10.
Thường Nga
Cuối thu đầu đông, lúc ngỗng trời bay về phương nam, có gánh hát tới trấn Bạch Thủy, tầng hai quán trà sửa thành sân khấu kịch, đại sảnh cả ngày đông như mắc cửi, cảnh tượng so với khi nhóm thuyết thư tới trước đây chỉ có hơn chứ không có kém.
Gánh hát này dự định hát hí kịch liên tiếp mười ngày tại trấn Bạch Thủy, bầu gánh giương tờ danh sách kịch khúc ra, đủ loại kịch khúc “Đào hoa phiến”, “Ly miêu hoán thái tử”, “Mộc Quế Anh qua soái” đều được liệt kê bên trên.
Tạ Bất Hối học thuộc kịch khúc, về nhà ríu rít với cha mẹ, vốn tưởng chỉ là một chủ đề chuyện phiếm, nào ngờ mẹ lại xen lời: “Có cả ‘Thường Nga bôn nguyệt’ cơ à? Hôm nào hát vở đó vậy?”
Tính toán thời gian, Tạ Bất Hối đáp: “Ngày mai ạ.”
Rút kinh nghiệm từ bài học bận trước, lần này từ rất sớm đã dời bàn ghế đến quán trà, giành vị trí hàng đầu.
Quả nhiên, không bao lâu sau quán trà đã chật ních người, gánh hát đã lên đài hai ngày, hiệu quả rất tốt, người xem tới hôm nay còn đông hơn hai ngày trước.
Mẹ trở về trấn Bạch Thủy đã hơn một tháng, lời ong tiếng ve đã sớm chìm nghỉm, rất nhiều người quen chào hỏi họ, vẻ mặt mẹ như thường, mỉm cười đáp tiếng.
Sai vặt đi quanh đại sảnh khách khứa đông đúc một vòng, lúc đi ra trong lòng ôm một giỏ trúc đầy ụ, đồng xu va vào nhau lanh canh.
Chiêng đồng gõ vang, xô na dậy tiếng, thanh y bưng thủy tụ đi từ sau đài ra, cất giọng hát: “Nghĩ ta vốn là phàm nhân hạ giới, lại bị chồng thúc ép, vào nhầm cung Quảng, có tội không chém đã là vạn hạnh, sao dám cư địa vị này, đứng đầu chấp chưởng cung trăng?
… Ban nãy giữa bữa rượu, thấy có cặp vợ chồng nhân gian, thành đôi thành cặp, đoàn viên vui vầy; nghĩ Thường Nga ta ngày ngày sống nơi cung Quảng Hàn, lạnh lẽo hiu hắt, quạnh quẽ vắng tanh, cứ nghĩ đến là phiền muộn khôn nguôi! Ấy rằng: Năm xưa hối sao trộm linh dược, trời xanh nước biếc quạnh nỗi niềm.”1
1 Lời thoại trích từ vở kinh kịch “Thường Nga bôn nguyệt” (chú thích của tác giả)
…
Kịch tan về nhà, mẹ lấy kim chỉ trong sọt ra, tiếp tục khâu tấm áo choàng cũ màu thạch anh, cảm khái với Tạ Bất Hối: “Khi xưa phụ thân mẹ từng nói với mẹ một câu: ‘Tưởng mình là thần tiên không ăn ngũ cốc thật đấy à mà không quản chuyện thế tục chỉ lo mình thống khoái?’ Thuở thiếu thời không biết trời cao đất dày, tự cho là thật sự có thể sống cuộc sống thần tiên, cả đời tiêu dao tự tại, đến lúc ngoảnh đầu lại chẳng thể không thừa nhận mình chẳng qua chỉ là người phàm.
Thường Nga sinh ra mang trái tim phàm trần, trộm linh dược trở thành tiên tử cung Quảng Hàn, làm thần tiên chỉ sung sướng được nhất thời, ngoảnh đầu lại phàm tâm chưa mất, sau cùng phải hối hận.”
Tạ Bất Hối nhớ lại bài thơ mẹ để lại trên bàn lúc rời nhà, sau cùng lòng vẫn khó yên, đã qua nhiều ngày song rốt cuộc vẫn không nhịn được hỏi: “Mẹ, vì sao mẹ trở lại ạ? Mẹ… hối hận rồi sao?”
Đi trọn hai tháng, đã đi rồi sao phải trở về?
Động tác xâu kim của mẹ nó thoáng khựng rồi lại tiếp tục, hỏi một đằng đáp một nẻo: “Mẹ nhờ Trần Phượng Sinh dẫn mẹ về Lạc Dương xem thử, mẹ từng tưởng tượng Lạc Dương sẽ thay đổi hoàn toàn như thế nào, ngờ đâu kỳ thực Lạc Dương chẳng quá khác biệt so với khi trước.
Bất kể là đổi một vị tân đế hay bớt đi vài quý nhân hiển đạt, Lạc Dương vẫn là Lạc Dương đó, vẫn là Lạc Dương mà mẹ của quá khứ trăm phương ngàn kế muốn trốn thoát.
Có lẽ phải đến khi cái gọi là chấp niệm chân chính được thực hiện rồi mới phát hiện thì ra chẳng cần thiết phải chấp nhất.”
“Không thể nói là có hối hận hay không,” Mẹ cụp mắt nhìn tấm áo trong tay, bình thản nói, “Chỉ là, khoảnh khắc ấy đột nhiên cảm thấy trấn Bạch Thủy cũng chẳng tệ, trước đây là mẹ hành động điên rồ, huống hồ…”
Mẹ cất kim chỉ, cẩn thận gấp gọn áo choàng: “Trong lòng mẹ hiểu cha con đã gắng hết sức cho mẹ một cuộc sống thần tiên.”
Tạ Bất Hối không kìm được hỏi: “Trần tiên sinh thì sao ạ?”
“Trần Phượng Sinh?” Mẹ nhoẻn miệng rất nhạt, nụ cười như đóa hoa chớp mắt đã tàn, tựa như chuyến bỏ trốn lần này của người, “Hắn chỉ là một gã nam nhân có chút thú vị mà thôi.”
Giọng điệu hời hợt như một con cá chán nước, nhô ra khỏi mặt nước thông hơi chốc lát rồi tiếp tục chìm xuống đáy ao.
Sau cùng, Tạ Bất Hối vẫn chẳng dám hỏi “Không thể nói là có hối hận hay không” là chỉ chuyện bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh hay là lần bỏ trốn cùng cha khi xưa, hay là cả hai.
Cha trở về trước bữa tối, gần đây tiêu cục Tứ Hải rất đắt khách, vậy nhưng cha lại về nhà sớm hơn ngày trước ít nhiều, nếu không có gì ngoài ý muốn thì sẽ về nhà trước khi họ đi ngủ.
Sau bữa tối, mẹ giũ tấm áo choàng đã khâu xong ra bảo cha mặc thử, cha nghe lời làm theo, bỗng “ơ” một tiếng: “Nàng thêu gì vậy?”
Chỉ thấy chỗ thủng trên áo thêu một con hùng ưng giương cánh chân thực kĩ càng, lối thêu theo kiểu trong kinh, nom rất sống động, rất có hồn.
Ưng đập cánh trời cao, quả thực tiêu dao tự tại.
Cha có vẻ hơi kinh ngạc, tiếp đó bật cười, Tạ Bất Hối như lại thấy gió lộng đã ngơi trong mắt cha một lần nữa gào thét.
Trước khi đi ngủ, Tạ Bất Hối bị sai đi đóng cửa sổ, chợt nhận ra đêm nay trăng tròn, tiết trời se lạnh, trăng sáng sao thưa, vầng trăng như chiếc đĩa ngọc treo cao trên trời.
Có câu: Người có buồn vui ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi.
Mẹ đi ngang qua cạnh nó, ngẩng đầu nhìn: “Hôm nay rằm à? Quên mất đấy, xem ra mai trời sẽ đẹp lắm.”
Tạ Bất Hối ứng tiếng, “loạt xoạt” đóng cánh cửa sổ.
– Hết –.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...