Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Dù giận dữ, cho là Ngô-Quốc-Đống vì quá sợ bọn Hồng Hoa Hội mà coi thường bản lãnh của mình, Trương-Siêu-Trọng cũng không dám quá tự đại mà trở nên bất cẩn nên sau đó liền mời ngay viên Tổng-binh (#1) phủ Lượng-Châu đến thương lượng.
Theo kế hoạch, viên Tổng-binh phủ Lượng-Châu này sẽ điều động 800 tinh binh phối hợp với lực lượng của Trương-Siêu-Trọng để áp giải khâm phạm. Viên Tổng-binh biết là việc quan trọng nên chẳng dám một mình đảm đương nên gọi Phó tổng-binh Tào-Năng và Tham-trưởng (#2) Bình-Vượng giao phó trách nhiệm, dặn hai người chia quân ra làm ba đạo thành tiền, hậu, và trung. Ba đạo quân này sẽ hộ tống Trương-Siêu-Trọng đem khâm phạm đến Tường-Lan rồi sau đó nhường trách nhiệm lại cho quan binh địa phương tại nơi này.
Đoàn người lên đường rời khỏi Lượng-Châu. Trên lộ-trình, bọn binh lính gain dâm hà hiếp phụ nữ, cướp của, bắt gà trộm chó, làm đủ điều tàn ác, gây khổ sở cho dân chúng không biết mấy. Tiếng khóc lóc than van, oán trách như vang dậy cả một trời.
Đi được hai ngày, đoàn người đến Song-Tử. Qua khỏi thị trấn ấy chừng vài chục dặm, vào khoảng giờ Thìn, thấy có hai thanh niên đang ngồi cởi trần, như phơi nắng dưới gốc cây. Tại đó có hai con tuấn mã được cột chặt.
Hai tên Thanh-binh trông thấy liền láy mắt cho nhau một cái rồi chạy tới quát nạt:
-Ê! Hai tên kia ăn cắp ngựa của ai đó? Mau nộp lại cho bọn ta thì mới mong được toàn tánh mạng!
Một trong hai thanh niên với gương mặt tuấn tú cười đáp:
-Chúng tôi là kẻ lương dân làm ăn khó nhọc, dám nào trộm cắp của ai đâu?
Một gã Thanh-binh lên mặt hỏi:
-Bọn ta đi đường xa cần ngựa. Cho mượn đỡ được không?
Tên binh kia lại nói:
-Thì cứ lấy mà cỡi chứ chẳng lẽ còn phải hỏi mượn chúng nữa à!
Chàng thanh niên vui vẻ nói:
-Được! Nếu hai vị cần ngựa thì chúng tôi sẽ sẵn sàng giao ngay chứ có gì đâu mà phải bận tâm!
Gã Thanh-binh cười, ra vẻ khoái chí:
-Có như vậy mới gọi là lương dân biết điều chứ!
Hai thanh niên cùng đứng dậy ra gốc cây mở dây cột ngựa ra nói:
-Hai vị phải cẩn thận nhé!
Hai gã Thanh-binh nạt nộ:
-Để kệ chúng ta. Phận sự các ngươi đến đây là hết rồi. Mau cút đi!
Hai tên Thanh-binh toan giựt lấy cương thì bỗng nhiên hai thanh niên nhào tới đấm đá hai gã túi bụi rồi nắm hai tai chúng liệng sấp xuống mặt đường như thảy hai con chó.
Đạo Thanh-binh chiêng trống nổi lên liên thinh nghe đinh tai nhức óc. Hai thanh niên sau đó nhảy lên lưng ngựa sấn lại hai chiếc tù xa.
Những gã xa phu hầu hết là những tên lính già yếu đuối, vì vậy hai chàng thanh niên xông vào dễ dàng chẳng chút kháng cự.
Một thanh niên khoát màn che lên, tay cầm đao cắt đứt gọi lớn:
-Tứ ca có trong xe này không?
Trong xe vang lên tiếng người đáp lại:
-Ủa kìa! Thập-nhị đệ!
Thanh niên ấy, tức Thập-nhị đương-gia Thạch-Song-Anh vội vã nói:
-Tứ ca! Chúng em đến cứu anh đây! Anh cứ yên tâm! Sắp có đủ mặt các anh em khác cùng đến sau.
Trong lúc đó Phó tổng-binh Tào-Năng và Ngân-Bá-Càn bị thanh niên kia dùng song câu đánh cho một trận mờ người, chỉ biết phải ráng cố sức mà đỡ thôi.
Nhưng sao đó, đám Thanh-binh kéo đến như nước vỡ bờ. Hai thanh niên nhận thấy lâm vào tình thế ⬘bất địch chúng⬙ (#3) liền phóng ngựa như bay tẩu thoát. Ngân-Bá-Càn và Tào-Năng ra sức rượt theo không ngừng.
Đêm ấy, bọn Trương-Siêu-Trọng tạm trú tại phố Thanh-Thủy. Hôm sau, vừa sáng sớm đã nghe tiếng quân sĩ kêu la thất thanh làm náo loạn cả lên. Tào-Năng và Bình-Vượng ra ngoài thì thấy rõ vài chục tên Thanh-binh bị mổ bụng, moi hết cả ruột gan ra ngoài trên vũng máu mà đầu vẫn ở trên gối như đang nằm ngủ vậy. Cả hai đều thất kinh, không biết ai đã gây ra màn giết chóc thảm khốc như vậy. Đám Thanh-binh thì tụ năm tụ ba, chụm đầu bàn tán thì thầm, cho là ⬘quỷ thần hiển lộng⬙ chứ không người nào có thể vào tận nơi giết bao nhiêu người bằng cách này mà không gây ra tiếng động nào...
Đi thêm một ngày nữa thì đến Khoán-Thạch. Đây là một thị trấn lớn. Mướn năm khách sạn mà vẫn không đủ chỗ chứa đoàn quân đông đúc thành thử quan binh phải chiếm thêm nhiều nhà của dân chúng trong vùng để có chỗ cho quân lính tạm trú qua đêm.
Trời vừa nhá nhem tối, thình lình năm trại đều bỗng dưng phát hỏa, tiếng kêu la vang dậy tứ phía.
Sợ Hồng Hoa Hội áp dụng chiến thuật ⬘Diệu hổ ly sơn⬙, Trương-Siêu-Trọng ra lệnh cho đám thị vệ không được hoảng hốt mà chỉ tập trung lực lượng mà canh giữ Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng cho thật kỹ mà thôi.
Lửa mỗi lúc càng lan rộng ra. Ngọn lửa bốc lên thật cao, khói bay tỏa ra khắp một vùng.
Tào-Năng chạy đến gặp Trương-Siêu-Trọng la hoảng:
-Có bọn thổ phỉ tấn công! Xin ngài hợp sức với chúng tôi chống cự!
Trương-Siêu-Trọng đáp:
-Bọn tôi dù sống chết cũng vẫn phải ở sát khâm phạm mà canh giữ thôi. Xin Tào tướng quân chịu khó chỉ huy binh sĩ mà chống với bọn thổ phỉ thì hơn.
Tào-Năng vâng lệnh đi ra. Bên ngoài tiếng kêu la thảm thiết hòa với tiếng chân dồn dập của những quân lính tìm đường chạy trốn. Lửa vẫn cháy bùng, tiếng nổ lốp bốp làm ngói đổ gạch tan tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.

Trương-Siêu-Trọng sai Đoàn-Đại-Lân và Châu-Tổ-Âm lên trên nóc để xem thử động tịnh bốn phía ra sao. Y cương quyết không bước ra khỏi cửa một bước ngoại trừ cường địch tấn công và tận nơi.
Giữa những tiếng la hét bên ngoài chợt đâu vang lên tiếng ngựa, dường như mỗi lúc mỗi gần lại. Đoàn-Đại-Lân và Châu-Tổ-Âm cho biết rằng đoàn kỵ mã nhắm về hướng Đông mà chạy. Tào-Năng bỗng từ nơi khói lửa chạy ra đến gặp Trương-Siêu-Trọng nói:
-Bọn thổ phỉ bị tôi đánh lui cả rồi!
Trương-Siêu-Trọng hỏi:
-Trận này bên ta bị tổn thất nhiều ít?
Tào-Năng cứng họng, đứng im không sao trả lời được. Mãi một lúc sau hắn mới ú ớ:
-Thưa ngài, bên ta chẳng có một người nào bị thương cả.
Trương-Siêu-Trọng cười ruồi, nói một cách mỉa mai:
-Vậy sao!
Thấy mặt Trương-Siêu-Trọng cười bí hiểm mà chẳng hỏi thêm lời nào, Tào-Năng nói:
-Bọn thổ phỉ này rất là hùng hổ. Tên nào cũng có võ công trác tuyệt cả. Chỉ có một điều quái lạ là chúng không cướp của giết người mà cứ tìm bọn ta mà chém giết không nương tay. Lúc rút lui, chúng còn móc ra 500 lượng bạc đưa cho chủ khách sạn bảo là bồi thường thiệt hại.
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Bọn ấy mà Tào tướng quân gọi là thổ phỉ sao? Thôi! Ông hãy cho tất cả mọi người đi nghỉ đi đẻ mai còn lên đường sớm.
Tào-Năng vâng lệnh lui ra. Hắn tìm đến người chủ lữ quán là lão Mân, buộc tội là cấu kết với thổ phỉ để giết hại quan binh để làm tiền. Lão Mân sợ hãi, lạy lục van xin thế nào cũng không được, phải đút lót cho hắn ta 500 lượng bạc mới được êm chuyện.
Sáng hôm sau, phải đến gần giờ Ngọ đám quan binh gần như mới hoàn hồn, tập trung lại được. Trông cả đám chẳng khác gì một nhóm tàn quân sau một trận giao tranh. Trương-Siêu-Trọng không dám chậm trễ, liền ra lệnh khởi hành. Đi được hai tiếng thì đường đi mỗi lúc mỗi hẹp lại, địa thế hiểm trở kỳ khu (#4). Hai bên đường như hai vách đá cao đứng sừng sững giữa sườn non. Trương-Siêu-Trọng lại khiến Tham-tướng Bình-Vượng cỡi ngựa đi tiên phong hướng đạo.
Bình-Vượng nhìn đường đi chẳng khác nào như một con mãng xà nằm ngang giữa núi thì lo sợ nếu có mai phục thì thật là nguy cho cả đám. Dù vậy, hắn cũng không dám cãi lệnh phải dấn thân đi trước mở đường.
Đi được một đoạn, nhìn thấy đầu kia như có người đang phi ngựa chạy như bay tới, Bình-Vượng bèn một mình vượt lên trên đón đầu kỵ mã lại hỏi:
-Ai đó mà đi đâu có vẻ gấp gáp vậy?
Người kỵ-mã vẻ mặt như hốt hoảng nói:
-Trời ơi! Các ngài không xem địa thế vùng này ra sao mà dám đi ngang qua đây? Tôi vừa trông thấy một đám ác quỷ đón đường nên vội vã đi lui trở lại. Nếu các ngài muốn sống thì nên quay trở lại mà tìm ngõ sinh lộ mà đi. Có thể đi về hướng Đông thì may ra thoát khỏi. Nếu không chịu nghe lời tôi mà cứ đi tới e rằng sẽ chết hết không còn một người đó!
Ai nấy nhìn xem thì thấy người ấy mặc áo vải thô sơ, buộc sợi dây lưng gai kịch cợm, sắc mặt vàng khè, hai vai thì co rụt, trông hình thù như kẻ đói rét bơ vơ. Hắn vừa dứt lời thì vội quất ngựa chạy thẳng đi như bay. Quân sĩ hai bên phải vẹt ra để cho người ấy qua khỏi rồi mới tiếp tục cuộc hành trình theo lệnh tấn binh của Bình-Vượng.
Đi được mới nửa dặm đường thình lình nghe phía sau có tiếng kêu "Chết rồi!", rồi một tên Thanh-binh ngã chúi đầu xuống ngựa chết không kịp trăn trối, chẳng hiểu vì đâu. Lạ hơn nữa là tìm khắp châu thân tên lính chẳng thấy một vết tích khả nghi nào.
Quan binh hết hồn hết vía, lại thêm một phen hoang mang đến cực độ, xúm lại bàn tán xôn xao. Sau khi sai hai tên lính mai táng người chết xong, đoàn người ngựa lại tiếp tục lên đường.
Đi được một quãng, đoàn người lại thấy có một kỵ mã từ xa cỡ ngựa phi như bay đến. Tham-tướng Bình-Vượng lại phóng ngựa ra đón đường thì nhận ra là người lúc ban nãy. Sau đó y lại lập lại lời cảnh cáo mọi người y như lúc ban nãy nói với tất cả. Dứt lời y lại giục ngựa phi như bay chẳng gì hồi nãy, và quân sĩ lại vẹt ra hai bên cho y chạy.
Chợt Bình-Vượng nghĩ ra một điều gì vô lý không thể tưởng được. Rõ ràng người ấy đã phi xuống chân núi rồi! Mà rõ ràng đây là con đường duy nhất để đi mà thôi! Chẳng lẽ người ấy xuống phi ngựa xuống chân núi rồi phi lên lại, vượt qua và bỏ xa tất cả, không ai trông thấy được, rồi lại quay ngựa phi ngược trở lại như lúc ban đầu? Nếu đem những chuyện cổ tích hoang đường mà kể lại thì chắc cũng chỉ đến thế này là cùng!
Châu-Tổ-Âm chờ cho người ấy đến gần mình thì giơ đao chặn lại nói:
-Bằng hữu đi đâu mà vội thế? Mau đứng lại cho ta hỏi đã!
Người ấy như chẳng nghe thấy, chỉ đưa tay vỗ nhẹ lên vai Châu-Tổ-Âm. Cây đơn đao sau đó không hiểu sao rớt xuống đất. Hắn cũng chẳng thèm quay lại, cứ thẳng đường mà phi như bay xuống chân núi. Và rồi lại y như lúc nãy, một tên quân ngã lăn xuống chết mà không hiểu lý do gì, mà trên người cũng không có một vết tích gì.
Đám Thanh-binh mặt ngơ ngơ ngáo ngáo, lại bàn tán xầm xì. Nét kinh khiếp hiện rõ ra trên mặt chúng.
Trương-Siêu-Trọng nghe báo cáo lấy làm lạ vô cùng. Ông ta giao cho đám thị vệ canh giữ Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng, còn ông ta thì đích thân tới tận nơi xem xét.
Lúc ấy, Châu-Tổ-Âm bỗng kinh hãi la lên:
-Trương đại nhân! Không hiểu kẻ ấy là người hay quỷ mà sao có hành động quái gở đến thế này!
Dứt lời, hắn vạch bả vai ra cho Trương-Siêu-Trọng xem mà mặt mày trắng bạch, tưởng chừng như không còn lấy được giọt máu.
Trương-Siêu-Trọng thấy vai Châu-Tổ-Âm nổ lên một cục bầm đen như qả ô mai, hình dáng trông như một cục bướu nhỏ. Y cau mày, thò tay vào túi lấy ra một gói thuốc bột đưa cho Châu-Tổ-Âm bảo nuốt hết vào miệng. Sau đó Hỏa-Thủ Phán-Quan lại sai cởi áo tên Thanh-binh mới chết ra xem. Quả nhiên, trên lưng hắn cũng có một vết bầm đen như quả ô mai đàng sau lưng.
Đám binh sĩ rùng mình thét lên:
-Quỷ cắn! Quỷ cắn!
Tham-tướng Bình-Vượng chọn hai tên lính lo trách nhiệm mai táng tên quân vừa mới chết nhưng không một người nào dám nhận lời hết cả. Rốt cuộc, đích thân Trương-Siêu-Trọng phải đứng ra tự tay chôn cất hắn rồi mới tiếp tục cuộc hành trình.
Đoàn-Đại-Lân nói:
-Trương đại nhân này? Tôi không hiểu cái người đó vì sao đã xuống chân núi rồi mà còn trở lại phía trước được như vậy?
Trong lòng Trương-Siêu-Trọng đang nảy ra bao nhiêu mối nghi hoặc. Bất chợt nghe hỏi vậy thì cũng đành phải miễn cưỡng mà trả lời:
-Châu-Tổ-Âm và hai tên lính kia trúng phải Hắc-Sa-Chưởng. Sở dĩ Châu-Tổ-Âm sống sót là vì tôi kịp thời phát hiện nên cứu được. Còn hai tên lính kia sở dĩ phải chết vì tôi không biết kịp để mà cứu!

Đoàn-Đại-Lân hỏi tiếp:
-Hắc-Sa-Chưởng là gì mà nguy hiểm quá vậy?
Trương-Siêu-Trọng thở dài đáp:
-Trên giang hồ rất ít người biết được môn công phu hiểm ác này. Chính tôi đây cũng chỉ được nghe thoáng qua chứ không được biết rõ lắm. Vì vậy mà chính lúc đầu tôi cũng chưa nhận ra được.
Đoàn-Đạo-Lân lại hỏi:
-Thưa Trương đại nhân! Hắc-Sa-Chưởng thuộc môn phái nào vậy?
Trương-Siêu-Trọng đáp:
-Lúc sinh tiền, tôi có được sư phụ nói cho nghe Hắc-Sa-Chưởn vốn thuộc của môn phái Thanh Thành ở Tứ-Xuyên do Huệ-Lữ Đạo-Nhân sáng chế ra, và chỉ có một mình ông ta biết được mà thôi.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, Trương-Siêu-Trọng lùi ra sau mấy bước la lớn:
-Ừ phải rồi! Phải rồi! Tôi nhớ ra rồi! Sư huynh đồng môn Mã-Chân của tôi có một lần cho tôi biết rằng Huệ-Lữ Đạo-Nhân có dạy được hai người đệ tử rất đắc ý là Hắc-Vô-Thường và Bạch-Vô-Thường. Họ là hai anh em song sinh, giống nhau như hai giọt nước, cùng xấu xí như quỷ hiện hình vậy. Hễ ai trông thấy họ mà nhát gan thì chỉ có hồn phi phách tán mà thôi. Hai người đó được giang hồ đặt cho ngoại hiệu là Tây-Xuyên Song-Hiệp.
Bọn thị vệ đã từng nghe đại danh của Tây-Xuyên Song-Hiệp từ lâu, không ngờ hôm nay tình cờ đụng phải thì trong lòng hết sức lo lắng. Nhưng chúng vẫn phải làm thinh tỉnh bơ vì sợ bị cho là nhát gan.
Đêm ấy, Trương-Siêu-Trọng đành nghỉ ngơi tại Hắc-Tông-Bảo. Tào-Năng cắt đặt một số quân lính canh phòng ngoài trấn để dọ thám tin tức. Sáng ra, đến lúc chuẩn bị lên đường mà Tào-Năng vẫn chưa thấy một tên nào về để báo tin cả.
Sau Tào-Năng mới tra xét ra được là đêm trước đám lính được phái đi dọ thám không có tên nào dám ra khỏi trấn cả. Bọn chúng ngủ lại trong trấn mà sáng dậy thấy ở trên đầu mình có một tờ giấy tiên nên sợ hãi quá. Nhiều tên yếu bóng vía nên khi nhận được lệnh đi dọ thám đã tự ý đào ngũ.
Theo lộ trình hoạch định hôm ấy thì đoàn người sẽ phải vượt qua Ô-Tiêu-Lãnh, là nơi khét tiếng là vùng hiểm trở trên con đường Cam-Lượng xưa nay. Tào-Năng bèn cho binh sĩ ăn trước thật no để lấy sức mà cố vượt qua Ô-Tiêu-Lãnh cho lẹ. Tào-Năng hứa với quân sĩ rằng khi vượt qua được Ô-Tiêu-Lãnh thì sẽ được nghỉ ngơi thong thả.
Đi được nửa ngày, càng lên cao, khí hậu càng lạnh chẳng khác nào như đi lên núi tuyết. Đường càng đi mỗi lúc càng thêm hiểm trở. Trời tháng 9 ở đồng bằng nắng gắt nóng vô cùng, mà ở đây bông tuyết lại bay trắng xóa. Quan binh đều run rẩy, bước không muốn vững. Mặc cho Tào-Năng mặc sức mà đốc thúc, quân sĩ vẫn không thể đi mau hơn được; phần vì lạnh, phần vì sợ khiến ai nấy mất hết cả tinh thần...
Một bên thì núi cao ngút ngàn như đụng tới mây xanh. Một bên thì vực sâu thăm thẳm như tìm hoài mà chẳng thấy đáy. Bọn quân sĩ phải nắm tay nhau mà đi từ từ, cẩn thận nhìn xuống đôi chân. Đường đã hẹp, tuyết lại trơn. Nếu chẳng may trượt chân mà rơi xuống vực thì thân xác phải nát ra như cám mà thôi.
Đột nhiên phía trước như có tiếng gió kêu vi vu. Đám Thanh-binh đột nhiên la hoảng lên vì sợ hãi làm cho đại quân trở nên náo động. Tào-Năng phải lên tiếng vừa cổ võ vừa hăm dọa, chúng mới cố gắng mà tiến thêm được một đoạn nữa.
Những tiếng vi vu giờ đây trở thành những tiếng than vắn thở dài hết sức thê lương ảm đạm như những tiếng khóc của oan hồn khiến cho ai nghe thấy cũng phải rùng mình rởn óc. Lúc đó lời nói của người kỵ mã hôm trước chợt như vang lại trong trí của mọi người. Rồi có tiếng từ đâu vọng lại nghe rất ghê rợn nhưng rõ mồn một bên tai mọi người:
-Đi tới thì gặp Diêm-Vương... Trở lui thì được sống sót! Đi tới thì gặp Diêm-Vương... Trở lui thì được sống sót!..
Nghe xong những lời đó, ai cũng muốn đi lùi trở lại chứ chẳng muốn tiến thêm một bước. Tham-tướng Bìng-Vượng phải nhờ mấy tên thị vệ đi trước làm gương. Một tên thị vệ đi chưa được mấy bước thì một lằn tên từ đâu bay đến cắm ngay vào bụng hắn. Tên thị vệ thét lên một tiếng thảm thiết rồi rơi ngay xuống vựa sâu.
Bình-Vượng sai đánh trống ầm ĩ để thúc giục tinh thần mọi người hăng hái lên. Rồi không hiển tên từ phía nào bắn tới mà chỉ thấy ba, bốn tên thị vệ nữa lần lượt đua nhau ngã xuống vựa thẳm. Đám Thanh-binh không làm sao dám đi tiếp nữa. Tất cả còn đang trù trừ chưa biết phải làm gì thì bên triền núi có một người đi lại. Khi gần đến nơi, người ấy hét to lên rằng:
-Đi qua thì gặp Diêm-Vương! Trở lại thì còn ngã sống!
Bọn quân sĩ nhận ra đó là ⬘quỷ Vô-Thường⬙ gặp hôm qua. Bọn chúng kinh hãi quá hét lên một tiếng rùng rợn rồi cắm đầu cắm cổ đi lùi trở lại. Tào-Năng cố gắng tìm mọi cách cản lại nhưng vô hiệu. Tham-tướng Bình-Vượng vội vàng rút kiếm đâm chết một tên quân để thị oai làm gương. Quả nhiên, đám Thanh-binh đứng lại hết, không dám đi lui nữa. Tuy vậy, sau khi kiểm điểm lại thấy thiếu mất cả chục tên, không rõ biến đi đâu.
Trương-Siêu-Trọng nói với Đoàn-Đại-Lân rằng:
-Thôi, bây giờ quý vị hợp sức lại với nhau mà giữ hai chiếc tù xa để tôi đến nói chuyện với hai anh em họ Thường rất có tên tuổi trong giang hồ kia xem thử ra sao.
Dứt lời, Trương-Siêu-Trọng vượt lên phía trước lớn tiến gọi:
-Dám hỏi phía trước có phải là Tây-Xuyên Song-Hiệp đó không? Tôi, Trương-Siêu-Trọng xin được ra mắt.
Người ấu cười nhạt đáp lại rằng:
-Hay lắm! Ai ngờ hôm nay hai quỷ Vô-Thường lại gặp Phán-Quan!
Tiếng nói vừa dứt thì người ấy đưa tay mặt ra, rồi một luồng gió thổi mạnh dị thường từ tay phóng ra nhắm thẳng Trương-Siêu-Trọng mà bay tới.
Chiêu thế đánh ra quá bất ngờ khiến Trương-Siêu-Trọng không làm sao tránh kịp đành phải dồn nội lực vào hai tay dùng thần công mà hóa giải, gát chưởng phong người ấy sang một bên. Sau đó Trương-Siêu-Trọng tung ra hai chưởng phản công lại.
Người ấy hét lên một tiếng rồi cũng tung ra hai chưởng đón lại. Bốn chưởng đụng nhau tạo nên một âm thanh vô cùng chói tai. Cả hai cùng bị chưởng phong dội lại mấy bước.
Trương-Siêu-Trọng lẹ làng dùng một thế ⬘Hoành vân đoạn phong⬙ quẹt sà trên mặt đất. Người kia rút chân không kịp bèn nhắm ⬘Thái dương huyệt⬙ của Trương-Siêu-Trọng đánh tới một chưởng. Trương-Siêu-Trọng vội vã thu chân về rồi tiến tới hai bước. Người kia cũng nghiêng mình ra trước. Thế là cả hai người cùng nhau tỉ thí trên ghềnh đá cheo leo. Người nào cũng múa cưởng đánh nghe vùn vụt. Người nào cũng cố thủ chỗ đứng cho thật vững và lừa thế đẩy đối phương lăn xuống vực sâu.
Hai bên so chưởng pháp một hồi lâu vẫn không phân thắng bại. Cả hai đều có vẻ nể sợ bản lãnh của nhau nên người nào cũng muốn giữ vững thế thủ hơn là ham tấn công.
Tham-tướng Bình-Vượng đứng ngoài thấy Trương-Siêu-Trọng đánh mãi mà không thắng được người kia bèn lén rút cung tên bắn trộm người ấy một phát để trợ lực cho Hỏa-Thủ Phán-Quan. Người kia một tay đón chưởng của Trương-Siêu-Trọng, nhưng tay kia đã giơ ra bắt lấy mũi tên của Bình-Vượng một cách dễ dàng. Bắt xong mũi tên, người ấy nhắm Bình-Vượng ném trả lại. Bình-Vượng cả kinh vội vàng cúi xuống né tránh thì một tiếng thét vang lên đàng sau. Một tên quân bị mũi tên ấy cắm ngay yết hầu, rơi xuống vực sâu mất xác.
Trương-Siêu-Trọng bất giác lên tiếng trầm trồ khen ngợi:
-Thật là tài! Tây-Xuyên Song-Hiệp quả nhiên ⬘danh bất hư truyền⬙, khiến cho người đời phải khiếp phục!
Nhìn thấy rõ bản lãnh của đối phương, Trương-Siêu-Trọng lại càng dè dặt hơn, không dám khinh xuất ra chiêu bừa bãi. Chỉ khi nào chắc chắn lắm mới dám tung ra vài thế đánh cầm chừng. Thình lình ở phía có tiếng thét lên:
-Coi đây!

Tiếp theo đó là một luồng chưởng phong lướt qua, nhắm vào người Trương-Siêu-Trọng đánh tới. Trương-Siêu-Trọng lách mình tránh được, quay mặt lại nhìn thì thấy một người khác tướng mạo chẳng khác gì người kia. Cả hai không nói một lời, cùng nhau hợp lực tấn công Trương-Siêu-Trọng như vũ bão.
Trương-Siêu-Trọng bị cả trước mặt lẫn sau lưng cùng tấn công một lượt thì chỉ còn biết né tránh và đỡ gạt thôi chứ không còn dám nghĩ đến chuyện tấn công nữa, dù là một thế.
Bọn thị vệ thấy tình thế có vẻ bất lợi cho Trương-Siêu-Trọng nên có ý muốn nhảy vào tiếp sức nhưng chưa dám, vì chỉ cần nhìn vị trí phải đứng cũng đủ lạnh da gà rồi! Điều duy nhất chúng cảm thấy giúp được cho Trương-Siêu-Trọng là đứng vỗ tay reo hò để ủng hộ tinh thần.
Tây-Xuyên Song-Hiệp và Trương-Siêu-Trọng đánh qua đánh lại một hồi lâu mà vẫn không bên nào chiếm được thượng phong. Ban đầu Trương-Siêu-Trọng có vẻ yếu thế vì không hiểu được bản lãnh của Song-Hiệp. Nhưng lần hồi, càng đánh càng quen dần với võ công của hai người đã lấy lại được thế quân bình nên thỉnh thoảng cũng bắt đầu đánh trả đòn lại được.
Thường-Thích-Chí bỗng vung tay quét một chưởng vào ngay hông Trương-Siêu-Trọng, chiêu thế cực kỳ dũng mãnh. Trương-Siêu-Trọng cả kinh dùng chưởng đỡ lại. Hai chưởng đụng nhau vang lên một tiếng như long trời lở đất. Cả hai người đều bị kình phong dội ngược ra sau, đều phải dùng thế ⬘Thiên cân trụy⬙ lấy thăng bằng bật người trở dậy. Trương-Siêu-Trọng bật mình dậy trước, đợi cho Thường-Thích-Chí vừa đứng vững lại, liền tống ra một chưởng tấn công ngay ngực. Thường-Thích-Chí cả kinh vội vung chưởng lên đỡ lại. Nhưng không ngờ uy lực chưởng phong của Trương-Siêu-Trọng quá mạnh, vẫn xuyên qua chuyển phong của Thường-Hích-Chí mà đánh trúng. Tuy không bị thương nhưng Thường-Hích-Chí không gượng được, toàn thân rời khỏi chỗ đứng văng xuống vực sâu.
Trong lúc Trương-Siêu-Trọng cùng đám thị vệ đang đắc ý vì đã loại được một địch thủ thì bỗng đâu thấy Thường-Thích-Chí dùng một thế ⬘Cân đẩu vân⬙ lộn mình giữa không trung rồi phóng lên lại như một con diều.
Không chút chậm trễ, Thường-Bá-Chí đưa tay ra chụp lấy tay Thường-Thích-Chí rồi thuận đà ném lên trên phía triền núi hơn 10 trượng trước sự kinh ngạc của Trương-Siêu-Trọng cùng đám thị vệ. Thấy Thường-Hích-Chí an toàn vô sự, Thường-Bá-Chí mới nhìn Trương-Siêu-Trọng nói:
-Bản lãnh của Hỏa-Thủ Phán-Quan thật hết sức cao thâm. Anh em chúng tôi xin bội phục! Bội phục!
Khen xong, Thường-Bá-Chí phóng tới chỗ Thường-Thích-Chí rồi hai người nắm tay nhau tung người lên, dùng thuật phi hành bay đi. Không đầy mấy chốc, bóng cả hai đã mất hút.
Đám quan binh bấy giờ mới dám chạy vụt tới. Tên nào tên nấy hết lòng ca tụng võ nghệ của Trương-Siêu-Trọng. Nhiều tên như tiếc rẻ không thừa cơ hội đó mà rượt theo giết chết hai anh em ⬘quỷ Vô-Thường⬙ đó. Trương-Siêu-Trọng vẫn làm thinh không nói một lời nào. Y lại chỗ phiến đá ngồi xuống như vận công.
Đoàn-Đại-Lân thấy vậy đến hỏi:
-Thế ra Trương đại nhân bị thương hả? Có làm sao không?
Trương-Siêu-Trọng vẫn ngồi trầm ngâm không đáp. Ông ngước mặt lên nhìn trời, hả lớn miệng ra dùng phương pháp hô hấp mà thở rồi hít thanh khí vào trong người. Phải một lúc khá lâu Trương-Siêu-Trọng ngừng lại, sắc mặt tươi tỉnh hơn lúc nãy trả lời:
-Chẳng sao hết.
Nói xong, Trương-Siêu-Trọng vén tay áo lên cho mọi người nhìn. Năm vết bầm tím sưng lên như năm quả ô mai , và rõ ràng còn in rõ năm dấu tay. Không những Trương-Siêu-Trọng kinh sợ mà người nào xem cũng phải rợn tóc gáy.
Sau đó, Tào-Năng lại cố đốc thúc đoàn quân tiến hành. Thấy nguy hiểm đã qua rồi nên đoàn quân hăng hái đi tiếp mà không phải sợ sệt gì nữa. Nhờ vậy mà vượt qua khỏi được Ô-Tiêu-Lãnh. Nhưng đêm hôm ấy có đến gần 50 tên quân lại bỏ trốn, đào ngũ.
Trương-Siêu-Trọng bàn với đám thị vệ rằng:
-Nếu cứ theo lộ trình này mà đi ắt đến tỉnh Cao-Lang. Nhưng với địa thế hiểm trở thế này mà lại bị kẻ thù phục kích thì thật khó mà trở tay kịp. Chi bằng chúng ta cứ theo tiểu lộ mà điến Hồng-Thành rồi qua sông Hoàng-Hà để đánh lạc hướng bọn Hồng Hoa Hội, đồng thời không phải lo lắng đến những màn phục kích bất ngờ.
Đám thị vệ ai nấy đều tán thành. Chỉ có Tào-Năng là có vẻ không được vui. Hắn chỉ muốn hộ tống đám người Trương-Siêu-Trọng đến Cao-Lang để bàn giao cho quan binh địa phương nơi ấy là kể như xong phận sự. Tuy không bằng lòng nhưng Tào-Năng cũng đành phải tuân theo chứ không dám cãi lệnh.
Trương-Siêu-Trọng hình như hiểu được tâm trạng của Tào-Năng nên an ủi:
-Để tôi viết mấy hàng nói rõ mọi tổn thất là không phải lỗi ở Tào tướng quân để quan trên khỏi phải thắc mắc mà khiển trách.
Tào-Năng nghe Trương-Siêu-Trọng nói như vậy thì mừng rỡ vô cùng, vui vẻ mà tiếp tục cuộc hành trình.
Khi tất cả đến bờ sông Hoàng-Hà thì xa xa đã nghe tiếng sóng ầm ầm như muôn quân reo hò. Đi được hơn nửa ngày thì tới bến đò Hồng-Thành. Trời đã về chiều. Sóng cuồn cuộc như thác đổ chảy về hướng Đông. Cả một giòng sông Hoàng-Hà chẳng khác gì thiên binh vạn mã biểu dương uy thế.
Trương-Siêu-Trọng đứng nhìn sông mà lo lắng, nghĩ thầm:
-"Đêm nay cần phải qua sông mà sóng như thế này thì làm sao mà đi được!"
Tự nhiên trông ra xa có hai điểm đen như đang tiến tới mỗ lúc mỗi gần thêm. Khi gần đến nơi, Trương-Siêu-Trọng mới nhận ra là hai chiếc tàu lớn trống rỗng không người. Có lẽ là của ngư dân định ra khơi nhưng vì sóng quá lớn đánh không được cá nên phải quay trở về.
Tham-tướng Bình-Vượng mừng quá gọi hai người lái đò nói:
-Này hai anh! Nếu cố gắng làm sao mà đưa được chúng ta sang bờ bên kia thì ta sẽ trọng thưởng cho nhiều vàng bạc để xứng đáng với công của hai người.
Một người cập thuyền vào bờ, leo xuống đến trước mặt Bình-Vượng nói:
-Đại nhân cứ xuống đây cho mau.
Nói dứt lời, người lái đò dắt tay Bình-Vượng đi.
Bình-Vượng ngạc nhiên hỏi:
-Mà anh là ai mới được?
Người ấy cười, nói bằng tiếng Quảng-Đông:
-Đại nhân còn hỏi làm gì? Nếu muốn tôi đưa qua sông thì tôi đưa ngay. Miễn sang đến bờ bên kia đừng quên trọng thưởng cho tôi là được rồi.
Bình-Vượng nghe vậy thì không hỏi nữa. Hắn bàn Trương-Siêu-Trọng và bọn thị vệ nên đem hai chiếc tù xa xuống thuyền mà đi trước. Trương-Siêu-Trọng là người cẩn thận, đến gặp mặt người lái đò để xem mặt kỹ lưỡng. Đôi tay người ấy thật to lớn, bắp thịt rắn chắc, chứng tỏ là một người có sức mạnh vô cùng. Nhìn cái mái chèo trên tay người ấy cũng đủ thấy nặng nề thế mà y lại cầm chẳng chút phí sức. Trời khá tối nên Trương-Siêu-Trọng không trông rõ lắm, nhưng tin tưởng rằng chiếc mái chèo kia làm bằng sắt chứ không phải bằng gỗ. Người lái đò kia vì không đến gần nên Trương-Siêu-Trọng không làm sao trông rõ mặt được.
Tự nhiên, Trương-Siêu-Trọng sinh ra nghi ngờ, nói với Bình-Vượng rằng:
-Bình tham-tướng à! Theo tôi thì ông nên dẫn đám quân lính sang trước đi, và chờ chúng tôi ở bên đó.
Bình-Vượng nghe lời liền xuống thuyền và sắp xếp cho mỗi thuyền chừng 30 tên lính đi qua trước.
Hai người lái đò dường như rất thông thạo nghề nên chẳng mấy chốc đã đưa Bình-Vượng qua được bờ bên kia, rồi lại trở về đón khách. Lần này đến phiên Tào-Năng lãnh binh xuống thuyền qua sông. Thuyền vừa rời khỏi bến chưa được bao lâu thì đột nhiên một tiếng tiêu trổi lên và sau đó bao nhiêu tiếng tiêu khác từ đâu cùng trổi lên một lượt...
Trương-Siêu-Trọng bối rối tâm thần, ra lệnh cho quan binh tản mát ra và đích thân y đứng canh phòng, gìn giữ hai tù xa. Đám xạ thủ lãnh trách nhiệm yểm trợ hai chiếc tù xa đều lắp tên, giương cung sẵn sàng để chuẩn bị đối phó.
Lúc ấy, trăng cũng vừa lên. Nhìn ra ba phía Đông, Tây, Bắc có mười mấy kỵ mã đang phóng ngựa như bay. Trương-Siêu-Trọng phi ngựa ra trước đón những kỵ mã kia lại hỏi:
-Đám người kia! Đến đây có việc gì mà đi đông đúc như thế?
Phía bên kia, cách kỵ mã dàn trận thành hình chữ nhất từ từ tiến đến. Rồi một người trong đám phi ngựa ra đến gần, đối diện với Trương-Siêu-Trọng. Người này không mang theo binh khí nào cả, chỉ phe phẩy một chiếc quạt lông Bạch-Ngà, dáng điệu rất khoan thai.
Nhìn thẳng vào mặt Trương-Siêu-Trọng, người ấy lên tiếng:
-Người trước mặt ta có phải là Hỏa-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng đó không?
Trương-Siêu-Trọng gật đầu đáp:

-Phải, chính tôi. Còn các hạ là ai?
Người ấy cười nói:
-Tứ ca của chúng tôi mong ơn các hạ cực khổ đưa đến đây rồi nên không dám để các hạ mệt nhọc nữa.
Trương-Siêu-Trọng "à" một tiếng rồi nói:
-Thế ra các người đây là Hồng Hoa Hội!
Người ấy lại cười nói tiếp:
-Trên giang hồ người ta vẫn đồn rằng Hỏa-Thủ Phán-Quan không những võ-nghệ siêu quần cái thế thôi, mà còn liệu việc như thần nữa! Bây giờ mới thấy quả lời đồn kia không sai chút nào cả. Phải! Anh em chúng tôi chính là Hồng Hoa Hội.
Người ấy vừa dứt lời thì khẽ thổi một tiếng tiêu. Trương-Siêu-Trọng bỗng giật mình, lại nghe dưới thuyền có tiếng tiêu nổi lên như đáp ứng lại.
Tào-Năng ngồi trên chiếc thuyền chưa rời khỏi bờ thấy cường địch tới uy hiếp thì bỗng trở nên luýnh quýnh. Đang phân vân chưa biết phải làm gì thì lại nghe người lái đò thổi lên một hồi tiêu thật dài.
Tào-Năng sợ toát mồ hôi, mặt không còn chút huyết sắc. Người lái đò dựng mái chèo trên mũi thuyền rồi quay lại nói lớn:
-Các người có muốn cùng ta tắm nước sông Hoàng-Hà một chuyến không?
Tào-Năng nghe giọng nói người lái đò nặng giọng Quảng-Đông bèn lơ mắt ngơ ngác nhìn hắn trừng trừng. Cùng lúc ấy, Tào-Năng lại nghe người lái đò ở thuyền bên kia cất lên tiếng ⬘ồ ề⬙, vừa hát vừa gõ nhịp:
Thái-Hồ tự thưở bé thơ,
Lẫy lừng mặt nước, bến bờ dọc ngang.
Giết người chẳng chút sờn gan,
Trừ quân ác bá tham quan răn đời.
Bữa nay trời cũng chiều người,
Đưa quân lính đến, thế thời càng hay!
Nước Hoàng-Hà... mộ chôn thây...
Cái quân gian tặc từ nay xong đời!
Này hỡi! Lũ bây ơi!
Nghe nội dung lời ca, Tào-Năng cả sợ, tinh thần hết sức rối loạn. Chưa kịp có phản ứng gì thì người lái đò bên kia cất tiếng gọi lớn:
-Thập-tam đệ! Mau lên! Còn chờ gì nữa?
Người lái đò bên này đáp lại:
-Phải rồi! Xem đây!
Tào-Năng cầm thương nhảy tới định đâm một nhát thì người lái đò đã nhảy xuống nước biến mất. Thuyền đang êm xuôi đột nhiên chao động dữ dội vì không có người điều khiển.
Rồi cả chiếc thuyền kia cũng bắt đầu chao động chẳng khác gì chiếc này. Cả hai chiếc thuyền đều bị dòng nước cuốn theo các đợt sóng dữ. Tào-Năng như hồn phi phách tán. Đám Thanh-binh trên cả hai chiếc thuyền đều hoảng hốt, kêu cứu vang trời đất. Rồi chỉ trong chớp nhoáng, cả hai chiếc thuyền đều lật úp lại, hất toàn bộ nhân mạng xuống sông Hoàng-Hà.
Tào-Năng cũng như đám Thanh-binh đều không rành thuật bơi lội nên chẳng bao lâu đã bị nước cuốn trôi đi hết. Chỉ có hai người lái đò là vẫn an nhiên như không, chỉ trong phút chốc đã bơi được vào bờ dễ dàng.
Bọn xạ thủ được lệnh bắn liền nả ra một loạt tên nhắm vào hai người ấy. Nhưng tên bắn ra chỉ là uổng phí vì cả hai người đều ở ngoài tầm tên cả, thành ra chưa tới nơi mà đã đồng loạt rơi cả xuống dưới đất. Kế đến, hai người như không biết sợ, thẳng đường tiến đến đám xạ thủ. Trương-Siêu-Trọng có lẽ vì quá thẹn nên liền ra lệnh ngừng bắn, mà cẩn thận trông chừng và chuẩn bị đợi lệnh. Dù sao thì Trương-Siêu-Trọng cũng cảm thấy mình may mắn vì nếu nghe lời Bình-Vượng mà xuống thuyền thì có lẽ giờ này đã về chầu thủy thần rồi. Nhưng có lẽ là Trương-Siêu-Trọng chưa ⬘tới số⬙ nên định mệnh mới xui khiến cho Tào-Năng chết thế cho Hỏa-Thủ Phán-Quan.
Định thần lại, Trương-Siêu-Trọng lớn tiếng hét lên:
-Bọn ngươi dọc đường giết bao nhiêu quan binh, tội nặng bằng non, khó mà thoát khỏi! Nói cho các ngươi biết, đã gặp Trương-Siêu-Trọng này thì đừng ỷ vào thế mạnh của Hồng Hoa Hội mà chết uổng mạng. Và cũng đừng mong ta sẽ lùi một bước trước các ngươi!
Người cầm quạt Nga-mao (#5) cả cười nói:
-Sợ hay không, cái đó tự lòng! Có ai bắt buộc Hỏa-Thủ Phán-Quan phải nói ra đâu?
Trương-Siêu-Trọng hỏi:
-Còn ngươi là ai? Làm gì trong Hồng Hoa Hội?
Nghe Trương-Siêu-Trọng hỏi, người ấy phá lên cười đáp:
-Ngươi khỏi cần phải hỏi tên họ ta làm gì! Chỉ cần xem món vũ khí này cũng đủ biết được tôi là ai rồi!
Dứt lời người ấy phóng xuống ngựa, quay lại nói với một thiếu niên đứng đàng sau:
-Tâm-Nghiện! Mau đem vũ khí ra đây cho ta!
Thiếu niên kia, tức thư đồng Tâm-Nghiện, liền mở bao lấy ra một tấm thuẫn bài trao cho người cầm quạt Nga-mao phe phẩy, tức Trần-Gia-Cách, Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội...
Chú thích:
(1-) Ngày nay gọi là "tư lệnh".
(2-) Ngày nay gọi là "tham-mưu trưởng".
(3-) Bất địch chúng: không đánh nổi số đông.
(4-) Kỳ khu: gập ghềnh, khấp khểnh.
(5-) Quạt Nga-ma: quạt làm bằng lông con thiên-nga.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui