Năm ấy là năm Hưng Khánh thứ ba, thời vua Giản Định nhà Hậu Trần (1409). Nước ta bấy giờ vừa mất vào tay quân Minh, bọn gian thần ở chốn cố đô vừa mới dâng biểu xin làm quận huyện, hào kiệt bất mãn trước cảnh nước mất nhà tan nổi dậy khắp nơi. Trong đó có Trần Ngỗi xưng đế ở Mô Độ, được Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân theo hầu cự lại quân Minh…
Hai thầy trò Khiếu Hoá Tăng sửa soạn hành lí, định bụng sẽ đi đến làng Ngũ Xã cho sớm, kẻo hết đồng tốt.
Bấy giờ Đông Đô, hay như tên cũ là Thăng Long, đã thành hang ổ của bọn tham quan ô lại, bán nước cầu vinh. Trong thành nhìn đâu cũng có bóng quân Minh tuần tiễu, xét nẹt. Nhưng hai thầy trò một là ông sư ăn xin rách rưới, một là cô bé con chưa được mấy tuổi đầu, nhìn chẳng có vẻ gì là nguy hại nên bọn lính thủ thành chỉ giữ lại hỏi qua loa mấy câu rồi thôi.
Hai người tản bộ trong cái se lạnh của tiết trời cuối thu độ nửa canh giờ, thì ngang qua bốn trụ đá lớn, xa xa là một cánh cổng đá có dựng bia hạ mã. Khiếu Hoá tăng thẫn thờ đứng lại trước chốn xưa, đoạn chỉ chậm rãi lắc đầu thở dài, than rằng cảnh còn người mất.
Cô bé con - Linh Lan - thì kiễng chân nhìn qua bờ tường, thấy chốn này cây cỏ tốt tươi, cảnh sắc thanh nhã, lầu các đầy vẻ văn tĩnh bèn hỏi:
"Thầy ơi… Đây là nhà phú hộ nào thế?"
Khiếu Hoá tăng chậm rãi xoa đầu cô bé, giải thích:
"Không phải nhà phú hộ gì đâu con, nơi này gọi là Quốc Tử Giám, là nơi sĩ tử dùi mài kinh sử."
Linh Lan vẫn nghe hàng xóm nói với nhau đến Tết ra Văn Miếu xin chữ về treo, nhưng nó chưa bao giờ được đi cả. Nay cuối cùng cũng đến tận nơi, tính tò mò của trẻ con lại trỗi dậy, nằng nặc xin thầy cho vào xem xem chỗ này có gì hay mà người lớn ai cũng thích lui tới như vậy.
Ông sư già thấy trời còn sớm quá, chắc người trong Quốc Tử Giám vẫn còn ngủ chưa dậy, toan từ chối thì đã có tiếng người gọi với từ Văn Miếu Môn ra:
"Ai như thầy Khiếu Hoá tăng thế?"
Đoạn, lại có một cô nàng ăn vận theo lối học trò, tay cầm cái chổi chạy ra.
Khiếu Hoá Tăng ngó nàng ta một hồi, nhưng lại không nhận ra là ai. Hà huống, thuở xưa con gái không được lều chõng đi thi, khoa bảng đỗ đạt. Nên ông sư già đoán chừng nàng chỉ là giúp việc lặt vặt, phụ trách cơm nước mà thôi.
Nhưng đến đây ông lại thấy không đúng lắm… Nếu là người ở, tức không phải người trong chốn giang hồ, sao lại biết Khiếu Hoá tăng ông?
Ông còn đang nghĩ thì cô nàng đã nhanh nhẹn nói:
"Thầy cứ vào trong văn miếu thắp hương lễ lạt trước, con chạy đi gọi Tế Tửu đến."
"Thôi thí chủ không cần nhọc công. Bần tăng đi ngang qua đây, tức cảnh nên đứng lại thoáng chốc, bây giờ có việc phải đi gấp."
Ông nói nửa chừng, thì bỗng lấy trong túi áo ra ba nén hương trầm, một sấp giấy vàng mã, bảo:
"Nhờ thí chủ thắp giúp bần tăng nén hương."
Nói đoạn, dắt bé Linh Lan hãy còn đang phụng phịu đi nhanh về phía bắc, hướng phía hồ Kim Ngưu - hay còn gọi là hồ Tây - mà rảo bước.
Trên đường, cô bé con bèn mở to mắt, tỏ vẻ hiếu kỳ:
"Thầy ơi! Thầy quen người trong Quốc Tử Giám hả thầy?"
Khiếu Hoá Tăng bèn đáp:
"Tính ra cũng là chỗ người quen cũ."
"Tức là Quốc Tử Giám là thế lực chốn võ lâm? Sao thầy bảo là nơi học trò ôn thi?"
Cô bé Linh Lan nghiêng đầu, hỏi dồn.
Ông sư già ho khan một cái, lại tiếp:
"Quốc Tử Giám quả thực là do vua lập nên làm nơi dạy học cho sĩ tử, nhưng lại cũng rất có danh vọng trong chốn võ lâm, sánh ngang với thiền phái Trúc Lâm. Tế Tửu, Tư Nghiệp của họ đều là mệnh quan được triều đình sắc phong, văn võ song toàn, có thể làm chuyện lớn, người giang hồ ai cũng kiêng dè kính nể. Thế nên, có thể nói nó là trường hợp đặc biệt, nửa nạc nửa mỡ."
Cô bé "à" một cái tỏ vẻ như đã hiểu, nhưng chưa được bao lâu thì lại hỏi:
"Thế võ công của họ so với thầy thì ai hơn ai ạ?"
"Chết! Khi không đang yên đang lành ai lại chạy vào nơi linh thiêng, văn nhã đòi đánh nhau? Chưa đánh bao giờ sao biết ai mạnh ai yếu?"
Khiếu Hoá tăng xua tay, rồi lại nghĩ cô bé này sau này đi lại chốn giang hồ nhỡ cậy uy mình mà đi chọc Quốc Tử Giám thì hỏng bét, bèn nói thêm:
"Sau này đừng có kiếm chuyện với họ. Tuy là đệ tử Quốc Tử Giám luyện võ chỉ để rèn luyện thân thể, giúp tinh thần minh mẫn để có sức dùi mài kinh sử, nhưng chiêu số võ học truyền lưu từ thời Lí đến nay, được nhiều bậc tông sư thay đổi bổ sung càng thêm thâm sâu huyền diệu, bác đại tinh thâm lắm. Thầy đây cũng nể mấy phần…"
Linh Lan chợt nói:
"Con chẳng tin đâu. Họ mạnh như thế sao không thấy động thái gì, mà như thầy kể, Bảy Tông Sư, Ba Thánh Lệnh sao Quốc Tử Giám không có lấy một cái?"
Khiếu Hoá Tăng nhăn trán, vỗ má, tự trách mình hồi ấy vì dỗ dành cô bé mà kể những chuyện giang hồ võ lâm này để đến nỗi bây giờ bị hỏi vặn. Ngặt nỗi, ngoại trừ giai thoại võ lâm, ông cũng chỉ biết kinh Phật. Mà đọc truyện trong kinh Phật thì Linh Lan càng nghe càng khóc tợn… nên cũng đành chịu.
Ông đành phải giải thích:
"Sở dĩ Quốc Tử Giám bình thường không can dự những chuyện võ lâm nọ là vì họ trọng văn hơn võ. Ấy là nhẽ thứ nhất. Còn nhẽ thứ hai là do trong Quốc Tử Giám cũng chia làm hai phe, gọi là phe Chữ Hán và phe Chữ Nôm.
Hai bên cãi nhau chí choé từ đời thuở nào chẳng ai rõ, chỉ biết mọi quyết sách riêng của Quốc Tử Giám đều phải được hai phe này cùng đồng tình mới được. Thành ra, đệ tử phái này cũng ít xuất hiện trên giang hồ. Nhưng giới võ lâm không ai dám khinh nhờn họ đâu."
Nhưng đúng là gần đây Quốc Tử Giám có vẻ yên ắng thái quá thật, nhất là thời buổi chiến loạn liên miên thế này. Chẳng biết họ an phận thật hay đang ngấm ngầm làm điều gì trong tối…
Ông sư già âm thầm chêm vào hai câu.
Cô bé lại "à" một tiếng, đầu gật như gà mổ thóc. Nó thỉnh thoảng lại ngó về phía ngôi đền đang dần bị bỏ lại sau lưng, không biết đang suy nghĩ gì trong đầu.
Khiếu Hoá tăng những tưởng là xong rồi, thì bỗng Linh Lan hỏi:
"Thầy ơi… sao lại gọi là phe chữ Hán - phe chữ Nôm ạ?"
"Do các tiền bối Quốc Tử Giám đều là bậc tao nhân mặc khách, thành thử chiêu thức võ học của bọn họ đa số được tạo ra bởi thư pháp văn thơ, nên mới phân làm hai phe như vậy."
Ông sư rách rưới vừa nói vừa gãi cái đầu trọc, lại hỏi:
"Con hỏi xong chưa vậy?"
Linh Lan thấy ông đã hơi mất kiên nhẫn, bèn hỏi ngay:
"Thầy ơi… thế, Quốc Tử Giám có món thần binh lợi khí nào không?"
Lời này như gãi đúng vào chỗ ngứa của ông sư già. Khiếu Hoá tăng hí hửng rút cuốn "An Nam Thần Binh phổ" lão ghi chép cả chục năm nay, lật giở một hồi rồi chỉ một trang sách mà nói:
"Con xem, tương truyền bảo giáp và thần công hộ quốc mất tích từ lúc nhà Trần đánh giặc Mông Cổ đang được bảo quản ở Quốc Tử Giám."
Đoạn, ông lại thao thao bất tuyệt mãi về bảo giáp Phù Đổng và hai món võ nghệ Tung Hoành Thiên Hạ - Uy Chấn Bát Phương.
Bé Linh Lan nghiêng đầu, hỏi:
"Thế Quốc Tử Giám có nhận đệ tử là nữ không ạ?"
"Chuyện này… thầy cũng không rõ nữa. Mà con hỏi cái gì khác không được à?"
Ông bất giác nhớ lại cô nàng quét sân ban nãy, chẳng những nhận ra thân phận của một trong bảy tông sư chốn giang hồ mà thái độ đối với Tế Tửu cũng không có vẻ gì là người ở đối với chủ nhà. Thật đúng là không rõ thực hư thế nào.
Khiếu Hoá tăng bỗng thấy hơi tò mò về cô nàng.
"Thầy ơi… thế làng Ngũ Xã có gì hay, môn phái nào ạ?"
Gió thổi vào mặt hồ, sóng gợn lăn tăn…
Lời tác giả:
Đáng nhẽ đây là một phần của phụ chương đặc biệt kết thúc trường thiên thứ hai - Võ Lâm Toàn Thư - tổng kết các thế lực, nhân vật, thần binh lợi khí đã xuất hiện xuyên suốt hơn ba trăm chương truyện. Nhưng nghĩ lại, viết kiểu tóm lược bình thường thì chán quá, lại dài, sợ bạn đọc khó theo dõi, thế nên từ bây giờ đến lúc hoàn thiện, đăng tải hồi cuối cùng của thiên tác sẽ cố gắng viết mỗi tuần một chương ngắn thế này, về một môn phái hoặc nhân vật, dưới góc nhìn và lời kể của thầy trò Khiếu Hoá tăng - Linh Lan để mọi người tiện theo dõi…
Cứ coi như Võ Lâm Toàn Thư là một dạng sách phụ đi kèm theo chính truyện của Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi đi ạ
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...