lay cho tỉnh lại. Thúc Bảo khóc rống lên nghiến răng nói :
- Cẩu tặc chặt gãy cánh tay phải của ta rồi! Tần Quỳnh này còn sống, thề phải trả oán cho Bùi hiền đệ mới nghe. Mau đóng yên ngựa; lấy khôi giáp cho ta ra trận.
Tần An hết lời van lạy. Thúc Bảo với gươm toan chém. Tần An sợ quá vội
đi lấy giáp mã. Thúc Bảo mặc xong lảo đảo bước ra sân. Tần An đã đem
ngựa đến Thúc Bảo không sao nhảy lên yên được, quát lớn :
- Ngươi đứng đấy làm gì, không đỡ ta lên.
Tần An vội ôm chủ soái lên lưng hổ lôi báo. Thúc Bảo phi ra khỏi ải,
thấy đèn đuốc sáng như ban ngày, các tướng xúm vây Tần Văn Lễ.
Lễ không sợ hãi, phương kích tả xung hữu đột rất hùng dũng.
Thúc Bảo tức dựng râu tròn rách mắt, vươn người lên giơ đôi giản thét đến rung núi đổ thành :
- Tần Quỳnh đã đến báo thù cho oan hồn em Nguyên Khánh ta đây! Giết chết thằng Tần Văn Lễ moi gan mà tế Bùi Nguyên Khánh.
Thúc Bảo may sao nhờ tiếng thét ấy mồ hôi toát ra như tắm, cơn sốt tan ra mất cả, người nhẹ nhỏm như thường.
Các tướng đều kinh ngạc. Ngay lúc ấy nổi lên một trận gió lạ lùng, tự
nhiên trời sầu đất thảm, cát bốc cây rung. Thúc Bảo vỗ lôi báo chặn
ngang đầu ngựa Văn Lễ, chắp cả đôi giản đánh xuống đầu ngựa, khiến Văn
Lễ ngã quay xuống đất. Các tướng xúm lại kẻ chém người đâm, Văn Lễ nát
như bùn.
Tư Đồ nghe tin Văn Lễ bị vây, điểm binh đi cứu. Từ quân sư nhân cơ hội
ấy, đem quân lẻn cướp Lâm Dương. Tư Đồ tới nơi thấy Văn Lễ đã chết rồi,
toan quay về ải thì thấy lửa ngút trời, cờ của Từ Mậu Công đã bay phấp
phới.
Tư Đồ, một mình trong đêm tối mênh mông, chung quanh quân tàn reo vang
động, quân sĩ bị giết gần hết, Đồ ngửa mặt lên trời mà than mấy câu rồi
rút gươm tự sát.
Thúc Bảo đem quân về ải nghỉ, sớm sau đến Khánh Thụy Sơn phá cửa hang
thu nhặt xương cốt Bùi Nguyên Khánh đem lên núi, đặt đầu lâu Tư Đồ, Văn
Lễ lên tảng đá tế tuần rượu, rồi mai táng. Các tướng đều rơi nước mắt.
Tế xong, cùng xuống núi chiếm ải Hồng Nê.
Thúc Bảo khao quân ba ngày. Ngày thứ tư tiến đánh Ninh Dương ải. Tướng
giữ ải có phép yêu thuật, khi niệm chú thì tha hồ cho dâm chém, tên là
Tôn Thiên Hựu.
Giảo Kim vẫn giữ ấn tiên phong, được lệnh đi khiêu chiến. Thiên Hựu tóc
đỏ mặt xanh, người thấp, mặt đầy lông lá. Hựu thúc ngựa ra ngắm nghía
Giảo Kim rồi cười nói :
- Ta với nhà người cùng xấu xí như nhau thật là tri kỷ. Vậy ta chưa cần
thi võ, hãy hiến ngươi một thuật lạ này. Ta đứng yên cho ngươi đánh liền ba búa. Rồi đến lượt ngươi cũng đứng yên cho ta đánh lại.
Nói rồi niệm chú đứng thách Giảo Kim. Kim giơ búa dùng sức bình sinh
đánh vào đầu. Búa Kim bật lại như đánh vào đá. Thiên Hựu vẫn trơ trơ.
Kim sợ quá quay về bản trại kể lại chuyện ghê gớm ấy.
Thúc Bảo lên ngựa ra trận. Thiên Hựu lại giở trò kia ra. Thúc Bảo nhanh
tay nhân cơ hội Thiên Hựu chưa kịp niệm thần chú đã đưa vèo lưỡi giản
chém đứt Thiên Hựu làm hai đoạn. Sau đó vẫy các tướng chiếm ải quan.
Binh ăn tiệc ba ngày, lại tiến đánh Hoàng Thổ cách đấy hơn trăm dặm. Đại binh đi qua một cánh rừng, thấy một con chó trắng sủa ba tiếng rất ghê
rợn rồi chay biến đi. Ứng Đăng phóng ngựa đuổi theo, chừng ba dăm chẳng
thấy chó trắng đâu, mà lại rõ ràng chú mình là Tạ Hồng đã tu thành chính quả. Ứng Đăng vội nhảy xuống đất sụp lạy nói :
- Thúc phụ cho cháu tu cùng để lên cõi đạo.
Tạ Hồng nói :
- Cháu đang tuổi thanh niên còn phải tung hoành cho tỏ mặt anh hùng, sau này làm xong sự nghiệp để lên núi tu hành cũng kịp.
Nay cháu theo Tần nguyên soái đi đánh Hoàng Thổ quan, tất gặp phải yêu
đạo dùng phép hại người. Ta cho cháu chiếc cung gỗ đào, cháu cứ làm như
thế... như thế...
Ứng Đăng lạy tạ, lên ngựa cùng binh mã đến Hoàng Thổ quan đóng trại. Trình Giảo Kim đến trước ải khiếu chiến.
Tướng giữ ải là Thần Tý Đông Phương Hoàng ra đối địch.
Đông Phương Hoàng mặt đỏ râu xồm, cầm đôi búa lớn, Giảo Kim mới đánh một búa, Phương Hoàng đã kêu to :
- Tên này giỏi lắm!
Rồi chạy, Giảo Kim đuổi theo. Khi hai ngựa sát vào nhau, Phương Hoàng
lắc mình một cái sau lưng mọc ngay ra một cánh tay nắm Giảo Kim ném
xuống đất cho quân sĩ trói lại đem vào ải quan.
Nghe tin mất tiên phong, Thúc Bảo đem các tướng ra cự địch.
Phương Hoàng đắc chí giơ búa đánh liền. Thúc Bảo múa thương đón đỡ.
Đánh mươi hiệp, Phương Hoàng quen mùi lại chạy để lấy mình thò cánh tay
thần ra bắt kẻ thù. Cánh tay vừa mọc ra thì Ứng Đăng từ nãy đã cầm sẵn
cung đào, bắn luôn mũi tên gỗ đào. Phương Hoàng ối chao một tiếng ngã
lăn xuống đất. Thúc Bảo đâm một mũi thương suốt bụng, chết ngay, rồi vẫy tướng sĩ phá cổng quan vào chiếm đóng, cứu Giảo Kim ra, đoạn treo bảng
yên dân.
Sau đó, thế mạnh tựa chẻ tre, đại binh Thúc Bảo kéo đến Đông Lĩnh quan hạ trại.
Tướng trấn ải này là Dương Nghĩa Thần sức địch muôn người, đầu beo mình
hổ. Thần có năm con trai, tướng mạo và sức mạnh chẳng kém cha. Đó là
Dương Long Dương Hổ, Dương Báo, Dương Hùng, Dương Bưu Dương Nghĩa Thần
triệu tập chúng tướng nói :
- Muốn đánh bại Thúc Bảo phải lập mưu! Bây giờ ở ngoài quan ải nên bày
ra trận lớn, điểm năm vạn binh canh giữ chung quanh. Chính giữa dựng một cây cột cờ tám cây gỗ lớn chập lại, cao mười trượng. Trên đầu có một
cái đồn vuông lớn xòe ra cắt hai mươi tư tên quân thần tiễn ngồi canh
giữ, lại cử một viên đại tướng trấn thủ cột cờ.
Tướng trấn thủ ấy là anh ruột Đông Phương Hoàng tên gọi là Đông Phương
Bá sức khỏe như voi, mặt vàng râu đỏ, quen dùng đại đao nặng hai trăm
cân.
Ấy là trận Đồng Kỳ, ngoài bày thêm trận Bát môn kim la, trong trận đào
rất nhiều hầm hố. Dương Nghĩa Thần lại mời La Nghệ đến giúp sức đánh tan Tây Ngụy.
La nguyên soái được thư mời, thầm nghĩ :
“Đứng đầu Tây Ngụy là Tần Thúc Bảo đã một lúc chiếm bốn ải quan. Chẳng lẽ ta lại đi đánh giúp Dương Nghĩa Thần hay sao”.
Bèn trả lời kẻ đưa thư :
- Giặc chung quanh nổi như ong, ta đâu dám bỏ Yên quan này, để ta sai La Thành đi giúp vậy.
Sau đó, La Thành được lệnh sửa soạn khôi giáp rồi vào từ biệt mẹ.
Tần phu nhân nói :
- Con nhớ rằng họ Tần còn có giọt máu ấy thôi. Con nể mẹ mà gìn giữ lấy cho khỏi tuyệt giống đó con.
La Thành xin vâng và lên ngựa. Dọc đường Thành nghĩ bụng :
- Ta không đến Đông Lĩnh vội, hãy đến ra mắt qua cho biểu huynh ta biết đã.
Tới nơi, đi thẳng vào dinh trại Tần Thúc Bảo.
Trong khi ấy, Thúc Bảo được tin Dương Nghĩa Thần bày trận ác, chỉ nài mình ra phá, bèn mời Từ quân sư thương nghị.
Mậu Công bấm đốt ngón tay biết rằng trận này sẽ thắng thì cười đáp :
- Nguyên soái cứ an tâm. Sẽ có người làm nội ứng.
Dứt lời quân sĩ báo có công tử La Thành vào ra mắt. Mậu Cỏng cả cười :
- Đó là trời giúp ta nên mới có người này đến.
Rồi thân ra cửa đón. Uống trà xong, Mậu Công kể trận Đồng Kỳ cho La Thành nghe. Thành nói :
- Trận ấy có gì là lạ. Từ thuở bé đọc binh thư chiến pháp, chưa có thế trận nào tôi không biết.
Rồi nói cùng Thúc Bảo :
- Phụ thân phàn nàn tại sao Tần biểu huynh không vì nhà vua mà lại gây
Tây Ngụy để đoạt thành chiếm ải. Bởi thế phụ thân em được thư của Dương
Nghĩa Thần mời giúp sức nên sai em đi ngay, thực là khó xử.
Thúc Bảo lặng im không nói gì. La Thành biết ý nói :
- Biểu huynh chớ lo. Có khi nào em tự cắt tay mình nhìn máu chảy.
Mẫu thân em đã dặn ngầm giúp biểu huynh.
Thúc Bảo, Mậu Công mừng lắm.
La Thành từ biệt, thẳng sang Đông Lĩnh. Dương Nghĩa Thần ra đón rước
vào, đặt tiệc khoản đãi rất linh đình, yên trí này bắt sống Tần Thúc Bảo như chơi.
Lại nói Đơn Hùng Tín ngồi nghe La Thành nói chuyên, tỏ ý không bằng lòng, nghĩ bụng :
- “Dễ Tây Ngụy không có ai phá được trận Đồng Kỳ hay sao mà phải nhờ
thằng ranh con ấy. Ta với nó có hiềm riêng, thế này thì nó càng coi
khinh ta. Chi bằng đêm nay ta phá trận ấy cho nó biết tay.
Chờ đến đêm khuya, Hùng Tín nai nịt gọn gàng, cỡi ngựa một mình thẳng sang Đông Lĩnh đánh từ cổng bên phải đánh vào.
Thấy dộng, quân Nghĩa Thần bắn như mưa. Hùng Tín múa tít cây Kim mộc
sào, chạy ra cửa đông nhưng chẳng biết đường nào ra, lại quanh co chạy
đi các cửa khác, chỗ nào cũng thấy dây giăng hầm hố cả.
Hùng Tín hối hận và uất ức, ngửa mặt lên trời mà thét :
- Không ngờ Đơn Thông này lại chết ở đây.
Bỗng một tướng chạy đến nói nhỏ :
- Xin Đơn viên ngoại theo tiểu tướng!
Hùng Tín chẳng cần biết ngay giả thế nào cứ nhắm mắt liều theo sau người ấy. Ra khỏi trận, Tín cả mừng xá lạy người ấy mà rằng :
- Hảo hán cho tôi được biết đại danh.
Người ấy đáp lễ nói :
- Tiểu tướng là Hắc Như Long xưa trong bước giang hồ đã lạc đến trang
viện nhờ viên ngoại cho cơm ăn áo mặc. Sau đi theo Dương Nghĩa Thần được làm chức tổng binh, được thế cũng là do cái ơn của ân công, Long này
đêm ngày tưởng nhớ, không ngờ gặp tôn nhan ở nơi miệng hùm, nọc rắn này. Bây giờ xin ân công về kẻo chúng biết thì tiểu tướng khôn toàn tính
mạng.
Hùng Tín xá lạy một lần nữa, rồi về bản trại.
Hắc Như Long vừa quay về thì Dương Nghĩa Thần thét lôi ra chém.
Thế là trả được chút ơn cơm áo lúc bần hàn, Hắc Như Long đã thành quỷ không đầu!
Ở trong trại, Từ quân sư bỗng đập án kêu lên :
- Tần nguyên soái ơi, đêm nay Thanh Long tinh có nạn, biết làm sao đây.
Đoạn nói tiếp :
- Chỉ vì ban chiều La công tử nói rằng chưa trận nào là không biết, Đơn
Hùng Tín tất có ý không bằng lòng vì hai người vẫn ghét nhau nên Hùng
Tín lẻn đi phá. Tôi lại biết rằng hai người ấy sang kiếp sau còn thù
nhau, mà gây nên bao chuyện kinh thiên động địa đó. “Lời Từ Mậu Công nói không sai. Ta xem truyện Chinh Đông Chinh Tây tất rõ cái thù không đội
một trời của Tiết Nhân Quý, Cáp Tô Văn”.
Thúc Bảo nghe nói cả kinh :
- Vậy thì ta mau đi cứu chứ.
Mậu Công ngẫm nghĩ rồi nói :
- Nhưng mà không lo. Đã có con rồng đen cứu con rồng xanh ấy.
Chỉ vì thế mà con rồng đen kia chết đêm nay để đầu thai sang cửa khác sau này làm đảo điên thiên hạ.
Rồi ngừng lại, ngẩng nhìn xem thiên văn, lo lắng :
- Rồng xanh không trở về Tây Ngụy nữa. Đang đi tìm phương trời khác. Ta cần sai người đi dón về ngay đây kẻo lại sinh vạ lớn.
Tần Thúc Bảo vội nhờ Dương Bá Dương đi triệu Đơn Hùng Tín về.
Khi đó, Hùng Tín bị suýt chết cứ phóng ngựa đi. Qua một quãng rừng ngẫm nghĩ :
- Ta về cũng xấu hổ với anh em. Ở mãi Tây Ngụy càng thêm uất ức vì thằng nhãi con La Thành. Âu đành bỏ bạn đi phương khác vậy.
Càng nghĩ càng đau xót, cứ cho ngựa phi trong đêm tối mờ ánh sao.
Đi mãi rồi trời sáng rõ. Qua một thôn trang, mới xuống ngựa, vào một tửu quán gọi ba vò rượu uống. Đang đói mệt, bị men nồng ngấm, Tín ngả xuống giường ngủ thiếp đi. Chợt thấy con rồng đen bị đứt đầu kêu khóc ở đầu
giường. Tín chưa kịp hỏi thì con ngựa Tín hí vang ngoài lán.
Giật mình mở mắt, thấy ngay Bá Dương đang đứng mà rằng :
- Từ quân sư và Tần nguyên soái sai tiểu đệ suốt đêm nay tìm đại huynh để rước về. Vì sao đại huynh lại tới đây?
Hùng Tín buồn bực đáp :
- Đời thằng Tín này đã hai phen bị thằng ranh con làm nhục. Một lần ăn
tiệc mừng sinh nhật Tần bá mẫu bị nó gây sự đánh ta. Lại bữa qua nó thấy ta ngồi cạnh, lên mặt con nhà dòng dũng tướng mà khoe tài binh pháp,
thực không coi ta ra gì cả. Nghĩ tức giận quá ta định đi phá Đồng Kỳ
trận cho thằng nhãi biết tay, ngờ đâu trận ấy lợi hại khác thường có cửa vào mà chẳng có đường ra. May nhờ người bạn cũ cứu không thì bây giờ
xương thịt ta đã nát rồi. Ta tức lắm, cái thù của ta với thằng La Thành
kiếp này chưa trả được, thề kiếp sau phải báo.
Nói rồi rút kiếm trích máu cánh tay đổ vào chén rượu mà uống.
Bá Dương tìm hết lời an ủi, khuyên can, Tín mới chịu lên ngựa cùng về. Thúc Bảo, Mậu Công ra đón, dắt tay vào, xiết bao mừng rỡ.
Hôm sau, bàn với Từ quân sư xong, Thúc Bảo cỡi hổ lôi báo đem quân xuất trận, quát to :
- Tần Quỳnh ta phá trận Đồng Kỳ đây.
Rồi xông vào đánh phá. Tướng sĩ Tùy vây chặt lấy. Thúc Bảo chém giết đã
mỏi tay mà không ra được. Con hổ lôi báo bỗng cất cao vó, ngửa mặt lên
trời gầm vang một tiếng như sấm động sét kêu, khiến bao nhiêu ngựa tướng Tùy ngã lăn bốn vó. Thúc Bảo tay thương tay giản giết luôn một lúc nữa
rồi về bản trại.
Thúc Bảo thấy trận pháp khó bề phá được, có ý buồn rầu. Từ quân sư nói :
- Nguyên soái chớ nóng nảy, ngày mai chia quân đánh cả bốn mặt, Nguyên
soái cứ vào trung ương mà hạ cột cờ, sẽ có thần linh úng giúp.
Hôm sau Từ Mậu Công sai Vương Bá Dương, Tạ Ứng Đăng đánh mặt đông. Quốc
Viễn, Như Khuê đánh mặt nam, Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc đánh cửa tây.
Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại đánh mặt Bắc. Tần nguyên soái đánh thẳng vào cửa chính.
La Thành thấy quân Tây Ngụy ồ ạt kéo vào trong trận, thì không ra lệnh cho quân Tùy đánh vội, hãy đợi xem sao.
Dương Hổ, Dương Long xông ra cản Thúc Bảo. Một thương, Thúc Bảo đã nhẹ
nhàng đưa Dương Long về âm phủ. Thấy anh bị lòi gan ruột, Dương Hổ hoảng hốt đâm đầu chạy lại bị Thúc Bảo chặn ngang, một mũi thương nữa kết quả mất tính mạng.
Giết xong hai tướng, Thúc nguyên nhung vào giữa trận vung giản đánh hai
nhát liền. Hồn anh linh của Bùi Nguyên Khánh lơ lửng trên không, dút
bổng ngay cột cờ vĩ đại kia cho nên Thúc Bảo bồi thêm nhát nữa thì cột
cờ gục xuống reo vang ầm trên đất.
Bọn quân thần tiễn không kịp trở tay bị cột cờ đè nát dí. Các tướng Tùy
đổ xô lại vây Thúc Bảo. Dương Bưu, Dương Hùng liều chết báo thù cho hai
em ra sức đánh. Đông Phương Bá cũng trả oán cho em múa song kích vù vù
quấn chặt lấy ngọn thương Thúc Bảo. Đánh hơn hai trăm hiệp, Thúc Bảo đã
có cơ nguy. La Thành không sao nín được, đành phi ngựa phóng ra. Bọn
Dương Bưu cả mừng vì tưởng có thêm La Thành thì Thúc Bảo tất chết, nhưng ngờ đâu ngựa vừa phi tới thì mũi thương vô tình đã đâm suốt ngực Đông
Phương Bá. Rồi rút song giản đập luôn hai nhát kết quả giết Dương Bưu,
Dương Báo.
Nghĩa Thần nghe La Thành làm nội ứng thì ngửa mặt lên trời mà kêu :
- Thế là trời hại ta rồi!
Bèn đâm cổ chết. Dương Hùng chạy về phương bắc. Bá Dương đứng trên sườn
núi giương cung bắn nhào xuống ngựa. Năm vạn quân xin hàng cả. Mậu Công
đem chúng tướng vào thành, hết lời cảm tạ La công tử. Mậu Công sai mổ bò giết lợn khoản đãi tướng sĩ. Giữa tiệc, Thúc Bảo nói với La Thành :
- Bây giờ cái tiếng La hiền đệ làm phản sẽ đến triều đình, em còn về Yên Sơn sao được nữa!
La Thành đáp :
- Khi đến đây ngầm giúp biểu huynh và các hào kiệt trong Tây Ngụy, mẫu
thân em đã dặn không về nữa. Ngày nay tuy lòng có nhớ thương, nhưng cũng phải nén để cùng nhau gây nghiệp lớn, chứ biết làm sao được.
Thúc Bảo mừng hớn hở, cảm kích vô cùng :
- Thế là từ nay trong hàng hổ tướng của Tây Ngụy lại được thêm một mãnh tướng, còn lo gì nghiệp lớn chẳng xong.
Hôm sau, bọn Thúc Bảo được lệnh chỉ của Ngụy vương cho hay rằng lão
tướng Bùi Nhân Cơ (cha của Bùi Nguyên Khánh) đã tử trận ở Kim Dung thành (tức Ngõa Cương) bởi tay quan trấn thủ Cổn Châu là Nghiệt Thế Hùng.
Thúc Bảo để lại vài tướng giữ ải còn mình đem binh và mãnh tướng về giải cứu ải Kim Dung. Ba ngày đi ròng rã mới tới nơi, La Thành xin ra đánh,
Thúc Bảo cả mừng.
Quân của Thế Hùng thấy La Thành đến khiêu chiến thì bắn tên ra như mưa
bão. Cây thương thần xuất quỷ của họ La quay tròn che kín cả ngựa và
người, toả hào quang khiến Thế Hùng đúng trên thành phải vỗ đùi khen :
- Giỏi, tướng trẻ tuổi kia thật là danh tướng, ta chưa từng thấy thương pháp nào lợi hại bằng.
Nói rồi cỡi ngựa phóng ra đối địch thử xem. Mới hơn ba hiệp. Thế Hùng hoa mắt cuống tay quay ngựa chạy :
- Ta phục tài rồi! Giỏi lắm!
Nhưng thương thay, vừa khen dứt lời thì ngọn giản của La công tử đã
phóng theo, đầu Thế Hung vèo bay sau vó ngựa, cái mình không đầu lâu,
vọt máu lên trời, cứ thế cho tới khi ngựa chạy tới cửa thành mới chịu
rơi xuống nước hồ sâu thẳm.
Thúc Bảo đem binh vào thành, kéo cờ lên, chiêu dụ thần dân, tịch thu công khố.
La Thành vào triều kiến Ngụy vương: Vương mừng lắm, bước xuống thềm cầm
tay La Thành cảm tạ, rồi thân rót hảo tửu mừng công giết giặc. Thế là
nhờ mấy đường thương tuyệt diệu của La mãnh hổ mà một lúc thâu đoạt một
quan lớn và trừ được năm đại tướng Tùy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...