Bà Phạm Kim Chi kể lại mọi chuyện một lần, rồi thở dài:
“ Lời cha dặn chẳng dám không tuân. Huống hồ anh Hoá là người cố chấp, chưa thể tự bắt ông rút lại lời thề sẽ không chịu thành gia thất. Đời người con gái được mấy lần hai mươi kia chứ? Lại nói, đổi lại vị trí của hai người, chắc chắn mình cũng sẽ làm thế thôi. ”
Đặng Tất siết chặt tay.
Tin mà Hoàng Thiên Hoá mang đến chính là: “ Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đã bị Mộc Thạnh tóm được. Y đang tiến quân tới bến Bô Cô, muốn vượt sông đánh sâu vào Thanh Nghệ. ”
Hay tin, Trần Ngỗi cho kéo quân năm trấn từ Thanh Hoá trải vào Thuận Hoá ra nghênh địch. Sĩ tốt ngồi trên thuyền con đi dọc theo bờ biển, không phải trèo đèo lội suối nên chỉ mấy ngày là đã hội họp với chủ lực ở Tràng An. Số lượng đếm sơ sơ cũng đông đến năm sáu vạn.
Trong đó không thiếu hào kiệt các nơi hưởng ứng.
Nhân sĩ võ lâm các trấn thấy Trương – Mộc lật lọng không chịu thừa nhận Giản Định là tông thất nhà Trần, khăng khăng đổi Đại Việt trở về thành quận huyện như thời bắc thuộc thì tức lắm. Bấy giờ mới thấy hối hận tại sao hồi đó lại phù Minh diệt Hồ.
Nhưng lúc này Thiên Cơ lão đạo đã biến mất, sơn trang Bách Điểu thì đóng chặt cửa không tiếp khách, quần hào càng thêm phẫn uất.
Lại được tin Hoàng đảo chủ đứng ra kêu gọi mọi người giúp hậu Trần đánh Minh trả thù, nên người ta theo đông lắm.
Giản Định đế tự mình xuất chinh, cho Đặng Tất làm chủ soái cầm đầu đại quân, Nguyễn Cảnh Chân thì ở lại giữ đầu não phía nam đề phòng quân Ai Lao, Chiêm Thành thừa cơ làm loạn.
Đặng Tất bèn chỉ lên bản đồ, nói:
“ Trận Bô Cô này muốn thắng được, ắt phải chiếm được địa lợi là núi Dục Thuý. Chốn này có thể bao quát chiến trường mấy chục dặm, hơn nữa đường núi gập ghềnh. Muốn công phá khó hơn lên trời. ”
“ Thế thì phải làm sao? ”
Trần Ngỗi nhíu mày.
Đây quả thực là điều đáng lo.
Nếu để quân Minh chiếm được bờ nam của sông, lấy được núi Dục Thuý, thì doanh trại của họ sẽ được thế nhìn sông dựa núi trong binh pháp. Sau lưng lại còn có thành Cổ Lộng, tiếp ứng được cho nhau. Đồng nghĩa với việc Mộc Thạnh sẽ có thể đánh sâu vào Thanh Nghệ với thế như chẻ tre quét lá, khó bề ngăn cản.
Cũng đồng nghĩa, muốn cản bước Mộc Thạnh, phe Hậu Trần buộc phải chiếm trước tiên cơ, lấy cho kì được núi Dục Thuý.
Nhưng nói thì dễ, làm mới khó.
Đặng Tất lại nói:
“ Mộc Thạnh ắt cũng đã biết chuyện này. Dưới trướng lão từng có một đội thiết kị tinh nhuệ. Tuy đã bị Hồ Nguyên Trừng phá tan, song cũng chứng tỏ Thạnh là kẻ biết dùng kị binh. Lão ta ắt sẽ cho thiết kị dùng chiến mã tìm tới Bô Cô, vượt sông lên núi trước chúng ta. ”
Y vốn là quan cũ của nhà Hồ. Chuyện quân tình cơ mật kháng Minh năm xưa, Đặng Tất cũng có biết.
Trần Ngỗi nghe xong không khỏi trầm mặc:
“ Ngựa quân giặc nhanh, khoẻ hơn ngựa ta một bậc, phải làm sao mới ngăn nổi bọn kị binh này? ”
Đặng Tất thở dài:
“ Đây cũng là chuyện mà thần đang băn khoăn mãi. Cách khả thi nhất là gửi bồ câu nhờ người Ai Lao một chuyến, hứa hẹn nhiều chỗ tốt cho họ. ”
“ Người Ai Lao? Ai biết chúng có phản phúc hay không. Khéo lại nhận lợi lộc của Mộc Thạnh rồi ấy chứ. ”
Lúc bấy giờ lại có người lên tiếng phản bác.
Đặng Tất nhíu mày, chỉ thấy ấy là một gã thư sinh mặt mũi trắng trẻo, lông mày sắc như lưỡi đao, môi mỏng như hai lá liễu.
“ Không biết Mộng Trang có sách hay kế giỏi gì, sao cứ phải bàn lui như thế? ”
Chỉ nghe gã kia nói rất nhẹ, như gió đêm luồn vào xương sống kẻ khác:
“ Muôn tâu, trong quân có vị Kim Ngô tướng quân người Lam Sơn. Y có thể ngăn địch. ”
“ Chuyện này… ”
Trần Ngỗi mở miệng muốn nói gì đó, nhưng đã bị Nguyễn Mộng Trang cắt ngang.
“ Bệ hạ, thần xin lấy đầu mình ra đảm bảo, tiểu tướng ấy sẽ ngăn được cơn nước lửa. ”
Đặng Tất quát:
“ Một cái đầu của nhà ngươi đáng bao nhiêu? Ngộ nhỡ quân Minh đánh phá được Bô Cô, tiến thẳng vào Thanh Nghệ, chiếm phăng Hoá Châu thì sao? Một cái đầu của ngươi đáng bao nhiêu chứ? ”
Thư sinh nọ bèn cười khẩy.
Nét cười của y khiến người ta bất an.
Gió đêm âm u ngoài lều đang thổi.
“ Thế ngài đánh cược với tôi chứ, ngài Đặng Tất? ”
“ Đánh cược thế nào??? ”
Đặng Tất mím môi, gằn.
Nguyễn Mộng Trang thản nhiên tiếp:
“ Rất đơn giản. Ngài gửi thư cho Ai Lao của ngài, ta nhờ tiểu tướng của ta. Nếu như quân Ai Lao cản bước thiết kị, đầu của ta sẽ để lại đây. Ngược bằng nếu tiểu tướng nọ may mắn, còn quân Ai Lao lại phản trắc thì sao? ”
“ Thì đầu của Đặng Tất này xin rơi xuống đất! ”
Đặng Tất rũ cánh tay, nói.
“ Không dám. ”
Nguyễn Mộng Trang cúi đầu, điệu cười trên môi vẫn âm lãnh như cũ.
Thoạt nhìn, điều kiện của y rất có lợi cho Đặng Tất. Vừa phải chiếm trước một bước đến Bô Cô hãn, vừa phải đảm bảo quân Ai Lao sẽ phản bội lúc khẩn yếu. Đúng là đã khó càng thêm khó.
Thế nhưng mọi người đâu có ngờ, tiểu tướng mà Nguyễn Mộng Trang nói đến không phải Lê Hổ mà chính là Đinh Lễ. Cậu có con Đại Thắng Thần Ngưu ngày đi ngàn dặm, thế nên một nửa điều kiện coi như đã thành. Đáng thương cho Đặng Tất, bản thân dẫm một chân vào quan tài mất rồi vẫn không hay biết!
Vì sao Nguyễn Mộng Trang phải đẩy Đặng Tất vào chỗ chết? Làm thế y được gì?
Chẳng ai biết.
Đôi khi kẻ hại người khác mà chẳng biết vì lí do gì mới thực sự đáng sợ. Vì khi đó không ai biết phải đề phòng y ra sao.
Kể tiếp chuyện ở Tràng An thì sau khi Nguyễn Mộng Tranh đánh cược với Đặng Tất bèn đích thân đến gặp Lê Hổ, truyền khẩu dụ của Trần Ngỗi. Y đã bàn với Đặng Tất từ trước, muốn làm thế để Đinh Lễ có thể tận tâm tận lực, đánh cược của họ mới có ý nghĩa.
Tất nhiên ai cũng có tự trọng của mình, nhất là người đội trời đạp đất ngư Đặng Tất. Y chẳng nhíu mày lấy một cái, đồng ý luôn, rồi tự mình viết một phong thư gửi cho Ai Lao, hứa hẹn nhiều mắm muối vàng lụa, vũ khí nông cụ.
Trên vùng cao, muối rất quý. Nên lúc trao đổi với người miền ngược, không thể thiếu thứ này được.
Còn Nguyễn Mộng Trang thì đến chỗ Lê Hổ, vái chào tôn cậu chàng là Kim Ngô tướng quân, rồi mới giải thích phân trần cặn kẽ vì sao nghĩa quân phải chiếm cho kì được núi Dục Thuý.
Đinh Lễ nghe xong bèn vỗ bàn:
“ Nếu chuyện chỉ có thế, xin ngài báo lại với bệ hạ cứ yên tâm để ta lo! ”
Nguyễn Mộng Trang ra chiều khúc mắc:
“ Có được không? Thằng nhóc chưa ráo máu đầu thế này thì làm gì được quân địch? Tướng quân xin hãy xuất phát cho mau. ”
Đinh Lễ bực tức trong bụng, nhưng lại thầm nghĩ:
[ Cũng tốt, cứ để cậu lớn lập công. Dù sao mình cũng chả có ý định gia nhập quân Hậu Trần. ]
Lê Hổ tạ từ, rồi nói:
“ Việc quân cấp bách, cậu hãy chở ta cùng đi đến Bô Cô hãn một chuyến. ”
Đinh Lễ nói:
“ Phải xem thế nào. Chỉ hi vọng Mộc Thạnh chủ quan khinh ngựa nước Nam ta. Nếu lão cẩn thận phái cả trăm kị binh, Lễ cũng chỉ đành cưỡi trâu chạy trước. Chức bách nhân địch này để ngài làm đi. ”
Lê Hổ nghe thấy bèn phì cười:
“ Lúc ấy chẳng cần cậu cưỡi, tôi cõng con Đại Thắng dong thẳng về Lam Sơn, cho cậu ở với giặc chơi. ”
Hai người chỉnh trang y giáp, rồi phốc lên lưng Đại Thắng thần ngưu, đi thật nhanh về phía bắc. Dọc đường, hai người thấy từng tốp nạn dân kéo nhau trốn về nam. Kẻ thì hừng hực khí thế, tay gậy tay bừa chỉ chờ hội họp cũng nghĩa quân. Người lại ôm nhau khóc ròng. Chưa đầy một năm, thế mà đã phải tha hương lần nữa. Nếu bảo trong lòng không có ý nghĩ khác, e thực là khó.
Con trâu thần đi nhanh hơn ngựa, sớm hôm sau là núi Dục Thuý đã loáng thoáng hiện ra trước mặt.
Một vùng non xanh nước biếc, rất mực tú lệ, nhưng hai người chẳng còn tâm tư nào mà thưởng ngoạn. Lê Hổ thì thầm lấy làm kinh ngạc vì tốc độ của Đại Thắng thần ngưu, còn Đinh Lễ thì giục trâu chạy nhanh lên núi.
Núi Dục Thuý nằm ở bờ nam con sông lớn mà bây giờ ta vẫn gọi là sông Đáy. Xung quanh chân núi có rừng cây bao bọc, thành thử muốn lên hay xuống núi chỉ có hai con đường mòn, một ở sườn nam, một ở sườn tây. Phía tây núi vắt ngang một dải nước biếc, quanh co uốn khúc, chính là sông Vân.
Đinh Lễ đứng trên đỉnh núi, mày cau lại, cười khổ:
“ Giờ sao?? Tôi bỏ anh, hay anh cõng con Đại Thắng về phục mệnh? ”
Lê Hổ nheo mắt.
Lác đác ở bờ bắc đã có bóng ngựa phi, cuốn tung bụi đất lên mù mịt cả một góc trời. Lê Hổ không có kinh nghiệm trận mạc, nhưng lăn lộn trên giang hồ nhiều, cũng từng thấy cảnh một đàn ngựa hoang trăm con phi từ trên núi xuống.
Thanh thế lần này của quân Minh e còn lớn hơn.
Thế là, cậu quay sang, gõ vào đầu Đinh Lễ một cái, cười mà mặt mếu méo xẹo đi như sắp khóc, than:
“ Cái thứ thổ tả, mồm miệng gì xui thấy ông bà ông vải. ”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...