Thọ Khang Bảo Giám


Họa dâm án(Những chuyện mắc họa vì dâm)* Lý Đăng đỗ Giải Nguyên[84] lúc mười tám tuổi.

Về sau, đến tuổi năm mươi, vẫn chẳng đỗ Tiến Sĩ.

Đến chỗ Diệp pháp sư để nhờ Sư hỏi nguyên nhân.

Sư thưa hỏi Văn Xương Đế Quân.

Đế Quân sai thư lại cầm sổ đến, chỉ rõ: “Khi Lý Đăng sanh ra, được Thượng Đế ban ấn ngọc, [định rằng] mười tám tuổi đậu Giải Nguyên, mười chín tuổi sẽ đỗ Trạng Nguyên.

Hai mươi tuổi sẽ làm Hữu Thừa Tướng.

Chỉ vì sau khi thi đỗ [Giải Nguyên], ngấm ngầm dòm ngó [chòng ghẹo] gái hàng xóm.

Tuy [chuyện tà hạnh] không thành công, lại ngược ngạo [kiếm cớ cáo giác], khiến cho cha cô ta bị tù.

Do chuyện này, công danh bị chậm trễ mười năm, thứ hạng [từ Trạng Nguyên] bị giáng xuống hàng Nhị Giáp.

Kế đó, lại lấn chiếm nền nhà của anh mình, dẫn tới chuyện kiện cáo.

[Công danh] lại bị chậm trễ mười năm, thứ bậc đỗ đạt giáng xuống Tam Giáp.

Sau đó, trong khách điếm tại Trường An, lại làm chuyện dâm bôn với một người đàn bà nhà lành, [công danh] lại bị chậm trễ mười năm.

Nay lại lén lút tằng tịu với con gái nhà hàng xóm, làm ác chẳng hối cải, tài lộc hoàn toàn bị tước sạch, sắp tới hạn kỳ chết rồi!” Sư trở về thuật lại, ông Đăng xấu hổ, hối hận mà chết.Nhận định: Lý Đăng đáng gọi là “kẻ tự chế tạo gông cùm lặp đi lặp lại” vậy.

Nếu sớm sanh lòng hối hận, tu đức để chuộc oan khiên, ắt sẽ đậu Trạng Nguyên, làm Tể Tướng, có thể trả lại ngọc bích cho nước Triệu[85].

Nếu chẳng vậy, lỡ làm quấy một lần, về sau chẳng tái phạm nữa, ắt đối với chuyện đỗ đạt hiển vinh, hãy còn được hưởng một nửa.

[Trạng Nguyên, Tể Tướng] là do trời đất vun bồi, do tổ tông tích lũy [âm đức], nay vì một mình ông ta [làm quấy mà bị] tước sạch! Phụ bạc [ân đức của trời đất, tổ tiên] quá đỗi!Lại nữa, thú vui dâm tà so với khoa bảng chẳng bằng một phần vạn; thế mà đem đổi sự phú quý suốt cả một đời bằng niềm vui sướng trong chốc lát, há cũng chẳng phải là quá sức ngu muội ư! Ôi! Người đỗ Trạng Nguyên sẽ làm Tể Tướng, trong mấy trăm năm chỉ thấy một, hai người! Do tạo chuyện oan nghiệt ấy, mất sạch chẳng còn sót gì! Huống hồ vận mạng của người khác chẳng bằng một phần vạn Lý Đăng mà cùng tạo nghiệp giống như ông ta, tôi sợ rằng vị thần chưởng quản tài lộc chưa chắc đã chỉ phạt thứ bậc đỗ đạt thấp hơn, lại còn kéo dài thời hạn để mong ông ta sửa đổi! Nguy hiểm lắm thay! Những kẻ tài cao học rộng trong hiện thời, đến tận tuổi già vẫn nghèo túng, khốn đốn, hãy nên tự xét những chuyện đã làm để xem có phải là đã phạm vào loại tội nghiệt này hay chăng?* Từ sinh là con cháu nhà quan, tuổi trẻ đã nổi tiếng có tài, do lén lút ngấp nghé sắc đẹp của gái hàng xóm, bèn dụ vợ mua chuộc để chèo kéo cô ta đến nhà thêu thùa, khiến cho cô ta thường qua lại.

Một hôm, sau khi Từ sinh đã nấp dưới gầm giường, vợ giả vờ ra ngoài trông coi bếp núc.

Từ sinh cưỡng gian cô ta.

Chuyện lộ ra.

Cha mẹ cô gái ấy ép cô ta tự tử.

Sau đấy, mỗi lần Từ sinh vào trường thi, đều thấy cô gái ấy mặc quần áo dính máu đi đến, chẳng hề thi đậu.

Về sau, bị loạn quân giết chết!* Trương Minh Tam theo cha đến chỗ trấn nhậm ở vùng Quỳnh Nhai[86], thông gian với hai cô con gái viên quan Chỉ Huy Sứ gần đó, lén mang hai cô gái vượt biển.

Cha họ gấp rút đuổi theo, Minh Tam hết cách, đẩy hai cô xuống nước cho chết đuối.

Mười năm sau, Minh Tam bị đau thắt lưng, đón thầy thuốc họ Tôn đến chữa trị.

Bệnh hơi bớt, tối hôm ấy, ông Tôn mộng thấy hai cô gái lôi ông ta xuống nước, bảo: “Thiếp vốn là người Quỳnh Nhai, đến đòi mạng họ Trương, cớ sao ông ngăn trở chúng tôi báo thù?” Ông Tôn kinh hãi, tỉnh giấc, kể lại với Minh Tam.

Minh Tam đấm ngực than thở: “Oan nghiệt đã tới rồi! Ta nguy mất rồi!” Một tháng sau bèn chết!* Lưu Nghiêu Cử ở huyện Long Thư thuê một chiếc thuyền chở mình đi thi.

Chủ thuyền có một cô con gái, họ Lưu mấy lượt ve vãn, nhưng không có dịp nào ra tay.

Tới vòng thi thứ hai, họ Lưu ra khỏi trường thi rất sớm, nhằm đúng lúc chủ thuyền vào chợ mua bán, bèn thông dâm với cô gái ấy.

Đêm hôm ấy, cha mẹ của ông Lưu mộng thấy thần bảo: “Cậu nhà lẽ ra đỗ đầu, nhưng vì làm chuyện bất nghĩa, bảng trời đã xóa tên rồi!” Đến khi yết bảng, mới biết quan chủ khảo vốn đã tính lấy họ Lưu đỗ đầu, nhưng do thấy [bài văn có chỗ] phạm trường quy bèn loại bỏ.

Họ Lưu hết sức hối hận; sau đấy, suốt đời chẳng đỗ đạt gì!* Ở huyện Thường Thục có một tay viên ngoại lang họ Tiền, cậy vào tiền tài, thế lực, ức hiếp kẻ khác.

Trong làng, có một phụ nữ xinh đẹp, nhà nghèo, họ Tiền bèn cho chồng cô ta mượn tiền để buôn vải ở Lâm Thanh hòng nhờ dịp đó, tư thông với người vợ.

Một hôm, chồng cô ta ra khỏi cửa, do thủy triều cạn, không thể đi được, lại quay về, thấy họ Tiền đang ôm vợ mình, chè chén khoái trá.

Chồng vừa thẹn vừa giận, quay về thuyền.

Họ Tiền ngầm mưu tính với vợ anh ta, đến đêm sai người giả làm cướp giết chết.

Họ hàng biết chuyện, thưa lên quan.

Đã nhận tội rồi, họ Tiền lại rải tiền bạc để chạy chọt, thoát khỏi xử phạt.


Vừa ra tới cửa thành, bỗng dưng giông tố ùa tới, hai kẻ đó đều bị sét đánh chết tươi!Nhận định: Đã dâm vợ lại còn giết chồng, thiên lý khó dung, oan hồn chẳng nguôi cừu hận được! Vì thế, tuy con người mưu mô xảo quyệt, trời lẫn thần đều báo ứng.

Thử xem hạng người như vậy mà được bình yên không bị báo ứng, trăm kẻ chẳng được một, cũng chẳng khác gì vung đao tự giết mình vậy!* Đời Minh, Lục Trọng Tích sanh ra đã có tài lạ.

Khi mười bảy tuổi, theo thầy là ông Khâu lên sống ở kinh đô.

Nhà đối diện có một cô gái rất đẹp.

Hai người lén ngấp nghé nhau, đều động tâm.

Thầy xui: “Thành Hoàng ở kinh đô thiêng nhất, ngươi hãy thử cầu khẩn, may ra được thỏa nguyện”, bèn đến cầu khấn.

Đêm ấy, chàng Lục mộng thấy mình và thầy đều bị Thành Hoàng truy bắt, quở trách nặng nề.

[Thành Hoàng] sai thuộc hạ tra xét tài lộc, địa vị.

Kiểm sổ sách, thấy dưới tên họ Lục có ghi chú: “Đỗ Trạng Nguyên năm Giáp Tuất”, còn dưới tên họ Khâu chẳng có gì hết.

Thần bảo: “Ta sẽ tấu sớ lên Thượng Đế, gạt bỏ tên ngươi khỏi sổ, rút ruột họ Khâu”.

Vừa mới tỉnh mộng, thằng hầu trong quán trọ gõ cửa, báo tin: “Khâu tiên sinh bị nghẽn ruột, sa đì chết mất rồi”.

Sau này, Trọng Tích nghèo hèn suốt đời!* Đời Thanh, huyện lệnh huyện Túc Tùng là Châu Duy Cao, làm giám khảo trường thi khoa Kỷ Dậu ở Giang Nam, chấm đậu một quyển bài thi.

Đến đêm, nằm mộng, thấy có người nói: “Người này ẩn giấu điều ác, chẳng thể cho đậu được!” Dùng tay viết một chữ Dâm cho ông Châu thấy.

Hỏi tường tận nguyên cớ, người ấy không đáp.

Hôm sau, ông Châu quên bẵng giấc mộng trên đây, đem quyển văn ấy trình lên.

Quan chủ khảo hết sức tán thưởng ý tứ mới lạ.

[Quan chủ khảo] bỗng lấy bút xóa đi hai chữ “hiểm trở” trong bài văn.

Ông Châu bẩm: “Trong quyển bài thi, những chữ giống như vậy không ít, có lẽ chẳng nên xóa đi”.

Quan chủ khảo cũng hối tiếc, bảo ông Châu tẩy nét đã gạch xóa.

Đến khi xóa vết gạch bỏ, dấu mực đã thấm xuống mấy tầng giấy.

Ông bỗng nhớ lại giấc mộng trước đó, bèn loại bỏ bài văn đó.

Nhưng rốt cuộc ông Châu vẫn yêu mến bài văn ấy, đặc biệt giữ lại bài viết ấy, nhưng không biết tên họ [người viết bài ấy].

Viên giám khảo thuộc phòng ông Châu[87] là Ngô Lý Thanh đã kể chuyện này.* Trương Bảo làm tri phủ ở Thành Đô, thấy vợ của Lý Úy ở Hoa Dương xinh đẹp, muốn tư thông.

Khéo sao, Lý Úy do tham ô bị bại lộ; ông Bảo thừa cơ đàn hặc, khiến cho ông Lý bị đày xuống Lãnh Nam.

Ông ta chết trên đường đi.

Ông Bảo mua chuộc mẹ Lý Úy để xin cưới, hết sức vui thú.

Bỗng dưng vợ bị bệnh, thấy Lý Úy đứng bên cạnh, bèn chết.

Ông Bảo cũng nhiễm bệnh, mộng thấy vợ nói: “Lý Úy đã thưa lên Thượng Đế, sẽ bắt ông trong sớm tối, hãy nên ẩn nấp cho kín”.

Trương Bảo tỉnh giấc, ghi nhớ trong lòng.

Một tối đang ngồi, thấy trước dinh có người mặc áo, có tay áo màu hồng vẫy gọi.

Ông ta nghĩ là vợ của Lý Úy bèn vội vàng chạy tới, thì ra Lý Úy.

Lý Úy ôm chặt Trương Bảo đấm đá, [Trương Bảo] miệng mũi đều xuất huyết mà chết.* Đời Thanh, tường sanh họ Uông ở Phượng Dương, trong nhà có một cái ao nhỏ trồng sen, còn chưa trổ hoa.

Năm Kỷ Dậu (1669) thời Khang Hy, khi sắp đi thi, bỗng thấy trong ao nở một cặp hoa sen chung cuống.

Cha mẹ hết sức vui mừng.

Ban đêm, chàng Uông dùng rượu quyến rũ, nài ép đứa tớ gái, vợ chẳng ngăn cản, bèn tư thông với nó.

Sáng dậy, nhìn hoa đã thấy gãy nát.


Cha mẹ hết sức tiếc hận.

Uông sinh mộng thấy yết kiến Văn Xương [Đế Quân], thấy tên mình được ghi trên bảng trời, bỗng bị Đế Quân gạch bỏ.

Ứa nước mắt lạy lục, van nài, ba lượt bị gạt xuống.

Trong tâm biết là chuyện chẳng lành, [nhưng kỳ thi đã tới bèn] gấp rút lên đường.

Khi ấy, quan giám khảo Giản Văn Tông chấm bài rất công bằng.

Theo hạn ngạch từ trước, phủ Phượng Dương được chọn đậu ba người, tham dự kỳ thi lần này chỉ có ba người, riêng mình chàng Uông thi rớt! Thi cả ba lần đều trượt, ứa nước mắt trở về.* Đời Minh, tường sanh họ Vương ở ấp Ngọc Sơn lấy vợ ngay trong lúc còn làm đám tang cho mẹ.

Ước định hết kỳ cúng thất sẽ làm lễ động phòng.

Chàng Vương ngủ bên linh cữu, còn vợ ngủ trong phòng.

Ban đêm, nghe tiếng gõ cửa, đứa tớ gái thưa “chàng rể đã tới”, vợ rước vào, cùng ngủ với nhau.

Nghe trống điểm canh năm, [người ấy] bèn rời đi, bảo: “Sợ người ngoài biết, trách tội ta bất hiếu”.

Được mấy hôm, [người ấy] lại hỏi đến của hồi môn.

Vợ đáp: “Ngoài quần áo sắp sẵn mang theo, còn có tám mươi lạng bạc, cùng với trâm vàng, bông tai đều đặt trong chiếc rương nhỏ”.

Trống canh năm vừa điểm, người ấy bèn ôm đi, không giao trả lại.

Đợi đến lúc hết thất, chàng Vương bày tiệc rượu làm lễ thành hôn, nói chuyện với nhau, vợ mới biết đã bị kẻ giặc lừa gạt, giậm chân, đau đớn khóc rống, thề chẳng muốn sống nữa.

Trở về thưa chuyện cùng cha mẹ rồi treo cổ chết.

Tới khi an táng, chàng Vương đưa quan tài tới mộ, bỗng sấm chớp giao nhau giáng xuống, chụp lấy một người đưa tới quỳ trước quan tài, thì ra là anh họ của chàng Vương, hai tay ôm vòng vàng và bạc trắng, vẫn quỳ tuy đã bị sét đánh chết, thi thể tả tơi.

Cả ấp kinh hãi.

Đấy là chuyện xảy ra vào năm Chánh Đức thứ chín (1514)[88].* Trong niên hiệu Thuận Trị đời Thanh, có người họ Tiền ở huyện Gia Hưng, khi chưa đi thi, ngồi dạy học tại nhà của một người nọ là dân trong làng.

[Người ấy] có cô con gái mười bảy tuổi.

Nhằm lễ Thanh Minh, cả nhà đều đi tảo mộ, cúng bái, chỉ để cô ta ở lại trông nhà.

Họ Tiền bèn lén lút tằng tịu với cô ta.

Về sau, bụng cô to dần.

Cha mẹ cật vấn, cô ta bèn thú thật.

Cha mẹ cô thấy họ Tiền còn chưa cưới, muốn gả tống gả tháo cô gái ấy đi để bưng bít chuyện xấu ấy; do vậy, tìm đến họ Tiền để bàn bạc cặn kẽ.

Họ Tiền cố ý ra vẻ giận dữ, bảo: “Con gái mấy người không ra gì, muốn làm nhục kẻ khác hả?” Cha mẹ cô ta căm phẫn, quay lại chửi bới cô.

Cô gái ấy bèn treo cổ tự tử.

Về sau, họ Tiền thường mộng thấy cô ta ôm con đứng trước mặt.

Sau khi thi đậu, làm quan coi án ở Giang Ninh.

Khi đó, do vùng Trấn Giang biến loạn, [quan trên] giao những kẻ theo giặc làm loạn cho họ Tiền thẩm tra.

[Về sau], triều đình do xét thấy họ Tiền ăn hối lộ [tha bổng cho những kẻ phản loạn đó], phán họ Tiền chịu án treo cổ.

Ngay trong ngày [triều đình] xuống lệnh thi hành án, họ Tiền lại mộng thấy cô gái ấy dùng mảnh khăn hồng buộc cổ anh ta.

Ngày hôm sau, họ Tiền liền bị tử hình.* Thư sinh nọ ở Sơn Đông, đêm trước ngày vào trường thi, đứa đầy tớ bỗng chết, bèn tạm để xác nó trong một căn phòng.

Đến khi anh ta ra khỏi trường thi, đứa đầy tớ đã tỉnh lại, kể: “Hôm qua, tôi theo chủ nhân vào trường thi, nghe nói gia chủ đã được ghi tên đỗ hạng mấy.

Lại thấy [trước lều thi của] những người thi đỗ đều có cờ hồng, gia chủ cũng có”.


Thư sinh hết sức mừng rỡ.

Đứa đầy tớ xin gia chủ sau khi thi đỗ, sẽ cưới vợ cho nó.

Thư sinh nói: “Tao sẽ cưới cho mày đứa con gái ở nhà đối diện, có được hay không?” Đứa đầy tớ khiêm nhượng, thưa: “Không dám”.

Thư sinh nói: “Sau khi tao đã đậu, còn sợ gì họ chẳng dâng lên chứ?” Trong vòng thi thứ nhất, đứa đầy tớ lại chết, khi sống lại, sắc mặt lộ vẻ giận, nói: “Chủ nhân không đậu nổi đâu!” Thư sinh kinh hãi, hỏi nguyên cớ.

Đầy tớ thưa: “Tôi thấy quan phủ điểm danh tới tên chủ nhân, bỗng nói: ‘Gã ấy chưa đậu mà đã ngấp nghé tạo ác!’ Sai người sửa lại, thay tên họ Triệu vào! Trước tên của chủ nhân đã không thấy có cờ hồng nữa”.

Thư sinh nửa tin, nửa ngờ.

Khi yết bảng, quả nhiên họ Triệu đỗ hạng thứ mấy [đúng như lời đứa đầy tớ đã nói].

[Về sau, hỏi ra mới biết] khi các vị giám khảo thâu nhận quyển văn trình lên chủ khảo, bảy bài văn sách của chàng thư sinh ấy đều trọn vẹn.

Nào ngờ khi chấm bài, các quyển văn của chàng ta trong vòng thi thứ ba đều bị tàn lửa đèn đốt mất nửa trang, không thể trình lên chánh chủ khảo được.

Do vậy, bèn lấy những quyển lạc đề của chàng bù vào.

Chàng thư sinh ấy buồn rầu, hối hận chẳng thôi! Chuyện này do chính tiên sinh Tống Lệ Thường ở Lai Dương kể lại, do ông ta cùng làng với chàng thư sinh ấy, nên không nói rõ tên.* Đời Minh, có tiệm nhuộm ở huyện Nghi Hưng, [chủ nhân là] một góa phụ xinh đẹp tột bậc.

Gã lái buôn gỗ trông thấy bèn yêu mến, dụ dỗ đủ kiểu, rốt cuộc vẫn không thể chinh phục được.

Vì thế, lập mưu ban đêm quăng mấy cây gỗ vào nhà bà ta.

Hôm sau, thưa bà ta can tội trộm cắp.

Lại hối lộ quan lại trên dưới, khiến cho bà ta hết sức khốn quẫn, nhục nhã, mong bà ta sẽ phải theo mình.

Trong nhà, bà ta thành kính thờ Triệu Huyền Đàn[89], bèn khóc lóc bẩm cáo.

Đến đêm, mộng thấy thần dạy: “Đã sai hắc hổ rồi!” Không đầy mấy ngày, gã thương gia vào núi mua gỗ, từ trong rừng cây, một con cọp đen xông ra, cắn đứt đầu đem đi!* Đời Thanh, tường sanh họ Chi ở Gia Thiện, đi thi Hương vào mùa Thu năm Kỷ Dậu (1669) triều Khang Hy trở về, nói với người bạn họ Cố: “Tôi thần hồn hoảng hốt, dường như bị quỷ quấy nhiễu, muốn cậy vị Tăng nọ để sám hối oan nghiệt xưa kia”.

Ông Cố nói “rất nên”, mời vị Tăng cùng đến thăm ông Chi.

Ông Chi chợt phát cuồng, nói: “Ta ngậm oan ba đời, nay mới hại được ngươi!” Vị tăng hỏi: “Có thù hận gì?” Trả lời: “Đời trước ta là thuộc tướng của nó, nó là chủ tướng.

Nó thuộc họ Diêu là họ có công lao hiển hách trong triều.

Nó thấy vợ ta trẻ tuổi, xinh đẹp, sai ta đem quân xuất chinh, bị vây hãm trong tử địa để mưu chiếm đoạt vợ ta.

Vợ tự vẫn.

Một nhà cốt nhục chia lìa.

Sau đó, nó chết vì chuyện trung nghĩa, ta chưa thể báo thù được.

Đời sau đó, nó là bậc cao tăng, lại chẳng báo thù được.

Đời thứ ba nó làm Tể Tướng, tận hết trách nhiệm, thần phước lộc bảo vệ nó, ta vẫn không trả thù được! Đời này, lẽ ra nó đỗ đạt.

[Đời này] ta đã đợi suốt ba mươi năm, do gần đây nó phạm dâm nghiệp, bị xóa tên trong sổ Văn Xương, nên ta mới ra tay được”.

Khi nói, căm hận, giận dữ không thôi.

Ông Cố bảo: “Oán hãy nên cởi, chớ nên buộc”.

Oan hồn đáp: “Nỗi hận của ta khó thể giải trừ được! Chẳng thể dung tha nó”.

Rốt cuộc, ông Chi điên cuồng mà chết.* Thư sinh nọ ở Quý Châu đi thi nhiều lần chẳng đậu, cầu khẩn Trương chân nhân dâng sớ xin xem thiên bảng.

Thần phê rằng: “Mạng người này đáng lẽ đỗ đạt, do lén lút với người thím nên bị gạt bỏ”.

[Trương chân nhân] xuất định nói với thư sinh ấy.

Thư sinh bảo không có chuyện đó, bèn dâng điệp biện bạch.

Thần lại phê rằng: “Tuy chẳng có chuyện ấy, nhưng thật sự có cái tâm ấy”.

Thư sinh hối hận chẳng kịp, ấy là vì thuở trẻ, thấy bà thím xinh đẹp, ngẫu nhiên dấy động một niệm mà ra!* Nghiêm Vũ thuở trẻ có hàng xóm là một vị tướng lãnh trong quân đội.

Họ Nghiêm lén thấy con gái ông ta xinh đẹp, bèn dùng trăm kế dụ dỗ theo mình bỏ trốn.

Vị tướng quân vào cung tâu lên vua.

Vua hạ chiếu truy bắt họ.

Nghiêm Vũ sợ tội, thắt cổ cho nàng ta chết để hủy diệt tung tích.

Đến khi mắc bệnh ở đất Thục (Tứ Xuyên), thấy cô ta đến đòi mạng, bảo: “Thiếp tuy mất nết, chẳng hề phụ chàng.

Thế mà bị chàng giết chết, đúng là kẻ tàn nhẫn.


Thiếp đã tố cáo lên Thượng Đế, kỳ hạn là ngày mai!” Quả nhiên, rạng đông hôm sau, họ Nghiêm chết ngắc!* Ở đất Giang Ninh có một sai dịch họ Lưu.

Có một phạm nhân mắc tội ngồi tù, cần phải dùng hơn mười lạng bạc để chuộc tội thì mới được thả về.

Phạm nhân cậy họ Lưu đến nhà mình bảo vợ bán con gái để chuộc tội.

Họ Lưu liền đến bàn bạc với vợ người ấy.

Do bà vợ khá xinh đẹp, họ Lưu muốn gian dâm.

Bà vợ vì thấy tánh mạng của chồng cần phải nhờ cậy gã này che chở, nên miễn cưỡng thuận theo.

Sau đó, bán con gái được hai mươi lạng bạc, giao hết cho họ Lưu làm chi phí chuộc tội.

Họ Lưu cầm tiền tự xài, chẳng giao nạp.

Người vợ cứ nghĩ bạc đã nộp cho quan, chắc không lâu chồng sẽ trở về.

Đợi mấy hôm, chẳng có tin tức gì, bèn cậy một người trong họ dò hỏi, nhân đó, [người ấy] kể rõ nguyên do với phạm nhân.

Phạm nhân biết chuyện, gào khóc rồi chết.

Mười ngày sau, sai dịch họ Lưu hết rét lại sốt, tự nói: “Người đó đã kiện ta lên thần Đông Nhạc, tức khắc phải bị thẩm tra”.

Sau đấy, nằm gục xuống chiếu, rên siết ai oán, tự nói: “Đáng chết!” Rồi lại nói: “Do ta quen nói dối, phải dùng móc sắt kéo lưỡi”.

Trong khoảnh khắc, lưỡi thè ra mấy tấc, tự cắn cho tan nát, huyết nhục đầm đìa mà chết.* Họ Dương ở Túc Tùng là người có tiếng tăm trong trường, thờ phụng Quan Đế hết sức thành kính.

Ban đêm, mộng thấy Quan Đế ban cho cái ấn vuông, bèn nghĩ ắt sẽ thi đỗ.

Sau đó, ở dưới lầu, gian dâm con gái nhà lành.

Vào trường thi xong, trở về nhà, lại mộng thấy Quan Đế đòi lại ấn.

Họ Dương nói: “Ấn đã cho tôi rồi, sao lại đòi lấy?” Quan Đế nói: “Không chỉ là đòi ấn, mà còn đòi mạng mày nữa! Chuyện dưới lầu đó, vào tháng đó, mày an lòng chưa?” Chưa đầy một tháng, cha con bọn họ đều chết ráo!* Trong niên hiệu Chánh Đức đời Minh, Phù tú tài ở Tứ Minh sau khi đã chết, báo mộng cho con: “Khi còn sống, ta đã phạm luật cấm về gian dâm.

Ngày mai sẽ đầu thai làm con chó trong nhà Tạ ngũ lang ở phía Nam thành, hãy mau gấp làm chuyện lành, sám hối cho ta”.

Nói xong, một con quỷ buộc cổ lôi đi.

Một quỷ tốt khác lấy tấm da trắng phủ lên đầu ông ta.

Ông ta khóc lóc bi thương, tập tễnh ra đi.

Đứa con kinh hãi tỉnh mộng.

Ngày hôm sau, nhà họ Tạ quả nhiên có một con chó được sanh ra, toàn thân trắng muốt.

Đứa con xin đổi lấy đem về nhà, vì cha rộng làm các việc lành.

Năm sáu năm sau, chó bỏ ăn mà chết.

Hơn tháng sau, đứa a hoàn bé trong nhà, bỗng ngồi giữa nhà, nói to, giống như dáng vẻ của Phù tú tài, gọi người nhà đến bảo: “Ta thật sự chưa từng phạm dâm.

Do lúc mười tám tuổi, đi qua phòng chị dâu.

Chị dâu vừa mới rửa sạch trang điểm, làm rớt cái nhẫn xuống đất, sai ta nhặt lên.

Do vậy, ta hứng tình.

Về sau, [chị dâu] lại thường cùng ta cười nói, suýt nữa phá sạch lễ nghĩa! Rốt cuộc chị dâu bị bệnh chết, ta cảm thấy tinh thần rối loạn.

Năm sau cũng chết.

Sau khi chết, có quỷ trói dẫn đến dưới sân một tòa quan phủ, hai tay chống xuống đất, đã thành hình dạng chó.

Nay nhờ ngươi làm việc thiện có công, đã sám trừ sạch nỗi oan nghiệt trước kia, sẽ sanh làm con thứ năm trong nhà thầy lang họ Triệu ở Sơn Đông.

Ta trở về nhà từ biệt”.

Nói xong, đứa tiểu a hoàn ngã lăn ra đất, tỉnh lại.* Họ Lữ ở Vân Gian là con nhà thế gia, mặc sức dâm dục.

Tớ gái, gia nhân đều bị ông ta thường ô nhục đến nỗi ngã bệnh.

Về sau, con cái trai gái đều chết sạch.

Vì chuyện trong giới quan trường mà bị tan nhà nát cửa, nhiều lần bị hạ ngục, tra tấn.

Tuổi trung niên chịu đủ mọi nỗi khốn khổ tột bậc, lạnh không có áo, đói chẳng có ăn, nhà không có được cái nóc rách, bệnh tật không có người chăm sóc.

Đến lúc chết, quan tài lẫn vải liệm đều không có, giòi bọ khắp thân, người trông thấy không ai chẳng kinh sợ!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận