Thọ Khang Bảo Giám


* Triệu Hồng Bảo nói:– Tiết chế sắc dục, nói dễ dàng, chưa chắc làm được! Một niệm vừa sơ sẩy, lỡ bị chìm đắm, sẽ khó thể quay lại.

Mỗi niệm đều phải kiên nhẫn, ngay trong khi cảnh đột ngột thay đổi, [mà vẫn có thể giữ vững ý niệm], chỉ có cách là trong thường nhật, hãy thường xem giáo huấn của những bậc tiên triết[29], đặt những câu cách ngôn [của họ] quanh chỗ ta ngồi.

Giữ tâm thanh tịnh, ít ham muốn.

Đối với lễ nghĩa, pháp luật, nhân quả, hãy tin tưởng chắc thật, chẳng ngờ vực.

Ngẫu nhiên tà niệm dấy động, hãy lập tức thống thiết đoạn trừ.

[Làm được] như thế, đối trước cảnh, sẽ có thể tự dũng mãnh tỉnh ngộ.

Còn như trong lúc nam nữ giao tiếp, hãy tận lực tránh xa những điều tỵ hiềm “buộc dép trong ruộng dưa, chỉnh mũ dưới gốc mận”.

Dẫu là kẻ hết sức thân thiết sâu đậm, nhất định là cần phải phân định trong ngoài rõ ràng.

Mỗi lời nói, mỗi tiếng cười, chớ nên cẩu thả.

Vọng tâm sẽ tự nhiên chẳng bén mầm nữa! Đấy chính là phương pháp sửa đổi, gạn lọc tận nguồn gốc vậy.* Phàm nhân dễ bị sa chân sảy bước nhất khi đối trước nhan sắc xinh tươi.

Trong khoảnh khắc bỗng dưng khó thể kiềm chế [cái tâm ham muốn], hãy thử nhắm mắt, chẳng dòm, giữ cho tấm lòng chẳng loạn.

Bất quá có thể giữ vững ý niệm trong giây phút đó, [sẽ vì thế] mà có thể đỗ đạt cao, có địa vị vinh hiển, vẻ vang cha ông, để lại phước cho con cháu.

So với những kẻ nửa đời vẫn đèn xanh, quyển vàng[30], và những kẻ tích lũy công đức theo kiểu khác, [phương pháp tích đức bằng cách khắc chế lòng dục] sẽ là đỡ tốn sức mà công to.

Sao lại khổ sở vì sự hoan lạc trong khoảnh khắc, vứt bỏ công danh suốt cả một đời, chuốc lấy sự độc hại suốt kiếp? Nếu chẳng kiềm chế nghiêm ngặt, phóng túng tình ý, [rốt cuộc] kẻ phấn trắng mày xanh (mỹ nữ) chớp mắt đã thành không, nhưng ta do vậy mà giảm thọ, giảm lộc, mất mạng! Lại còn mạng đáng hưởng phú quý, [do dâm tà mà] đổi thành bần tiện; đáng nên có con, do bị trừng phạt, nên không có người nối dõi, vợ con mắc phải báo ứng dâm dật, con cháu bị báo ứng khốn cùng, đủ mọi nỗi ác nghiệp, chẳng phải chỉ có một! Ôi! Có hối thì đã muộn màng!* Người hiện thời trong cuộc sống thường nhật đều chẳng biết cẩn trọng [đối với ngôn ngữ, hành vi].

Hoặc là vợ chồng cợt nhả, giỡn hớt trước mặt con cái, hoặc nuôi tiểu thiếp bôi son trát phấn, hoặc bỏ mặc vợ rong chơi bên ngoài, hoặc tôi tớ phạm lỗi gian dâm chẳng nghiêm cấm, đủ mọi lẽ không nghiêm túc, lấy gì để giữ yên nhà cửa? Nếu bớt ham muốn, giữ tâm trong sạch, nói cười chẳng cẩu thả, trong ngoài phân định rõ ràng, phòng ngừa đúng pháp, trong chốn khuê môn, đối đãi cung kính với nhau như khách, sẽ chẳng khiến cho người khác yêu kính ư?* Diêu Đình Nhược nói:– Người đời nay chỉ riêng mình không dâm, sẽ chỉ thành tựu sự nghiệp của chính mình.

Sao bằng một khuyên mười, mười khuyên trăm, trăm khuyên ngàn vạn, lại còn truyền bá đến đời sau vô cùng, để cùng chứng thiện quả ư? Giống như vãi hạt giống, một thưng hạt rơi xuống đất, thâu hoạch tính bằng thạch[31].

Gieo vô cùng, sanh trưởng cũng sẽ vô cùng, nhưng cần phải siêng gieo, đừng bỏ ruộng hoang.

Lại như thắp đèn truyền nhau, một ngọn đèn đã thắp, ngàn ngọn đèn sẽ đều được thắp.

Đèn vô lượng, quang minh cũng vô lượng, nhưng đèn ấy phải do ta truyền [tiếp tục thắp sáng], đừng vì ta mà diệt.

Chỉ sợ kẻ chẳng thật tâm gắng sức khuyên lơn mà thôi! Nếu nói “khuyên người ta, người ta chẳng thuận theo” [để rồi không làm], tức là giống như gieo hạt, nhưng hạt chẳng sanh, truyền đăng mà đèn chẳng sáng, có lẽ ấy hay chăng?* Vương Đại Khế hỏi Liên Trì đại sư: “Đệ tử tự xem bài văn Giới Sát của thầy, bèn ăn chay trường.

Chỉ có điều sắc tâm hừng hực, chẳng thể diệt trừ, xin thầy hãy phương tiện răn dạy, khiến cho con quán [tai họa của] dục lạc cũng thê thảm giống như sát sanh”.

Sư đáp: “Sát là chuyện đau khổ.

Vì thế, dễ diễn tả tình trạng thê thảm.

‘Dục’ là chuyện vui, nên khó thể diễn tả nỗi thảm khốc.

Nay tôi nêu một thí dụ.

Công khai bỏ thuốc độc trong thức ăn dở tệ, đó là nỗi thảm độc của sát.

Ngấm ngầm bỏ thuốc độc trong thức ăn ngon, đấy là sự thảm độc của dục.

Người có trí suy nghĩ [sẽ hiểu rõ]”.* Phàm nhân hễ thấy sắc đẹp, bèn dấy tà tâm, các thứ ác tâm đều sanh.

Ác tâm sanh, lương tâm chết ngắc! Chỉ có điều khi tà niệm đột ngột phát khởi, chẳng thể khống chế, hãy nghĩ đến một chữ Chết, hoặc nghĩ thân mình đang gặp chuyện hoạn nạn, khó khăn, [tà niệm] ắt sẽ nhạt bớt rồi ngưng dứt.

Nếu không, hãy nghĩ người nữ ấy sau khi chết đi, thịt rữa, xương mục, hôi thối chẳng thể gần được.

Sắc tướng trước mắt không gì chẳng phải là huyễn cảnh, ắt sẽ giật mình, tỉnh ngộ.Nếu không, hãy nghĩ ta do yêu thương cô này, mà hủy hoại danh tiết của cô ta, tức là ta nhơ bẩn như phân đất.

Giữ vẹn danh tiết cho cô ta, danh tiết ấy quý như châu ngọc, hãy nên thương xót, thành toàn cho cô ta.

Do càng yêu thương, càng chẳng nỡ lòng ô uế cô ta.

Như thế, ắt sẽ sanh lòng kính trọng nghiêm túc.

Nếu không, hãy nghĩ: Ta do mong cầu hoan lạc chốc lát, mà hao tổn công danh, giảm mất phú quý, giảm bớt thọ mạng của chính mình, không kẻ nối dõi, thanh danh bại hoại, đều do vì chuyện này.

Như thế, ắt sẽ mạnh mẽ tỉnh ngộ!Nếu không, hãy nghĩ: Cái tâm hổ thẹn, ai nấy đều có.

Phụ nữ thất tiết, chỉ vì mê muội nhất thời, tới khi bị cha mẹ, anh, em chán ghét, bị bố mẹ chồng và chồng ghét bỏ, bị xóm giềng, thân tộc chê cười, sẽ thường hối hận không kịp, ngậm oán hờn, mất mạng! Hoặc do chung đụng bừa bãi mà đọa thai, mẹ lẫn con đều chết, oan hồn trong chốn tối tăm há chịu bỏ qua [kẻ đầu sỏ gây ra nỗi oan nghiệt] ư? Nghĩ như thế, ắt sẽ hoảng hốt, kinh sợ [nguội lạnh lòng dâm].Nếu vẫn chưa được, hãy nghĩ: Nữ nhân dan díu sau lưng chồng, tức là hạng phụ bạc, nhẫn tâm, quá mức tàn độc [đối với chồng], còn nói chi đối với người ngoài ư? Hãy nên coi [kẻ nữ ấy] như sài lang, xem như rắn rết, coi như quỷ sứ câu hồn, coi như oán gia đời trước.

Như thế, ắt sẽ kinh sợ, kiêng dè!Trông thấy con gái của người ta, hãy nghĩ: [Nếu dâm loạn cô ta], sẽ giống như kẻ ác xâm phạm con gái của chính mình.

Trông thấy vợ người ta, phải tưởng như sợ kẻ khác dâm ô vợ mình.

Ai nấy lúc vừa mới động niệm, hãy tự răn nhắc sâu xa: “Ta dâm loạn vợ con người ta; nếu vợ con ta cũng bị kẻ khác dâm ô thì biết làm sao?” Vừa đối diện [nữ nhân], bèn tưởng như vậy, cái tâm [tà dâm] ấy sẽ tự nhiên diệt mất.


Đấy chính là món thuốc dập tắt lửa [dục vọng] nhanh chóng nhất! Hơn nữa, xâm phạm con gái người ta, có bao giờ con gái của chính mình chẳng bị kẻ khác xâm phạm! Ô nhục vợ người ta, vợ mình có bao giờ chẳng bị kẻ khác vấy bẩn? Chẳng cần phải tìm bằng chứng từ thời cổ, hãy xem khắp những chuyện báo ứng trong thời gần đây, [sẽ thấy] đạo trời đúng là chẳng sai mảy may!Thấy những kẻ dâm dật đã phải chịu báo ứng, ai nấy đều như thế, sẽ biết kẻ dâm loạn mà chưa bị báo ứng, ai nấy rồi cũng sẽ như thế.

Thơ cổ có câu: “Khuyến quân mạc tá phong lưu trái, tá đắc khoái lai, hoàn đắc khoái.

Gia trung tự hữu đại hoàn nhân, nhĩ yếu lại thời, tha bất lại” (Nợ phong lưu khuyên chàng chớ mượn, mượn đã nhanh rồi, trả chóng hơn.

Người nhà sẽ phải nai lưng chịu.

Anh muốn khoan đền, họ chẳng dung), lời ấy chí lý thay! Gọi tỉnh chẳng ít những kẻ đang say mộng!* Ngô Trạch Vân nói:– Con người sau khi được thừa hưởng khí chất [từ cha mẹ], đã thành hình, điều quan trọng nhất, không gì bằng sanh mạng.

Nhưng nếu chưa thể dưỡng sanh[32], làm sao biết bảo toàn sanh mạng cho được? Đã biết bảo toàn tánh mạng, sẽ có thể dưỡng sanh, đấy là nguyên lý chẳng thay đổi.

Lòng người gần đây chẳng bằng thời cổ, phong tục mỗi ngày một tệ hơn.

Trong những cái gây tàn hại nặng nề nhất đối với sanh mạng của con người, không gì to bằng sắc! Sắc ví như đao bén, chạm đến sẽ bị tổn thương.

Sắc ví như chất độc từ chim Trấm, uống vào ắt tiêu đời! Tuy nam nữ kết hôn, chẳng trái nghịch nhân luân, nếu chẳng biết đến nghĩa lý tiết chế tình ái, nỗi sầu mất mạng vẫn ẩn trong đó, nhưng người đời cứ thấy là chuyện ngọt ngào, khoái lạc, cứ buông lung, chẳng biết tiết chế, là vì lẽ nào? Ấy là vì trước đó, đã quên mất cái tâm đạo đức, ý niệm tà dâm bèn do nhân duyên mà dấy.

Đang độ tuổi thiếu niên khí huyết sôi nổi, đắm mến những thói phóng đãng vô lại, thường tiêu mòn tinh thần hữu dụng trong tay đàn bà, con gái, chẳng hề tiếc nuối! Thậm chí coi chuyện khoét vách, trèo tường là chuyện hay ho.

Ngủ lang nơi tiệm ả đào, cặp kè kỹ nữ, tự phụ là hạng phong lưu.

Thậm chí, đối trước vợ con nói bàn chuyện dâm dật, cợt nhả suồng sã trong chốn khuê phòng.

Vì lẽ này, gia phong bại hoại, kỷ cương, luân thường vùi lấp trong sắc dục[33], để tiếng xấu khắp trong ngoài, nhưng kẻ ấy vẫn ngỡ là vui, chẳng nghĩ là khổ! Cho tới khi chìm đắm đã sâu, tinh khô, tủy cạn, kẻ có chí khí do đó mà đọa lạc, tai mắt bởi đó mà lòa điếc, hình hài do đó mà còm cõi, nhân cách bởi đó mà thấp hèn.

Hết thảy các bệnh hư nhược, bại xụi lại thừa dịp đó mà sanh, đến nỗi một thân sự nghiệp vô cùng, hy vọng không chi to hơn, thảy đều tiêu tán, chẳng còn chi nữa! Rốt cuộc, mất mạng đang độ tuổi trung niên, ghi tên trong sổ quỷ.

Hoặc là chết chẳng yên thân, hại đến con cháu, thảy đều là do lỗi lầm chẳng biết tiết chế sắc dục! Đúng là đã coi sanh mạng như trò đùa vậy!* Con người đối với tiền tài, dẫu là mối lợi nhỏ nhặt vẫn so đo, tính toán trăm kế để tranh giành, đã cân nhắc thâu nhập để quyết định chi tiêu, vẫn sợ thiếu hụt.

Có kẻ nào ăn xài phung phí, chẳng biết chừng mực, [sẽ bị mọi người] chỉ trích là đứa phá của.

Ôi! Tiền bạc là thứ có được từ bên ngoài, vẫn trân trọng dường ấy.

Còn như tinh dịch đáng quý, chẳng được đặc biệt coi trọng như tiền tài.

Sự tàn hại của dâm dục chẳng hề nhỏ nhoi! Tiền của đã hết, ắt nghèo túng; tinh đã hết, ắt chết tươi! Thế mà cứ mặc lòng phóng túng dâm dục, chẳng biết tiếc nuối mảy may! Một mai tinh cạn, tủy khô, nước cạn, lửa hừng, thuốc thang vô hiệu! Hối hận thì đã muộn mất rồi! Ông Tô Đông Pha nói: “Chuyện gây tổn thương sanh mạng, chẳng phải chỉ có một, nhưng kẻ hiếu sắc ắt phải chết.

Thân con người dùng Thần để chế ngự Khí, Khí hóa thành Tinh.

Tinh thần sung mãn, tròn đầy, thân thể cường tráng, đủ sức làm chuyện lớn lao.

Nếu dâm dục vô độ, ắt tinh cạn, khí hao, Thần chẳng thể duy trì được, sẽ thành bệnh tật, chết sớm!” Hiểu nguyên do này, há chẳng thận trọng ư?* Thân thể, da, tóc, nhận lãnh từ cha mẹ, chẳng dám hủy hoại, tổn thương; đó là khởi đầu của lòng hiếu vậy.

Nói đến chuyện “hủy hoại, tổn thương”, há chỉ có nghĩa là gẫy tay, gẫy chân mà thôi? Giống như một cái cây quý mới mọc, trong lúc nó đâm chồi nẩy nở, ắt phải kiêng đẵn chặt, sáng bón, tối chăm.

Sau đấy, mới hòng nó tỏa rợp bóng.

Kẻ đương tuổi dậy thì, gân cốt vẫn chưa vững chắc, huyết khí chưa định, mà đã chôn vùi chân nguyên trước, đến nỗi hình thể khô khao, còm cõi, tinh hoa tiêu sạch, trăm thứ bệnh theo đó ồ ạt nẩy sanh.

Đối trước cảnh ấy, cha mẹ kinh hoảng, bối rối, bó tay, chẳng biết làm sao! Ở đây, tạm chẳng bàn đến chuyện âm chất thiếu khuyết, hiềm rằng tuổi thọ suy giảm là do tự mình gây tạo oan nghiệt, khiến cho song thân ngầm ôm nỗi đau vô bờ.

Cổ nhân mỗi bước đều chẳng dám quên cha mẹ, vì thân này là do cha mẹ lưu lại, há nên điếm nhục sự thanh bạch ư? [Hễ điếm nhục thân thể, thanh danh], sẽ là bất hiếu không chi to bằng!* Kẻ thiếu niên khinh bạc, đến nhà thân hữu, tự tiện dòm ngó nữ quyến của người ta, hoặc nghiêng tai nghe trộm.

Trên đường đi, gặp người nữ xinh tươi, dừng chân ngó sững, lẵng nhẵng theo đuôi, gạn hỏi tên họ.

Thậm chí, lấy chính những người mà chính mình đã được thấy nghe để mặc sức chòng ghẹo, bàn tán cùng đồng bọn.

Thử hỏi cái tâm ấy là cái tâm gì vậy? Ông Cừ Bá Ngọc chẳng lén lút làm chuyện xấu, Tư Mã Ôn Công suốt cả đời chẳng có chuyện gì không thể nói với người khác.

Vậy mà [những gã thiếu niên khinh bạc ấy] ngay trong lúc ban ngày, ban mặt, ở nơi mọi người dồn mắt trông vào, cứ ngạo nghễ bộc lộ thói xấu chẳng ngại ngần! Khinh bạc như thế, còn chẳng coi những vị đoan chánh ra gì, há chẳng khiến cho quỷ thần phẫn nộ ư? Nếu trong những kẻ quen biết, có hạng người như vậy, hãy nên sớm tuyệt giao, chớ nên thân cận với chúng nó một ngày nào!* Tất Trung bảo:– Thế giới hiện thời ngày càng tối tăm, ô trược! Thanh niên nam nữ ngày càng lắm kẻ bại hoại danh tiết, chôn vùi thân thể.

Suy xét nguyên cớ, đều bắt nguồn từ dâm thư và tranh ảnh dâm đãng gieo rắc nọc độc.

Trộm xét: Mấy thuở gần đây, những thứ dâm thư, dâm họa diễm tình mới ra lò chẳng thể đếm xiết! (Mỗi cuốn sách ra mắt, chẳng biết sẽ bán cho mấy trăm ngàn người! Những gã tác giả thường nói cho êm tai là “xé màn tăm tối”, chẳng biết đó là phương cách hướng dẫn, ươm ủ dâm đãng! [Chánh phủ] đã nhiều lượt nghiêm cấm dâm thư, có những kẻ bề ngoài tuân lệnh, [nhưng vẫn] ngấm ngầm bán ra, hết sức đáng than thở!) [Các thứ ấy] được xuất bản nhiều lượt, chẳng cùng tận, chỗ nào cũng thấy! Thiếu niên nam nữ, thấy mục lục các sách ấy được đăng tải, quảng cáo trong báo chí, đúng là muôn màu, muôn vẻ, mô tả hết sức tường tận, nẩy ý tò mò, mua về xem, chẳng tránh khỏi chuyền tay cho bạn bè cùng xem, đến nỗi mắt say, tâm mê, thần hồn điên đảo.

Đứa nhát gan sẽ chẳng dám dễ dãi thử mùi, nhưng thân thể đã vô hình bị hao tổn.

Đứa bạo phổi chẳng thể tự kiềm chế, nếu lỡ sa chân, [hệ lụy] nhỏ là thất nghiệp, thất học, hao tinh, tổn thần (ba thứ quý báu trong thân người chính là Tinh, Khí, Thần.

Nếu căn bản ấy bị mất đi, bệnh tật sẽ nẩy sanh, làm sao sống lâu cho được).

[Hệ lụy] to lớn là tan nhà, mất mạng, tuyệt dòng, đứt giống.

Cho đến lúc ấy, hối đã chẳng kịp!Phong khí dâm tà, tối tăm ở Thượng Hải vượt xa nơi khác.

Thử xem: Những nơi cất chứa những thứ dơ bẩn, ô uế, dẫn dắt con người sa hầm sụp hố, chỗ nào cũng có.

Tai mắt bị tiêm nhiễm, kẻ thường ngày ý chí kiên định, tự trọng, vẫn chẳng tránh khỏi bị bạn xấu lôi kéo mà sa ngã! Do vậy, tôi nói: “Sách dâm, tranh dâm, đúng là lưỡi dao sắc bén giết người!” Chỉ nguyện các em, các cháu thanh niên, những thiếu nữ khuê các, hễ gặp những dâm thư ấy, hãy xé bỏ, hủy diệt, đừng đọc.


Gặp những đứa bạn xấu, hãy nghỉ chơi, đừng gặp mặt.

Vẫn mong hãy răn nhắc lẫn nhau, đừng dấn thân vào nguy cơ sát nhân vô hình.Tôi nay đối trước giới xuất bản, giới sáng tác, dập đầu chín lạy, thưa: “Ai chẳng có con em? Ai chẳng có vợ con? Nỡ lòng để họ lọt vào chốn tối tăm, vây hãm trong tử vong, tuyệt dòng đứt dõi ư?” Tôi lại dập đầu chín lạy trước các vị hiệu trưởng, các vị gia trưởng, những vị kinh lý các nơi, thưa: “Mong các vị hãy chú trọng mọi lúc đều nghiêm ngặt giám sát, nhiều lượt khuyên dụ, khiến cho các em các cháu thanh niên thoát khỏi hắc ám, tránh khỏi tử vong”.

Thế nhưng nguyên tắc [trừ diệt dâm thư] vẫn thuộc về tay giới xuất bản, giới sáng tác hãy thực hiện đạo đức cao thượng trong nghề nghiệp.

Nếu chấp thuận ý kiến thiển cận của tôi, hãy phá hủy các bản in [sách dâm, tranh dâm], thôi viết [truyện dâm tình].

Tôi biết con em nam nữ của họ, ắt sẽ là những đại vĩ nhân, tài đức trọn đủ trong nước cộng hòa.Nếu như bảo “trong dâm thư ngầm nói đến quả báo ác, người xem sẽ có thể tự cảnh giác”; thử hỏi có sách nào mà không ngầm nói đến quả báo? Vì lẽ gì chỉ thấy kẻ đọc [dâm thư] trầm luân, chìm đắm? Tôi lại chắp tay, lạy lục những nhà văn viết chuyện diễm tình, những nhà mỹ thuật vẽ tranh khiêu dâm: “Các vị tài năng rạng rỡ, cầu gì chẳng được? Tội gì tự vấy bẩn mình, khiến cho danh tiếng lừng lẫy bị ảnh hưởng, dẫn dắt xã hội vào chỗ hắc ám, hãm nhân dân trong tử vong, đánh bạc với mối lợi nhỏ tí như đầu con ruồi?”Tuy lề thói hiện thời ít nói đến các thuyết âm chất, nhân quả, nhưng đối với ngũ kinh, tứ thư, các vị thông sáng xưa nay, ai nấy đều nêu tỏ, đề xướng.

Há vì thói đời hiện thời chẳng tin, bèn bác bỏ, cho là không có ư? Trong các ác nghiệp, dâm ác nặng nề nhất.

Khi còn sống, sẽ ngấm ngầm vướng lấy các thứ báo ứng giảm phước, tổn thọ, diệt tử tuyệt tôn.

Chết đi, linh hồn ắt vĩnh viễn hứng chịu đau khổ! Các đồng bào của tôi lẽ nào mắt trông thấy mà tâm chẳng kinh hoảng ư? Kính xin những bậc trưởng giả từ thiện đất Thượng Hải, nếu chẳng coi những lời thô lậu này là sai lầm, sẽ họp lại bàn bạc, trù tính thỏa đáng cách khuyên dạy.

Không chỉ là tạo phước cho một phương, mà phong thái đức hạnh ấy sẽ khiến cho mọi người khắp nơi đều noi theo, [như vậy thì] đồng bào trong thiên hạ đều được hưởng ân trạch.

Khôn ngăn thơm thảo, trăm lạy cầu khẩn!* Hoàng Hiếu Trực nói:– Sách Luận Ngữ chép: “Thiếu chi thời, huyết khí vị định, giới chi tại sắc.

Thánh nhân chi ư sắc, vô thời nhi bất giới dã” (Tuổi thiếu niên, huyết khí chưa định, phải kiêng sắc dục.

Đối với sắc, thánh nhân chẳng có lúc nào không răn dạy).

Lễ Ký chép: “Thứ nhân phi ngũ thập vô tử, bất thú thiếp, kỳ bất nhị sắc khả tri.

Nam tử tam thập nhi thú.

Kỳ bất tạp sắc khả tri.

Chư hầu bất thú cảnh nội.

Kỳ bất đoạt nhân chi thê khả tri.

Tiên vương dĩ phân chí nhật bế quan.

Kỳ thanh tâm quả dục khả tri” (Thường dân nếu chẳng đến năm mươi tuổi mà chưa có con, sẽ không cưới thiếp.

Có thể biết là họ chẳng mê hai vợ.

Đàn ông ba mươi tuổi bèn cưới vợ, có thể biết [cổ nhân] chẳng tham sắc.

Chư hầu chẳng lấy vợ trong lãnh thổ của chính mình, có thể biết là họ chẳng đoạt vợ của người khác.

Đế vương thuở trước bế quan vào các ngày Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân, Đông Chí, có thể biết tâm họ trong sạch, ít ham muốn).

Thế mà Khổng Tử đối với những chuyện này, nhất loạt chẳng nhắc tới, đặc biệt nêu ra chuyện “tuổi thiếu niên huyết khí chưa định” để răn dè sắc dục.

Đúng là Ngài đã coi trọng chuyện này, và cũng hết sức sợ [thiếu niên sẽ phạm sai lầm trong] chuyện này.

Bởi lẽ, kẻ đang tuổi mới lớn, giống như thảo mộc vừa bén chồi, trăm loài trùng còn đang ủ kén.

Trong lúc cỏ cây vừa mới nẩy lộc, liền vặt đứt mầm, chẳng có cây nào không khô héo.

Trăm loài trùng đang lúc ẩn trong kén, chợt xé toang ổ kén, không có con nào chẳng chết!Thánh nhân cảnh tỉnh thiếu niên, dạy chúng hãy tận lực khống chế cái tâm sắc dục, biết kiêng sợ, tự xót thương chính mình, nhằm gìn giữ, vun bồi tấm thân non nớt.

Tuổi thiếu niên mà có thể đối với cái ải sắc dục này, giữ vững vàng, cắt đứt lìa [mọi sự dụ dỗ, mê hoặc], mai sau [khi trưởng thành], nguyên thần chẳng thiếu hụt, hạo khí tràn ngập trời đất, như mặt trời rạng rỡ giữa ban ngày, có thể vận dụng tinh thần vào chuyện kinh bang tế thế, tạo nên sự nghiệp ngất trời.

Nhân phẩm chân thật, học vấn chân thật, đều do chuyện này mà ra.

Dẫu chẳng thành hạng có bản lãnh to lớn, ắt cũng nhất định hưởng hết tuổi trời, chẳng đến nỗi chết ngang trái.

Các thiếu niên hãy nên mạnh mẽ suy xét điều này!* Cha mẹ yêu con hết sức thiết tha! Từ bé, không ai là chẳng kềm cặp nghiêm ngặt.

Chỉ có điều là đối với đại sự sắc dục gây nên tổn thương thân thể, phần nhiều chẳng dạy dỗ sát sao, rành rẽ.

Xét đến nguyên nhân, đó là vì khi [con cái] chưa kết hôn, cứ nghĩ con em chưa hiểu biết, chẳng thể bảo rõ.

Tới khi con đã lập gia đình, lại cho rằng con đã trưởng thành, ngại ngùng trước mặt con dâu, chẳng thể nói trọn lời! Chẳng biết con em tuổi trẻ, chưa có kinh nghiệm từng trải sâu sắc! Đối với chuyện “xưa nay, những kẻ hiếu sắc ắt phải chết”, do chưa chính mắt trông thấy, chẳng tin tưởng cho lắm.

Chúng nó lại chẳng đọc kỹ lưỡng các sách khuyên xa lìa, kiêng kỵ sắc dục, lại còn nghe những lời lẽ hoang đường của lũ bạn tồi tệ, thường coi chuyện ăn nằm là lạc cảnh.

Do vậy, đến nỗi tổn thương thân thể, mạng vong! Do vì [lẽ này], kẻ không con nối dõi chẳng thể đếm xiết! Đúng là đáng thở dài, tuôn trào nước mắt!Kẻ làm cha mẹ, cần phải khi con em mười bốn tuổi, trước hết hãy ngấm ngầm quan sát động tĩnh, hiểu rõ những điều chúng nó ưa chuộng.

Nếu con trẻ đã hiểu biết, khi con em thay quần áo, hãy ngầm xem xét, coi xem có dấu vết di tinh hay không, để gấp rút viện dẫn lời cổ nhân huấn dụ, bảo ban rõ ràng, nói cặn kẽ cho con biết lẽ “hiếu sắc, ắt phải chết [yểu]”.


Dẫn chứng những kẻ do hiếu sắc đã chết, để con em tự biết kinh sợ, sẽ có thể gìn giữ, vun bồi tinh thần.

Nếu con đã có gia đình, càng cần phải chẳng ngại phiền toái, khéo léo chỉ bảo.

Cha bảo ban con trai, mẹ khuyên lơn dâu.

Hãy gấp dùng các sách dạy về xa lìa sắc dục, kiêng dâm, để giảng giải cho con dâu, khiến cho nó khuyên nhắc chồng trong chốn riêng tư.

Muôn phần đừng vì lười nhác nhất thời, cảm thấy ngại ngần, để rồi đau hận suốt đời!* Tai họa do dâm to lớn nhất.

Không chỉ riêng tà duyên (tà dâm), ngay như trong chuyện vợ chồng chung đụng, hễ hơi quá lố, hoặc khi ngủ một mình mà tơ tưởng chuyện sắc dục, đều đủ để mắc bệnh, mất mạng! Chẳng thể không răn dè! Sách vở Đạo gia có nói: “Nhân sanh dục niệm bất hưng, tắc tinh khí thư bố ngũ tạng, vinh vệ bách mạch.

Cập dục niệm nhất khởi, dục hỏa xí nhiên, hấp toát ngũ tạng, tinh tủy lưu dật, tùng Mạng Môn tuyên tiết nhi xuất.

Tức thượng vị tiết xuất, nhi dục tâm ký động, như dĩ liệt hỏa thiêu oa nội chi thủy, lập kiến tiêu kiệt.

Vị kỷ, tắc thủy càn nhi oa tạc hỹ” (Trong đời người, nếu chẳng dấy lên dục niệm, tinh khí sẽ phân bố trọn khắp ngũ tạng, nuôi dưỡng, nhuần thấm trăm mạch thông suốt.

Tới khi dục niệm vừa dấy lên, lửa dục bốc cháy hừng hực, khiến cho ngũ tạng co rút, tinh tủy tràn ra, từ Mạng Môn[34] tuôn trào, chảy ra.

Dẫu còn chưa tiết ra, nhưng do dục tâm đã dấy động, ví như dùng lửa mạnh để đun nước trong nồi, nước sẽ nhanh chóng khô cạn.

Chẳng mấy chốc, nước cạn khô, nồi vỡ toang).

Đấy chính là căn cứ thật sự chứng tỏ dục niệm gây tổn thương thân thể.

Tôi mong người đời có bệnh hãy tự chữa, chỉ cốt sao đoan chánh cái tâm, chú trọng lòng kính đó thôi!* Thiếu niên trong ngày tân hôn, dục niệm đang vượng.

Nếu chẳng biết chừng mực, sẽ thường là gieo họa căn chết chóc, rút ngắn tuổi thanh xuân của chính mình.

Chuyện này thật đáng đau đớn thay! Xưa kia có một nho sĩ, sau khi kết hôn đi thi, cảm thấy ngủ một mình khổ quá, [thi xong] chưa có kết quả đã vội quay về.

Một ngày đi hơn trăm dặm, canh hai về đến nhà.

Cha hắn giận dữ, mắng: “Ắt là mày sanh sự ở trong thành, cho nên sợ tai họa mà trốn về nhà”, sai người trói chặt, bỏ trong cái kho trống, lại quát tháo, [sai đầy tớ] kiếm gậy, bảo: “Ngày mai tao sẽ quật cho mày một trận tuốt xác”.

Sáng hôm sau, cha thong thả thức dậy, [bảo người hầu] cởi trói, cũng chẳng hỏi đến nữa.

Đứa con lúc mới về, hứng thú thật nồng nàn, chợt bị cha quở mắng, làm nhục, trằn trọc cả đêm.

Khi được thả ra, trọn chẳng hiểu ý cha.

Khi đó, có một người bạn, cùng về với anh ta, hôm sau chết ngắc.

Là vì đã đi trăm dặm, lại còn cùng vợ ân ái, bèn thoát tinh [mà chết], mới biết lý do cha trói mình lại.Cổ nhân bảo: “Sự thân giả, thuận ư vô hình, thính ư vô thanh” (Kẻ hiếu thuận biết phụng dưỡng cha mẹ, sẽ khéo quan sát thấu hiểu tâm tình trước khi cha mẹ chưa biểu lộ, chưa nói ra).

Do vậy biết: Cha mẹ yêu thương con, thật sự là có những lúc vượt ngoài biểu hiện, ngôn ngữ! Ôi! Trong vòng vợ chồng mà còn gặp nguy cơ như thế, huống hồ kẻ dan díu, cưỡng bức bên ngoài! Do bị kinh sợ chen lẫn, sẽ nguy hiểm gấp mười, gấp trăm lần.

Kẻ làm con biết điều này, sẽ thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, ắt sẽ được sống lâu, mạnh khỏe!* Hoàng Thư Vân nói:– Tà dâm là phàm đối với vợ con của kẻ khác, ta do tà tâm xâm phạm thì là tà dâm.

Dẫu đối với vợ của chính mình mà phạm nhằm chẳng phải lúc (khi vợ có kinh nguyệt, đang thai nghén, vừa mới sanh xong, đang cho con bú sữa, đang bị bệnh, trong ngày trai giới), chẳng phải chỗ (chẳng phải là nơi chốn để giao hợp), hoặc khi có mối quan hệ sanh tử đến thân mình hoặc vợ, hoặc nhằm ngày người lẫn thần đều cấm kỵ, hoặc đối với thân thể chẳng giao hợp theo đúng lẽ, hoặc [hành dâm] trong ngày đản sanh của thần thánh, đều là tà dâm.

Đối với kỹ nữ, họ do ác nghiệp đời trước đến nỗi phải đọa vào đó, hãy nên sanh lòng thương xót.

Lại ngược ngạo ưa chuộng kẻ hạ tiện ấy, mặc sức làm chuyện dâm uế.

[Do vậy, sẽ] tổn đức, chuốc lấy báo ứng, đúng là đáng kinh sợ! Nếu xâm phạm trẻ nhỏ, gian dâm gái trinh, dâm loạn bà góa, ô nhục ni tăng; đấy chính là hành vi chẳng bằng cầm thú, thần lẫn người đều căm ghét, luật trời chẳng dung, càng là tội ác to lớn cùng cực! Hãy nên mạnh mẽ tỉnh ngộ, run sợ, thận trọng, kiêng lánh, tự giữ thân, kiêng dè cẩn thận, đừng vi phạm.Lại có kẻ giao phối với cầm thú, rối loạn luân thường.

Loại hành vi chẳng nỡ nhắc tới đó, rốt cuộc vẫn có trường hợp xảy ra! Than ôi! Lòng người bại hoại đến mức cùng cực như thế đó! [Hạng người như vậy], há chỉ là đọa nhập cầm thú, lại còn gây hại cho con cháu.

Sách Cảm Ứng Thiên coi chuyện “thấy vẻ đẹp của người khác, dấy lòng riêng tư” là có tội.

Dấy lòng còn chẳng được, huống là thực hiện ư? Hoặc tập thành thói quen ư?Ôi! Cổ nhân có vị được người khác dâng gái mà chẳng nhận, thế mà ta tính toán trăm kế để đoạt được.

Cổ nhân có vị đêm thâu cự tuyệt kẻ dâm bôn, ta lại cưỡng bức, ô nhục [kẻ khác].

Cổ nhân có vị bỏ tiền ra mua thiếp, [khi biết người ấy đã là vợ kẻ khác] bèn trả lại cho chồng cô ta; thế mà ta tìm nhiều cách đoạt lấy! Cổ nhân có người bỏ tiền để giúp cho tớ gái lấy chồng, mà ta thì cậy thế gian dâm.

Cổ nhân có người chuộc kẻ làm nghề hạ tiện cho họ hoàn lương, mà ta còn thừa dịp họ gặp nguy khốn để hiếp đáp.

Cổ nhân có người bỏ tiền cho vợ chồng kẻ khác được đoàn tụ, mà ta lại ly gián để cướp đoạt.

Cổ nhân có người bỏ tiền giúp người khác cưới hỏi, ta lại âm hiểm phá hoại.

Ngấm ngầm thì [nạn nhân] nuốt nhục trong chốn khuê các.

Lộ chuyện ra, cả nhà [người ấy] mang nhục.

[Hậu quả] nhỏ thì cũng suốt đời thù hận, lớn thì sẽ trở thành nỗi lo về tánh mạng! Còn sống thì mắc oán với thần minh, cũng chẳng thể nhìn mặt chồng, cha mẹ, con cái của nạn nhân.

Chết đi, sẽ trầm luân trong ác đạo, liên tiếp đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Ta đã gây tội, đúng là không thể nào trốn được, mà niềm oán hận của kẻ ấy trọn không thể cởi gỡ, kéo dài đời đời kiếp kiếp, [tạo thành] nghiệp duyên lâu dài, con cháu phải hứng chịu báo ứng thảm khốc! Khoái lạc vỏn vẹn trong khoảnh khắc, tội chất chứa nhiều đời vô tận.

Toàn là do lầm nhận hoa đốm trong hư không, đắm chìm trong biển dục.

Nợ phong lưu oan nghiệt, sao nỡ kết thành? Cần phải hiểu thấu suốt, phải nín nhịn.

Nếu chẳng nhịn được, tức là vẫn chưa hiểu biết thấu suốt vậy!Vì thế, thấy vợ con người ta, hãy tưởng như gia đình, quyến thuộc của chính mình.

Tưởng người cao tuổi như mẹ, coi người lớn tuổi như chị, thấy kẻ nhỏ tuổi hơn như em, hoặc như con gái [của chính mình], ắt dâm tâm sẽ chẳng do đâu dấy lên được! Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Bồ Tát ư tự thê thường tự tri túc” (Bồ Tát đối với vợ của chính mình thường biết đủ).


Đối với vợ của chính mình, còn chẳng nên dâm dục quá độ, há còn dám dâm loạn vợ con kẻ khác ư? Sách Tốc Báo Lục chép: “Ta chẳng dâm vợ người, người khác chẳng dâm vợ ta”.

Sách Minh Luật ghi: “Kẻ gian dâm con gái người ta, sẽ bị báo ứng tuyệt tự.

Kẻ gian dâm vợ người khác, sẽ bị quả báo con cháu dâm dật”.

Đối với những vụ án tội lỗi xưa nay, hãy xem trong các sách như Giới Dâm Bảo Huấn, Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, đã ghi chú khá nhiều câu chuyện, chẳng đáng sợ ư?Cần biết: Sắc tướng vốn là Không, vẻ kiều diễm như huyễn.

Bình sơn phết rực rỡ đựng phân, túi gấm giấu đao.

Mỗi lúc rảnh rang trong phòng kín, đừng sanh vọng tưởng.

Dẫu cho các tà duyên tụ hợp, chớ táng tận lương tâm.

Chỉ dùng huệ lực để chiếu soi, giữ gìn chánh niệm.

Hãy nghĩ tới lương tri nơi tự tâm, rạng ngời ở nơi ta.

Quỷ thần trong hư không, giám sát ta nghiêm ngặt.

Trên đầu là Tam Đài Bắc Đẩu[35], chiếu rực trước mặt ta.

Táo Thần trong nhà, Tam Thi[36] trong thân, chằm chằm theo dõi ta.

Phước lạc nơi thiên đường, chớp mắt bèn có thể đạt tới.

Nỗi khổ trong địa ngục, hễ sảy chân sẽ sa vào.Hãy gò cương trước vách núi, quay đầu trong biển khổ.

Trong lúc muôn phần gian nan, mà tự giữ vững, giữ ý niệm “muôn phần chẳng thể phạm”.

Đối với bài văn dứt dục của Văn Xương Đế Quân, bài ca ngăn ngừa dâm của tổ sư Chung Ly[37], hãy nên học thuộc, tận lực gìn giữ, đừng tạo nghiệp phải giấu diếm, đừng làm chuyện bại hoại đạo đức, đừng coi đào hát là kẻ hèn hạ, mà càng phải thêm thương xót.

Đừng nghĩ tôi tớ là lũ thấp hèn rồi chẳng giữ trọn [đức hạnh của chính mình].

Đừng tiếp nhận [chung đụng] kẻ tự đến muốn ta làm chuyện dâm bôn với họ, để rồi phải sa thân vào lửa.

Chớ coi thê thiếp như cơm ăn trong nhà, cứ phóng túng tình dục đến nỗi sanh mạng bị thương tổn.

Đừng quên danh phận kẻ lớn người nhỏ, kẻo rối ren cương thường.

Chớ ô uế tịnh hạnh của ni tăng, kẻo chọc giận thần minh.

Chớ lẫn lộn ranh giới giữa người và cầm thú, kẻo kết duyên đeo lông.

Đừng đối với gia đình của kẻ oán cừu mà tiết hận nơi vợ con của họ.

Chớ xem những lời lẽ dâm đãng, những khúc nhạc hoặc văn chương đẫm mùi tình sắc, để khỏi khơi động tà tâm.

Chớ bàn sắc đẹp, tiếng dâm, kẻo mê hoặc ý niệm người khác.

Trừ kẻ tự phạm [lỗi tà dâm] ra, phàm những kẻ dẫn dụ con em nhà đàng hoàng trở thành dâm đãng, và kẻ thích bàn chuyện trai gái, biên soạn dâm thư, vẽ vời tranh ảnh dâm dật, khơi gợi những tình cảm thấp hèn của con người, nhằm dạy người khác tà dâm.

Người thấy kẻ nghe những thứ ấy, ắt sẽ muốn phạm vào tà dâm.

Kẻ hoan hỷ tán thành, sẽ giống như tự phạm!Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thập phương Như Lai, sắc mục hành dâm, đồng danh dục hỏa.

Bồ Tát kiến dục, như tỵ hỏa khanh.

Nhược bất đoạn dâm, tu Thiền Định giả, như chưng sa thạch, dục kỳ thành phạn, kinh bách thiên kiếp, chỉ danh nhiệt sa” (Mười phương Như Lai nhìn vào các chuyện hành dâm, đều gọi là lửa dục.

Bồ Tát thấy dục, bèn như tránh né hầm lửa.

Nếu kẻ tu Thiền Định mà chẳng đoạn dâm, sẽ như nấu cát đá mà mong nó biến thành cơm, trải trăm ngàn kiếp, chỉ gọi là “nung nóng cát”).

Nếu luận định theo sự thật, ắt sẽ chẳng cần thật sự làm chuyện [dâm tà] ấy, chỉ cần dấy lên một niệm, đã phạm tội đứng đầu trong muôn điều ác! Ấy là vì chân tánh thường hằng được Thượng Đế ban cho[38], nguyên mạng được nhận lãnh từ cha mẹ.

Thấy sắc đẹp, dấy lên dâm tâm, ắt khách (những ảnh hưởng bên ngoài) sẽ thay thế tánh thường hằng làm chủ.

Chân tánh do Thượng Đế ban tặng, ắt sẽ bị nhuốm bẩn một lần, đấy chính là đại bất trung (lòng trung xuất phát từ cái tâm chẳng thiên lệch, chẳng lừa dối.

Do dối mình, dối trời, cho nên là bất trung).

Những dụ hoặc bên ngoài lay động căn bản của nguyên mạng, [khiến cho] cái được lãnh nhận từ cha mẹ sẽ bị hao tổn một lần.

Đấy chính là đại bất hiếu.

Do vì tánh chẳng lìa mạng, mạng chẳng lìa tánh, mỗi lần dấy động dâm dục, sẽ là một lần hao tổn lý khí, tức là một lần mất đi tánh mạng, tức là một lần phạm phải tội ác đứng đầu!Ôi! Kẻ hồng nhan như bạch khuê[39] chưa nhuốm bẩn, mà sổ đen ghi tên gã thanh niên [phạm lỗi] đã tăng thêm! Do đó, bậc quân tử trước hết dùng chuyện chánh tâm để gạn trong cái nguồn; kế đó, dùng “ít ham muốn” để dưỡng đức ấy.

Há dám mặc tình buông lung dục vọng, trái trời, khinh miệt lý, để rồi đến nỗi hao phước, giảm lộc, đoản thọ, để lại họa ương ư? Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tà dâm chi tội, diệc linh chúng sanh đọa tam ác đạo.

Nhược sanh nhân trung, đắc nhị chủng quả báo.

Nhất giả, thê bất trinh lương.

Nhị giả, đắc bất tùy ý quyến thuộc” (Do tội tà dâm, cũng khiến cho chúng sanh đọa vào ba đường ác.

Nếu sanh trong loài người, sẽ bị hai thứ quả báo.

Một là vợ chẳng trinh lương, hai là chẳng được quyến thuộc như ý).

[Châu Hy chú giải] sách Luận Ngữ đã viết: “Thế thượng vô như nhân dục hiểm, kỷ nhân năng bất ngộ bình sanh” (Trên cõi đời chẳng có gì nguy hiểm bằng dục vọng của con người, có mấy ai có thể chẳng vì chuyện đó mà lầm lỡ cả một đời), đáng buồn thay!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận