Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Văn-Thái-Lai về lại khách điếm, thấy Lạc-Băng đã thay y phục dạ hành, giắt binh khí trong người đầy đủ. Vừa nhìn thấy bóng chàng, nàng vui mừng reo lên:
-Sao mình lại lén bỏ đi một mình mà chẳng nói với ai tiếng nào vậy?
Văn-Thái-Lai cười đáp:
-Tại thấy mình ngủ ngon nên anh không nỡ đánh thức!
Lạc-Băng hỏi:
-Anh có dò được tin tức gì không?
Văn-Thái-Lai đáp:
-Anh gặp thập-tứ đệ làm hòa thượng.
Lạc-Băng nghe nói chợt lòng nghe chua xót. Hai hàng nước mắt chợt chảy xuống cặp má ửng hồng.
Văn-Thái-Lai nói:
-Chúng mình hãy đến nói chuyện với Tổng-Đà-Chủ trước đã!
Sau đó hai người đến ra mắt Tổng-Đà-Chủ kể lại mọi chuyện. Trần-Gia-Cách liền gọi quần hùng đến hội họp. Mọi người liền quyết định lên Bảo-Tương-Tự một phen xem thử. Nhưng đến nơi, cửa chùa vắng tanh, trước sau không một bóng người.
Lạc-Băng lanh mắt nhìn thấy một tờ giấy ghim trước mặt bàn gần tượng Phật. Nàng liền cầm lấy đưa cho Trần-Gia-Cách để mọi người cùng đọc.
Thưa Tổng-Đà-Chủ cùng toàn thể các anh chị Hồng Hoa Hội,
Tiểu đệ trong mình mang nhiều tội nghiệt, nay quyết định xuất gia đầu Phật, cắt đứt duyên trần, ăn năn xám hối. Mong tất cả cùng nhau ra sức gánh vác đại sự tạo nên sự nghiệp hiển hách để lại cho muôn đời sau. Xin đừng ai lo nghĩ đến tiểu đệ làm gì nữa. Hiện tại, tiểu đệ ra ngoài khuyến hóa (#1) để đúc lại kim thân Phật tượng, có thể phải vài tháng nữa mới về chùa lại được.
Đồng thời đệ cũng xin thông báo là ⬘Quan-Đông Tam Ma⬙ đã sang xứ Hồi tìm Thúy-Vũ Hoàng-Sam Tiêu-Thanh-Đồng để trả thù.
Tiểu đệ Dư-Ngư-Đồng đôn thủ tái bái.
Mọi người đọc thư xong đều động lòng thương xót. Lạc-Băng nghẹn ngào không nói lên được lời nào cả. Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Tất cả cứ yên tâm. Tôi chắc y không làm hòa-thượng được lâu đâu! Điều quan trọng trước mắt là làm sao lo cho Thúy-Vũ Hoàng-Sam.
Văn-Thái-Lai nói:
-Võ công của ⬘Tam Ma⬙ rất cao cường, liệu Thúy-Vũ Hoàng-Sam có địch nổi hay không?
Từ-Thiện-Hoằng đáp:
-Theo tôi thấy thì võ nghệ của Tiêu-Thanh-Đồng có thể đấu được với chúng. Nhưng ngặt nỗi nàng còn thiếu kinh nghiệm giang hồ quá nhiều, e khó mà thoát được mánh những mánh lới quỷ quyệt của ⬘Tam Ma⬙. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ lần nàng đấu với Diêm-Thế-Chương. Mặc dù nàng thắng rõ rệt nhưng nếu không có Tổng-Đà-Chủ ra tay tương trợ thì có lẽ phải nguy đến tính mạng rồi!
Văn-Thái-Lai nói:
-Nếu thế thì không xong!
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Hay là chúng ta lên đường ngay đi. Nếu gặp chúng dọc đường thì chúng ta ra tay trừ khử trước, còn không thì cũng đến báo tin cho Tiêu-Thanh-Đồng biết trước mà đề phòng.
Ai nấy nghe nói đều tán thành. Trần-Gia-Cách nói với Thượng-Quan Nghị-Sơn:
-Tôi muốn nhờ đại ca làm giùm một chuyện nhé. Xin đại ca xuạt trước hộ 3000 lượng bạc đóng góp vào công cuộc sửa sang lại kim thân Phật tượng tại Bảo-Tương-Tự. Hoàn thành công tác tại xứ Hồi xong, tôi sẽ bồi hoàn lại đủ số.
Thượng-Quan Nghị-Sơn nói:
-Xin Tổng-Đà-Chủ cứ yên lòng. Việc ấy tiểu đệ sẵn sàng lo liệu đâu vào đó, thật chu đáo.
Mọi người sau đó bàn rằng Trần-Gia-Cách nên dùng con thần mã của Lạc-Băng mà lên đường trước cho kịp. Chàng vừa có võ nghệ cao siêu có thể trừ được bọn ⬘Tam Ma⬙, vừa trợ lực được cho Tiêu-Thanh-Đồng, lại vừa có thể giúp được kế sách cho Mộc-Trác-Luân đối địch với Triệu-Huệ được. Hơn nữa, Trần-Gia-Cách lại thông thạo tiếng Duy, rất thuận tiện trong việc giao tế.
Trần-Gia-Cách cho là phải. Cơm nước xong liền leo lên con bạch-mã nhắm xứ Hồi đi thẳng, phi như bay.
Từ ngày gặp Tiêu-Thanh-Đồng, hình ảnh của nàng như đã in sâu vào trong tâm trí của Trần-Gia-Cách. Vì vậy, lần này được tin ⬘Tam Ma⬙ tìm nàng thanh toán, lòng chàng nóng như lửa đốt, chỉ mong sao tới ngay được bên nàng lập tức để bảo vệ.
Rồi chàng lại nghĩ đến hành động thân mật của Tiêu-Thanh-Đồng với ⬘chàng thiếu niên họ Lý⬙ thì trong lòng lại nghi hoặc, không biết nàng thật sự đối với mình ra sao. Nhưng khi nghĩ đến hành động ⬘tặng kiếm⬙ kia, Trần-Gia-Cách lại phân vân, khó mà cho rằng giả dối được.
Có thể đó là tâm lý chung của con người. Khi để ý quá nhiều về một cá-nhân nào đó, trong lòng luôn luôn có những ý nghĩ mông lung vẩn vơ, lại thêm đủ các điều nghi ngại mà không hiểu vì đâu.
Đúng Ngọ, con bạch-mã đã vượt qua được một khoảng đường trên 500 dặm. Trần-Gia-Cách tin tưởng rằng mình đã bỏ xa bọn ⬘Tam Ma⬙, và cứ theo tình thế này sẽ tới xứ Hồi trước chúng nhiều. Nghĩ vậy, Trần-Gia-Cách liền tìm một khách điếm vào dùng cơm, nghỉ ngơi.

Qua một đêm, chàng lại khởi hành đi tiếp. Không đầy một ngày, chàng đã tới Túc-Châu, theo sườn núi vượt lên ải Gia-Cốc. Chung quanh, núi non lởm chởm, dãy Vạn-Lý Trường-Thành hùng vĩ nằm chảy dài giữa một vùng hoang vu vô tận.
Trần-Gia-Cách cảm khái vô cùng. Theo tập quán, chàng nhặt một viên đá nhỏ quăng vào bờ Trường-Thành. Cuộc hành trình còn xa. Vì vậy, Trần-Gia-Cách cứ theo phương pháp ⬘ngày đi đêm nghỉ⬙. Chàng đã qua khỏi Ngọc-Môn, bỏ tỉnh An-Tây lại đàng sau lưng. Chẳng bao lâu, cảnh sa mạc bắt đầu từ từ hiện ra. Màu cát vàng biến thành vàng sậm, và từ từ biến thành màu nâu.
Đến biên giới xứ Hồi, xem theo màu sắc của sa mạc, chàng biết đã đến gần sát vách thành rêu bám xanh rì. Con bạch mã tiếp tục phi như tên, cát bụi tung mịt mù. Bóng chiều ngã xế, hơi lạnh từ từ dâng lên lạnh buốt.
Trần-Gia-Cách theo đường hiệp đạo vạch ra, là nẻo giao thông giữa hai tỉnh Cam-Túc và xứ Hồi. Vách đá đứng thẳng băng như một nét bút sổ dài.
Bấy giờ là cuối Đông, tuyết xuống trắng xóa. Vách đá hai bên lại một màu đen tuyền trông nổi bật hẳn lên như một kỳ quan.
Trần-Gia-Cách nghĩ thầm:
-Nơi hiệp đạo hiểm trở thế này, thật là một chỗ dùng binh rất tốt.
Đi thêm mấy giờ nữa, Trần-Gia-Cách đến Quan-Bích (#2). Đến thành Hấp Mật, chàng biết quân tình nơi đây khẩn cấp, trong tình trạng ⬘báo động⬙ nên không tiện ghé vào nơi thành thị, mà chỉ tìm một lữ quán ở nơi ngoại ô hẻo lánh mà tạm trú qua đêm.
Sáng hôm sau, Trần-Gia-Cách định bụng nếu gặp một người Duy nào sẽ nhờ đưa đến tìm gặp Tiêu-Thanh-Đồng. Nhưng chàng lại nghĩ mình là người Hán, rất có thể người Duy sẽ nghi ngờ là gián điệp mà không chỉ chỗ. Suy nghĩ một hồi, Trần-Gia-Cách quyết định cải trang thành một chàng trai người Duy khôi ngô tuấn tú.
Suốt ba ngày trời dong ruổi, Trần-Gia-Cách chỉ trông thấy một vùng sa mạc mênh mông mà không thấy một bóng dáng người nào cả. Khí hậu sa mạc khi nóng khi lạnh bất thường, vô cùng khó chịu, mà nước mang theo cũng đã gần cạn. Đi qua một vùng cỏ mọc nhiều, ít cát, Trần-Gia-Cách bỗng nghe có tiếng nước chảy róc rách, rồi một khe nước trong veo hiện ra trước mắt chàng.
Trần-Gia-Cách mừng rỡ dừng lại cho cả người ngựa uống nước đầy đủ, còn đổ đầy mấy bình mang theo. Thấy người nhiều đất cát bụi bậm, Trần-Gia-Cách bèn xuống lạch tắm một cái cho mát mẻ sạch sẽ, đồng thời giặt sơ qua quần áo. Đợi cho quần áo khô ráo, chàng lại tiếp tục lên đường.
Đi được một khúc, Trần-Gia-Cách thấy trước mặt một vùng trắng tinh như giải lụa bạch. Tiếng nước chảy rào rạt như không ngừng. Mặt nước lấp lánh tựa như một giải ngân hà trên trời.
Trần-Gia-Cách giục ngựa chạy về hướng Tây. Trước mặt chàng là một cái hồ, chung quanh là cây cỏ hoa lá xanh tươi, dâng lên một hương thơm ngào ngạt. Xa xa là một dãy bình nguyên, từng thảm cỏ xanh trông như gấm thêu. Từng bầy ngựa đang cắm cúi gặm cỏ, thỉnh thoảng chạy nô đùa trên vùng đất mênh mông. Phía Tây bình nguyên là một ngọn núi rất cao, đỉnh như chạm mây ngàn. Chung quanh núi có tuyết trắng phau phau, dưới chân núi là cây cỏ mọc lú nhú.
Trước phong cảnh hữu tình, Trần-Gia-Cách không khỏi ngẩn người ra mà thưởng thức. Chàng lại đưa mắt nhìn ra hồ nước long lanh. Một bàn tay từ dưới nước nhô lên, rồi một cái đầu của nữ nhân trồi lên ngay sau đó. Vừa trông thấy Trần-Gia-Cách, nữ nhân khẽ kêu lên một tiếng rồi thụp xuống.
Trần-Gia-Cách nhận ngay ra là một thiếu nữ có nhan sắc diễm lệ, đẹp tuyệt trần. Thoáng một cái, chàng lại thấy nàng ta núp ở đàng sau một lùm cây để lộ làn da trắng như tuyết.
Đang ngây người ra, chưa biết phải xử trí ra sao, Trần-Gia-Cách nghe tiếng thiếu nữ nói vọng lại bằng tiếng Duy:
-Ngươi mau đi ra xa. Ta đang thay y phục.
Trần-Gia-Cách khẽ mỉm cười, xoay mặt lại, bước đi vài bước. Đến lúc chàng quay mặt trở lại thì bắt gặp một nàng thiếu nữ với vẻ mặt thanh khiết, đang ngồi dưới gốc cây, mặc đồ trắng, tóc phủ ngang vai. Trên đầu, trên y phục là những cánh hoa tươi xinh đẹp...
Trần-Gia-Cách khen thầm:
-"Không biết tại sao trên thế gian lại có được một người đẹp như thế này?"
Thiếu-nữ bỗng nhoẻn miệng cười, ra dấu bảo Trần-Gia-Cách đến gần. Trần-Gia-Cách bước tới từ từ, dùng tiếng Duy nói:
-Tôi từ nơi xa lạc đến. Nhân thấy phong cảnh hữu tình nên dừng lại ngắm, không ngờ cô nương đang tắm nên trót đắc tội. Xin cô nương tha thứ, bỏ qua cho.
Thiếu-nữ lại mỉm cười, hát mấy câu rồi buông tiếng hỏi:
-Ngươi tìm ai?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Tôi muốn tìm Mộc-Trác-Luân lão anh hùng.
Thiếu-nữ ngạc nhiên hỏi:
-Ngươi biết ông ấy à? Mà tìm ông ấy có việc gì vậy?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Phả, tôi biết ông ấy. Tôi cần gặp vì có chuyện rất cần.
Thiếu nữ lại hỏi:
-Ngươi nói thật chứ?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Thật! Tôi còn biết hai người con của ông ta nữa. Người con trai là Tiêu-A-Y, còn người con gái là Tiêu-Thanh-Đồng.
Thiếu-nữ hỏi tiếp:
-Ngươi gặp họ ở đâu mà quen?
Trần-Gia-Cách đáp:

-Ở Cam-Túc. Lúc họ đoạt lại bộ Khả-Lan-Kinh của đám người đánh cắp.
Thiếu-nữ gật đầu nói:
-Tốt lắm! Ngươi ngồi tạm ở đây. Chắc là ngươi đói. Để ta đi tìm ít thức ăn cho ngươi đỡ dạ.
Thiếu-nữ sau đó mang đến cho chàng một ít thức ăn và một bình rượu. Chờ cho chàng ăn uống xong, nàng mới lên tiếng hỏi:
-Ngươi tìm Mộc-Trác-Luân lão gia có chuyện gì, nói thử cho ta nghe?
Trần-Gia-Cách không trả lời câu hỏi của thiếu nữ mà hỏi nàng:
-Cô có họ hàng gì với Mộc-Trác-Luân anh hùng phải không?
Thiếu-nữ gật đầu. Trần-Gia-Cách nói:
-Khi đoạt lại bộ Khả-Lan-Kinh, Tiêu-Thanh-Đồng có ra tay giết chết mấy tên tiêu sư nên đồng đảng của chúng tìm đến xứ Hồi để trả thù. Tôi nghe được tin này nên đến để báo cho Mộc-Trác-Luân anh hùng va Tiêu-Thanh-Đồng biết trước mà đề phòng.
Gương mặt thiếu-nữ đang tươi cười bỗng hiện ra nét lo âu. Nàng hỏi:
-Bọn người tìm đến báo thù có đông không?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Không đông, nhưng võ nghệ của chúng rất cao cường. Tuy nhiên nếu biết trước mà đề phòng thì cũng chẳng có gì đáng sợ.
Thiếu-nữ nghe chàng nói vậy cũng có vẻ an tâm, cười nói:
-Được rồi! Để ta dẫn ngươi đến. Chỉ nội vài ngày là ngươi sẽ gặp được Mộc-Trác-Luân lão gia.
Tay khẽ vấn lại đầu tóc, thiếu nữ nói:
-Bọn Mãn-Thanh vô cớ đem quân đến đánh xứ Hồi, tất cả đàn ông con trai đều ra trận. Ta và mấy người chị ở nhà lo việc cơm nước. Hôm nay trời nóng nực, ta ra hồ tắm giặt, ai ngờ có đàn ông rình trộm!
Dứt lời, thiếu nữ lấy tù và ra thổi vài tiếng. Có khoảng 5-6 nữ nhân người Duy khác phi ngựa chạy tới. Nàng đón họ lại nói mấy câu, cả bọn nhìn Trần-Gia-Cách tươi cười ra chiều thân mật.
Một cô gái Duy vào trong lều đem ra ít lương khô và vật dụng, đồng thời dắt theo một con ngựa cao lớn, lông đỏ chói. Thiếu-nữ nhìn Trần-Gia-Cách nói:
-Thôi, chúng ta lên đường.
Trần-Gia-Cách gọi con bạch mã lại, phóng lên yên rồi sánh đôi đi song song với thiếu nữ. Hai người vừa đi vừa chuyện trò, càng nói chuyện càng ý hợp tâm đầu.
Đi qua một triền núi, thiếu-nữ đưa tay chỉ vào vách núi nói:
-Thật không mấy khi trông thấy được loại ⬘Tuyết-Trung-Liên⬙ kia! Ngươi có ngửi thấy được mùi hương phảng phất êm dịu của nói không?
Trần-Gia-Cách quả nhiên có ngửi thấy mùi hương êm dịu kia phảng phất. Nhìn theo tay thiếu nữ chỉ, chàng thấy giữa vách núi đá có hai đóa hoa lớn bằng cái chén màu xanh biếc, chung quanh là tuyết trắng bao phủ.
Thiếu-nữ nhìn ngắm mãi hai đóa hoa như say mê. Trần-Gia-Cách biết nàng thích loài hoa ấy vô cùng nên hỏi:
-Cô có muốn hái không?
Thiếu nữ thở dài nói:
-Thôi, mình đi! Chưa có ai đến gần nổi chỗ nó mọc thì còn mong gì mà hái được!
Trần-Gia-Cách mỉm cười tung mình lên một cái nhảy lên, tay nhẹ nhàng ngắt hai đóa Tuyết-Trung-Liên rồi bay xuống đáp nhẹ nhàng trên lưng ngựa.
Trần-Gia-Cách trịnh trọng cầm hai đóa hoa trao cho thiếu-nữ. Vẻ kinh ngạc còn hiện ra trên nét mặt thiếu nữ, có lẽ vì nàng không ngờ chàng hái được một cách dễ dàng như vậy. Đôi tay thiếu nữ run run, đưa ra cầm lấy hai đóa hoa. Một vài giọt lệ bỗng dưng trào xuống đôi má hồng xinh xắn.
Trời cũng đã sắp tối. Hai người kiếm một chỗ ngồi nghỉ ngơi. Thiếu-nữ nhóm lửa nướng thịt mời Trần-Gia-Cách ăn. Nàng mỉm cười hỏi:
-Ngươi không sợ chết sao?
Trần-Gia-Cách cười đáp:
-Sợ chứ! Nhưng không hái được hai đóa hoa kia cho cô thì còn sợ nhiều hơn nữa.
Nàng lấy một đóa Tuyết-Trung-Liên đưa cho Trần-Gia-Cách nói:

-Cái này phần ngươi!
Trần-Gia-Cách định từ chối nhưng lạ lùng thay, giọng nói êm ái kia như có một sức mạnh vô hình kéo bàn tay chàng ra nhận lấy.
Thiếu-nữ lại nói:
-Ngươi thật là dũng cảm. Võ nghệ thật là giỏi.
Lấy tay chỉ chung quanh, thiếu-nữ nói tiếp:
-Kìa người xem! Hoa trổ đầy đồng! Đâu đâu cũng là hoa cả! Tôi thà ăn hoa còn hơn ăn thịt.
Trần-Gia-Cách nghe nói ngạc nhiên hỏi:
-Hoa mà cũng ăn được sao?
Thiếu-nữ đáp:
-Chứ sao! Từ nhỏ tới lớn, tôi ăn hoa nhiều đến nỗi cha tôi và các anh chị phải ngăn cấm. Nhưng sau thấy tôi vẫn khỏe mạnh không việc gì nên không ai cấm nữa.
Trần-Gia-Cách ngồi gần bên nàng, bỗng thấy hương thơm ngào ngạt tỏa ra, mà rõ ràng là không phải mùi Tuyết-Trung-Liên. Trong khoảnh khắc, Trần-Gia-Cách biết ngay là mùi hương từ trong người của nàng tỏa ra. Mùi hương làm cho chàng ngây ngất cả tâm hồn, thưởng thức mãi mà không biết chán. Nhưng rồi chàng chợt nghĩ ra hàng động của mình như thế là bất nhã liền ngồi ra xa một chút.
Nào ngờ thiếu nữ thấy vậy thì có vẻ không được vui nói:
-Tôi ăn hoa nhiều nên thân thể toàn là mùi hoa, khiến cho người ngửi thấy là khó chịu phải không?
Trần-Gia-Cách nghe nói vội vàng xua tay lia lịa nói:
-Không phải thế! Không phải thế! Xin cô nương chớ có hiểu lầm mà khổ cho tôi lắm!
Thấy tâm địa thiếu-nữ tựa như một tờ giấy trắng, Trần-Gia-Cách lại càng mến nàng. Chàng liền đem những chuyện vui thời thơ ấu kể cho thiếu nữ nghe. Nàng lắng tai nghe từng chuyện chàng kể ra vẻ thích thú vô cùng.
Thiếu-nữ sau đó đem tình hình chiến sự ra kể cho chàng nghe. Được biết đại quân Triệu-Huệ đang thắng thế, Trần-Gia-Cách cảm thấy buồn, lo lắng vô cùng.
Thiếu-nữ nói:
-Quân Mãn đông quá! Chúng tôi chỉ còn biết cách rút về phía Tây mà cố thủ, hy vọng chúng không tiếp tế kịp lương thực mà chết bỏ xác ngoài Quan-Bích thôi!
Nghỉ ngơi qua đêm, mai sáng hai người lại tiếp tục lên đường. Nghe tiếng sột soạt, hai người thấy một con nai tơ từ đâu chạy ra, phía sau là 5-6 tên Thanh-binh đuổi theo, giương cung định bắn.
Thiếu-nữ thấy thế vội la lên:
-Đừng bắn! Đừng bắn!
Đám Thanh-binh ngước mắt nhìn. Trông thấy thiếu nữ, cả đám không hiểu sao đều dừng lại thôi khôn bắn nữa. Con nai tơ chạy đến đàng sau con ngựa hồng của thiếu nữ trốn. Trần-Gia-Cách xuống ngựa, ôm con nai tơ khẽ vuốt ve.
Bọn Thanh-binh cầm vũ khí xông lại định làm dữ, thiếu nữ lại quát lên:
-Mau buông hết vũ khí xuống.
Đám Thanh-binh chưa kịp lên tiếng đã lần lượt từng tên ngã nhào lăn ra đất. Thì ra Trần-Gia-Cách đã ngầm dùng chỉ lực theo phương pháp ⬘Cách không điểm huyệt⬙ mà hạ chúng.
Chàng nhảy tới bắt một tên kéo dậy hỏi:
-Chúng bây đi đâu?
Tên quân sợ quá, khai rằng:
-Chúng tôi 6 người vâng lệnh cấp trên đến Tinh-Tinh đón tiếp một người.
Trần-Gia-Cách lớn tiếng tra khảo:
-Người ấy là ai? Tên họ là gì?
Tên quân đáp:
-Ông ta là Thống-Lãnh Ngự-Lâm-Quân. Còn tên họ là gì thì chúng tôi không được biết.
Trần-Gia-Cách trợn mắt nạt nộ:
-Đưa công văn cho ta xem!
Thấy tên quân có vẻ do dự, Trần-Gia-Cách tự động thò tay vào trong áo hắn móc công văn ra xem. Đột nhiên chàng giật mình đánh thót một cái khi thấy trên công văn đề:
"Trình quan Thống-Lãnh Trương-Siêu-Trọng"
Trần-Gia-Cách cau mày, lẩm bẩm:
-"Quái lạ! Hôm nọ trên Bắc-Cao-Phong rõ ràng Trương-Siêu-Trọng đã bị sư huynh của y là Mã-Chân dẫn về núi Võ-Đang quản thúc rồi! Làm sao mà hắn lại đến được xứ Hồi này chứ?"
Trần-Gia-Cách mở công văn ra xem, thấy đại ý nói rằng Trương-Siêu-Trọng lãnh chiếu chỉ của Càn-Long sang xứ Hồi ra lệnh cho Triệu-Huệ phải lui binh. Chỉ vì bận công vụ nên Triệu-Huệ không đích thân đón tiếp được mà đành phải sai 6 tên lính tâm phúc đến đèo Tinh-Tinh để đón tiếp.
Trần-Gia-Cách xem xong nghĩ thầm:

-"Đây là một việc tốt, ta không nên cản trở!"
Đoạn chàng trả lại công văn, giải huyệt cho cả 6 tên quân rồi cùng với thiếu-nữ tiếp tục cuộc hành trình. Đi thêm vài ngày nữa, bỗng hai người thấy phía đàng trước có một đám quân đang tiến tới.
Thiếu-nữ chợt vui mừng reo lên:
-Đó là quân nhà!
Quả y như lời thiếu nữ, một đội quân lính người Duy từ từ tiến lại gần. Trông thấy mặt thiếu-nữ, người đội trưởng lập tức xuống ngựa đến trước mặt nàng thi lễ, tỏ ra hết sức cung kính.
Nghe thiếu nữ nói vài câu, người đội trưởng quay sang phía Trần-Gia-Cách chào hỏi, nói:
-Người anh em thật khổ công quá! Cầu xin A-La ban phúc lành cho huynh đài!
Sau đó, y đưa Trần-Gia-Cách vào lều nghỉ ngơi, đem thức ăn và rượu đến cho chàng dùng. Trần-Gia-Cách yêu cầu được tiếp kiến Mộc-Trác-Luân. Người đội trưởng nói:
-Tộc trưởng của chúng tôi còn bận đi quan sát tình hình trận địa. Lúc nào người về, tôi xin thông báo ngay lập tức.
Chàng lại hỏi về thân thế thiếu-nữ áo trắng. Người đội trưởng cười khúc khích đáp:
-Ngoài ⬘nàng⬙ ra thì còn ai xinh đẹp đến thế? Tối nay có cuộc ủy lan đại hội, mời người anh em đến tham dự, sẽ gặp mặt Tộc-trưởng chúng tôi tại đó.
Đến tối, người đội trưởng tới dẫn Trần-Gia-Cách đến một vùng đất lớn, đèn đuốc sáng ngời. Các quân sĩ, thanh thiếu niên người Duy tụ họp tại đó đông như kiến cỏ. Sau đó là một bữa tiệc linh đình được dọn ra. Tiếng nhạc hùng trổi lên, một đoàn người từ trong lều chủ tướng bước ra. Đi đầu là Mộc-Trác-Luân, và con trai lớn Tiêu-A-Y đi ngay sát một bên ông.
Mộc-Trác-Luân giơ cao hai tay lên, tất cả mọi người đều hướng về bức tượng Chân-Thần A-Trấp lễ bái.
Tế thần xong, Mộc-Trác-Luân nói lớn:
-Các bạn chiến sĩ đã có gia đình xin ráng chịu cực đêm nay canh gác để cho các thanh niên độc thân được vui một đêm.
Mộc-Trác-Luân lại vẫy tay. Tù và truyền hiệu lệnh. Ba đội quân đi hành một kéo ra ngoài, tay trái giắt ngựa, tay phải cầm đao. Tiêu-A-Y lên ngựa hướng về các thanh niên bên trong nói lớn:
-Chân-Thần bảo vệ các người. Mong các người được vui trọn đêm nay với người yêu.
Đám thanh niên bên trong cùng nhau hô lớn một lượt:
-Chân-Thần bảo vệ tất cả chúng ta. Cám ơn các người đã vì chúng ta mà chịu cực khổ.
Tiêu-A-Y sau đó khẽ vung đao một cái, kéo ba đội quân ra ngoài. Trần-Gia-Cách trông thấy quân đội họ có quy củ đâu ra đó thì trong lòng rất vui mừng.
Lúc ấy nhạc lại trổi lên những điệu êm dịu, cửa trường dinh mở rộng ra. Từng đoàn thiếu nữ Duy kéo đến trong y phục rực rỡ, trên đầu đội mão thêu chỉ vàng, chỉ bạc lấp lánh, chạy vòng quanh những đống lửa ca múa.
Bỗng nhiên Trần-Gia-Cách chú ý đến hai cô thiếu nữ vừa chạy đến gần bên Mộc-Trác-Luân. Một cô mặc áo trắng, đúng là thiếu nữ đi cùng với chàng tới đây. Còn cô mặc áo vàng, trên đầu có giắt một chiếc lông phí thủy thì không ai khác hơn là Thúy-Vũ Hoàng-Sam Tiêu-Thanh-Đồng.
Trần-Gia-Cách nghĩ thầm:
-"Thiếu nữ áo trắng kia phải chăng là em ruột Tiêu-Thanh-Đồng? Thì ra cái hình vẽ trên ngọc bình kia chính là tiêu tượng của nàng! Thảo nào mà ta trông có vẻ quen quen. Hình vẽ trên ngọc bình tuy linh động, đẹp thật, nhưng cũng chỉ diễn tả được phần nào sắc đệp của nàng mà thôi!"
Tiếng nhạc đột nhiên ngừng lại. Mộc-Trác-Luân đứng dậy nói lớn:
-Trong Khả-Lan-Kinh, thánh tục có chỉ đạo cho chúng ta ở chương 2, tiết 190 rằng: ⬘Các ngươi phải tự biết đứng lên đánh lại kẻ xâm lăng⬙. Chương thứ 20, tiết 39 cũng bảo: ⬘Kẻ bị xâm lăng phải kháng cự mới tự cứu mình được⬙. Nếu các ngươi gặp nguy hiểm, Chân-Thần A-Trấp sẽ phù hộ, vì ngài là bậc toàn năng. Kẻ nào bị khinh khi đè nén, Chân-Thần A-Trấp cũng sẽ cứu hộ các ngươi chống trả lại.
Tất cả nghe nói đều vỗ tay lớn hoan hô. Mộc-Trác-Luân lớn tiếng nói:
-Giờ đây xin tất cả mọi người cùng nhau vui vẻ!
Tiếng ca tiếng hát lại lừng vang, thanh niên thiếu nữ nhập tiệc ăn uống vui vẻ, hả hê. Từng cặp trai gái nắm tay nhau nhảy múa chung quanh các đống lửa. Trần-Gia-Cách liếc nhìn, thấy Tiêu-Thanh-Đồng và thiếu nữ áo trắng vẫn cùng ông ta nói cười vui vẻ. Chàng lại nghe một binh sĩ người Duy nói chuyện với viên đội trưởng rằng:
-Hương Hương công-chúa của chúng ta chẳng hay đã tìm được ý trung nhân? Không biết ai sẽ là người được diễm phúc nhất ở trên thế gian này?
Thình lình, thiếu nữ áo trắng đứng dậy bước ra ngoài. Mộc-Trác-Luân thấy vậy thì mừng thầm. Nhưng Tiêu-Thanh-Đồng thì lộ vẻ ngạc nhiên.
Thì ra thiếu nữ áo trắng kia chính là con gái của Mộc-Trác-Luân, em ruột của Tiêu-Thanh-Đồng, được mọi người gọi là Hương Hương công-chúa. Nàng được mọi người xem xem như thần tiên, vì vậy không có một thanh niên nào dám ôm mộng mà đoái tưởng đến. Vì vậy, khi thấy Hương Hương công chúa bước ra chỗ múa hát thì ai nấy đều ngạc nhiên mà hồi hộp Hương Hương công chúa đi vòng mấy bước rồi chạy quanh các đống lửa miệng kêu lên:
-Ai là người tặng em đóa Tuyết-Trung-Liên? Ai là người cứu em thoát khỏi tay binh lính giặc Thanh? Em đi tìm người ấy đây!
Trần-Gia-Cách nghe nàng nói bỗng ⬘tá hỏa tam tinh⬙, thần trí như mê sảng chưa biết phải làm thế nào thì một bàn tay mềm mại trắng như tuyết, mát như suối thình lình nắm lấy tay chàng, kề vai sát ngực dắt ra ngoài.
Trần-Gia-Cách ngẩn người ra. Tuy chân bước đi mà trong lòng hồi hộp. Tất cả các thanh niên thiếu nữ đều la ó tưng bừng. Tiếng nhạc lại du dương trổi lên những cung điệu tình tứ yêu đương.
Theo phong-tục của người Duy, việc dựng vợ gả chồng vẫn do cha mẹ định đoạt. Tuy nhiên hội ⬘ủy lan⬙ là cơ hội tốt để cho trai gái tự chọn lấy người mình yêu thương.
Mộc-Trác-Luân và Tiêu-Thanh-Đồng vẫn chưa biết tin Trần-Gia-Cách đến. Vì vậy, ai cũng đinh ninh rằng Hương Hương công chúa chọn một thanh niên người Duy nào đó làm ý trung nhân. Hai người đang thử cố gắng suy nghĩ xem Hương Hương công chúa chọn ai thì nàng dẫn Trần-Gia-Cách đến bên hai người cùng ngồi.
Không ai bảo ai, mà cả Mộc-Trác-Luân lẫn Tiêu-Thanh-Đồng đều trợn tròn há hốc. Vừa lúc ấy, tiếng mõ từ xa vang lên báo hiệu có chuyện quân tình cấp bách. Mọi người nghe xong liền lập tức giải tán cuộc vui. Tất cả các thanh niên đều trở về vị trí sửa soạn tác chiến...
Chú thích:
(1-) Khuyến hóa: lạc quyên.
(2-) Quan-Bích: sa-mạc Gobi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui