Trương-Siêu-Trọng biết phe Trần-Gia-Cách phát hiện được điều gì bí mật nên giả vờ đi lấy củi, chạy qua chạy lại, liếc mắt nhìn trộm một cái. Thấy toàn là chữ Duy, Hỏa-Thủ Phán-Quan thất vọng vô cùng.
Nhiều đoạn viết bằng cổ ngữ Duy, Trần-Gia-Cách không hiểu, phải hỏi Tiêu-Thanh-Đồng.
Tiêu-Thanh-Đồng ngồi đọc cả buổi, mặt đăm chiêu suy nghĩ, tay vo tròn tờ giấy bỏ vào trong mình. Nàng ngồi vẽ ra đất một tấm họa đồ, khẽ tính nhẩm, suy tới suy lui.
Trần-Gia-Cách nói:
-Em còn yếu lắm, chẳng nên dùng trí óc nhiều mà có hại cho thần kinh. Bao giờ có thì giờ rảng chúng ta sẽ nghiên cứu sau. Bây giờ điều quan trọng là làm cách nào để thoát thân đây.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Em suy tính kế hoạch không những chỉ để tẩu thoát bầy sói hung ác kia, mà còn làm sao thoát khỏi tay bầy ⬘sói người⬙ kia nữa!
Nàng nói xong liền đảo mắt nhìn Trương-Siêu-Trọng và Tam-Ma. Suy nghĩ vài giây, Tiêu-Thanh-Đồng lại nói:
-Anh đứng lên lưng ngựa trông về hướng Tây xem có một đỉnh núi nào màu trắng không?
Trần-Gia-Cách làm theo lời Tiêu-Thanh-Đồng chỉ dẫn, thấy xa xa có một dãy núi, nhưng không thấy được ngọn núi nào màu trắng cả, liền nhìn nàng mà lắc đầu.
Tiêu-Thanh-Đồng ⬘hừ⬙ một tiếng, nói:
-Căn cứ theo bản đồ chỉ dẫn thì thành quách xưa đó cách đây chẳng bao xa, đáng lý ra phải nhìn thấy được đỉnh núi rồi chứ lẽ nào không?
Trần-Gia-Cách từ trên lưng ngựa nhảy xuốn hỏi:
-Thành quách cổ xưa nào?
Tiêu-Thanh-Đồng đáp:
-Hồi nhỏ, em được nghe người lớn kể lại rằng trong sa mạc này có một thành quách rất cổ xưa, thời đó có tiếng là một nơi phồn hoa rực rỡ của xứ Ngoại-Mông. Rồi chỉ trong một đêm, từng cồn cát kéo qua, vùi lấp hết nguyên cả chốn cổ thành đó, chôn sống toàn vẹn mấy vạn cư dân tại vùng đó.
Quay qua Hương Hương công chúa, Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Kha-Tư-Lệ! Việc này em biết rõ hơn chị, hãy thuật lại cho anh ấy nghe đi!
Hương Hương công chúa nói:
-Nơi ấy có rất nhiều huyền thoại, còn về chốn cổ thành đó thì chưa ai được tận mắt thấy qua. Người nào thấy được thì không còn mạng để trở về. Căn cứ vào truyền thuyết ấy thì bên trong cổ thành là một kho tàng khổng lồ, đầy dẫy vàng bạc, ngọc ngà châu báu. Những người bên trong cổ thành đó đều biến thành quỷ. Đám người này mê say cổ thành nên khi chết hồn vẫn không nỡ rời nơi đây. Một số người lạc đường ở bãi sa mạc vô ý lọt vào cổ thành thấy được kho tàng liền chất đầy của báu lên lạc đà, những tưởng sẽ trở thành đại phú ông, nào ngờ đi khắp chu vi thành mà vẫn không tìm được đường ra.
Trần-Gia-Cách hỏi:
-Sao vậy?
Hương Hương công chúa đáp:
-Người ta bảo rằng đám quỷ trong cổ thành ấy không cho ai mang bất cứ món gì ra khỏi cổ thành nên cố ý làm mê loạn tinh thần. Nếu như người ấy bằng lòng bỏ lại tất cả những gì đã lấy, ắt lũ quỷ sẽ không làm khó dễ nữa, sẽ mở đường cho ra.
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Lòng tham con người quá nặng! Liệu có ai bằng lòng để lại những vật báu vô chủ đã vào tay mình bao giờ!
Tiêu-Thanh-Đồng gật đầu nói:
-Quả là như vậy! Cũng theo truyền thuyết thì người nào không lấy gì, mà rút một vài lượng bạc của mình ra để lại trong thành thì dưới giếng cát sẽ có nước ngọt trào lên, tha hồ uống cho đã khát!
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Thì ra lũ quỷ ấy cũng tham lam đáo để!
Hương Hương công chúa nói:
-Trong dòng họ ta cũng có nhiều người cố công đi tìm nơi ấy, nhưng có đi mà không về! Có một lần, một đoàn thương nhân đi qua vùng sa mạc cứu được một người sắp chết khát, nghe người ấy kể rằng khi ông ta vào trong cổ thành thì không sao, nhưng đến lúc trở ra thì cảm thấy đầu óc choáng váng, cứ chạy quanh chạy lại như một bàn cờ vậy. Khi tìm được dấu chân thì cứ tìm theo đó mà đi nhưng không ngờ đó lại là dấu chân của chính mình. Cứ chạy vòng vòng như thế mà ông ta mệt quá, ngã lăn ra đất. Khi được cứu sống, ông ta cho biết nếu ai có cho ông ta hết cả kho tàng trong cổ thành thì ông ta cũng không dám hé môi nói lại điều gì thấy được trong cổ thành ấy chứ đừng nói là bước vào đó thêm một bước nữa!
Trần-Gia-Cách nói:
-Trong bãi sa mạc mà mình tự rượt theo dấu chân của mình mà chạy vòng vòng thì sự kiện ấy cũng đáng sợ thật.
Hương Hương công chúa nói:
-Lại còn một sự kiện đáng sợ hơn nữa là đang đi trong sa mạc bỗng nghe có tiếng người kêu đích danh mình. Nhưng nếu theo chỗ phát ra tiếng gọi mình thì chắc chắn sẽ lầm đường lạc lối.
Trần-Gia-Cách nói:
-Một người bỗng dưng thấy trước mắt cả một kho tàng khổng lồ thì vui mừng quá sức, dĩ nhiên là thần trí trở nên bất thường rồi! Đả vậy, đường đi trong sa mạc lại khó nhận xét nên cứ quanh quẩn trong ⬘mê hồn trận⬙ rồi sinh ra đủ thứ ảo giác. Nếu đừng nghĩ nhiều tới vàng bạc châu báu, có lẽ tâm trí sẽ sáng suốt hơn, ắt sẽ tìm được đường ra chứ chẳng sợ ma quỷ nào dẫn đi lạc đường cả.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Cái tờ giấy khi nãy chính là bản đồ chỉ rõ đường đi nước bước vào cổ thành đó.
Hương Hương công chúa cười nói:
-Chúng ta nào có màng đến kho tàng đó làm gì, vì vậy bức họa đồ đó phỏng có giá trị gì? Nhưng trái lại, thanh kiếm này quả là một bảo vật, rất có công dụng, có thể dùng để đối địch với kẻ thù được.
Dứt lời Hương Hương công chúa đưa tay lên đầu nhổ ba sợi tóc để gần lưỡi kiếm khẽ thổi nhẹ một cái. Lập tức, ba sợi tóc biến thành sáu.
Tiêu-Thanh-Đồng lại tung chiếc khăn lên, đưa lưỡi kiếm ra. Kiếm chưa chạm đến khăn mà chiếc khăn đã bị rọc làm hai mảnh.
Trương-Siêu-Trọng cùng Tam-Ma trông thấy thế không dằn được, buột miệng khen:
-Thật là bảo kiếm!
Trần-Gia-Cách thở dài nói:
-Bảo kiếm tuy tốt và lợi hại, tiếc thay lại không thể giết hết được bầy lang sói!
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Theo như trong bản đồ chỉ vẽ thì cổ thành ấy dựng trên một đỉnh núi trắng như ngọc, cao ngất trời. Theo như bản đồ chỉ thì núi ấy cách đây không xa, nhưng nhìn sao chẳng thấy, thật lạ kỳ!
Hương Hương công chúa hỏi:
-Nhưng mà ngọn núi đó có gì quan trọng hả chị?
Tiêu-Thanh-Đồng đáp:
-Chỉ tới đó mới có thể thoát hiểm. Trong cổ thành có đầy đủ dinh thự, có lâu đài, có thành lũy che chở, không phải sợ bầy lang sói này. Cổ thành ấy không ở đâu xa mà chỉ quanh quẩn trong sa mạc này.
Trần-Gia-Cách lại nhảy lên lưng ngựa nhìn lại một lần. Lần này chàng thấy một bóng chim ưng đen bay qua một đỉnh núi. Chàng cả mừng nhảy xuống nói:
-Phải rồi! Có lẽ vì chúng ta ở quá gần nên không thấy được màu trắng của đỉnh núi kia. Nhưng nhờ con chim ưng màu đen bay qua mà tôi tỉnh ngộ vì trông thấy màu đen nổi bật lên. Rất có thể ý trong họa đồ nói rằng ⬘trắng⬙ tức không phải là ⬘đen⬙.
Tiêu-Thanh-Đồng nghe nói bỗng mừng rỡ, reo lên:
-Em hiểu rồi! Như vậy có nghĩa là chúng ta phải chờ tới đêm tối mới trông rõ được. Giữa đêm tối thì đương nhiên màu trắng sẽ nổi bật lên ngay. Đó chính là ngọn Bạch-Ngọc-Phong.
Trần-Gia-Cách và Hương Hương công chúa hết sức khâm phục cách suy luận của Tiêu-Thanh-Đồng.
Trần-Gia-Cách nói:
-Từ đây đến đó phỏng chừng 100-125 dặm.
Tiêu-Thanh-Đồng đề nghị:
-Chúng ta phải hết sức cẩn thận, đừng để chúng biết kẻo chúng tìm cách ám hại chúng ta thì khốn!
Sau đó, Tiêu-Thanh-Đồng lại bàn đến kế hoạch thoát thân cho ba người, làm cách nào vừa thoát khỏi chốn này mà không bị bỏ mạng với đàn sói hung dữ kia.
Trương-Siêu-Trọng nghe ba người ngồi bàn với nhau mãi không ngừng, lại thấy Trần-Gia-Cách đứng trên lưng ngựa nhìn ra xa nên trong lòng bỗng nghi ngờ nhiều điều.
Bỗng Trương-Siêu-Trọng đánh bạo hỏi Trần-Gia-Cách:
-Thế nào! Tổng-Đà-Chủ đã tìm được giải pháp nào để thoát thân hay chưa?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Chúng tôi đang bàn về chuyện ấy đây. Vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu. Tuy nhiên, Hương Hương công chúa có cách giải quyết.
Cả Trương-Siêu-Trọng lẫn Tam-Ma đều tò mò hỏi:
-Cách gì?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Một ngưòi chịu hy sinh, làm mồi nhử đàn sói kia chạy về một hướng khác để cho 6 người thoát hiểm.
Hấp-Hợp-Đài nói:
-Dĩ nhiên chúng ta không thể để cho hai cô gái làm vật hy sinh được rồi. Như vậy không phải là nghĩa cử cao đẹp.
Trương-Siêu-Trọng nói với một giọng hết sức nham hiểm:
-Hấp huynh nói rất phải! Theo tôi thì cái nghĩa cử cao đẹp đó phải dành cho...
Liếc nhìn Trần-Gia-Cách, Trương-Siêu-Trọng nói tiếp:
-Người anh hùng khí khái như Trần tổng đà-chủ đây. Chẳng hay ý của Tổng-Đà-Chủ thế nào?
Bọn Tam-Ma vỗ tay hoan nghênh đề nghị đó. Tiêu-Thanh-Đồng hoảng hốt kêu lên:
-Đừng! Anh đừng mắc mưu khích tướng của chúng!
Trương-Siêu-Trọng đắc ý nói:
-Nếu bắt thăm thì hai chữ hy sinh đâu còn ý nghĩa nữa. Tổng-Đà-Chủ là thủ lãnh của một bang hội, tên tuổi vang lừng trong võ lâm, là người nghĩa khí nổi tiếng trên giang hồ. Hơn nữa Tổng-Đà-Chủ lại là người đưa ra kế hoạch, thử hỏi còn ai hiểu rõ kế hoạch hơn người bày ra nó? Ý Tổng-Đà-Chủ thế nào?
Trần-Gia-Cách với điệu bột hiên ngang nói ngay:
-Sống chết là chuyện thường. Người hào kiệt bao giờ cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tôi sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm.
Trương-Siêu-Trọng đắc ý nghĩ thầm:
-"Thanh niên háo thắng thì chỉ có bỏ mạnh thôi! Lại gặp ta gài mi vào thế, làm sao tránh được? Tốt! Đi sớm thì chết sớm thôi. Mà ở thì cũng chẳng còn mạng!"
Trần-Gia-Cách leo lên lưng con bạch mã. Hương Hương công chúa chạy ra theo. Trương-Siêu-Trọng chộp ngang hông nàng lớn tiếng nói:
-Ta đếm đến tiếng thứ ba mà người vẫn chưa chịu giục ngựa ra khỏi thì ta lập tức ném con nhãi này ra cho đám sói ăn thịt.
Hắn vừa đếm đến tiếng thứ ba thì không phải chỉ một, mà hai bóng ngựa vọt ra ngoài như tên bắn. Thì ra Tiêu-Thanh-Đồng thừa lúc không ai chú ý liền nắm lấy cương của con hồng mã của Hương Hương công chúa, hai tay cầm hai cây lửa mở đường xông ra trước. Trần-Gia-Cách chộp lấy hai con sói, chân đá vào hông con bạch mã một cái. Con thần mã liền quay đầu trở lại hí vang lên, phóng qua đống lửa. Trần-Gia-Cách thừa cơ ném mạnh hai con sói đói vào Trương-Siêu-Trọng. Hỏa-Thủ Phán-Quan kinh hãi vội buông Hương Hương công chúa ra, nhảy qua một bên tránh khỏi. Trần-Gia-Cách lại móc ra ba quân cờ nhắm Trương-Siêu-Trọng ném, rồi xách ngang hông Kha-Tư-Lệ kéo lên lưng con bạch mã.
Trương-Siêu-Trọng liều mạng nhảy theo định nắm đuôi con bạch mã kéo lại, nào ngờ con vật không ngoan vô cùng. Như biết trước được điều nguy hiểm, con bạch mã khéo nhún xuống một cái rồi tung hai vó sau đá Trương-Siêu-Trọng một cái ngã sóng xoải. Cũng may cho hắn nhờ có nội công cao siêu nên chỉ bị đau một chút thôi chứ không đến nỗi bị thương.
Tiêu-Thanh-Đồng tay cầm hai cây lửa xông xáo mở đường cho con bạch mã chở Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ đàng sau. Những con sói nào đến gần hông ngựa đều bị Trần-Gia-Cách đâm trúng yết hầu hoặc chặt đứt hai chân trước. Tình thế cực kỳ nguy hiểm, nhưng cuối cùng cả hai con tuấn mã đều thoát được vòng vây, nhắm phía trước phi như bay.
Bầy sói vẫn rượt theo, không chịu bỏ. Tuy nhiên hai con thần mã chạy nhanh quá nên chỉ phút chốc đã bỏ xa đàn sói một đoạn khá xa. Chạy đến nửa đêm, đỉnh núi màu trắng đã hiện ra rõ ràng trước mắt ba người.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Từ đây đến đó còn chừng 60 dặm nữa. Chúng ta hãy nghỉ ngơi một lát đã.
Hương Hương công chúa lấy nước ra cho mọi người giải khát. Sau khi nghỉ ngơi, lấy lại sức xong xuôi, tất cả lại tiếp tục lên đường. Không bao lâu, ba người đã đến nơi, dưới chân núi. Nhìn thấy đường quanh co khúc khuỷu, Tiêu-Thanh-Đồng liền đề nghị tìm một nơi an toàn cột ngựa lại, rồi lấy họa đồ ra xem. Quả nhiên, cứ theo lời chỉ dẫn, ba người đã tìm ra đường đi lên núi một cách dễ dàng. Tuy vậy, mãi đến lúc trời hừng sáng, ba người mới lên được gần đỉnh núi.
Gần đó là một dãy nhà có phòng ốc đàng hoàng. Những nét nguy nga tráng lệ vẫn còn, nhưng đượm đầy vẻ hoang vu tĩnh mịch.
Ba người liền vào bên trong thám hiểm. Đến một căn phòng, Hương Hương công chúa trông thấy một chiếc hài của phục nữ. Nàng vừa cầm lên xem thử thì chiếc hài đã vữa nát ra thành cát bụi.
Đi xem một vòng, ba người lại trở ra, đi trên các con đường lớn. Trên mặt đường rải rác vô số binh khí và xương cốt.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Chỉ cần nhìn cũng đủ biết rằng nơi đây từng là một bãi chiến trường khốc liệt. Số người chết nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Hương Hương công chúa nói:
-Đường lên cổ thành hiểm trở như thế, dẫu tài trí đến cỡ nào cũng làm cách nào mà tấn công lên đây được? Thật là kỳ lạ!
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Chắc phải có nội ứng.
Lại tiếp tục giở họa đồ ra nghiên cứu, Tiêu-Thanh-Đồng lại tìm được một đường bí mật dẫn vào một hang động lên trên đỉnh núi. Đi đến tận cùng hang động, Trần-Gia-Cách chợt trông thấy ánh hào quang lấp lánh chẳng khác gì một khối vàng. Chàng chạy tới xem thử thì đó là một bộ kim khôi, kim giáp (#1), bên trong là một bộ xương.
Tiêu-Thanh-Đồng cầm đuốc soi, thấy trên vách đá có treo một cây kim phủ (#2) cán dài áng ngay giữa hai cánh cửa động đóng kín.
Trần-Gia-Cách gỡ cây kim phủ xuống, rút thanh đoản kiếm ra chặt đứt hết những sợi dây xích và ống khóa trên cửa. Chàng cười nói:
-Cây kim phủ này thật là nặng! Người này ắt phải khỏe mạnh lắm mới sử dụng được nó.
Xô mạnh cánh cửa đá ra, Trần-Gia-Cách phát hiện được bên trong có một cái hầm sâu, chồng chất những bộ xương trắng hếu. Tiêu-Thanh-Đồng lại cầm đuốc tiếp tục soi. Đàng sau hầm vài trượng là một cánh cửa bằng ngọc thạch.
Trần-Gia-Cách rút đoản kiếm ra chém thử vào cánh cửa, nhưng lạ thay, cánh cửa vẫn không bị trầy trụa hay sứt mẻ một chút nào cả.
Tiêu-Thanh-Đồng lại giở họa đồ ra xem tiếp. Nàng mừng rỡ reo lên:
-Chúng ta cứ tiếp tục đi hết con đường hầm này sẽ đến cung điện của cổ thành.
Ba người cứ theo đường hầm đi tiếp, quả nhiên chẳng bao lâu sau đã gặp ngay một cung điện đồ sộ. Bên ngoài là vô số hài cốt cùng với binh khí nằm la liệt trên mặt đất, chứng tỏ năm xưa nơi này cũng xảy ra một trận ác chiến.
Ba người bước vào cung điện. Đột nhiên thanh đoản kiếm trên tay Trần-Gia-Cách tuột khỏi tay chàng rớt xuống đất. Trường kiếm của Tiêu-Thanh-Đồng cũng chịu chung số phận, đồng thời bao nhiêu mũi thiết-liên tử trong người nàng đều rớt tứ tung trên mặt đất.
Ai nấy đều kinh ngạc không hiểu rõ vì lý do gì. Trần-Gia-Cách cúi xuống nhặt thanh đoản kiếm, nhưng hình như nó bị dính chặt cứng. Chàng chợt tỉnh ngộ, vận nội công rút mạnh một cái mới lấy lên được.
Trần-Gia-Cách nói:
-Dưới nền đá này là một núi nam châm!
Sau đó, chàng cùng với Tiêu-Thanh-Đồng cùng nhau nhặt tất cả binh khí lên, dùng vải bọc lại cẩn thận.
Trần-Gia-Cách kể:
-Ngày xưa vua Huỳnh-Đế tạo lập ra đội quan ⬘chỉ nam⬙ kéo đi đánh giặc Xuy-Vưu giữa chốn sa mù. Nhà vua còn biết dùng đá nam châm dùng để hút các binh khí của địch quân nữa. Theo thời gian, người ta áp dụng vào việc chết tạo địa bàn và nhiều thứ hữu dụng khác nữa.
Bỗng nhiên Hương Hương công chúa reo lên:
-Lại xem cái này hay lắm!
Hai người nghe Hương Hương công chúa gọi liền chạy lại xem thử, thấy một bộ xương trắng đứng, bên ngoài còn mang lớp võ phục của một đại tướng, trên tay còn cầm một thanh trường kiếm màu trắng, tuyệt đẹp.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Đây là một thanh kiếm ngọc.
Trần-Gia-Cách vừa lấy thanh kiếm ngọc xuống, toàn thân bộ xương ngã xuống, tan thành cát bụi. Chàng nhìn lưỡi kiếm quan sát, thấy nó sắc bén vô cùng, có thể nói còn hơn cả binh khí đúc bằng sắt thép.
Mọi người tiếp tục thám hiểm, khám phá ra vô số binh khí trong cung điện. Tất cả đều làm bằng ngọc cả, lại có nhiều món binh khí lạ lùng, không giống như 18 món binh khí của các người trên võ lâm sử dụng.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Chủ nhân cung điện này, không biết là vua chúa nào thời trước, thật là mưu trí vô cùng. Ông ta bố trí như thế này thật là ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Kẻ thù nếu vào đây tất sẽ bị trừ tính của nam châm hút hết binh khí xuống, trên tay không còn một tấc sắt. Sau đó người bên trong cung điện sẽ dùng binh khí bằng ngọc thanh toán tất cả, không còn một ai sống sót nổi!
Hương Hương công chúa chỉ vào một bộ giáp sắt bên trong có bộ xương, nói:
-Có lý! Kìa, rõ ràng đây là một dũng sĩ, mang giáp sắt và thiết chùy, nhưng khi vào đến đây thì cả người lẫn binh khí đều bị hút chặt xuống đất mà chờ chết thôi chứ không làm gì được.
Tiêu-Thanh-Đồng nhìn quanh một hồi, bỗn lấy làm lạ nói:
-Nhưng kể cũng lạ! Tại sao có nhiều người sử dụng binh khí bằng ngọc mà cũng không tránh khỏi cái chết là sao?
Đi sâu vào bên trong thêm một tí, một cảnh tượng hết sức lạ lùng đập vào mắt mọi người. Trong một căn phòng, vô số các bộ xương đứng như người sống, tay chân như đang múa quyền đá cước, không có vũ khí ở chung quanh.
Trần-Gia-Cách nói:
-Có lẽ đây là những cao thủ võ lâm nên mới không cần dùng tới binh khí, mà chỉ giải quyết bằng võ nghệ để tranh hơn thua với nhau thôi.
Xem xét một hồi, chàng lại cu mày lẩm bẩm:
-"Không có lý nào! Chẳng lẽ tất cả đám người này đều đồng tài đồng sức, chết vì độc thủ của nhau hay sao?"
Ba người lại xuyên qua một thạch thất, thấy bên trong đầy đủ giường ngọc, bàn ngọc, ghế ngọc..., sạch sẽ vô cùng. Trên một trong nhiều chiếc giường ở đó là một bộ hài cốt.
Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta hãy tạm nghỉ chân nơi này.
Lấy lương khô và nước ngọt ra chia cho mọi người, Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Chẳng hiểu bầy sói chờ chúng ta đến bao lâu? Giả sử như chúng cứ tiếp tục vây lỳ ở đó để cho chúng ta cạn lương thực trên này thì cũng mệt lắm chứ chẳng phải chơi.
Ăn uống xong, sẵn có mấy chiếc giường ngọc, ba người đạt lưng ra đánh một giấc ngon lành. Suốt mấy ngày mệt nhọc vất vả, đến bây giờ thật sự ba người mới được ngủ yên giấc như thế này...
Sáng sớm hôm sau, Trần-Gia-Cách thức dậy trước. Tiêu-Thanh-Đồng và Kha-Tư-Lệ vẫn còn say sưa trong giấc nồng.
Trần-Gia-Cách trong đầu luẩn quẩn nhiều chuyện. Chàng thắc mắc rằng sau khi mình thoát khỏi được nơi này, liệu anh ruột chàng, vua Càn-Long có chịu giữ lời hứa mà thanh lọc người Mãn từ từ ra khỏi triều đình hay không? Và trường hợp như vua Càn-Long bội ước thì mình sẽ phải xử trí như thế nào?
Hết nghĩ đến việc nước, chàng lại nghĩ đến chuyện tình. Nhìn Tiêu-Thanh-Đồng và Kha-Tư-Lệ ngủ ngon như hai tượng thần, Trần-Gia-Cách bỗn chợt thấy cảm khái vô cùng.
Cả hai người đều có thể nói được là sống chết với Trần-Gia-Cách trong cơn hoạn nạn. Cả hai đều xinh đẹp, đều khả ái. Và chàng biết chắc chắn cả hai đều yêu chàng. Và hình như chính Trần-Gia-Cách cũng yêu cả hai nàng.
Tiêu-Thanh-Đồng giỏi dang, có thể cáng đáng, gánh vác được chuyện lớn. Nàng thật là một trang nữ lưu hào kiệt. Tính nết nàng trầm lặng, ít nói nên đôi khi trở thành khó hiểu. Kha-Tư-Lệ thì bộc lộ hẳn tâm tình, không giấu diếm gì cả. Nàng là mẫu người có thể sống vì yêu mà cũng có thể chết vì yêu. Nàng không lo được chuyện lớn như Tiêu-Thanh-Đồng, nhưng đối với việc nội trợ trong gia đình thì thật là mẫu người lý tưởng.
Tóm lại, một người Trần-Gia-Cách vừa yêu vừa kính, còn một người vừa yêu vừa mến. Thật bên nào nặng bên nào nhẹ thật khó bề mà cân nhắc được.
Chú thích:
(1-) Áo giáp bằng vàng.
(2-) Búa bằng vàng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...