Từ Thừa Vận khoác áo lính trên mình đã được mấy thập kỷ. Lúc bằng tuổi Cận Thời Xuyên đã đeo lon quân hàm thiếu tá hai vạch một sao.
Tam thập nhi lập. Là một người lính, cấp bậc là minh chứng cho năng lực. Nếu đã tính theo nghiệp này cả đời thì vị trí hiện tại rõ ràng không thể nào đủ để khiến ông hài lòng được.
Tất nhiên, cho dù bỏ qua chuyện này thì cái khiến ông thực sự không thể chấp nhận được nhất chính là việc thằng bé này là lính cứu hỏa, liên can đến việc phải xông pha chiến đấu để cứu người.
Ông chẳng thể nào trơ mắt nhìn nửa đời sau của con gái mình sẽ phải sống trong nỗi lo lắng, hãi hùng, cuối cùng là ở góa.
Thế nên, từ khi ông biết Cận Thời Xuyên là đại đội trưởng đội cứu hỏa, ông liền phản đối ngay. Tuy vậy, ông cũng thấy rõ Từ Lai thích thằng bé này đến thế nào. Tính tình con gái ông, ông hiểu. Cho dù có trói nghiến nó lại, nó cũng sẽ không chịu thôi.
Việc đã đến nước này, vậy cứ thử xem thử một chút trước đã, xem xem Từ Lai có nhìn nhầm người không.
“Sao hả? Không trả lời được à?” Cái muôi vẫn đảo thức ăn đều tay, Từ Thừa Vận cười gằn một tiếng, “Chưa chuẩn bị sẵn câu trả lời mà cũng dám đến, thực ra là cậu quá tự tin vào bản thân hay là thấy Từ Lai dễ lừa quá hả?”
Nói dứt lời, ớt chuông đỏ được cho hết vào trong chảo. Cận Thời Xuyên hoàn toàn không bị mấy câu của Từ Thừa Vận làm lúng túng, vẫn tự nhiên vui vẻ cầm lấy cái muôi trong tay Từ Thừa Vận.
“Để cháu cho.”
Từ Thừa Vận đứng dịch sang bên, mặt vẫn khó đăm đăm như trước, lặng lẽ quan sát Cận Thời Xuyên xào đồ ăn rồi quay người đi xem nồi cá hấp.
“Bác cũng là người lính, chắc thừa sức hiểu người lính tuyệt đối không biết cầu xin ai, cũng không có tài nói lời hay ý đẹp hay rót mật vào tai.”
Động tác xào đồ ăn của Cận Thời Xuyên vẫn không ngừng, rất thành thạo. Anh nghiêng đầu nhìn Từ Thừa Vận: “Hứa hẹn thì ai cũng có thể mở miệng nói được nhưng cuối cùng thực sự không có quá nhiều người làm được. Cho nên, nếu cháu có nói thì cháu tin là bác cũng khinh thường, chẳng thèm nghe, có khi còn cảm thấy cháu dối trá. Đã vậy thì cháu cần gì phải nói nữa.”
Món thịt xào ớt chuông đỏ nóng hôi hổi đã ra lò. Anh bỏ chảo nóng vào chậu rửa xả nước rồi nói tiếp: “Cháu đi lính được hơn mười năm. Từ lúc mặc áo lính đã không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa, chỉ sợ làm lỡ dỡ người khác, cũng rất sợ câu nói việc nhà việc nước không thể vẹn cả đôi đường.”
“Cuộc đời lúc nào cũng có rất nhiều chuyện ngoài ý muốn. Sự xuất hiện của Từ Lai chính là một chuyện ngoài ý muốn mà cháu không sao tính được.”
“Sự xuất hiện của em ấy đã phá vỡ mọi quy tắc cố hữu của cháu. Cháu đã từng trăn trở rất nhiều, cũng đã thử lùi bước nhưng cuối cùng cháu chọn trung thành với trái tim của mình.”
“Cháu yêu Từ Lai, không cách nào thôi được. Cháu đến gặp bác là bởi thật lòng hy vọng được bác chấp thuận nhưng nếu bác thực sự không tài nào chấp nhận cháu thì cháu cũng không còn biết nói gì hơn.”
“Có điều, cháu nhất định phải cưới em ấy.”
“Mạnh miệng phết nhỉ.”
Từ Thừa Vận gật nhẹ đầu.
“Nói thật lòng thôi ạ.” Cận Thời Xuyên tỏ vẻ rất nghiêm túc, nói như tuyên thệ, “Mong bác không làm Từ Lai phải khó xử. Bởi vì, về mặt này, cháu tuyệt đối sẽ không thỏa hiệp.”
Từ Thừa Vận đánh giá Cận Thời Xuyên. Lúc trước xem ảnh đã thấy thằng bé này không tồi, khôi ngô, tuấn tú hiếm có, tiếc là trong lòng vẫn lấn cấn chuyện nghề nghiệp của cậu ta. Giờ nghe cậu ta nói vậy rồi, dù vẫn chưa hẳn đã xuôi nhưng dựa vào con mắt nhìn người bao năm qua của ông thì thằng bé này quả thực rất được.
“Từ Lai xưa nay chẳng nói chuyện với bác được mấy câu. Cộng hết tất cả những câu con bé từng nói với bác trước đây cũng không nhiều bằng lúc nó nói về cháu với bác. Bác biết nó rất thích cháu, bác cũng không muốn làm một người cha ác độc làm gì. Thôi thì muốn bác đồng ý cuộc hôn nhân của hai đứa cũng được nhưng bác có một yêu cầu.”
Cận Thời Xuyên lau khô tay, nghiêm túc nhìn Từ Thừa Vận: “Bác nói đi ạ.”
Từ Thừa Vận thò tay tắt bếp bên chỗ nồi cá hấp kêu “tạch” một tiếng, đồng thời nói ra hai chữ: “Chuyển nghề.”
Cận Thời Xuyên nhìn Từ Thừa Vận, không nói một lời.
Từ Thừa Vận nói: “Bác không muốn cuộc sống sau này của Từ Lai luôn cứ phải lo lắng, sợ hãi. Hai đứa cứ nhất quyết phải lấy nhau thì cháu ít nhất cũng nên cho nó niềm tin về những ngày tháng sống yên ổn. Cháu chuyển nghề là cách tốt nhất. Có yêu nhau đủ nhiều hay không thì phải xem xem cháu có dám hy sinh vì nó không đã.”
Quả thực, lời Từ Thừa Vận nói rất có lý. Cận Thời Xuyên im lặng. Từ Lai đã từng phải lo lắng đâu chỉ một lần. Cho dù chuyển sang chỗ khác, dựa vào tính tình của mình, có lẽ anh vẫn sẽ chọn ở tuyến đầu.
Chuyển nghề đúng là cách hữu hiệu nhất nhưng bảo cởi áo lính thì anh…
Cận Thời Xuyên im lặng rất lâu, dường như đang hạ quyết tâm rất lớn và cũng có phần không cam lòng.
“Được ạ.”
“Không được.”
Hai giọng nói đồng thời vang lên. Tiếng “được ạ” là của Cận Thời Xuyên, “không được” là của Từ Lai.
Từ Lai đi đến trước mặt Cận Thời Xuyên nhìn chằm chằm vào anh: “Anh điên rồi à, điều kiện kiểu đó mà cũng chịu. Bảo anh cởi áo lính không phải là muốn mạng của anh hay sao?”
“Ừ, đúng là anh không nỡ cởi bỏ quân phục.”
Cận Thời Xuyên cúi xuống nhìn Từ Lai: “Nhưng anh càng không nỡ từ bỏ em. Từ Lai à, cởi quân phục rồi thì vẫn còn máu người lính đang chảy, một ngày là lính, cả đời là lính, thật đấy, đừng buồn.”
Anh quay sang nói với Từ Thừa Vận: “Thưa bác, cháu có thể đồng ý với bác sẽ chuyển nghề nhưng cháu mong bác cho cháu chút thời gian. Dưới quyền cháu còn có vài anh em đã đến tuổi. Cháu muốn được tiễn họ giải ngũ.”
Vừa dứt lời, Cận Thời Xuyên liền trông thấy sự vui vẻ ánh lên từ đáy mắt Từ Thừa Vận, anh chắc chắn không nhìn nhầm.
Thế nghĩa là…
Từ Lai không chịu để yên, cô nói với Từ Thừa Vận: “Cha ơi, cha cũng là người lính cơ mà, bảo cha cởi áo lính cha có chịu không chứ? Cha bảo vậy đâu có phải là cho anh ấy chọn lựa gì đâu, cha đang ép anh ấy đấy chứ, cha muốn làm con phải đau lòng cả đời.”
“Từ Lai à, cha cũng chỉ vì muốn tốt cho con thôi. Nếu cậu ta không chịu làm nghề khác, cứ nhất quyết làm cứu hỏa thì khi người ta chạy khỏi chỗ nguy hiểm, cậu ta lại xông vào.” Từ Thừa Vận nói với Từ Lai.
“Con bằng lòng cơ mà. Cho dù có một ngày anh ấy thực sự hy sinh vì đất nước, con cũng chấp nhận.”
Từ Lai nói với Từ Thừa Vận xong liền ngẩng đầu nhìn Cận Thời Xuyên: “Cận Thời Xuyên, mặc dù em luôn miệng bảo muốn anh sống lâu trăm tuổi, ở bên em đến lúc bạc đầu, muốn anh tiếc mạng mình nhưng em không cần anh phải ruồng rẫy tín ngưỡng của bản thân.”
“Từ sau hôm ở bệnh viện mà em tưởng là anh đã mất, từ bữa đó em đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng với chuyện bất cứ lúc nào anh cũng có thể sẽ không về được. Anh không cần phải nghĩ cho em. Anh vì nhân dân phục vụ. Em chờ đợi vì anh.”
“Hiểu chưa?”
“Từ Lai à.” Cận Thời Xuyên nhìn dáng vẻ kiên quyết của Từ Lai, bất đắc dĩ phải gọi, cô nàng kích động quá.
Từ Lai quả thực là kích động, nắm tay Cận Thời Xuyên, chẳng để ý đến ai, bắt đầu hờn giận: “Em đã bảo anh đừng đến rồi anh lại cứ đòi đến. Giờ bắt anh chuyển nghề rồi đó, anh vui chưa? Đi. Về thôi. Khỏi cần ăn cơm nữa…”
Vừa nói cô vừa túm Cận Thời Xuyên kéo đi, lại trông thấy anh đang cười vui vẻ bèn hỏi: “Anh cười cái gì chứ?”
“Lai Lai à, chờ chút nào.” Cận Thời Xuyên dịu dàng đổi cách gọi.
Không chỉ Cận Thời Xuyên mà đến Từ Thừa Vận cũng đang cười. Từ Lai ngơ ngác hẳn.
“Nhận ra khi nào thế hả?” Từ Thừa Vận hỏi Cận Thời Xuyên một câu không đầu không cuối.
Cận Thời Xuyên đáp: “Lúc cháu nói tiễn anh em đến tuổi giải ngũ, bác đã cười.”
Từ Lai càng nghe càng không hiểu: “Hai người có ý gì thế?”
Cận Thời Xuyên cười với Từ Lai: “Bác đang thử anh thôi, ai biết em tự dưng lại ở đâu chạy ra.”
“Cha.” Từ Lai nhìn về phía Từ Thừa Vận, “Cha bảo anh ấy chuyển nghề là… thử thôi hả?”
“Ừ.” Từ Thừa Vận nhắc chuyện chuyển nghề chỉ là muốn xem thử xem thằng bé này có thể vì Từ Lai mà từ bỏ giấc mộng đời lính hay không thôi. Rõ ràng là con bé Từ Lai này đã không chọn lầm người, ông cũng không nhìn lầm người.
Ông thu vẻ tươi cười lại, nói với Từ Lai: “Thế có còn đi nữa không?”
Từ Lai lắc lắc đầu, bối rối khụ mấy tiếng: “Nhiều đồ ăn thế này, một mình cha không ăn hết nổi đâu, lãng phí lắm.” Cô chạy lại tủ để bát, “Con đi sắp bát đũa nhé.”
Nhìn theo cô con gái và bạn gái, Từ Thừa Vận và Cận Thời Xuyên nở nụ cười, ăn ý cùng nhau dọn thức ăn ra bàn.
Bầu không khí lúc ăn coi như dễ chịu. Ít nhất thì vẻ mặt của Từ Thừa Vận đã ôn hòa hơn, nói những chuyện thường ngày, tuy không nhiều lời, tối thiểu thì cũng coi như có ý vui vẻ, hòa thuận.
Ăn cơm xong, Từ Thừa Vận và Cận Thời Xuyên vào phòng sách chơi cờ. Từ Lai đi rửa bát.
Rửa bát xong, Từ Lai cũng vào phòng sách. Hai người đều đang ngồi im phăng phắc, mắt nhìn chăm chú vào bàn cờ quân đen quân trắng. Từ Thừa Vận là quân đen.
Từ Lai cũng là kỳ thủ lành nghề, ván cờ này đã đi đến giai đoạn quyết định, chỉ hơi thiếu cẩn thận thôi là sẽ thua cả ván.
Cận Thời Xuyên kẹp một quân trắng hướng đến một góc. Từ Lai khẽ nhíu mày. Muốn thắng ván này thì anh phải đặt nó phía trên điểm hết khí, không được đặt ở bên trái.
Quân trắng hạ xuống, nhìn tổng thể ván cờ, Từ Lai thầm cười trong lòng, hòa rồi.
Không muốn thua cũng không thể thắng, đây đúng là cách tốt nhất, đúng là Cận Thời Xuyên!
Từ Thừa Vận cũng không ngờ cuối cùng lại hòa, mà thôi, thế cũng được.
Lát sau, Từ Thừa Vận nhận được cuộc gọi phải đi ra ngoài một lát. Từ Lai và Cận Thời Xuyên thu dọn bàn cờ, sau đó Từ Lai dẫn anh đi thăm phòng ngủ của mình, xem ảnh ngày xưa của cô rồi kể những chuyện gắn liền với những bức ảnh ấy.
“Thực ra chắc em cũng nhận ra là bác rất lo lắng, cũng rất quan tâm em.” Cận Thời Xuyên nói với Từ Lai.
Từ Lai cười bớt tươi đi một chút, giọng nói không còn hăng hái như mới rồi nữa: “Em biết chứ. Thực ra em cũng biết chuyện của mẹ là sự cố ngoài ý muốn, là thiên tai nhưng mà mỗi lần gặp cha là em lại nhớ lại ngày mẹ bỏ đi, nỗi lòng vừa giận vừa trách lại trào lên, em đâu có kiểm soát được.”
Cận Thời Xuyên ngồi xuống mép giường, kéo Từ Lai ngồi lên đùi mình, ôm chặt eo, tì cằm lên vai cô rồi mới thong thả nói: “Máu mủ tình thâm, cha em tuổi đã ngoài năm mươi, con trai con gái chẳng mấy khi ở bên, em không biết là mình tàn nhẫn lắm sao.”
“Em…”
“Trăm hay lấy hiếu làm đầu. Sau này con em cũng thờ ơ với em, em sẽ thấy thế nào?” Cận Thời Xuyên cười khe khẽ, “Em chỉ được cái cứng miệng, trong lòng thực ra cũng không trách mà, chỉ là cứ không chịu thôi.”
Từ Lai đưa tay xoa mái tóc ngắn của Cận Thời Xuyên, lườm anh một cái: “Anh nói như trải đời lắm ấy, lời lẽ hệt như ông già.”
Cận Thời Xuyên xiết chặt bàn tay, thủ thỉ dỗ dành: “Đối xử với cha thật tốt vào nhé?”
“Đã công nhận anh chưa?” Từ Lai dở khóc dở cười, “Cha cái gì.”
Cận Thời Xuyên chỉ lặng lẽ cười. Lúc nãy đánh cờ, anh đã nói với Từ Thừa Vận chuyện mình qua được kỳ thi, chờ thẩm tra chính trị xong, có quyết định thì sẽ chính thức chuyển đổi chức vụ.
Từ Thừa Vận đặt quân đen xuống, ung dung bảo: “Tôi giao con gái cho cậu, nhớ đối xử với nó cho tốt.”
Anh nghiêm túc đáp: “Nhất định, bác yên tâm ạ.”
“Cũng nên đổi xưng hô đi.”
“Vâng.” Cận Thời Xuyên đặt quân trắng xuống, ngẩng đầu lên nhìn Từ Thừa Vận, “Cha.”
Chú thích:
*Tam thập nhi lập: Khổng Tử nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ.” Nghĩa là: Ta tới mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi lập thân, lập nghiệp, bốn mươi tuổi không còn mê hoặc, năm mươi tuổi thì biết rõ sứ mệnh của mình, sáu mươi tuổi không còn chướng tai gai mắt, hiểu được mọi việc xảy ra quanh mình, bảy mươi tuổi mọi thứ đã thành bản năng nên có nói hay làm gì cũng đều hợp đạo, không ra ngoài khuôn khổ đạo lý. Vậy nên, ở tuổi 30 thì con người cần phải có nghề nghiệp, đã ổn định, có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình và đã xác định được vị trí của mình trong xã hội. (Nguồn: link)
*Thịt xào ớt chuông đỏ 红椒炒肉
*Điểm hết khí: Khi một quân cờ được đặt xuống bàn, nó có 4 khí khi nằm khoảng giữa bàn cờ, nằm trên biên thì có 3 khí, nằm ở góc có 2 khí. Khí là giao điểm nằm sát quân cờ theo đường ngang dọc. Điểm hết khí là giao điểm đã bị đối phương vây kín. Trong cờ vây, quân đen được đặt quân trước, việc tính toán để hòa cờ khá là khó khăn. Đọc thêm về cờ vây tại link.
*Trăm hay lấy hiếu làm đầu: Câu gốc là 百行孝为先 (bách hạnh hiếu vi tiên). Ở đây mình đã sử dụng câu thơ “Trăm hay lấy hiếu làm đầu” trong bài “Hiếu hạnh” thuộc tập Bạch Vân gia huấn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để thay thế. Nguồn: thivien. Bài thơ có đoạn viết:
“Trăm hay lấy hiếu làm đầu,
Vạn điều ác cũng khơi mào từ dâm
Dành sách cho con cháu là quý
Nhưng dễ đâu họ đã đọc cho.
Dành vàng cho họ đầy kho,
Chắc đâu họ đã giữ cho lâu bền.
Chi bằng tích đức liền liền,
Mới là cái kế lâu bền về sau”