Buổi chiều, Nhiếp Chấn Hoành chơi với cô nhóc một lúc lâu, chờ bà Cam mua đồ xong đón cháu về, thì anh cũng tiện thể đóng cửa hàng luôn.
Nếu hỏi làm ông chủ có chỗ nào hay, thì đấy là có thể tự quyết định mình sẽ tan làm vào lúc nào.
Nhiếp Chấn Hoành đi chéo qua bên kia đường mua đồ ăn về.
Tới nhà, anh làm hai món mặn một món chay, giải quyết xong bữa tối, còn có đồ thừa để bữa sau.
Căn nhà anh mua từ ngày xưa này cũng không quá nhỏ, có ba phòng ngủ một phòng khách.
Đấy là do mẹ anh khuyến khích mua, bà bảo mua rộng một tí, sau có con cái cũng tiện.
Hồi đấy chân Nhiếp Chấn Hoành còn chưa bị thương, chẳng qua anh bận rộn kiếm tiền suốt ngày, không thấy tăm hơi người yêu người đương đâu.
Nhưng vì không chịu nổi việc cứ phải nghe mẹ càm ràm, nên anh đã mua một căn hộ lớn.
Giờ căn hộ hơn trăm mét vuông chỉ có mình anh sinh sống, ngã một cái là nghe vang khắp nhà.
Cơm nước xong, Nhiếp Chấn Hoành đi qua ngồi xuống sofa.
Nghe tiếng Bản Tin Thời Sự phát trên TV, anh duỗi tay lấy lọ dầu bóp trên bàn nước, đổ vài giọt vào lòng bàn tay, ủ cho nóng rồi bôi lên mắt cá chân trái.
Ban ngày vừa bế trẻ con vừa chạy chơi, hoạt động bên chân này nhiều, vết thương cũ lại bắt đầu đau nhâm nhẩm.
Anh thoa dầu thuốc lên xương mắt cá cực kỳ thuần thục, tới khi Bản Tin Thời Sự kết thúc, anh mới đeo dép vào lần nữa, vào phòng bếp rửa tay, tiện thể rửa bát luôn.
Trong cùng tòa nhà ấy, ở lầu dưới xeo xéo với nhà Nhiếp Chấn Hoành, một cậu thanh niên đang chậm chạp mở cánh cửa đã bị gõ rõ lâu ra.
“Anh ở nhà ạ, em còn tưởng nhà mình không có ai cơ.”
Nhân viên giao đồ ăn gãi đầu, đưa hộp cơm mình đang cầm cho chủ nhà.
Cậu ta liếc thấy một đống hộp ăn xong còn chưa kịp vứt kế cửa, miệng không khỏi hé ra.
“Anh…” bị tật ở chân nên đi lại khó khăn à?
Nhân viên giao đồ ăn rất giỏi tưởng tượng lung tung, cậu ta tốt bụng hỏi, “Anh có muốn em vứt rác hộ không?”
Lâm Tri sửng sốt, liếc mắt theo hướng nhân viên ship hàng đang nhìn.
Cậu suy nghĩ mấy giây, nhưng cũng không từ chối.
“Ồ.
Cảm ơn.”
Cậu mà bắt tay vào vẽ, là rất dễ quên khuấy mất thời gian.
Thi thoảng buông bút xuống thì đêm đã khuya lắc khuya lơ, cậu nghĩ bụng mai phải nhớ mà đi vứt rác.
Kết quả hôm sau thức dậy cầm bút lên, cậu lại quên tiệt mất.
Trước kia… mẹ toàn nấu cơm cho cậu, vứt rác giúp cậu.
Nhân lúc gã đàn ông kia không có nhà, mẹ còn kéo cậu ra ngoài đi dạo, đi xem triển lãm tranh với cậu nữa.
Cậu… cậu chẳng cần nghĩ về điều gì khác cả.
Nhớ đến mẹ, bầu không khí xung quanh Lâm Tri chùng hẳn xuống, đôi mắt vốn không có mấy ánh sáng lại càng u tối hơn.
Nhân viên giao đồ ăn chỉ cảm thấy một làn khí lạnh khó tiếp cận tản ra từ người này, vội khom lưng xách túi rác kia lên rồi chạy xuống lầu.
Xuống được nửa cầu thang, cậu ta mới nhớ ra để gào vọng lên, “Phiền anh đánh giá tốt 5 sao cho em nhé ạ!”
Chẳng thấy được mặt nhau, nhưng Lâm Tri vẫn gật đầu, tựa cửa mở phần mềm đặt đồ ăn ra.
Cậu nghiêm túc ấn năm ngôi sao vàng nho nhỏ.
*
Hôm sau thức dậy, chân Nhiếp Chấn Hoành đã không còn đau nữa.
Anh xem giờ, phát hiện đã gần đến giữa trưa, nên cũng chẳng vội xuống lầu mở tiệm, mà tập thể dục ở nhà một lát, rồi giải quyết bữa trưa.
Tuy một chân hơi tật, nhưng những bộ phận khác trên cơ thể Nhiếp Chấn Hoành vẫn rất khỏe mạnh.
Bác sĩ ngày xưa làm phẫu thuật cho anh từng dạy anh mấy bài tập phục hồi chức năng, Nhiếp Chấn Hoành luôn thực hiện những bài tập ấy chung với mấy động tác bình thường như chống đẩy, gập bụng.
Dù gì giờ anh đã thế này rồi, về già sẽ càng khó khăn hơn.
E là lúc già anh còn phải mua xe lăn, nếu giờ không tập luyện cho người ngợm khỏe khoắn một tí, thì sau này một mình lẻ loi hiu quạnh, sẽ lại càng khổ hơn.
Đây là nguyên văn lời bà Nhiếp nói với anh.
Bà Nhiếp từng sống chung với Nhiếp Chấn Hoành ở đây một thời gian để tiện chăm sóc con trai.
Nhưng về sau thấy Nhiếp Chấn Hoành suốt ngày biếng nhác lợn chết không sợ nước sôi, cũng chẳng thèm tìm người yêu người đương, bà nói mãi mà anh không chịu thủng, nên cáu quá dọn về nhà con gái ở luôn, coi như mắt không thấy tim đỡ phiền.
Nhiếp Chấn Hoành chỉ ước chi mẹ mặc kệ mình, nhưng trong lòng thì vẫn nghe thấu lời cằn nhằn của mẹ, thường hay tập tành vận động trong nhà.
Tuy anh chẳng trông mong chân mình lành lại được, nhưng bét ra cũng không thể trở thành lão bụng phệ như ông hàng xóm Vương Kim Bảo được.
Thế thì lại mất mặt quá.
Ăn xong bữa trưa, Nhiếp Chấn Hoành mới từ tốn xuống lầu.
Lúc đi qua tầng 2, anh thoáng thấy hộp cơm vẫn còn chưa bóc tem ngoài cửa, không khỏi lắc đầu.
Nếp sinh hoạt của cậu nhóc ngố kia chẳng lành mạnh gì cả.
Ru rú trong nhà vẽ tranh hết cả ngày thì cũng thôi, nhưng hình như hôm nào cũng ăn cơm hộp, thời gian các bữa còn chẳng theo quy luật gì.
Thi thoảng anh dọn quán về trễ, tới nhà rồi mà vẫn thấy cơm hộp Lâm Tri gọi từ trưa để ngoài cửa, chưa được ai mang vào.
Nhiếp Chấn Hoành không phải là kiểu thích ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
Nhưng chẳng rõ tại sao, tưởng tượng đến cái vẻ ngáo ngơ đủ đằng của Lâm Tri, và cả đôi mắt không có ánh sáng của cậu, anh lại không kìm nổi lòng mình mà nảy sinh mấy suy nghĩ vu vơ.
Tuổi còn trẻ, mà lại giống cụ già sống trong thế giới riêng hơn cả anh, không có người thân nào quan tâm cậu ta hay sao?
Nhưng anh cũng chỉ giữ suy nghĩ vu vơ ấy trong lòng mà thôi.
Họ chẳng thân quen gì với nhau, Nhiếp Chấn Hoành cũng không tốt bụng được như Trương Thúy Phương.
Cho nên lần này anh cũng chỉ nhìn lướt qua hộp cơm ngoài cửa rồi xuống lầu mở tiệm.
Vào các ngày thường trong tuần, lượng khách của tiệm sửa giày đều chỉ vầy vậy.
Dù gì hầu hết mọi người còn phải đi làm sáng đi chiều về, chỉ có một số cụ già đã nghỉ hưu là mang đồ cần sửa qua vào ban ngày thôi.
Nhiếp Chấn Hoành sửa lại khóa kéo bị hỏng trên túi da giúp một bác gái, rồi lại đánh hai chìa sơ cua cho chiếc xe đạp điện mới của cậu nhân viên ship hàng.
Lúc rảnh rang pha một tách trà, anh thấy bà Cam dắt đứa cháu gái đi từ đầu đường bên kia đến tiệm anh.
“Tiểu Nhiếp à…”
Giọng bà cụ hơi yếu, bà vừa mở miệng là ho mấy cái liền.
“Bà ơi, bà cảm lạnh ạ?”
Nhiếp Chấn Hoành vừa đun nước xong, lấy một cốc khác ra pha trà đưa cho bà Cam, “Bà uống miếng nước giải khát ạ.”
“Có sao đâu có sao đâu, hôm qua bà phơi tí gió thôi.”
Bà cụ xua tay, nhưng cũng không từ chối ý tốt của Nhiếp Chấn Hoành, cầm cốc lên uống một ngụm.
“Bà đừng chê cháu nặng lời.
Nhưng giờ còn đang rét tháng Ba, bà nên mặc nhiều hơn ạ, đừng để bị cảm.” Nhiếp Chấn Hoành vừa nói, vừa xoa đầu cô bé để tóc thắt bím đằng sau bà, “Khả Khả còn phải trông chờ bà chăm sóc tới lúc lớn đấy ạ.”
“Ừ, bà biết rồi.”
Bà Cam cũng biết Nhiếp Chấn Hoành có ý tốt, nụ cười nở trên gương mặt bà, có điều những nếp hằn do biến cố gia đình mấy năm trước vẫn còn rất sâu.
“Con yên tâm, bà già này vẫn còn sức, phải chờ Khả Khả nhà bà lớn rồi lấy chồng nữa chứ.”
Bà nhìn đứa cháu thơ ngây ngô, lại tự trách bản thân, “Hầy, nếu không phải tại ngày xưa bà cứ đòi lên thành phố ở, thì bố mẹ nó cũng không phải đi xe đường dài để tích tiền mua nhà… Vợ chồng son chúng nó nỡ lòng nào ra đi dứt khoát quá, kẻ đáng chết như bà còn phải ở lại đây chuộc tội…”
“Bà Cam, bà còn nghĩ thế nữa là cháu phải mắng vốn bà đấy ạ!”
Nhiếp Chấn Hoành cố ý nghiêm mặt lại, “Đáng chết là thế nào? Tên say rượu lái xe gây tai nạn kia mới đáng chết chứ.
Con trai con dâu bà hiếu thảo với bà, giờ Khả Khả cũng ngoan thế này, sau này bà sẽ được hưởng phúc thôi ạ! Bà đừng nói những chuyện hẩm hiu mãi thế, con nít nghe được lại không hay.”
Thật ra bà cụ cũng hiểu cái lý ấy.
Phải tội có tuổi rồi, người ta hay thích nghĩ ngợi nhiều.
Nghe được những lời nói đượm vẻ quan tâm của Nhiếp Chấn Hoành, nỗi buồn đau trong lòng bà cũng tiêu tan.
Đúng vậy, con trai con dâu đều đi rồi cả rồi, nhưng bộ xương già này hẵng còn sống được mươi hai mươi năm nữa.
Giờ điều quan trọng nhất là phải nuôi nấng cháu gái yên ổn tử tế.
“Tiểu Nhiếp, cảm ơn con nhé.”
Bà Cam móc mấy tờ tiền ra khỏi túi, “Con có lòng thơm thảo, bình thường bà và Tiểu Khả được con quan tâm đỡ đần nhiều thì thôi, con còn bán miếng lót giày hộ bà nữa chứ…”
Nhiếp Chấn Hoành vừa thấy số tiền kia, là biết ngay tại sao hôm nay bà Cam lại tới đây.
Bàn tay chằng chịt nếp nhăn của bà Cam túm lấy Nhiếp Chấn Hoành, kiên quyết nhét tiền vào lòng bàn tay anh.
“Con có bán được mấy đôi lót giày đâu, mà nhét nhiều tiền cho Khả Khả như thế làm gì? Con lấy về đi, hai bà cháu bà còn chưa tới nỗi không sống nổi mà…”
Dù sao Nhiếp Chấn Hoành cũng là đấng mày râu, anh muốn né là né được ngay thôi.
Nhưng thấy thái độ của bà cụ cứng rắn như thế, anh đành phải cầm tiền trước đã.
“Bà ơi, bà hiểu lầm cháu thật rồi,” anh chỉ về phía cái móc sắt treo trên tường, “Sao lại không bán được lót giày hở bà?”
Có rất nhiều đồ vật linh tinh được treo bằng những cái kẹp nhỏ, nào là tất, móc chìa khóa, dây lưng, vân vân.
Đấy đều là những món đồ bán kèm trong tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành.
Thi thoảng khách đến sửa giày thì tiện thể mua luôn.
Trên giá treo tường, có vài cặp lót giày vừa nhìn đã biết là hàng thủ công.
Chỉ thêu sặc sẽ vẽ nên những hoa văn đa dạng trên miếng lót giày, có hoa mẫu đơn diễm lệ đua nở, cũng có hoa văn tượng trưng điềm lành như ý.
Đôi nào cũng được khâu vá tỉ mỉ bằng từng đường kim mũi chỉ.
Để làm ra một cặp lót giày thế này, nhanh cũng phải ba bốn hôm, tốn cả vạn mũi kim.
Mỗi một đôi lót giày đều được bọc cẩn thận bằng bao nilon trong suốt, còn ghi cả size bằng bút dạ.
Chẳng qua, hoa văn trên những miếng lót giày kia đều quá cổ lỗ và quê mùa, không còn theo kịp trào lưu thời trang bây giờ.
Nhiếp Chấn Hoành gõ lên giá treo tường mấy lần, “Bà nhìn này, lần trước bà mang qua cho cháu mười đôi, giờ chỉ còn 5 đôi thôi đấy.
“Hôm qua đúng dịp Khả Khả sang bên này, nên cháu gửi tiền bán 5 đôi cho con bé trước.” Anh quơ quơ chỗ tiền mình đang cầm, “Giờ bà lại trả về cho cháu, làm thế sao được bà ơi?”
Thấy bà cụ có vẻ đã xuôi xuôi, đang nghiêm túc đếm số cặp lót giày trên tường, Nhiếp Chấn Hoành mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh vẫy tay gọi Cam Khả Khả vẫn luôn im thin thít đằng sau bà cụ tới cạnh mình, lại nhét tiền vào cái túi đeo chéo nho nhỏ của con bé.
Anh nói với bà Cam, “Tiền này bà cực khổ kiếm được.
Bà không cần, thì cũng phải để Khả Khả nhà mình dùng chứ ạ?”
Có lẽ hôm qua về nhà con bé đã bị bà sạc cho một trận, nên hôm nay trông không được hoạt bát lắm.
Nhưng nghe Nhiếp Chấn Hoành nói vậy, bé lại ôm túi lén cười thầm.
Bé không hiểu cung cách lòng vòng quanh co của người lớn, bé chỉ biết chú Nhiếp bảo tiền này là do bà kiếm được, nên bé thoải mái nhận thôi.
Nhiếp Chấn Hoành vụng trộm đóng ngăn kéo dưới bàn làm việc đằng sau mình chặt thêm chút nữa.
Trong đấy còn giấu mấy đôi lót giày, không thể để hai bà cháu nhìn thấy được.
Bà Cam nghiêm túc đếm xong số lót giày trên tường, thầm thở phào trong lòng.
Nhưng ngoài miệng bà vẫn nói cứng, “Nhưng cũng làm gì nhiều bằng số tiền con nhét cho nó! Lót giày của bà một đôi có vài tệ bọ, con đưa gần 100 tệ rồi!”
“Bà ơi, giờ là thời nào rồi ạ? Giá hàng hóa lên nhanh lắm, bà xem sạp rau của Lão Chu nhà bên kia, nửa ký rau còn được bao nhiêu tiền ấy!”
Nhiếp Chấn Hoành trợn mắt nói dối, “Cháu quyết định lấy giá mấy miếng lót này đắt hơn, nhưng vẫn có người mua đấy ạ.
Tụi trẻ bây giờ chịu chi lắm, bà ơi, bà đừng có lo ạ.”
“… Vậy à.”
Bà cụ cũng hơn 60 tuổi rồi, không theo kịp thời đại, đến cả di động bà dùng vẫn là loại bấm nút.
Nghe Nhiếp Chấn Hoành nói có sách mách có chứng như thế, bà cũng tin là thật ngay.
Chi phí làm lót giày không cao, chỉ tốn tiền vải bông và kim chỉ thôi.
Nhiếp Chấn Hoành để giá cao là có thêm lợi nhuận, bà Cam vui lắm, nhưng tay lại giựt cái túi nhỏ mà đứa cháu đang ôm, mở ra đếm lại tiền.
“Tiền kiếm thêm cũng là nhờ công lao của con, con còn dành chỗ bán hàng giúp bà.
Kiểu gì thì kiểu, con cũng phải cầm một nửa về!”
“Ôi bà ơi bà à, bà đừng chi li với cháu như thế chứ!”
Nhiếp Chấn Hoành hơi đau đầu.
Bà Cam tốt đủ đằng, phải tội giàu lòng tự trọng quá, hay chi li mấy chuyện ơn ai huệ gì, không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác.
Anh túm chiếc túi của cô bé, lại kéo khóa lại, đoạn vỗ mu bàn tay bà cụ, “Quán cháu to thế này, có bán được lót giày cho bà không cũng chẳng ảnh hưởng đến việc làm ăn nhà cháu đâu ạ.
Biết đâu nhờ bà nên cháu mới có thêm khách ấy chứ, bà đừng bận tâm mấy việc lắt nhắt này nữa mà.
“Nếu bà cứ tính toán chi li như thế, thì lần tới bà mang canh sang cháu cũng chẳng dám uống đâu!”
Bà cụ sống cùng đứa cháu gái trong một căn nhà trệt ở đoạn đường thuộc khu tập thể cũ.
Chỗ đấy có một tiệm may, chủ nhà là một bà góa, cũng có một căn trong khu nhà của xưởng máy móc.
Thấy hai bà cháu đáng thương, nên dì đã để lại căn phòng đằng sau cho hai người ở.
Bình thường bà Cam phụ việc là ủi khâu vá trong tiệm may, coi đấy như tiền thuê nhà, tiện thể kiếm chút học phí cho cháu gái.
Hàng xóm láng giềng xung quanh đều biết tình cảnh nhà hai bà cháu, bình thường hay quan tâm giúp đỡ, bà Cam cũng có qua có lại.
Thi thoảng nhà có dôi ít tiền, bà sẽ mua ít thổ sản trên núi, tự nấu mấy món, sau đấy chia cho những láng giềng mình quen biết mỗi nhà một phần.
Bà Cam thấy Nhiếp Chấn Hoành nằng nặc từ chối, nên cũng không cố chấp nữa.
Bà lại thành tâm cảm ơn vài câu, rồi mới dắt tay cháu gái định về.
Nhưng trước khi đi, bà lại nhớ đến một chuyện khác.
“À đúng rồi Tiểu Nhiếp, hôm qua Khả Khả mang một bức tranh về nhà, nói là một anh nào đấy tặng nó, cháu có biết không?”
Bà cụ không được học hành, nhưng cũng cảm thấy bức tranh kia khá đẹp.
Bà sợ cháu mình nói dối, trộm từ nhà nào, hình thành thói xấu ăn cắp vặt.
Cam Khả Khả nghe bà hỏi thế, vội lén kéo vạt áo của Nhiếp Chấn Hoành.
Nhiếp Chấn Hoành cười vỗ đầu cô bé, để bé yên tâm, rồi lại dẫn bà Cam ra ngoài cửa tiệm, chỉ tay lên một chỗ xeo xéo trên đầu bà cụ.
“Đây, cậu ấy tặng đó ạ.”
Trên ban công, cậu thanh niên thường hay nhìn giá vẽ đăm đăm lạ thay lại không ngẩn người, mà đang bưng một bát cơm, tựa người bên lan can.
Cậu đang nhai thức ăn, má phồng thành hai cục tròn xoe.
Thấy ba người dưới lầu bỗng nhiên nhìn về phía mình, cậu cứng đờ bất động như phản xạ có điều kiện.
Y hệt đang nghe lỏm thì bị bắt quả tang vậy.
—
Nha Đậu:
Tri Tri: …Chít?.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...